Banner background

Personalized learning - Xây dựng sự tự tin thông qua học tập cá nhân hóa

Bài viết nghiên cứu về việc xây dựng sự tự tin cho người học thông qua phương pháp học tập cá nhân hóa. Thông qua tổng hợp và phân tích, bài viết sẽ trình bày tác động của mô hình học tập cá nhân hóa lên sự tự tin trong học tập từ đó cung cấp các bước giúp áp dụng phương pháp học tập cá nhân hóa nhằm thúc đẩy sự tự tin của học viên.
personalized learning xay dung su tu tin thong qua hoc tap ca nhan hoa

Trong xã hội hiện nay, khi giáo dục đã và đang trở thành một yếu tố cốt lõi để phát triển cá nhân và toàn xã hội, việc tìm kiếm những phương pháp dạy và học mang tính hiệu quả cao là cần thiết hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh giáo dục hiện tại, hàng loạt các phương pháp học mới ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng và chuyên sâu của học sinh. 

Một trong các phương pháp học được biết đến gần đây có thể nhắc đến mô hình học tập cá nhân hóa (PL - Personalized Learning). Học tập cá nhân hóa được là một phương pháp học hiện đại và hiệu quả nhằm mục đích tối ưu hóa quá trình học tập theo tiến độ và phương pháp của từng học sinh, từ đó có thể nâng cao sự tự tin và động lực học tập của mỗi cá nhân. Bài viết này sẽ tập trung phân tích cách học tập cá nhân hóa có thể giúp xây dựng sự tự tin cho viên, cụ thể là các học viên có trình độ cao. 

Key takeaways

  • Học tập cá nhân hóa: là một phương pháp dạy và học với học viên là trung tâm, cho phép họ tiếp cận và tiếp thu nội dung bài theo cách phù hợp với từng cá nhân, tối ưu hóa việc học tập và phát triển.

  • Tầm quan trọng của sự tự tin: giúp người học giảm bớt căng thẳng trong học tập, trở nên chuyên cần hơn, nâng cao khả năng tập trung và hiệu suất học tập.

  • Xây dựng sự tự tin thông qua học tập cá nhân hóa: giúp người học tìm thấy động lực, và rèn luyện sự kiên trì trong học tập, cũng như chấp nhận các sai phạm và chủ động đặt ra mục tiêu phù hợp.

  • Các bước để áp dụng học tập cá nhân hóa để xây dựng sự tự tin: xác định nhu cầu và mục tiêu, thiết kế lộ trình học, hỗ trợ và hướng dẫn, đánh giá và điều chỉnh.

  • Ứng dụng thực tiễn: áp dụng công nghệ vào học tập theo phương pháp cá nhân hóa để xây dựng sự tự tin.

  • Thử thách khi áp dụng học tập cá nhân hóa để xây dựng sự tự tin: thiếu nguồn lực và thời gian, chênh lệch trình độ.

Phương pháp học tập cá nhân hóa là gì? 

Học tập cá nhân hóa (Personalized Learning) không phải còn một khái niệm xa lạ đối với người học hiện nay. Về định nghĩa, phương pháp học cá nhân hóa, theo nghiên cứu của Lee (2018), là một mô hình dạy và học tập trung vào nhu cầu và khả năng học tập của từng học sinh, nhằm giúp người học khám phá và phát triển khả năng riêng biệt của từng cá nhân.

Phương pháp này được thực hiện dựa trên việc điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy học theo tốc độ học, nhu cầu và sở thích của từng học viên nhằm giúp người học có thể tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả hơn (Assami 1266). Cụ thể hơn, khi áp dụng phương pháp cá nhân hóa vào học tập, phương pháp học áp dụng cho từng cá nhân sẽ được điều chỉnh, bao gồm các tiêu chí như mục tiêu của học viên, nội dung học tập và cách tiếp cận bài học sẽ được thay đổi dựa trên nhu cầu riêng của học sinh điều này thúc đẩy sự tham gia tích cực và quá trình học tập tự định hướng của học sinh. 

Vai trò của sự tự tin đối với học viên

Vai trò của sự tự tin đối với học viênTheo định nghĩa từ Viện tâm lý Việt Pháp, sự tự tin là niềm tin vào bản thân, khi một cá nhân có sự tin tưởng bản thân có khả năng đáp ứng những thách thức và trở nên thành công trong cuộc sống. 

Trong học tập, sự tự tin được thể hiện thông qua “niềm tin và thái độ của người học đối với khả năng của họ để đạt được thành công trong học tập, cũng như niềm tin vào khả năng của họ để hoàn thành các nhiệm vụ học tập” (Quỳnh 1). Bên cạnh đó, sự tự tin không phải là bẩm sinh đã có mà là một kỹ năng cần được rèn luyện và phát triển thông qua quá trình học tập lâu dài. 

Dựa trên bài viết về lợi ích mà sự tự tin mang lại cho người học, Rea Gill (Cộng tác viên Nghiên cứu về Sức khỏe Tinh thần tại FIKA - Mental Fitness Research Assistant At FIKA) đã chỉ ra rằng sự tự tin là một yếu tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của người học, đặc biệt là người học ngôn ngữ. Cụ thể hơn, sau khi đương đầu với các thử thách cũng như trải qua các thất bại, sự tự tin của người học thường được nâng cao, từ đó giúp việc học bớt căng thẳng và học viên sẽ trở nên tích cực hơn khi đối mặt với các thách thức tương tự hoặc thậm chí là thử thách mới.

Bên cạnh đó, sự tự tin cũng là một nhân tố giúp cải thiện chuyên cần, nâng cao khả năng tập trung và hiệu suất học tập. Khi học viên tin vào khả năng của mình, họ sẽ cảm thấy hứng thú hơn với việc học và tham gia đều đặn vào các hoạt động học tập. Sự tự tin cũng giúp người học quản lý áp lực tốt hơn, giữ được sự tập trung trong suốt quá trình học và tăng cường khả năng tiếp thu kiến thức, từ đó nâng cao hiệu suất học tập. 

Lợi ích của việc áp dụng phương pháp học tập cá nhân hóa để xây dựng sự tự tin

Thúc đẩy động lực học tập

Đối với các phương pháp học truyền thống, khi một lộ trình học được áp dụng cho nhiều học viên với trình độ chênh lệch, xuất phát điểm khác nhau, và mục tiêu riêng biệt. Khi chương trình học không thể đáp ứng các nhu cầu trên của học viên, việc học sẽ trở nên không cần thiết và học viên sẽ đánh mất động lực trong học tập. 

Ngược lại, khi được học tập với phương pháp cá nhân hóa, “học sinh tự điều chỉnh được trang bị để đặt mục tiêu học tập của riêng mình, lập kế hoạch để đạt được những mục tiêu đó bằng cách xác định các chiến lược phù hợp, thực hiện và đánh giá hiệu quả của các chiến lược và phản ánh quá trình học tập của họ” (Thuy 188). Việc được thỏa mãn về các nhu cầu học tập như mục tiêu và cách thức tiếp cận bài học khiến học viên cảm thấy an toàn và tự tin khi tự mình đặt ra những mục tiêu học tập cao hơn và quyết tâm đạt được chúng. Chính sự tự tin và chủ động trên sẽ trở thành động lực học tập cho mỗi cá nhân thúc đẩy họ tham gia tích cực, bởi họ kiểm soát được những gì đang và sẽ diễn ra trong quá trình học.

Rèn luyện sự kiên trì

Đối với những học viên được học với phương pháp học không phù hợp với bản thân, mỗi khi đối mặt với khó khăn, học viên thường có xu hướng xem những trở ngại đó là những thử thách không thể vượt qua, điều này vô hình chung gây ra rào cản tự tin cho người học. Rào cản trên khiến họ mất đi sự kiên trì và dễ dàng từ bỏ mục tiêu của mình.

Cụ thể hơn, khi học sinh thiếu tự tin vào khả năng của mình, họ sẽ cảm thấy nản lòng mỗi khi gặp phải thách thức, dẫn đến việc ngại thử sức với những nhiệm vụ khó khăn hoặc phức tạp. Họ có thể tránh né các bài tập khó, không dám tham gia vào các hoạt động học tập đòi hỏi nỗ lực lớn, và dần dần mất đi động lực để học hỏi và tiến bộ.

Khi giáo viên áp dụng phương pháp học tập cá nhân hóa, học viên sẽ được hỗ trợ kịp thời cũng như phản hồi cụ thể mỗi khi gặp khó khăn. Ví dụ như khi học viên gặp khó khăn với một khái niệm mới, giáo viên có thể ngay lập tức cung cấp lời giải thích chi tiết và phù hợp với trình độ hiểu biết của học viên. Điều này giúp học viên nắm bắt nhanh chóng và chính xác kiến thức cần thiết mà không cảm thấy bị bỏ lại phía sau.

Ngoài ra, trong quá trình học tập, nhằm giúp đỡ học viên hiểu rõ hơn về vấn đề và rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, giáo viên có thể đặt ra các câu hỏi gợi mở để học viên tự tìm tòi, thảo luận và chủ động tham gia vào quá trình tiếp nhận kiến thức.

Các phương pháp trên đều mang lại tác dụng vượt trội trong việc xây dựng sự tự tin của học viên bởi họ cảm thấy mình có khả năng tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả, cũng như tự tin hơn về khả năng tư duy và giải quyết vấn đề của bản thân. Đây là tiền đề để người học trở nên kiên trì hơn trong việc đối mặt với các khó khăn và thử thách không chỉ ở hiện tại mà còn ở tương lai.

Chấp nhận rủi ro 

Đối với việc học ngôn ngữ, người học thường ngại mạo hiểm vì sợ sẽ mắc các sai lầm, nhưng khi đã tự tin vào bản thân, họ có thể chấp nhận rủi ro mà không hề ngần ngại. Cá nhân hóa học tập tạo ra một môi trường an toàn cho học viên thử nghiệm và học từ các sai lầm mà không sợ bị phê phán. Các nhiệm vụ và hoạt động được điều chỉnh để phù hợp với từng cá nhân, khuyến khích họ khám phá và chấp nhận rủi ro.

Khi tham gia vào quá trình học cá nhân hóa, giáo viên sẽ giúp đỡ người học nhìn nhận những lỗi sai và thất bại trong quá trình học một cách cụ thể bằng cách chỉ ra lý do tại sao học viên mắc lỗi, và làm mẫu cách họ có thể học hỏi từ sai lầm đó. Nhờ hiểu rõ lỗi sai và học hỏi được từ những thất bại của mình, học viên trở nên tự tin hơn để đón nhận các thử thách mới cũng như chấp nhận rủi ro là một phần của quá trình học.  

Xác định mục tiêu 

Thông qua lộ trình học tập cá nhân hóa rõ ràng và cụ thể cho từng học viên, người học người học có được sự tự tin vì họ nắm rõ các bước cần thiết để đạt được mục tiêu ban đầu đã đề ra, từ đó tuân theo các kế hoạch học tập chi tiết với các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn rõ ràng, giúp họ dễ dàng theo dõi và điều chỉnh khi cần thiết. 

Nhờ vào lợi ích này, học viên sẽ tự nhận thức về điểm mạnh cũng như điểm yếu của bản thân giúp học tìm ra các giải pháp thích hợp nhằm cải thiện và phát triển các kỹ năng mong muốn, từ đó, người học sẽ cảm thấy có quyền kiểm soát và tự chịu trách nhiệm về quá trình học tập của mình. 

Bên cạnh đó, những phản hồi và hỗ trợ cá nhân kịp thời và nhanh chóng từ giáo viên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp từng người học hiểu rõ hơn về tiến trình học tập và có thể tự điều chỉnh mục tiêu kịp thời để phù hợp với bản thân (Tran 5). 

Làm thế nào để xây dựng sự tự tin thông qua học tập cá nhân hóa?

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của sự tự tin và các lợi ích mà phương pháp học tập cá nhân hóa mang lại, có thể thấy rõ, học tập cá nhân hóa, với những chiến lược cụ thể, đã được chứng minh là một công cụ hữu hiệu để cải thiện sự tự tin của học sinh. Các bài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mô hình học tập cá nhân hóa được áp dụng nhằm góp phần xây dựng sự tự tin cho học viên có thể được triển khai theo các bước sau: 

Bước 1: Xác định nhu cầu và mục tiêu của học viên

Bước đầu tiên trong quá trình cá nhân hóa việc học tập là xác định rõ ràng nhu cầu và mục tiêu của từng học viên. Để thực hiện điều này, thông tin chi tiết về học viên có thể được thu thập thông qua việc sử dụng nhiều công cụ đánh giá đa dạng như bài kiểm tra, khảo sát, hoặc phỏng vấn trực tiếp, và quan sát để hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, phong cách học tập, sở thích và mục tiêu của từng người học. Các thông tin sau khi được thu thập sẽ được tổng hợp, phân tích để tạo hồ sơ học tập cá nhân cho mỗi học viên với lộ trình học tập phù hợp, giúp học sinh phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Bước 2: Thiết kế lộ trình học tập cá nhân hóa

Sau khi đã xác định được nhu cầu và mục tiêu của mỗi học viên, giáo viên cần cùng học viên đặt ra các mục tiêu học tập rõ ràng, cụ thể, đo lường được và phù hợp với khả năng của từng người học. Những mục tiêu này cần phải thực tế và có thể đạt được trong một khoảng thời gian nhất định, giúp học sinh có động lực phấn đấu và cảm thấy tự tin hơn trong quá trình học tập.

Dựa trên mục tiêu đã đề ra, nội dung và phương pháp học tập phù hợp cần được chọn lọc kỹ càng để đáp ứng được nhu cầu của học viên. Giáo viên cần cung cấp đa dạng tài liệu, hoạt động.

Và phương pháp học tập như video, trò chơi, dự án, thảo luận nhóm, học trực tuyến, và nhiều hình thức khác để học sinh có thể lựa chọn theo sở thích và phong cách học tập của mình. 

Việc được trải nghiệm sự đa dạng trong hoạt động và phương pháp học không chỉ giúp học sinh cảm thấy hứng thú hơn mà còn giúp họ học tập hiệu quả hơn, từ đó xây dựng sự tự tin thông qua những trải nghiệm học tập phong phú và đa dạng.

Bước 3: Hỗ trợ và hướng dẫn học viên

Khi áp dụng mô hình học tập cá nhân hóa, giáo viên không chỉ đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức mà còn là người bạn đồng hành và hỗ trợ người học mỗi khi cần. Những lời nhận xét và phản hồi nhanh chóng và thường xuyên từ giáo viên đóng vai trò then chốt giúp học viên nắm bắt được khả năng và tiến độ học tập từ đó điều chỉnh lộ trình học tập khi cần thiết.

Ngoài ra, các lời nhận xét góp ý kịp thời và cụ thể còn giúp người học nhận ra những ưu khuyết điểm của bản thân, từ đó có kế hoạch hợp lý để cải thiện và phát triển bản thân. Chính điều này sẽ xây dựng sự tự tin cho học sinh khi họ nhận thấy sự tiến bộ và thành tựu của mình.

Bước 4: Đánh giá và điều chỉnh quá trình học tập

Cuối cùng, việc đánh giá và điều chỉnh quá trình học tập là yếu tố then chốt không thể thiếu trong việc xây dựng sự tự tin cho học sinh. Giáo viên có thể sử dụng nhiều hình thức đánh giá khác nhau như bài kiểm tra, dự án, sản phẩm sáng tạo nhằm đưa ra những nhận xét toàn diện về quá trình và kết quả học tập của học viên. 

Dựa trên các đánh giá trên, cần cải tiến liên tục để đảm bảo phương pháp học tập cá nhân hóa luôn đáp ứng được nhu cầu và mục tiêu của học sinh. Sự cải tiến liên tục này sẽ giúp quá trình học tập trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn, đồng thời đảm bảo rằng mỗi học sinh đều nhận được sự hỗ trợ tốt nhất để phát triển toàn diện và xây dựng sự tự tin trong học tập.

Ngoài ra, học viên còn cần học cách tự đánh giá quá trình học tập của mình để tìm ra những điểm cần cải thiện và tự đặt ra mục tiêu mới. Việc này không chỉ giúp học sinh trở nên tự lập hơn mà còn giúp họ phát triển kỹ năng tự học, một kỹ năng rất quan trọng trong suốt cuộc đời. Khi học viên tự đánh giá và đưa ra cải thiện cho quá trình học của chính mình, người học cũng được tự xây dựng sự tự tin khi họ có thể tự nhận thức và điều chỉnh quá trình học tập của mình một cách hiệu quả.

Xây dựng sự tự tin thông qua học tập cá nhân hóa

Áp dụng công nghệ vào học tập theo phương pháp cá nhân hóa để xây dựng sự tự tin 

Sự phát triển của công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội mới cho việc cá nhân hóa học tập. Các nền tảng học trực tuyến như Khan Academy, Coursera, và Duolingo lần lượt ra đời đã cung cấp các khóa học và bài tập được điều chỉnh theo tiến độ và khả năng riêng của từng học viên.

Trong quá trình học viên sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tự theo dõi tiến độ học tập của mình, họ được cung cấp kết quả ngay lập tức và chi tiết, giúp học viên nhận thức được khả năng và những tiến bộ dù là nhỏ nhất. Khi học sinh thấy mình cải thiện từng bước, họ sẽ cảm thấy động lực hơn và được thúc đẩy sự tự tin một cách mạnh mẽ để tiếp tục học tập và vượt qua các thử thách.

Xem thêm:

Các thử thách khi ứng dụng phương pháp học cá nhân hóa để xây dựng tự tin cho học viên

Mặc dù phương pháp học tập cá nhân hóa mang lại nhiều lợi ích cho học sinh và cụ thể trong bài viết này là xây dựng được sự tự tin thông qua nhiều khía cạnh khác nhau, nó cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc triển khai.

Một trong những thách thức có thể kể đến như yêu cầu về nguồn lực và đào tạo giáo viên, hay yêu cầu về thời gian, bởi phương pháp học này đòi hỏi người giáo viên cần được đào tạo bài bản và phải có các công cụ, tài liệu và nền tảng học tập và đánh giá đa dạng để đáp ứng nhu cầu của từng học viên. Thêm vào đó, giáo viên cũng cần dành nhiều thời gian hơn cho việc thiết kế và điều chỉnh chương trình học cá nhân cho từng người học so với việc dạy theo phương pháp truyền thống.

Hơn nữa, sự khác biệt trong trình độ và khả năng tiếp thu của các học viên trong cùng một lớp học đòi hỏi giáo viên phải hiểu rõ từng học sinh, từ đó thiết kế, điều chỉnh nội dung và phương pháp giảng dạy để phù hợp với từng học sinh, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau cũng như khơi gợi hứng thú và tạo động lực cho họ. 

Tổng kết

Tóm lại, bằng cách điều chỉnh nội dung và phương pháp học tập theo nhu cầu và khả năng của từng học sinh viên, mô hình học tập cá nhân hóa giúp học viên khám phá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó rèn luyện sự kiên trì, chấp nhận rủi ro và đặt mục tiêu phù hợp. Bên cạnh đó, người học cũng thường xuyên nhận được phản hồi từ giáo viên giúp học nhanh chóng nắm bắt tiến độ và có những thành tựu nhỏ trong quá trình học. Tất cả các yếu tố trên đều đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường sự tự tin cho học viên trong quá trình học tập và phát triển cá nhân. Từ những điều đã thảo luận ở trên, có thể thấy phương pháp học tập cá nhân hóa có thể được xem là chìa khóa để xây dựng sự tự tin và phát triển toàn diện cho người học. 

Đọc thêm bài viết cùng chủ đề:

Tài liệu tham khảo

1. Assami, Sara, Najima Daoudi, and Rachida Ajhoun. "Personalization Criteria for Enhancing Learner Engagement in MOOC Platforms." 2018 IEEE Global Engineering Education Conference (EDUCON). IEEE, 2018.

2. Diyora, Tojidinova, and Muhayyo Umarova. "Risk-Taking and Self-Confidence in Language Learning." Spectrum Journal of Innovation, Reforms and Development, vol. 14, 2023, pp. 111-117.

3. Hồ Thị Trúc Quỳnh, et al. "Sự Tự Tin và Sự Trì Hoãn Trong Học Tập của Sinh Viên Đại Học Huế." Tạp chí Tâm lý học, số 6, 2023.

4. Lee, Dabae, et al. "Technology Functions for Personalized Learning in Learner-Centered Schools." Educational Technology Research and Development, vol. 66, 2018, pp. 1269-1302.

5. Makhambetova, Aliya, Nadezhda Zhiyenbayeva, and Elena Ergesheva. "Personalized Learning Strategy as a Tool to Improve Academic Performance and Motivation of Students." International Journal of Web-Based Learning and Teaching Technologies (IJWLTT), vol. 16, no. 6, 2021, pp. 1-17.

6. Thúy, Dương Thị Thu. "Học Tập Cá Nhân Hóa: Cơ Sở Lí Thuyết và Một Vài Hướng Tiếp Cận Khi Sử Dụng Trong Học Tập và Nghiên Cứu Ở Trường Đại Học." 

7. "Công Nghệ Trí Tuệ Nhân Tạo Thúc Đẩy Sự Phát Triển Của Lớp Học Thông Minh Như Thế Nào." Báo Nghệ An https://baonghean.vn/cong-nghe-tri-tue-nhan-tao-thuc-day-su-phat-trien-cua-lop-hoc-thong-minh-nhu-the-nao-post289930.html.

8. "Confidence Benefits Learners." NCFE. https://www.ncfe.org.uk/all-articles/confidence-benefits-learners/.

9. "Is Personalised Learning the Future of Education?" XCL World Academy. https://www.xwa.edu.sg/vi/blog/teachers/is-personalised-learning-the-future-of-education/.

10. "Personalized Learning Là Gì?" FLYER. https://flyer.vn/personalized-learning-la-gi/.

Tác giả: Cao Thái Bảo Ngọc

Tham vấn chuyên môn
Trần Xuân ĐạoTrần Xuân Đạo
GV
• Là cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, điểm IELTS 8.0 ở cả hai lần thi • Hiện là giảng viên IELTS toàn thời gian tại ZIM Academy. • Triết lý giáo dục của tôi là ai cũng có thể học tiếng Anh, chỉ cần cố gắng và có phương pháp học tập phù hợp. • Tôi từng được đánh giá là "mất gốc" tiếng Anh ngày còn đi học phổ thông. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và chọn được cách học phù hợp, tôi dần trở nên yêu thích tiếng Anh và từ đó dần cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...