Yếu tố ảnh hưởng và cách khắc phục để đạt band 6.0 IELTS Listening

Xác định những yếu tố ảnh hưởng đến việc nghe hiểu thông tin, khắc phục và tìm ra phương pháp học hiệu quả để đạt band 6.0 IELTS Listening.
yeu to anh huong va cach khac phuc de dat band 60 ielts listening

Hiện nay, nhiều thí sinh luyện tập IELTS Listening vẫn còn gặp khó khăn trong việc định hướng những cách học Listening hiệu quả, vì thế không thể đạt được band điểm như mong muốn. Bước đầu tiên trong việc nâng cao khả năng Listening là người học cần xác định được những yếu tố ảnh hưởng đến việc nghe hiểu thông tin của mình, khắc phục và tìm ra phương pháp luyện thi IELTS Listening 6.0

Bản chất của việc nghe

Nghe hiểu là một quá trình tương đối phức tạp. Để đánh giá được quá trình nghe hiểu của chính mình, người học trước hết cần nắm được bản chất của quá trình này. Nếu người học muốn hiểu được các thông tin đã nghe, người học sẽ cần vận dụng đến một số dạng kiến thức của bản thân – bao gồm cả những hiểu biết liên quan đến ngôn ngữ và các dạng hiểu biết khác:

  • Kiến thức về ngôn ngữ có nhiều dạng, tuy nhiên các dạng quan trọng nhất người học cần nắm được để nghe hiểu ngôn ngữ là: âm vị, từ vựng, cú pháp, ngữ nghĩa…

  • Các dạng kiến thức khác dùng trong quá trình nghe hiểu là hiểu biết về chủ đề dang được bàn luận, về ngữ cảnh hoặc một số kiến thức nền khác. Không chỉ vậy, đi kèm với đó là kỹ năng phân tích và dự đoán câu trả lời.

Trong cuốn “Assessing Listening”, tác giả Gary Buck đã chỉ ra hai quá trình chính trong việc nghe hiểu:

  • Quá trình Bottom-up (Từ dưới lên): Trong quá trình này, việc nghe hiểu có trình tự bắt đầu từ các cấp thấp nhất của kiến thức về ngôn ngữ – nghĩa là từ việc nhận diện các âm vị để xác định từ vựng. Sau khi đã thu được các từ này, bộ não mới bắt đầu chuyển đến bước phân tích ngữ nghĩa của từng từ và sắp xếp các thông tin lại, đồng thời vận dụng các kiến thức nền và kỹ năng phân tích, dự đoán để hiểu được toàn bộ ngữ cảnh.

Ví dụ khi nghe câu: “Cat is a domestic animal” (Mèo là động vật nuôi trong nhà).

Người nghe sẽ lần lượt tiếp nhận các âm vị trước, ví dụ các âm /k/, / æ /, /t/ rồi nhận diện được từ “cat”, tương tự với các từ tiếp theo và xác định nghĩa của các từ này rồi sắp xếp các thông tin lại với nhau để hiểu được ý nghĩa của câu. Quá trình này thường diễn ra rất nhanh trong bộ não.

  • Quá trình Top-down (Từ trên xuống): Trong quá trình này, thay vì chú ý nhiều về âm vị và ngữ pháp, người nghe có thể hiểu được nghĩa của từ trước khi nhận diện được hết các âm vị cấu thành từ đó hoặc có thể dự đoán trước những gì đang được nghe nhờ vào hiểu biết về chủ đề đang được nói hoặc nhờ vào những giả thuyết đã đặt trước trong đầu về điều sắp xảy ra.

Ví dụ khi nghe câu: 

yeu-to-anh-huong-va-cach-khac-phuc-de-dat-band-60-ielts-listening-vi-du

(Cô ấy vô cùng tức giận, cô nhặt khẩu súng lên, nhắm và ___)

Người nghe có thể dự đoán trước những từ có thể xuất hiện tiếp theo sẽ là “fired” hoặc “shot” (bắn) và chỉ cần nghe được âm đầu của các từ này là bộ não đã có thể xác định được từ đó là gì nhờ vào hiểu biết của mình về chủ đề và ngữ cảnh đang được nói đến cũng như kĩ năng phân tích, dự đoán.

Đọc thêm: Một số kỹ thuật nghe quan trọng khi làm bài thi IELTS Listening

Những yếu tố ảnh hưởng đến việc nghe hiểu thông tin

Sau khi đã hiểu được bản chất của ngôn ngữ, bài viết sẽ đi vào phân tích những vấn đề đang cản trở việc nghe hiểu thông tin của người học.

yeu-to-anh-huong-va-cach-khac-phuc-de-dat-band-60-ielts-listening-anh-huong

Thiếu kiến thức về từ vựng

Kiến thức về từ vựng và ngữ pháp là những kiến thức cơ bản nhất trong hiểu biết về ngôn ngữ cần có để có thể nghe hiểu được bất cứ một thông tin nào. Về ngữ pháp, khác với ngôn ngữ viết, ngôn ngữ nói thường có cấu trúc ngữ pháp đơn giản, cú pháp ngắn hơn và người nói thường kết nối các ý với nhau bằng các từ nối đơn giản như “and”, “but”, “or” tương đối dễ hiểu.

Tuy nhiên một trong những yếu tố đang cản trở người học trong quá trình nghe hiểu là việc thiếu hụt vốn từ. Các chủ đề và tình huống diễn ra trong Part 1 và Part 2 trong bài thi IELTS (phần mà các thí sinh đang ở band 4/5 nên ưu tiên luyện tập đạt band 6.0 IELTS Listening) đa phần ở ngữ cảnh đời thường, ví dụ như các cuộc nói chuyện điện thoại để đặt vé, hướng dẫn đường đi trong công viên… Bởi vậy, người học cần có được những kiến thức cơ bản về từ vựng trong các bối cảnh này để có thể nghe hiểu được đoạn hội thoại hay bài nói.

Thiếu khả năng nhận diện phát âm

Sự khác biệt giữa accent (giọng) của các vùng

Accent – giọng hay ngữ điệu là một biến thể của Tiếng Anh. Biến thể này bắt nguồn từ cách những người sử dụng Tiếng Anh phát âm từng âm vị do sự khác biệt về vùng miền cũng như khác biệt về văn hóa xã hội. Một ví dụ về biến thể này là sự khác biệt giữa accent của Anh – Anh và Anh – Mỹ: trong khi người Mỹ có xu hướng bật hết những âm /r/ khi phát âm các từ có chứa âm vị này, người Anh lại thường bỏ đi nếu chúng nằm cuối từ. Như cách phiên âm của “car” trong Anh-Mỹ và Anh-Anh lần lượt là /kɑːr/ và /kɑː/. 

Người học có thể cảm thấy quen thuộc nhất với accent Anh – Mỹ do được tiếp xúc với văn hóa Mỹ qua phim ảnh, các video trên mạng xã hội nên có thể nghe hiểu accent này rõ ràng nhất. Tuy nhiên, ở bài thi IELTS, các accent phổ biến sẽ bao gồm cả Anh – Anh và Anh – Úc. Vậy nên nếu người học chưa có sự tiếp xúc nhất định với giọng nói và ngữ điệu của các vùng này thì có thể gặp khó khăn trong việc nghe hiểu và không đạt band 6.0 IELTS Listening.

Các yếu tố khác liên quan đến phát âm

Ngoài accent còn một số yếu tố khác liên quan tới phát âm dễ ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu của người học:

Hiện tượng nối âm

Tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ chú trọng âm cuối, người nói cần phát âm rõ những âm này. Tuy nhiên, khi một từ có kết thúc bởi 1 phụ âm được theo sau bởi 1 từ mở đầu bằng 1 nguyên âm, phụ âm cuối của từ trước sẽ được phát âm nối tiếp vào nguyên âm bắt đầu của từ đứng sau.

Ví dụ trong bài thi IELTS Listening, người học cần điền vào chỗ trống đối với câu sau:

Suggestions for improvements: Have more  ________________________

(Trích IELTS Practice Test Plus 3)

Đoạn mà người học nghe được là “Well, I’d like to see more /ˈsəʊʃl ɪˈvents/… it isn’t just a question of getting together for games or classes but other things, you know”. Từ cần điền ở đây sẽ là từ social events được nối âm /l/ và âm /ɪ/. Nếu người học chưa quen với cách nói nhanh và nối âm như vậy của người bản xứ trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày thì mặc dù biết được nghĩa của từng từ cũng khó định hình được cả cụm từ nối âm đó.

Trọng âm trong câu

Trọng âm trong câu là những từ ngữ được nhấn mạnh ở trong câu so với những từ còn lại – được phát âm nhẹ và lướt. Các từ được nhấn trọng âm thường là các từ có chứa nội dung chính trong câu như danh từ, động từ, tính từ,… còn những từ chức năng còn lại như giới từ, mạo từ,.. lại được phát âm rất nhanh. Điều này đôi khi ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu của người học. Ví dụ trong ngôn ngữ nói hàng ngày, một số từ chức năng thường bị đọc lướt thành:

  • To trở thành /tə/

  • And trở thành /ən/

  • For trở thành /fə/

Ngoài ra, trong giao tiếp thông thường, khi người bản xứ nói nhanh, các âm cũng bị biến đổi và khó nhận ra hơn. Ví dụ hai câu “I wish she would” và “I wish you would” khi đọc nhanh gần như là không khác biệt nhiều và rất khó để phân biệt.

Thiếu kiến thức nền và khả năng phân tích, dự đoán

Việc dự đoán trước nội dung tổng thể của bài nghe rất quan trọng. Tốc độ nói trong file nghe thường nhanh (3 từ/ giây), vì vậy việc vừa nghe vừa đọc câu hỏi mà không có sự chuẩn bị hay kỳ vọng về thông tin được nêu sẽ khiến việc nghe gặp khó khăn. Nhiều thí sinh band 4 – 5 chỉ tập trung vào các câu hỏi, các nội dung riêng rẽ chứ chưa hệ thống toàn bộ các câu hỏi, thông tin trong một Part của bài thi thành một nội dung chung, từ đó khó nắm bắt thông tin khi nghe.

Ví dụ khi nội dung bài nghe Part 1 là một cuộc hội thoại để đặt tour du lịch, người học cần có một số kiến thức nền nhất định về các từ vựng chỉ thời gian, ngày tháng, địa điểm du lịch… và phân tích, dự đoán trình tự thông tin xuất hiện trong bài để phản xạ nghe hiểu được tốt hơn và đạt band 6.0 IELTS Listening.

Thói quen học chỉ tập trung nghe và bắt keywords

Ngoài những yếu tố khách quan đã được liệt kê ở phần trên, phương pháp luyện nghe IELTS hiệu quả và học cũng ảnh hưởng nhiều đến quá trình làm bài của thí sinh. Các thí sinh có band từ 4-5 thường có xu hướng làm bài theo cách nghe và bắt keywords để điền đáp án. Tuy nhiên đối với bài thi IELTS cách này không phải lúc nào cũng hiệu quả bởi trong bài luôn chứa các thông tin gây nhiễu hoặc các từ khóa được paraphrase (diễn đạt theo một cách khác nghĩa không đổi), nếu thí sinh không chú ý nghe hiểu thì sẽ rất dễ mắc bẫy hoặc bỏ qua phần thông tin có chứa đáp án và khó đạt band 6.0 IELTS Listening.

Xem thêm: Ứng dụng phương pháp ghi nhớ Keyword vào việc học từ vựng tiếng Anh

Ví dụ: Đề bài yêu cầu điền vào chỗ trống sau

Length of membership: _____________________ years

(Trích IELTS Test Plus 3)

Trong phần nghe sẽ có rất nhiều thông tin nhiễu như sau:

  • How long have you been a member?

  • Oh … let me see … I was certainly here five years ago … and it was probably two to three years more than that …

  • Shall I put down eight?

  • I remember now … it’s nine… definitely … sorry.

Như vậy đáp án đúng là “nine”. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung nghe và bắt các keywords thì người học sẽ rất dễ bỏ qua hoặc chọn nhầm đáp án.

Ví dụ 2: Trong nhiều trường hợp, người nói sẽ không đưa nhiều thông tin nhiễu mà thay vào đó lại dùng phương pháp paraphrase, đòi hỏi người học phải tập trung nhận diện keywords đã được paraphrase và nghe hiểu để điền được đáp án đúng

Facility not used (If any): Tennis courts (because reluctant to  _________)

(Trích IELTS Test Plus 3)

Người học sẽ nghe được thông tin như sau:

  • Are there any facilities you don’t use?

  • One area I realise I’ve never used is the tennis courts … and there’s one simple reason for that …

  • You don’t play tennis?

  • Actually, I’m not bad at it … it’s that I’m not happy having to pay extra … for that privilege.

  • I’ve made a note of that … thanks.

Như vậy, đáp án đúng ở đây là “pay extra”. Từ “reluctant” (miễn cưỡng, không sẵn lòng) trong đề bài đã được diễn đạt thành cụm “I’m not happy having to…” (Tôi không vui khi phải ..) Người học nên chú ý những từ khóa nằm trước đáp án cần điền vì rất có thể từ khóa này sẽ được paraphrase.

yeu-to-anh-huong-va-cach-khac-phuc-de-dat-band-60-ielts-listening-pay-extra

Đọc thêm: IELTS Listening: Các chiến lược nghe hiểu cho người mới bắt đầu (P.1)

Cách khắc phục để đạt band 6.0 IELTS Listening

Chép chính tả

Một cách tương đối hiệu quả để người học có thể cải thiện đồng thời từ vựng và phát âm là phương pháp chép chính tả. Với cách này, người học sẽ phải chép lại những nội dung mà mình đã nghe được. Ngoài việc tập trung sâu được vào các từ mới và phiên âm của từ thì phương pháp này còn giúp người học quen với những chi tiết phát âm khác như: nối âm, âm đuôi, trọng âm,.. Người học có thể làm theo những gợi ý sau để áp dụng phương pháp nghe chép chính tả một cách hiệu quả và đạt band 6.0 IELTS Listening:

Tìm nguồn nghe phù hợp

Trước tiên người học phải chọn được nguồn nghe phù hợp với trình độ, hoặc những nguồn nghe phù hợp với sở thích để việc học tập đỡ nhàm chám. Lưu ý là nguồn nghe cần phải có transcript để người học có thể so sánh phần chép chính tả của mình với transcript. Đối với những người học cảm thấy khó khăn trong việc nghe hiểu accent của Anh và Úc, người học cần làm quen bằng cách nghe nhiều hơn các bài nói đến từ các quốc gia này.

yeu-to-anh-huong-va-cach-khac-phuc-de-dat-band-60-ielts-listening-transcript

Hoặc người học có thể nghe chép chính tả luôn đối với phần đã nghe trong bài thi IELTS Listening (VD như các cuốn Cambridge Practice Test) và đặc biệt lưu ý chép những câu bản thân làm sai hoặc mắc bẫy trong quá trình nghe.

Nghe và chép lại rồi đối chiếu với transcript

Ở giai đoạn đầu người học có thể nghe được ít hoặc sai nhiều tuy nhiên nếu kiên trì làm theo cách này thì khả năng nghe hiểu của người học sẽ được cải thiện đáng kể, kết quả là đạt band 6.0 IELTS Listening.

Người học không nên chép chính tả với những bài nói quá dài – điều này dễ gây nhàm chán và ảnh hưởng đến tinh thần học tập.

Lưu ý các từ mới, phiên âm

Bước này là bước rất quan trọng bởi nếu không trau dồi vốn từ của mình thì kĩ năng nghe sẽ khó có thể tiến bộ được. Một lợi thế của việc học từ vựng theo phương pháp nghe là người học sẽ nhớ được ngữ cảnh khi từ vựng được sử dụng, điều này hiệu quả hơn nhiều so với việc chỉ học từ vựng rời rạc mà không đưa vào 1 tình huống. Người học cũng cần chú ý cách phát âm của từ này, qua bước này người học cũng sẽ đồng thời luyện được phát âm của mình.

Tận dụng transcript

Trong thực tế, người học thường áp dụng một phương pháp phổ biến là tìm và làm các bài test, kiểm tra đáp án và cố gắng làm càng nhiều bài càng tốt. Hiện nay, một trong những tài liệu uy tín để ôn luyện IELTS là các cuốn Cambridge Practise Test. Tuy nhiên, nhiều người đã làm hết cả 15 cuốn Cambridge nhưng trình độ cũng cải thiện không đáng kể. Vì vậy, người học cần đặt cho bản thân mình câu hỏi: Liệu phương pháp học tập này đã thật sự hiệu quả hay chưa?

Người học cần phân tích rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm “Test Listening” và “Learn Listening”. Phương pháp ở trên của người học mới chỉ dừng lại ở việc “Test Listening” – tức là kiểm tra được năng lực của mình tới đâu chứ chưa thực sự đem lại hiệu quả học tập. Để học Listening hiệu quả người học cần tận dụng Transcript của bài nghe và có thể tham khảo một số gợi ý sau:

  • Thay vì kiểm tra đáp án sau khi nghe xong thì nghe lại lần thứ hai để tự kiểm tra lại đáp án:

Ở bước này, thay vì kiểm tra đáp án mẫu ngay lập tức, người học sẽ nghe thêm một lần nữa để tự kiểm tra các câu mình làm được và điền nốt các câu bị bỏ sót (người học cần ghi chú kĩ câu này làm được ở lần nghe thứ hai).

  • Dò đáp án bằng cách xem và phân tích transcript.

Transcript là một công cụ vô cùng hữu hiệu để người học tăng khả năng nghe hiểu của mình. Đối với những câu làm sai, người học cần phân tích kĩ lý do dẫn đến sai sót này bằng transcript, có thể là vì một số lý do đã được nêu ở phần trên của bài viết như do phát âm, ngữ điệu, tốc độ nói hay các thông tin nhiễu hoặc từ khóa paraphrase,…

  • Đối với những lý do khách quan như phát âm hay ngữ điệu, người học cần tua lại bài nghe để có thể làm quen với cách phát âm của người bản xứ.

  • Còn đối với các yếu tố như thông tin nhiễu hoặc từ khóa paraphrase, người học cần nghe và phân tích kĩ transcript để tìm ra các từ đồng nghĩa, cách diễn đạt phân biệt đáp án đúng với các đáp còn lại. Ngoài ra phân tích transcript cũng là một cách để người học trau dồi kiến thức nền cũng như rèn luyện khả năng phân tích, dự đoán khi nghe.

Sau bước này, người học có thể áp dụng phương pháp nghe chép chính tả, đặc biệt với những đoạn mình sai.

Tập dự đoán nội dung bài dựa vào kiến thức cá nhân

Trước khi bắt đầu bài nghe, người học có thể nhìn trước tiêu đề của bài để đoán được chủ đề chính của cả bài. Sau đó, khi phần nghe bắt đầu giới thiệu vai trò của những người tham gia hội thoại, người học có thể dự đoán, tưởng tượng trước một số tình huống sẽ xuất hiện trong cuộc hội thoại dựa vào các keywords xuất hiện trong câu hỏi. Đồng thời, khi nhìn vào trình tự các câu hỏi, người học cũng có thể đoán được cách sắp xếp thông tin trong bài. Như vậy trong quá trình nghe, người học có thể dễ nắm bắt thông tin hơn, bổ trợ cho quá trình nghe hiểu.

Ví dụ với bài nghe sau:

yeu-to-anh-huong-va-cach-khac-phuc-de-dat-band-60-ielts-listening-de-thi

(Trích Cambridge Practice Test 12 – Section 1 Test 7)

Nhìn vào tiêu đề “Public Library” người học có thể tượng tượng ngữ cảnh bài nghe ở đây là về thư viện công cộng, các cuộc hội thoại có thể liên quan đến việc chỉ dẫn cách sử dụng cơ sở vật chất của thư viện công cộng hoặc các thông tin về thư viện.

Sau đó, khi nghe đoạn giới thiệu về vai trò của những người tham gia hội thoại: “You will hear a man telephoning a friend to find out about their local public library” và nhìn vào thứ tự của các câu hỏi/ đề mục, người học có thể hình dung được bài nghe sẽ có trình tự như sau:

  • Giới thiệu về những thứ mà thư viện hiện đang có – kể ra 5 thứ, tương ứng với 5 mục nhỏ.

  • 2 hoạt động cho trẻ em: Science Club meeting và Reading Challenge.

  • 3 hoạt động cho người lớn: talk about a novel, IT support, free check of blood .

  • Thông tin khác về lirbrary shop và hoạt động vào buổi tối/ cuối tuần.

Điều này sẽ giúp ich cho người học trong quá trình nghe hiểu bởi những thông tin đã được sắp xếp theo một trình tự liền mạch trong đầu và với những dự đoán nhất định, người học sẽ có thể có phản xạ tốt hơn khi nghe đoạn hội thoại.

Đọc thêm: Cải thiện kĩ năng nghe thông qua việc xem video trên Youtube | Phần 1 – kênh “BBC learning English”

Tổng kết

Như vậy, các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng nghe hiểu của người học có thể là do thiếu kiến thức về từ vựng, phát âm hay kiến thức nền và khả năng phân tích, dự đoán hoặc những yếu tố đến từ cách học có phần chưa hiệu quả. Người học có thể áp dụng các bước mà bài viết đã gợi ý, đặc biệt là tận dụng transcript để học hiệu quả, đạt band 6.0 IELTS Listening.

Hoàng Phương Anh

Tham khảo thêm khóa học tại trung tâm luyện thi IELTS cấp tốc Anh ngữ ZIM giúp học viên tăng cường kỹ năng, kiến thức trong thời gian ngắn, cam kết đạt kết quả đầu ra.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu