Áp dụng trí tuệ cảm xúc để giảm thiểu lo lắng khi học viết ngoại ngữ

Việc học viết ngoại ngữ, đặc biệt là viết bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, không bao giờ dễ dàng. Nhiều người cảm thấy lo lắng vì viết được coi là một quá trình nhận thức phức tạp. Tuy nhiên, áp dụng trí tuệ cảm xúc có thể giúp giảm bớt lo lắng và cảm xúc tiêu cực trong quá trình học viết ngoại ngữ. Bài viết này bàn về vấn đề áp dụng trí tuệ cảm xúc để giảm thiểu lo lắng cho việc học viết ngoại ngữ.
author
Hoàng Lê Đỗ Quyên
02/09/2023
ap dung tri tue cam xuc de giam thieu lo lang khi hoc viet ngoai ngu

Lo lắng (Anxiety) là một dạng cảm xúc phổ biến mà ai cũng có thể gặp phải trong cả học tập và cuộc sống hàng ngày. Việc học hận thức (cognitive process) vô cùng phức tạp. Vì lý do này, nhiều người học ngoại ngữ cảm thấy lo lắng và có biểu hiện trì hoãn, không muốn thực hiện mỗi khi phải viết bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Trong khi đó trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence) được chứng minh có thể góp phần giảm thiểu lo lắng và các cảm xúc tiêu cực. Bài viết dưới đây sẽ bàn về vấn đề áp dụng trí tuệ cảm xúc để giảm thiểu lo lắng cho việc học viết ngoại ngữ.

Key Takeaways

1. Định nghĩa, nguyên nhân và tác hại của lo lắng trong việc học viết ngoại ngữ.

2. Khái niệm trí tuệ cảm xúc, các phạm trù chính của trí tuệ cảm xúc: tự nhận thức, tự điều chỉnh, đồng cảm, động lực và kỹ năng xã hội

3. Một số gợi ý dùng trí tuệ cảm xúc để giảm thiểu lo lắng khi học viết ngoại ngữ: xác định tình trạng và nguyên nhân gây lo lắng, tìm kiếm động lực và phương án khắc phục, điều chỉnh cảm xúc cá nhân, chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực với người thân, giáo viên để giảm bớt lo lắng.

Định nghĩa lo lắng khi học viết ngoại ngữ

Lo lắng là một biểu hiện cảm xúc tất yếu trong cuộc sống mà hầu như ai cũng từng phải qua. Trong môi trường giáo dục nói chung, cảm xúc tiêu cực này cũng vô cùng phổ biến đối với học sinh, sinh viên khi các em phải đối mặt với nhiều vấn đề như điểm số, áp lực từ gia đình, bạn bè… Còn khi bàn về việc học ngoại ngữ và học viết học thuật nói riêng, liệu lo lắng có tồn tại? Tiếp nhận một ngôn ngữ mới chưa bao giờ là một việc dễ dàng và bản thân quá trình học ngôn ngữ thường tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức, và có rất nhiều yếu tố tác động đến tâm lý người học, khiến họ cảm thấy lo lắng. Horwitz và cộng sự (2010) đã nhận định rằng lo lắng được xem là một trong những yếu tố quan trọng có tác động trực tiếp đến quá trình học một ngoại ngữ mới. 

Cảm xúc lo lắng khi học ngoại ngữ được định nghĩa là một tổng hợp cảm xúc phức tạp bao gồm sự tự nhận thức, niềm tin, cảm xúc và hành vi phát sinh từ sự chuyên biệt của quá trình học ngôn ngữ (Horwitz, 1986). Trong khi đó Dan (1986) định nghĩa cảm xúc lo lắng khi viết (writing anxiety) là sự từ chối hành động viết hoặc các hoạt động có liên quan đến việc viết, ví dụ như đưa ra đánh giá cho một bài viết nào đó.

Năm 2004, Cheng đã phát triển một thang đánh giá mức độ lo lắng để đo mức độ lo lắng của người học khi viết bằng ngôn ngữ thứ hai. Trong thang đánh giá này, tác giả đã đề cập đến ba hình thức lo lắng phổ biến khi viết là: lo lắng nhận thức (cognitive anxiety), lo lắng cơ thể (somatic anxiety) và biểu hiện né tránh (avoidance behavior). Theo đó, lo lắng nhận thức liên quan đến cảm giác lo sợ, suy nghĩ tiêu cực, hoặc sợ những đánh giá tiêu cực từ người khác; lo lắng cơ thể liên quan đến những biểu hiện vật lý bên ngoài của cơ thể, ví dụ như đổ mồ hôi, đau đầu, buồn nôn…; còn biểu hiện né tránh là hành vi từ chối viết, hoặc trì hoãn việc viết của người học.

Tác hại và nguyên nhân của lo lắng trong việc học  ngoại ngữ

Hiện nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu về mối liên hệ giữa lo lắng và kết quả học tập nói chung và học viết ngoại ngữ nói riêng. Theo một số công bố trước đây, lo lắng hoàn toàn có tác động tiêu cực đến quá trình học ngoại ngữ; trong đó, người học có mức độ lo lắng càng cao thì điểm thi ngoại ngữ cuối kỳ càng thấp (Vitasari và cộng sự, 2010). Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng lo lắng có tác động xấu đến khả năng viết tiếng Anh của học sinh; trong đó những học sinh đối mặt với nỗi sợ viết thì thường viết những đoạn văn ngắn hơn, khả năng diễn đạt ngôn ngữ trong bài viết cũng không lưu loát bằng những học sinh có mức độ lo lắng thấp hơn (Sarkhoush, 2013). 

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Liu và Ni (2015), một số nguyên nhân khiến người học cảm thấy lo lắng hơn khi viết bằng tiếng Anh có thể kể đến như: thiếu vốn từ, yếu ngữ pháp, không luyện tập đủ, áp lực thời gian và điểm số, thiếu động lực, hoặc không có kiến thức về thể loại bài viết. Trong một nghiên cứu khác, Yetis (2017) đã nhận thấy rằng không đủ kiến thức xã hội liên quan tới chủ đề, thiếu kiến thức ngữ pháp, áp lực thời gian là những nguyên nhân chính khiến học sinh gặp lo lắng khi viết.

Trong khi đó, ngoài những nguyên nhân đã đề cập, việc học sinh tự đánh giá thấp kỹ năng viết của mình, thái độ đánh giá của giáo viên và bạn học cũng là những yếu tố khiến học sinh gặp áp lực và khiến họ không đạt điểm viết cao. Nhìn chung, nguyên nhân khiến người học cảm thấy lo âu khi học và viết bằng một ngôn ngữ khác khá đa dạng và cảm giác lo lắng, áp lực là điều khó tránh khỏi khi học ngoại ngữ.

image-alt

Sử dụng Trí tuệ cảm xúc để giảm thiểu lo lắng khi học viết ngoại ngữ

Và để hạn chế cảm xúc lo lắng tiêu cực trong quá trình học viết ngoại ngữ, người học bên cạnh việc nâng cao kiến thức ngôn ngữ và kiến thức xã hội, cũng có thể áp dụng Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence) để điều chỉnh tâm lý, giảm thiểu lo lắng mà bản thân hay gặp phải khi học ngoại ngữ, đặc biệt là học viết.

Định nghĩa Trí tuệ cảm xúc

Hiện nay, trí tuệ cảm xúc được định nghĩa theo một số cách khác nhau. Theo Salovey và Mayer (1990), trí tuệ cảm xúc là một tập hợp trí thông minh xã hội bao gồm khả năng kiểm soát cảm xúc của chính mình và của người khác, cũng như khả năng phân biệt các loại cảm xúc và sử dụng chúng để điều hướng suy nghĩ và hành động của bản thân. 

Theo Goleman (1998), trí tuệ cảm xúc bao gồm 5 phạm trù cơ bản: Tự nhận thức (Self-Awareness), Tự điều chỉnh (Self- Regulation), Động lực (Motivation), Đồng cảm (Empathy) và Kỹ năng xã hội (Social Skills). Vào năm 2002, Goleman và Chermiss đã phát triển một khung năng lực cảm xúc dựa trên nghiên cứu của Goleman. Khung năng lực cảm xúc này nhóm 5 phạm trù trí tuệ cảm xúc thành hai nhóm chính: Năng lực cá nhân (bao gồm Tự nhận thức, Tự điều chỉnh, và Động lực) và Năng lực xã hội (bao gồm Đồng cảm và Kỹ năng xã hội). Trong đó:

  • Tự nhận thức (Self-Awareness) là khả năng tự nhận thức được tâm trạng, cảm xúc của cá nhân, hoặc những biểu hiện vật lý cho thấy bạn đang lo lắng. Đây là một phạm trù quan trọng trong Trí tuệ cảm xúc, bởi vì nếu không tự nhận thức được cảm xúc thì rất khó để hiểu và kiểm soát hành động của bản thân. 

  • Tự điều chỉnh (Self- Regulation): là khả năng cân bằng lại cảm xúc, không để cảm xúc điều khiển hành vi cá nhân.

  • Động lực (Motivation): là khả năng tìm kiếm những nguồn cảm hứng cho bản thân giảm thiểu áp lực nhưng vẫn đạt được mục tiêu đề ra. Nguồn động lực có thể là sự tò mò, khao khát học hỏi, mong muốn phát huy tối đa năng lực cá nhân, hoặc cũng có thể là mong muốn chứng minh giá trị bản thân. 

  • Đồng cảm (Empathy): là khả năng thấu hiểu tình trạng, hoàn cảnh của người khác; hoặc có thể đặt bản thân mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ.

  • Kỹ năng xã hội (Social Skills): là khả năng xây dựng những mối quan hệ xã hội lành mạnh, từ đó sử dụng những mối quan hệ này theo hướng có lợi, giúp bản thân phát triển. 

image-alt

Trí tuệ cảm xúc đã được chứng minh là có tác động tích cực đến kết quả học tập; trong đó, học sinh có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao hơn sẽ đạt điểm số học tập cao hơn và ngược lại (Ismaili và cộng sự, 2014). Trong một nghiên cứu khác, Phishgadam (2009) đã sử dụng Thang đánh giá chỉ số cảm xúc Bar-On (Bar-On Emotional Quotient Inventory) và phát hiện rằng thành công trong việc học ngoại ngữ có liên quan chặt chẽ đến trí tuệ cảm xúc; trong đó các nhân tố có đóng góp tích cực cho quá trình học ngoại ngữ là: nội tâm cá nhân, quản lý căng thẳng, và khả năng thích ứng.

Gợi ý áp dụng Trí tuệ cảm xúc để giảm thiểu lo lắng khi học viết ngoại ngữ

Như đã đề cập ở trước, để giảm thiểu lo lắng và áp lực khi học ngoại ngữ, người học ngoài việc bổ sung kiến thức ngôn ngữ và xã hội (mở rộng vốn từ, ngữ pháp, luyện tập nhiều hơn…) thì cũng có thể áp dụng các phạm trù của trí tuệ cảm xúc để giải tỏa những lo lắng gặp phải khi học viết ngoại ngữ. Người học có thể áp dụng các bước sau: 

  • Bước 1: xác định bản thân có đang bị lo lắng khi học viết không. Ví dụ khi bạn viết một đoạn văn bằng tiếng Anh, nếu không có những yếu tố khách quan bất thường tác động (tiếng ồn, ngủ không đủ giấc, đang ốm…) nhưng bạn vẫn có những biểu hiện vật lý như ngáp, đau đầu, toát mồ hôi… hoặc thấy chán nản, mệt mỏi, hoặc tìm lý do để không viết tiếp thì rất có thể bạn đang gặp lo lắng khi học viết tiếng Anh

  • Bước 2: hãy dành thời gian nhìn nhận lại động lực để mình học viết là gì? (nếu mình học tốt thì mình sẽ đạt được điều gì? hoặc tại sao mình lại phải học?...). 

  • Bước 3: Sau khi xác định được động lực, hãy để nó giúp bạn điều chỉnh lại cảm xúc, giải tỏa bớt lo lắng hoặc đừng để những cảm xúc tiêu cực khiến bạn trì hoãn việc học.

  • Bước 4: sử dụng Kỹ năng xã hội: hãy tâm sự, chia sẻ với bạn bè, người thân, giáo viên hoặc bất kỳ ai mà bạn tin tưởng. Những mối quan hệ xã hội lành mạnh không những giúp bạn tìm kiếm giải pháp mà còn là nơi để bạn giải tỏa những lo lắng mình đang gặp phải.

Luyện tập

Một học sinh mới bắt đầu học IELTS được vài tuần, và dự định sẽ dành 6 tháng để đạt điểm tối thiểu điểm yêu cầu để nộp hồ sơ du học. Học sinh này khá an tâm với ba kỹ năng Nghe, Nói và Đọc nhưng gặp nhiều khó khăn hơn với kỹ năng Viết. Cụ thể, bạn này luôn hứng thú khi học các kỹ năng khác nhưng lại trì hoãn học viết, thường tìm cách né tránh hoặc chuyển sang làm việc khác thay vì luyện viết. Điều này khiến học sinh này không thoải mái và khá bất an. Vậy theo bạn

1. Học sinh này có đang gặp phải lo lắng khi học viết ngoại ngữ không?

2. Nếu là bạn, bạn sẽ áp dụng trí tuệ cảm xúc để giải quyết tình trạng này như thế nào?

Đáp án gợi ý:

1. Đúng, học sinh này đang gặp phải tình trạng lo lắng khi học viết ngoại ngữ. Biểu hiện: trì hoãn hoặc né tránh việc luyện viết, có cảm giác bất an…

2. Gợi ý các bước áp dụng trí tuệ cảm xúc để giảm thiểu lo lắng:

2.1. Xác định nguyên nhân khiến kỹ năng viết không thú vị như các kỹ năng kia, là do thiếu từ vựng, ngữ pháp, hay do bản thân chưa được tiếp xúc với IELTS Writing nhiều nên không biết nên triển khai bài viết như thế nào => tìm hướng giải quyết dựa trên các nguyên nhân: bổ sung từ vựng dùng cho từng Task, ôn lại ngữ pháp cần thiết cho IELTS Writing, hoặc tìm kiếm các bài viết được chuẩn hoá về bố cục, cách triển khai các dạng bài trong IELTS Writing trên Zim.vn; ví dụ: https://zim.vn/ielts-writing-task-2

2.2. Liệt kê ra những lý do tại sao mình nên cố gắng luyện kỹ năng Writing nhiều hơn. Ví dụ nếu điểm viết cao thì sẽ góp phần nâng điểm Overall -> làm đẹp hồ sơ du học -> nâng cao khả năng nhận học bổng hoặc đỗ vào trường mà bạn muốn học. Bạn cũng có thể hình dung ra những trải nghiệm mới mẻ và tốt đẹp khi đi du học để tăng thêm động lực

2.3. Tự cân bằng cảm xúc bằng cách chỉ nghĩ tới những điều vui vẻ, tốt đẹp khi đạt điểm IELTS cao, hoặc bạn sẽ cảm thấy tự hào như thế nào khi đã chiến thắng bản thân.

2.4. Bạn cũng có thể tâm sự, chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực của mình với người bạn tin tưởng và tìm kiếm thêm lời khuyên từ họ, những người này có thể là giáo viên dạy IELTS của bạn, một người bạn đã từng thi IELTS hoặc đang ôn IELTS. Hoặc bạn cũng có thể tìm đến những cộng đồng người học IELTS trực tuyến, ví dụ như ZIM Helper.

Tổng kết

Việc lo lắng khi học ngoại ngữ, đặc biệt là học viết là một hiện tượng phổ biến và khó tránh khỏi. Tuy nhiên nhiều bản thân người học không tư nhận thức được mình đang gặp phải vấn đề này nên không có hướng giải quyết phù hợp. Bài viết này cung cấp một số thông tin cơ bản của hiện tượng này, đồng thời giới thiệu việc áp dụng các phạm trù của trí tuệ cảm xúc để giảm thiểu lo lắng khi học viết ngoại ngữ.

Tài liệu tham khảo

  • Cheng, Y.-S. “A Measure of Second Language Writing Anxiety: Scale Development and Preliminary Validation.” Journal of Second Language Writing, vol. 13, no. 4, 2004, pp. 313–335, https://doi.org/10.1016/j.jslw.2004.07.001. 

  • Donlan, Dan. “Classroom Inquiry: When Teacher-Researchers Compare Notes on Writing Apprehension.” The English Journal, vol. 75, no. 5, 1986, p. 87, https://doi.org/10.2307/818222. 

  • Goleman, Daniel. Working with Emotional Intelligence. Bantam Books, 1998.

  • Horwitz, Elaine K., et al. “Foreign Language Classroom Anxiety.” The Modern Language Journal, vol. 70, no. 2, 1986, pp. 125–132, https://doi.org/10.1111/j.1540-4781.1986.tb05256.x. 

  • Horwitz, Elaine K. “Foreign and Second Language Anxiety.” Language Teaching, vol. 43, no. 2, 2010, pp. 154–167, https://doi.org/10.1017/s026144480999036x. 

  • Ismaili, Merita, and Shpresa Mustafai. “The Role of Emotional Intelligence in Decreasing the Anxiety in Language Learning.” Global Journal of Foreign Language Teaching, vol. 7, no. 3, 2018, pp. 116–120, https://doi.org/10.18844/gjflt.v7i3.2997. 

  • Liu, Meihua, and Huiliuqian Ni. “Chinese University EFL Learners’ Foreign Language Writing Anxiety: Pattern, Effect and Causes.” English Language Teaching, vol. 8, no. 3, 2015, https://doi.org/10.5539/elt.v8n3p46. 

  • Salovey, Peter, and John D. Mayer. “Emotional Intelligence.” Imagination, Cognition and Personality, vol. 9, no. 3, 1990, pp. 185–211, https://doi.org/10.2190/dugg-p24e-52wk-6cdg. 

  • Sarkhoush, Hoda. “Relationship among Iranian EFL Learners’ Self-Efficacy in Writing, Attitude towards Writing, Writing Apprehension and Writing Performance.” Journal of Language Teaching and Research, vol. 4, no. 5, 2013, https://doi.org/10.4304/jltr.4.5.1126-1132. 

  • Yetis, Veda Aslim. “Sources of Writing Anxiety: A Study on French Language Teaching Students.” International Education Studies, vol. 10, no. 6, 2017, p. 72, https://doi.org/10.5539/ies.v10n6p72. 

Để chinh phục mục tiêu IELTS, cần có một lộ trình học tập phù hợp, ôn luyện hiệu quả sẽ giúp tối ưu quá trình và thời gian học. Đăng ký học IELTS với Anh ngữ ZIM để đạt mục tiêu của bạn.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu