Bẫy câu trả lời gián tiếp thường gặp trong TOEIC Listening Part 2
Key Takeaways | ||
---|---|---|
| ||
Câu trả lời gián tiếp là gì?
Một câu trả lời gián tiếp là kết quả của việc người trả lời chỉ cung cấp một phần của câu trả lời dự kiến, nhưng có ý định để người hỏi nhận ra kế hoạch diễn đạt của mình [1]. Câu trả lời gián tiếp không cung cấp toàn bộ thông tin một cách trực diện, rõ nét mà có thể chỉ là một phần nhỏ nhưng đòi hỏi người nghe phải hiểu được toàn bộ thông tin về ý định người nói một cách chính xác. Những câu trả lời gián tiếp giúp cho việc giao tiếp trở nên đa dạng và đôi khi chúng hỗ trợ việc nói giảm nói tránh trong một số trường hợp để khiến việc giao tiếp lịch sự và tế nhị hơn.
Ví dụ đoạn hội thoại sử dụng câu trả lời gián tiếp: Bạn có muốn ăn tối với tôi không? - Thật tiếc quá, mình có công việc cần hoàn thành trong tối nay.
Khi được nhận một lời mời đi ăn, thay vì trả lời trực tiếp là “Không, tôi không muốn”, cách thức này tuy truyền tải thông tin rất trọng tâm và rõ ràng nhưng lại khá bộc trực và khiến người nghe cảm thấy không thoải mái. Lựa chọn trả lời gián tiếp “Thật tiếc quá, mình có công việc cần hoàn thành trong tối nay" khiến không khí của cuộc đàm thoại trở nên dễ chịu hơn nhiều.
Cấu trúc đề thi TOEIC Listening Part 2
TOEIC Listening Part 2 bao gồm 25 câu hỏi liên quan đến chủ đề văn phòng, kinh doanh hoặc đời sống hàng ngày nhằm kiểm trả khả năng nghe hiểu các câu hỏi ngắn và câu trả lời bằng tiếng anh của thí sinh. Mỗi câu hỏi sẽ có ba câu trả lời (tương ứng các đáp án A, B, C), thí sinh cần chọn câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi hoặc câu phát biểu vừa được nghe.
Câu trả lời trực tiếp trong TOEIC Listening Part 2
Để nhận diện tốt bẫy câu trả lời gián tiếp, thí sinh cần hiểu đâu là câu trả lời trực tiếp cho nội dung câu hỏi đề bài.
Câu hỏi: Who is handling the client's account? (Ai là người xử lý tài khoản khách hàng?)
Câu trả lời: Mr John in sales department. (Ông John ở phòng bán hàng.)
Câu hỏi trực tiếp sẽ giải quyết đúng trọng tâm câu hỏi, như với câu hỏi “Who" thì câu trả lời sẽ liên quan đến một người, hoặc một chức danh hay một phòng ban tổ chức. Trong câu này, người hỏi muốn nhận được thông tin về người sẽ xử lý tài khoản khách hàng và đã nhận được câu trả lời chính xác trọng tâm về cá nhân chịu trách nhiệm cho đầu việc đó là “Ông John ở phòng bán hàng”.
Tương tự với những câu hỏi sau: “Where” - câu trả lời liên quan đến nơi chốn, địa danh hoặc hướng dẫn chỉ đường, “When” - câu trả lời liên quan đến thời gian.
Câu trả lời gián tiếp trong TOEIC Listening Part 2
Câu trả lời gián tiếp trong TOEIC Listening Part 2 không trả lời trọng tâm vào nội dung câu hỏi mà sẽ cung cấp một thông tin gián tiếp (nhưng vẫn phù hợp để phản hồi trong tình huống giao tiếp).
Câu hỏi: Who is handling the client's account? (Ai là người xử lý tài khoản khách hàng?
Câu trả lời: I just joined the team. (Tôi chỉ vừa mới vào nhóm.)
Dù cùng câu hỏi như ví dụ phía trên nhưng trong trường hợp này, câu trả lời không trả lời trọng tâm cho câu hỏi “Who" mà trả lời rằng “tôi chỉ vừa mới vào nhóm” nhằm thể hiện họ không công tác đủ lâu để biết ai sẽ chịu trách nhiệm cho đầu việc được hỏi và từ chối trả lời câu hỏi được nhận. Nếu thí sinh không nắm vững kỹ năng làm bài mà nghe mẹo bằng những keyword từ để hỏi thì sẽ chọn sai đáp án vì đáp án đúng không thể hiện tên riêng, chức danh, cá nhân hoặc tổ chức như những câu trả lời thông thường của câu hỏi thông tin “Who".
Sau đây là những dạng câu trả lời gián tiếp thường gặp trong TOEIC Listening Part 2.
Dạng 1: Người trả lời nói rằng họ không biết thông tin để phản hồi câu hỏi
Dạng câu hỏi đầu tiên, cũng là dạng câu hỏi gián tiếp thường gặp nhất trong bài thi là khi người nói từ chối trả lời câu hỏi vì họ không biết thông tin cho câu hỏi đó. Cách từ chối khá đa dạng từ việc từ chối trực tiếp (tôi không biết, tôi không chắc..) hoặc đưa ra một thông tin rằng họ là người mới, họ vừa chuyển đến nên không nắm rõ thông tin cần thiết,...
Câu hỏi: Where can I find the financial report?
Câu trả lời: I'm afraid I don't have that information.
Tôi có thể tìm báo cáo tài chính ở đâu? - Tôi e là tôi không có thông tin đó.
Thay vì đưa ra thông tin nơi đặt báo cáo tài chính (như là trong hòm thư email, trong tủ tài liệu, trên bàn của đồng nghiệp,..) người nói từ chối trả lời câu hỏi vì không nắm được thông tin. Đây vẫn là dạng câu trả lời gián tiếp khá dễ để nhận dạng vì người nói từ chối việc cung cấp thông tin khá trực diện, dễ hiểu.
Ngoài ra, họ cũng có thể “từ chối một cách gián tiếp hơn" bằng cách đưa ra những ngữ cảnh phù hợp thể hiện mình không tham gia để nắm chắc vấn đề được hỏi như hai ví dụ sau.
Câu hỏi: When will the project be completed?
Câu trả lời: I wasn't involved in the planning.
Khi nào dự án sẽ hoàn thành? - Tôi không tham gia vào kế hoạch.
Thay vì trả lời trực tiếp về thời gian hoàn thành của dự án (ví dụ như "dự án sẽ hoàn thành vào tuần tới" hoặc "chúng tôi đang trong giai đoạn cuối"), người trả lời từ chối trả lời câu hỏi bằng cách cho biết họ không tham gia vào quá trình lập kế hoạch. Điều này là một cách gián tiếp để nói rằng họ không có thông tin về thời gian hoàn thành dự án. Giống như ví dụ trước, đây là một cách từ chối cung cấp thông tin mà vẫn giữ được sự lịch sự và tôn trọng.
Câu hỏi: Who made the final decision on the design?
Câu trả lời: I wasn't part of the meeting.
Ai đã đưa ra quyết định cuối cùng về thiết kế? - Tôi không tham gia cuộc họp.
Thay vì trả lời trực tiếp về người đã đưa ra quyết định cuối cùng về thiết kế (ví dụ như "quyết định được đưa ra bởi giám đốc thiết kế" hoặc "đó là một quyết định chung của nhóm"), người trả lời cho biết họ không tham gia cuộc họp liên quan đến quyết định này. Đây là cách gián tiếp để tránh trả lời câu hỏi một cách cụ thể. Câu trả lời này thể hiện rằng người nói không có thông tin vì họ không tham gia vào quá trình ra quyết định.
Dạng 2: Người trả lời đề xuất người hỏi tìm kiếm thông tin từ một đối tượng khác
Đôi khi mặc dù không nắm thông tin được hỏi, thay vì từ chối trả lời, người nói có thể chọn cách đề xuất người hỏi tìm kiếm thông tin từ một đối tượng khác. Đặc điểm nhận dạng câu trả lời này là đối tượng được đề xuất sẽ có những mối quan hệ liên quan với nội dung được hỏi hoặc đôi khi câu trả lời chỉ đơn giản là đề xuất cụ thể anh A, chị B là người nắm giữ thông tin được hỏi.
Câu hỏi: "Can you tell me when the next staff meeting is?"
Câu trả lời: "You should ask the HR department."
Bạn có thể cho tôi biết cuộc họp nhân viên tiếp theo là khi nào không? - Bạn nên hỏi phòng nhân sự.
Thay vì trả lời trực tiếp về thời gian của cuộc họp nhân viên tiếp theo, người trả lời đề xuất người hỏi nên hỏi phòng Nhân sự. Điều này ngụ ý rằng phòng Nhân sự sẽ nắm thông tin chính xác về lịch họp, và người trả lời không có hoặc không muốn cung cấp thông tin đó trực tiếp.
Câu hỏi: "Do you know if the project deadline has been extended?"
Câu trả lời: "You might want to check with the project manager."
Bạn có biết liệu rằng hạn nộp dự án đã được gia hạn không?
Người trả lời không đưa ra thông tin về việc thời hạn dự án có được gia hạn hay không, mà thay vào đó đề xuất người hỏi nên kiểm tra với quản lý dự án. Quản lý dự án có thể là người nắm rõ thông tin này, và người trả lời gợi ý đối tượng khác để người hỏi tìm kiếm thông tin.
Câu hỏi: "Where can I get the latest sales figures?"
Câu trả lời: "Try asking Ms Jane.”
Tôi có thể tìm số liệu doanh thu mới nhất ở đâu? - Hãy thử hỏi cô Jane nhé.
Thay vì chỉ ra nơi có thể lấy số liệu bán hàng mới nhất, người trả lời đề xuất người hỏi nên hỏi Jane trong bộ phận kế toán. Điều này cho thấy Jane có thể là người có thông tin mà người hỏi đang tìm kiếm, nhưng người trả lời không có thông tin đó trực tiếp.
Dạng 3: Trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi khác nhằm khai thác thêm thông tin trước khi đưa ra câu trả lời chính xác
Dạng thông tin gián tiếp cuối cùng là một câu hỏi nhằm khai thác thêm những thông tin cần thiết trước khi người phản hồi đưa ra câu trả lời cuối cùng.
Câu hỏi: Should I get to the airport by taxi or by bus?
Câu trả lời: How far from your house to the airport?
Tôi nên đến sân bay bằng taxi hay xe buýt? - Nhà bạn cách sân bay bao xa?
Theo cách thông thường, khi được hỏi câu hỏi về lựa chọn, câu trả lời trực tiếp sẽ thể hiện sự lựa chọn như “Bạn nên đi taxi.” hoặc “Xe buýt là một lựa chọn tốt đó!”. Nhưng trong ví dụ này, người phản hồi đặt câu hỏi khai thác thêm thông tin về khoảng cách trước khi đưa ra đề xuất về phương tiện tối ưu nhất đến sân bay.
Câu hỏi: Should we book the conference room for the meeting?
Câu trả lời: How many people are attending?
Chúng ta có nên đặt phòng hội nghị cho cuộc họp không? - Bao nhiêu người sẽ tham gia?
Người trả lời đã không trực tiếp trả lời câu hỏi liệu có nên đặt phòng hội nghị hay không. Thay vào đó, họ hỏi thêm thông tin về số lượng người tham dự. Điều này giúp họ có thêm dữ kiện để đưa ra quyết định chính xác về việc có nên đặt phòng hội nghị hay không. Việc hỏi thêm thông tin ở đây cho thấy người trả lời muốn chắc chắn rằng lựa chọn của họ là phù hợp.
Câu hỏi: Should I send out the invitations now?
Câu trả lời: Have all the details been finalized?
Chúng ta có nên gửi thư bây giờ không? - Tất cả những chi tiết đã được hoàn tất chưa?
Thay vì trả lời trực tiếp, người trả lời lại hỏi thêm một câu để xác định xem liệu tất cả các chi tiết đã được hoàn tất chưa. Điều này cho thấy họ cần thêm thông tin trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên gửi thiệp mời hay không vì nếu chưa đủ thông tin, mọi người cần trì hoãn việc gửi thiệp.
Chiến lược xử lý dạng câu trả lời gián tiếp trong bài thi TOEIC
Đôi khi, đáp án là câu trả lời gián tiếp thường khiến thí sinh bối rối vì không chắc rằng đây là một đáp án sai (thường các đáp án gián tiếp thường trông có vẻ không liên quan đến chủ đề câu hỏi) hay thực sự là một đáp án đúng.
Để xử lý nỗi lo này, thí sinh có thể ứng dụng cách “đánh dấu” sự nghi ngờ những câu hỏi này khi nghe đề thi và chỉ thực sự chọn chúng khi đã loại trừ những đáp án sai khác. Đôi khi việc loại trừ những phương án sai “một cách rõ ràng” sẽ dễ dàng hơn chọn một câu trả lời đúng nhưng hiện diện ở dạng thông tin gián tiếp.
Ví dụ khi nghe câu hỏi: How can I contact to the supplier?
(A) You should ask Lisa. (Nếu học viên nghi ngờ đây là một đáp án đúng nhưng chưa chắc chắn hoàn toàn, hãy đánh dấu nó lại và tiếp tục nghe các đáp án sau)
(B) The company supplies its employees with free lunch. (Loại trừ đáp án này vì câu hỏi hỏi về cách thức liên lạc, đây là đáp án bẫy từ đồng âm “Supply”).
(C) At the meeting room on second floor. (Loại trừ ngay đáp án này vì câu hỏi không liên quan đến nơi chốn)
Sau khi loại trừ những đáp án sai rất rõ ràng, thí sinh có thể yên tâm chọn đáp án ban đầu cho câu trả lời cuối cùng.
Việc thực hiện “đánh dấu” câu nghi ngờ có cách thực hiện khác nhau đôi chút ở hai hình thức thi giấy và thi máy.
Nếu thí sinh thực hiện hình thức thi giấy, khi nghe một đáp án “nghi ngờ”, hãy đặt bút để vào ô đáp án đó nhưng khoan hãy tô bút chì. Ví dụ, nếu nghi ngờ đáp án (A), hãy đặt đầu bút vào đáp án (A) và nghe tiếp đáp án (B), (C). Nếu (B), (C) là các đáp án hoàn toàn sai, thí sinh tiến hành tô đáp án (A). Việc tô ngay đáp án (A) từ ban đầu có thể dẫn đến rủi ro đây là đáp án sai và khiến học viên tốn thêm thời gian để bôi xoá đáp án đó.
Nếu lựa chọn hình thức thi trên máy tính, thí sinh có thể yên tâm click chuột vào đáp án “nghi ngờ” vì màn hình bài thi trên máy tính cho phép thí sinh có thể chuyển đổi câu trả lời chỉ bằng cách click chuột qua đáp án mới. Ví dụ, nếu bạn đầu thí sinh nghi ngờ đáp án (A) là đáp án gián tiếp, hãy click chuột vào (A), nếu nghe xong (B), (C) và thay đổi ý định thành đáp án (C), học viên có thể dễ dàng thay đổi câu trả lời bằng cách nhấp chuột vào (C).
Việc chuyển đổi câu trả lời trên máy tính không tốn nhiều thời gian như khi làm trên giấy nhưng vẫn đòi hỏi thí sinh thao tác nhanh chóng trước khi câu máy chuyển qua câu hỏi tiếp theo.
Tham khảo thêm:
Bài tập luyện tập
Chọn phương án trả lời phù hợp nhất với mỗi câu hỏi bên dưới.
What is the deadline for the report?
A) It's in the finance folder.
B) I wasn't given that information.
C) The report is almost done.
Who can approve this request?
A) You need to submit it online.
B) I'm not certain; I'm new to this department.
C) Mr. Thompson is on leave today.
When will the new policy be implemented?
A) The policy is outdated.
B) I have no clue; I just started this week.
C) The policy will be revised soon.
Where is the main office located?
A) It has been renovated.
B) I don't know; I haven't been there yet.
C) The office opens at 9 AM.
Should we contact the client directly?
A) How urgent is the matter?
B) Our new client is going to open the new branch.
C) The client has already been contacted.
Where can I find the financial report?
A) I will present the budget report.
B) I'm afraid I don't have that information.
C) The intern from finance department.
Do you know when the meeting is scheduled?
A) Have you checked the calendar?
B) The meeting is taking place in room 102.
C) The trade fair is scheduled for next week.
Who finalized the budget?
A) I wasn't part of the meeting.
B) The finance team is holding a farewell.
C) It was finalized yesterday.
Should we extend the deadline?
A) How much work is left?
B) The deadline is next Friday.
C) I don’t think this restaurant is the best option.
Are we meeting in the conference room?
A) John will lead the meeting.
B) Yes, the conference room is reserved.
C) The meeting is at 10 AM.
What is the status of the project?
A) It's still out of stock.
B) You should ask the project manager.
C) I will be on vacation next month.
Where can I find the meeting agenda?
A) The meeting was hosted by marketing team.
B) I’m afraid I don’t have that information.
C) Ask John; he’s in charge of the birthday party.
Who can sign off on this document?
A) Mr. Lee is training new employees.
B) I’m not sure; you should ask HR.
C) The document is ready for review.
When will we get the new equipment?
A) The clients should arrive next week.
B) Have you checked with the supplier?
C) The order has been placed.
Where did you buy the office supplies?
A) I ordered my dresses online.
B) The supplies should arrive soon.
C) You might want to ask Purchasing.
Phần đáp án và giải thích:
Đáp án: B) I wasn't given that information.
Giải thích: Câu trả lời gián tiếp này thể hiện rằng người trả lời không biết hạn chót là khi nào vì không được cung cấp thông tin.Đáp án: B) I'm not certain; I'm new to this department.
Giải thích: Câu trả lời gián tiếp cho thấy người trả lời không chắc chắn ai có thể phê duyệt yêu cầu này vì họ mới đến phòng ban.Đáp án: B) I have no clue; I just started this week.
Giải thích: Câu trả lời này là một cách gián tiếp để nói rằng người trả lời không biết khi nào chính sách mới sẽ được thực hiện vì họ vừa bắt đầu làm việc.Đáp án: B) I don't know; I haven't been there yet.
Giải thích: Câu trả lời này cho thấy người trả lời không biết vị trí của văn phòng chính vì họ chưa đến đó.Đáp án: A) How urgent is the matter?
Giải thích: Người trả lời không trả lời trực tiếp về việc có nên liên lạc với khách hàng hay không mà hỏi thêm về mức độ khẩn cấp của vấn đề, nhằm thu thập thêm thông tin trước khi quyết định.Đáp án: B) I'm afraid I don't have that information.
Giải thích: Câu trả lời gián tiếp này thể hiện người nói không biết nơi có thể tìm được báo cáo tài chính.Đáp án: A) Have you checked the calendar?
Giải thích: Thay vì trả lời trực tiếp về thời gian họp, người trả lời đề xuất người hỏi kiểm tra lịch để tìm câu trả lời.Đáp án: A) I wasn't part of the meeting.
Giải thích: Người trả lời không trực tiếp trả lời về người đã hoàn thành ngân sách mà nói rằng họ không tham gia cuộc họp, gián tiếp từ chối cung cấp thông tin.Đáp án: A) How much work is left?
Giải thích: Người trả lời không quyết định ngay việc gia hạn thời hạn mà hỏi thêm về khối lượng công việc còn lại để cân nhắc.Đáp án: B) Yes, the conference room is reserved.
Giải thích: Đáp án đúng trong câu này là câu trả lời trực tiếp.Đáp án: B) You should ask the project manager.
Giải thích: Câu trả lời gián tiếp đề xuất người hỏi tìm thông tin từ quản lý dự án vì đây là người sẽ nắm rõ nhất về tiến độ dự án.Đáp án: B) I’m afraid I don’t have that information.
Giải thích: Câu trả lời cho thấy người nói không có thông tin về lịch trình của buổi họp.Đáp án: B) I’m not sure; you should ask HR.
Giải thích: Người trả lời không chắc chắn và đề xuất người hỏi tìm thông tin từ bộ phận nhân sự.Đáp án: B) Have you checked with the supplier?
Giải thích: Thay vì trả lời trực tiếp, người trả lời đề xuất kiểm tra với nhà cung cấp để biết thông tin về thiết bị mới.Đáp án: C) You might want to ask Purchasing.
Giải thích: Câu trả lời gián tiếp đề xuất người hỏi liên hệ với bộ phận mua hàng để biết nơi mua văn phòng phẩm.
Tổng kết
TOEIC Listening Part 2 là một phần thi tương đối khó trong tổng thể bài thi do thí sinh phải cùng lúc nghe được câu hỏi và ba phương án trả lời.
Phía trên là những dạng câu hỏi gián tiếp thường gặp trong bài thi TOEIC LR, những dạng câu trả lời này thường bị nhầm lẫn là đáp án sai. Khi nghe được những phương án gián tiếp và không chắc chắn đây là phương án chính xác cuối cùng, thí sinh có thể dùng tay đánh dấu lại sự cân nhắc và nghe tiếp những phương án khác, sau đó chọn phương án gián tiếp nếu đã loại trừ những phương án còn lại là sai hoàn toàn.
Để nắm thật kỹ dạng bài này, thí sinh cần cố gắng luyện tập phát âm và ghi chú thật kỹ từ vựng về những chủ đề thường gặp để dễ dàng nhận dạng đáp án chính xác khi thực hiện kỳ thi thực tế.
Nguồn tham khảo
“Interpreting and Generating Indirect Answers.” Aclanthology.org, https://aclanthology.org/J99-3004.pdf. Accessed 15 August 2024.
“TOEIC Examinee Handbook.” IIG, https://drive.google.com/file/d/1P0ggM_4p1T9FfBi9bCZnHWAcDfz3vfgF/view. Accessed 2 September 2024.
Bình luận - Hỏi đáp