Các hình thức lập luận ngụy biện trong IELTS Writing Task 2 và cách giải quyết (P.2)
Trong phần trước “Các hình thức lập luận ngụy biện trong IELTS Writing Task 2 và cách giải quyết“, tác giả đã chỉ ra và đề xuất hướng giải quyết cho 4 lỗi lập luận ngụy biện trong IELTS Writing Task 2. Phần tiếp theo, bài viết dưới đây sẽ phân tích và sửa lỗi các hình thức lập luận ngụy biện còn lại trong bài thi IELTS Writing Task 2.
Những lỗi lập luận ngụy biện hay gặp trong IELTS Writing Task 2
Lập luận ngụy biện cá mòi đỏ – Red herring
Hình thức ngụy biện trên được đặt tên theo loại cá mòi xông khói được sử dụng để đánh lạc hướng những con chó săn. Tương tự như khi áp dụng với người, người đang học tiếng Anh có xu hướng sử dụng lỗi nguỵ biện trên (Hasibusan et al., 2020) để phân tán và đánh lạc hướng người đọc bằng cách đưa ra một luận điểm không liên quan tới chủ đề chính (University of Tennessee, n.d.).
Ví dụ:
Đề bài: Some people think that rising crime rates do not accurately represent the safety of a country. Do you agree or disagree with this view?
Câu viết trong bài:
For example, in Chile, despite the fact that crime rates have increased in recent years, the country is still safer than neighboring states.
Ví dụ: Trong ví dụ trên, người viết cho rằng tỉ lệ tội phạm ở Chile đã tăng đáng kể, nhưng điều này lại không nghiêm trọng, do Chile vẫn an toàn hơn các quốc gia lân cận. Đây là hành vi nguỵ biện cá mòi đỏ, do việc các quốc gia lân cận nguy hiểm hơn không có nghĩa là Chile là một quốc gia an toàn.
Để đối phó với hình thức lập luận ngụy biện cá hồi đỏ, người viết nên xác định rõ ràng từng ý trong lý lẽ đã đưa ra có mối quan hệ với nhau ra sao, và nên làm rõ mối quan hệ này trong bài viết (University of North Carolina, n.d.).
Dựa vào gợi ý trên, có thể sửa ví dụ thứ nhất như sau:
For example, in Chile, despite the fact that crime rates have increased in recent years, the country is still considered one of the safest places to live in South America.
Trong ví dụ trên, người viết đã cho rằng cho dù tỉ lệ phạm tội ở Chile đang tăng, nhưng quốc gia này vẫn được coi là một trong những nơi an toàn nhất ở Nam Mỹ. Hai ý trên có mối quan hệ logic chặt chẽ với nhau và với đề bài, và từ đó không mắc phải lỗi nguỵ biện cá hồi đỏ.
Song đề sai – False dichotomy
Đây là hình thức ngụy biện có xuất hiện trong bài nghiên cứu hiện tượng ngụy biện đối tượng học sinh học tiếng Anh, được thực hiện bởi El Khoiri & Widiati (2017). Về cơ bản thì hình thức nguỵ biện trên xảy ra khi người viết chỉ đưa ra hai phương án, trong khi thực chất có thể có nhiều hơn hai lựa chọn (University of Central Florida, n.d.). Hơn nữa, hình thức nguỵ biện trên còn yêu cầu người đọc chọn một trong hai lựa chọn trên, khi mà trong thực tế có thể chọn cả hai trong cùng một lúc (University of Toronto, n.d.).
Ví dụ:
Đề bài: Teaching mathematics in school should be mandatory. Do you agree or disagree with this opinion?
Câu trong bài viết:
Without mathematics, students would either be unable to think logically, or they would not be able to make calculations in real life.
Trong câu trên, người viết cho rằng chỉ có hai hậu quả cho việc không học toán: một là học sinh không thể suy nghĩ một cách logic, và hai là học sinh không thể tính toán trong ngoài đời thật. Ví dụ trên vi phạm hình thức ngụy biện song đề sai, do hai phương án mà người viết đề xuất không phải là hai hậu quả duy nhất (học sinh có thể biết tính toán mà không cần phải học toán, học sinh có thể học logic thay vì toán để phát triển khả năng tư duy,…)
Người viết nên lưu ý rằng hình thức ngụy biện trên có thể áp dụng khi người đọc giới hạn số lựa chọn được đưa ra theo bất cứ cách nào, và số lựa chọn được giới hạn có thể là ba, bốn,…, không nhất thiết là chỉ gồm có hai.
Để giải quyết được hình thức lập luận ngụy biện trên thì người học không nên giới hạn số lựa chọn trong cùng một câu, và cũng không nên đi quá đà và liệt kê mọi trường hợp có thể xảy ra. Phương án giải quyết phù hợp nhất cho người viết là chọn những phương án có ảnh hưởng lớn nhất tới lý lẽ của mình, rồi sau đó liệt kê chúng ra và giải thích chi tiết ảnh hưởng trên là gì (University of North Carolina, n.d.). Hơn nữa, người viết có thể đi vào phân tích vấn đề một cách chi tiết, thay vì liệt kê các lựa chọn.
Sử dụng gợi ý trên, có thể sửa ví dụ thứ nhất như sau:
Without prior knowledge of math, students might find it difficult to understand important mathematics-related concepts later in life, such as interest rates.
Trong câu trên, thay vì tập trung vào việc đưa ra những hậu quả của việc không học toán, người viết đã chỉ phân tích một hậu quả cụ thể. Điều này khiến ý trên được phát triển một cách đầy đủ hơn, từ đó tăng nên sự thuyết phục.
Lợi dụng uy tín – Appeal to authority
Một số trang web hướng dẫn viết bài IELTS Writing Task 2 cho rằng người viết có thể tự bịa ra các nghiên cứu, và biến chúng trở thành dẫn chứng trong bài (All Ears English Podcast, 2016; IELTS with Fiona, 2017). Lý do được những trang web trên đưa ra là những yếu tố trên sẽ tăng tính thuyết phục và học thuật của bài viết. Tuy nhiên, việc làm trên là một ví dụ điển hình cho hình thức lập luận ngụy biện lợi dụng uy tín – hiểu một cách đơn giản là việc người viết cho rằng lý lẽ của mình là đúng chỉ vì một chuyên gia không rõ chuyên môn kết luận rằng lý lẽ đó là đúng (Prescott College, n.d.).
Ví dụ:
Furthermore, numerous studies have shown that the more time you spend looking at monitors, the worse your eyesight will become.
Trong câu trên, người viết cho rằng các nghiên cứu đã chứng minh việc nhìn vào màn hình quá lâu sẽ dẫn đến giảm thị giác. Câu trên đã mắc phải lỗi lợi dụng uy tín, do người viết không hề trích dẫn cụ thể những nghiên cứu mà họ đã nhắc tới ở đầu câu. Điều này làm cho người học không có cơ sở để kiểm tra độ chính xác của câu trên, cũng như là kiểm tra độ đáng tin cậy của các nghiên cứu mà họ đã dẫn ra.
Người viết cần lưu ý rằng không phải hình thức trích dẫn kết luận từ chuyên gia nào cũng là hình thức nguỵ biện lợi dụng uy tín. Hình thức lập luận ngụy biện trên chỉ xảy ra khi chuyên gia được trích dẫn không có đủ chuyên môn để đưa ra kết luận chính xác, và chỉ khi người viết không cung cấp dẫn chứng đầy đủ về nguồn gốc của nghiên cứu mà các chuyên gia đó đã đưa ra. Do điều kiện thứ hai không thể đạt được trong phòng thi IELTS, vì thí sinh không thể sử dụng internet để tìm ra trích dẫn chi tiết về nghiên cứu mà mình đang trích, nên bất cứ hình thức trích dẫn chuyên gia hoặc nghiên cứu nào trong việc viết bài IELTS Writing Task 2 đều mắc phải hình thức lập luận ngụy biện trên (IELTS Simon, 2019). Do vậy, người viết nên tránh sử dụng những cụm từ như là “Research has shown…”, “Studies show that…”,… trong bài viết của mình.
Kết luận
Bài viết trên đã liệt kê những hình thức lập luận ngụy biện thường gặp của những người đang học tiếng Anh, đặc biệt các sĩ tử luyện thi IELTS gặp phải trong khi viết, cùng với ví dụ thực tiễn và những cách để tránh mắc phải hình thức ngụy biện về logic trong IELTS Writing Task 2. Để hiểu hơn về cách tư duy logic trong lập luận và cải thiện bài viết IELTS Writing Task 2 trở nên thuyết phục hơn, người đọc có thể tham khảo thêm khóa IELTS Advanced tại ZIM.
Vũ Trọng Hiếu
Bình luận - Hỏi đáp