Các hình thức ngụy biện thường gặp trong tư duy logic (Phần 3)
Trong phần 3 của chuỗi bài viết giới thiệu về những hình thức ngụy biện thường gặp, tác giả sẽ tiếp tục giới thiệu với người đọc những lỗi tư duy logic phổ biến. Đó là: Ngụy biện lạm dụng quyền lực, ngụy biện lợi dụng lòng thương hại và ngụy biện gây cảm giác tội lỗi.
Ngụy biện lạm dụng quyền lực (Ad verecundiam)
Ngụy biện lạm dụng quyền lực chính là lối sai lầm trong tư duy đánh vào xu hướng tâm lý ‘tin theo người nổi tiếng’ của đại đa số chúng ta. Phần đông những người mắc phải lỗi tư duy logic này tin rằng quyền lực được sinh ra để giành được nhiều ưu thế trong tranh luận mà không cần dựa trên lập luận thuyết phục. Cụ thể, từ thời xa xưa cho đến hiện tại vẫn có rất đông những người dùng danh tiếng và uy tín của những người nổi tiếng, được nhiều người ái mộ để tranh thủ sự ủng hộ cho luận điểm của mình.
Ví dụ 1:
Chúng ta nên tin vào Đấng toàn năng vì cả hai nhà vật lí học đại tài Michio Kaku và Albert Einstein đều tin vào điều đấy.
Ví dụ 2:
Ca sĩ hát rap nổi tiếng người Mỹ B.O.B đã từng phát biểu rằng anh ấy tin vào giả thuyết Trái Đất phẳng (flat Earth theory). Nhờ vào sự nổi tiếng của mình, anh ta thậm chí còn gây quỹ để phóng vệ tinh vào không gian để chứng minh hình dáng thật của Trái Đất nữa.
Trong các lý luận trên, thay vì tập trung vào tính logic của lập luận thì người nói lại dựa vào niềm tin và quan điểm của những người nổi tiếng dù không thực sự liên quan đến vấn đề được đề cập. Để tránh mắc vào bẫy nguỵ biện này, người nghe cần cân nhắc tính logic của lập luận và nhìn nhận đúng vai trò và sự tương quan của người nổi tiếng trong vấn đề đang được tranh luận.
Ví dụ 3:
Einstein là nhà vật lí và vũ trụ học thiên tài, ông tiên đoán sự tồn tại của sóng hấp dẫn (gravitational waves) trong học thuyết tương đối (theory of relativity) vào năm 1916. Hai nhà khoa học Russell Hulse và Joseph Taylor cũng đã cung cấp bằng chứng cho sự tồn tại của loại sóng này và đạt giải Nobel vào năm 1993. Năm 2015, nhóm cộng tác Khoa học Advanced LIGO (Đại học MIT, Mỹ) công bố bài báo về tín hiệu sóng hấp dẫn thu được từ hai lỗ đen vũ trụ, làm nên một sự chấn động lớn trong giới khoa học bấy giờ. Vậy, ta có khá đủ cơ sở để tin vào sự tồn tại của loại sóng này trong vật lí.
Ví dụ nêu trên hoàn toàn không phải là nguỵ biện. Những cái tên của người nổi tiếng được nêu ra cùng với những bằng chứng thuyết phục, trực tiếp liên quan và hỗ trợ cho kết luận cuối cùng.
Một biến thể khác của lỗi tư duy logic nguỵ biện lạm dụng quyền lực này là nguỵ biện lạm dụng vị thế/ uy tín cá nhân. Trong sai lầm tư duy này, người nguỵ biện thay vì bàn trực tiếp về vấn đề tranh luận thì lại dựa vào vai vế, tuổi tác, địa vị để nâng mình lên và hạ thấp đối phương. Trong văn hoá của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, hình thức nguỵ biện này rất thông dụng.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp khiến hình thức nguỵ biện này thấm sâu vào tư duy của đại đa số người dân chính là cách xưng hô trong ngôn ngữ tiếng Việt giao tiếp hằng ngày. Người Việt phân rõ các ngôi thứ và vai vế trong giao tiếp như cha, mẹ, cô, dì, chú, bác và con, cháu để thể hiện rõ cấp bậc trong giao tiếp. Điều này vô hình trung góp phần đẩy các cuộc tranh luận trở thành cuộc chiến về tuổi tác và cấp bậc, nhiều hơn là lí lẽ và sự rạch ròi. Có thể quan sát rất rõ được điều này qua các cuộc hội thoại hằng ngày hoặc thâm chí các bình luận (comment) trên mạng xã hội như ví dụ dưới đây.
Ví dụ 4:
A: Sếp nên xem xét việc sử dụng các thiết bị tối tân hiện nay để đẩy nhanh quy trình sản xuất của xưởng …
B: Tôi là sếp cậu, tôi tự biết làm gì, cần cậu nhắc sao?
Ví dụ 5:
A: Con không nghĩ mẹ thực sự hiểu vấn đề con đang nói.
B: Tao đẻ ra mày nhé, mày không có quyền dạy tao!
Việc giữ gìn những giá trị truyền thống trong cách cư xử với người lớn tuổi hơn là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc bảo vệ quan điểm của bản thân là việc làm đúng đắn. Vậy, khi rơi vào tình huống đối phương tranh luận lựa chọn nguỵ biện lạm dụng uy tín/ vị thế của bản thân để giành phần hơn, chúng ta cần phải xử lí như thế nào để tròn đạo lí nhưng vẫn giữ vững lập trường của bản thân?
Lấy trường hợp bên dưới làm ví dụ:
Ví dụ 6
A: Trẻ con bây giờ quá hư hỏng, để chúng vô nề nếp, bố mẹ phải làm như ông bà ta căn dặn “Thương cho roi cho vọt” thì chúng mới nên người!
B: Cháu phản đối cách sử dụng bạo lực trong gia đình, trẻ em ngày nay phải chịu nhiều áp lực từ trường lớp và cả gia đình, chúng ta nên lắng nghe con trẻ nhiều hơn thay vì “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” với chúng.
A: Tôi đã đi được hơn nửa đời người rồi, lời tôi nói chắc chắn phải đúng thôi, trẻ như cậu thì không có tư cách gì tranh luận với tôi cả.
B: Thưa bác, cháu hiểu và đánh giá cao những kinh nghiệm của bác truyền lại những cháu vẫn sẽ giữ quan điểm của mình bởi vì mỗi thời mỗi khác, chúng ta không thể mang tư duy thời trước áp đặt cho thời này được …
Cách ứng xử của người A trong ngữ cảnh này có thể được xem là một cách để ứng phó với lối nguỵ biện lạm dụng vị thế/ uy tín cá nhân. Tóm lại, khi tranh luận chúng ta cần giữ bản thân tỉnh táo, phân tích dựa trên vấn đề tranh luận thay vì cuốn bản thân theo lối nguỵ biện của đối phương.
Ngụy biện lợi dụng lòng thương hại (Ad misericordiam) và Ngụy biện gây cảm giác tội lỗi
Ví dụ 1: Giáo sư ơi, học kì này mẹ em bệnh nặng, bố em lại đi công tác xa, em đã trải qua một khoảng thời gian rất khó khăn. Có thể cho em qua môn được không ạ?
Ví dụ 2:
A: Cô Lại Thị Kiều Trang quả thật là độc ác, đầu độc chị họ mà lại còn giết oan một mạng người khác…
B:Thôi cô ấy cũng bị tử hình rồi, để người ta yên đi.
Ví dụ 3:
A: Năm Cam đã từng một thời là tên trùm xã hội đen khét tiếng làm khuynh đảo giới tội phạm ở Việt Nam thời bấy giờ. Việc ông ta bị xử tử vì bảy tội trạng khác nhau bao gồm cả giết người và hối lộ trở thành đề tài nóng hổi không chỉ trên mặt báo trong nước mà con ở nước ngoài đấy. Vậy mà hàng xóm xung quanh khu nhà ông ta ở không hề biết sự thật này…
B: Người thì cũng hoá thiên cổ rồi, hay ho gì mà nhắc lại mấy chuyện đó.
Các ví dụ trên minh hoạ cụ thể cho những lối mòn trong tư duy của khá nhiều người, như: “Tôi khổ cực lắm, hãy cho tôi cái tôi muốn” hoặc “Không nên bới móc chuyện người đã khuất, người ta cũng đã đi rồi mà”. Đây chính là lối nguỵ biện tạo cảm giác thương hại bằng cách “kể khổ” với người khác nhằm trục lợi trong tranh luận.
Trong ví dụ thứ hai và thứ ba, người mắc lỗi tư duy logic này chính là nguỵ biện dựa vào tín ngưỡng và niềm tin về mặt tâm linh để gán ghép cảm giác tội lỗi cho người kia và giành phần lợi trong tranh luận về phía mình thay vì nhắc đến vấn đề về tội ác của cô gái hay nhân vật Năm Cam khét tiếng đang được tranh luận. Điều này sẽ cực kì khập khiễng nếu ta đưa Hitler – kẻ độc tài khét tiếng trong lịch sử – lên bàn cân. Cơ bản là việc ông ta đã mất không thể biện minh hay bào chữa cho tội ác diệt chủng ông ta gây ra cho hơn 6 triệu người Do Thái.
Cảm xúc là một nhân tố mạnh mẽ có khả năng xoay chuyển lí trí và óc phán đoán logic của một người. Cha đẻ của cuốn “Đắc nhân tâm” Dale Carnegie đã từng nói: “Khi bạn làm việc với người khác, hãy luôn nhớ rằng bạn không phải đang làm việc với những cỗ máy logic mà là các sinh vật có cảm xúc” (When dealing with people, let us remember that you are not dealing with creatures of logic but creatures of emotions). Chính vì vậy, trong tranh luận, nhiều người lợi dụng cảm xúc để dẫn dụ sự tin tưởng và làm cản trở tư duy hợp lí. Chúng ta cần học cách giữ cái đầu lạnh và hạn chế việc để cảm xúc chi phối quá trình suy nghĩ logic.
Martin Luther King có một câu rất hay: “Một ngày nào đó chúng ta sẽ học được rằng trái tim không thể nào hoàn toàn đúng khi cái đầu hoàn toàn sai” (One day we will learn that the heart can never be totally right when the head is totally wrong).
Tuy nhiên, không phải lúc nào việc thuyết phục bằng cách gợi lên lòng trắc ẩn cũng là nguỵ biện nếu luận điểm dẫn dắt cảm xúc phù hợp với ngữ cảnh và kết luận. Hãy cùng nhìn ví dụ sau đây:
Ví dụ 2: Anh rất yêu em. Anh đội nắng đội gió chờ em trước cửa trường đưa em về.
Ví dụ 3: Anh mua cho em tất cả những gì em muốn. Anh hứa sẽ yêu em và đem lại hạnh phúc cho em cả đời. Em có thể suy xét việc làm bạn gái của anh được không?
Chàng trai trong ví dụ bên trên đưa ra những bằng chứng về những hi sinh anh ta làm nhằm gợi lên sự thương cảm trong cô gái để có thể hướng đến kết luận rằng cô ấy nên “suy xét việc làm bạn gái của anh ta”. Có thể thấy, không có lỗi tư duy logic nào được thực hiện ở đây.
Tài liệu tham khảo
Bassham, Irwin, Nardone and Wallace (2011). Critical Thinking (Forth Edition). King’s College, New York. Published by McGraw-Hill.
Sarah Velenzuela (2019). History’s most famous flat Earth believers. Nydailynews.
NASA Science (article last updated June 4, 2020) and LIGO (Laser Interferometer Gravitational-Wave Observatory) Lab. What is a Gravitational wave?.
Katie Rogers, Christine Hauser, Alan Yuhas và Maggie Haberman (2020). Trump’s suggestion that disinfectants could be used to treat Coronavirus prompts agressive pushback. The New York Times.
Robby Berman (2018). Michio Kaku believes in God, if not that God. Big Think.
Ngân Lâm – Giảng viên tại ZIM
Bình luận - Hỏi đáp