Các hình thức ngụy biện thường gặp trong tư duy Logic – Phần 5
Ngụy biện cá trích đỏ (Red Herring) là gì?
Người Việt có muôn hình vạn trạng các lối ngụy biện để bác bỏ ý kiến hoặc quan điểm của người đối thoại. Từ những câu nói thường gặp như “Thôi biết cái gì mà nói, ăn cơm nhà bàn chuyện thiên hạ.” hoặc “Trẻ con biết gì, lo mà học hành tử tế” cho đến những câu mang tính đả kích mạnh bạo hơn như “Thấy không sống được thì ra nước ngoài sống”.
Thông thường, để phản kháng lại những lí lẽ tưởng chừng như vô lí đó, rất nhiều người chọn cách đối đáp lại theo hướng “Ăn cơm nhà không được bàn chuyện thiên hạ à?” hay “Trẻ con thì không có quyền được lên tiếng à?”.
Khi chọn cách cuốn theo những tranh luận bẻ lái vấn đề như vậy, con người đang đưa bản thân vào ngõ cụt bởi những “cái bẫy” được giăng sẵn đó. Những câu nói trên không những mắc lỗi ngụy biện chọc tức (needling fallacy) mà còn mắc lỗi ngụy biện cá trích (đỏ) (red herring fallacy).
Cụm từ “cá trích đỏ” (red herring) là một thành ngữ lâu đời trong Tiếng Anh. “Cá trích đỏ” hoàn toàn không phải là tên một loài cá mà là tên được đặt cho một loại cá được bảo quản bằng cách ngâm muối và hun khói (thường là cá trích) cho đến khi thịt nó có màu đỏ thẫm đặc trưng. Loại thực phẩm này được sử dụng trong một phương pháp truyền thống để rèn luyện chó săn (foxhounds) ở Anh Quốc. Con người sử dụng một bọc cá trích đỏ với mùi hương thơm nồng kéo dọc theo lối đi của chó con cho đến khi chú chó học được cách lần theo mùi.
Sau đó, khi người nuôi muốn huấn luyện chú chó để săn cáo hoặc thỏ bằng cách lần theo mùi thoang thoảng của chúng, họ thường kéo những bọc cá trích đỏ ngang với đường chạy của con mồi, mục đích là để mùi hăng nồng của cá trích sẽ làm phân tán sự chú ý của chú chó đối với mùi của con mồi. Từ đây, dần dần chú chó học được cách chạy theo mùi của con mồi, không phải mùi hăng của cá.
Theo một cách tương tự, người mắc lỗi ngụy biện cá trích trong tư duy logic đánh lạc hướng đối phương bằng cách nêu lên một vấn đề không liên quan và cho rằng lí lẽ này phù hợp với vấn đề tranh luận, khiến mạch tranh luận bị chuyển hướng sang một vấn đề khác. Như trong hai ví dụ nêu ra ban đầu, khi nghĩ đến việc phản bác lập luận bằng cách cố gắng đưa ra lời biện giải cho lí lẽ không tương thích với vấn đề đó (như việc “ăn cơm nhà thì có được bàn việc thiên hạ hay không” hoặc “trẻ con thì tại sao lại không được quyền lên tiếng”), con người đã vô hình trung rơi vào bẫy ngụy biện trong tư duy logic.
Các ví dụ về hình thức ngụy biện cá trích đỏ
Một ví dụ minh chứng rõ ràng hơn cho lối ngụy biện này trong tư duy logic nằm ở cuộc đối thoại của giáo viên và một học sinh bị bắt quả tang gian lận trong kì thi:
Giáo viên: Hành vi gian lận của em là không thể chấp nhận được!
Học sinh: Đây là lỗi của em nhưng cô có thể bỏ qua được không? Cô biết đấy, bố em kì vọng vào em lắm, họ sẽ buồn chết mất nếu biết chuyện này …
Người học sinh không những mắc lỗi ngụy biện cá trích khi cố ý chuyển hướng câu chuyện sang một vấn đề khác, mà còn mắc lỗi ngụy biện gây cảm xúc thương hại (appeal to pity).
Trong ví dụ tiếp theo, cùng nhìn lại một trong những sự kiện gây chấn động giới truyền thông và tạo một làn sóng phẫn nộ trong dư luận vào năm 2016. Vào năm này, công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bị dư luận lên án vì đứng sau các vụ ô nhiễm gây hiện tượng thuỷ hải sản chết hàng loạt trên diện rộng tại vùng biển Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. Hãy thử tượng tượng một cuộc đối thoại diễn ra vào năm 2016 như sau:
A: Vấn đề về ô nhiễm ở Việt Nam ngày càng tồi tệ hơn, đặc biệt là khi sự cố này đang lan trên diện rộng sang những vùng biển địa phương khác như Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Vụ ô nhiễm này gây tổn thất không nhỏ đến các hoạt động kinh doanh và du lịch cũng như cuộc sống người dân ở khu vực này. Chính phủ nên xử phạt nghiêm minh vi phạm của công ty này…
B: Nhưng người dân sau đó cũng đi biểu tình rồi xả rác khắp đường đấy thôi!
Có thể thấy lí luận của người B mắc lỗi trầm trọng khi phản bác vấn đề tranh luận bằng cách bẻ lái sang việc “biểu tình của người dân” – điều không liên quan tới vấn đề đang tranh luận nhằm đẩy hướng tranh cãi sang một chủ đề mới.
Leonardo DiCaprio thường xuyên có những tuyên bố xoay quanh vấn đề Biến đổi khí hậu (Climate Change). Anh ta cho rằng đó là vấn đề cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề cấp bách nên là đại dịch COVID-19 – hiện đang giết hàng triệu người với tốc độ lây lan chóng mặt. Vậy nên, lí lẽ của anh ta thật buồn cười.
Tương tự như các ví dụ trên, người nói trong ví dụ này đánh lạc hướng bằng cách đưa một vấn đề khác tưởng chừng như liên quan tới vấn đề tranh luận là “đại dịch COVID-19” để bác bỏ luận điểm về “biến đổi khí hậu” của Leonardo DiCaprio.
So với các hình thức ngụy biên khác, ngụy biện cá trích không quá khó để nhận ra. Tuy nhiên khi được kết hợp với các loại ngụy biện trong tư duy logic về cảm xúc khác như ngụy biện gây cảm giác tội lỗi hoặc ngụy biện châm chọc, đả kích, loại ngụy biện này lại vô cùng nguy hiểm vì nếu không giữ vững lập trường và trung thành với quan điểm cá nhân, chúng ta rất dễ bị cuốn theo những lí lẽ thiếu tính tương thích và vô tình dẫn đến những sai lầm trong tranh luận. Vậy nên, cách tốt nhất để tránh bị đánh lạc hướng quá xa khỏi vấn đề tranh luận, nên nhẹ nhàng nhắc nhở đối tác quay về luận điểm chính, tránh tranh cãi vào những vấn đề không liên quan. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, không phải lúc nào sử dụng việc đánh lạc hướng cũng là ngụy biện:
Mẹ: Con không được lấy thức ăn ra nghịch, như vậy là lãng phí đấy!
Con: Có con mèo kìa mẹ!
Người tranh luận chỉ mắc lỗi ngụy biện khi họ cố tình chuyển hướng câu chuyện nhằm bác bỏ luận điểm của người còn lại thôi.
Lâm Tuyết Ngân
Bình luận - Hỏi đáp