Các loại câu điều kiện và ứng dụng trong câu hỏi TOEIC Reading Part 5 và 6 (P.1)
Dạng bài về câu điều kiện là một dạng câu hỏi phổ biến trong bài thi TOEIC Reading Part 5 và Part 6. Để đạt được số điểm như mong muốn, thí sinh TOEIC nói riêng và người học tiếng Anh nói chung cần nắm rõ được cách sử dụng của từng loại câu điều kiện khác nhau. Vì vậy, trong bài viết này tác giả muốn giới thiệu cho các bạn đọc tổng quan về các loại câu điều kiện cũng như ứng dụng của câu điều kiện trong trả lời câu hỏi TOEIC Reading Part 5 và 6.
Tổng quan về câu điều kiện
Theo trang Grammly.com, câu điều kiện (Conditional Sentences) là loại câu giả định những tình huống, hệ quả có thể xảy ra dựa trên điều kiện được cho trước.
Một câu điều kiện hoàn chỉnh bao gồm 2 phần phần mệnh đề chỉ điều kiện (hay còn gọi là mệnh đề if) và phần mệnh đề hệ quả (mệnh đề chính). Vị trí của hai mệnh đề trong câu có thể được thay đổi nhưng không làm thay đổi nghĩa của câu.
Ví dụ:
I would buy a new apartment if I won Vietlott. (Tôi sẽ mua một căn hộ mới nếu tôi thắng Vietlott.)
If I won Vietlott, I would buy a new apartment. (Nếu tôi thắng Vietlott, tôi sẽ mua một căn hộ mới.)
Mặc dù, mệnh đề if và mệnh đề chính đổi vị trí cho nhau nhưng nghĩa của hai ví dụ trên vẫn tương đương.
Bên cạnh đó, thay vì sử dụng mệnh đề if để chỉ phần điều kiện, người học còn có thể sử dụng các cấu trúc như When, Unless, …
When water goes below 0 degrees, it freezes. (Khi nhiệt độ của nước chạm đến mốc 0 độ, nước sẽ đông cứng.)
Từ when được sử dụng thay cho if để giới thiệu mệnh đề điều kiện, ví dụ trên vẫn thuộc loại câu điều kiện.
Các loại câu điều kiện trong TOEIC Reading
Dạng bài về câu điều kiện là dạng bài thường xuyên xuất hiện trong bài thi TOEIC Reading. Để tham khảo thêm các dạng cấu trúc ngữ pháp phổ biến trong TOEIC Reading, người học có thể đọc qua bài viết: Những cấu trúc ngữ pháp thường xuất hiện trong bài thi TOEIC Reading Part 5.
Có 4 loại câu điều kiện khác nhau, bao gồm: Câu điều kiện loại 0 (Zero Conditional Sentences), câu điều kiện loại 1 (First Conditional Sentences), câu điều kiện loại 2 (Second Conditional Sentences), câu điều kiện loại 3 (Third Conditional Sentences). Mỗi loại câu điều kiện sẽ tượng trưng cho mức độ khả thi của hệ quả có thể xảy ra, đã có thể xảy ra, chắc chắn sẽ xảy ra hoặc sẽ xảy ra trong tương lai được quy định bởi điều kiện cho trước. Mặc dù vậy, các câu hỏi trong bài thi TOEIC Reading thường chỉ tập trung vào phân loại Câu điều kiện loại 1, loại 2 và loại 3.
Tổng quan về các loại câu điều kiện
Câu điều kiện loại 1
If + chủ ngữ + động từ ở thì hiện tại đơn, chủ ngữ + động từ khiếm khuyết + động từ nguyên mẫu
Câu điều kiện loại 1 được sử dụng để diễn tả các điều kiện ở hiện tại mà hệ quả của chúng có thể xảy ra (nhưng không hoàn toàn chắc chắn) trong tương lai.
Ví dụ: If you get a high score in your final exam, your mom will buy a new iPhone 12 for you. (Nếu bạn đạt điểm cao trong bài thi cuối kì, mẹ bạn sẽ mua một chiếc iPhone 12 mới cho bạn.)
Câu điều kiện loại 2
If + chủ ngữ + động từ chia ở thì quá khứ, chủ ngữ + động từ bổ trợ + động từ nguyên mẫu
Câu điều kiện loại 2 dùng để diễn đạt các kết quả phi thực tế, hoàn toàn không có khả năng xảy ra trong tương lai dựa vào các điều kiện không có thật, không xảy ra trong quá khứ.
Ví dụ: If I were rich like her, I would buy a lot of clothes. (Nếu tôi đã giàu như cô ấy, tôi sẽ mua thật nhiều quần áo.)
Động từ chính của mệnh đề If sẽ được chia ở thì quá khứ (am thành were) còn đứng trước động từ của mệnh đề chính sẽ là một động từ bổ trợ (auxiliary modal verb) như would, might, could, …
Lưu ý : Quá khứ của động từ to be cho cả chủ ngữ số ít và chủ ngữ số nhiều đều là were chứ không phải was.
Câu điều kiện loại 3
If + chủ ngữ + động từ chia ở thì quá khứ hoàn thành, chủ ngữ + động từ bổ trợ + quá khứ phân từ
Câu điều kiện loại 3 được sử dụng để giải thích rằng kết quả ở hoàn cảnh hiện tại sẽ được thay đổi nếu có điều kiện xảy ra khác với điều kiện đã xảy thực tế trong quá khứ.
Ví dụ: If I had learned piano properly when I was young, I would have been famous. (Nếu tôi đã học chơi piano đàng hoàng khi tôi còn nhỏ, tôi đã có thể nổi tiếng.)
Mệnh đề if của câu điều kiện loại 3 sẽ được chia ở thì quá khứ hoàn thành ( had + động từ phân từ, như ví dụ trên : learn -> learned/learnt) còn động từ ở mệnh đề chính sẽ có cấu trúc động từ bổ trợ (would, might, could,..) + have + quá khứ phân từ (past participle).
Dạng đặc biệt
Thay vì sử dụng will/won’t ở mệnh đề chính, người học còn có thể sử dụng các động từ mệnh lệnh (imperatives) please, tell, … hoặc động từ khiếm khuyết (modal verbs) như là shall, should, must, can, …
Ví dụ: If my mom calls me while I am having a meeting, tell her I will get back to her later. (Nếu mẹ tôi gọi tôi khi tôi đang họp, nói với bà ấy rằng tôi sẽ gọi bà ấy sau.)
Ở ví dụ trên, người học sử dụng động từ mệnh lệnh tell để giới thiệu mệnh đề chính.
If your ID card is stolen, you must register for a new one. (Nếu thẻ căn cước của bạn bị đánh cắp, bạn phải đăng ký một cái mới.)
Động từ khiếm khuyết must được sử dụng thay vì phải chia động từ register ở thì tương lai.
Ngoài ra, cấu trúc Unless (nếu không) cũng thường xuyên xuất hiện trong Part 5 thay cho If not ở mệnh đề If.
Ví dụ:
Unless you learn your lesson carefully, you won’t have to study this subject again. (Trừ khi bạn học kĩ bài học này, bạn sẽ không phải học lại môn này lần nữa.)
You will be late, unless you act now. (Bạn sẽ muộn trừ khi bạn hành động ngay bây giờ)
Các lỗi sai thường gặp
Câu điều kiện loại 1
Đối với câu điều kiện loại 1, lỗi sai thứ nhất là sử dụng thì tương lai đơn cho mệnh đề if.
Ví dụ: If you will drink a lot of coffee, you won’t be able to sleep early. (Nếu bạn sẽ uống nhiều cà phê, bạn sẽ không thể ngủ sớm được.)
Câu này là câu sai vì mệnh đề if phải được chia ở thì hiện tại đơn chứ không phải tương lai đơn.
Câu trên được sửa lại như sau : If you drink a lot of coffee, you won’t be able to sleep early. (Nếu bạn uống nhiều cà phê, bạn sẽ không thể ngủ sớm được.)
Lỗi sai thứ hai là sử dụng thì hiện tại đơn cho mệnh đề chính.
If you drink a lot of coffee, you aren’t able to sleep early. (Nếu bạn uống nhiều cà phê, bạn không thể ngủ sớm được.)
Câu này không đúng vì mệnh đề chính được chia ở thì hiện tại đơn.
Câu chính xác phải là: If you drink a lot of coffee, you won’t be able to sleep early.
(Nếu bạn uống nhiều cà phê, bạn sẽ không ngủ được.)
Câu điều kiện loại 2
Lỗi sai thứ nhất chính là lỗi chia động từ ở thì hiện tại cho mệnh đề If.
Ví dụ: If Katy is a boy, she would try undercut hairstyle. (Nếu Katy là con trai, cô ấy sẽ thử kiểu tóc undercut.)
Câu này là sai vì động từ ở mệnh đề If được chia ở thì hiện tại đơn.
Câu đúng trong trường hợp này sẽ là: If Katy were a boy, she would try undercut hairstyle.
Ngoài ra, người học còn có xu hường mắc lỗi sử dụng động từ khiếm khuyết bổ trợ cho động từ ở mệnh đề chính. Cụ thể hơn:
If he had a car, he will drive to school. (Nếu anh ấy có một chiếc ô tô, anh ấy sẽ lái xe đến trường.)
Câu này sai cấu trúc vì động từ ở mệnh đề chính được chia ở thì tương lai đơn.
Câu đúng trong trường hợp này là: If he had a car, he would drive to school. (Nếu anh ấy có một chiếc ô tô, anh ấy sẽ lái xe đến trường.)
Câu điều kiện loại 3
Đối với câu điều kiện loại 3, lỗi sai cần được nhắc đến đầu tiên là sử dụng động từ bổ trợ ở mệnh đề if.
Ví dụ: If Richard would have finished his homework, he could have played games. (Nếu Richard đã hoàn thành bài tập về nhà, anh ấy đã có thể chơi game.)
Câu này sai vì mệnh đề if không được sử dụng động từ bổ trợ (would).
Câu đúng trong trường hợp này là : If Richard had finished his homework, he could have played games. (Nếu Richard hoàn thành bài tập về nhà, anh ấy đã có thể chơi game.)
Người học còn mắc lỗi khi chia động từ ở thì hiện tại cho động từ ở mệnh đề chính.
If Jess had gone home earlier, she could meet her aunt. (Nếu Jess về nhà sớm hơn, cô ấy có thể gặp dì cô ấy).
Câu này cũng là câu sai vì động từ “meet” ở mệnh đề chính phải ở dạng quá khứ phân từ.
Câu đúng trong trường hợp này là: If Jess had gone home earlier, she could have met her aunt. (Nếu Jess về nhà sớm hơn, cô ấy đã có thể gặp dì cô ấy).
Tổng kết
Như vậy, bài viết trên đã giới thiệu tổng quan về các loại câu điều kiện trong bài thi TOEIC Reading. Vậy cách ứng dụng câu điều kiện vào TOEIC Reading Part 5, 6 như thế nào? Người học có thể theo dõi tiếp phần sau “Các loại câu điều kiện và ứng dụng trong câu hỏi TOEIC Reading Part 5 và 6 (P.2)” để ôn luyện thi TOEIC đạt hiệu quả tốt nhất.
Bùi Hoàng Phương Uyên
Bình luận - Hỏi đáp