TOEIC Reading | Lộ trình luyện thi cải thiện từ 150 đến 300 TOEIC trong 1 tháng
- Published on
Tác giả
Hiện nay, TOEIC là bài thi đánh giá năng lực phổ biến và được chọn làm chuẩn đầu ra cho nhiều trường đại học trên cả nước. Khi đối mặt với một kỳ thi như TOEIC, người học mới bắt đầu thường đặt câu hỏi nên học từ đâu, tài liệu ôn thi TOEIC là gì và học bao nhiêu cho hiệu quả.
Bài viết dưới đây sẽ đưa gợi ý giúp xây dựng lộ trình luyện thi TOEIC Reading giúp người học cải thiện từ 150 đến 300 điểm trong khoảng thời gian 1 tháng.
Tổng quan về bài thi TOEIC reading
Cấu trúc bài thi TOEIC Reading
Kỹ năng đọc hiểu được diễn ra trong khoảng thời gian 75 phút, với 100 câu hỏi trắc nghiệm được chia thành ba phần lần lượt gồm:
Phần 5: hoàn thành câu (incomplete sentences), chiếm 30/100 câu hỏi
Các câu hỏi đưa ra ở phần 5 yêu cầu nền tảng kiến thức về các chủ điểm ngữ pháp khác nhau như: từ loại, các thì, chia động từ, cấu trúc câu,... và từ vựng. Đây được xem như phần thi có độ khó nhẹ hơn so với các phần còn lại.
Phần 6: hoàn thành đoạn văn (text completion), chiếm 16/ 100 câu hỏi
Ở phần 6, dạng thức bài yêu cầu thí sinh tìm từ thích hợp để điền vào chỗ trống nằm trong các đoạn văn bản như thư từ, quảng cáo, email,... (khác với phần 5 là điền từ vào câu văn)
Các kiến thức vận dụng vẫn xoay quanh một số chủ điểm ngữ pháp và từ vựng.
Phần 7: đọc hiểu đoạn văn, chiếm 54/ 100 câu hỏi
Đối với phần 7, thí sinh được yêu cầu đọc hiểu các đoạn văn bản dưới dạng quảng cáo, thư tín, báo cáo hoặc thông báo,.... có 2 dạng là đoạn đọc đơn và đoạn đọc kép (single passages, double passages, triple passages). Phần này không kiểm tra kiến thức ngữ pháp mà thay vào đó là khả năng đọc hiểu. Do vậy các kiến thức về từ vựng và cách liên kết thông tin trong đoạn văn được xem là cần thiết để đạt điểm cao cho phần này.
Xem thêm: TOEIC Listening
Thang điểm TOEIC Reading
Điểm số được tính dựa trên số câu trả lời đúng, cụ thể ở 1 số mốc điểm từ 0 đến 495 (số điểm tuyệt đối) như sau
Nguồn: New Economy TOEIC RC 1000
Xác định nội dung trọng tâm trước khi bắt đầu lộ trình luyện thi TOEIC Reading
Trước khi xây dựng một kế hoạch học tập cụ thể và hiệu quả, thí sinh bước đầu cần xác định được mục tiêu đặt ra, bên cạnh đó xác định nội dung trọng tâm và các yêu cầu cần thiết để ôn tập.
Qua bảng quy đổi điểm được cho ở mục 1.2, các thí sinh bắt đầu từ 150 điểm TOEIC reading chỉ đạt khoảng 31 câu trả lời đúng trên tổng số 100 câu của phần thi đọc. Để nâng lên mức điểm 300, thí sinh cần 61 đáp án chính xác.
Xác định điểm mạnh và điểm yếu
Dựa theo bảng mô tả thang điểm TOEIC Reading (TOEIC Reading Score Descriptors) của ETS, ở mức điểm khoảng 150, các thí sinh thường có những điểm mạnh và điểm yếu như sau:
Khả năng có thể:
Hiểu các cấu trúc ngữ pháp đơn giản dựa trên quy tắc mà không cần phải đọc nhiều
Hiểu được ý nghĩa một số từ vựng dễ và các cụm từ thông dụng
Tuy nhiên, thí sinh gặp khó khăn bởi:
Không thể suy luận được thông tin trong văn bản
Chỉ hiểu một lượng từ vựng hạn chế và thường không thể kết nối thông tin dù chỉ trong một câu
Khi gặp từ vựng khó và phải kết nối thông tin trong câu, việc hiểu các cấu trúc ngữ pháp dễ cũng trở nên khó khăn
Đối mức điểm từ 300-350, thí sinh cần phải:
Hiểu được các cấu trúc ngữ pháp dựa trên quy tắc và cả những cấu trúc ngữ pháp khó, phức tạp và không phổ biến
Hiểu từ vựng ở mức độ trung bình. Đôi khi có thể hiểu những từ vựng khó theo ngữ cảnh, hay các nghĩa không thường dùng của 1 từ thông dụng
Kết nối được thông tin trên một phần văn bản, ngay cả khi từ vựng và ngữ pháp của văn bản khó.
Đọc hiểu được ý nghĩa, suy ra ý tưởng chính và mục đích của một văn bản, hay suy luận về các thông tin chi tiết.
Xác định nội dung trọng tâm cần ôn tập
Như vậy, từ các phân tích về điểm yếu cũng như yêu cầu cho thang điểm TOEIC cần đạt, thí sinh có thể giới hạn được phần trọng tâm kiến thức cần học trong lộ trình luyện thi TOEIC Reading, bao gồm:
Hiểu rõ dạng thức từng phần trong bài thi đọc và các yêu cầu đề bài
Ôn tập các quy tắc về điểm ngữ pháp đơn giản như từ loại, thì động từ, giới từ cho đến các chủ điểm khó và phức tạp hơn như cấu trúc câu, mệnh đề quan hệ, liên từ,...
Bổ sung vốn từ ở trình độ trung cấp, nắm được ý nghĩa theo ngữ cảnh và làm quen với một số nghĩa không thông dụng
Luyện tập kết nối thông tin trong đoạn văn, đọc hiểu và suy luận
Giải đề
Thí sinh lưu ý đặt mức độ trọng tâm đặt nhiều hơn vào phần 5 và 6. Đối với phần 7, thí sinh ưu tiên dạng đoạn đọc đơn (chiếm đến 29/100 câu hỏi phần thi)
Yêu cầu
Sau khi đã vạch ra mục tiêu và phân tích điểm mạnh, điểm yếu bản thân cũng như xác định trọng tâm nội dung trong lộ trình luyện thi TOEIC Reading, thí sinh cần kiên trì và dành ít nhất 2 đến 3 giờ mỗi ngày để học tập rèn luyện, duy trì liên tục trong vòng 1 tháng. Kế hoạch chi tiết được đưa ra trong phần tiếp theo đây.
Lộ trình luyện thi TOEIC Reading tăng từ 150 đến 300 điểm
Chuẩn bị tài liệu ôn thi TOEIC
Trước khi đi vào chi tiết kế hoạch học tập, người học cần có nguồn tài liệu bổ trợ kiến thức và chuyên đề sử dụng trong quá trình ôn. Một số tài liệu ôn thi TOEIC dưới đây phù hợp cho trình độ 550+ và có thể được sử dụng để tham khảo.
Một số sách tài liệu ôn thi TOEIC phân chia bài học theo từng phần kiến thức về các chủ điểm ngữ pháp quan trọng và cần thiết trong TOEIC, kèm theo bài tập thực hành và các bài test nhỏ để áp dụng kiến thức vào luyện đề, như:
Tomato TOEIC reading
Hacker TOEIC reading
Một số tài liệu ôn thi TOEIC chuyên đề, cung cấp các đề các bài test đầy đủ với mức độ sát đề thi thật.
ETS TOEIC 2019, 2020
TOEIC Economy Volume 5
Các tài liệu ôn thi TOEIC chuyên về từ vựng và ngữ pháp
Barron's Essential Words For The Toeic (tập trung vào 600 từ vựng Anh - Mỹ thường xuất hiện trong kỳ thi TOEIC, giúp người học xây dựng vốn từ)
Ngữ pháp tiếng Anh (của tác giả Mai Lan Hương và Nguyễn Thanh Loan)
Với các tài liệu đề cập trên đây, người học có thể tìm mua tại hệ thống các nhà sách lớn hoặc trên các trang thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên và bộ phận chuyên môn tại Trung tâm anh Ngữ ZIM vẫn không ngừng xuất bản các sách và tài liệu hỗ trợ người học ở mọi trình độ. Một số bài viết học thuật về TOEIC đã được công khai trên trang web zim.vn, với nội dung được biên soạn chi tiết và dễ hiểu, thí sinh tham khảo tại nguồn ZIM TOEIC
Dưới đây là kế hoạch học tập chi tiết trong 1 tháng:
Giai đoạn 1 (2 tuần)
Trong 2 tuần đầu tiên, thí sinh tập trung vào việc xây dựng kiến thức ngữ pháp và bổ sung vốn từ, bên cạnh đó làm quen với các dạng bài trong TOEIC reading phần 5, 6 và 7 qua các bài test nhỏ.
Thí sinh tham khảo các tài liệu ôn thi TOEIC được giới thiệu ở trên, phân chia lượng kiến thức về từng chủ điểm ngữ pháp để học và luyện tập trong ngày. Ôn tập lại ở các ngày tiếp theo, trước khi bắt đầu học bài mới.
Thời gian: Thí sinh chọn bất kỳ thời điểm nào phù hợp trong ngày, dành từ 2 đến 3 tiếng mỗi ngày để học tập và có thể phân ra hai thời điểm khác nhau để giảm bớt áp lực, cụ thể:
Buổi sáng hoặc trưa (chọn thời điểm tỉnh táo và độ tập trung cao nhất): 1 tiếng 30 phút
Buổi tối: 1 tiếng 30 phút đến 2 tiếng
Ngày 1
Phân bổ kiến thức: Từ loại (danh từ, đại từ, tính từ và trạng từ...)
Kế hoạch học tập:
Sáng/ chiều (1 tiếng 30 phút): tham khảo các sách và tài liệu ôn thi TOEIC để nắm kiến thức về các từ loại khác nhau, lưu ý về cách nhận biết từ loại và vị trí, cách dùng trong câu. Áp dụng kiến thức vào 1 số bài tập đơn giản trong sách
Đọc thêm các kiến thức ngữ pháp tiếng Anh về: đại từ, danh từ, tính từ và trạng từ, động từ khuyết thiếu, động từ
Tối (1 đến 2 tiếng): Ôn tập kiến thức về từ loại và ứng dụng làm các bài tập có liên quan trong phần 5 và 6.
Trình tự làm bài:
Bước 1: Làm bài (không xem tài liệu và tra từ điển), sau đó kiểm tra đáp án
Bước 2: Đối với các câu đã làm đúng, dịch nghĩa hoàn chỉnh của câu. Tra từ vựng mới trong từ điển và ghi chú từ vựng vào sổ ghi chép.
Đối với các câu sai đáp án, xác định nguyên nhân sai (do thiếu từ vựng hay sai nền tảng ngữ pháp). Kiểm tra lại bằng cách đối chiếu với kiến thức lý thuyết về từ loại và tra từ điển đối với từ vựng mới. Đọc lại bài để thực sự hiểu nghĩa và cố gắng ghi nhớ lỗi để tránh lặp lại về sau. Nếu cần thiết nên ghi chú vào sổ để tiện xem lại.
Ngày 2
Phân bổ kiến thức: Các thì của động từ trong câu ( thì hiện tại, quá khứ, tương lai)
Kế hoạch học tập: Sáng/ chiều (1 tiếng 30 phút):
15 đến 30 phút đầu: Ôn tập lại kiến thức về từ loại và các từ vựng của ngày hôm trước.
Lưu ý: không nên chỉ học thuộc lòng từ vựng đã ghi chép, bên cạnh đó nên ôn tập lại cả cách dùng từ trong các ví dụ hoặc bài tập đã làm
1 tiếng sau: tham khảo các sách và tài liệu để nắm kiến thức về các thì của động từ. Lưu ý về dấu hiệu nhận biết thì, cách sử dụng, các quy tắc hoặc công thức chia động từ. Sau đó áp dụng kiến thức vào 1 số bài tập đơn giản trong sách
Bài viết tham khảo thêm:
Tối(1 đến 2 tiếng): Ôn tập kiến thức về thì và ứng dụng làm các bài tập có liên quan trong phần 5 và 6.
Trình tự làm bài 2 bước (tương tự như ở ngày 1)
Các ngày kế tiếp trong tuần 1: Lặp lại trình tự như ngày 1 và 2, mỗi ngày một chủ điểm ngữ pháp, cụ thể
Ngày 3
Sự hoà hợp giữa chủ ngữ và động từ + ôn tập các thì
Bài viết tham khảo thêm: Sự hòa hợp giữa Chủ ngữ và Động từ trong TOEIC Reading Part 5, 6
Ngày 4
Thể bị động
Bài viết tham khảo thêm: Câu bị động trong bài thi TOEIC và ứng dụng trả lời câu hỏi Reading Part 5,6
Ngày 5
Động từ nguyên thể (To-V) và danh động từ (V-ing)
Bài viết tham khảo thêm: Giới thiệu về danh động từ (Gerunds) trong tiếng Anh
Ngày 6
Phân từ quá khứ/ phân từ hiện tại và giới từ
Bài viết tham khảo thêm: Phân từ quá khứ và phân từ hiện tại – ứng dụng trả lời TOEIC Reading Part 5 và 6
Đến hết ngày 6, thí sinh đã nắm được phần lớn kiến thức về các chủ điểm ngữ pháp thường dùng trong TOEIC phần 5 và 6 cũng như trau dồi được 1 số lượng từ vựng mới. Do vậy đã có thể làm các bài test nhỏ
Ngày 7
Phân bổ kiến thức: Làm bài test phần 5, 6(tập trung nhiều hơn ở phần 5)
Kế hoạch học tập:
Sáng/ chiều (1 tiếng 30 phút):
30 phút đầu: Ôn tập lại tất cả kiến thức pháp và từ vựng đã học trong tuần
1 tiếng sau: Làm một bài test nhỏ (phần 5 - 30 câu trắc nghiệm), chọn một trong các sách chuyên đề được giới thiệu ở mục 3.1. (ETS TOEIC 2019 hoặc TOEIC Economy Volume 5)
Các bước làm bài tương tự như lúc làm luyện tập
Bước 1: Làm hết 30 câu hỏi mà không tra từ điển và xem tài liệu ôn thi TOEIC, sau đó kiểm tra đáp án
Bước 2: Xác định kỹ lỗi ở các câu sai và đối chiếu lại kiến thức. Sau đó dịch câu để hiểu nghĩa và ghi chú từ vựng
Tối (1 đến 2 tiếng): Làm thêm một bài test nhỏ phần 5 và phần 6 (16 câu trắc nghiệm). Làm theo 2 bước như trên
Từ tuần thứ 2, thí sinh tiếp tục học và ôn tập các nền tảng ngữ pháp về mệnh đề trong câu và liên kết câu, bên cạnh đó tăng cường vốn từ nhằm bổ trợ cho việc đọc hiểu và liên kết thông tin trong bài đọc ở phần 6 và 7.
Ngày 8
Phân bổ kiến thức: Từ nối
Kế hoạch học tập:
Sáng/ chiều (1 tiếng 30 phút):
30 phút đầu: Ôn tập lại kiến thức pháp về từ loại và thì động từ đã học ở tuần 1
1 tiếng sau: tham khảo các sách và tài liệu để nắm kiến thức về từ nối. Lưu ý về định nghĩa và cách sử dụng các từ nối khác nhau trong việc liên kết câu và mệnh đề
Bài viết tham khảo: Từ nối
Tối (1 đến 2 tiếng): Ôn tập kiến thức về từ nối và ứng dụng làm các bài tập có liên quan trong phần 5 và 6.
Trình tự làm bài 2 bước (tương tự như ở ngày 1)
Ngày 9
Phân bổ kiến thức: Các cấu trúc câu so sánh
Kế hoạch học tập:
Sáng/ chiều (1 tiếng 30 phút):
30 phút đầu: Ôn tập lại kiến thức pháp về sự hoà hợp giữa chủ ngữ động từ và thể bị động
1 tiếng sau: tham khảo các sách và tài liệu để nắm kiến thức về các cấu trúc câu so sánh. Lưu ý về cách sử dụng các quy tắc khác nhau khi dùng
Bài viết tham khảo: cấu trúc câu so sánh
Tối (1 đến 2 tiếng): Ôn tập kiến thức về cấu trúc câu so sánh và ứng dụng làm các bài tập có liên quan trong phần 5 và 6.
Trình tự làm bài 2 bước (tương tự như ở ngày 1)
Ngày 10
Ôn tập kiến thức ngữ pháp về phân từ, giới từ, các dạng to_V, V-ing kết hợp với việc học và củng cố kiến thức về mệnh đề quan hệ (phân bổ thời gian và kế hoạch học như ở ngày 8,9)
Bài viết tham khảo: Ứng dụng các dạng mệnh đề quan hệ trong TOEIC Reading Part 5
Ngày 11
Ôn tập lại toàn bộ từ vựng và kiến thức về mệnh đề quan hệ, từ nối, cấu trúc so sánh (trong buổi sáng/ chiều) và làm các bài test nhỏ cho phần 5, 6 (theo trình tự như với ngày 7)
Ngày 12
Phân bổ kiến thức: Các dạng câu hỏi TOEIC Reading phần 7 và cách tiếp cận
Kế hoạch học tập:
Sáng/ chiều (1 tiếng 30 phút): Tham khảo sách và tài liệu để làm quen với các dạng câu hỏi trong TOEIC reading phần 7
Bài viết tham khảo: TOEIC reading phần 7
Tối (1 đến 2 tiếng): ứng dụng kiến thức về các dạng bài và phương pháp làm bài để luyện tập các câu hỏi đọc hiểu ở phần 7 (tập trung nhiều hơn vào dạng đoạn đọc đơn)
Trình tự làm bài 2 bước (tương tự như ở ngày 1)
Lưu ý: Ở bước sửa bài, thì sinh có thể cần vận dụng những kiến thức ở ngày 8, 9, 10 để phân tích thành phần câu, liên kết ý bổ trợ cho quá trình đọc hiểu. Bên cạnh đó cần tra cứu từ vựng mới và ghi chú nhằm tăng cường vốn từ qua các bài đọc trong phần này
Ngày 13
Phân bổ kiến thức: Ôn tập các dạng câu hỏi TOEIC Reading Phần 7 và làm bài test nhỏ
Kế hoạch học tập:
Sáng/ chiều (1 tiếng 30 phút): Ôn tập và làm 1 bài test phần 7 (chỉ hoàn thành 29 câu của dạng đoạn đọc đơn. Tập trung ở phần giải bài và học từ vựng)
Tối (1 đến 2 tiếng): Ôn tập và làm thêm 1 bài test phần 7 (tập trung nhiều hơn vào dạng đoạn đọc đơn và có thể làm thêm 10 câu dạng đoạn đọc kép)
Trình tự làm bài 2 bước (tương tự như ở ngày 1)
Ngày 14
Tương tự như ngày 13, tập trung làm test phần 7 và nâng cao vốn từ
Giai đoạn 2 (2 tuần)
Ở giai đoạn 2, thí sinh tăng cường việc luyện đề và ôn tập kiến thức cũ qua việc giải đề. Mục tiêu hoàn thành 5 đề trong bộ đề ETS TOEIC 2020. Trong tuần 3, việc làm test phân chia theo phần, mỗi ngày hoàn thành 1 đến 2 phần và không tính thời gian bởi việc làm test vẫn sẽ kết hợp ôn tập kiến thức cũ
Ngày 15:
Tập trung ôn tập lại tất cả các dạng bài phần 5, 6, 7 và kiến thức nền tảng ngữ pháp đã học trong 2 tuần đầu.
Ngày 16
Phân bổ kiến thức: Làm bài test (ETS test 1- phần 5, 6)
Kế hoạch học tập:
Sáng/ chiều (1 tiếng 30 phút):hoàn thành 30 câu hỏi trắc nghiệm phần 5 test 1, tra đáp án và sửa bài
Tối (1 đến 2 tiếng):
1 tiếng đầu: làm thêm 16 câu hỏi phần 6 test 1, tra đáp án và sửa bài
30 phút - 1 tiếng sau: Tổng kết các kiến thức ngữ pháp và từ vựng sử dụng trong bài test 1 phần 5,6. Ôn tập lại các phần kiến thức còn mắc lỗi. Ghi chú từ vựng mới nếu có
Trình tự làm bài 2 bước (tương tự như ở ngày 1)
Ngày 17
Phân bổ kiến thức: Làm bài test (ETS test 1- phần 7)
Kế hoạch học tập
Sáng/ chiều (1 tiếng 30 phút): Ôn tập từ vựng hôm trước, sau đó hoàn thành 20 câu hỏi trắc nghiệm phần 7 test 1 (thuộc đoạn đọc đơn), tra đáp án và sửa bài
Tối (1 đến 2 tiếng):
1 tiếng 30 phút đầu: làm thêm 19 câu hỏi phần 7 test 1 (đoạn đọc đơn và kép), tra đáp án và sửa bài
30 phút sau: Tổng kết các kiến thức ngữ pháp về câu, liên kết câu và từ vựng sử dụng trong bài test 1 phần 7. Ghi chú từ vựng mới nếu có
Trình tự làm bài 2 bước (tương tự như ở ngày 1)
Ngày 18
Tổng kết test 1 và ôn tập kiến thức
Ngày 19
Tương tự như ngày 16 nhưng làm test 2
Ngày 20
Tương tự như ngày 17 nhưng làm test 2
Ngày 21
Tổng kết test 2 và ôn tập kiến thức
Ngày 22
Tương tự như ngày 16 nhưng làm test 3
Ngày 23
Tương tự như ngày 17 nhưng làm test 3
Ngày 24
Sau khi đã hoàn thành 3 bài test hoàn chỉnh, thí sinh tạm ngưng làm đề ở ngày 24 để tổng kết kiến thức, từ vựng, xem lại bài làm và đưa ra đánh giá khách quan về tiến độ học tập trong 3 tuần vừa qua.
Thí sinh cần xem xét số câu đúng qua các bài test có tăng hay không? các câu sai thường rơi vào lỗi ngữ pháp nào? và khả năng đọc hiểu có còn bị ảnh hưởng nhiều bởi từ vựng mới? Vốn từ cải thiện như thế nào? Từ đó đưa ra các điều chỉnh phù hợp để cải thiện.
Ở các ngày tiếp theo, thí sinh tiếp tục làm đề. Tuy nhiên ở giai đoạn này, thí sinh làm đề dưới áp lực thời gian giới hạn như trong phòng thi. Cụ thể, 75 phút là thời lượng hoàn thành 100 câu trắc nghiệm bài đọc. Thí sinh có thể tham khảo cách phân bổ thời gian cho 3 phần thi như sau
Phần 5 & 6 có mức độ khó thấp hơn so với phần 7, do vậy thí sinh nên hoàn thành trong khoảng thời gian tối đa từ 25-30 phút (trung bình 30s cho 1 câu). Tuy nhiên với mục tiêu 300 điểm cho phần reading, thí sinh vẫn nên tập trung và làm bài cẩn thận hơn ở 2 phần này để tránh các sai sót không đáng có. Thí sinh luyện tập và cân chỉnh thời gian phù hợp với mình.
Phần 7: 20 phút cho đoạn đọc đơn và 20 phút còn lại cho các đoạn đọc kép.
Các ngày cuối cùng
Ngày 25: Thí sinh làm hoàn chỉnh phần 5, 6 của test 4 (có giới hạn thời gian). Trình tự làm tương tự như ngày 16
Ngày 26: Thí sinh làm hoàn chỉnh phần 7 của test 4 (có giới hạn thời gian). Trình tự làm tương tự như ngày 17
Ngày 27: Thí sinh làm hoàn chỉnh phần 5, 6 của test 5 (có giới hạn thời gian). Trình tự làm tương tự như ngày 16
Ngày 28: Thí sinh làm hoàn chỉnh phần 5, 6 của test 5 (có giới hạn thời gian). Trình tự làm tương tự như ngày 17
Ngày 29: Tổng kết test 4, 5
Ngày 30: Ôn tập lại các kiến thức, nghỉ ngơi và chuẩn bị tốt sức khoẻ cho ngày thi
Tổng kết
Trên đây là lộ trình luyện thi TOEIC Reading cấp tốc cho các thí sinh mong muốn tăng từ 120 đến 300 điểm bài thi TOEIC Reading. Thí sinh tham khảo và có thể cân chỉnh để phù hợp với nhu cầu và trường hợp cá nhân.
Việc học tập theo kế hoạch sẽ giúp thí sinh vạch ra các bước rõ ràng trong quá trình lộ trình luyện thi TOEIC Reading. Tuy nhiên vẫn cần có sự kiên trì và nỗ lực để đạt được mục tiêu. Ngoài ra, việc tự học và tiếp thu kiến thức có thể gây khó khăn và tốn nhiều thời gian cho người học ở trình độ sơ cấp, do vậy thí sinh có thể tham khảo một số khóa học luyện thi TOEIC cho mọi trình độ tại ZIM để được hỗ trợ bởi các giảng viên có chuyên môn và kinh nghiệm.