Banner background

TOEIC Reading Part 7 - Các dạng câu hỏi và phương pháp tiếp cận

Giới thiệu các dạng câu hỏi TOEIC Reading Part 7 và cách trả lời đối giúp thí sinh chọn được đáp án một cách dễ dàng và trong thời gian ngắn.
toeic reading part 7 cac dang cau hoi va phuong phap tiep can

Giới thiệu về bài thi TOEIC Reading Part 7

Đề thi TOEIC gồm 2 phần thi chính là Nghe và Đọc. Trong đó, đối với phần thi Đọc, Part 7 chiếm số câu nhiều nhất (54/100 câu). Điều đó cũng đồng nghĩa với việc để đạt được điểm cao đối với phần thi TOEIC Reading, ngoài việc làm tốt Part 5Part 6, thí sinh cũng cần phải làm tốt Part 7 (vì phần này chiếm hơn ½ số câu trong phần thi).

Để làm tốt bất kì phần nào trong đề thi TOEIC, cụ thể là Part 7, thí sinh cần tìm hiểu về định dạng đề thi, các dạng câu hỏi phổ biến và thường xuyên luyện tập giải đề.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ giới thiệu các dạng câu hỏi TOEIC Part 7 và cách trả lời đối với từng dạng câu hỏi. Việc nắm được thông tin này sẽ giúp thí sinh chọn được đáp án một cách dễ dàng hơn và trong thời gian ngắn hơn. Ngoài ra, bài viết cũng sẽ cung cấp cho thí sinh một số câu bài tập minh họa để thí sinh có thể vận dụng kiến thức vào giải bài tập, từ đó hiểu rõ hơn về phần thi này.

Các dạng câu hỏi thường gặp trong TOEIC Reading Part 7

  • Dạng hỏi về thông tin chung (Overview question)

  • Dạng hỏi về thông tin chi tiết (Detailed question)

  • Dạng hỏi về thông tin (không) được đề cập (NOT/TRUE question)

  • Dạng câu hỏi suy luận (Interference question)

  • Dạng câu hỏi về từ đồng nghĩa (Synonym question)

Chiến lược xử lý các dạng bài TOEIC Reading Part 7

Dạng câu hỏi về thông tin chung (Overview question)

Trong câu hỏi TOEIC Reading Part 7, mỗi bài đọc thường sẽ có từ 2, 3, đến 5 câu hỏi, trong đó thông thường sẽ có 1 câu hỏi về thông tin chung.

Dạng câu hỏi về thông tin chung thường được xuất hiện đầu tiên trong nhóm các câu hỏi vì dạng câu này kiểm tra khả năng đọc hiểu tổng quát của người đọc đối với văn bản được cho, bao gồm: chủ đề, mục đích hoặc ý chính của bài đọc.

Các câu hỏi về thông tin chung thường gặp:

Dạng câu hỏi về thông tin chung trong TOEIC Reading Part 7

Cách xử lý

Đa số các bài đọc thường bắt đầu bằng câu chủ đề (topic sentence) mang nội dung chính. Vì vậy, thông tin về ý chính thường xuất hiện ở những dòng đầu tiên của mỗi đoạn văn bản.

Để trả lời cho câu hỏi TOEIC Reading Part 7 dạng này, thí sinh không cần đọc kĩ và hiểu hết từng từ, chỉ cần đọc lướt từ đầu đến cuối để nắm ý chính. Những thông tin mà thí sinh cần xác định khi này sẽ bao gồm: người viết, người đọc, chủ đề, mục đích.

Cách xử lý dạng câu hỏi về thông tin chung trong TOEIC Reading Part 7

Ứng dụng giải ví dụ

Ví dụ 1:

Ví dụ câu hỏi về thông tin chung

(Nguồn: ETS TOEIC Reading 2021)

Câu hỏi 149 thuộc dạng câu hỏi về thông tin chung, cụ thể là mục đích của bài quảng cáo. 

Khi đọc lướt tiêu đề (Eleanor’s Catering) và nội dung của bài quảng cáo, thí sinh có thể biết được bài quảng cáo này viết về công ty chuyên cung cấp dịch vụ ăn uống (từ catering chỉ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống ở các sự kiện, tổ chức). Từ đây, đáp án phù hợp nhất chỉ có thể là đáp án C (Để quảng cáo về những dịch vụ của một công ty).

Ví dụ 2:

Câu hỏi 158-160 ETS TOEIC Reading 2021

(Nguồn: ETS TOEIC Reading 2021)

Câu hỏi 158 là câu hỏi về thông tin chung, cụ thế là về mục đích của văn bản: “Tại sao ông Abdullahi gửi thư cho cô Parekh?”

Khi đọc lướt qua lá thư, thí sinh sẽ nắm được 1 số thông tin sau:

  • Người gửi: Nuruddin Abdullahi (ở mục kí tên ở cuối lá thư)

  • Người nhận: Priti Parekh (ở mục thông tin dưới ngày gửi, hoặc sau Dear…)

  • Chủ đề: giới thiệu về những dịch vụ mà công ty Peake Painting Ltd. cung cấp (câu đầu đoạn 2) và đính kèm một bản hợp đồng của công ty (câu đầu đoạn 3).

  • Mục đích: để cung cấp dịch vụ cho cô Priti Parakh

  • Từ đây, thí sinh chọn được đáp án của câu 158 là câu A (Để cung cấp thông tin chi tiết về doanh nghiệp của ông ấy)

Dạng câu hỏi về thông tin chi tiết (Detailed question)

Dạng câu hỏi thông tin chi tiết thường chiếm từ 40 đến 50 phần trăm trong tổng số các câu hỏi TOEIC Reading Part 7, và thường xuất hiện sau dạng câu hỏi về thông tin chung. Những câu hỏi này hỏi về những thông tin cụ thể được đề cập trong bài đọc.

Các câu hỏi này thường là câu hỏi Wh- ( bắt đầu với who/ when/ where/ what/ which/ how…)

Một số câu hỏi về thông tin chi tiết:

  • Who should be contacted for registration?

  • When will Mr. Johnson give his presentation?

  • Where will the conference be held?

  • What will take place on the first day of the conference?

  • How can membership be obtained?

Cách xử lý

Đối với câu hỏi TOEIC Reading Part 7 dạng này, đầu tiên, thí sinh cần đọc và nhận biết từ để hỏi và từ khóa của mỗi câu hỏi.

Ví dụ: Who should be contacted for registration?

  • Từ để hỏi: who

  • Từ khóa: contacted, registration

Sau đó, thí sinh đọc lướt (skimming) để xác định vị trí câu chứa từ khóa (hoặc từ đồng nghĩa với từ khóa).

Cuối cùng, đọc kĩ (scanning) câu đã tìm thấy và tìm thông tin liên quan để chọn đáp án.

Cần chú ý việc đáp án và câu liên quan trong bài dù có nội dung giống nhau nhưng đôi khi cách diễn đạt không hoàn toàn giống nhau vì sử dụng từ đồng nghĩa.

Cách xử lý dạng hỏi về thông tin chi tiết (Detailed question)

Ứng dụng giải ví dụ

Ví dụ 1:

Câu hỏi 155-157 ETS TOEIC Reading 2021

(Nguồn: ETS TOEIC Reading 2021)

Câu hỏi 155 và 156 là câu hỏi về thông tin chi tiết.

Câu 155: “Mr. Petez có thể là ai?” 

  • Từ để hỏi: Who

  • Từ khóa: Mr Petez

  • Thông tin chứa từ khóa ở phần người gửi thư, hàng 2 và 3 bảng schedule

  • Ở hàng 2, có thể thấy ông Perez sẽ tham gia cuộc gặp giữa Inspector và General Manager, vì vậy ông có thể là một trong 2 người này (Đáp án C hoặc D). Nhìn lên phía trên bảng, có thể thấy Inspector đã được nhắc đến và đó là Hannah Langan, vì vậy có thể suy ra ông Perez sẽ là General manager.

→ Chọn D.

Câu 156: Việc thanh tra sẽ bắt đầu khi nào?

  • Từ để hỏi: When

  • Từ khóa: inspection

  • Thông tin chứa từ khóa: vì “inspection” cũng là chủ đề của bài viết nên từ khóa này xuất hiện xuyên suốt cả bài. Tuy nhiên, dựa vào từ để hỏi “when” thí sinh sẽ tìm thêm thông tin chứa thời gian liên quan đến từ khóa. Thông tin ở hàng 5 trong bảng schedule (chứa cả thời gian và inspection).

  • Đọc kĩ hàng 5, xác định được việc thanh tra diễn ra lúc 12:30pm

→ Chọn C.

Ví dụ 2:

Câu hỏi 149-150 ETS TOEIC Reading 2021

(Nguồn: ETS TOEIC Reading 2021)

Câu 150 là câu hỏi về thông tin chi tiết.

  • Từ để hỏi: what

  • Từ khóa: Mr Tarnowski, asked

  • Trong bài này, ông Tarnowski là người nhận mail, và vì vậy sẽ xuất hiện dưới ngôi xưng “you” trong bài. Từ khóa “ask” có thể được tìm thấy ở đoạn 1, dòng 3, trong câu “Note that at the time… purchased the machine”

  • Đọc kĩ câu này (Hãy lưu ý rằng khi bảo trì, nhân viên kĩ thuật của chúng tôi sẽ yêu cầu xem hóa đơn gốc, cái mà ông đã nhận được khi mua máy) ta chọn được đáp án là câu C (Xuất trình bằng chứng mua hàng).

*Lưu ý: ở đây, “original receipt” đồng nghĩa với “proof of his purchase”.

Dạng câu hỏi về thông tin (không) được đề cập (NOT/ TRUE question)

Dạng câu hỏi này sẽ hỏi về những thông tin được (hoặc không được) nêu ra, chỉ ra, hoặc đề cập đến trong bài đọc. Trong đó, một số câu có từ “NOT” được viết in hoa trong câu hỏi là dạng câu phủ định (hay còn gọi là câu hỏi loại trừ). Một số câu hỏi có từ “true” sẽ yêu cầu thí sinh tìm ra một nhận định đúng đối với một sự vật, sự việc hay một cá nhân.

Thí sinh thường sẽ mất nhiều thời gian hơn để tìm được đáp án cho câu hỏi TOEIC Reading Part 7 này, so với những dạng câu hỏi khác.

Dạng câu hỏi này thường sẽ có những từ như “stated” (được nêu ra), “mentioned” (được đề cập), “indicated” (được chỉ ra), “true” (đúng), “NOT” (không) trong câu hỏi.

Một số câu hỏi xuất hiện trong đề thi:

NOT questions

TRUE questions

  • What is NOT a feature of the item?

  • What is NOT stated in the article?

  • What is TRUE about the library card?

  • What is mentioned in the article?

Các bước xử lý

Để làm được câu hỏi TOEIC Reading Part 7 này, thí sinh nên làm theo các bước dưới đây:

  • Nhận biết từ khóa trong câu hỏi.

  • Đọc lướt để nắm được ý chính của từng đoạn văn và tìm câu/ đoạn văn bản chứa từ khóa hoặc thông tin liên quan đến từ khóa.

  • Đọc kĩ đoạn thông tin để tìm đáp án. Thí sinh cần đọc kĩ ở giai đoạn này vì đáp án và thông tin trong bài thường không được diễn đạt giống nhau mà sử dụng phương pháp paraphrase (diễn tả cùng nội dung nhưng bằng từ ngữ, cách diễn đạt khác) 

  • Đối với dạng câu có “NOT”, thí sinh cần loại trừ 3 đáp án (được nêu trong bài đọc) để chọn đáp án còn lại.

Ứng dụng giải ví dụ

Ví dụ 1:

cau-hoi-toeic-reading-part-7-162-2

Câu hỏi 161-162 ETS TOEIC Reading 2021

(Nguồn: ETS TOEIC Reading 2021)

Câu 162 là Dạng câu hỏi NOT/ TRUE (Câu nào đúng về Webmarch?)

  • Từ khóa: Webmarch.

  • Sau khi đọc lướt 2 đoạn văn, thí sinh sẽ nắm được ý chính của đoạn 1 (Sự phát triển của Webmarch từ lúc được bắt đầu cho đến 15 năm sau) và đoạn 2 (Giới thiệu chi tiết hơn về dịch vụ mà Webmarch cung cấp)

  • Ở dòng 8 đoạn 2, “the service has content available in sixteen languages” (dịch vụ của Webmarch có nội dung được thể hiện bằng 16 ngôn ngữ) trùng với ý của đáp án D (Nó cung cấp nhiều video bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau). Chọn D

Nhận xét: Với câu hỏi TOEIC Reading Part 7 này, thí sinh gần như phải xem xét từng lựa chọn đáp án trong câu hỏi và loại dần dựa vào thông tin trong bài đọc.Thí sinh có thể trả lời bằng 2 cách:

  • Cách 1: đọc lướt cả bài để nắm ý, sau đó đọc sang đáp án và chọn đáp án phù hợp nhất (như cách giải ở trên).

  • Cách 2: Đọc từng đáp án, dò qua phần thông tin trong bài đọc và loại dần, đến khi chọn được đáp án đúng.

Nhìn chung, dù là cách nào thì dạng câu hỏi này sẽ làm tiêu tốn khá nhiều thời gian. Vì vậy, thí sinh nên làm những dạng câu hỏi khác trước. Sau khi trả lời những dạng câu hỏi khác, thí sinh đã đọc qua bài đọc vài lần và nắm được ý chính. Từ đó, thí sinh sẽ dễ dàng tìm được vị trí chứa thông tin để trả lời cho câu hỏi NOT/TRUE hơn và tiết kiệm được thời gian hơn.

Ví dụ 2:

Câu hỏi 158-160 ETS TOEIC Reading 2021

(Nguồn: ETS TOEIC Reading 2021)

Câu 159 là Dạng câu hỏi NOT/ TRUE (Tính năng nào dưới đây không được đề cập trong thỏa thuận dịch vụ?)

  • Từ khóa: feature, service agreement

  • Đọc lướt nội dung từng đoạn văn, thí sinh sẽ thấy được đoạn 2 của văn bản nêu lên những lợi ích mà thỏa thuận dịch vụ cung cấp.

  • Đọc kĩ đoạn 2, thí sinh sẽ thấy 3 lợi ích được nhắc đến, tương ứng với 3 đáp án A, C, D

(A) Price reductions = service discounts

(C) Recommendations by specialists = advice from our expert painters

(D) Periodically performed maintenance = preventive maintenance

→ Chọn đáp án B (đáp án không được nhắc đến trong bài).

Dạng câu hỏi suy luận (Interference question)

Dạng câu hỏi suy luận này thường chiếm khoảng 10 phần trăm trong tổng số 54 câu hỏi của phần 7. Đây là câu hỏi TOEIC Reading Part 7 yêu cầu thí sinh phải đưa ra kết luận hợp lý dựa trên những thông tin được cung cấp, bởi đáp án sẽ không được nhắc tới một cách trực tiếp. 

Dạng câu hỏi này thường sẽ có những từ như “imply” (ngụ ý), “infer” (suy ra, gợi ý), “expect” (dự đoán), “suggest” (gợi ý) , “probably” (có thể), “most likely” (có khả năng) trong câu hỏi.

Một số câu hỏi xuất hiện trong đề thi:

  • Where would this information most likely be found?

  • For whom is the announcement most likely intended?

  • What does the article imply about the restaurant?

  • What can be inferred about the workshop?

  • What is suggested in the letter?

Các bước xử lý

Để làm được câu hỏi TOEIC Reading Part 7 này, thí sinh cần:

  • Tìm từ khóa của câu hỏi.

  • Dựa vào từ khóa và những gợi ý/ manh mối liên quan đến từ khóa trong câu hỏi và trong bài đọc để nhận biết được sự ngụ ý.

Ví dụ: một email có nội dung hướng dẫn thực hiện một công việc có thể suy ra được email được gửi từ công ty đến người lao động.

Ứng dụng giải ví dụ

Ví dụ 1:

Câu hỏi 151 ETS TOEIC Reading 2021

(Nguồn: ETS TOEIC Reading 2021)

Câu 151 là Dạng câu hỏi suy luận (Ms. Bryant có khả năng  là ai?)

  • Từ khóa: Ms. Bryant

  • Đọc lướt nội dung bài đọc, thí sinh nhận biết được đây là email cô Bryant gửi cho ông Wiest về bài khảo sát công trường.

  • Đọc dòng đầu tiên của đoạn 2 (nếu như địa điểm được duyệt trước tuần sau, nhóm của tôi sẽ có thể đẩy nhanh hoàn thành bản vẽ cuối cùng), từ đây suy ra cô ấy là kĩ sư, chọn đáp án A.

Ví dụ 2:

Câu hỏi 158-160 ETS TOEIC Reading 2021

(Nguồn: ETS TOEIC Reading 2021)

Câu 158 và 160 là Dạng câu hỏi suy luận.

Câu 158: Ông Mayer có khả năng là ai?

  • Từ khóa: Mr. Mayer

  • Đọc lướt nội dung bài đọc, thí sinh nhận biết được đây là email công ty Healhhome gửi cho ông Mayer về trang web mới của công ty.

  • Đọc dòng đầu tiên của đoạn 1 (chúng tôi rất biết ơn việc ông đã trở thành người đăng ký theo dõi cho trang web của chúng tôi), từ đây suy ra ông Mayer là người sử dụng trang web Healthome, Chọn đáp án B

Câu 160: Email gợi ý gì về trang Web cũ trước đây?

  • Từ khóa: previous Web site

  • Đọc lướt email, thí sinh nhận biết được cả 2 đoạn văn đều miêu tả những tính năng mới của Web site. Tuy nhiên, chỉ đoạn 2 mới so sánh web site mới với web site cũ trước đây.

  • Đọc kĩ đoạn 2, dòng 2 (nội dung của trang web dễ dàng được xem bằng máy tính bảng và điện thoại hơn nó đã từng), từ đó suy ra đáp án C (Việc xem nó trên một vài thiết bị đã từng rất khó khăn).

Dạng câu hỏi về từ đồng nghĩa (Synonym question)

Dạng câu hỏi về từ đồng nghĩa kiểm tra khả năng hiểu nghĩa của từ vựng trong văn bản. Hầu hết những từ được hỏi thường là những từ phổ biến trong tiếng Anh, tuy nhiên, sẽ có những từ mang nhiều ý nghĩa khác nhau, trong đó có liên quan đến chủ đề thương mại mà thí sinh có thể không biết.

Thường có khoảng 2 đến 3 câu hỏi dạng này trong phần 7.

Các bước xử lý

Để trả lời cho câu hỏi dạng này, thí sinh có thể làm theo các bước sau:

  1. Đọc câu hỏi để biết vị trí từ được hỏi nằm ở đâu.

  2. Đọc lướt để xác định vị trí từ đó trong bài đọc.

  3. Đọc kĩ câu chứa từ được hỏi. Bằng việc dựa vào những từ đã biết để nắm được ý chính, ngữ cảnh, từ đó đoán nghĩa của từ chưa biết được hỏi.

  4. Chọn đáp án có nghĩa giống với nghĩa vừa nhận biết được.

Lưu ý:

Bởi vì một từ vựng có thể có nhiều nghĩa khác nhau, thí sinh không nên chỉ dựa vào hiểu biết của mình đối với từ đó mà chọn ngay đáp án. Trong 4 đáp án sẽ luôn có những đáp án bẫy, gần nghĩa với từng nghĩa của từ vựng được hỏi.

Vì vậy, điều quan trọng cần nhớ đối với dạng bài này là cần phải chọn đúng nghĩa của từ vựng theo ngữ cảnh được cho của bài đọc.

Ví dụ:

Ví dụ

Ở câu hỏi trên, cả 4 đáp án đều gần nghĩa với từ “present”:

  • Introduce – present (v): giới thiệu

  • Show – present (v): đưa, trình ra

  • Attend – present (v): có mặt, trình diện

  • Gift – present (n): món quà

Vì vậy, thí sinh bắt buộc phải tìm nghĩa của từ “present” trong ngữ cảnh của bài đọc thì mới chọn được đáp án.

Ứng dụng giải ví dụ

Ví dụ 1:

Câu hỏi 158-160 ETS TOEIC Reading 2021

(Nguồn: ETS TOEIC Reading 2021)

Câu hỏi 159 là câu hỏi về từ đồng nghĩa (Từ “look” ở đoạn 1, dòng 2 gần nghĩa nhất với từ nào?)

  • Từ đoạn 1, dòng 2, thí sinh tìm được từ “look”, từ đó, định vị được câu chứa nó: “You will discover a new look, as we have… easy-to-navigate Website” 

  • Dịch câu đã tìm được: Bạn sẽ khám phá một diện mạo mới, bởi vì chúng tôi đã tạo ra một web site mới, thu hút, và dễ dàng tìm kiếm.

  • Từ nghĩa của từ “look” trong bài đọc (diện mạo), thí sinh chọn được đáp án B (appearance)

Ví dụ 2:

Câu hỏi 172-175

Nội dung và câu hỏi 173

(Nguồn: ETS TOEIC Reading 2021)

Câu hỏi 173 là câu hỏi về từ đồng nghĩa (Từ “meet” ở đoạn 2, dòng 7 gần nghĩa nhất với từ nào?)

  • Từ đoạn 2, dòng 7, thí sinh tìm được từ “meet”, từ đó, định vị được câu chứa nó: “Like health care, the technology sector… can help meet the demands created by high growth”

  • Dịch câu đã tìm được: Giống như lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, lĩnh vực công nghệ cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người lao động có đủ kĩ năng và có thể giúp đáp ứng được những nhu cầu được tạo nên bởi sự phát triển mạnh.

  • Từ nghĩa của từ “meet” trong bài đọc (đáp ứng), thí sinh chọn được đáp án A (fulfill)

Tổng kết

Bài viết này đã giới thiệu 5 dạng câu hỏi TOEIC Reading Part 7. Việc nắm được cách làm bài của từng dạng câu hỏi sẽ giúp thí sinh dễ dàng chọn được đáp án hơn. Ngoài ra, thí sinh cũng cần trau dồi thêm càng nhiều từ vựng càng tốt, nhất là những từ vựng dùng trong môi trường công việc. Việc có vốn từ vựng phong phú sẽ giúp thí sinh gặp ít khó khăn hơn trong việc dịch câu và tìm đáp án phù hợp.

Tìm hiểu thêm:

Tác giả: Võ Thị Hoài Minh

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...