Banner background

Cách đoán nghĩa từ mới dựa vào ngữ cảnh dành cho người học ở trình độ 0-4.0 IELTS Reading

Một số chiến thuật đoán nghĩa của từ mới giúp người học vượt qua vấn đề từ mới hay từ ít gặp khi làm để cải thiện Reading IELTS.
cach doan nghia tu moi dua vao ngu canh danh cho nguoi hoc o trinh do 0 40 ielts reading

Đọc là một trong số bốn kỹ năng trong bài thi IELTS đòi hỏi vốn từ tương đối lớn từ người học để hiểu và trả lời các câu hỏi khác nhau trong đề thi. Thông thường, người học ở trình độ mới bắt đầu 0-4.0 sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp xúc trong IELTS Reading chẳng hạn như từ mới hoặc từ lạ - là các từ không gần gũi với đời sống hàng ngày, do vậy ở trình độ này, người học thường dễ bị nản. Trong bài viết này, tác giả sẽ đề xuất một số chiến thuật Trong bài viết này, tác giả sẽ đề xuất một số chiến thuật đoán nghĩa của từ mới giúp người học vượt qua vấn đề từ mới hay từ ít gặp khi làm bài đọc. giúp người học vượt qua vấn đề từ mới hay từ ít gặp khi làm bài đọc.

Đọc thêm: Áp dụng kiến thức về gốc từ – tiền tố – hậu tố để đoán nghĩa từ mới trong bài thi IELTS Reading 

Đọc hiểu là gì? 

Đọc hiểu là quá trình người học xuất phát từ việc nhận diện từ vựng, hiểu nghĩa và tìm ra một ý tưởng từ các từ trong văn bản (Hoover & Gough, 1990). Quá trình đó có thể được hình dung một cách đơn giản như sau: 

Nhận diện từ (cấu tạo của từ về mặt chữ) + Hiểu nghĩa của từ = Đọc hiểu

Cụ thể, ở giai đoạn đầu, người học sẽ nhận diện từ (bao gồm các ký tự nào tạo nên) trong văn bản. Sau bước này, người học bắt đầu vào quá trình hiểu nghĩa của từ và khi đã hiểu các nghĩa các từ trong văn bản, người học có thể đạt đến giai đoạn đọc hiểu. Như vậy, nếu chỉ dừng lại ở việc nhận diện được mặt chữ mà không hiểu ý nghĩa của chúng thì người học sẽ không tiếp nhận được thông điệp từ văn bản. 

Đối với người học ở trình độ mới bắt đầu, quá trình đọc hiểu thường dừng lại ở bước 1 đó là có khả năng nhận ra ngôn ngữ về mặt hình thức nhưng gần như không hiểu ý nghĩa của chúng. Nguyên nhân là do từ vựng trong bài thi đọc IELTS thường là các từ học thuật hoặc được sử dụng ở một tầng nghĩa khác so với nghĩa thông thường. Kết quả là những từ ngữ này sẽ trở thành “từ lạ” khiến người học gặp khó khăn trong việc hiểu thông tin. Nói theo Simon, bài thi đọc IELTS về bản chất là một bài kiểm tra vốn từ của người học, do vậy, nếu không giải quyết vấn đề về từ vựng, người học sẽ khó đạt được band điểm như mong muốn.

Chiến thuật đoán nghĩa của từ mới giúp người đọc giải quyết vấn đề

Theo Schofield (1982), người học có ba hướng giải quyết khi gặp từ mới trong đọc hiểu, bao gồm: 

Bỏ qua (phớt lờ thay vì tìm nghĩa của chúng)

  • Ưu điểm: chiến thuật này khuyến khích người học hiểu đại ý của cả câu thay vì tập trung vào các từ riêng lẻ.

  • Khuyết điểm: gây khó khăn cho người học ở trình độ mới bắt đầu do lượng từ mới với nhóm này tương đối nhiều

Đoán (dựa vào ngữ cảnh) 

  • Ưu điểm: chiến thuật này giúp người học học một cách chủ động, xây dựng kỹ năng đoán nghĩa của từ trong mọi tình huống

  • Khuyết điểm: cần tốn một khoảng thời gian để phân tích và quan sát trong quá trình luyện tập khi bắt đầu

Hỏi giáo viên hoặc tra từ điển 

  • Ưu điểm: biết và hiểu chính xác nghĩa và cách dùng của từ 

  • Khuyết điểm: khiến người học lệ thuộc vào nguồn lực bên ngoài để giải nghĩa từ

Mặc dù vậy, Schofield (1982) nhấn mạnh, tùy trường hợp mà người học nên sử dụng những chiến thuật khác nhau. Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả sẽ tập trung giới thiệu và hướng dẫn người đọc chiến thuật “đoán nghĩa của từ mới dựa vào ngữ cảnh” vì nó có thể ứng dụng trong mọi tình huống, đặc biệt ứng dụng được hiệu quả khi người học tham gia bài thi IELTS (tình huống không thể hỏi giáo viên hoặc tra từ điển hoặc bỏ qua). 

Các bước tiến hành dự đoán nghĩa của từ mới dựa vào ngữ cảnh: 

Nation and Coady (1988) gợi ý người học có thể sử dụng 5 bước sau để thực hiện việc dự đoán: 

  • Bước 1: Xác định loại từ của từ mới (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ) 

  • Bước 2: Quan sát các từ lân cận trong câu và tìm mối liên hệ

  • Bước 3: Quan sát các câu lân cận, tìm mối liên hệ dựa vào các từ nối 

  • Bước 4: Dự đoán nghĩa (dựa vào hai các mối liên hệ đã tìm được ở bước 2 & 3)

  • Bước 5: Kiểm tra lại (bước này áp dụng khi người học tự luyện tập, sau khi đoán nghĩa, người học có thể kiểm tra lại với từ điển hoặc hỏi giáo viên)

Ví dụ: Cho đoạn văn sau

“Female polar bears, however, undergo extreme conditions during every pregnancy. Once autumn comes around, these females will dig maternity dens in the snow and will remain there throughout the winter, both before and after the birth of their cubs.” 

Trong đoạn văn trên, giả sử hai từ gạch chân là từ mới đối với người đọc, các bước thực hiện việc đoán nghĩa của từ mới được tiến hành như sau: 

Bước 1: Xác định loại từ 

Bước 2: Quan sát các từ lân cận để hiểu đại ý chung của câu

  • Từ “pregnancy” có thể liên quan đến từ “female” trong câu 

  • Từ “maternity dens” liên quan trực tiếp đến từ “females” trước đó 

Bước 3: Quan sát các câu lân cận

  • Cả đoạn này đang nhắc đến “females” khá nhiều, do vậy, các từ mới này có khả năng cao sẽ liên hệ chặt chẽ về mặt ý nghĩa với “females”

  • Ngoài ra, từ “maternity dens” được thay thế bằng từ “there” phía sau nên đây có thể là danh từ chỉ địa điểm  

Bước 4: Dự đoán nghĩa

  • Các từ diễn đạt ý nghĩa liên quan đến “females: giống cái” 

Bước 5: Kiểm tra bằng từ điển

  • Pregnancy: quá trình mang thai 

  • Maternity dens: nơi ở của gấu mẹ trong thời kỳ sinh sản 

  • Maternity: làm mẹ 

Chú ý: Cách xác định loại từ: 

  • Dựa vào hình thức của từ: người học có thể xác định được loại từ khi quan sát hậu tố của một từ

Ví dụ: từ kết thúc với “tion, ment” thường là danh từ; với “ate, ize” thường là động từ; “ic, cal” thường là tính từ; “ly” thường là trạng từ

  • Dựa vào chức năng ngữ pháp của từ 

  • Danh từ: đứng đầu câu làm chủ ngữ và sau động từ làm tân ngữ; sau tính từ; sau giới từ 

  • Động từ: sau chủ ngữ; sau các động từ khuyết thiếu

  • Tính từ: sau danh từ hoặc sau trạng từ 

Các yếu tố hỗ trợ việc đoán nghĩa của từ mới

Dựa vào định nghĩa 

Trong văn bản, tác giả có thể đề cập tới một số từ mới và có đính kèm định nghĩa ở phía sau, người đọc có thể hiểu được nghĩa của từ mới này bằng cách đọc phần giải thích bắt đầu bằng các từ như: 

  • is/are 

  • is/are called

  • is/are defined as 

  • is/are described as

  • is/are known as 

  • mean/which mean

  • consist of 

  • refer to 

  • Dấu gạch ngang (-) hoặc dấu ngoặc tròn ()

Ví dụ giải thích bằng dấu hiệu từ vựng: 

“The genome of the polar bear may also provide the solution for another condition, one that particularly affects our older generation: osteoporosis. This is a disease where bones show reduced density, usually caused by insufficient exercise, reduced calcium intake or food starvation.”

Trong đoạn văn trên, từ “osteoporosis” là từ mới và lạ, tuy nhiên, nó đã được giải nghĩa ở câu kế tiếp với dấu hiệu “this is a disease”. Đọc đến đây, người học có thể hiểu được khái quát, đây là tên một loại bệnh. 

Ví dụ giải thích bằng dấu gạch ngang: 

“Liu and his colleagues found the polar bears had a gene known as APOB, which reduces levels of low-density lipoproteins (LDLS) – a form of ‘bad’ cholesterol.”

Trong đoạn trên, cụm gạch chân có thể gây ra khó hiểu cho người đọc, tuy nhiên, nó được giải thích ngay sau đó vì có dấu hiệu là dấu gạch ngang “a form of bad cholesterol”. Như vậy, người học có thể hiểu khái quát ý nghĩa của cụm: một dạng cholesterol xấu. 

Dựa vào giải thích 

Đôi khi, tác giả đưa ra từ mới nhưng có thể sử dụng một từ hoặc cụm từ khác để làm rõ nghĩa của từ đó, dấu hiệu nhận biết bao gồm: 

  • or

  • that is to say

  • in other words

  • i.e. or that is

  • phần giải thích đặt giữa hai dấu phẩy 

Ví dụ: “Automation – or embodied artificial intelligence (AI) – is one aspect of the disruptive effects of technology on the labour market.” 

Trong ví dụ trên, từ “automation” đã được giải thích bằng một từ quen thuộc hơn với người học là AI bằng cách viết lại sử dụng từ “or”. Nghĩa của từ này là “tự động hóa” - gần nghĩa với từ AI - trí tuệ nhân tạo (sử dụng máy móc làm việc). 

Dựa vào ví dụ được trích dẫn

Tác giả có thể đưa ra các ví dụ làm đại diện cho một từ mới được viết trong bài, dấu hiệu nhận biết bao gồm: 

  • such as

  • like

  • for example, …

  • for instance, …

  • is / are

Ví dụ: “‘Disembodied AI’, like the algorithms running in our smartphones, is another.” 

Trong câu trên, tác giả đưa ra khái niệm hoàn toàn mới là “disembodied AI” và đưa ra ví dụ minh họa cho khái niệm này bằng từ “algorithms” (thuật toán) để giải thích. 

Dựa vào từ nối thể hiện sự liên kết giữa các câu 

Khi bắt gặp từ mới xuất hiện trong câu văn dài, người học có thể sử dụng các từ nối để phân tích nghĩa của từ mới này, các từ nối đáng chú ý bao gồm: 

  • Các từ diễn đạt mối quan hệ nhượng bộ/tương phản: but, however, although, whereas,on the other hand, yet

  • Các từ nối diễn đạt mối quan hệ nguyên nhân, kết quả: because, consequently, so therefore

Ví dụ: “ The disastrous Hanshin earthquake in 1995 killed 6,400 people, toppled elevated highways, flattened office blocks and devastated the port area of Kobe. Yet it left the magnificent five-storey pagoda at the Toji temple in nearby Kyoto unscathed, though it levelled a number of buildings in the neighbourhood.” 

Trong đoạn văn trên, từ mới nằm ở câu số 2 và hai câu này được nối với nhau bằng từ “Yet” thể hiện sự trái ngược. Ở câu đầu tiên, người học có thể nhận thấy, các động từ đều mang nghĩa “phá hủy” (nếu người học chưa biết nghĩa các động từ khác ngoài từ “killed”, có thể dựa vào từ nối “and” để suy luận: các từ nối với nhau bằng “and” đều thể hiện chung một ý nghĩa, do vậy có thể suy ra các động từ sau “killed” đều có ý nghĩa giống với nó), trong khi đó câu số hai sẽ mang ý nghĩa ngược lại do có từ “yet”, như vậy có thể suy luận từ “unscathed” ở đây ngược nghĩa so với nhóm từ ở câu 1 - không bị phá hủy. 

Dựa vào ngữ pháp  

Một số câu văn có thể không có từ nối rõ ràng giúp người học hình dung hoặc đoán nghĩa của từ mới, trong trường hợp này, người học có thể sử dụng kiến thức ngữ pháp nền để đoán nghĩa. 

Ví dụ: “At least 30 percent of the birds will be killed by predators before they make it back to Europe the following spring.” 

Quan sát câu trên, người học có thể nhận ra đây là câu bị động, do đó từ mới “predators” được hiểu là chủ thể của hành động “kill” (vì nó đứng sau “by”), do vậy chủ thể này là một sinh vật sống. Người học có thể dự đoán đây là một nhóm người hoặc một nhóm động vật. Cụ thể, sau khi kiểm tra, “predators”: kẻ săn mồi.  

Kết luận

Trong bài viết này, tác giả đã trình bày chiến thuật dự đoán nghĩa của từ mới khi gặp trong bài đọc IELTS theo 5 cách khác nhau - các cách này đều hướng dẫn người học dựa vào ngữ cảnh của bài để đoán nghĩa của từ. Tác giả hy vọng rằng với chiến thuật này, người học sẽ giảm tải được sức ép về từ mới trong bài đọc. Ngoài ra, bên cạnh áp dụng chiến thuật trong bài thi, người học nên tích cực trau dồi thêm vốn từ của mình một cách chủ động bằng các hoạt động tra cứu và ghi chép lại sau khi hoàn thành các bài luyện tập. 

Nguyễn Việt Chinh


Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...