Banner background

Cách sử dụng câu giả định (Subjunctive) trong TOEIC Reading Part 5

Bài viết giới thiệu vai trò, cách thức sử dụng câu giả định trong tiếng Anh, đưa ra ví dụ giúp người học áp dụng vào bài thi TOEIC Reading P5.
cach su dung cau gia dinh subjunctive trong toeic reading part 5

Trong Tiếng Anh, câu giả định (Subjunctive) là một dạng câu đặc biệt, được dùng để diễn tả một đề nghị, một điều ước hay mong muốn ai đó làm gì, hoặc một tình huống giả định. Câu giả định trong tiếng Anh bao gồm ba dạng chính: Present subjunctive, Past subjunctive, và Past perfect subjunctive.

Mặc dù cấu trúc ngữ pháp của từng loại câu giả định rất đơn giản nhưng không phải người học nào cũng nắm rõ cách sử dụng chúng. Bài viết tập trung làm rõ vai trò và cách thức sử dụng câu giả định trong tiếng Anh, đồng thời đưa ra những ví dụ cụ thể giúp người học áp dụng kiến thức vào bài thi TOEIC Reading Part 5 một cách chính xác.

Cách sử dụng câu giả định trong Tiếng Anh

Present Subjunctive (hiện tại giả định)

Loại giả định thứ nhất người học cần ghi nhớ là Present Subjunctive – dạng đơn giản của động từ, tức là động từ nguyên thể không chia với tất cả các ngôi. Động từ nguyên thể trong câu giả định loại này được đặt đằng sau một số động từ hoặc tính từ nhất định nhằm diễn tả một ý muốn, yêu cầu, đề nghị, gợi ý, ra lệnh, v.v.

Những động từ được dùng trong thể Present Subjunctive là:

advise

(khuyên bảo)

prefer

(thích hơn)

ask

(yêu cầu)

propose

(đề nghị)

command

(yêu cầu)

recommend

(gợi ý)

decide

(quyết định)

request

(đề nghị)

decree

(ra lệnh)

require

(yêu cầu)

demand

(yêu cầu)

stipulate

(quy định)

desire

(khao khát)

suggest

(gợi ý)

insist

(khăng khăng)

urge

(thúc giục)

order

(ra lệnh)

 

 

Những tính từ được dùng trong thể Present Subjunctive là:

adamant

(cương quyết)

imperative

(cấp bách, khẩn thiết)

advisable

(nên, khôn ngoan)

important

(quan trọng)

advisory

(để xin ý kiến)

mandatory

(bắt buộc)

best

(tốt nhất)

necessary

(cần thiết)

critical

(phê bình, chê bai)

obligatory

(bắt buộc)

crucial

(cốt yếu)

recommended

(được gợi ý)

desirable

(đáng khát khao)

strange

(kì lạ)

determined

(quyết tâm)

suggested

(được gợi ý)

eager

(hăm hở)

urgent

(cấp bách, khẩn thiết)

essential

(quan trọng)

vital

(quan trọng)

Cấu trúc câu khẳng định: Chủ ngữ + Động từ/ Tính từ dùng trong thể Subjunctive + that + Chủ ngữ + Động từ nguyên thể

Ví dụ: 

  • They requested that she pay them the money she borrowed. (Họ yêu cầu cô ấy trả họ số tiền mà cô ấy đã mượn.)

  • It is essential that he do his homework. (Điều quan trọng là anh ấy làm bài tập về nhà.)

Cấu trúc câu phủ định: Chủ ngữ + Động từ/ Tính từ dùng trong thể Subjunctive + THAT + Chủ ngữ + NOT + Động từ nguyên thể

Ví dụ:

  • They asked that we not listen to music after midnight. (Họ yêu cầu rằng chúng tôi không được nghe nhạc sau lúc nửa đêm.)

  • It is necessary that she not go to his house. (Điều cần thiết là cô ấy không đi đến nhà anh ấy.)

Cấu trúc câu bị động: Chủ ngữ + Động từ/ Tính từ dùng trong thể Subjunctive + THAT + Chủ ngữ + BE + Phân từ II

Ví dụ:

  • He insisted that the new baby be named after the maternal grandfather. (Anh ấy khăng khăng là em bé được đặt tên theo ông ngoại.)

  • It is urgent that our house be built in November. (Điều cấp thiết là nhà của chúng ta được xây dựng vào tháng mười một.)

Lưu ý: Ở thể Present Subjunctive, ngoài cách dùng động từ nguyên thể sau THAT, người học còn có thể sử dụng SHOULD/ SHOULDN’T đi cùng với động từ nguyên thể.

Cấu trúc: Chủ ngữ + Động từ/ Tính từ dùng trong thể Subjunctive + THAT + Chủ ngữ + SHOULD/ SHOULDN’T + Động từ nguyên thể

Ví dụ:

  • He suggested that I be tolerant of other people.⇒ He suggested that I should be tolerant of other people. (Anh ấy đề nghị rằng tôi nên khoan dung với những người khác.)

  • It is recommended that she live with his family.⇒ It is recommended that she should live with his family.

Past Subjunctive (quá khứ giả định)

Dùng trong câu điều kiện loại 2

Thể Past Subjunctive được dùng phổ biến trong mệnh đề phụ thuộc bắt đầu bằng IF nhằm diễn tả một tình huống giả định, không có thật ở hiện tại (thuộc câu điều kiện loại 2). Sở dĩ thể này được gọi là quá khứ giả định bởi vì động từ ở mệnh đề IF được chia ở thì quá khứ đơn, trừ động từ TO BE được chia là WERE với tất cả các ngôi. 

Cấu trúc: 

 

Mệnh đề IF

Mệnh đề chính

Động từ thông thường

IF + Chủ ngữ + Động từ ở thì quá khứ đơn

Chủ ngữ + WOULD/ COULD/ MIGHT/ SHOULD + Động từ nguyên thể

Động từ TO BE

IF + Chủ ngữ + WERE (WAS có thể được dùng trong văn nói)

Chủ ngữ + WOULD/ COULD/ MIGHT/ SHOULD + Động từ nguyên thể

Ví dụ:

  • If she didn’t have a good knowledge in English, she wouldn’t be offered the job. (Nếu như cô ấy không có kiến thức tốt về Tiếng Anh, cô ấy sẽ không nhận được lời mời làm việc – thực tế là cô ấy có kiến thức tốt về Tiếng Anh)

  • If I were you, I would phone and tell her you are going to be late. (Nếu tôi là bạn, tôi sẽ gọi điện và nói với cô ấy rằng tôi sẽ đến muộn – thực tế là tôi không phải là bạn)

Dùng trong các cấu trúc khác

Ngoài việc xuất hiện phổ biến ở câu điều kiện loại 2, người học còn có thể thấy thể Past Subjunctive còn xuất hiện ở các cấu trúc IF ONLY, WISH, WOULD RATHER/ WOULD SOONER, IT’S HIGH/ ABOUT TIME, AS IF/ AS THOUGH, cụ thể như sau:

  • IF ONLY: Giá mà, diễn tả một mong muốn trong hiện tại/ tương lai

Cấu trúc: IF ONLY + Chủ ngữ + Động từ ở thì quá khứ đơn

Ví dụ: If only I knew the answer to this question! (Giá mà tôi biết được câu trả lời cho câu hỏi này – thực tế là tôi không biết)

  • WISH: diễn tả một điều ước trong hiện tại/ tương lai

Cấu trúc: Chủ ngữ + WISH + Chủ ngữ + Động từ ở thì quá khứ đơn/ WERE (động từ TO BE)

Ví dụ: I wish you were here. (Tôi ước rằng bạn đang ở đây – thực tế là bạn đang không ở đây vào thời điểm hiện tại)

She wishes it would stop raining. (Cô ấy ước rằng trời sẽ ngừng mưa – thực tế là trời vẫn đang mưa)

  • WOULD RATHER/ WOULD SOONER: muốn ai đó làm gì hơn trong hiện tại và tương lai

Cấu trúc: Chủ ngữ + WOULD RATHER/ WOULD SOONER + (THAT) + Chủ ngữ + Động từ ở thì quá khứ đơn

Ví dụ: I would rather you didn’t tell John about this. (Tốt hơn là bạn đừng nói với John về điều này)

  • IT’S TIME/ IT’S ABOUT TIME/ IT’S HIGH TIME: đã đến lúc ai đó phải làm gì

Cấu trúc: IT’S TIME/ IT’S ABOUT TIME/ IT’S HIGH TIME + Chủ ngữ + Động từ ở thì quá khứ đơn

Ví dụ: It’s high time you learned to look after yourself. ( Đã đến lúc bạn học cách chăm sóc bản thân mình rồi – thực tế là bạn không biết làm điều đó)

  • AS IF/ AS THOUGH: như thể là, diễn tả điều không có thực trong hiện tại/ tương lai

Cấu trúc: Chủ ngữ + Động từ + AS IF/ AS THOUGH + Chủ ngữ + Động từ ở thì quá khứ đơn

Ví dụ: He always acts as if he knew everything. (Anh ấy luôn thể hiện ra như thể là anh ấy biết được hết tất cả mọi thứ – thực tế là anh ấy không biết hết)

Past Perfect Subjunctive (quá khứ hoàn thành giả định)

Dùng trong câu điều kiện loại 3

Thể Past Perfect Subjunctive được dùng phổ biến trong mệnh đề phụ thuộc bắt đầu bằng IF nhằm diễn tả một tình huống giả định, không có thật ở quá khứ (thuộc câu điều kiện loại 3). Sở dĩ thể này được gọi là quá khứ hoàn thành giả định bởi vì động từ ở mệnh đề IF được chia ở thì quá khứ hoàn thành.

Cấu trúc:

Mệnh đề IF

Mệnh đề chính

IF + Chủ ngữ + Động từ ở thì quá khứ hoàn thành

Chủ ngữ + WOULD/ COULD/ MIGHT/ SHOULD + HAVE + Phân từ II 

Ví dụ:

If the students had come on time, they would have enjoyed the movie. (Nếu như những học sinh đó đến đúng giờ, họ đã có thể thưởng thức bộ phim đó – thực tế là những học sinh này đã không đến đúng giờ trong quá khứ)

Dùng trong các cấu trúc khác

Ngoài việc xuất hiện phổ biến ở câu điều kiện loại 3, người học còn có thể thấy thể Past Perfect Subjunctive còn xuất hiện ở các cấu trúc IF ONLY, WISH, WOULD RATHER/ WOULD SOONER, AS IF/ AS THOUGH. Thể giả định trong các cấu trúc này chỉ khác với thể Past Subjunctive tại một điểm – diễn tả các tình huống không có thực trong quá khứ.

  • IF ONLY: Giá mà, diễn tả một mong muốn trong quá khứ

Cấu trúc: IF ONLY + Chủ ngữ + Động từ ở thì quá khứ hoàn thành

Ví dụ: If only I had told her about his betrayal! (Giá mà tôi đã nói cho cô ấy về sự phản bội của anh ta – thực tế là tôi đã không nói cho cô ấy trong quá khứ)

  • WISH: diễn tả một điều ước trong quá khứ

Cấu trúc: Chủ ngữ + WISH + Chủ ngữ + Động từ ở thì quá khứ hoàn thành

Ví dụ: I wish I had done my homework last night. (Tôi ước rằng tôi đã làm bài tập về nhà của mình vào tối hôm qua – thực tế là hôm qua tôi đã không làm)

  • WOULD RATHER/ WOULD SOONER: muốn ai đó làm gì hơn trong quá khứ

Cấu trúc: Chủ ngữ + WOULD RATHER/ WOULD SOONER + (THAT) + Chủ ngữ + Động từ ở thì quá khứ hoàn thành

Ví dụ: I would rather she hadn’t written that letter. (Tốt hơn là cô ấy không viết lá thư đó – thực tế là cô ấy đã viết lá thư đó trong quá khứ)

  • AS IF/ AS THOUGH: như thể là, diễn tả điều không có thực trong hiện tại/ tương lai

Cấu trúc: Chủ ngữ + Động từ + AS IF/ AS THOUGH + Chủ ngữ + Động từ ở thì quá khứ đơn

Ví dụ: He looked as if he had seen a ghost. (Anh ấy nhìn như thể là đã gặp phải ma – thực tế là anh ấy đã không hề nhìn thấy ma trong quá khứ)

Xem thêm: Phân từ quá khứ và phân từ hiện tại – ứng dụng trả lời TOEIC Reading Part 5 và 6

Ứng dụng kiến thức về câu giả định trong tiếng Anh vào TOEIC Reading Part 5

Part 5 trong bài thi TOEIC Reading là phần hoàn thành câu. Trong đó, mỗi câu sẽ bị khuyết một từ hoặc một cụm từ, và nhiệm vụ của thí sinh là phải tìm từ/ cụm từ phù hợp để điền vào chỗ khuyết thiếu đó. Đối với dạng bài này, ngữ pháp cũng như từ vựng Tiếng Anh được sử dụng một cách dàn trải nên thí sinh cần nắm vững những kiến thức mình đã học để phân biệt và lựa chọn đáp án cho chính xác. Riêng với mảng kiến thức về thể Subjunctive, ba cấu trúc thường xuất hiện trong Part 5 của TOEIC Reading là: thể hiện tại giả định, giả định dùng trong câu điều kiện loại 2, loại 3, và cấu trúc WISH. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể:

The doctor suggests that he … smoking for his health.

  • A. give up

  • B. gives up

  • C. will give up

  • D. gave up

Ở ví dụ trên, người học dễ chọn nhầm đáp án là “gives up” vì chủ ngữ thứ hai là “he”. Tuy nhiên, người học cần lưu ý rằng trong câu còn có động từ SUGGEST – một trong số những động từ được dùng ở thể Present Subjunctive. Vì vậy, động từ thứ hai trong câu sẽ giữ ở dạng nguyên thể (đứng một mình hoặc đi kèm với SHOULD): give up hoặc should give up. Đáp án chính xác là A.

If she knew how to use the computer, she … the problem easily.

  • A. could handle

  • B. can handle

  • C. handle

  • D. handled

Khi người học nhìn thấy mệnh đề bắt đầu bằng IF, cần nghĩ ngay đến cấu trúc của câu điều kiện. Ở mệnh đề IF, động từ được chia ở thì quá khứ đơn (knew), tức đây là câu điều kiện loại 2 – thể quá khứ giả định. Với loại câu này, mệnh đề chính có cấu trúc: Chủ ngữ + WOULD/ COULD/ MIGHT/ SHOULD + Động từ nguyên thể. Đáp án chính xác là A.

If we had been invited to the luncheon, we … more people.

  • A. can have met

  • B. could have met

  • C. would meet

  • D. will meet

Tương tự như ví dụ vừa rồi, đây cũng là một câu điều kiện. Tuy nhiên, nó là câu điều kiện loại 3 – thể quá khứ hoàn thành giả định vì động từ ở mệnh đề IF được chia ở thì quá khứ hoàn thành (had been invited). Với loại câu này, mệnh đề chính có cấu trúc: Chủ ngữ + WOULD/ COULD/ MIGHT/ SHOULD + HAVE + Phân từ II. Đáp án chính xác là B.

I wish Joey … complaining about his supervisor.

  • A. stop

  • B. stops

  • C. would stop

  • D. will stop

Ở ví dụ trên, người học dễ chọn nhầm đáp án là “stops” vì chủ ngữ thứ hai là “Joey”. Tuy nhiên, vì câu này có động từ WISH nên nó là thể quá khứ giả định hoặc quá khứ hoàn thành giả định. Đối với điều ước trong hiện tại hoặc tương lai, động từ thứ hai sẽ được chia ở thì quá khứ đơn. Đối với điều ước trong quá khứ, nó sẽ được chia ở thì quá khứ hoàn thành. Đáp án chính xác là C.

Xem thêm: Các dạng câu hỏi thường gặp trong TOEIC Reading Part 5

Tổng kết

Thể Subjunctive (câu giả định) trong Tiếng Anh là một mảng kiến thức không khó nhưng lại dễ nhầm lẫn đối với người học. Thể này được chia làm ba dạng chính: hiện tại giả định, quá khứ giả định, và quá khứ hoàn thành giả định. Vì mỗi một dạng câu giả định trong tiếng Anh lại có cấu trúc và cách sử dụng khác nhau nên người học cần nắm chắc kiến thức để phân biệt sự khác nhau giữa các dạng và sử dụng chúng một cách chính xác.

Trần Ngọc Diệp

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...