Banner background

Luyện cách suy nghĩ bằng tiếng Anh theo phương pháp chủ động

Suy nghĩ Tiếng Việt khi học Tiếng Anh sẽ làm giảm hiệu quả giao tiếp. Bài viết sẽ hướng dẫn cách suy nghĩ bằng Tiếng Anh theo phương pháp chủ động.
luyen cach suy nghi bang tieng anh theo phuong phap chu dong

Một thực trạng phổ biến ở những người Việt học Tiếng Anh, đặc biệt là người mới, hoặc mất gốc, là việc thường xuyên áp đặt suy nghĩ Tiếng Việt khi học. Cụ thể, khi gặp một câu hỏi từ người nước ngoài, nhiều người sẽ dịch câu hỏi đó ra Tiếng Việt, suy nghĩ câu trả lời rồi dịch đáp án nó một lần nữa cho người nước ngoài kia.

Cách tư duy này rõ ràng giúp người học dễ hình dung và tìm từ hơn, tuy nhiên lại đi kèm với rất nhiều hạn chế như tốn thời gian dẫn đến gián đoạn cuộc hội thoại, hay đơn giản là cách diễn đạt Việt-Anh khác nhau dẫn tới hiểu lầm. Vì vậy, bài viết sẽ hướng dẫn người học cách suy nghĩ bằng Tiếng Anh theo phương pháp chủ động học.

Key takeaway

Các phương pháp học chủ động dưới đây được khuyến khích áp dụng hàng ngày để nâng cao trình độ Tiếng Anh và cải thiện tư duy - suy nghĩ trực tiếp bằng ngôn ngữ này:

1. Dùng từ điển Anh-Anh thay vì từ điển song ngữ

2. Thử đặt câu với từ vựng mới vừa học

3. Lên kế hoạch mỗi ngày bằng Tiếng Anh

4. Tập thể hiện cảm xúc bằng Tiếng Anh

5. Viết nhật ký / Nói chuyện với bản thân cuối ngày bằng Tiếng Anh

Dùng từ điển Anh-Anh thay vì từ điển song ngữ

Bài viết không phủ định việc dịch bằng từ điển song ngữ, bởi người học vẫn có lợi khi hiểu rõ ý nghĩa Tiếng Việt của từ. Tuy nhiên, có những từ vựng Tiếng Anh không thể dịch sát nghĩa 100% sang Tiếng Việt và ngược lại, khiến cho ý muốn truyền đạt không rõ.

Ví dụ:

  • Những từ Tiếng Anh chuyên ngành của một lĩnh vực như từ “Marketing” (Sự tiếp thị). Từ này vẫn có thể dịch sang Tiếng Việt, nhưng các trường đại học vẫn sử dụng nguyên từ “Marketing” để đặt tên cho ngành học này, vì khó tìm được từ phù hợp thay thế.

  • Thành ngữ (idioms) như “cool as a cucumber” hay “rain cats and dogs”. Nếu dịch sát nghĩa bằng Google Dịch hay những app song ngữ tương tự, câu sẽ được dịch thành một câu vô nghĩa như “mát như dưa leo” hay “mưa mèo và chó”. Thực tế, người học có thể hiểu đại ý là:

“cool as a cucumber” → very calm or very calmly, especially when this is surprising “điềm tĩnh, điềm đạm”

“rain cats and dogs” → to rain very heavily “mưa như trút nước”.

Vì vậy, sử dụng từ điển Anh-Anh sẽ rất thuận lợi trong việc hiểu được nghĩa gốc của ngôn ngữ này. Một web dịch uy tín người học có thể sử dụng là Cambridge Dictionary.

https://dictionary.cambridge.org/ 

Dùng từ điển Anh-Anh thay vì từ điển song ngữ

Khi tra một từ trên Cambridge Dictionary, từ điển sẽ cung cấp

  • Giải nghĩa của từ bằng Tiếng Anh (theo cách dễ hiểu hơn)

  • Level của từ vựng (A1 - C2)

  • Cách phát âm

  • Ví dụ đi kèm

  • Từ đồng nghĩa, trái nghĩa 

Như vậy, khi tìm hiểu nghĩa của một từ, người học sẽ hiểu sâu về cả cách sử dụng từ vựng, thuận lợi cho việc suy nghĩ hoàn toàn bằng Tiếng Anh.

Thử đặt câu với từ vựng mới vừa học

Sau khi đọc một bài báo Tiếng Anh, người học có thể phát hiện nhiều từ vựng mới. Tuy nhiên, nếu chỉ viết lại chúng vào sổ rồi bỏ sang một bên thì sẽ rất khó để nhớ chúng lâu dài. Việc đặt câu từ đó sẽ giúp người đọc hình dung được cách sử dụng, và áp dụng được cho những văn cảnh tương tự sau này. Đồng thời, việc học từ vựng chỉ thành công khi đặt từ vào đúng ngữ cảnh phù hợp với nó.

Ví dụ: Sau khi đọc bài báo về World War (Chiến tranh thế giới), người học tìm được từ mới “wounded” (adj: bị thương/ tổn thương). Với từ vựng này, người học đã đặt câu: “Lisa was heavily wounded in a traffic accident yesterday.” 

→ Đây là câu SAI. Vì “wounded” chỉ người bị thương trong một trận đấu hoặc chiến tranh, còn nếu muốn thể hiện người bị thương trong một vụ tai nạn hay bị thương tại nhà, phải thay thế bằng từ “injured”.

Bằng việc phân biệt các từ vựng theo ngữ cảnh phù hợp như ví dụ trên, người học sẽ ghi nhớ lâu hơn và sử dụng từ chính xác hơn trong giao tiếp hay bài thi sau này.

Lên kế hoạch mỗi ngày bằng Tiếng Anh

Mỗi buổi sáng thức dậy, người học có thể cho mình ít phút, suy nghĩ và vạch ra những điều mình sẽ làm trong ngày. Bình thường việc lên kế hoạch được thực hiện bằng Tiếng Việt, nhưng thay vào đó người học chuyển nó sang bằng Tiếng Anh. Thời điểm đầu tập làm quen với phương pháp suy nghĩ Tiếng Anh này, người học có thể bắt đầu bằng những câu đơn, từ vựng quen thuộc và chưa cần tập trung sửa lỗi ngữ pháp.

Ví dụ:

“Today, I wake up at 5 a.m. I go to the toilet to wash my face and brush my teeth. Then I have breakfast really quick before I go to school. My mother will go with me this morning…”

Thời điểm đầu tập làm quen với phương pháp suy nghĩ Tiếng Anh này, người học có thể bắt đầu bằng những câu đơn, từ vựng quen thuộc và chưa cần tập trung sửa lỗi ngữ pháp. Việc không sửa lỗi ngữ pháp trong thời gian đầu sẽ giúp người học không bị gián đoạn mạch suy nghĩ, tạo sự mạch lạc trong ngôn từ.
Lên kế hoạch mỗi ngày bằng Tiếng Anh

Tập thể hiện cảm xúc bằng Tiếng Anh 

Không chỉ tạo mạch suy nghĩ thông qua việc lên kế hoạch vào đầu buổi sáng, mà bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng có thể đan xen ngôn ngữ để hình thành thói quen suy nghĩ bằng Tiếng Anh. Cụ thể, với tất cả những việc diễn ra xung quanh, hãy tập đưa ra phản ứng với chúng.

Ví dụ:

  • Hãy nói “Wow”, “oh my gosh” khi gặp một điều bất ngờ như một món quà, hay món ăn ngon thay cho “Ôi trời ơi”.

  • “Incredible”, “Unbelievable”, “Excellent” khi đạt được một kết quả tốt, thành công trong công việc, học tập thay cho “Dã man”, “Tuyệt vời”. 

  • “What?”, “Pardon?” khi không hiểu chuyện gì đang xảy ra thay cho “Hả?”, “Cái gì cơ?”.

  • Hay đơn giản là những từ có thể dùng bất cứ khi nào như “Well”, ”you know”.

Người học có thể dễ dàng nghe thấy những cụm từ miêu tả cảm xúc tự nhiên như vậy thông qua các bộ phim Mỹ, vlog của người nước ngoài trên Youtube, từ đó bắt chước những nhóm từ này vào trong thực tế.

Viết nhật ký / Nói chuyện với bản thân cuối ngày

Việc học tiếng sẽ không trở thành gánh nặng nếu chúng được đan xen vào những hoạt động hàng ngày. Cụ thể, ngoài việc chủ động đưa Tiếng Anh vào việc lên kế hoạch buổi sáng, hay thể hiện các góc nhìn, cảm xúc về sự việc nào đó, buổi tối trước khi đi ngủ người học vẫn có thể đưa ngôn ngữ mình học vào việc Viết nhật ký/ Tâm sự với bản thân.

  • Việc viết nhật ký bằng Tiếng Anh không phải một bài thi cần sự cầu kỳ, chỉ đơn giản là viết những gì mình đã trải qua trong một ngày, nhưng không còn là tiếng mẹ đẻ như thường nữa. Việc này sẽ dần khiến độ trôi chảy và chính tả khi viết bài của người học được cải thiện rõ rệt.

  • Đối với người chưa có thói quen viết nhật ký, có thể thay thế bằng việc nói. Đây là tự nói chuyện một mình bằng Tiếng Anh, cho nên sẽ tạo khoảng không gian an toàn không ai chỉnh sửa dò xét, vừa giúp bản thân luyện tư duy logic, có thể sắp xếp các từ trong câu, và các câu thành một câu chuyện, từ đó tặng sự mạch lạc và khả năng diễn đạt bằng lời.

Có thể nói, dù là Viết nhật ký hay Tâm sự với bản thân bằng Tiếng Anh thì cũng đã một phần giúp người học cải thiện suy nghĩ, không tập trung vào việc sửa lỗi sai từ vựng, ngữ pháp hay cả phát âm, khiến những người kể cả mới học hay mất gốc cũng có thể tự nhiên và coi việc học ngôn ngữ không còn khô khan như trước.

Sơ đồ tóm tắt nội dung

Viết nhật ký / Nói chuyện với bản thân cuối ngày

Tổng kết

Việc học Tiếng Anh hay bất kì ngôn ngữ nào khác là một quá trình dài trải nghiệm và học hỏi. Trong quá trình đó, phát triển tư duy suy nghĩ mọi thứ bằng Tiếng Anh sẽ giúp người học hiểu hơn về ngôn ngữ này, tiết kiệm thời gian, dần dần việc trò chuyện bằng ngôn ngữ Anh sẽ không còn quá phức tạp nữa. Vì vậy, dù là ở trong môi trường toàn bộ mọi người đều nói Tiếng Việt, bản thân người học vẫn có thể chủ động tạo cơ hội để luyện tập nói, viết và đặc biệt là suy nghĩ về Tiếng Anh hàng ngày.

Trích dẫn nguồn tham khảo

Geikhman, Yuliya. “How to Think in English in 6 Simple Steps.” FluentU English, 23 July 2022, https://www.fluentu.com/blog/english/how-to-think-in-english/.

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...