Hiểu về trí nhớ và cách áp dụng Retrieval Practice trong việc học IELTS
Người học IELTS nhìn chung phải đối mặt với lượng kiến thức lớn về từ vựng và ngữ pháp, cũng như ý tưởng để áp dụng cho việc đọc, nghe, viết và nói. Họ thường gặp khó khăn ghi nhớ lượng kiến thức lớn và biến những kiến thức này thành của mình để tự tin khi đi thi. Thông qua bài viết này, tác giả muốn đi vào bản chất của trí nhớ, cách trí nhớ hoạt động và việc ứng dụng retrieval practice để người học IELTS có định hướng hơn cho việc học của mình.
Key takeaways:
1. Trí nhớ được ví như một quy trình nạp, lưu trữ thông tin ngắn hạn và phục hồi thông tin từ bộ nhớ dài hạn của một chiếc máy tính
2. Người học sẽ quên 60% kiến thức đã học sau 24 giờ học nếu không có sự ôn lại. Vì vậy việc ôn tập lại sau 24 giờ, sau 1 tuần và 1 tháng là cần thiết.
3. Retrieval Practice là phương pháp giúp người học tổng kết lại những kiến thức đã có từ trí nhớ dài hạn, giúp người học ghi nhớ lâu hơn và sử dụng kiến thức mình có linh hoạt hơn.
Định nghĩa trí nhớ và mô hình 3 bước của trí nhớ của Atkinson and Shiffrin
Định nghĩa trí nhớ
Trí nhớ chỉ đến quá trình con người ghi nhận (record), lưu trữ (store) và sau đó hồi phục (retrieve) những trải nghiệm cũng như thông tin. Trí nhớ giúp con người có thể học và phát triển. Nếu không có trí nhớ, con người có thể sẽ không đạt được những thành tựu như hiện nay.
Mô hình 3 bước trí nhớ
Trí nhớ được nghiên cứu rất nhiều vào khoảng cuối thế kỷ 19 ở châu Âu. Khi máy tính thịnh hành vào những năm 1960, người ta ví trí nhớ như quá trình tiếp thu của một chiếc máy tính.
Encoding (Tiếp nhận) đưa thông tin bên ngoài vào não bộ. Ví như việc đánh máy, máy tính tiếp thu thông tin từ bàn phím và chuyển thông tin thành dạng mà máy tính có thể xử lý.
Storage (Lưu trữ) chỉ việc giữ lại thông tin trong một khoảng thời gian. Như cách thông tin trên máy tính được lưu trữ trên bộ nhớ tạm thời ở RAM (random access memory) và lưu trữ dài hạn trên ổ cứng (hard drive).
·Retrieval (Hồi phục): Khi có một lệnh từ phần mềm máy tính (a software command), thông tin sẽ được chuyển ngược từ lưu trữ dài hạn trên ổ cứng quay ngược lại bộ nhớ tạm thời (RAM) và được hiển thị trên màn hình.
Mô hình 3 bước trí nhớ (A three-stage model) được phát triển và công bố bởi Atkinson và Shiffin vào năm 1968 mô tả trí nhớ gồm 3 khu vực: trí nhớ cảm giác – khu vực tiếp nhận (sensory memory), trí nhớ tạm thời hoặc ngắn hạn (working or short-term memory) và trí nhớ dài hạn (long-term memory).
Trí nhớ cảm giác (Sensory Memory) giúp con người có ấn tượng về một thông tin nào đó sau khi nó biến mất. Sensory Memory là nơi cho con người một ấn tượng nhất thời về những sự việc và thông tin xung quanh, sau đó thông tin này được dung nạp vào bộ nhớ tạm thời (Short-term memory/Working) và được xử lý ở đây.
Trí nhớ tạm thời (Short-term memory/Working memory) chỉ tiếp nhận được 7+/-2 mẫu thông tin và chỉ kéo dài trong khoảng 20 giây. Tuy nhiên, thông tin có thể được chuyển từ khu vực này qua khu vực trí nhớ dài hạn nhờ một quá trình ôn lại (Rehearsal and active maintenance). Một ví dụ của Rehearsal là nếu ai đó nói cho bạn số điện thoại của họ và bạn lặp đi lặp lại nhiều lần đến khi có thể viết chúng xuống. Nếu đột nhiên ai đó làm ngắt quãng quá trình này, bạn sẽ ngay lập tức quên thông tin mà bạn định ghi xuống vì thông tin chỉ được đang lưu trữ trong trí nhớ ngắn hạn.
Trí nhớ dài hạn (Long-term memory) là tất cả những thông tin chúng ta có được dài hơn vài giây, nó có thể bao gồm những kiến thức mà chúng ta học từ lớp 1 đến bây giờ, địa chỉ nơi làm việc, bộ quần áo chúng ta mặt ngày hôm qua. Trí nhớ dài hạn là tổng hợp những trải nghiệm và tri thức giúp chúng ta vận hành và phát triển trong cuộc sống.
Đường quên (The forgetting curve) của Hermann Ebbinghaus
Thông thường chúng ta sẽ quên 60% những đều chúng ta học trong 1 tiếng đầu tiên. Sau 1 đến 2 ngày sau khi tiếp thu kiến thức mới, người học có thể quên đến 75% những gì mà họ đã được học.
Vì vậy, để vượt qua được điều này, người học cần ôn tập lại thường xuyên kiến thức mình đã học bằng việc lặp đi lặp lại (Spaced Repetition) kiến thức ngay sau khi học, sau 24 giờ học, sau 1 tuần và sau 1 tháng.
Nguồn hình ảnh: https://www.g2msolutions.com.au/blog/the-forgetting-curve
Củng cố kiến thức bằng Retrieval Practice
Định nghĩ Retrieval Practice: là việc hồi phục lại những kiến thức đã học từ trí nhớ dài hạn đang có. Nói một cách khác, sau một khoảng thời gian học kiến thức mới, bạn phục hồi lại thông tin đã học bằng việc thực hiện retrieval practice.
Lợi ích của Retrieval Practice, khi “triệu hồi” những thông tin đã học từ trí nhớ đang có, chúng ta cũng đang thay đổi những thông tin đó, làm cho chúng khắc sâu hơn vào tâm trí và khiến cho khiến thức trở nên linh hoạt hơn. Retrieval Practice cho người học cơ hội để kiểm chứng lại kiến thức mình đang có thực sự đã đúng hay còn điều gì cần phải được củng cố.
Cách sử dụng Retrieval Practice trong việc tự học IELTS
Cách áp dụng Retrieval Practice vào việc học Reading và Writing
Khi đọc một bài Reading hoặc Writing IELTS samples, người học có thể dừng lại một lúc sau một quãng đọc để tự hỏi bản thân những câu hỏi như sau: Ý tưởng chính của bài đọc là gì? Có những từ vựng hay định nghĩa nào mới? Tôi định nghĩa chúng như thế nào? Những ý tưởng này có liên quan gì đến cái tôi đã biết?
Thực hiện Retrieval Practice: Sau 24 giờ học kiến thức này, người học có thể lấy một tờ giấy trắng, dành cho mình một khoảng thời gian yên lặng, cố gắng ngồi ghi nhớ những kiến thức mà mình học được từ buổi học IELTS hôm trước và viết xuống tờ giấy trắng. Không nhờ sự trợ giúp từ bên ngoài. Cố gắng tập trung và ghi nhớ càng nhiều càng tốt. Làm việc này thêm vài lần sau 1 tuần và 1 tháng.
Lưu ý:
Khi thực hiện Retrieval Practice, người học có thể viết những gì mà họ còn nhớ trên một tờ giấy trắng (Roediger & Karphicke, 2006) hoặc phát triển một sơ đồ tư duy (Blunt & Karpicke, 2014), vẽ một sơ đồ (Nunes, Smith, & Karpicke, 2014), hoặc thậm chí có thể giải thích kiến thức này cho một người bạn học, giáo viên hoặc bố mẹ (Putnam & Roediger, 2013).
Khi thực hành Retrieval Practice, người học cố gắng “triệu hồi” những kiến thức mình có thể nhớ, không phụ thuộc vào góp ý (feedback) từ bên ngoài để bản thân thực sự tập trung để kiểm chứng lại kiến thức mình có.
Thực sự, Retrieval practice chỉ có hiệu quả sau một thời gian “nghỉ”. Nếu bài kiểm tra được diễn ra ngay sau khi kiến thức được nạp vào đầu theo phương pháp lặp đi lặp lại (Repetition), người học có thể sẽ đạt kết quả cao hơn khi sử dụng phương pháp Retrieval Practice. Tuy nhiên, phương pháp lặp lại chỉ có hiệu quả ngắn hạn trong vài ngày, trong khi phương pháp Retrieval Practice giúp kiến thức ở lại lâu hơn trong não bộ người học và giúp người học sử dụng kiến thức hiệu quả hơn.
Thời gian thực hiện Retrieval Practice tùy thuộc vào mức độ ghi nhớ kiến thức của người học. Sau khi thực hiện xong, người học có thể so sánh, đối chiếu và đánh giá lại những điểm mình đã nắm rõ, những điểm chưa rõ so với kiến thức gốc
Cách áp dụng Retrieval Practice vào việc học Speaking
Người học có thể viết tên kiến thức (chẳng hạn Describe a person who you admire) lên mặt trước một flashcard, và ghi chú những ý tưởng hoặc từ vựng đã học cho chủ đề đó vào mặc sau của flashcard. Khi luyện tập, người học nhìn vào tên kiến thức ở mặt trước flashcard, cố gắng nhớ càng nhiều càng tốt. Người học có thể viết toàn bộ kiến thức mình nhớ được bằng cách viết lên một tờ giấy trắng, hoặc vẽ một sơ đồ tư duy, chính giữa là tên kiến thức, các nhánh con là những từ vựng liên quan đến từng câu trả lời gợi ý cho câu hỏi Speaking IELTS.
Ví dụ:
Đây là một ví dụ về Mindmap mà người học có thể vẽ trong quá trình làm Retrieval Practice cho phần IELTS Speaking
Tổng kết
Việc học IELTS đòi hỏi người học phải ghi nhớ một lượng kiến thức lớn, và quan trọng hơn hết là ứng dụng được lượng kiến thức đó vào việc làm bài thi. Với những lý thuyết về bản chất của trí nhớ và cách áp dụng Retrieval Practice vào việc học IELTS. Tác giả hi vọng rằng người học IELTS sẽ biết cách làm chủ việc ghi nhớ của mình để đạt được điểm cao trong bài thi này.
Bình luận - Hỏi đáp