Banner background

Phương pháp Keyword Technique là gì? Cách áp dụng vào bài IELTS Reading

Bài viết giới thiệu về phương pháp Keyword Technique và các bước hướng dẫn chi tiết cách để thí sinh có thể áp dụng phương pháp này vào quá trình làm IELTS Reading một cách hiệu quả. 
phuong phap keyword technique la gi cach ap dung vao bai ielts reading

Rất nhiều thí sinh cảm thấy ‘’chán nản’’ khi phải đọc các bài đọc IELTS Reading bởi độ dài và số lượng từ trong một bài đọc. Điều này vô hình chung đã khiến những bài đọc Reading trở thành một chướng ngại trong quá trình học IELTS của thí sinh. Thông qua bài viết này, tác giả muốn giới thiệu về phương pháp Keyword technique - một phương pháp có thể giúp thí sinh làm bài Reading hiệu quả hơn. 

Key takeaways

  1. Phương pháp Keyword technique sẽ dùng những từ khóa tìm được ở câu hỏi để định vị được đoạn văn bản có chứa nội dung câu hỏi, giúp quá trình làm bài đọc hiệu quả hơn.

  2. IELTS Reading gồm 3 bài đọc được xếp theo mức độ từ dễ đến khó với số lượng từ khác nhau. 

  3. Các bước áp dụng phương pháp “Keyword technique’’ để làm một bài đọc Reading

  • Đọc câu hỏi và phân loại từ khóa

  • Tìm vị trí của từ khóa trong đoạn văn

  • Phân tích câu chứa nội dung từ khóa

  • Chọn đáp án

keyword-technique-la-gi

Phương pháp Keyword technique là gì?

Đây là một phương pháp được thầy Simon -một cựu giám khảo IELTS với nhiều năm kinh nghiệm và hiện là người giảng dạy những khóa học luyện thi IELTS, hướng dẫn và áp dụng rất thường xuyên trong những bài Reading. Phương pháp này sẽ dùng những từ khóa tìm được ở câu hỏi để định vị được đoạn văn bản có chứa nội dung câu hỏi, giúp quá trình làm bài đọc của thí sinh sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, không phải từ nào cũng sẽ được xem là từ khóa để có thể áp dụng phương pháp này. Từ khóa ở đây sẽ là những từ mang nội dung chính của câu. 

Ví dụ: The boys are at the park. 

Thì từ ‘’boys’’ và ‘’park’’ sẽ được xem là từ khóa bởi vì những từ này mang nội dung chính trong câu. Nếu che đi những thành phần còn lại trừ hai từ trên, thí sinh vẫn có thể đoán được ý nghĩa nôm na của câu là ‘’những đứa trẻ … công viên’’. Nhưng khi bỏ đi hai từ trên, thí sinh hoàn toàn không thể hiểu được ý nghĩa trước đó của câu. Thông thường, những từ khóa sẽ bao gồm những loại từ như danh từ, động từ, tính từ, trạng từ và những loại từ còn lại sẽ không được xem là từ khóa trong câu (chẳng hạn như đại từ, lượng từ, hạn định từ, mạo từ,...).  Những từ này chủ yếu là những loại từ ảnh hưởng trực tiếp đến ngữ pháp của câu. 

Từ khóa sẽ được chia thành hai loại: từ khóa khó thay thế và từ khóa dễ thay thế, để áp dụng vào bài đọc Reading.

Từ khóa khó thay thế

Các từ khóa khó thay thế bao gồm các tên riêng, con số nổi bật vì những từ khóa này hầu như không bao giờ bị thay thế trong bài đọc. Những từ khóa này chắc chắn sẽ xuất hiện lại trong bài đọc và vì vậy, thí sinh có thể dễ dàng định vị được vị trí của những từ khóa này. Điều này sẽ đẩy nhanh được quá trình đọc của thí sinh do dó từ khóa khó thay thế luôn được ưu tiên khi để sử dụng khi tìm kiếm thông tin. 

Ví dụ: ‘’Those who followed the US exercise guidelines ironically gained more weight.’’

Từ khóa khó thay thế sẽ là: US

Từ khóa dễ thay thế

Những từ khóa này là những từ khóa mang nội dung của câu nhưng có thể bị diễn giải thành một cách diễn đạt khác hoặc sử dụng từ đồng nghĩa để thay thế ở bài đọc, và đương nhiên là ý nghĩa của từ khóa vẫn giữ nguyên. Thí sinh sẽ khó nhận diện những từ khóa dễ thay thế hơn vì chúng đã bị biến đổi và thí sinh phải đọc nội dung để xác định loại từ khóa này. 

Ví dụ: ‘’Those who followed the US exercise guidelines ironically gained more weight’’

Từ khóa dễ thay thế sẽ là: followed, exercise guidelines, ironically, gained, weight.

Giới thiệu về bài thi IELTS Reading

Đề IELTS Reading gồm 3 bài đọc được xếp theo mức độ từ dễ đến khó (Passage 1 dễ, passage 2 khó vừa, passage 3 khó - đôi khi độ khó của passage 2 và 3 có thể đổi với nhau). Tổng số từ thí sinh phải đọc là khoảng 3,000 trên tổng số 3 bài đọc, đồng thời thí sinh phải trả lời 40 câu hỏi trong thời gian 60 phút. 

Các bước áp dụng phương pháp Keyword technique

keyword-technique-cac-buoc

Đọc câu hỏi và phân loại từ khóa

Thí sinh thay vì đọc cả bài và sau đó đọc câu hỏi để làm bài thì với phương pháp “Keyword technique’’, thí sinh nên làm ngược lại với quy trình trên. Đó chính là thí sinh sẽ đọc câu hỏi trước và đọc bài đọc sau. Vì khi đọc câu hỏi, thí sinh sẽ thực hiện bước tìm và xác định từ khóa trước. Những từ khóa đã được phân loại sẽ giúp thí sinh dễ dàng định vị được phần nội dung chứa thông tin cần tìm. Việc này sẽ giúp quá trình làm bài của thí sinh hiệu quả hơn và có thể tối ưu thời gian làm bài hơn so với cách làm ban đầu. 

Ví dụ ở bài đọc ‘’ Less Television, Less Violence And Aggression’’’

Có một câu statement với yêu cầu xác định câu này là đúng (true), sai (false) hoặc không được đề cập đến (not given) như sau

  • There were more murders in Canada after people began watching TV.

Thí sinh có thể tìm được từ khóa khó thay thế sẽ là ‘’Canada’’. Ngoài ra, thí sinh còn có các từ khóa dễ thay thế sẽ là ‘’murders’’,’’began’’, ‘’watching TV’’

Tìm vị trí của từ khóa trong đoạn văn 

Sau khi đã xác định các từ khóa trong câu hỏi, thí sinh sẽ bắt đầu dùng những từ khóa ấy để định vị vị trí nội dung cần tìm bằng kỹ thuật skimming. Thí sinh nên ưu tiên dùng các từ khóa khó thay thế trước nếu có vì những từ khóa này sẽ rất dễ được tìm thấy trong bài đọc sau đó tìm các từ khóa dễ thay thế trong phần nội dung vừa tìm được đó. 

Trong trường hợp không có những từ khóa khó thay thế, thí sinh có thể dùng những từ khóa dễ thay thế. Tuy nhiên, thí sinh nên lưu ý những loại từ khóa này thường sẽ bị biến đổi thành dạng từ khác hoặc được diễn đạt theo cách khác nên đôi khi việc xác định sẽ gặp đôi chút khó khăn. Vì vậy, trong quá trình định vị vị trí của nội dung ở bài đọc, khi thấy được một trong những từ khóa dễ thay thế đã tìm được, thí sinh cũng nên dừng lại để dùng kĩ thuật scanning để tìm thử nếu phần nội dung này có chứa những từ đồng nghĩa hoặc những cách diễn đạt khác của những từ khóa còn lại không. Nếu thí sinh không tìm được những nội dung tương tự với những từ khóa còn lại thì thí sinh nên bỏ qua phần nội dung này và tiếp tục với phần nội dung tiếp theo. Trong trường hợp thí sinh tìm được những nội dung tương tự với từ khóa đã tìm, thí sinh sẽ dừng lại ở phần nội dung này để tiếp tục thực hiện bước tiếp theo. Khi tìm kiếm những từ khóa ở bước này, thí sinh cũng có thể vừa đọc vừa gạch dưới những cụm từ đồng nghĩa hoặc những cách diễn đạt khác của từ khóa đã tìm. 
Ví dụ: Với câu statement ở phần trên và những từ khóa đã tìm được, thí sinh sẽ ưu tiên sử dụng từ khóa khó thay thế trước (‘’Canada’’) để định vị vị trí nội dung cần tìm. Khi dùng kĩ thuật skimming cho bài đọc, thì thí sinh sẽ tìm thấy một đoạn nội dung có chứa từ ‘’Canada’’ như sau: 

  •  In the United States and Canada, murder rates doubled 10 to 15 years after the introduction of television, after the first TV generation grew up. 

Với đoạn nội dung này, thí sinh có thể tìm thấy những từ khóa dễ thay thế như ‘’murder’’ .Ngoài ra, từ khóa dễ thay thế ‘’watching TV’’ ở trên đã được diễn đạt khác qua cụm từ ‘’television’’ và ‘’began’’ qua cụm từ ‘’the introduction of’’ trong nội dung vừa tìm.

  • The murder rates in the United States and Canada had levelled off in the meantime. Centerwall’s study implies that the medium of television, not just the content, promotes violence and the current study by Dr. Robinson supports that conclusion.

Và với đoạn nội dung này, thí sinh cũng có thể tìm thấy được từ khóa dễ thay thế như ‘’murders’’. Ngoài ra, từ khóa dễ thay thế ‘’watching TV’’ ở trên đã được diễn đạt khác qua cụm từ ‘’television’’ trong nội dung vừa tìm. Nhưng ở đây, lại thiếu từ khóa dễ thay thế ‘’began’’.

So sánh nội dung 2 đoạn thông tin trên thì thí sinh thấy đoạn thông tin đầu có đầy đủ từ khóa cần tìm hơn là đoạn thông tin thứ hai. Vì vậy, thí sinh sẽ chọn đoạn thông tin đầu để bước sang bước tiếp theo. 

Phân tích câu chứa nội dung từ khóa

Sau khi thí sinh đã xác định được đoạn thông tin có nội dung phù hợp, thí sinh sẽ bắt đầu phân tích phần nội dung này tùy theo yêu cầu của câu hỏi đề bài. Thí sinh nên đọc kĩ nội dung ở phần này vì đây là một trong những bước quyết định đáp án mà thí sinh sẽ chọn. Vì thế, thí sinh nên đọc 2-3 lần nội dung này để hiểu thật kĩ nội dung. 

Đối với dạng bài Completion (điền từ): thí sinh sẽ xác định trước từ cần điền thuộc loại từ nào, và sau đó đọc nội dung để chọn từ thích hợp từ đoạn văn bản và tìm từ điền vào chỗ trống.

Đối với các dạng bài còn lại: thí sinh đọc đoạn thông tin đã tìm ở trên và bắt đầu phân tích chi tiết nội dung. 

Ví dụ: Do ví dụ trên thuộc dạng bài T/F/NG nên thí sinh không cần phải xác định loại từ cần điền mà sẽ đi vào ngay việc đọc và phân tích nội dung.

Thí sinh sẽ có đoạn nội dung trên có nghĩa như sau: ‘’Tại Hoa Kỳ và Canada, tỷ lệ giết người tăng gấp đôi từ 10 đến 15 năm sau khi truyền hình ra đời, sau khi thế hệ xem truyền hình đầu tiên lớn lên.’’

Chọn đáp án 

Sau khi đã đọc và phân tích đoạn thông tin, ở bước cuối cùng này thí sinh sẽ chọn đáp ăn cuối cùng cho câu hỏi của đề bài.

Ví dụ: Với câu statement ‘’There were more murders in Canada after people began watching TV.’’ 

Và đoạn thông tin đã được phân tích trên thì thí sinh thấy tỉ lệ giết người đã tăng gấp đôi sau khi truyền hình ra đời cùng mang chung ý tưởng với câu statement trên. Vì vậy, câu này thí sinh sẽ chọn câu này là True. 

Tổng kết

Bài viết trên đã giới thiệu về phương pháp Keyword Technique và các bước hướng dẫn chi tiết cách để thí sinh có thể áp dụng phương pháp này vào quá trình làm bài đọc một cách hiệu quả. 

Thí sinh có thể áp dụng phương pháp này để có thể đẩy nhanh quá trình làm bài đọc của bản thân nhưng thí sinh cần lưu ý rằng một điều là không nên chỉ ỷ lại vào phương pháp này. Điều quan trọng hơn cả là sau khi áp dụng phương pháp để tìm được nội dung, thí sinh cần phải đọc kĩ nội dung đó vì nó sẽ ảnh hưởng đến đáp án cuối cùng của bài. 

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...