Banner background

Giới thiệu về kì thi SAT II và những điều cần lưu ý

SAT là một kì thi phổ biến, được tổ chức với mục đích sát hạch trước khi bước chân vào các trường thuộc hệ đại học và cao đẳng ở Mĩ, bài viết sẽ là cung cấp thông tin về kì thi trắc nghiệm SAT và một vài điều cần lưu ý trong bài thi SAT II.
gioi thieu ve ki thi sat ii va nhung dieu can luu y

SAT là một kì thi phổ biến, được tổ chức với mục đích sát hạch học sinh, sinh viên trước khi bước chân vào các trường thuộc hệ đại học và cao đẳng ở Mĩ. Kì thi được tổ chức bởi Hiệp hội College Board – một hiệp hội các trường đại học và cao đẳng ở Mĩ. Dưới đây sẽ là một số thông tin về kì thi trắc nghiệm SAT và một vài điều học sinh cần lưu ý trong bài thi SAT II.

ki-thi-sat-minh-hoaGiới thiệu về kì thi SAT

Giới thiệu về kì thi SAT

SAT viết tắt của Scholastic Assessment Test/Scholastic Aptitude Test (tạm dịch: Bài kiểm tra năng khiếu học thuật) là bài kiểm tra nhằm đánh giá, sát hạch học sinh trước khi bước chân vào cánh cửa đại học và cao đẳng ở Mĩ. Phần lớn đối tượng tham gia kì thi SAT là học sinh lớp 11, lớp 12 tính theo hệ thống giáo dục ở Việt Nam.

Bài thi SAT bao gồm SAT I (Reasoning Test) và SAT II (Subject Tests). Mục đích của cả hai bài thi SAT này đều nhằm đánh giá kĩ năng tư duy và giải quyết vấn đề của học sinh. Tuy nhiên, nếu như kì thi SAT I tập trung vào kĩ năng tính toán, ngôn ngữ và đọc hiểu nói chung thì SAT II được dùng để đánh giá học sinh trên từng môn học cụ thể, như Toán cấp độ I, Toán cấp độ II, Lịch sử Mỹ, Lịch sử thế giới, Văn học,…

SAT II là bài kiểm tra tuyển sinh đại học về các môn học cụ thể. Học sinh có thể chọn làm các bài kiểm tra để thể hiện được điểm mạnh và sở thích của họ. Trong SAT II, 20 bài kiểm tra môn học được chia thành năm lĩnh vực: Anh văn, lịch sử, ngôn ngữ, toán, và khoa học. Mỗi bài kiểm tra môn học sẽ kéo dài trong vòng một tiếng, dưới dạng trắc nghiệm và được chấm điểm từ 200-800 điểm.Các bài kiểm tra này sẽ kiểm tra kiến thức về các môn học ở trường cấp ba của học sinh. Để có thể làm tốt bài thi SAT II, cách duy nhất là học sinh phải có sự chuẩn bị sẵn sàng, luôn luôn chăm chỉ luyện tập các dạng bài tương tự.

Tổ chức kì thi SAT II ở đâu, khi nào và như thế nào?

Các bài kiểm tra môn học của SAT II thường được tổ chức sáu lần một năm, trong một ngày nhất định – tuy nhiên, học sinh không phải làm toàn bộ 20 bài kiểm tra cho tất cả các môn học trong một ngày. Học sinh sẽ phải liên tục cập nhật để biết được các bài kiểm tra môn học mình cần thi diễn ra vào ngày nào. Học sinh có thể làm một, hai hoặc ba bài kiểm tra môn học trong cùng một ngày.

Học sinh chọn các bài kiểm tra họ cần thực hiện khi họ đăng kí thi, tuy nhiên, trong một số trường hợp, vào ngày thi, học sinh vẫn có thể thêm, xoá bỏ hoặc đổi bài kiểm tra.

Năm lĩnh vực trong kì thi trắc nghiệm SAT II

ki-thi-sat-cac-linh-vuc5 lĩnh vực trong kì thi SAT II

Lĩnh vực Toán

Các bài kiểm tra về Toán với hai trình độ: Trình độ 1 và Trình độ 2. Ở cả hai trình độ, học sinh sẽ làm 50 câu hỏi trắc nghiệm trong vòng thời gian 60 phút.

Trình độ 1

Bài thi nhằm kiểm tra kiến thức về Toán học của học sinh trong ba năm học dự bị đại học, bao gồm hai năm đại số và một năm hình học. Điểm số trong bài kiểm tra này có thể hỗ trợ điểm ở trường cấp ba, định hướng con đường theo đuổi các ngành học liên quan đến Toán học như Khoa học, Công nghệ, Kinh tế, v.v, và cuối cùng giúp học sinh trở nên khác biệt hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác trong quá trình tuyển dụng.

Trình độ 2

Bài kiểm tra Toán học ở Trình độ 2 cũng bao gồm các nội dung giống như bài kiểm tra Toán học ở Trình độ 1 – nhưng bổ sung thêm kiến thức về hàm lượng giác và hàm cơ bản. Bài kiểm tra này sẽ giúp học sinh làm nổi bật được khả năng và niềm đam mê của mình với Toán học bậc cao.

Lĩnh vực Khoa học

Các bài kiểm tra Khoa học bao gồm các môn học: Sinh học, Hoá học và Vật lí.

Sinh học

Bài kiểm tra SAT II môn sinh học có thể chia thành hai loại: Biology Ecological và Biology Molecular (tạm dịch: Sinh học Sinh thái và Sinh học Phân tử). Bài thi Sinh học nhằm đánh giá khả năng hiểu biết về những khái niệm chính của sinh học, đặc biệt là những kiến thức đã được học trong trường cấp ba. Bài thi có 80 câu hỏi trắc nghiệm, làm trong 60 phút. 60 câu hỏi trong số 80 câu là những câu hỏi chung về cả Biology E và M, sau đó là 20 câu hỏi chuyên ngành về từng loại.

Hoá học

Bài kiểm tra Hoá học đánh giá khả năng hiểu những khái niệm chính của bộ môn này và cách học sinh ứng dụng những hiểu biết ấy để giải quyết một vài vấn đề nhất định. Bài kiểm tra môn Hoá học phù hợp các bạn học sinh có định hướng học các ngành liên quan đến Khoa học và Kĩ sư. Bài thi bao gồm 85 câu hỏi trắc nghiệm, học sinh làm bài trong vòng 60 phút.

Vật lí

Bài kiểm tra Vật lí đánh giá khả năng hiểu biết của học sinh về các khái niệm đã được học trong một năm ở cấp độ dự bị đại học, cũng như đánh giá kĩ năng giải thích và giải quyết vấn đề mà học sinh tích luỹ được trong phòng thí nghiệm. Bài kiểm tra Vật lí phù hợp với các bạn học sinh chuẩn bị theo học các ngành liên quan đến Toán hoặc Khoa học. Bài thi được tiến hành trong vòng 60 phút, bao gồm 75 câu hỏi trắc nghiệm.

Lĩnh vực Anh Văn

Trong bài kiểm tra Anh Văn, học sinh sẽ có cơ hội thể hiện khả năng trong việc đọc và phân tích các đoạn từ các tác phẩm văn học từ các giai đoạn lịch sử khác nhau, cũng như các thể loại tác phẩm văn học khác nhau. Học sinh sẽ có 60 phút để làm tầm 60 câu hỏi trắc nghiệm.

Lĩnh vực Lịch sử

Bài kiểm tra Lịch sử sẽ đánh giá khả năng ghi nhớ và hiểu biết của học sinh về các giai đoạn trong lịch sử Mĩ nói riêng và lịch sử thế giới nói chung. Học sinh có thể chọn làm bài thi về lịch sử Mĩ (với 90 câu hỏi trắc nghiệm) hoặc bài thi về lịch sử thế giới (bao gồm 95 câu hỏi trắc nghiệm). Cả hai bài đều diễn ra trong vòng 60 phút.

Lĩnh vực Ngôn ngữ

Trong lĩnh vực này, học sinh sẽ có mười hai lựa chọn, tương ứng với 9 ngôn ngữ. Mười hai bài thi trong lĩnh vực Ngôn ngữ bao gồm:

  1. Tiếng Tây Ban Nha

  2. Tiếng Tây Ban Nha – nghe

  3. Tiếng Pháp

  4. Tiếng Pháp – nghe

  5. Tiếng Trung Quốc – nghe

  6. Tiếng Ý

  7. Tiếng Đức

  8. Tiếng Đức – nghe

  9. Tiếng Do thái hiện đại

  10. Tiếng Latin

  11. Tiếng Nhật – nghe

  12. Tiếng Hàn – nghe

Cách tính điểm trong các bài thi SAT II

Trong mỗi tờ đáp án, học sinh sẽ tô đậm các đáp án đúng. Các bài thi của học sinh sẽ được hệ thống chấm điểm. Hệ thống sẽ nhận diện các hình tròn tô đậm và tính điểm thô cho học sinh. Về cơ bản, điểm số của học sinh là tổng các câu trả lời đúng, kèm theo hình phạt dành cho các câu trả lời sai, được tính như sau:

  • Một câu trả lời đúng sẽ được tính một điểm

  • Với các câu trả lời sai, cách tính có phần đặc biệt hơn:

    • Với câu hỏi có năm sự lựa chọn, một câu sai sẽ bị trừ 1/4 điểm

    • Với câu hỏi có bốn sự lựa chọn, một câu sai sẽ bị trừ 1/3 điểm

    • Với câu hỏi có ba sự lựa chọn, một câu sai sẽ bị trừ 1/2 điểm

    • Nếu không trả lời sẽ không bị trừ điểm nào

  • Nếu kết quả cuối cùng bị lẻ, điểm số sẽ được làm tròn. ½ hoặc hơn sẽ được làm tròn lên, dưới ½ sẽ được làm tròn xuống.

Chú ý khi làm bài thi

  • Học sinh nên sử dụng bút chì No.2 và tẩy mềm để hệ thống dễ dàng chấm điểm. Không sử dụng bút bi hoặc bút chì bấm.

  • Tô đậm và hoàn chỉnh cả đáp án

  • Nếu học sinh muốn đổi đáp án, hãy nhớ tẩy thật sạch đáp án cũ.

Khánh Linh

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...