Những điều chúng ta học được khi luyện thi IELTS
IELTS hiện nay đang rất phổ biến trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Mỗi thí sinh khi tham gia kì thi đều có những mục đích khác nhau, và một trong những mục đích phổ biến nhất là để đáp ứng các yêu cầu khi du học hoặc định cư.
Với tâm lý “chỉ cần có chứng chỉ rồi tính sau”, rất nhiều người học IELTS tìm kiếm những mẹo học nhanh, học tủ và bỏ qua các lợi ích thật sự mà quá trình rèn luyện cho bài thi IELTS đem lại.
Vì vậy, trong bài viết này, tác giả chia sẻ những lợi ích mà chính bản thân mình đã nhận được trong khi chuẩn bị cho kì thi IELTS, qua đó giúp những người học khác hiểu rõ hơn giá trị của quá trình rèn luyện khó khăn này.
IELTS giúp người học cải thiện năng lực tiếng Anh.
IELTS là một bài thi để đánh giá năng lực tiếng Anh. Để làm tốt trong bài thi này, yếu tố quan trọng nhất là năng lực tiếng Anh của người học. Trong quá trình luyện thi IELTS, người học sẽ cải thiện năng lực tiếng Anh của bản thân về mặt:
Ứng dụng những kiến thức ngữ pháp và từ vựng đã học vào những mục đích sử dụng thực tế.
Nhiều người học tiếng Anh ở Việt Nam, đặc biệt là học sinh và sinh viên, tích lũy được một vốn hiểu biết về từ vựng và ngữ pháp nhất định sau thời gian học tập ở trường phổ thông. Tuy nhiên, khác với chương trình học ở các trường phổ thông chỉ tập trung vào các bài tập ngữ pháp và từ vựng trên giấy, bài thi IELTS giúp người học ứng dụng những kiến thức từ vựng ngữ pháp vào việc hiểu thông tin qua các bài đọc (kỹ năng Reading) và nghe (kỹ năng Listening), cũng như việc truyền đạt thông tin (kỹ năng viết – Writing và kỹ năng nói – Speaking). Việc này giúp người học sử dụng tiếng Anh linh hoạt hơn và giúp những những người dự định sống và học tập ở các nước sử dụng tiếng Anh không bị bỡ ngỡ khi bước vào môi trường thực tế.
Mở rộng vốn từ vựng.
Trong quá trình học IELTS, người học sẽ được làm quen với các từ vựng cũng như việc giao tiếp trong bối cảnh quen thuộc (công việc, trường học, sở thích,…) cho đến những nội dung ít quen thuộc hơn và đòi hỏi sự linh hoạt trong ngôn ngữ nhiều hơn (các môn thể thao dưới nước,…). Ví dụ:
Chủ đề về giáo dục trẻ em trong Writing.
Các chủ đề nói về nước hoa, sở thích trong Speaking.
Nhờ đó, người học có thể “thật sự giao tiếp” với những người bản ngữ với những chủ đề đa dạng và có chiều sâu hơn.
IELTS giúp người học cải thiện các kỹ năng khác bên ngoài tiếng Anh.
Bên cạnh khả năng tiếng Anh, một yếu tố quan trọng khác để người học hoàn thành tốt bài thi IELTS là các kỹ năng làm bài, hay nói cách khác là những kỹ năng để giải quyết các dạng câu hỏi, các yêu cầu trong bài thi IELTS. Có rất nhiều kỹ năng làm bài khác nhau. Ở bài viết này, tác giả sẽ lấy ví dụ các kỹ năng sau:
Kỹ năng viết thư (trong phần Writing của bài thi IELTS General).
Thông qua việc luyện tập cho phần thi này, người học sẽ cải thiện: kỹ năng trình bày và chia bố cục của một lá thư (có thể áp dụng khi viết email), bổ sung vốn từ vựng dùng trong các ngữ cảnh và văn phong (trang trọng và không trang trọng.)
Kỹ năng viết học thuật (trong phần Writing).
Việc luyện tập viết Task 2 của phần thi Writing trong IELTS giúp người học rèn luyện: trình bày và sắp xếp ý tưởng theo bố cục một bài văn học thuật, tư duy và sắp xếp các dẫn chứng một cách logic để củng cố quan điểm của mình.
Những kỹ năng làm bài này không chỉ dừng trong khuôn khổ bài thi IELTS mà còn có thể giúp ích rất nhiều cho người học trong quá trình học tập (viết bài luận ở trường đại học) và làm việc (viết email cho cấp trên hoặc đối tác) sau này.
IELTS cho người học một mục tiêu cụ thể để đạt tới, từ đó giúp họ làm quen với việc lên kế hoạch và hoàn thành mục tiêu của bản thân.
Trước khi bắt đầu luyện thi IELTS, người học cần xác định mức điểm overall mong muốn của mình và cụ thể mức điểm mong muốn đối với từng kỹ năng để đạt được điểm overall tương ứng. Ví dụ
Để đạt điểm overall 5.5, một người học cần ít nhất hai trong số bốn kỹ năng Listening, Reading, Writing và Speaking đạt 5.5 và hai kỹ năng còn lại đạt 5.0.
Để xác định cụ thể mức điểm cho từng kỹ năng, người học cần hiểu rõ năng lực của bản thân. Giả sử một người có nền tảng nghe và đọc tốt (đã đạt tầm mức điểm 5.5), nhưng kỹ năng viết và nói ở mức yếu hơn chỉ ở mức 4.0). Để đạt được mức overall 5.5, người này sẽ đặt ra mục tiêu cho mình:
Nâng điểm Reading và Listening lên 5
Nâng điểm Writing và Speaking lên ít nhất 5.0.
(Đây là giả định của tác giả. Tùy vào mỗi người học với năng lực và thời gian ôn thi khác nhau có thể có cách xác định mục tiêu khác nhau.)
Dựa trên band điểm mục tiêu đối với từng kỹ năng, cùng với bảng mô tả band điểm của IELTS (band descriptors), người học có thể xác định cụ thể những khía cạnh mình cần cải thiện ở từng kỹ năng. Tiếp tục với ví dụ trên: từ 4.0 lên 5.0 đối với kỹ năng Writing:
Để cải thiện mức điểm Writing trong trường hợp này, một trong những yếu tố người đọc cần tập trung vào cải thiện là ngữ pháp cấu trúc câu cơ bản (đảm bảo viết được các câu đơn hoàn chỉnh và rõ nghĩa).
Người học cần lựa chọn những tài liệu tập trung vào việc phát triển ngữ pháp câu cơ bản và dành thời gian luyện tập viết câu. Nhờ đó, người học tránh lãng phí thời gian và công sức vào các việc: cố gắng tìm kiếm và triển khai các ý tưởng phức tạp, hoặc học nhồi nhét từ vựng từ các bài mẫu Writing và Speaking ở mức điểm cao.
Như vậy, thông qua việc chuẩn bị và ôn luyện cho bài thi IELTS, người học hiểu được tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu. Đồng thời, người học cũng rèn luyện được các kỹ năng:
Phân tích và chia nhỏ mục tiêu.
Kết hợp phân tích năng lực bản thân và các yếu tố “cần” khác (trong IELTS là yêu cầu của mỗi band điểm được nêu trong band descriptor) để xác định những việc cần làm, tránh lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết.
Kết luận
Bên cạnh việc giúp người học đạt được điểm số IELTS mong muốn để phục vụ cho các mục đích du học hoặc định cư, quá trình ôn luyện cho kì thi IELTS giúp người học cải thiện năng lực tiếng Anh và bổ sung những kỹ năng cần thiết như kỹ năng viết học thuật, kỹ năng xác định và phân tích mục tiêu cho quá trình học tập và làm việc sau này.
Luyện thi IELTS là một quá trình đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về thời gian và công sức. Tuy vậy, khi người học cố gắng theo đuổi và đi đến cùng của quá trình này, những giá trị họ nhận được sẽ hoàn toàn xứng đáng.
Thu Hương – Giảng viên tại ZIM
Bình luận - Hỏi đáp