Phụ âm chân răng (Alveolars) /t/ và /d/ trong bảng IPA và ứng dụng vào bài thi Speaking

Bài viết giới thiệu về hai âm /t/ và /d/ và cung cấp bài nói mẫu về chủ đề "Hometown" (Quê nhà)
author
Hồ Hoàng Long
16/06/2022
phu am chan rang alveolars t va d trong bang ipa va ung dung vao bai thi speaking

Trong bài thi Speaking, tiêu chí Phát âm có thể là một chướng ngại vật lớn đối với thí sinh Việt Nam. Nhiều thí sinh luyện tập thường xuyên vẫn không thể cải thiện được phát âm một cách hoàn chỉnh và chính xác. Một lý do cho việc này nằm ở sự khác biệt giữa các âm trong hai hệ thống âm của hai thứ tiếng, từ đó dẫn đến việc có những cách phát âm còn giống tiếng Việt, chưa đúng phương cách của tiếng Anh. Một cách để giúp tiếp cận phát âm tiếng Anh chính xác hơn là thông qua việc học bảng Phiên âm Quốc tế IPA (IPA - International Phonetics Alphabet), do đây là một bảng tổng hợp tất cả các âm được sử dụng trong tiếng Anh. Chắc hẳn đã có nhiều thí sinh được giới thiệu qua bảng sau nhưng lại chưa biết cách học đúng. Vì thế, chuỗi bài viết sau hướng đến việc giới thiệu về các nhóm âm trong bảng IPA, về cách tạo âm đúng cũng như những sự khác biệt với các âm trong tiếng Việt. Bài đầu tiên và bài thứ hai đã nói về ba cột đầu tiên trong bảng IPA, bài viết bên dưới sẽ nói về hai âm đầu tiên trong cột thứ tư của bảng, cột các âm chân răng (alveolar)

Key takeaways

  • Phụ âm chân răng (Alveolars) là những phụ âm ở cột thứ tư của bảng IPA, được tạo ra bằng đầu lưỡi và chân răng

  • Âm /t/ là âm chân răng kết hợp với một sự bật hơi nhưng không làm rung dây thanh quản

  • Âm /d/ là âm chân răng kết hợp với một sự bật hơi và làm rung dây thanh quản

Khái niệm phụ âm và phụ âm chân răng

Trong ngữ âm học, phụ âm là những âm mà khi phát ra, thanh quản sẽ đóng lại một phần hoặc đóng lại hoàn toàn, từ đó luồng hơi phát ra sẽ bị cản trở một phần hoặc hoàn toàn. Trong tiếng Anh hiện nay, hầu hết các nhà ngôn ngữ học ghi nhận 24 âm phụ âm và thành lập nên bảng IPA phụ âm.

image-alt

Phụ âm chân răng là phụ âm được tạo ra bằng sự tiếp xúc giữa một bộ phận của lưỡi và vùng chân răng phía sau hai răng cửa. Các phụ âm chân răng bao gồm toàn bộ phụ âm ở cột thứ tư của bảng IPA, trong đó có 6 âm: /t/, /d/, /s/, /z/, /n/ và /l/. Dựa vào phương thức cấu âm, 6 âm này lại được chia ra thành 4 nhóm nhỏ:

  • Phụ âm bật (Plosives): /t/ và /d/. Đây là những âm phụ âm mà tại đó luồng hơi phát ra từ trong cuống họng đến miệng sẽ bị chặn lại, sau đó luồng hơi này được dồn nén lại đến một lúc và thoát ra.

  • Phụ âm xát (Fricatives): /s/ và /z/. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì những âm này khi phát âm, không khí sẽ bị chặn lại một phần từ đó dẫn đến sự chà xát với răng

  • Phụ âm mũi (Nasals): /n/. Khi phát âm âm /n/, hai môi sẽ được mím chặt lại và từ đó, luồng hơi phải được thoát ra ngoài thông qua đường mũi.

  • Phụ âm tiếp cận (Approximant): /l/. Khi phát âm âm /l/, các bộ phận cấu âm trong khoang miệng sẽ đến gần với nhau nhưng khe hở chưa đủ hẹp để tạo ra sự dao động không khí

    Thí sinh có thể thử phát âm các từ “tea”, “dee”, “see”, “zee”, “need”, “lee” để thấy rằng khi đọc cả 6 từ này, một phần nào đó của lưỡi sẽ di chuyển đến vùng chân răng. Đó cũng chính là đặc điểm chính của nhóm âm trên. Ở hai âm /t/ và /d/, phụ âm được bật ra mạnh; với âm /s/ và /z/, phụ âm được ma sát với răng trước khi ra ngoài; còn ở âm /n/ và /l/ lại không có sự bật hơi.

Ngoài cách phân loại trên, 6 âm này còn được phân loại dựa trên tiêu chí về tính chất hữu thanh, bao gồm hai nhóm nhỏ:

  • Âm vô thanh: /t/, /s/. Đây là những âm mà khi phát ra, không có sự rung động của các dây thanh quản ở cuống họng. Tương tự, thí sinh cũng có thể để tay lên cuống họng và phát âm thử âm /t/ để kiểm chứng.

  • Âm hữu thanh: /d/, /z/, /n/, /l/: Đây là những âm mà khi phát ra sẽ có sự rung động của các dây thanh quản ở cuống họng. Khi chạm tay vào và phát âm, sẽ có thể cảm nhận được sự rung động đấy

Ở bài viết này, thí sinh sẽ trước hết tìm hiểu hai phụ âm chân răng đầu tiên của nhóm, và phân biệt với hai phụ âm khe răng đã được giới thiệu là /ð/ và /θ/.

Phụ âm /t/

Phụ âm /t/ còn được gọi là phụ âm bật chân răng vô thanh. Âm này được tạo ra bằng cách để cho đầu lưỡi chạm vào chân răng và giữ luồng hơi lại, sau đó luồng hơi sẽ được bật ra. Âm này tuy có nhiều nét tương đồng với âm “t” trong tiếng Việt, nhưng khác biệt ở sự bật hơi. Điều này dẫn đến một lỗi phát âm của nhiều thí sinh Việt Nam khi cho rằng hai âm này giống nhau hoàn toàn. Khi phát âm âm “t” trong tiếng Việt, đầu lưỡi không chạm vào vùng chân răng mà chạm vào vòm miệng. Vì thế sự bật hơi cũng không thể xảy ra như ở tiếng Anh. Thí sinh có thể luyện đọc câu Mr. Tongue Twister tried to train his tongue to twist and turn to learn the letter T. (Quý ngài Líu Lưỡi cố gắng rèn luyện uốn nắn cho lưỡi mình để học được chữ T) để thấy âm /t/ có thể kết hợp với nhiều âm khác trong tiếng Anh. Hình bên dưới miêu tả các bộ phận miệng khi phát âm âm /t/

image-alt

Trong một từ thì âm /t/ chỉ có thể được tạo ra khi một từ có chữ cái “t”. Chữ cái “t” này có thể đứng ở đầu từ như trong “team” (đội nhóm), “tax” (thuế), ở giữa từ như trong “matter” (vấn đề), hoặc ở cuối từ như “bat” (con dơi), “hut” (túp lều). Nhưng cũng có một số trường hợp mà tại đó chữ “t” sẽ mang những phát âm khác, trong đó bao gồm:

  • Những từ tận cùng bằng -tion như “action” (hành động), “mention” (nhắc đến), “portion” (khẩu phần),… Trong những trường hợp này, “-tion” sẽ được phát âm là /ʃn/ (hoặc một cách dễ hiểu hơn là “shun”) chứ không theo cách viết.

  • Những từ tận cùng bằng -ture như trong “future” (tương lai), “mature” (trưởng thành), đều có chữ “t” được đọc là /tʃ/

Ngoài ra cũng có những trường hợp mà tại đó âm /t/ sẽ không được phát âm (silent “t”), trong đó bao gồm

  • Những từ tận cùng bằng -tle như “whistle” (huýt sáo), “hustle and bustle” (sự xô bồ tất bật), “castle” (lâu đâì). Tại những từ này, -tle chỉ được phát âm là /əl/, vì thế “whistle” chỉ được đọc như “whis-ol" thay vì “whis-tol”

  • Những từ tận cùng bằng -sten như “listen” (lắng nghe), “fasten” (cài dây). Cũng theo quy luật không phát âm âm /t/, -sten lúc này sẽ được phát âm như /sən/, vì vậy “listen” chỉ được đọc như “lis-on” thay vì “lis-ten”

  • Một số từ có nguồn gốc tiếng Pháp tận cùng bằng “-et” như “ballet” (múa ba lê), “gourmet” (sự sành ăn). Lúc này, “-et” chỉ được phát âm là /eɪ/ thay vì /et/. Và “ballet” sẽ được đọc như “bal-lei”. Tuy vậy những từ này có tần suất xuất hiện trong văn cảnh hàng ngày không cao.

  • Một số trường hợp khác như “often” (thường xuyên), “soften” (làm mềm). Chữ “t” trong những từ này cũng sẽ không được phát âm, vì thế -ften chỉ được phát âm là /fən/ thay vì /ftən/ và “often” sẽ được phát âm là /ofən/

Để thí sinh có thể ứng dụng và luyện tập âm /t/ trong bài Speaking, hãy tham khảo bài nói mẫu cho câu hỏi “Do you live in a village or in a town?” (Bạn sống ở vùng quê hay thành thị?)

I used to live in a jerkwater town with not much activity going on daily. The people were not particularly in destitute but they were not affluent in their lifestyle either. Yet when I entered university, I moved to Ho Chi Minh City and lived here until now. It could be said that my life really changed for the better the moment I made that decision. I’ve met with tons of job opportunities as well as communities of the same interest. In the future, I hope to settle down with a steady career path in this city. I do not see myself going back to my hometown anytime soon.

(Tôi thường sống ở một thành phố nhỏ, nơi mà không có nhiều hoạt động diễn ra hàng ngày lắm. Mọi người thì cũng không hẳn là nghèo đói nhưng cũng không quá sung túc. Nhưng khi tôi bắt đầu vào đại học, tôi chuyển lên TP.HCM sinh sống và ở đến bây giờ. Có thể nói cuộc đời tôi đã chuyển hướng tốt hơn vào giây phút mà tôi ra quyết định ấy. Tôi được tiếp xúc với rất nhiều cơ hội việc làm cũng như những cộng đồng có cùng sở thích. Trong tương lai, tôi mong có thể ổn định cuộc sống và có một sự nghiệp ở thành phố này. Tôi không nghĩ mình sẽ về lại quê nhà sớm đâu.)

Phụ âm /d/

Âm /d/ còn được gọi là âm bật chân răng hữu thanh. Âm này cũng được phát âm tương tự như âm /t/, chỉ khác ở chỗ luồng hơi được bật ra nhẹ hơn âm /t/. Và nhiều thí sinh sẽ xem âm này là một với âm của chữ “đ” trong tiếng Việt. Tuy vậy cần lưu ý âm /d/ trong tiếng Anh là âm chân răng, được phát âm với đầu lưỡi chạm và chân răng và sau đó là một luồng hơi nhej được bật ra. Còn âm “đ’ trong tiếng Việt được phát âm với phần phía sau của lưỡi chạm vào phần phía sau của vòm họng. Nếu phát âm âm /d/ như âm “đ”, thí sinh sẽ gặp khó khăn khi phát âm tổ hợp phụ âm như “dr-”. Thí sinh có thể thử phát âm tổ hợp trên với âm /d/ như trong tiếng Việt và trong tiếng Anh để thấy sự khác biệt. Vì vậy, thí sinh không nên xem hai âm này là một. Thí sinh cũng có thể luyện tập câu “Drew Dodd's dad's dog's dead.” (Con chó của bố của Drew Dodd đã chết rồi) để luyện tập phát âm âm /d/. Hình bên dưới miêu tả các bộ phận miệng khi phát âm âm /d/.

image-alt

Âm /d/ chỉ được phát âm trong những từ chứa chữ cái “d”. Âm /d/ có thể là âm bắt đầu một từ như trong “day” (ngày), “dream” (mơ), âm ở giữa một từ như trong “puddle” (vũng nước), “saddle” (yên ngựa), hoặc âm kết thúc từ như trong “sad” (buồn), “mud” (bùn). Tuy vậy, cũng có những trường hợp mà âm /d/ không được phát âm (silent “d”), trong đó bao gồm:

  • Khi một từ có chứa “-dge”, như trong “bridge” (cây cầu), “edge” (cạnh, mép). Lúc này, mặc dù trong phiên âm IPA của từ có chứa chữ cái “d”, nhưng đó là một phần của phụ âm /dʒ/, đây là âm sẽ được nói đến ở một phần sau.

  • Khi chữ “d” là âm ở giữa một tổ hợp 3 phụ âm như trong “sandwich” (chữ d nằm giữa “n” và “w”), hoặc “handsome” (chữ “d” nằm giữa “n” và “s”), âm /d/ cũng sẽ không được phát âm trong trường hợp này.

  • Trường hợp của từ “Wednesday” (thứ Tư). Thoạt nhìn, từ này có vẻ như bao gồm 3 âm tiết “Wed-nes-day”. Nhưng trên thực tế, phiên âm IPA của từ này là /ˈwenz.deɪ/, chỉ có hai âm tiết và không có âm phụ âm /d/ trong từ.

    Để có thể vận dụng âm /d/ tốt hơn trong bài nói, thí sinh có thể tham khảo bài nói mẫu cho câu hỏi Do you live in a house or an apartment? (Bạn sống trong một căn nhà hay căn chung cư?)

Actually right now, I’m still a student and living in the hall of residence in my university campus. You might think living in a shared space with many others is uncomfortable, but I think it’s both economical and fun. We have double bunk beds and a small zone in the room for studying. Luckily for me, my roommates are rather tidy so I wouldn’t have to worry about any messes. However I’m only allowed to stay here for another 6 months and then it becomes room for the future freshmen.

(Thực ra bây giờ tôi vẫn là sinh viên và đang sống trong ký túc xá trong khuôn viên trường tôi. Bạn có thể nghĩ sống trong một không gian chung với nhiều người khác thì không thoải mái, nhưng tôi nghĩ nó vừa tiết kiệm vừa vui. Chúng tôi có những chiếc giường tầng và một không gian nhỏ trong phòng cho việc học. May mắn thay, bạn cùng phòng của tôi cũng khá gọn gàng nên tôi cũng không quá lo. Tuy nhiên, tôi chỉ còn được ở đây thêm nửa năm nữa và nó sẽ trở thành phòng của nhũng sinh viên năm nhất tương lai.)

Tổng kết

Hai âm chân răng /t/ và /d/ tuy không khó phát âm nhưng vẫn còn nhiều nét khác biệt với âm “t” và “đ” trong tiếng Việt. Trong quá trình luyện tập, thí sinh tránh nhầm lẫn các âm với nhau cũng như nắm vững các trường hợp mà chữ “t” và “d” trong tiếng Anh sẽ được phát âm khác, hoặc không được phát âm.

Tham khảo thêm khóa học tiếng Anh giao tiếp tại ZIM, giúp học viên cải thiện các kỹ năng giao tiếp và tăng phản xạ trong tình huống thực tế.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu