Phân nhóm và luyện theo cặp để tối ưu thời gian luyện Speaking IELTS
Key takeaways |
---|
|
Tầm quan trọng của việc phân nhóm và phân cặp
Việc giáo viên chia học sinh thành các nhóm nhỏ hoặc cặp đôi có thể cải thiện đáng kể thời gian nói và khả năng tiếp thu ngôn ngữ nói chung, với các lý do sau:
Tăng cơ hội nói: Trong các nhóm nhỏ hơn, mỗi học sinh có nhiều cơ hội nói và thực hành ngôn ngữ hơn. Điều này rất quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ vì nó cho phép học sinh sử dụng vốn từ vựng và cấu trúc mới trong một môi trường hỗ trợ.
Giảm lo lắng: Các nhóm nhỏ có thể giảm bớt sự lo lắng và sợ mắc lỗi, vốn là những rào cản phổ biến trong các lớp học lớn hơn. Khái niệm “affective filter” (bộ lọc cảm xúc) cho thấy rằng học sinh có nhiều khả năng tham gia và chấp nhận rủi ro hơn trong một môi trường ít mối lo ngại (sự đánh giá của thầy cô hoặc cả lớp)[2].
Phản hồi được cá nhân hóa: Giáo viên có thể cung cấp nhiều sự chú ý cá nhân hơn và phản hồi ngay lập tức trong các nhóm nhỏ. Điều này giúp giải quyết các nhu cầu ngôn ngữ cụ thể và đẩy nhanh quá trình học tập [1].
Tương tác nâng cao: Các nhóm nhỏ khuyến khích nhiều tương tác hơn giữa các học sinh, thúc đẩy việc học tập và cộng tác giữa các bạn. Tương tác này rất quan trọng để phát triển năng lực giao tiếp và kỹ năng ngôn ngữ xã hội [3].
Phân nhóm linh hoạt: Phân nhóm học sinh một cách linh hoạt dựa trên trình độ thành thạo hoặc nhu cầu cụ thể của các em có thể tối ưu hóa việc học. Nó cho phép giáo viên điều chỉnh hướng dẫn theo trình độ của nhóm, giúp hiệu quả hơn.
Những lợi ích này nêu bật lý do tại sao làm việc theo nhóm nhỏ hoặc theo cặp là một chiến lược cực kỳ hiệu quả trong hướng dẫn ESL. Nó tạo ra một môi trường học tập năng động, hỗ trợ và tương tác hơn, có thể cải thiện đáng kể khả năng tiếp thu ngôn ngữ.
Một số phương pháp phân nhóm và phân cặp
Phương pháp phân nhóm và phân cặp là điều giáo viên cần hết sức chú ý khi tổ chức hoạt động này. Việc phân nhóm không phù hợp có thể khiến học sinh cảm thấy không thoải mái khi luyện nói, dẫn đến việc luyện tập không hiệu quả. Dưới đây là một số lưu ý cho giáo viên khi ghép nhóm và cặp luyện Speaking:
Phân nhóm theo trình độ: Nhóm học sinh theo trình độ thành thạo ngôn ngữ của họ. Ưu điểm của phương pháp này là cho phép giáo viên điều chỉnh các hoạt động theo nhu cầu cụ thể của nhóm và đảm bảo rằng tất cả học sinh đều được thử thách một cách phù hợp. Tuy nhiên, nhược điểm là các nhóm có trình độ thấp sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong việc luyện tập vì các bạn đều có trình độ thấp giống nhau, không có bạn nào tốt hơn để làm mẫu hoặc góp ý sửa lỗi [4].
Phân nhóm hỗn hợp: Ghép đôi hoặc nhóm học sinh có trình độ thành thạo khác nhau lại với nhau. Ưu điểm của phương pháp này là khuyến khích việc học tập giữa các bạn, trong đó học sinh giỏi hơn có thể giúp đỡ những học sinh kém thành thạo hơn. Tuy nhiên, nhược điểm là các học viên học tốt hơn có thể cảm thấy không thoải mái vì không cải thiện được nhiều khi luyện cùng bạn có trình độ nói thấp hơn [4].
Phân nhóm ngẫu nhiên: Sử dụng các phương pháp ngẫu nhiên để thành lập nhóm, chẳng hạn như rút tên từ một chiếc mũ hoặc sử dụng công cụ tạo ngẫu nhiên trực tuyến. Ưu điểm của phương pháp này là có thể giúp học sinh tương tác với các bạn cùng lớp khác nhau và xây dựng môi trường lớp học hòa nhập hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này có thể bao gồm những khó khăn đã đề cập ở cả 2 phương pháp trên [5].
Phân nhóm theo sở thích: Nhóm học sinh dựa trên sở thích hoặc chủ đề mà họ đam mê. Ưu điểm của phương pháp này là có thể tăng sự tham gia và khiến các hoạt động nói trở nên thú vị hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là nó khá mất thời gian để hỏi đáp về sở thích của học viên rồi mới phân nhóm, và nếu các học viên không có chung sở thích thì việc phân nhóm có thể gây ra sự miễn cưỡng [5].
Áp dụng phân nhóm & phân cặp trong lớp học IELTS Speaking
Hướng dẫn học sinh trong lớp IELTS luyện nói theo cặp hoặc nhóm nhỏ có thể rất hiệu quả khi được tổ chức một cách phù hợp. Giáo viên có thể tham khảo các lưu ý sau:
Mô phỏng điều kiện thi: Tạo bài kiểm tra nói IELTS giả lập, trong đó học sinh luyện tập theo cặp, thay phiên nhau làm giám khảo và thí sinh. Đặt thời gian cho từng phần của bài kiểm tra nói để giúp học viên quản lý thời gian hiệu quả và làm quen với áp lực của kỳ thi thực tế [6].
Ví dụ: Giáo viên chia học sinh theo cặp. Giám khảo có nhiệm vụ đưa ra câu hỏi, lắng nghe câu trả lời của thí sinh, ghi lại những điểm tốt và chưa tốt trong bài nói của bạn mình. Đặc biệt, giám khảo cần có đồng hồ hoặc điện thoại thông minh để theo dõi thời gian trả lời câu hỏi của bạn mình để đưa ra phản hồi phù hợp.
Trên thực tế, trong quá trình giáo viên giảng dạy và quan sát, một số học viên thường trả lời câu hỏi trong IELTS Speaking Part 2 khá dài, do họ có phần mở đầu, dẫn dắt và giới thiệu bối cảnh rất dài dòng, chiếm đến 50-60 giây. Như vậy, họ chỉ còn 60 giây để miêu tả đối tượng chính của đề bài, và họ thường không kịp miêu tả đầy đủ trước khi 2 phút kết thúc. Giáo viên cần hướng dẫn những học viên trong vai trò giám khảo theo dõi thật kỹ nội dung mà bạn mình nói kéo dài trong bao lâu, và nó có hợp lý hay không, để giúp bạn mình kiểm soát thời gian tốt hơn.
Thảo luận: Giao vai liên quan đến các chủ đề nói IELTS phổ biến, chẳng hạn như thảo luận về sở thích, một địa điểm hoặc tranh luận về một vấn đề hiện tại. Điều này khuyến khích học sinh sử dụng nhiều từ vựng và cấu trúc khác nhau liên quan đến chủ đề [6].
Ví dụ: Khi luyện tập speaking về chủ đề Education, giáo viên giới thiệu các cấu trúc và cách diễn đạt về chủ đề này, sau đó chia nhóm cho các bạn thảo luận về 1 ý kiến như: Lifelong learning is essential in today’s rapidly evolving world. Do you agree or disagree? Trong một trường hợp khác, giáo viên có thể tổ chức 1 phần tranh luận về chủ đề: The integration of technology in education has revolutionized the learning experience.
Điều quan trọng là giáo viên cần đảm bảo các bạn học viên áp dụng được những ngôn ngữ diễn đạt về chủ đề education vào phần nói của mình, và đảm bảo rằng tất cả học viên trong nhóm đều đóng một vai trò trong việc thuyết trình nội dung thảo luận / tranh luận, chứ không phải chỉ có những học viên nói trôi chảy được đứng lên thuyết trình.
Sử dụng Thẻ câu hỏi: Chuẩn bị các thẻ có các câu hỏi nói IELTS thông thường (ví dụ: sở thích, du lịch, giáo dục). Học sinh có thể thay phiên nhau hỏi và trả lời những câu hỏi này, giúp các em luyện tập phản hồi một cách tự nhiên. Ví dụ, khi luyện nói về chủ đề Money, giáo viên có thể tạo nhiều thẻ câu hỏi với nội dung như:
Do you think it’s important to save money? (build a financial cushion, secure my future, plan for unexpected expenses);
How do you usually spend your money? (splurge on experiences, budget for necessities, indulge in occasional luxuries);
Have you ever saved up for something special? (set aside funds, make a conscious effort to, reach a financial goal)
Phản hồi của bạn bè: Đào tạo học sinh đưa ra phản hồi mang tính xây dựng cho nhau. Điều này có thể tăng sự tham gia của các em và giúp các em nhận thức rõ hơn về điểm mạnh và lĩnh vực cần cải thiện [3]. Tuy nhiên, điều này cần được thực hiện một cách cẩn thận vì không phải học sinh nào cũng biết cách đưa ra phản hồi đúng đắn, thậm chí còn đưa ra những phản hồi sai lệch.
Tập trung vào sự trôi chảy và mạch lạc: Khuyến khích học sinh mở rộng câu trả lời của mình và kết nối các ý tưởng một cách trôi chảy. Thực hành các hoạt động yêu cầu học sinh phải nói dài về một chủ đề, giúp các em phát triển các kỹ năng này.
Dạy các cụm từ hữu ích: Cung cấp cho học sinh danh sách các cụm từ và cách diễn đạt hữu ích cho các phần khác nhau của bài kiểm tra nói. Điều này có thể giúp các em cảm thấy tự tin và chuẩn bị hơn.
Việc tổ chức lớp học IELTS Speaking theo cặp hoặc nhóm nhỏ, khi được thực hiện đúng cách, mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho học sinh. Các hoạt động như mô phỏng điều kiện thi, thảo luận nhóm, sử dụng thẻ câu hỏi và phản hồi của bạn bè giúp học sinh làm quen với áp lực thi cử, phát triển từ vựng và kỹ năng phản hồi, đồng thời tăng cường sự tự tin và khả năng giao tiếp. Với sự hướng dẫn kỹ lưỡng từ giáo viên, học sinh có thể đạt được sự tiến bộ rõ rệt trong kỹ năng nói, giúp họ tự tin hơn khi đối mặt với kỳ thi thực tế.
Phản hồi và cải thiện
Phản hồi là một yếu tố quan trọng trong quá trình học ngôn ngữ, đặc biệt là trong việc phát triển kỹ năng Speaking. Phản hồi hiệu quả không chỉ giúp học viên nhận diện và khắc phục các lỗi sai mà còn thúc đẩy động lực học tập và phát triển khả năng tự học.
Dưới đây là một số phương pháp phản hồi và cải thiện hiệu quả trong lớp học IELTS:
Phản hồi từ giáo viên:
Phản hồi xây dựng: Giáo viên nên cung cấp phản hồi chi tiết và mang tính xây dựng, tập trung vào các khía cạnh cụ thể như phát âm, ngữ pháp, từ vựng và sự lưu loát. Theo Hattie và Timperley [8, tr77, 81-112], phản hồi chi tiết và cụ thể giúp học viên cải thiện kỹ năng một cách hiệu quả hơn.
Ví dụ: Khi học viên phát âm thiếu nhiều âm cuối, giáo viên nên tìm cách hướng dẫn học viên cách để luyện âm cuối trong và ngoài giờ học, thay vì chỉ trích học viên về việc họ phát âm sai quá nhiều.
Phản hồi kịp thời: Phản hồi nên được đưa ra ngay sau khi học viên hoàn thành bài nói để họ có thể nhớ và áp dụng những gợi ý cải thiện ngay lập tức. Tuy nhiên, phản hồi nên được thực hiện ngay sau khi học viên hoàn thành bài nói, giáo viên không nên ngắt lời học viên khi họ đang nói chỉ để sửa lỗi của họ. Điều đó sẽ khiến học viên bị ngắt mạch nói, quên ý tưởng, và khiến bài nói không mạch lạc nữa.
Phản hồi tích cực: Kết hợp phản hồi tích cực với phản hồi sửa lỗi có thể tạo động lực và giúp học viên cảm thấy tự tin hơn. Nghiên cứu cho thấy rằng phản hồi tích cực kết hợp với phản hồi sửa lỗi có thể thúc đẩy quá trình học tập hiệu quả.
Phản hồi từ bạn bè:
Hướng dẫn phản hồi: Giáo viên nên hướng dẫn học viên cách đưa ra phản hồi mang tính xây dựng, tập trung vào các điểm mạnh và điểm cần cải thiện của bạn bè. Ví dụ: học viên cần nhìn nhận được những điểm mạnh của bạn mình (đã trả lời câu hỏi trôi chảy hơn, đã áp dụng được một số từ vựng hay mà giáo viên vừa dạy, đã biết sử dụng các liên từ để nối ý tưởng…); sau đó mới nhận xét những điểm yếu cần cải thiện (cần phát âm đủ âm cuối, cần nhấn trọng âm và ngữ điệu rõ ràng hơn, cần để ý chia động từ cho đúng với thì trong câu,…)
Sử dụng mẫu phản hồi: Cung cấp cho học viên các mẫu phản hồi cụ thể để họ có thể dễ dàng nhận diện và đưa ra phản hồi chi tiết. Ví dụ, học viên có thể ghi chú về độ chính xác ngữ pháp, sự đa dạng từ vựng, phát âm, và sự lưu loát.
Phản hồi hiệu quả không chỉ giúp học viên cải thiện kỹ năng Speaking mà còn thúc đẩy sự tự tin và động lực học tập. Bằng cách kết hợp các phương pháp phản hồi từ giáo viên và bạn bè, học viên có thể phát triển toàn diện kỹ năng ngôn ngữ của mình.
Xem thêm:
Kết luận
Việc phân nhóm và luyện theo cặp trong lớp học ngôn ngữ nói chung và lớp luyện IELTS Speaking nói riêng không chỉ là một phương pháp giảng dạy hiệu quả mà còn là một chiến lược quan trọng để tối ưu hóa thời gian luyện Speaking.
Qua việc tạo ra nhiều cơ hội thực hành, giảm bớt căng thẳng, và cung cấp phản hồi cá nhân hóa, phương pháp này giúp học viên phát triển kỹ năng ngôn ngữ một cách toàn diện và tự tin hơn.
Phân nhóm theo trình độ, sở thích, hoặc ngẫu nhiên đều có những lợi ích riêng, giúp học viên tương tác và học hỏi lẫn nhau trong một môi trường học tập đa dạng và hỗ trợ. Các hoạt động như mô phỏng bài thi, đóng vai, sử dụng thẻ câu hỏi, và ghi âm đánh giá không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm học tập mà còn giúp học viên chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi IELTS.
Phản hồi từ giáo viên và bạn bè đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện kỹ năng Speaking. Phản hồi chi tiết, kịp thời và mang tính xây dựng giúp học viên nhận diện và khắc phục các lỗi sai, đồng thời thúc đẩy động lực học tập. Hướng dẫn học viên cách đưa ra phản hồi đồng đẳng cũng là một cách hiệu quả để củng cố kiến thức và kỹ năng giao tiếp.
Tóm lại, việc áp dụng các phương pháp phân nhóm và luyện theo cặp không chỉ tối ưu hóa thời gian luyện Speaking mà còn tạo ra một môi trường học tập tích cực và hiệu quả. Điều này không chỉ giúp học viên đạt được kết quả cao trong kỳ thi IELTS mà còn phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Anh một cách bền vững.
Nguồn tham khảo
“Reaching ELLs through Small Group Instruction.” valentinaesl.com, https://www.valentinaesl.com/blog/reaching-ells-through-small-group-instruction. Accessed 14 October 2024.
“Flexible grouping: What you need to know.” Education Week, https://www.edweek.org/teaching-learning/opinion-what-are-the-best-strategies-for-small-group-instruction/2021/11. Accessed 14 October 2024.
“How should ELLs be grouped for instruction?.” Colorin Colorado, https://www.colorincolorado.org/article/how-should-ells-be-grouped-instruction. Accessed 14 October 2024.
“25 ways of randomly placing students into pairs or groups.” Oxford University Press, https://teachingenglishwithoxford.oup.com/2018/11/13/25-ways-grouping-students/. Accessed 14 October 2024.
“Differentiation in the language classroom.” Cambridge - Brighter Thinking Blog, https://www.cambridge.org/us/education/blog/2021/12/17/differentiation-in-the-language-classroom-infographic/. Accessed 14 October 2024.
“How to Teach IELTS Speaking.” IELTS Academic, https://ielts-academic.com/2011/11/29/ielts-speaking-10-tips-for-teachers/. Accessed 14 October 2024.
“How to Manage IELTS Speaking Classes.” On TESOL, https://ontesol.com/blog/how-to-teach-english/ielts/how-to-manage-ielts-speaking-classes/. Accessed 14 October 2024.
“Teaching ESL Speaking: A Complete Guide for 99% Success.” ESL Info, https://eslinfo.com/teaching-esl-speaking-a-complete-guide/. Accessed 14 October 2024.
“Mastering IELTS Speaking Part 1: A Guide for Teachers.” IELTS.net, https://www.ielts.net/how-to-teach-ielts-part-1/. Accessed 14 October 2024.
“The power of feedback.” Review of Educational Research, https://journals.sagepub.com/doi/abs/10.3102/003465430298487. Accessed 22 October 2024.
Bình luận - Hỏi đáp