Quy tắc Liên kết âm (Linking) và Chêm âm (Intrusion)
Trong bài thi Speaking của IELTS, bởi sự khác biệt trong hệ thống âm giữa tiếng Anh và tiếng Việt, tiêu chí Pronunciation (phát âm) luôn là một tiêu chí gây khó khăn với thí sinh người Việt. Do không nắm vững và thực hành tốt các quy tắc phát âm, nhiều thí sinh bị cản trở tốc độ giao tiếp và bài nói không được truyền tải rõ ràng, gây khó hiểu. Ngoài ra, với các thí sinh đã phát âm chính xác các từ thì giữa chúng vẫn thiếu sự liên kết, các từ vẫn được phát âm quá riêng biệt, không chú ý đến phụ âm cuối và từ tiếp theo. Để cải thiện vấn đề trên, chuỗi bài viết này sẽ giới thiệu về một khái niệm trong âm vị học (phonetics) có thể giúp tăng độ trôi chảy và tự nhiên trong bài thi Nói: Những hiện tượng nối âm (Coarticulation effects). Bài viết bên dưới sẽ đề cập đến hiện tượng nối âm cuối cùng - Liên kết âm và hiện tượng tương đồng với nó là Chêm âm (Intrusion) - cũng như cách thí sinh có thể ứng dụng nó vào bài thi Nói của mình.
Hiện tượng Liên kết âm cũng như những hiện tượng nối âm khác thường không được dành nhiều sự chú ý do không được nhắc đến một cách cụ thể trong bảng tiêu chí chấm điểm (Band Descriptors) của British Council. Hình bên dưới là những đánh giá cho tiêu chí Pronunciation trong bài thi Speaking từ band 9 đến band 6. Một từ khoá được nhắc đến ở tất cả các band chính là “pronunciation features”. Một trong những pronunciation features của tiếng Anh đó chính là connected speech (ngôn ngữ nói được kết nối) với nhau, trong đó bao gồm linking (liên kết âm), elision (nuốt âm) và assimilation (đồng hóa âm). Cũng theo như Band Descriptors, tại band điểm 6, thí sinh đã có thể “sử dụng đa dạng các pronunciation features.” Chêm âm (intrusion) là một trường hợp xuất phát từ hiện tượng liên kết âm. Vì thế việc nắm được và vận dụng được hai khái niệm trên là một bước đệm rất tốt để tiêu chí Pronunciation có thể đạt từ band 6 trở lên.
Hiện tượng liên kết âm (Linking) và hiện tượng chêm âm (Intrusion)
Hiện tượng nối âm (coarticulation effects) là quá trình tạo ra một âm cùng lúc với một âm kế tiếp nó. Hiện tượng nối âm thường xảy ra khi giao tiếp nhanh và tự nhiên. Ta có thể hiểu rằng hiện tượng này ra đời là để việc phát âm trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Và những quá trình nối âm có thể xảy ra trong một từ hoặc giữa những từ đứng nối tiếp nhau. Liên kết âm là một trong những hiện tượng nối âm trong tiếng Anh.
Liên kết âm và chêm âm là hai hiện tượng thường được giới thiệu cùng nhau do sự giống nhau về bản chất hoạt động của chúng. Hiện nay chưa có một định nghĩa chính thức nào cho hiện tượng liên kết âm trên mặc dù nó vẫn xảy ra rất thường xuyên trong giao tiếp hàng ngày, thường xuyên hơn cả các hiện tượng nối âm còn lại. Theo BBC Learning English, liên kết âm (Linking) là một cách để gắn kết phiên âm của hai từ liên tiếp nhau để tạo ra độ liền mạch trong giao tiếp.
Khác với hiện tượng Đồng hoá âm (Assimilation), liên kết âm không yêu cầu các âm của từ bị biến đổi cho thuận tiện. Và cũng không giống như Nuốt âm (Elision), nối âm cũng không yêu cầu lược bỏ âm nào khi giao tiếp.
Ta lấy ví dụ cụm từ “My friends and I”, khi các từ được đọc riêng lẻ thì sẽ được phát âm là /maɪ /frendz /ənd/ aɪ/ nhưng do ảnh hưởng của hiện tượng liên kết âm, âm /z/ ở cuối từ “friends” sẽ được nối qua âm /ə/ của “and”, cùng lúc đó, âm /d/ ở cuối từ “and” cũng sẽ được nối qua âm /a/ ở “I”.
Từ đó, cụm này trong giao tiếp nhanh và thông thường phải được đọc là /maɪ frendz zənd daɪ/. Nghĩa là, lúc này ở giữa từ “and” và “I” xuất hiện thêm một âm /d/ để nối hai từ này. Nói cách khác, có thể hiểu hiện tượng liên kết cũng giống như thêm một âm khác vào giữa các từ để việc phát âm diễn ra tiện lợi hơn.
Từ đây cũng xuất hiện một hiện tượng khác có tên là hiện tượng chêm âm (Intrusion). Trong lĩnh vực ngôn ngữ học, những âm thuộc trường hợp của chêm âm lại đặc biệt hơn so với các trường hợp liên kết âm thông thường. Với cụm từ “you and I”, âm /d/ được thêm vào là âm đã có sẵn ở cuối từ “and” và đây là một âm phụ âm, vì thế khi ta liên kết âm, ta chỉ việc di chuyển âm đó sang từ tiếp theo.
Nhưng ta lấy ví dụ cụm từ “I am not” thì lúc này cụm từ được đọc là /aɪ jæm nɒt/. Khi tách các từ ra, ta sẽ thấy giữa hai từ “I” (đọc là và /aɪ/, kết thúc bằng nguyên âm) và “am” (đọc là /æm/, bắt đầu bằng nguyên âm) lại xuất hiện một âm chêm /j/.
Đây là một âm không có sẵn trước đó ở cả hai từ này và đây chính là sự khác biệt giữa hai hiện tượng trên. Hiện tượng đầu tiên (liên kết âm thông thường) chỉ xảy ra khi hai âm được liên kết xuất hiện theo trình tự phụ âm - nguyên âm. Còn hiện tượng sau đó (chêm âm), chỉ xảy ra khi hai âm được liên kết đều là nguyên âm.
Liên kết âm giữa một phụ âm và một nguyên âm
Như đã giới thiệu ở trên, khi một phụ âm được theo sau bởi một nguyên âm, phụ âm đó sẽ được nối qua nguyên âm đi liền sau và phát âm như âm đứng đầu của từ thứ hai. Thí sinh có thể tham khảo cách mà hiện tượng này xuất hiện trong bài thi Speaking qua đoạn trả lời mẫu cho câu hỏi What’s your favorite dish? (Món ăn khoái khẩu của bạn là gì?)
I’m not very much of a picky eater, so I am fond of anything that has a great taste to it. However, I do enjoy the taste of a creamy pasta dish with mushroom and pepperoni on top. It is a great blend of both the saltiness of spices and the sweetness of the cream. I had it once at a friend’s house and it was something far from the usual Vietnamese cuisine I had in my daily life. To be frank, I would love to be able to recreate that dish one day in my own kitchen.
(Tôi không phải là một người kén ăn lắm, nên tôi thích bất cứ món gì có vị ngon. Tuy vậy tôi sẽ rất thích một dĩa mì ý sốt kem với nấm và xúc xích ở trên bề mặt. Đây là một sự pha trộn tuyệt vời giữa vị mặn của gia vị và vị ngọt của kem. Tôi có thử ăn nó một lần ở nhà bạn và thực sự nó khác xa với những món Việt Nam mà tôi vẫn ăn hàng ngày. Thật lòng mà nói, ta rất muốn có thể tự làm ra một dĩa mỳ như thế trong chính căn bếp của mình một ngày nào đó.)
Nhìn thoáng qua đoạn trả lời trên, có thể thấy rất nhiều cụm từ được in đậm. Đó chính là những nơi xảy ra hiện tượng liên kết âm nói trên. Và với phần lớn trường hợp, từ thứ hai thường là một đại từ (it), một giới từ (in, on, at, away), một liên từ (and) hoặc một mạo từ (a, an). Lấy ví dụ cụm từ “had it once at'“, lúc này âm /d/ ở cuối từ “had” được liên kết qua từ “it” và từ thứ hai được đọc là /dɪt/, “once at” cũng làm xuất hiện âm /s/ ở đầu từ “at” làm cho từ được đọc là /sæt/.
Liên kết âm giữa hai nguyên âm
Với trường hợp liên kết âm, người nói chỉ đơn giản đem phụ âm đứng trước qua đầu từ thứ hai. Nhưng khi hai âm được liên kết đều là nguyên âm, sẽ xuất hiện các âm ban đầu không có ở hai từ. Trong tiếng Anh, trường hợp chêm âm chỉ làm xuất hiện một trong ba âm sau. Và việc chêm âm nào sẽ được nguyên âm ở cuối từ đứng trước quyết định.
Chêm âm /w/
Với trường hợp đầu tiên này, âm /w/ sẽ xuất hiện giữa hai từ nếu nguyên âm ở cuối từ đầu tiên là một trong ba nguyên âm /uː/, /oʊ/, /aʊ/. Có thể thấy, ba nguyên âm này đều kết thúc với một âm tròn môi. Vì thế khi chuyển sang một nguyên âm kế tiếp, môi của người nói sẽ mở ra, vô tình tạo thành một âm /w/ trong quá trình phát âm. Lấy ví dụ cụm từ “go out”, “go” tận cùng bằng nguyên âm /oʊ/, trong khi “out” bắt đầu bằng một nguyên âm, trong trường hợp này là /aʊ/. Lúc này ở giữa hai từ sẽ được chêm một âm /w/ và cả cụm sẽ được phát âm là /goʊ waʊt/ trong phát âm nhanh và liên tiếp. Để hiểu rõ hơn cách mà hiện tượng này xuất hiện trong bài thi Nói, hãy cùng nhìn qua câu trả lời mẫu cho câu hỏi Are there any food you dislike? (Có món ăn nào bạn không thích?) bên dưới
Every now and then, there will be a new dish that I would give a go and then regret for days on end. For many, durian seems like the real deal with its unforgettable smell and taste as well as how it can be used as an ingredient with other foods to enhance the flavor. In my case, however, the experience was not so much fantastic as unbearable. Once cracked open, all of the stench smell the fruit possess will go out and leave you with an either favorable or disastrous first impression. Mine was the latter.
(Thinh thoảng sẽ có một món ăn mới nào đó mà tôi sẽ muốn thử rồi hối hận mấy ngày liền sau đó. Với nhiều người, sầu riêng thực sự là một thức quà đặc biệt với mùi vị khó quên cũng như cách nó có thể dùng làm nguyên liệu cho những món khác để tăng độ đậm đà. Tuy nhiên với tôi thì trải nghiệm không hẳn là tuyệt vời mà đúng hơn là không thể chịu đựng được. Một khi mở ra, tất cả mùi hăng nồng của loại trái cây này sẽ bay ra và cho bạn một ấn tượng đầu hoặc là rất tốt, hoặc là rất tệ. Với tôi, đó là cái thứ hai.)
Áp dụng quy tắc trên, những từ in đậm là những nơi có sự chêm âm /w/. Trong giao tiếp nhanh, “now and” sẽ được phát âm thành /naʊ wənd/, “go and” sẽ thành /gəʊ wənd/, “how it” sẽ thành /haʊ wɪt/ và “go out” sẽ thành /gəʊ waʊt/.
Chêm âm /j/
Với trường hợp chêm âm thứ hai này, âm /j/ sẽ xuất hiện ở giữa hai từ mà trong đó từ thứ nhất tận cùng bằng một khẩu hình miệng căng ngang, cụ thể hơn là bằng các nguyên âm /i:/,/eɪ/, /aɪ/, /i/. Lúc này, khi chuyển tiếp sang nguyên âm ở đầu từ thứ hai, miệng của người nói đang ở trạng thái căng ngang. Trạng thái này lúc này sẽ tạo ra một phụ âm /j/ khi người nói cố gắng phát âm nguyên âm ở từ thứ hai. Ta lấy ví dụ cụm từ “I see it”, giữa từ “see” (kết thúc với nguyên âm /i:/) và từ “it” (bắt đầu bằng một nguyên âm, tại đây là /ɪ/) lúc này sẽ xuất hiện một âm /j/, làm cho cụm này được phát âm là /aɪ si: jɪt/ thay vì chỉ là /aɪ si: ɪt/ theo từng từ riêng lẻ.
Do you have a healthy diet?
Though I agree that everybody needs to stick to a healthy eating habit, it’s not something I can easily do given my hectic life right now. To be able to have a healthy diet, we need to spend time buying the right ingredients to cook as we all know how processed food can be harmful to us. However, the daily events that take place in my life are simply too much to squeeze in time for preparing food. Therefore, for now it would be advisable if I eat my regulars, but I’ll be sure to switch it up occassionally.
(Dù tôi đồng ý là ai cũng nên có một chế độ ăn uống lành mạnh, điều đó không phải là thứ tôi có thể làm dễ dàng với cuộc sống bận rộn của tôi lúc này. Để có một bữa ăn khoẻ mạnh, bạn cần phải mua đúng nguyên liệu để nấu vì ta đều biết thức ăn đóng hộp có hại cho chúng ta như thế nào. Tuy vậy, những việc hàng ngày của tôi là quá nhiều đến nỗi không thể tìm thêm thời gian mà chuẩn bị thức ăn. Nên bây giờ sẽ tốt hơn nếu tôi cứ ăn như thường lệ, nhưng chắc chắn thi thoảng tôi sẽ đổi món.)
Cũng theo quy tắc trên, những từ in đậm lại làm xuất hiện một âm /j/ được chêm vào giữa. Từ đó, ta có một số trường hợp tiêu biểu như “I agree” sẽ trở thành /aɪ jəˈɡriː/, “daily events” sẽ được phát âm /ˈdeɪ.li jɪˈvents/ và “be able to” sẽ thành /bi jeɪ.bəl tʊ/.
Chêm âm /r/
Một âm cuối cùng có thể được chêm vào giữa các từ đó là âm /r/. Âm này sẽ xuất hiện khi có sự liên kết âm giữa hai âm nguyên âm, trong đó âm đầu tiên là hai âm /ɔ:/ hoặc /ə/ (bao gồm cả các nguyên âm đôi như /eə/ và /ɪə/). Lấy ví dụ cụm từ “saw it”. Khi hai từ được đọc riêng lẻ, nó sẽ được phát âm là /sɔː ɪt/. Nhưng dưới ảnh hưởng của quy tắc chêm âm, âm /r/ sẽ được chêm vào giữa và từ đó dẫn đến cách phát âm /sɔːrɪt/ trong giao tiếp nhanh.
Who does the cooking in your family? Why? (Ai là người nấu ăn trong nhà của bạn? Tại sao?)
My mother would usually be the one to whip up the meals in our household as she holds the most culinary knowledge among us. Nobody taught her to cook, in fact. She just saw it on TV and social media apps and go along. She wouldn’t even let other family members join the cooking process since she thinks law and order in the kitchen is vital to prepare a great meal in time. It could be said that the idea of a late lunch really intimidates her.
(Mẹ tôi thường sẽ là người nấu những bữa ăn trong gia đình do mẹ là người nắm giữ nhiều kiến thức về ẩm thực nhất. Thực ra không ai dạy mẹ tôi nấu ăn cả. Mẹ tôi chỉ thấy trên tivi và các ứng dụng mạng xã hội rồi học theo thôi. Mẹ tôi còn không cho phép những thành viên gia đình khác tham gia vào quá trình nấu ăn do mẹ nghĩ trật tự nơi bếp núc là rất quan trọng nếu muốn nấu một bữa ăn kịp giờ. Có thể nói là ý niệm về một bữa trưa trễ nãi làm cho bà thấy sợ.)
Với các trường hợp chêm âm /r/, quy tắc trên cũng áp dụng tương tự. “Law and order” lúc này sẽ được phát âm là / lɔːrəndˈɔːrdər/ hoặc “idea of” sẽ trở thành /aɪˈdɪə rəv/.
Vận dụng các quy tắc liên kết âm và chêm âm trong bài thi Speaking
Sau khi đã điểm qua các hiện tượng liên kết âm cũng như chêm âm kể trên,
Do you think Vietnamese people's diet is healthy?
The way I see it, Vietnamese meals can do amazing things to our bodies. The Vietnamese, they own a truly diverse cuisine with daily meals comparable to a Thanksgiving dish because of their rich nutritional values. Most of the traditional dishes we eat will consist of some form of rice. For the wide variety fruits and veggies, Vietnamese people like to eat them raw in meals or use them as spices in foods. Therefore, don’t be too surprised if you encounter people having a banana or a slice of watermelon with their rice.
(Theo tôi thấy, những bữa ăn của Việt Nam có thể làm những điều rất tuyệt vời với cơ thể chúng ta. Những người Việt Nam, họ có một nền ẩm thực rất đa dạng với những bữa ăn hàng ngày ngang hàng với những món ăn vào ngày lễ Tạ Ơn bởi hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Hầu hết các món ăn truyền thống sẽ có gạo theo một kiểu nào đó. Với các loại trái cây và rau củ đa dạng thì người Việt thích ăn sống trong những bữa ăn hoặc dùng làm gia vị cho các món ăn. Nên đừng quá ngạc nhiên nếu bạn thấy có người ăn chuối hoặc một miếng dưa hấu kèm với cơm của họ.)
Tại đây, hiện tượng liên kết âm giữa một phụ âm và một nguyên âm xảy ra rất thường xuyên trong đoạn trả lời, ở những cụm từ như “most of”, “form of”, “fruits and”, “them as”, “if you”,… Bên cạnh đó cũng là các hiện tượng chêm âm, như chêm âm /w/ sẽ xảy ra ở các cụm từ như “do amazing”, chêm âm /j/ xuất hiện ở “see it”, “they own” và chêm âm /r/ sẽ xuất hiện ở “raw in” và “banana or”.
Một điều đáng lưu ý nữa là nhiều thí sinh vẫn còn nhìn vào cách viết của từ để xác định kiểu liên kết âm mà không nhìn vào phiên âm. Cách làm này có thể gây nhầm lẫn trong trường hợp của những từ tận cùng bằng -ow và -aw. Chẳng hạn như trong cụm “how are you”, từ “how” tận cùng bằng âm /aʊ/ nên âm được chêm tiếp theo là âm /w/, trùng hợp thay cũng là chữ cái cuối cùng của từ “how”. Tuy vậy, trong cụm “law and order”, dù từ “law” tận cùng là một chữ “w” nhưng phiên âm vẫn là /lɔː/ nên âm được chêm vào phải là âm /r/. Điều này cũng cho thấy rằng khi tiếp thu những kiến thức và thông tin về ngữ âm, thí sinh nên chú ý vào cách phiên âm IPA của từ thay vì cách viết.
Kết luận
So với các hiện tượng nối âm khác như Đồng hoá âm hay Nuốt âm, Liên kết âm xảy ra với một tần suất nhiều hơn hẳn, vì thế thí sinh càng nên chú ý đến hiện tượng này. Đến đây, chuỗi bài viết về các hiện tượng nối âm cũng đã kết thúc. Khi thí sinh có thể vận dụng các hiện tượng này, kết hợp với các yếu tố phát âm khác, bài Nói sẽ càng tự nhiên hơn và tiêu chí Pronunciation sẽ có thể đạt từ band điểm 6 trở lên.
Tham khảo thêm khoá học tiếng anh giao tiếp online tại ZIM, giúp học viên luyện tập thực hành tiếng Anh một cách hiệu quả trong các tình huống giao tiếp thực tế.
Bình luận - Hỏi đáp