Ranh giới giữa bắt chước và lấy cảm hứng – Về vấn đề đạo văn trong văn viết học thuật
Trong việc sáng tạo nói chung và văn viết học thuật nói riêng, việc mượn các ý tưởng từ những nguồn khác mà không đề cập, trích dẫn nguồn thường được xem là “ăn cắp chất xám” – một hành vi bị lên án nhiều trong thời đại hiện nay và người vi phạm phải chịu phạt dựa trên những quy định của Luật bản quyền và các Luật sỡ hữu trí tuệ. Đối với văn viết học thuật, có một thuật ngữ cụ thể cho hành động này là plagiarism (hay còn gọi là đạo văn). Theo định nghĩa của từ điển Oxford, plagiarism là hành vi lấy ý tưởng của người khác sử dụng như sản phẩm mình tạo ra. Từ plagiarism có nguồn gốc từ quá khứ cổ đại, với ý nghĩa tiêu cực bắt nguồn từ từ plagiarius mang nghĩa bắt cóc hay cướp bóc trong tiếng Latin. Vì vậy, có thể hiểu được tại sao plagiarism trước giờ vẫn luôn được coi là một hành vi phạm tội trong giới học thuật. Nguyên lí hoạt động của plagiarism là bắt chước, sao chép. Vì vậy, bất kể hành động sao chép, bắt chước nào cũng đều chứa đựng một sự tiêu cực sẵn có của plagiarism, đặc biệt hơn là trong bối cảnh hiện nay, khi những nội dung gốc và mới ngày càng được đề cao nhiều hơn. Nhiều người cho rằng việc sao chép và tạo ra nội dung gốc là hai thứ hoàn toàn trái ngược nhau. Tuy nhiên, không rạch ròi đơn giản như vậy, và đôi khi sao chép đóng một vai trò quan trọng đối với việc tạo ra ý tưởng mới.
Vai trò của sao chép, giới hạn và cách tránh đạo văn trong văn viết học thuật
Vai trò của việc sao chép bắt chước trong việc học các kĩ năng
Đạt được ngôn ngữ qua việc sao chép
Viết là một hình thức thể hiện của ngôn ngữ. Con người chỉ bắt đầu viết từ, chữ và câu sau khi có ý thức vững chắc về ngôn ngữ. Tiếng mẹ đẻ thông thường sẽ là ngôn ngữ đầu tiên mà con người tiếp xúc và thành thạo. Đối với ngôn ngữ đầu tiên này, nguyên lí tiếp nhận và nắm vững được thể hiện qua từ “acquisition” – nghĩa là việc đạt được một trạng thái, tính năng.
Các nhà học thuật, nhà lí luận và nhà nghiên cứu đặt ra một sự khác biệt giữa khái niệm “language acquisition” và “language learning”. Dựa theo Corder (2), “language acquisition” là việc thu thập, đạt được một ngôn ngữ đầu tiên, hay còn gọi cách khác là tiếng mẹ đẻ. Quá trình này xảy ra ở giai đoạn bắt đầu phát triển về cả mặt thể chất lẫn tinh thần của một đưa trẻ sơ sinh. “Language learning”, về mặt khác, ám chỉ việc học một ngôn ngữ thứ hai. Việc này thường xảy ra ở giai đoạn muộn hơn, khi sự hiệu năng ngôn ngữ đã được thiết lập và những quá trình trưởng thành về thể chất, tinh thần đã hoàn thiện hoặc gần hoàn thiện.
Như vậy, có thể rút ra kết luận rằng “acquistion” đi trước “learning” và việc học một ngôn ngữ thứ hai thường xảy ra sau khi ngôn ngữ mẹ đẻ đã được thành thạo bởi người sử dụng. Nhưng trước “acquisition” lại gần như không có một nền tảng nào về ngữ pháp, từ vựng nào – mọi nhận thức về ngôn ngữ của đứa trẻ gần như là một tờ giấy trắng. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là, bằng hình thức nào một đứa bé có thể đạt được một ngôn ngữ đầu tiên?
Khả năng đạt được ngôn ngữ đầu tiên của con người theo một cách khá tự nhiên và không cần nhiều sự nỗ lực đã khiến nhiều nhà nghiên cứu dành thời gian cho chủ đề này, với mong muốn rằng sẽ tìm được những yếu tố của việc đạt được – “acquisition”, từ đó áp dụng việc học ngoại ngữ. Kết quả của việc này là sự xuất hiện của một số lượng lớn các lý thuyết, phương pháp giảng dạy ngôn ngữ thứ hai dựa trên cách đạt được ngôn ngữ đầu tiên. Đây là một chủ đề mang tính tranh cãi, tuy nhiên có một ý tưởng được khá nhiều người ủng hộ, đó là học một ngôn ngữ liên quan đến việc sao chép. Hay nói cách khác, sao chép nằm trong bản năng của con người, là một thuộc tính sẵn có giúp con người đạt được ngôn ngữ đầu tiên.
Trong lĩnh vực phát triển ngôn ngữ, Skinner (1957) (tr.55) cung cấp một định nghĩa ban đầu về hành vi sao chép, bắt chước (sau đó ông gọi là (1) “echoic verbal behaviour” – hành vi vang dội lại tiếng nói).
Khái niệm này có thể hiểu thông qua một trường hợp đơn giản là hành vi tiếng nói của đứa trẻ, khi được kích thích bởi một xúc tác tiếng nói khác, phản ứng của đứa trẻ là tạo ra một mẫu âm thanh tương tự như tác nhân xúc tác.
Ví dụ: Bố mẹ có thể nói với đứa trẻ như sau: “Đây là một quả táo. Nói quả táo đi con! Táo!”; sau nhiều lần kích thích, đứa trẻ đang lắp bắp bằng cách lặp đi lặp lại từ “Táo”, sẽ có một khả năng tương đối cao là đứa trẻ cuối cùng sẽ thốt ra một âm thanh tương tự như từ “táo”, sau đó gặp một phản ứng tích cực ngược lại từ phía bố mẹ (có thể là một nụ cười, tràng vỗ tay hay phần thưởng). Điều này phần nào củng cố` hành vi của đứa trẻ. Từ hành vi củng cố này sẽ dẫn đến những trường hợp tiếp theo, đứa trẻ cố bắt chước âm thanh của những từ mới để nhận thêm nhiều sự củng cố. Đây là giai đoạn mà đứa trẻ hình thành nên lượng vốn từ cơ bản trong ngôn ngữ mẹ đẻ và bắt đầu có một ý thức nhất định về ngôn ngữ. Ngoài ra, đứa trẻ không chỉ đơn thuần bắt chước những từ đã nghe; sau khi có một vốn từ nhất định, đứa trẻ sẽ thử nối những từ đó thành một cụm từ hay một câu ngắn theo nhiều trình tự khác nhau – dấu hiệu sớm nhất của việc sáng tạo trong quá trình phát triển.
Học các kỹ năng qua việc sao chép, bắt chước
Khuynh hướng học bằng cách sao chép còn được thấy ở những giai đoạn phát triển sau trong cuộc sống, khi con người cần phải học hỏi và rèn giũa nhiều kỹ năng mới chưa bao giờ tiếp xúc trước đó. Một ví dụ điển hình là cách học văn ở trường sơ cấp Việt Nam, những cuốn sách văn mẫu là một hành trang không thể thiếu của học sinh, bất kể là chuyên Văn hay một học sinh bình thường chỉ muốn đạt mức điểm trung bình.
Mặc dù việc lạm dụng văn mẫu để ứng phó với những bài kiểm tra đã bị nhiều thầy cô lên án, nhưng vẫn đóng một vai trò quan trọng. Cụ thể, các bài văn mẫu cung cấp cho học sinh cái nhìn tổng quát về tiêu chuẩn của một bài viết tốt, bao gồm cấu trúc chia đoạn, triển khai và mở rộng, cách chuyển ý, … Lợi ích này được thấy rõ hơn với những người mới tập viết hay chưa biết cách viết cho một chủ đề mới. Đọc những bài văn mẫu tốt đồng thời cung cấp cho người viết thêm nhiều ý tưởng về cách nhìn nhận vấn đề, cách dùng từ, diễn đạt ý. Do vậy, nếu sử dụng văn mẫu một cách khoa học, người viết sẽ nhanh chóng hình thành phong cách viết riêng.
Tương tự như vậy, trong IELTS Writing, khi người học tiếp xúc với những dạng chủ đề mới, những biểu đồ lạ nằm ngoài tầm hiểu biết, về cả kiến thức và từ vựng. Trong những trường hợp này, tự viết dựa trên vốn hiểu biết sẵn có thường rất khó để trả lời đúng trọng tâm câu hỏi và có được một bài viết tốt. Do vậy, người viết có thể tìm những bài mẫu, học hỏi cách dùng từ và đưa ra ý tưởng để vận dụng vào những chủ đề tương tự. Một nguồn tham khảo đáng tin cậy là những xuất bản IELTS Writing Review định kỳ được thực hiện bởi đội ngũ giảng viên tại ZIM, gần đây nhất là cuốn IELTS Writing 2019 Review.
Học hỏi qua sao chép không chỉ giới hạn ở việc viết văn, mà còn được thể hiện rõ ở các mảng ngành khác, chẳng hạn như âm nhạc và thiết kế. Hai lĩnh vực này thoạt nhìn thì thấy ít liên quan đến kỹ năng viết, tuy nhiên xét cho cùng vẫn được xem là những dạng ngôn ngữ. Âm nhạc là một loại ngôn ngữ phổ quát chung, dù cho lời nhạc là ngôn ngữ bản xứ của từng vùng, quốc gia, đều giao tiếp với khán giả bằng giai điệu, mang lại những cảm xúc nhất định. Thiết kế, ở hình thức kiến trúc hay đồ hoạ, đều áp dụng những nét đường thẳng hoặc cong, các màu sắc bộc lộ một ý nghĩa chung đối với khán giả tiếp nhận. Vì âm nhạc và thiết kế đều là ngôn ngữ nên sở hữu những quy luật ngữ pháp riêng – đây là kiến thức mà người hành nghề phải học nếu muốn thành thạo trong những lĩnh vực này.
Một thực hành khá phổ biến cho người mới học nhạc là chơi đi chơi lại những bản nhạc kinh điển, hoặc chép lại những bản soạn thảo nhạc mẫu để hình thành cảm giác về âm nhạc trước khi tự sáng tạo những lời ca mới. Tương tự như vậy, những người học nghề thiết kế, bước đầu tiên sẽ trải qua một quá trình vẽ, chép lại những bản thiết kế tốt để hiểu được ngôn ngữ hình nét và nguyên lí thiết kế. Sau khi đã có nền tảng cơ bản mới bắt đầu hình thành phong cách riêng của bản thân cho việc sáng tạo.
Giới hạn của việc sao chép trong các giai đoạn hoạt động chuyên sâu
Một khẳng định có thể đưa ra từ những quan sát ở trên là, để học bất kỳ kỹ năng nào, bước đầu tiên thường phải làm là sao chép. Tuy nhiên, đến thời điểm đã lành nghề và không cần sử dụng những tác phẩm tiêu biểu khác để chống đỡ trong quy trình sáng tạo nữa, người làm nghề vẫn có khuynh hướng tạo ra những tác phẩm có nhiều nét tương đồng với các tác phẩm khác sẵn có. Ở giai đoạn chuyên sâu này, những nét tương đồng không còn được coi là một sự học hỏi vô tội nữa, mà sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Những điểm giống nhau này có thể do cố tình hoặc vô tình trong quá trình tham khảo các nguồn tài liệu khác nhau. Trong ngữ cảnh văn viết học thuật, đạo văn có thể xảy ra một cách vô tình hoặc có chủ ý.
Việc đạo văn trong văn viết học thuật một cách vô tình thường xảy ra khi người viết quên trích dẫn nguồn được sử dụng để mượn nội dung, hoặc do sự thiếu kinh nghiệm trong văn viết học thuật ở bậc giáo dục đại học – học sinh phổ thông thông thường sẽ được bỏ qua nếu trong bài bao gồm vài ý tưởng không rõ nguồn. Ngoài ra, tuỳ thuộc vào từng ngữ cảnh, sẽ có những nội dung được hiểu như kiến thức phổ thông, vì vậy người viết không thấy sự cần thiết khi tìm nguồn trích dẫn. Có đôi khi, người viết bị ảnh hưởng bởi việc học thuộc (rote learning), trong vài trường hợp sẽ ghi lại những nội dung đã được ghi nhớ theo tiềm thức mà không nhận ra đó không phải là của mình.
Ngược lại, việc đạo văn có chủ ý thường được gây ra bởi sự thiếu tự tin ở người viết, khi người viết cảm thấy không bao giờ có thể đạt được tới một chuẩn mực trong việc diễn đạt câu từ hay ý tưởng giống như những tác giả khác. Việc sao chép có chủ đích khi người thực hiện không có ý định đầu tư vào quá trình viết và chỉ cần sản phẩm cuối cùng để hoàn thành nhiệm vụ, công việc.
Cho dù vô tình hay có chủ ý, việc đạo văn khi viết một bài viết học thuật luôn là điều không thể chấp nhận được, đặc biệt là trong môi trường giáo dục và học thuật. Với xu hướng thực hiện bài viết và đăng tải tài liệu bằng công nghệ, ngày càng có nhiều phần mềm, ứng dụng được tạo ra giúp tra khảo mức độ đạo văn của bài viết. Vì vậy, người viết cần phải thận trọng hơn khi muốn đưa ra những trích dẫn.
Cách tránh vi phạm đạo văn trong văn viết học thuật
Trích dẫn theo format
Một cách an toàn nhất để tránh vi phạm đạo văn là học cách trích dẫn theo đúng những format đã được quy chuẩn. Có rất nhiều format trích dẫn, ví dụ điển hình là Harvard, Vancouver, Chicago, MLA và APA. Thông thường, việc dùng format nào trong bài viết sẽ được quy định trước bởi người giao bài. Những chuyên ngành khác nhau thường dùng những format trích dẫn khác nhau. Nếu người viết đang thực hiện một bài nghiên cứu tự do, có thể tham khảo và chọn một trong 5 những format phổ biển đã được liệt kệ ở trên. Một lưu ý khác người viết cần cân nhắc khi trích dẫn là những yếu tố bao gồm tên họ tác giả, (chữ cái đầu) tên riêng tác giả, ngày tháng năm xuất bản, tiêu đề, nơi xuất bản và nhà xuất bản luôn luôn phải được đề cập đến. Ở bậc học cao hơn, sự chuyển giao từ việc “xem tham khảo” sang việc “trích dẫn tham khảo” còn khá xa lạ với sinh viên, nhưng vẫn cần được tuân thủ.
5 format trích dẫn được sử dụng phổ biến
Tuân thủ những quy định khi trích dẫn và tham khảo cho phép người viết chỉ ra một cách rõ ràng đâu là những bình luận, luận điểm của chính người viết, đâu là những ý tưởng được mượn từ người khác và nếu người đọc muốn tìm hiểu những nội dung vay mượn đó sẽ phải tìm ở đâu. Điều này khiến cho bài viết mang tính chính trực hơn, giúp người viết tránh được lỗi đạo văn.
Paraphrase trong văn viết học thuật
Để tránh việc sao chép y hệt ý tưởng gốc từ những bài nghiên cứu sẵn có, nhiều người có xu hướng paraphrase câu với nghĩa không đổi so với những luận điểm của bài gốc. Tuy đây là một cách tiếp cận tương đối thích đáng và cho thấy sự cố gắng của người viết trong quá trình viết, nhưng vẫn có thể dễ rơi vào trường hợp đạo văn khi trình bày sai câu từ gốc của tác giả, do người viết thật sự không hiểu ý tưởng gốc hoặc do kỹ năng chọn lọc từ để paraphrase chưa tốt.
Việc paraphrase chỉ nên áp dụng khi người viết hoàn toàn hiểu được nội dung gốc. Một điều nữa cần lưu ý là, những cụm paraphrase không được phép chứa quá nhiều từ giống hệt bài viết gốc. Khi thực hiện paraphrase, người viết cần sử dụng ngôn từ riêng để bày tỏ ý tưởng từ bài viết gốc. Việc này đòi hỏi người viết phải có khả năng sử dụng những từ ngữ, cách diễn đạt khác mà không làm thay đổi ý nghĩa của nội dung gốc.
Tổng kết
Việc sao chép, bắt chước có thể được coi là cần thiết cho việc học bất kỳ kỹ năng nào, nhưng việc lạm dụng sao chép, hay đạo văn thay vì tự suy nghĩ là một hành động không thể chấp nhận được trong quá trình hoạt động tri thức và sáng tạo. Người viết cần phải đảm bảo rằng đã trình bày rõ nguồn của thông tin dữ liệu và công nhận rõ ràng, cẩn thận nội dung đó đến từ ai và từ đâu.
Tuy nhiên, liệu mọi hành vi sao chép chỉ dẫn đến việc đạo lại ý tưởng đã có, hay còn là một dấu hiệu cho sự nảy sinh những ý tưởng mới? Đây sẽ là nội dung được khám phá ở bài nghiên cứu học thuật tiếp theo, đề cập đến sự khác biệt trong kết quả giữa hai kiểu sao chép khác nhau.
Duy Nguyễn
Bình luận - Hỏi đáp