Kĩ năng nghe và đọc là hai kĩ năng tiếp nhận (receptive skills), vì vậy người học có thể tập trung ôn luyện để tăng band của hai kĩ năng này nhanh hơn so với hai kĩ năng nói và viết. Tuy nhiên, trong thực tế, có rất nhiều người học gặp khó khăn trong việc nâng điểm từ band 7 lên band 8 trở lên vì dù họ đã làm toàn bộ các đề trong 16 quyển Practice Test của Cambridge, điểm số vẫn chưa có sự cải thiện rõ rệt. Hiểu được vấn đề này, trong bài viết này, tác giả sẽ điểm qua những nguyên nhân chính khiến người học dậm chân tại chỗ và từ đó hướng dẫn chi tiết cách tận dụng hai bộ sách IELTS Trainer để vượt lên trên đến 9.0 trong kĩ năng nghe và đọc.
Key takeaways
Nguyên nhân chính khiến người học không vượt được band 7.0 trong kĩ năng nghe và đọc: Chú ý số lượng thay vì chất lượng; Sử dụng nguồn tài liệu kém chất lượng; Bị ám ảnh bởi bí kíp, chiến thuật làm bài
IELTS Trainer: xuất bản bởi Cambridge University Press, mỗi quyển gồm 6 bài test trong đó hai bài test đầu được hướng dẫn chi tiết cách làm từng dạng bài, có phần giải thích chi tiết đáp án và tại sao các đáp án còn lại chưa chính xác.
IELTS Trainer 1: xuất bản vào năm 2011, khó hơn đề thi thật, phù hợp cho việc học hơn là đánh giá
IELTS Trainer 2: xuất bản vào năm 2019, độ khó tương đương bộ 16 Practice Test của Cambridge nên có thể dùng cho đa dạng trình độ hơn
4 bước sử dụng sách hiệu quả: Thi thử và ghi lại kết quả chi tiết; thiết lập kế hoạch học hiệu quả; thực hiện kế hoạch; đánh giá, so sánh và rút kinh nghiệm
Những nguyên nhân chính khiến người học dậm chân tại chỗ ở band 7.0
Chú ý số lượng thay vì chất lượng
Đối với những người học có khao khát vượt ngưỡng 7.0, họ thường có trình độ cao nên đã biết qua rất nhiều sách liên quan đến việc học IELTS. Với sự phổ biến của mạng Internet, họ có thể truy cập vào bất kì nguồn tài liệu hay giáo trình nào, khiến họ bị choáng ngợp bởi kho sách khổng lồ. Mặc dù họ đã làm qua gần như tất cả 16 quyển đề thi thử của Cambridge nhưng khi họ chưa thực sự quan tâm đến việc phân tích lỗi sai, rút kinh nghiệm sau mỗi lần giải đề thì rất khó đạt tiến bộ rõ rệt.
Sử dụng nguồn tài liệu kém chất lượng
Vì đã làm qua nhiều giáo trình của nhà xuất bản nổi tiếng của Cambridge, Longman, và Barron nhưng họ vẫn chưa đủ nên người học thường tìm hoặc thậm chí mua những bộ đề dự đoán trên mạng để làm thêm. Tuy nhiên, những bộ đề dự đoán này chưa được kiểm tra về chất lượng cũng như đôi khi chưa sát với đề thi thật và có thể ảnh hưởng xấu đến với tâm lí làm bài của họ vì kết quả làm những bộ đề này thấp hơn khi làm trong sách. Vì vậy, việc chọn đúng nguồn tài liệu đáng tin cậy là vô cùng quan trọng.
Bị ám ảnh bởi bí kíp, chiến thuật làm bài
Với khao khát bức phá điểm số lên trên 7.0, người học sẽ cố gắng tìm những bí quyết chiến thuật làm bài để họ có thể đạt được điểm số cao hơn khi đi thi thật và muốn đạt được số điểm mong muốn trong thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào bí quyết không thể nào giúp người học tăng điểm số khi thi mà thay vào đó họ nên không ngừng trao dồi, kĩ năng và vốn hiểu biết của họ.
Review về IELTS Trainer
Vì tác giả đang hướng đến mục tiêu chia sẻ cách bức phá điểm số lên trên 8.0 trong kĩ năng nghe và đọc cho người học đang chật vật ở mức 7.0 nên tác giả sẽ chỉ tập trung review về hai kĩ năng này trong sách.
Giới thiệu chung về IELTS Trainer
IELTS Trainer là hai bộ sách được nhà xuất bản danh tiếng Cambridge University Press phát hành nên nội dung của sách có chất lượng không phải bàn cãi, trong đó quyển 1 được xuất bản vào năm 2011 và quyển 2 vào năm 2019. Về độ khó, quyển 1 khó hơn quyển 2 nên quyển 1 chỉ phù hợp cho việc luyện tập và học hỏi kinh nghiệm làm bài cho từng dạng câu hỏi từ chuyên gia thay vì dùng cho đánh giá. Trái lại, do quyển 2 được phát hành gần đây hơn nên được cập nhật khá xác với đề thi thật nên có thể dùng cả cho việc luyện đề và ước tính band điểm. Vì vậy, theo kinh nghiệm của tác giả, người học nên bắt đầu với quyển 2 trước vì nó ít khó hơn trước khi học tiếp quyển 1.
Vì sao nên chọn IELTS Trainer?
Trong phần này, tác giả sẽ phân tích chi tiết những điểm ưu việt ở IELTS Trainer 1 và 2, từ đó lí giải lí do tại sao hai bộ sách này có thể giúp người đọc chinh phục điểm số trên 8.0 mà họ mong muốn.
Sách bao gồm những phần chính sau đây:
Introduction
Bao gồm tất cả thông tin về bài thi IELTS mà người học cần biết (phần giới thiệu chung về bài thi IELTS và những dạng câu hỏi cho từng kĩ năng, đối tượng sử dụng sách, tổng quan về cấu trúc của sách, cách sử dụng sách cho hiệu quả, phân tích các tiêu chí và cách chấm thi, miêu tả chi tiết về khung tham chiếu trình độ từ band 2 đến band 9 để người học tham khảo)
Training and Exam practice
Mỗi quyển bao gồm 6 bài thi trong đó test 1 và test 2 là nơi chuyên gia hướng dẫn chiến thuật làm bài cho từng dạng bài và 4 test còn lại để người học thực hành những bí quyết đã học. Phần Training là cực kĩ hữu ích, người học nên đọc kĩ và làm theo thứ tự phần hưỡng dẫn trong phần Training (Test 1 và 2) vì đây là cơ hội giúp họ đánh giá lại cách làm bài của họ, so sánh cách họ đã làm có khác gì với lời khuyên từ chuyên gia và có điều chỉnh để cải thiện cách làm bài sao cho đạt điểm cao nhất. Trong phần tiếp theo tác giả sẽ review chi tiết nội dung có trong phần Training để người học có thể hiểu rõ hơn:
What is Listening Section 1?: Giới thiệu chung về phần 1 trong bài thi nghe (người nói là ai, số lượng người nói, chủ đề thường gặp là gì, dạng câu hỏi hay xuất hiện và ví dụ cụ thể)
What does it test?: kĩ năng yêu cầu để làm tốt phần 1
Task information: giới thiệu chi tiết hơn về dạng bài thường gặp nhất trong bài phần 1 và nhiệm vụ của người học khi làm dạng bài này
Trong mỗi phần của bài thi nghe, người học còn được củng cố lại ngôn ngữ cần thiết để làm tốt dạng bài đó. Ví dụ như trong phần 1 của bài thi nghe, người học cần có khả năng nghe và ghi nhanh được số điện thoại, ngày tháng, phân biệt được những chữ cái thường nhầm lẫn trong bảng chữ cái tiếng Anh để có thể nghe đánh vần chính xác, nghe được thời gian, v.v. Do vậy, họ sẽ được cung cấp những bài tập nhỏ về con số, cách nói về thời gian, cách đánh vần, nói về giá tiền, v.v, dù đây là những phần đơn giản nhưng vẫn có nhiều người học hay chủ quan và vẫn làm sai trong những câu đầu tiên của bài thi nghe, khiến họ hoảng loạn và ảnh hưởng đến tâm lí làm bài cho những câu tiếp theo.
Để đạt được độ chính xác cao khi làm bài, người học nên chú ý và làm tốt từng chi tiết nhỏ, luyện tập nhiều để luôn tự tin và không làm sai với những câu hỏi dễ. Ngoài ra, người học còn được cung cấp những mẹo (tip) và lời khuyên (advice) từ chuyên gia về những điều cần lưu ý khi làm bài. Tiếp theo, người học còn được hướng dẫn cách nhận biết khi nào câu trả lời sắp đến và cách chọn từ phù hợp để làm đáp án:
Sau khi đã có đầy đủ ngôn ngữ và bí quyết làm bài chung cho cả phần 1, người đọc sẽ được hướng dẫn cụ thể hơn cho từng dạng câu hỏi trong bài phần này. Phần hướng dẫn luôn cho từng dạng câu hỏi luôn bao gồm những phần sau đây:
Action Plan: từng bước làm bài cụ thể
Ví dụ minh họa cụ thể cho dang bài đó
Tips: Bí quyết để hạn chế sai và làm chính xác hơn
Advice: trong phần ví dụ minh họa có nhiều câu hỏi, trước khi làm bài người học nên đọc đề và phân tích câu hỏi, trong phần lời khuyên này, người học sẽ được minh họa chi tiết cách phân tích để có thể dự đoán đáp án (số ít hay số nhiều, loại từ của từ cần điền là gì, v.v.) để nghe và tìm đáp án dễ dàng hơn.
Phần hướng dẫn của phần 2, 3 và 4 trong bài thi nghe và tất cả các phần của kĩ năng đọc cũng tương tự như trên.
Practice Tests
Sau khi hoàn thành test 1 và test 2, người học sẽ có được cách làm bài hiệu quả nhất từ chuyên gia và chỉ cần ứng dụng chúng vào 4 bài Test còn lại để biến chúng thành kĩ năng tự nhiên trong phòng thi.
Đáp án và giải thích chi tiết
Như tác giả đã trình bày ở trên, người học IELTS thường không tiến bộ do chưa biết tự đánh giá điểm mạnh, điểm yếu và chưa phân tích nguyên nhân tại sao họ làm sai. Vì vậy, điểm đặc biệt cuối cùng và cũng vô cùng quan trọng mà người học không thể bỏ qua đó phần đáp án chi tiết. Người học sẽ được giải thích chi tiết cách nhận biết đáp án sắp đến, tại sao đáp án đó mới là đáp án chính xác, tại sao các đáp án khác chưa phải là đáp án đúng (đáp án gây nhiễu và bẫy của đề thi). Những phần này đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó giúp người học rút kinh nghiệm và có hướng tư duy của người ra đề, khiến họ tránh bị rơi và bẫy và cải thiện độ chính xác khi làm bài.
Giải thích chi tiết từng đáp án cho bài thi đọc (có phần nhắc lại bí quyết làm bài để người học nhớ và theo đó luyện tập thêm)
Đó là những điểm tuyệt vời mà các giáo trình khác chưa có nên IELTS Trainer 1 và 2 sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho người học trong quá trình luyện tập để có thể làm chính xác tối đa tất cả câu hỏi trong bài thi nghe và đọc. Trong phần tiếp theo, tác giả sẽ hưỡng dẫn chi tiết cách sử dụng hai giáo trình này cho người học đang ở trình độ 7.0.
Cách dùng IELTS TRAINER 1 và 2 cho kĩ năng nghe và đọc
Thi thử và ghi lại kết quả chi tiết
Người học chọn 1 đề thi nghe và đọc bất kì trong bộ 16 cuốn Practice Test được phát hành bởi Cambridge để thi thử (ưu tiên quyển 10 đến 16 vì đã được cập nhật gần đây và xác với đề thi thật hơn). Họ nên tự mô phỏng y như bài thi thật dưới áp lực phòng thi và áp lực thời gian, thực hiện cả bước chuyển đáp án vào câu trả lời nếu thi giấy hoặc người học có thể tham khảo các trang web có chứa các đề thi này.
Lưu ý, người học nên ưu tiên chọn những bộ đề chính thức trong bộ 16 quyển mà tác giả đã đề cập vì mọi đề thi ở đây đều sát với đề thi thật và đã được kiểm duyệt rất kĩ lưỡng bởi hội đồng ra đề nên đây là tài nguyên uy tín nhất để tự đánh giá. Theo quan điểm của cá nhân tác giả, những bộ đề như Road to IELTS hay những bộ đề thi thử trên các website trên Internet dù rất hay nhưng do vẫn chưa được kiểm duyệt khắt khe bởi hội đồng ra đề nên người học chỉ nên tham khảo dùng cho quá trình luyện đề thay vì ước tính band điểm thi thật. Ngoài ra, người học cũng có thể sử dụng những bộ đề thi thật gần nhất được chia sẻ bởi những trang web hay trung tâm đáng tin cậy hoặc đăng kí thi thử bởi những trung tâm uy tín như British Council, IDP hay Zim.vn.
Sau khi thi thử, người học có thể tạo bảng ghi lận lại chi tiết kết quả theo các câu hỏi sau:
Mục đích của việc ghi nhận lại thế này đó chính là giúp người học nắm được điểm mạnh, điểm yếu của họ trong hai kĩ năng này và từ đó tập trung nhiều hơn vào việc khắc phục điểm yếu trong quá trình ôn luyện với sách. Đây còn là cơ sở giúp họ đánh giá sự tiến bộ sau khi sử dụng sách, và tiếp tục sửa chửa yếu điểm để tăng tối đa đáp án đúng khi làm bài.
Thiết lập kế hoạch học với sách IELTS TRAINER 1 và 2
Sau khi đã có kết quả khách quan về năng lực hiện tại, thí sinh bắt đầu sử dụng sách IELTS Trainer 1 và 2 cho quá trình ôn luyện. Vì quyển 2 sát với đề thi thật hơn và dễ hơn quyển 1 nên người học nên bắt đầu với quyển 2 trước. Tuy nhiên, trước khi học, người học cần lên kế hoạch học tập cụ thể.
Tùy theo thời gian rãnh của người học, họ sẽ có cách chia thời gian học khác nhau, ví dụ một tuần học 1 bài. Tuy nhiên, kế hoạch càng cụ thể càng tốt, người học có thể tham khảo kế hoạch dưới đây:
Ngày | Nhiệm vụ |
---|---|
February 22, 2022 | Training Test 1 Listening Part 1 Training Test 1 Reading passage 1 |
February 23, 2022 | Training Test 1 Listening Part 2 Training Test 1, Reading Passage 2 |
………………………………………………………………………… | ………………………………………………………………………… |
Theo tác giả, thứ tự bài học đã được thiết kế có mục đích bởi chuyên gia, thường từ dễ đến khó nên người học nên làm theo thứ tự trong sách và tuân thủ đúng các lời khuyên của chuyên gia để có thể có cơ sở đối chiếu với kết quả cách làm trước đây của họ và có điều chỉnh phù hợp. Đôi khi, lí do người học chưa tiến bộ hay làm còn chưa chính xác là do họ chưa làm theo hướng dẫn trong sách mà vẫn làm theo cách làm cũ mà họ tự cho là hiệu quả.
Ngoài ra, thời gian học không nên quá khắt khe từ thứ 2 đến chủ nhật. Thay vào đó, người học vẫn nên giãn ra cho phù hợp và cố gắng dành 1 hoặc 2 buổi cho việc ôn lại kiến thức cũ.
Thực hành kế hoạch đã đề ra
Người học nên nghiêm túc thực hiện kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, việc không thể thực hiện nhiệm vụ của một ngày nào đó vẫn không tránh khỏi, nên họ có thể thành thật với bản thân, ghi lại nguyên nhân không thể thực hiện được và sắp xếp lại kế hoạch tuần đó sao cho tiến độ của tuần vẫn được giữ nguyên so với kế hoạch đã đề ra. Ví dụ, người học lên kế hoạch học từ thứ 2 đến thứ 6 mỗi ngày 1 section cho mỗi kì năng và dành 2 ngày cuối tuần để ôn tập lại kiến thức trong tuần nhưng do công việc phát sinh đột xuất họ không thể hoàn thành đúng kế hoạch vào thứ 5 nên họ có thể dùng 1 buổi ôn luyện của cuối tuần để bù vào nội dung học của ngày thứ 5, bằng cách đó, tiến độ học tập của họ trong tuần đó sẽ không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, sẽ hiệu quả hơn nếu người học tìm được một bạn học chung có cùng mục tiêu. Cả hai có thể lập ra kế hoạch chung và tiến hành thực hiện chung để có thể nhắc nhở và tạo động lực cho nhau.
Đối với quyển 2, người học có thể làm thử dưới áp lực phòng thi như thi thật nhưng ở quyển 1, vì nó khó hơn nhiều nên người học cho bản thân nhiều thời gian hơn và tập trung vào việc cải thiện kĩ năng làm bài.
Đánh giá, so sánh kết quả và rút kinh nghiệm
Sau khi làm bài và có kết quả, người học tiến hành đọc kĩ phần giải thích đáp án sau sách, phân tích nguyên nhân của lỗi sai và ghi nhận lại để tìm cách khắc phục.
Tiếp theo, đối với kĩ năng nghe, người học tiến hành nghe đi nghe lại nhiều lần kết hợp với việc tra từ vựng mới trong bài nghe để học thuộc. Còn đối với bài thi đọc, việc đọc đi đọc lại bài đọc hiểu, thử luyện dịch những đoạn khó và học từ vựng mới cũng vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, người học so sánh lại kết quả làm bài trước và sau khi sử dụng sách để kiểm tra sự hiểu quả và có thể kết hợp, chọn lọc điểm tốt của cả hai để xây dựng nên cách làm bài hiệu quả nhất.
Cuối cùng, người học ứng dụng những kiến thức đã học từ quyển IELTS Trainer 1 và 2 vào bài thi thử một lần nữa để đánh giá lại. Điều quan trọng đó chính là sự luyện tập bền bỉ và người học phải luyện tập những nội dung và chiến thuật đã tích lũy được từ sách đủ nhiều để chúng trở thành bản năng tự nhiên của họ, khi đó họ sẽ thành công đối với mọi đề bài nghe và đọc dù dễ hay khó..
Tổng kết
Bài viết chỉ ra một số lỗi sai cơ bản của người học khiến họ chưa đạt tiến bộ rõ rệt trong quá trình học và từ đó review chi tiết hai quyển IELTS Trainer 1 và 2 và hướng dẫn cách học để giúp họ bức phá điểm số lên trên 8.0 cho hai kĩ năng này. Người học chỉ nên sử dụng những bộ sách chất lượng, nếu người học đã làm xong toàn bộ 16 quyển Practice Test cũng như IELTS Trainer mà vẫn chưa có tiến bộ rõ rệt thì họ cần tự đánh giá lại cách học sau mỗi lần làm đề. Tuy nhiên, ngoài việc luyện đề trong sách, người học vẫn phải chú trọng đến việc cải thiện từ vựng, luyện nghe và đọc thường xuyên qua báo chí, tin tức, phim ảnh và đời sống ngày thường.
Bình luận - Hỏi đáp