Banner background

Triển khai ý trong IELTS Writing Task 2 và mô hình tư duy What – Why – How

Mô hình What – Why – How đã được ứng dụng rộng rãi trong các mảng khác nhau trong cuộc sống, vì nó giúp con người làm rõ lại được mạch tư duy của họ. Mặc cho có nhiều biến dạng khác nhau (Why – How – What/ What – How – Why) tuỳ thuộc vào ngữ cảnh, thành phần quan trọng nhất trong các mô hình 3 câu hỏi này luôn là câu hỏi Why, vì nó thoả mãn một nhu cầu bản chất của con người – đó là việc luôn cần một lời giải thích cho mọi vấn đề trong cuộc sống, bất kể đó là gì hay như thế nào.
trien khai y trong ielts writing task 2 va mo hinh tu duy what why how

Nguyên nhân triển khai ý chưa hiệu quả trong IELTS Writing Task 2

Hiện nay, nhiều người học cho rằng kĩ năng Writing là kĩ năng khó ghi điểm nhất trong bài thi IELTS, với vấn đề chung xoay quanh việc triển khai ý nghe chưa đủ thuyết phục hoặc thiếu căn cứ lập luận.

Các sĩ tử IELTS ngày nay có thể tiếp cận được với nhiều cách thức để triển khai ý thông qua các nguồn trên Internet từ việc đưa ra ví dụ đến việc so sánh với những đối tượng khác để cho thấy ưu điểm, khuyết điểm, v.v. Tuy nhiên, bất kể trình độ tiếng Anh ở mức nào, quá nhiều sự lựa chọn trong việc triển khai ý sẽ gây bối rối cho người viết và khiến họ đặt một câu hỏi lớnrằngcách thức triển khai nào sẽ giúp họ hỗ trợ luận điểm mình tốt nhất.

Nguyên nhân gốc của vấn đề này là khi áp dụng những phương thức trên, người viết không hoàn toàn nhận thức được họ đang làm gì. Nói cách khác, họ chỉ biết những phương thức trên về mặt hình thức; như là muốn đưa ra ví dụ thì phải có cụm “For example”, chứ chưa thật sự hiểu về bản chất hay mục đích phục vụ đúng của những phương thức đó.

Mục đích của bài nghiên cứu học thuật này là nhằm đề ra một lối tư duy mà người viết có thể ứng dụng để hệ thống hoá cách mà họ triển khai ý tưởng của mình, theo một chiều hướng hợp lí và thuyết phục trong bài thi IELTS Writing Task 2. Nó được gọi là mô hình tư duy “What – Why – How”.

Mô hình tư duy What – Why – How

Giải thích mô hình tư duy What – Why – How

Mô hình tư duy What - Why - How
Mô hình tư duy What – Why – How

Trước khi mô hình tư duy What – Why – How được giải thích một cách chi tiết, một đề bài ví dụ được đưa ra với mục đích nhằm cung cấp cho độc giả một sự thấu hiểu (insight) thoạt tiên về cách mà mô hình này có thể giúp người viết xác định rõ yêu những cầu được đưa ra bởi đề bài và đáp ứng. Đề bài ví dụ như sau:

“In many less-developed countries, the gap in the standard of living between city and countryside is very large. Give reasons for this trend and suggest how the gap could be reduced?”

Ở ví dụ trên, mặc dù thông điệp của đề bài được thể hiện ở dạng câu mệnh lệnh, chúng luôn có thể được thể hiện lại theo dạng câu hỏi như sau:

“What are the causes?”

“What are the ways to reduce the gap?”

Câu hỏi được đặt ra cho người viết có từ hỏi là “What”, vậy bước đầu tiên để trả lời là phải chỉ ra trực tiếp đối tượng cụ thể (subject) mà sẽ trả lời cho What. Chẳng hạn:

  • The root cause of this ever bigger stratification is the unfair distribution of wealth among people.
  • “Unfair distribution of wealth” = “WHAT #1”

Về mặt hình thức, câu hỏi đặt ra đã được trả lời. Tuy nhiên, sẽ không đủ nếu chỉ dừng lại ở việc trả lời What, một bước nữa rất cần thiết là trả lời hai câu hỏi Why (so) và How (so) để đối tượng được đưa ra cho What có thêm cơ sở lập luận và mang tính thuyết phục. Hay nói cách khác, việc thông thường được gọi là triển khai ý chính là việc tìm câu trả lời cho hai câu hỏi Why và How.

Cụ thể hơn đối với trường hợp ở ví dụ trên là:

“Why does unfair distribution of wealth cause social stratification?”

“How does unfair distribution of wealth cause social stratification?”

Chỉ khi người viết trả lời được thêm hai câu hỏi này thì những luận điểm mới mang đủ tính thuyết phục.

  • Đối với câu hỏi What, được hiểu là cái gì và câu trả lời cho câu hỏi này nên là một danh từ chỉ một đối tượng cụ thể, trong ngữ cảnh học thuật thường là một sự vật, hiện tượng, lợi ích, khuyết điểm, v.v.
  • Đối với câu hỏi Why, được hiểu là tại sao và chính vì vậy câu trả lời cho câu hỏi này nên là một lời giải thích, lập luận – tức sẽ là một phần mở rộng từ luận điểm về mặt lý thuyết.
  • Đối với câu hỏi How, được hiểu là như thế nào sẽ cần câu trả lời là một cách thức chi tiết mà sự việc được đề cập tới xảy ra, và sẽ được trả lời tốt nhất với một ví dụ hay một fact.

Việc triển khai ý cần nhất thiết phải theo trình tự What – Why – How không?

Theo một cách lý tưởng, trình tự khi đưa ra một luận điểm nên là What – Why – How.

Sau khi đưa ra một luận điểm (What), người viết phải thuyết phục độc giả rằng tại sao (Why) anh ta lại có một luận điểm như vậy, nó có nền tảng từ đâu và xuất phát từ một quan điểm, lý thuyết gì. Sau đó khi đã có một sự vững vàng về mặt lập luận, người viết sẽ cần cung cấp thêm cho độc giả một sự rõ ràng bằng cách đi vào những chi tiết (How), điển hình nhất là bằng cách trích dẫn một trường hợp, có thể là một fact hay một example, mà sẽ minh chứng cho luận điểm vừa đưa ra.

Ví dụ: người viết được yêu cầu phải đề xuất một giải pháp cho hiện tượng nóng lên toàn cầu. Việc đưa ra một giải pháp chẳng hạn như là việc nâng cao nhận thức cộng đồng qua các chiến dịch mới chỉ giao tiếp được ý: “điều gì cần được làm? (1 – What)”. Giả sử trong một trường hợp thực tế, ta kêu gọi người khác làm một việc và ta chỉ nói họ là họ phải làm việc này, thì khả năng họ làm theo ý ta là rất thấp. Thứ đang thiếu ở đây để khiến cho họ có động lực làm điều đó là việc giao tiếp ý “tại sao phải làm như vậy? (2 – Why)”; bằng việc trả lời câu hỏi này một cách thuyết phục, người viết mới khiển giải pháp của mình trở nên hợp lí và được công nhận. Cuối cùng, người viết sẽ phải chỉ ra sự hiệu quả của giải pháp đó, tức “làm như vậy sẽ có một kết quả như thế nào? (3 – How)”

One of the feasible solutions for global warming is to raise public awareness through campaigns (1). Should residents have a clearer understanding of how their day-to-day activities impact the climate, they will, thus, become more responsible for their actions out of consideration for the atmosphere (2). For example, on the knowledge that the electricity necessary for activities on a daily basis is mainly produced from the burning of fossil fuels which gives off CO2 into the air, people will control their consumption behaviours more responsibly, in order to alleviate the effect of greenhouse gases (3).

Từ việc đọc ví dụ ở mục này, độc giả cũng có thể nhận thấy tác giả đã triển khai luận điểm của mình theo chiều What – Why – How. Đầu tiên, tác giả đã đưa ra luận điểm của mình là trình tự triển khai WWH. Sau đó, tác giả giải thích cho trình tự này và cuối cùng đưa ra một ví dụ với mục đích làm rõ ràng và dễ hiểu luận điểm của mình.

Trong việc triển khai ý, có thể chỉ cần trả lời duy nhất hoặc Why hoặc How được không? Giữa Why và How, câu hỏi nào quan trọng hơn?

Trong việc triển khai ý, về mặt lý tưởng thì nên có cả hai Why và How. Tuy nhiên, nếu chỉ có duy nhất một câu hỏi cần được trả lời thì câu hỏi đó nên là Why, bởi trong việc trả lời câu hỏi này người viết sẽ rút ra được lí lẽ mấu chốt cho luận điểm của mình.

Còn về How, người viết có thể đưa ra các ví dụ với tất cả các chi tiết cụ thể nhưng nếu từ đó độc giả không rút ra được lí lẽ mấu chốt thì việc triển khai ý của người viết sẽ thiếu hiệu quả. Điều đó đồng nghĩa với việc lúc này ví dụ mà người viết đưa ra không phục vụ được cho luận điểm và trở nên không liên quan.

Chính vì vậy, việc trả lời câu hỏi Why sẽ quan trọng hơn câu hỏi How và câu hỏi Why nên được trả lời trước tiên.

Hệ thống hoá lại những cách triển khai đã có sẵn vào hệ thống What – Why – How

Những cách triển khai mà người thi IELTS đã quen thuộc là:

  • Definition: đưa ra khái niệm cụ thể của một đối tượng, hoặc là tầng nghĩa (layer) nào của đối tượng đó mà người viết sẽ sử dụng trong bài viết.
  • Reason – result (Cause – effect): giải thích thêm cho đối tượng đưa ra trong luận điểm về nguyên lí hoạt động và hệ quả của nó mà sẽ liên quan đến hiện tượng đề cập ở trong đề.
  • Hypothesis: giả thuyết, lập luận bằng những câu điều kiện. Điển hình nhất là ở câu luận điểm sẽ nói đến tầm quan trọng hoặc lợi ích của đối tượng, và khi dùng hypothesis sẽ giả sử rằng nếu đối tượng vừa nhắc đến không được ứng dụng thì sẽ dẫn đến một hậu quả như thế nào. Thông thường thì tầm nghiêm trọng của hậu quả đó sẽ chứng minh được cho tầm quan trọng của đối tượng ở luận điểm.
  • Comparison: so sánh đối tượng ở luận điểm với một loại hình đối tượng khác và từ sự so sánh đó rút ra được ưu điểm, khuyết điểm của đối tượng đang xét.
  • Fact: đưa ra một trường hợp đã xảy ra, đang xảy ra và vẫn sẽ tiếp tục xảy ra và được chấp nhận một cách khách quan là lẽ phải. Trường hợp này cần phải phục vụ được cho luận điểm.
  • Example: đưa ra một ví dụ cụ thể cho đối tượng trong luận điểm. Nếu luận điểm mang tính khách quan và đại khái thì ví dụ phải mang tính cụ thể, rõ ràng.

Những phương thức triển khai trên có thể được sắp xếp vào riêng từng loại mục What – Why – How trong hệ thống dựa trên mục đích phục vụ của chúng. Tác giả gợi ý một cách sắp xếp theo hệ thống như sau:

Mô hình triển khai ý trong IELTS Writing What - Why - How
Mô hình triển khai ý trong IELTS Writing What – Why – How

Kết luận

Mô hình What – Why – How đã được ứng dụng rộng rãi trong các mảng khác nhau trong cuộc sống, vì nó giúp con người làm rõ lại được mạch tư duy của họ. Mặc cho có nhiều biến dạng khác nhau (Why – How – What/ What – How – Why) tuỳ thuộc vào ngữ cảnh, thành phần quan trọng nhất trong các mô hình 3 câu hỏi này luôn là câu hỏi Why, vì nó thoả mãn một nhu cầu bản chất của con người – đó là việc luôn cần một lời giải thích cho mọi vấn đề trong cuộc sống, bất kể đó là gì hay như thế nào.

Trong ngữ cảnh văn viết học thuật, cụ thể hơn là IELTS, mô hình tư duy What – Why – How có thể được ứng dụng không chỉ đề triển khai ý, mà hơn thế nữa, nó còn có thể giúp người viết phân tích đề bài và xác định rõ những yêu cầu của nó; từ đó giúp người viết hiểu họ cần phải làm gì, họ sẽ làm như vậy dựa trên cơ sở nào và ở dưới hình thức nào.  Sự ứng dụng cho từng loại đề cụ thể trong IELTS Writing Task 2 sẽ là nội dung nối tiếp bài nghiên cứu học thuật này.

Tác giả: Đăng Duy – Giảng viên tại ZIM

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...