6 cách kéo dài câu trả lời hiệu quả trong IELTS Speaking Part 1
IELTS Speaking Part 1 là bài thi đầu tiên của phần Speaking. Tuy dưới hình thức như cuộc trò chuyện thân mật về những chủ đề gần gũi, nhưng thí sinh cũng không tránh khỏi gặp phải một số vấn đề như bí ý tưởng, không biết phát triển ý, dẫn tới trả lời ngắn, chưa khai thác hết câu hỏi. Trong khi đó, việc có một câu trả lời đầy đủ, sinh động chính là yếu tố ăn điểm của phần thi. Chính vì vậy, bài viết sẽ hướng dẫn thí sinh chiến lược trả lời câu hỏi và cách làm sao để kéo dài câu trả lời một cách khéo léo, từ đó dễ dàng chinh phục phần thi này.
Key takeaways
Thí sinh thường chỉ trả lời thẳng vào câu hỏi mà không giải thích thêm cho câu trả lời, điều này thể hiện được việc thí sinh chưa biết cách khai thác câu hỏi và phát triển ý để thuyết phục ban giám khảo.
Áp dụng chiến lược Direct Answer (Câu trọng tâm) + Explanation (Câu diễn giải) và một số cách phát triển ý, kéo dài câu trả lời sẽ giúp thí sinh có một câu trả lời đầy đủ và gây ấn tượng với ban giám khảo
Tổng quan và chiến lược trả lời IELTS Speaking Part 1
IELTS Speaking Part 1 là bài thi đầu tiên của phần thi nói. Thường bài thi này sẽ kéo dài từ 4 tới 5 phút. Phần thi này có hình thức như cuộc phỏng vấn nhỏ, giám khảo sẽ hỏi thí sinh khoảng 8-10 câu về những chủ đề quen thuộc hàng ngày. Từ đó, giám khảo chấm thi có thể biết được thông tin cơ bản của thí sinh.
Ở phần này giám khảo sẽ hỏi thí sinh những chủ đề như:
House (nhà cửa);
Family (gia đình);
Work or study (công việc hoặc học tập);
Hometown (quê hương);
Things you like or don’t like (Điều bạn thích hoặc không thích);
Your favorite (sở thích của bạn).
Vì chủ đề quen thuộc và có tính cá nhân, thí sinh không cần mang văn phong hùng biện hay học thuật vào bài thi Speaking part 1. Hãy cứ thả lòng và trả lời trực diện đến câu hỏi của giám khảo.
Tuy nhiên, tưởng chừng là quen thuộc nhưng thí sinh vẫn mắc một số sai lầm trong phần thi này như đưa ra câu trả lời quá ngắn do bí ý tưởng hoặc trả lời lan man dài dòng do không biết liên kết nội dung.
Ví dụ: Câu hỏi “Are you living in a flat or an apartment”
Một thí sinh trả lời như sau: “I'm living in an apartment”
Câu trả lời này đúng trọng tâm, tuy nhiên quá ngắn và khá cụt, dễ gây hụt hẫng và không đặc sắc để ghi điểm trong mắt ban giám khảo.
Bên cạnh đó, một thí sinh khác có câu trả lời như sau: “I'm living in an apartment. It is in the centre of the city. I live with my family and 2 cats. My house is beautifully decorated with many modern items.”
Đây là câu trả lời dài và cung cấp thêm khá nhiều thông tin cho ban giám khảo. Tuy nhiên, câu trả lời này khá thiếu liên kết, mang cảm giác ngắt quãng và không trôi chảy. Hơn thế, đối với câu hỏi đơn giản như thế này, cách trả lời như vậy khá mất thời gian và chứa nhiều thông tin không cần thiết, vì thế điều này sẽ dẫn đến mất điểm cho thí sinh.
Từ ví dụ trên, có thể thấy là các yếu tố trôi chảy, mạch lạc là vô cùng quan trọng để đánh giá chất lượng phần thi này. Câu trả lời không chỉ đơn thuần trả lời đúng trọng tâm của câu hỏi mà còn yêu cầu sự mở rộng ý và sự liên kết, mạch lạc giữa các ý đấy với nhau. Vì thế mỗi một câu trong cấu trúc đều có một chức năng khác nhau để phục vụ mục đích làm rõ thông tin cho câu trả lời. Độ dài tiêu chuẩn của một câu trả lời trong Part 1 nên kéo dài từ 2-4 câu.
Vì vậy, chiến lược để trả lời câu hỏi phần thi này đó là thí sinh nên dành khoảng 30 giây để trả lời mỗi câu hỏi, và mỗi câu trả lời sẽ khoảng từ 2-4 câu, gồm hai phần riêng biệt:
Direct answer: Trả lời trực diện đến câu hỏi của giám khảo (1 câu)
Explanation: Diễn giải, phát triển, cung cấp thêm các thông tin (2-3 câu)
Nhìn vào cấu trúc trả lời trên, 2 phần Direct answer và Explanation luôn cần thiết trong các câu trả lời để đảm bảo câu trả lời giải quyết được câu hỏi, cũng như đáp ứng tiêu chí của phần thi. Câu trả lời theo cấu trúc này sẽ giúp thí sinh ăn điểm tối đa vì Direct answer sẽ trả lời đúng câu hỏi còn Explanation sẽ làm sáng tỏ vấn đề và làm tăng tính mạch lạc.
Ví dụ: Câu hỏi “Do you wear a watch?”
Thay vì trả lời “No, I don’t" ngắn ngủi thì thí sinh có thể tham khảo trả lời theo cấu trúc trên: “No, not really. That's because I feel uncomfortable when I wear one. Besides, I carry my cell phone all the time, so I can check the time on it.”
Đây là câu trả lời phù hợp về cả mặt độ dài, thời gian và ngữ nghĩa. Ở câu trên, câu 1 là câu trả lời trọng tâm, trực diện vào câu hỏi còn câu thứ 2 là câu kéo dài với mục đích diễn giải, giải thích lý do vì sao thí sinh không thích đeo đồng hồ. Cách trả lời này rất rõ ràng, khiến mạch ý trôi chảy hơn, dễ hiểu và gây dấu ấn cho ban giám khảo.
Tuy nhiên, thí sinh cũng dễ gặp phải tình trạng bí ý tưởng, không biết phát triển ý ở phần Explanation, dẫn đến câu trả lời ngắn như các ví dụ trên. Vì vậy, để giúp thí sinh dễ dàng diễn giải câu trả lời hiệu quả và liên kết hơn trong phần thi nói đầu tiên, bài viết sẽ cung cấp 9 cách diễn giải câu trả lời để thí sinh có thể tham khảo.
6 cách kéo dài câu trả lời IELTS Speaking part 1
Nêu cảm nhận, ý kiến cá nhân
Thí sinh có thể dễ dàng mở rộng câu trả lời bằng cách biểu đạt ý kiến, cảm xúc về câu hỏi. Điều này sẽ khiến câu trả lời thú vị và mang tính thuyết phục hơn.
Ví dụ: ''What do you like to do in your spare time?''
Thông thường thí sinh sẽ gặp vấn đề đó là trả lời ngắn như “I like shopping". Tuy nhiên cách trả lời này chưa đủ và khá cụt, vì thế thí sinh nên áp dụng cấu trúc trên và bổ sung thêm khoảng 2-3 câu để diễn giải ý trọng tâm bằng cách đưa ra cảm nhận, ý kiến cá nhân về ý đang muốn truyền đạt.
Vì vậy, với câu trả lời được kéo dài hơn, thí sinh có thể trả lời: ‘I like shopping because I love trying on new clothes and I always feel more confident when I’m wearing a new outfit.”
Nêu những chi tiết tương phản
Đưa ra những chi tiết đối lập cũng là cách để kéo dài câu trả lời. Khi đưa ra được sự tương phản như thế không chỉ giúp câu trả lời đặc sắc hơn mà còn cho thấy góc nhìn đa chiều của thí sinh.
Một số cụm từ phổ biến thí sinh có thể sử dụng để cho thấy sự đối lập: on the other hand, however, but, in contrast, at the same time, although,...
Ví dụ: Câu hỏi “Do you enjoy your job?”
Với câu trả lời ngắn, thí sinh thường sẽ trả lời như “Yes, It is interesting". Nhưng để khiến câu trả lời đầy đủ, thu hút hơn và ghi dấu ấn, thí sinh có thể kéo dài bằng cách đưa ra những mặt tốt và mặt trái của công việc như câu trả lời sau “My job is in customer-service, so it’s interesting to meet plenty of new people each day. At the same time, it’s also a little exhausting to be on my feet for hours”
Kết hợp nhiều chi tiết
Thay vì trả lời câu ngắn gọn, thí sinh có thể bổ sung một số chi tiết liên quan đến ý đang được đề cập. Những chi tiết thí sinh có thể bổ sung đó là thời gian, địa điểm, con người,... miễn là nó liên quan và hỗ trợ giải thích được ý mà thí sinh đang nói đến.
Và ở đây những cấu trúc, cặp từ nối như “and, also, with, moreover, then, in addition, furthermore, to be more specific, in fact,...” đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc khiến câu trả lời mạch lạc và gắn kết hơn. Đồng thời, thí sinh cũng cần lưu ý, khi bổ sung thêm các chi tiết cũng cần đi từ cái chung đến cái cụ thể để đảm bảo mạch ý hợp lý, và cũng không được lạm dụng quá nhiều chi tiết mà khiến câu trả lời trở nên lan man, dài dòng. Thí sinh chỉ bổ sung thêm chi tiết dừng ở 2-3 câu.
Ví dụ: “What do you often do on weekends?”
Một số câu trả lời ngắn thường là “I often clean my house”. Tuy nhiên, câu trả lời sẽ trở nên đầy đặn hơn nếu thí sinh biết kết hợp thêm một số ý bổ sung để chi tiết việc dọn dẹp như đi lúc nào, ở đâu, làm cùng ai, sau đấy làm những gì,...
Thí sinh có thể tham khảo câu trả lời sau:
“At the weekend, I often clean my house and cook for my family. In addition, I also spend time talking with my parents about work and life”
So sánh với quá khứ
Cũng tương tự như đưa ra những chi tiết tương phản, ở đây thí sinh sẽ so sánh hiện tại với quá khứ. Thí sinh có thể sử dụng cụm từ “used to" để nói về những gì đã từng có, từng làm để đặt trong thế so sánh với hiện tại.
Ví dụ: Câu hỏi “What do you want to be in the future?”
Thí sinh thường có thể trả lời ngắn như là “I want to become a teacher”. Nhưng để khiến câu trả lời có chiều sâu hơn, thí sinh có thể diễn giải thêm ý đấy bằng cách so sánh ước mơ trước đây và hiện tại khác nhau như thế nào, đồng thời kết hợp lý do dẫn tới quyết định đó ở hiện tại. Thí sinh có thể trả lời như sau: “I used to wish to become a businesswoman when I was young, but I gradually fall in love with kids and decide to become a teacher”
Nêu ý định tương lai
Bên cạnh đề cập về quá khứ, thí sinh cũng có thể thêm thắt những ý định tương lai với câu trúc “will + verb" hay “be going to + verb", kết hợp với một số cụm từ như “in the future, hopefully,...)
Ví dụ: “Do you get on well with your coworkers?”
Với những câu trả lời ngắn thì thí sinh thường trả lời như “No, I'm not". Tuy nhiên cách trả lời này là quá ngắn và chưa khai thác hết câu hỏi, vì vậy, bên cạnh ý trọng tâm như trên, thí sinh có thể diễn giải thêm bằng cách bày tỏ ý định tương lai về vấn đề trên như sau “My coworkers and I aren’t close, but we always work together in a professional way. However, they seem very likeable, and I’d be open to getting to know them better going forward”
Đưa ra ví dụ
Đưa ra dẫn chứng, ví dụ là một cách hay để khiến câu trả lời sinh động, đáng tin và dễ hiểu hơn. Và khi có ví dụ, thí sinh sẽ dễ dàng trình bày phần thi một cách tự nhiên, dẫn dắt ban giám khảo tốt hơn. Ví dụ có thể xuất phát từ trải nghiệm cá nhân hay bất cứ thông tin, nội dung gì thí sinh biết, miễn là nó liên quan, gắn bó với câu chuyện, chủ đề đang được đề cập.
Ví dụ: “Do you get along with your brothers?”
Thí sinh có thể thường trả lời ngắn như sau “No, we’re not". Nhưng nếu thí sinh thêm ví dụ minh hoạ diễn giải cho lý do vì sao mối quan hệ hai anh em không gắn bó sẽ khiến câu trả lời tự nhiên hơn, vui hơn và gây ấn tượng với ban giám khảo.
Thí sinh có thể trả lời như sau “No, we’re not into the same things, like when we are both watching TV we always fight about what show to watch”
Bên trên là một số cách để kéo dài câu trả lời cho phần Explanation của phần thi IELTS Speaking Part 1. Thí sinh hoàn toàn có thể kết hợp nhiều cách với nhau để khiến câu trả lời trở nên đầy đủ, sinh động hơn nhưng lưu ý phần diễn giải Explanation chỉ nên dừng ở 2-3 câu.
Bài tập vận dụng
Bằng cách áp dụng cấu trúc trả lời câu hỏi Direct Answer (Câu trọng tâm) + Explanation (Câu diễn giải) và một số cách để kéo dài câu trả lời cho phần Explanation như trên, thí sinh có thể luyện tập với một số câu hỏi sau đây:
Câu hỏi: What types of clothes do you wear?
Gợi ý:
Câu trọng tâm: Well, I prefer casual clothes.
Đây là phần trả lời trực tiếp vào câu hỏi, nêu thẳng vào loại quần áo mà thí sinh thích.
Câu diễn giải: This is due to the fact that I feel comfy and flexible when wearing them. A pair of jeans is my go-to item since I can easily mix and match with a T-shirt and sneakers.
Câu diễn giải trên đã bổ sung thêm ý giải thích vì sao thí sinh thích casual clothes bằng cách thêm thắt cảm nhận, ý kiến cá nhân và lấy ví dụ cho câu trọng tâm.
Với câu hỏi này, thí sinh có câu hoàn chỉnh như sau: “Well, I prefer casual clothes. This is due to the fact that I feel comfy and flexible when wearing them. A pair of jeans is my go-to item since I can easily mix and match with a T-shirt and sneakers”
Câu hỏi: What could you do to be healthier?
Gợi ý:
Câu trọng tâm: Personally, getting some exercise truly benefit my health a lot.
Câu diễn giải: I used to be obese due to overconsumption of junk food. However, since then, I started being conscious of my health and trying to take on stretching and swimming to keep fit.
Câu diễn giải trên đã bổ sung thêm ý giải thích bằng cách thêm sự so sánh với quá khứ và lấy ví dụ cho câu trọng tâm.
Câu hoàn chỉnh cho câu hỏi này như sau: “Personally, getting some exercise truly benefit my health a lot. I used to be obese due to overconsumption of junk food. However, since then, I started being conscious of my health and trying to take on stretching and swimming to keep fit.”
Câu hỏi: How often do you read a book or magazine?
Gợi ý:
Câu trọng tâm: Normally before sleep or on the weekends.
Câu diễn giải: Reading is my way of relieving after hours of study since it truly brings peace to my mind.
Câu diễn giải trên đã bổ sung thêm ý giải thích bằng cách nêu cảm nhận, ý kiến cá nhân về vấn đề được đề cập
Câu hoàn chỉnh cho câu hỏi này như sau: “Normally before sleep or on the weekends. Reading is my way of relieving after hours of study since it truly brings peace to my mind.”
Tham khảo: Tổng hợp bài mẫu IELTS Speaking Part 1: 26 chủ đề phổ biến nhất phần – IELTS Speaking Part 1
Tổng kết
IELTS Speaking Part 1 là phần thi tương đối thoải mái, liên quan đến những chủ đề xung quanh thí sinh nhưng không vì thế mà thí sinh chủ quan. Phần thi yêu cầu sự tự nhiên, trôi chảy, mạch lạc trong câu trả lời để từ đó chứng tỏ được khả năng tiếng Anh của thí sinh. Vì vậy, để cải thiện những khó khăn về việc phát triển ý tưởng cho câu trả lời, bài viết đã cung cấp chiến lược trả lời câu hỏi cũng như một số cách mở rộng ý cho phần thi IELTS Speaking Part 1, từ đó hy vọng có thể giúp thí sinh đa dạng ý tưởng, tạo ra những câu trả lời vừa đầy đủ vừa gây ấn tượng.
Võ Thị Diệu Thảo
Bình luận - Hỏi đáp