Banner background

7 phương pháp học tiếng Anh phổ biến (Phần 1)

Series bài viết này sẽ giới thiệu, phân tích từng cách học trên để người học có thể đạt hiệu quả tốt nhất dựa trên phương pháp của chính mình. Phần 1 đi sâu vào trong 4 phương học đầu tiên, bao gồm: Thị giác – Không gian; Thính giác – Âm nhạc; Giao tiếp – Ngôn ngữ và Vận động.
7 phuong phap hoc tieng anh pho bien phan 1

“Mỗi người học có một phương pháp học tiếng Anh khác nhau” là câu khá phổ biến khi bàn luận về việc làm sao để học tập hiệu quả nhất. Ý tưởng về khái niệm “cá nhân hóa” phương pháp học cho từng nhóm người khác nhau đã được thai nghén từ thập niên 70 của thế kỉ trước mà trong đó, Neil Fleming là một trong những người tiên phong. Ông đã nghiên cứu và chia các phương pháp học thành 4 nhóm chính và tổng hợp lại trong một mô hình gọi là VAK/VARK: hình tượng (visual), thính giác (auditory), đọc-viết (read-write) và vận động (kinesthetic). Trong đó, visual, auditorykinesthetic được xem là cơ bản nhất vì đây là những phương pháp được đặt nền tảng đầu tiên.

Về sau, nhà tâm lý học Howard Gardner đã hoàn thiện nghiên cứu của Fleming bằng việc khái quát hoá 4 phương pháp trên, đồng thời mở rộng thêm 3 phương pháp mới. 7 phương pháp học này dần dần được xem là khung định hình (framework) cho việc nghiên cứu tâm lí cũng như giáo dục, bao gồm:

7-phuong-phap-hoc-tieng-anh-pho-bien-phan-17 phương pháp học tiếng Anh phổ biến

Series bài viết này sẽ giới thiệu, phân tích từng phương pháp học trên để người học có thể đạt hiệu quả tốt nhất dựa trên phương pháp học tiếng Anh của chính mình. Phần 1 đi sâu vào trong 4 phương pháp học tiếng Anh đầu tiên, bao gồm: Thị giác – Không gian; Thính giác – Âm nhạc; Giao tiếp – Ngôn ngữ và Vận động.

Phương pháp học thị giác – không gian (Visual – Spatial)

Khái niệm

“Học qua thị giác” là phương pháp Fleming ban đầu định nghĩa phương pháp học này. Chính Gardner đã khái quát định nghĩa này lên thành “có tố chất về tư duy không gian”.

Đây là phương pháp học tiếng Anh cơ bản nhất trong mô hình VAK/VARK. Một bài viết của Forbes khi bàn luận về infographic đã nhận định con người là một “sinh vật mang nặng tính tri nhận” – nghĩa là con người rất nhạy và dễ bị ấn tượng bởi hình ảnh. Cụ thể hơn, một thống kê của Social Science Research Network đã chỉ ra rằng những người theo phương pháp học này chiếm tới 65% và được gọi là “những người học bằng thị giác” (visual learners).

Nhận biết & lợi thế

Theo trang Inspireeducation, nếu người học thấy mình thường xuyên vẽ nguệch ngoạc trên tờ giấy nháp – đôi khi là trong vô thức khi đang suy nghĩ mông lung một điều gì đó – rất có thể người học thuộc nhóm những người có thể tiếp nhận kiến thức tốt hơn theo phương pháp học này.

Đa số những người thuộc phương pháp tri nhận – không gian tiếp thu thông tin hiệu quả nhất thông qua các biểu đồ, bản đồ hay mô hình,… Ngoài ra họ cũng dễ dàng ghi nhớ thông tin hơn khi tiếp xúc với các kích thích thị giác khác, ví dụ như là video hoặc trình chiếu. Một số khác đặc biệt nhạy bén với hình học không gian.

Ngoài ra, nhóm người này sẽ nhận thấy việc liên kết các ý tưởng, khái niệm được hình thành một cách tự nhiên nhất qua việc “sơ đồ hoá” trên mặt giấy. Điều này được giải thích rằng “trí nhớ hình ảnh” (visual memory) của những người thuộc nhóm này rất mạnh – giúp lưu trữ hình ảnh đã quan sát theo cách riêng, và tự động được “trưng ra” khi cần thiết.

phuong-phap-hoc-tieng-anh-visual-learningPhương pháp học visual learning

Những visual learners cũng được cho là những người có khả năng tập trung cao và khó bị xao nhãng.

Tóm lại, nếu là một visual learner, việc hình ảnh hoá, sơ đồ hoá,… hoặc tham khảo thêm những video, trình chiếu khi học một thứ gì đó sẽ có thể giúp nâng cao hiệu suất ghi nhớ và hoạt động.

Phương pháp học thính giác – âm nhạc (Auditory – Musical)

Khái niệm

Những người học bằng thính giác có khả năng ghi nhớ tốt thông qua việc lắng nghe. Không chỉ thế, ngoài khía cạnh học thuật, những nghiên cứu chỉ ra rằng những người học thuộc phương pháp này thường là người lắng nghe người đối diện nói trong một cuộc hội thoại. Nhạy bén với âm nhạc cũng là một khía cạnh nổi bật của những người thuộc kiểu học này. Theo một nghiên cứu, trí nhớ thính giác cũng gần như song hành với yếu tố thị giác trong mỗi người, minh chứng qua việc có vài người thường nhớ lời bài hát dù chỉ thụ động nghe qua một vài lần.

Đây cũng là một phương học tiếng Anh cơ bản và phổ biến trong mô hình VAK/VARK. Những người theo phương pháp học này bày tỏ rằng họ cảm giác những sơ đồ, hình học hay biểu đồ đối với họ rối rắm hơn việc được nghe chúng miêu tả bằng lời – gần như ngược lại hoàn toàn với phương pháp học Thị giác – Không gian. Những người thuộc cách này được gọi là phương pháp auditory learners.

Nhận biết & lợi thế

Như được trình bày bên trên, nếu nhận thấy bản thân có xu hướng là người nghe trong một cuộc hội thoại, hoặc cảm giác bản thân có thể tiếp nhận thông tin thuận lợi, dễ dàng và logic hơn khi được “nghe” diễn tả hoặc thuật lại bằng lời, có thể lựa chọn phương pháp học tiếng Anh này.

Lợi thế dễ thấy của những auditory learners làm việc thuận tiện trong phương pháp tiếp thu những kiến thức mới. Nếu yêu cầu và thiên phú của visual learners là việc tập trung cao độ vào những kích thích thị giác, việc auditory learners cần làm chỉ là lắng nghe và lắng nghe. Những người này có thể tinh giản hoá quá trình tiếp thu kiến thức mới qua việc lắng nghe podcast, audio book,… hoặc đơn cử là ngồi nghe giảng bài.

phuong-phap-hoc-tieng-anh-auditory-learningPhương pháp học auditory learning

Nói cách khác, quá trình tiếp thu của những người thuộc tuýp này tuy thụ động hơn visual learners, nhưng bù lại người học có thể phần nào “đa nhiệm” hơn. Những người học kiểu này cũng được cho rằng đôi khi cần lặp đi lặp lại một vấn đề hay bài giảng để những thông tin có thể “in sâu” vào trong trí nhớ. Tương tự như kiểu học thuộc lòng.

Ngoài khía cạnh học thuật và xã hội, cảm âm cũng là một năng khiếu được cho của người thuộc phương pháp này. Tóm lại, đôi tai chính là thiên phú của những người thuộc nhóm auditory learning.

Phương pháp học ngôn ngữ (Verbal – Linguistic)

Khái niệm

Ban đầu, Fleming không bao gồm phương pháp học này vào trong mô hình (mô hình ban đầu được gọi là VAK – tức Visual – Auditory – Kinesthetic). Nhưng các nghiên cứu về sau, ông nhận định đây tuy là một phương pháp học tiếng Anh khá “truyền thống”, nhưng vẫn hợp với một nhóm người nhất định.

Về sau, Gardner mở rộng phương pháp này ra, không chỉ bó hẹp trong đọc-viết (Read-write) đơn thuần, mà khái quát hoá thành phương pháp học thuộc lời nói và ngôn ngữ. Tức là người học thuộc phương pháp này sẽ thuận tiện nhất khi tiếp thu kiến thức mới khi họ thể hiện chúng qua ngôn ngữ – có thể là viết hoặc nói. Trong bài viết này, phương pháp thể hiện của nhóm người này sẽ được gọi chung là thuyết trình. Những người theo phương pháp học này được gọi là verbal learners. 

Nhận biết & lợi thế

Một phương pháp đơn giản, nếu thích viết và đọc, hoặc rộng hơn là thói quen viết nhật kí hay đọc sách, khả năng cao người học thuộc verbal learning. Những verbal learners có xu hướng tìm tòi nghiên cứu những khái niệm, kiến thức mới trên nền tảng đã biết. Ví dụ dễ thấy là việc hay đọc báo, thay vì xem thời sự.

Những kỹ năng thường được sử dụng là ghi nhớ, viết thảo (scripting), đóng vai (role-play) và những hoạt động khác, miễn là bao gồm nói và viết.

Những người thuộc verbal learners sẽ cảm gi ác nắm vững kiến thức đã biết hơn thông qua việc giảng lại cho người khác. Người thuộc phương pháp này và phương pháp auditory learning có thể hỗ trợ nhau hiệu quả trong việc học tập.

phuong-phap-hoc-tieng-anh-verbal-learningPhương pháp học verbal learning

 Một đặc điểm nhận dạng khác của kiểu người học thuộc tuýp này, dù không phổ biến – là khả năng vận dụng các từ vựng một cách thuần thục và sáng tạo đến mức kỳ lạ, nhưng đồng thời lại có thể làm người nghe hiểu và mường tượng được rõ ràng tính chất của từ, ví dụ:

They are whooshing to the bus station.

He is sculptured.

Có thể nói, verbal learners có khả năng dễ dàng diễn tả mọi thứ bằng lời.

Lợi thế của verbal learners thể hiện rõ ràng nhất qua những nghề như luật sư, đảng viên chính trị, nhà báo hay nhà văn. Đó là những người nói và viết tốt, khả năng lập luận thuyết phục và dẫn dắt, cấu trúc hợp lý, logic. Nếu được khen có tài ăn nói, có khả năng cao người học thuộc nhóm phương pháp này.

Có thể nói, đây là những người có khả năng bẩm sinh với ngôn từ. Do đó, họ được xem là những người thiên bẩm trong việc học ngôn ngữ.

Phương pháp học vận động (Physical – Kinesthetic)

Physical – Kinesthetic là gì

Phương pháp học Vận động Physical – Kinesthetic là một phương pháp khá đặc biệt so sánh với các phương pháp học còn lại. Nếu nói những cách học khác là phương pháp tư duy (thinker), người học theo phương pháp vận động sẽ học qua những gì họ làm (do-er).

Nếu đã từng tham gia các khóa tiếng Anh vỡ lòng cho các bé khoảng 6-10 tuổi, người học có thể dễ dàng nhận thấy đa phần việc học sẽ gắn liền với những hoạt động, các trò chơi mang tính vận động ví dụ những học viên phải đập bảng đúng vào hình thể hiện từ vựng giáo viên đọc lên. Đây là một hình thức game kết hợp giữa Visual learningKinesthetic learning

Dù phương pháp học vận động có thể phổ biến ở những lứa tuổi nhỏ vì một phần các học viên ở lứa tuổi này chưa được hình thành một phương pháp học nhất định, phần khác vì đây là phương pháp học tiếng Anh dễ áp dụng cho phương pháp “học mà chơi, chơi mà học”, nhưng trên thực tế, phương pháp học tiếng Anh này không phổ biến khi nói đến khía cạnh học thuật – chỉ khoảng hơn 5% dân số thế giới thuộc phương pháp này.

Tóm lại, những người theo phương pháp học vận động (gọi là kinesthetic learners) sẽ học tốt nhất qua việc thực hành.

kinesthetic-la-giPhương pháp học kinesthetic learning

Nhận biết & lợi thế

Như đã trình bày, thay vì học từ lý thuyết hay xem người khác thực hành, demo, những kinesthetic learners thường muốn tự bắt tay vào việc vào học dần lý thuyết trong quá trình làm.

Dù rằng những người thuần theo phương pháp học vận động chiếm không nhiều, nhưng có điểm đặc biệt là phương pháp này dễ dàng “tích hợp” chung với các phương pháp đã được trình bày bên trên. Do đó, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy người học phần nào thuộc phương pháp học tiếng Anh này:

  • Vừa rung đùi vừa làm gì đó khác (ví dụ như đọc bài viết này hoặc đang làm bài)

  • Có thói quen quay bút, quay tập, gõ bàn, cắn bút,… khi đang suy nghĩ hoặc nói chuyện

  • Lẩm bẩm không thành tiếng khi học thuộc lòng

  • Cảm giác tư duy nhanh hơn và tốt hơn khi hoạt động thân thể

  • Có thói quen ghi nhớ bằng cách ghi thẳng lên lòng bàn tay mình

  • Chạm vào bất cứ thứ gì bạn thấy (ví dụ như hàng hóa trong siêu thị) một cách tự động mà không nhận ra

Ngoài khía cạnh học thuật, những người thuộc phương pháp kinesthetic thường hứng thú với những công việc như cứu hỏa, cảnh sát, vận động viên hay thuộc ngành dịch vụ như pha chế,…

Ngoài ra, nếu nhận ra bản thân có năng khiếu chơi thể thao hoặc nhạc cụ, rất có thể người học cũng thuộc nhóm kinesthetic learning. Giống như trí nhớ hình ảnh (visual memory) đối với visual learners, những người thuộc nhóm kinesthetic learning cũng có thiên phú trong “trí nhớ cơ bắp” (muscle memory). Một ví dụ là có những người sẽ học cách đánh máy nhanh (quicktype) nhanh hơn so với những người khác.

Lợi thế của người học thuộc nhóm này là quá trình học sẽ đồng bộ và phần nào thú vị hơn so với những nhóm còn lại, “học mà không học”. Việc tiếp thu đồng thời cả lý thuyết lẫn thực hành giúp họ minh mẫn nhìn nhận và bóc tách vấn đề hơn so với việc học lý thuyết và thực hành riêng lẻ. Hơn thế nữa, những người thuộc kinesthetic learning cũng được cho là có thái độ làm việc, học tập và tham gia các hoạt động hăng hái hơn các nhóm khác, góp phần nâng cao hiệu suất làm việc và học tập. Những người thuộc nhóm học này cũng được cho là có khả năng tự mày mò tìm hiểu cao.

Điểm yếu của nhóm người này là dễ chán nản và bào mòn nếu tham gia vào các hoạt động hoặc môn học mang nặng tính lý thuyết, như nghiên cứu ngôn ngữ, phân tích, đánh giá chuyên môn (ví dụ phim ảnh, nghệ thuật,…). Do đó, người học cần tìm kiếm những chuyên ngành cũng như phương thức học phù hợp.

Tổng kết

Bài viết ở phần này đã giới thiệu, phân tích cũng như hướng dẫn nhận biết cho từng phương pháp và áp dụng  cụ thể cho bốn phương pháp học tiếng Anh đầu tiên. Mỗi người học – không chỉ trong việc học ngôn ngữ – cần lưu ý rằng không có phương pháp học nào tối ưu nhất, chỉ có phương pháp  học nào phù hợp với bản thân nhất.

Bốn phương pháp học tiếng Anh đã đề cập bao gồm:

  • Thị giác – Không gian (Visual – Spatial)

  • Thính giác – Âm nhạc (Auditory – Musical)

  • Ngôn từ (Verbal – Linguistic)

  • Vận động (Physical – Kinesthetic)

Ở bài viết sau, tác giả sẽ giới thiệu, phân tích, hướng dẫn nhận biết và đưa ra phương pháp áp dụng cho 3 phương pháp còn lại, cũng như sẽ đề cập đến việc các cách giao thoa với nhau và phân tích tại sao phải tìm ra phương pháp học tiếng Anh phù hợp nhất với bản thân.

Ngô Thảo

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...