Áp dụng công nghệ vào cải thiện kĩ năng Reading hiệu quả
Việc áp dụng công nghệ vào giáo dục, hay cụ thể là trong việc dạy và học tiếng Anh đã không còn trở nên quá xa lạ. Chính sự tiện dụng, sẵn có và đa dạng của các phương tiện và tài liệu học đã ngày càng thu hút sự chú ý của người học, đặc biệt trong thời điểm hiện tại khi dịch bệnh COVID-19 đang khiến cho phương pháp học truyền thống vô cùng khó khăn và đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho việc tự học hay học trực tuyến có thể phát triển mạnh mẽ. Tác giả sẽ chỉ ra những phương tiện cũng như cách thức mà người đọc có thể áp dụng để có thể tự tạo cho mình một môi trường tự luyện tập và nâng cao kĩ năng đọc hiểu tiếng Anh của bản thân.
Key Takeaways
1. Các phương tiện giúp cải thiện kĩ năng đọc hiểu tiếng Anh
a. E-books và các phương tiện hỗ trợ: Khắc phục được gần như toàn bộ nhược điểm của sách giấy truyền thống, trong đó lớn nhất phải kể đến là việc xóa bỏ rào cản về mặt địa lý và tăng khả năng tiếp cận đến các đầu sách.
b. Báo mạng: Cung cấp người học không chỉ nguồn từ vựng dồi dào mà cả nguồn kiến thức nền về mọi lĩnh vực trong đời sống.
2. Để có thể áp dụng các phương tiện trên một cách hiệu quả, người học cần tạo cho mình một thói quen đọc mọi lúc mọi nơi, đọc kết hợp tận dụng tối đa các phần mềm hỗ trợ, luyện tập đọc kết hợp đoán nghĩa từ và trang bị cho mình một cuốn sổ hay một ứng dụng ghi chú để có thể ghi lại các từ đã học được.
Các phương tiện giúp cải thiện kĩ năng đọc tiếng Anh (áp dụng cho trình độ IELTS 5.5 trở lên.)
Để có thể nâng cao kĩ năng đọc, việc hiển nhiên người học cần phải làm là tiếp xúc với các loại thông tin viết bằng tiếng Anh để có thể nâng cao tốc độ đọc, nâng cao vốn từ, học cách sử dụng từ một cách linh hoạt và tự nhiên, cũng như tạo được tính kiên trì cộng với thói quen đọc và suy nghĩ bằng tiếng Anh. Đây đều là những kiến thức và kĩ năng vô cùng cần thiết không chỉ trong việc học thi IELTS mà còn có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Trong bài viết này tác giả sẽ giới thiệu 2 nguồn tài liệu người học có thể sử dụng nhằm nâng cao kĩ năng đọc hiểu tiếng Anh của bản thân, đó chính là e-books và các loại báo mạng.
E-books và các phần mềm hỗ trợ
E-books
Không thể phủ nhận một sự thật rằng e-books đang dần thay thế sách giấy truyền thống và đang thay đổi thói quen đọc sách của chính chúng ta. E-books đã khắc phục được gần như toàn bộ nhược điểm của sách giấy truyền thống, trong đó lớn nhất phải kể đến là việc xóa bỏ rào cản về mặt địa lý và tăng khả năng tiếp cận đến các đầu sách. Thay vì bị giới hạn bởi các loại sách có sẵn tại các tiệm sách hay thư viện tại địa phương, người học có thể dễ dàng mua hay tải về các loại e-books đến từ bất cứ đâu trên toàn thế giới về điện thoại hay các loại máy đọc sách như Kindle nhờ có Internet.
Tuy rằng hầu hết các loại e-books đều yêu cầu người đọc phải mua, một số trang web hay dự án có cung cấp những đầu sách hoàn toàn miễn phí nhằm giúp khuyến khích và nâng cao thói quen đọc của mọi người, trong đó phải kể đến 2 trang web Project Gutenberg và Open Library.
Project Gutenberg - https://www.gutenberg.org/
Trang web này cung cấp hơn 60.000 đầu sách e-books. Thư viện sách ở đây tập trung vào các những tựa sách kinh điển hoặc đã ra mắt được một khoảng thời gian khá dài như The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại), Sherlock Holmes, Alice’s Adventures in Wonderland (Alice ở xử sở thần tiên) hay The Wonderful Wizard of Oz (Phù thủy xử Oz). Tại đây người học có thể xem trực tiếp trên website hoặc có thể tải về những đầu sách này hoàn toàn miễn phí. Nhược điểm duy nhất của trang web này nằm ở số lượng đầu sách chưa được nhiều và những tác phẩm ra mắt trong khoảng thời gian gần hơn sẽ không được cập nhật.
Open Library - https://openlibrary.org/
Với mục tiêu là trở thành 1 trang web lưu trữ mọi cuốn sách trên thế giới, Open Library là một dự án thư viện mở nơi người đọc có thể tự tham gia trong việc đóng góp và xây dựng tủ sách chung. Những đầu sách trên này đều do người đọc tải lên dưới dạng scan từ sách giấy nên chất lượng sách ở đây có thể sẽ không được tốt như trên Project Gutenberg.
Ngoài ra, tại đây chủ yếu người đọc sẽ “mượn” e-books trong 1 khoảng thời gian nhất định và đọc ngay trên trang web giống như một thư viện thực thụ nên sẽ có trường hợp phải đợi đến lượt để có thể mượn những đầu sách nổi tiếng như Harry Potter.
Tuy nhiên bù lại số lượng sách ở đây lớn hơn và các thể loại sách cũng đa dạng hơn so với Project Gutenberg, từ tiểu thuyết, cho đến các loại sách giáo khoa, sách tham khảo. Người đọc sẽ có thể lựa chọn nhiều loại sách mình thích hơn mà vẫn hoàn toàn miễn phí.
Các phần mềm hỗ trợ
Để có thể đọc được e-books thì người học cần phải tải về các ứng dụng đọc sách trên các hệ điều hành như Windows hay macOS với máy tính hoặc iOS hay Android đối với điện thoại thông minh. Những ứng dụng đọc e-books như vậy rất đa dạng và đôi khi sẽ gây bối rối cho người dùng. Một ứng dụng đọc e-books tốt sẽ ảnh hưởng khá lớn đến trải nghiệm đọc của người học, và ngược lại một ứng dụng đơn giản, không có nhiều chức năng hỗ trợ cho người đọc sẽ làm giảm tính hiệu quả của việc luyện tập cũng như trải nghiệm của người học. Dưới đây là 2 phần mềm đọc e-books tác giả đánh giá khá cao khi bàn đến tính tiện dụng đối với người học.
eReader Prestigio
Bên cạnh giao diện trực quan, dễ sử dụng và hỗ trợ đủ các đuôi file e-books hiện nay như EPUB hay PDF, điều khiến cho eReader Prestigio nổi bật là thư viện sách miễn phí khá lớn với hơn 5000 đầu sách đủ các thể loại từ tiểu thuyết lãng mạn, khoa học viễn tưởng, phiêu lưu hay trinh thám. Ngoài ra ứng dụng cũng có các phím tắt các trang web từ điển để giúp người học có thể tra từ mới trong lúc đọc.
Ứng dụng này hiện đang có mặt trên Google Play Store dành cho điện thoại chạy hệ điều hành Android.
FBReader
Về giao diện và trải nghiệm người dùng, FBReader không có nhiều khác biệt so với eReader Prestigio. Tuy không có thư viện sách miễn phí lớn như eReader Prestigio, ứng dụng này tích hợp hệ thống từ điển Anh-Anh với số lượng từ khá lớn, giúp ích cho người đọc khá nhiều trong việc mở rộng vốn từ vựng của bản thân qua việc đọc những cuốn sách yêu thích của mình.
Ứng dụng này hiện đang hỗ trợ cả 2 nền tảng iOS và Android. Người dùng có thể tải về trên cả 2 kho ứng dụng Apple App Store và Google Play Store.
Các trang báo viết bằng tiếng Anh
Sự ra đời của mạng Internet đã giúp cho con người có thể tiếp cận thông tin của toàn thế giới chỉ bằng vài nút click chuột. Những đầu báo lớn của thế giới đã có các phiên bản điện tử, cho phép người dùng tại bất cứ đâu cũng có thể truy cập được. Báo chí chính là một nguồn tư liệu vô cùng hữu ích cho người học. Chúng không những cung cấp cho người đọc thông tin và kiến thức thời sự của thế giới mà còn giúp cho người đọc nâng cao vốn từ vựng trên mọi lĩnh vực của đời sống từ văn hóa, y tế, giáo dục, chính trị,… Vốn kiến thức và vốn từ này là những thứ không thể thiếu giúp cho người học có thể cải thiện không chỉ kĩ năng đọc mà còn cả các kĩ năng viết và nói. Đặc biệt, trong một bài thi nặng về tính học thuật như bài thi IELTS thì những kiến thức này lại càng quan trọng hơn nữa.
Dưới đây là một vài trang đọc báo bằng tiếng Anh khá nổi tiếng mà người học có thể tham khảo để có thể luyện được khả năng đọc tiếng Anh cũng như nâng cao vốn kiến thức xã hội:
Breaking News English - https://breakingnewsenglish.com/ - Trình độ khuyến nghị: tương đương 5.5 - 6,5 IELTS.
Đây là một trong số hiếm hoi những trang tổng hợp tin tức dành cho người học tiếng Anh. Những bài báo ở đây được chia thành các trình độ từ cơ bản tới nâng cao với từ vựng và cấu trúc ngữ pháp được thiết kế riêng cho từng trình độ. Bên cạnh đó, do đây là một trang báo dành cho giáo viên và học sinh học tiếng Anh, dưới các bài báo sẽ có các bài luyện tập cũng như giải thích các từ mới, rất có lợi cho người học trong việc luyện kĩ năng đọc. Tuy nhiên, nhược điểm của trang báo này nằm ở việc những bài báo ở đây không được cập nhật mỗi ngày và độ dài của 1 bài báo là khá ngắn, ngắn hơn khá nhiều so với một bài báo thông thường trên các trang báo khác.
Ưu điểm:
Các bài báo được thiết kế theo từng trình độ khác nhau
Có phần giải thích từ vựng và các bài luyện tập bên dưới bài báo
Nhược điểm
Tin tức không được cập nhật thường xuyên
Độ dài một bài báo ngắn hơn thông thường khá nhiều
Chỉ có 1 phiên bản web
The Guardian - https://www.theguardian.com/ - Trình độ khuyến nghị: tương đương 6.5 IELTS trở lên
Ra đời vào năm 1821, đây là một trong những tờ báo nổi tiếng và lâu đời nhất ở Anh. Nằm trong số những tờ báo thiên về mặt chính sự hơn là tính “giải trí”, những bài viết trên trang báo này tập trung vào các mặt của như tin tức thời sự, văn hóa, thể thao, đời sống, chính trị,… với văn phong mang tính trang trọng và học thuật khá cao. Chính vì lí do đó, trong thời gian đầu, nếu người học chưa quen với việc đọc một văn bản mang tính học thuật như vậy thì sẽ cảm thấy có chút nản chí. Tuy nhiên, ngược lại, nếu người học đã có một vốn từ nhất định và đã quen với việc đọc các văn bản học thuật thì đây sẽ là một trang báo khá tốt giúp người đọc vừa có thể nâng cao vốn kiến thức và từ vựng về mọi lĩnh vực, vừa có thể nâng cao được khả năng đọc hiểu cũng như tốc độ đọc của bản thân.
Ưu điểm:
Thông tin được cập nhật hàng ngày
Văn phong trang trọng và học thuật
Bao phủ gần như mọi lĩnh vực của đời sống
Có 2 phiên bản web và ứng dụng di động tiện lợi cho người dùng.
Nhược điểm:
Do thuộc dòng báo chính sự nên các bài báo tại đây sẽ khá khô khan
Khá khó để có thể đọc hiểu đối với người học trình độ tương đượng IELTS 6.5 trở xuống
Buzzfeed - https://www.buzzfeed.com/ - Trình độ khuyến nghị: tương đương 5.5 IELTS trở lên
Trang báo giải trí này hướng đến đối tượng là các độc giả trẻ tuổi với những bài báo thiên về các chủ đề xoay quanh người nổi tiếng, thời trang, phim ảnh hay âm nhạc. Văn phong của trang báo này sẽ có phần đời thường hơn và không “nghiêm túc” như trang báo The Guardian bên trên. Người đọc qua trang báo này sẽ có thể biết được về những xu hướng mới của văn hoá đại chúng tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do là một tờ báo giải trí, người đọc sẽ khó có thể tiếp cận được với những tin tức thời sự như The Guardian và vốn từ người đọc thu nhận được từ trang báo này thường sẽ là những từ lóng hay những cách diễn đạt đời thường và đại chúng hơn là những từ mang tính chất học thuật.
Ưu điểm
- Dòng báo gải trí với đối tượng hướng đến là giới trẻ nên các tin tức thiên về các đề tài như âm nhạc, phim ảnh hay người nổi tiếng, khiến người đọc không cảm thấy khô khan.
- Biết được thêm các từ vựng thường được sử dụng trong đời sống thường ngày.
- Khá phù hợp đối với những người học trình độ tương đương IELTS 5.5 trở lên
- Có 2 phiên bản web và ứng dụng di động tiện lợi cho người dùng.
Nhược điểm:
- Ít bao trùm các chủ đề mang tính thời sự.
- Lượng từ vựng học thuật không được đa dạng và nhiều như The Guardian.
Cách thức áp dụng các phương tiện
Ở trên tác giả đã đưa ra các nguồn tài liệu và phương tiện người học có thể áp dụng cho việc luyện kĩ năng đọc của bản thân. Tuy nhiên, việc áp dụng chúng như thế nào cũng là một trong những nhân tố quan trọng quyết định tính hiệu quả của các phương tiện đó. Để có thể tối đa hoá các phương tiện và nguồn tài nguyên nêu trên, tác giả đề xuất một vài cách thức luyện đọc như sau:
Luyện đọc mọi lúc mọi nơi có thể: Đọc là một kĩ năng cần rất nhiều thời gian để có thể nâng cao và yêu cầu người học cần phải kiên trì luyện tập trong một thời gian dài. Và giờ đây, nhờ có e-books và điện thoại thông minh, người học có thể luyện đọc gần như mọi lúc mọi nơi. Người học có thể đọc trong giờ nghỉ giải lao trên lớp, trên xe buýt đến trường hay trong giờ nghỉ trưa trên công ty.
Ban đầu, thời gian dành ra mỗi ngày không cần phải quá nhiều, chỉ cần tầm 10 cho đến 15 phút đã là đủ. Người học có thể dành 15 phút đó đọc 1 bài báo bằng tiếng Anh hay đọc một vài trang sách e-books yêu thích của bản thân cũng hoàn toàn được, miễn là người học có dành thời gian và tạo được thói quen luyện đọc tiếng Anh mỗi ngày. Dần dần, người học có thể nâng thời gian dành ra cho việc đọc, có thể từ 15 phút thành 30 phút hoặc hơn nữa tuỳ vào sở thích và năng lực của bản thân.
Đọc kết hợp tận dụng tối đa các chức năng của các phần mềm hỗ trợ: Những ứng dụng từ điển hay những phần mềm đọc e-books đều có các công cụ tích hợp bên cạnh các chức năng cơ bản nhằm giúp cho việc luyện tập của người học trở nên hiệu quả hơn.
Ví dụ, FBReader hay eReader Prestigo đều được tích hợp chức năng highlight từ hoặc cụm từ. Người học có thể sử dụng chức năng này để lưu lại những từ hoặc cụm từ mới cần phải giải nghĩa, ý chính của các đoạn văn, hay là những cách diễn đạt tự nhiên và thú vị. Việc highlight này không những giúp cho người học có thể quay trở lại các thông tin quan trọng mà còn có thể giúp người học luyện tập kĩ năng tìm keywords (từ khoá), một trong những kĩ năng tối quan trọng trong bài thi IELTS Reading.
- Đọc kết hợp đoán nghĩa từ mới trước khi tra từ điển: Việc đọc một đoạn văn dài với nhiều từ mới có thể sẽ gây cho người đọc cảm giác khó chịu và muốn tra từng từ một cho đến hết. Đặc biệt khi người học giờ đây có thể sử dụng các ứng dụng/trang web từ điển trên điện thoại thông minh cũng như máy tính và có thể tra cứu bất cứ từ mới nào ngay tức thì thay vì phải giở từng trang từ điển giấy như trước kia. Tuy nhiên việc này sẽ vô cùng tốn thời gian và người học sẽ không thể luyện tập được các kĩ năng đọc hiểu, điển hình là đoán nghĩa của từ trong câu. Đặc biệt, đối với người học IELTS thì đây lại càng là một việc không nên làm do trong lúc thi IELTS Reading thí sinh sẽ không được dùng từ điển. Vậy việc người học nên làm là đoán nghĩa của từ sử dụng ngữ cảnh và các từ/cụm từ nằm xung quanh từ đó.
Ví dụ, một bài báo trên trang The Guardian có đoạn sau:
“For years Black men in the tech industry have said they have faced disparaging comments and discouraging experiences, such as being shut out of offices because security guards and colleagues questioned whether they actually worked there.”
Ban đầu, có thể người học sẽ không biết nghĩa của từ insolent là gì, tuy nhiên người đọc hoàn toàn có thể đoán được từ “disparaging” mang nghĩa xấu, có thể chỉ sự chê bai, do đằng sau có cụm “discouraging experiences” cũng mang nghĩa tiêu cực. Ngoài ra vế sau đó chỉ ra ví dụ cụ thể của “disparaging comments and discouraging experiences”, điều này càng củng cố hơn lập luận về nghĩa của từ “disparaging” nêu trên
Sau khi đoán được nghĩa của từ, người học có thể highlight từ đó và tiếp tục đọc. Sau khi đọc hết người học có thể quay lại những từ đã được highlight và tra nghĩa chính xác của các từ đó để có thể ôn lại sau này.
Trang bị một cuốn sổ ghi từ mới / Sử dụng các ứng dụng ghi chú: Bên cạnh việc highlight từ mới, người học cũng nên có cho mình một cuốn sổ nhỏ hay sử dụng chính ứng dụng ghi chú trên điện thoại để có thể tổng hợp lại các từ mình học được sau khi đọc. Trong lúc viết ra, người học cũng đã một lần nữa ôn lại từ mới đó. Đây là một cách khá hiệu quả người học có thể áp dụng để nâng cao vốn từ vựng của bản thân.
Tổng kết
Internet và công nghệ là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho người học trong quá trình nâng cao khả năng đọc hiểu tiếng Anh của bản thân. Việc áp dụng công nghệ trong việc nâng cao khả năng đọc hiểu tiếng Anh giúp việc đọc của người học trở nên thuận tiện và dễ dàng tiếp cận hơn, cũng như cung cấp cho người học một nguồn tài liệu khổng lồ và các phương tiện hỗ trọ tiện dụng giúp người học có thể luyện tập thường xuyên và ở bất cứ đâu.
Tuy nhiên, bên cạnh các mặt lợi mà tác giả đã nêu trên, việc áp dụng công nghệ và Internet trong việc tự học này cũng có các mặt hại, đơn cử như việc nhìn vào các thiết bị điện tử trong một thời gian dài sẽ dẫn đến các triệu chứng liên quan đến mắt như đau mỏi mắt hay các tật khúc xạ như cận thị. Ngoài ra, nếu người học không tự ý thức về việc mình đang luyện tập và tự học thì sẽ dẫn đến việc bị cuốn vào các thú vui khác như mạng xã hội hay game online trong lúc học, gây mất thời gian và giảm hiệu quả việc học.
Để giảm thiểu các mặt hại này, điều người học cần phải làm tự cân đối và tự giác trong việc luyện tập, cụ thể như sau:
Không nhìn vào màn hình máy tính/điện thoại vào một thời gian dài, cho mắt nghỉ ngơi sau 30 phút.
Sử dụng chức năng lọc ánh sáng xanh trên điện thoại.
Đọc trong một môi trường đủ ánh sáng.
Quyết tâm và tự giác trong việc học.
Qua bài viết này, tác giả đã giới thiệu cho người học một vài phương tiện và nguồn tài nguyên mà tác giả cho rằng khá phù hợp với những người học tiếng Anh. Ngoài ra trên không gian mạng còn rất nhiều các nguồn tư liệu luyện tập khác, những ứng dụng khác mà người học hoàn toàn có thể tìm hiểu thêm dựa trên tiền đề những gì tác giả đã nêu trên, miễn sao đó là những nguồn tài liệu chính thống, có độ tin cậy cao và phù hợp với trình độ của bản thân người học.
Bình luận - Hỏi đáp