Hiệu ứng Zeigarnik và cách vận dụng để tăng khả năng ghi nhớ khi luyện IELTS Speaking
Key takeaways
Hiệu ứng Zeigarnik: con người có xu hướng ghi nhớ những công việc dang dở hơn là những việc đã hoàn thành.
Ứng dụng Hiệu ứng Zeigarnik trong học tập: Tạo đà học tập, nghỉ ngắt quãng…
Ứng dụng hiệu ứng Zeigarnik trong IELTS Speaking: Học từ vựng theo cụm rồi ngắt quãng, để trống phần kết bài, tạo câu chuyện dang dở, làm bài tập điền từ vào chỗ trống…
IELTS Speaking là một trong bốn kỹ năng được đánh giá trong kỳ thi IELTS, đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh khả năng giao tiếp tiếng Anh của thí sinh trong bối cảnh thực tế và học thuật. Tuy nhiên, việc ghi nhớ từ vựng và triển khai ý tưởng một cách mạch lạc khi nói vẫn là thách thức đối với nhiều người học. Để giải quyết vấn đề này, bài viết sẽ giới thiệu cách áp dụng hiệu ứng Zeigarnik như một chiến lược cải thiện khả năng ghi nhớ khi luyện nói IELTS.
Giải thích về hiệu ứng Zeigarnik

Hiệu ứng Zeigarnik là hiện tượng con người có xu hướng ghi nhớ những công việc dang dở hơn là những việc đã hoàn thành [1].
Hiệu ứng này lần đầu tiên được quan sát bởi nhà tâm lý học người Nga Bluma Zeigarnik vào những năm 1920. Cô nhận thấy rằng những người phục vụ có thể ghi nhớ các đơn đặt hàng chưa được thanh toán chính xác hơn so với những đơn đã hoàn thành. Các thí nghiệm sau đó xác nhận rằng những người tham gia có nhiều khả năng nhớ các nhiệm vụ mà họ bị gián đoạn trong lúc thực hiện tốt hơn những người hoàn thành mà không bị gián đoạn.
Hiệu ứng Zeigarnik dựa trên nguyên lý rằng các nhiệm vụ chưa hoàn thành sẽ tạo ra gánh nặng về nhận thức, chúng đè nặng lên tâm trí và do đó dễ được nhớ lại hơn các nhiệm vụ đã hoàn thành. Trạng thái căng thẳng này đóng vai trò như một lời nhắc nhở, thúc đẩy con người quay lại và hoàn tất nhiệm vụ dang dở [2].
Khi nhiệm vụ được hoàn thành, cảm giác căng thẳng giảm bớt và thông tin liên quan cũng dễ bị lãng quên hơn. Cơ chế này cho thấy não bộ của con người có xu hướng tìm kiếm sự hoàn thiện, và chính sự thiếu hụt khiến thông tin tiếp tục được duy trì trong trí nhớ.
Hiệu ứng Zeigarnik được ứng dụng trong học tập như thế nào?
Hiệu ứng Zeigarnik thường được vận dụng để nâng cao hiệu quả ghi nhớ trong quá trình học. Dưới đây là một số cách áp dụng phổ biến [3]:

Tạo đà học tập
Dù ở trường học hay nơi làm việc, con người rất dễ rơi vào tình trạng trì hoãn. Các công cụ giao tiếp hiện đại cũng khiến não bộ dễ bị phân tâm và có xu hướng bỏ dở một nhiệm vụ để chuyển sang việc khác có vẻ cấp bách hơn. Điều này không chỉ gây căng thẳng mà còn dễ dẫn đến sai sót.
Hiệu ứng Zeigarnik cho thấy rằng việc chỉ cần bắt đầu một nhiệm vụ – đặc biệt là khi nó phức tạp – đã có thể mang lại tác động tích cực đến động lực học tập. Khi người học đã bắt đầu tiếp cận một chủ đề, chủ đề đó sẽ tiếp tục hiện lên trong tâm trí, khiến người học có xu hướng quay lại với nó nhiều lần cho đến khi hoàn tất và ghi nhớ hoàn toàn.
Lập kế hoạch nghỉ ngắt quãng để tăng cường ghi nhớ
Việc nghỉ ngắn trong lúc học sẽ giúp duy trì trạng thái căng thẳng nhận thức liên quan đến chủ đề đang học, từ đó tăng cường khả năng ghi nhớ và phục hồi thông tin.
Các nghiên cứu cho thấy sinh viên tạm ngừng học để tham gia các hoạt động khác như chơi thể thao hoặc trò chơi điện tử có khả năng ghi nhớ nội dung đã học tốt hơn so với những người học liên tục không ngắt quãng.
Kết thúc ngày học với danh sách việc còn dang dở
Trong lúc học tập hoặc làm việc, việc chuyển đổi giữa nhiều nhiệm vụ có thể dẫn đến căng thẳng hoặc kiệt sức.
Để hạn chế tác động tiêu cực, người học nên kết thúc một ngày bằng cách viết ra danh sách các nhiệm vụ còn chưa hoàn thành. Một nghiên cứu tại Đại học Florida cho thấy rằng những người nghĩ về cách mình sẽ hoàn thành một nhiệm vụ có xu hướng ít bị phân tâm hơn bởi chính nhiệm vụ đó. Việc ghi nhận rằng bản thân vẫn còn việc đang dang dở và dự kiến thời điểm hoàn thành giúp giảm mức độ căng thẳng và tăng khả năng tập trung khi quay lại.
Khai thác chủ đề mới để thúc đẩy khả năng thích nghi của não bộ
Neuroplasticity – hay tính mềm dẻo thần kinh – là khả năng não bộ tái cấu trúc và hình thành các kết nối mới giữa các nơron thần kinh khi tiếp nhận thông tin hoặc thực hiện những nhiệm vụ mới. Đây là nền tảng sinh học của quá trình học tập và ghi nhớ.
Khi một nhiệm vụ chưa hoàn thành được “treo” lại trong tâm trí, não bộ không ngừng hoạt động ở chế độ nền để tìm kiếm giải pháp, hoàn thiện thông tin còn thiếu. Trạng thái căng thẳng nhận thức do nhiệm vụ dang dở này tạo ra một "khoảng trống" kích thích việc củng cố và hình thành các mạng lưới thần kinh mới – chính là biểu hiện của neuroplasticity.
Do đó, việc thường xuyên tiếp cận các chủ đề mới nhưng chưa giải quyết ngay lập tức không chỉ duy trì động lực học tập mà còn thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong cấu trúc não bộ. Hiệu ứng Zeigarnik, với cơ chế khiến não duy trì trạng thái học tập chủ động ngay cả khi đã rời khỏi bàn học, giúp khai thác tối ưu tiềm năng của neuroplasticity để nâng cao hiệu quả ghi nhớ và khả năng thích ứng lâu dài với kiến thức mới.
Ứng dụng hiệu ứng Zeigarnik để tăng khả năng ghi nhớ khi luyện tập IELTS Speaking
IELTS Speaking Part 1
Phần 1 của bài thi IELTS Speaking tập trung vào những câu hỏi mang tính cá nhân, xoay quanh các chủ đề quen thuộc như sở thích, gia đình, học tập hoặc nơi ở. Tuy nhiên, để trả lời một cách linh hoạt và tự nhiên, người học cần có vốn từ vựng phù hợp và khả năng triển khai ý tưởng nhanh chóng.

Chia nhỏ danh sách từ vựng và học ngắt quãng
Thay vì học thuộc cả danh sách từ vựng dài liên quan đến một chủ đề cá nhân (ví dụ: hobbies, hometown, food…), người học nên chia nhỏ danh sách thành từng cụm 2–3 từ và dừng lại sau mỗi cụm. Chẳng hạn, học ba tính từ mô tả quê hương như bustling, picturesque, scenic (kèm theo ví dụ của từng từ), sau đó tạm dừng và quay lại sau vài giờ.
Các nghiên cứu cho thấy rằng 90% nhiệm vụ đã được bắt đầu (nhưng chưa hoàn thành) sẽ được ghi nhớ tốt hơn so với những nhiệm vụ đã hoàn thành. Khi học từ vựng, nếu người học bắt đầu với vài mục đầu tiên rồi tạm dừng thì trong thời gian nghỉ, não bộ vẫn tiếp tục xử lý thông tin vừa học, giúp ghi nhớ sâu hơn và lâu dài hơn khi quay lại [4].
Tập luyện câu chưa hoàn chỉnh để giữ từ vựng trong trí nhớ lâu hơn
Sau khi học một từ mới, hãy đặt câu sử dụng từ đó nhưng cố ý để câu chưa hoàn thành. Ví dụ: “My favorite hobby is photography because it allows me to be very creative and…” – dừng lại tại đây và quay lại hoàn thành sau vài phút hoặc vài giờ. Chính sự dang dở này sẽ khiến não bộ liên tục lặp lại câu chưa hoàn thiện trong tiềm thức, giúp từ vựng như “creative” hay “memorable” được củng cố mạnh mẽ hơn khi quay lại hoàn tất ý tưởng.
Phát triển ý tưởng linh hoạt hơn thông qua kỹ thuật trả lời ngắt quãng
Với các câu hỏi như “Do you work or study?” hay “What do you do in your free time?”, người học có thể tập luyện bằng cách bắt đầu trả lời một câu hỏi, nhưng ngắt giữa chừng và chuyển sang câu hỏi khác. Ví dụ: “I’m currently a university student majoring in engineering, and I…” – dừng lại tại đây và chuyển sang câu hỏi khác. Sau đó, quay lại hoàn tất câu trước. Việc ngắt quãng này khiến phần trả lời chưa hoàn thành được duy trì trong trí nhớ, thúc đẩy não bộ tự động tìm cách hoàn thiện ý tưởng còn dang dở, từ đó tăng khả năng phản xạ khi thi thật.
Kỹ thuật “just start” để tạo liên kết ghi nhớ ban đầu
Ngay cả khi chưa biết rõ sẽ trả lời một câu hỏi như thế nào, người học hãy cứ bắt đầu với bất kỳ ý nào xuất hiện đầu tiên. Việc khởi động này đủ để tạo “móc câu” nhận thức – một dạng kích hoạt ban đầu giúp người học ghi nhớ tốt hơn. Ví dụ, với câu hỏi “Describe your hometown,” người học có thể nói: “My hometown is a small coastal city known for its friendly people and…” – và chưa cần nghĩ ngay đến phần kết. Chính sự khởi đầu này kích hoạt hiệu ứng Zeigarnik, giúp duy trì mạch ý và dễ dàng quay lại để hoàn thiện hơn sau đó.
Xem thêm: Double Modals - Cấu trúc và ứng dụng trong IELTS Speaking Part 1
IELTS Speaking Part 2
Phần 2 của bài thi IELTS Speaking yêu cầu thí sinh trình bày một chủ đề trong vòng 1-2 phút, bao gồm phần giới thiệu, nội dung chính và kết luận. Đây là phần thử thách nhất đối với nhiều người học vì đòi hỏi phải triển khai ý tưởng một cách logic, trôi chảy và sử dụng ngôn ngữ linh hoạt. Để hoàn thành tốt, người học có thể vận dụng hiệu ứng Zeigarnik để tăng khả năng ghi nhớ ý tưởng như sau:

Ôn từ vựng theo cụm ngắt quãng để tăng khả năng ghi nhớ
Giống như part 1, người học nên chia nhỏ khi học từ vựng cho Part 2 (đặc biệt là các tính từ miêu tả cảm xúc, thành ngữ, cấu trúc nâng cao…). Tuy nhiên thay vì học từ đơn lẻ, người học có thể ghi nhớ theo cụm collocation. Ví dụ: học ba cụm “an unforgettable adventure”, “thrilled to bits”, “weigh the pros and cons”, sau đó tạm dừng để làm việc khác.
Tạo câu chuyện dang dở với từ mới để giữ chúng trong trí nhớ lâu hơn
Một cách thực hành từ vựng hiệu quả là xây dựng một đoạn kể chuyện liên quan đến chủ đề đang luyện tập, có sử dụng các từ hoặc cụm từ vừa học – nhưng không kể hết câu chuyện ngay lập tức. Ví dụ, với đề bài “Describe a difficult decision you made,” người học có thể bắt đầu: “Last year, I faced a dilemma about whether to move abroad. I discussed it with my family and felt ambivalent because…” – rồi dừng tại đó.
Việc để câu chuyện dở dang tạo ra sự căng thẳng nhận thức, khiến các từ như “dilemma” hay “ambivalent” được não bộ “giữ lại” và ghi nhớ mạnh mẽ hơn. Khi quay lại kể tiếp, người học sẽ không chỉ nhớ từ vựng mà còn củng cố khả năng sử dụng từ trong ngữ cảnh cụ thể.
Luyện nói bằng cách tạo “điểm dừng kịch tính” (cliffhanger) trong bài nói
Khi luyện IELTS Speaking Part 2, hãy giả lập tình huống “to be continued” bằng cách dừng lại ở đoạn cao trào. Ví dụ, nếu kể về một chuyến đi đáng nhớ, người học có thể nói: “As I reached the mountain peak, something happened that I’ll never forget—” rồi dừng lại.
Não bộ sẽ liên tục “diễn tập” phần kết chưa được nói ra trong lúc nghỉ, khiến người học nhớ rõ hơn ý tưởng và cảm xúc dự định chia sẻ. Khi tiếp tục kể lại sau đó, người học sẽ thấy mình nhớ phần kết rất rõ, đó là nhờ quá trình dự đoán và duy trì trạng thái chưa hoàn tất do hiệu ứng Zeigarnik tạo ra [5].
Phác thảo bài nói theo ba phần và cố ý bỏ trống phần kết
Khi lên dàn ý cho phần nói của IELTS Speaking Part 2, người học có thể chia nội dung thành ba phần: mở bài, thân bài và kết bài. Hãy luyện nói phần mở và phần thân bài trước, nhưng để trống phần kết. Chẳng hạn, chỉ ghi chú “sẽ hoàn thiện sau” thay vì viết chi tiết.
Việc chưa hoàn thiện phần kết sẽ khiến não bộ tiếp tục suy nghĩ về cách kết thúc bài nói sao cho hợp lý, giúp người học ghi nhớ cấu trúc bài tốt hơn và phát triển ý tưởng linh hoạt hơn.
Xem thêm: IELTS Speaking Part 2: Cách trả lời và bài mẫu các nhóm chủ đề
IELTS Speaking Part 3
Phần 3 của bài thi IELTS Speaking thường yêu cầu thí sinh thảo luận về các khía cạnh liên quan đến chủ đề trong Part 2 nhưng mang tính trừu tượng, học thuật hoặc xã hội và có độ phức tạp cao hơn. Việc ghi nhớ và sắp xếp ý tưởng rõ ràng, logic là yếu tố then chốt để đạt điểm cao. Dưới đây là các cách áp dụng hiệu ứng Zeigarnik để tăng khả năng ghi nhớ và tư duy phản biện khi luyện nói Part 3.

Chuyển chủ đề giữa chừng để giữ ý tưởng luôn hoạt động trong não
Trong phần 3, người học thường gặp nhiều câu hỏi có liên quan đến nhau. Do đó, người học có thể cố tình trả lời một câu hỏi chưa trọn vẹn, rồi chuyển ngay sang một câu hỏi khác – đặc biệt là một câu hỏi thuộc chủ đề hoàn toàn khác.
Ví dụ: Người học bắt đầu với câu hỏi “How has technology changed the way we communicate?” và trả lời: “Technology has made communication faster and more convenient, especially with smartphones and…” – dừng lại tại đây và chuyển sang câu hỏi “Should children be taught art in school?”
Sau khi trả lời câu thứ hai, người học quay lại hoàn tất câu trả lời đầu tiên.
Bởi các câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngỏ, nên não bộ tiếp tục xử lý chúng [6]. Khi quay lại để hoàn thành câu trả lời đó, người học sẽ thấy ý tưởng ban đầu vẫn còn rõ ràng, thậm chí có thể đã được làm rõ hoặc phát triển hơn trong lúc nghỉ. Việc xen kẽ các nhiệm vụ chưa hoàn tất theo cách này giúp duy trì sự linh hoạt của tư duy và nâng cao khả năng ghi nhớ cũng như liên kết ý tưởng khi cần phản ứng nhanh dưới áp lực.
Làm bài tập điền từ gắn với ngữ cảnh
Để nhớ từ vựng tốt hơn, hãy lấy một câu hỏi thuộc phần 3 IELTS Speaking và viết một đoạn trả lời mẫu, nhưng để trống một số từ khóa quan trọng. Ví dụ: “In my opinion, governments should invest in ______ infrastructure to combat climate change, even if it means imposing stricter ______ on industries.” Hãy đọc kỹ đoạn văn, sau đó tạm dừng và rời khỏi bài học. Phần ngữ cảnh chưa hoàn chỉnh sẽ lưu lại trong trí nhớ và não bộ sẽ vô thức cố gắng điền vào các chỗ trống đó.
Sau một khoảng thời gian, người học hãy quay lại và thử hoàn thiện đoạn văn (ví dụ: “sustainable” infrastructure, stricter “regulations”). Bài tập này giống như vmột “câu đố trí tuệ” cho bộ não, khiến người học luôn giữ sự chú ý cho đến khi tìm ra lời giải, từ đó giúp củng cố trí nhớ.
Cố ý để trống một ý trong dàn bài để kích hoạt trí nhớ tự động
Khi lên dàn ý trả lời cho một câu hỏi đưa ra quan điểm, người học có thể ghi trước hai luận điểm hỗ trợ, nhưng cố ý để trống luận điểm thứ ba. Ví dụ, với câu hỏi “Why do some people prefer to work from home?”, người học. cóthể ghi:
flexibility in schedule (linh hoạt về thời gian)
saving commute time (tiết kiệm thời gian di chuyển)
(để trống)
Việc để trống ý số 3 tạo ra một “khoảng trống nhận thức” khiến não bộ luôn trong trạng thái tìm kiếm để hoàn thiện [7]. Khi luyện nói, hãy triển khai hai ý đầu rồi thử nghĩ ra ý thứ ba ngay trong lúc nói. Hiệu ứng Zeigarnik sẽ kích hoạt trí nhớ và giúp người học nảy ra ý tưởng đó, vì nhiệm vụ vẫn còn đang trong quá trình chuẩn bị. Lâu dần, cách luyện tập này sẽ rèn luyện khả năng ghi nhớ và phản xạ ý tưởng một cách mạch lạc và linh hoạt hơn.
Xem thêm: Tổng hợp bài mẫu IELTS Speaking 2025 - Cập nhật liên tục
Một số lưu ý để vận dụng hiệu quả hiệu ứng Zeigarnik khi luyện tập IELTS Speaking

Giữ thời gian nghỉ ngắn và có mục đích rõ ràng
Khi người học tạm dừng hoặc để một nhiệm vụ dang dở, hãy quay lại hoàn tất sau một khoảng thời gian hợp lý (có thể vài phút đến một ngày, tùy theo nội dung luyện tập). Mục tiêu của việc ngắt quãng là tận dụng sự căng thẳng nhận thức để tăng khả năng ghi nhớ, vì vậy không nên để khoảng nghỉ quá lâu bởi dễ khiến người học quên nhiệm vụ.
Những quãng nghỉ ngắn, vừa đủ để duy trì “trạng thái hoạt động” trong não, có thể giúp người học ghi nhớ tốt hơn và dễ dàng gọi lại thông tin khi cần. Quan trọng là người học cần quay lại để hoàn thành nhiệm vụ, và cảm giác hoàn thành cũng giúp tăng động lực học tập sau đó.
Kết hợp đa dạng nhưng tránh quá tải
Việc lồng ghép các hoạt động chưa hoàn thiện nên được thực hiện có chiến lược. Theo các chuyên gia, ranh giới giữa một nhiệm vụ dang dở đầy hấp dẫn và một hoạt động vụn vặt gây rối loạn là rất mong manh. Nếu chèn quá nhiều phần “bỏ ngỏ” trong một buổi học, sẽ dễ dẫn đến cảm giác quá tải và mất động lực.
Thay vào đó, hãy chọn 1–2 kỹ thuật mỗi lần luyện tập (ví dụ: một đoạn kể chuyện dang dở và một câu hỏi Q&A bị ngắt giữa chừng). Mỗi phần luyện tập cần mang lại giá trị riêng, kể cả khi chưa hoàn thiện ngay lập tức. Điều này sẽ giúp duy trì sự hứng thú thay vì cảm thấy bực bội.
Sử dụng “cliffhanger” một cách hợp lý
Giống như các bộ phim truyền hình thường dùng cách “cao trào dang dở” để giữ khán giả quay lại, người học cũng có thể áp dụng kỹ thuật bỏ ngỏ nội dung, nhưng chỉ nên dùng ở mức vừa phải.
Hiệu ứng Zeigarnik phát huy hiệu quả vì nó khơi gợi sự tò mò và thúc đẩy não bộ tập trung. Tuy nhiên, nếu người học cố tình để dở dang mọi thứ, sự tò mò ban đầu có thể chuyển thành cảm giác mệt mỏi và căng thẳng.
Do đó, hãy cân bằng: hoàn thiện những nội dung dễ để tạo cảm giác tiến bộ, và chỉ giữ lại các phần “chưa xong” đối với những nội dung khó nhớ, cần được củng cố nhiều lần hơn.
Tổng kết
Tận dụng hiệu ứng Zeigarnik là một cách tiếp cận thông minh giúp người học ghi nhớ từ vựng và ý tưởng hiệu quả hơn khi luyện tập IELTS Speaking. Bằng việc thiết kế các hoạt động học tập có chủ đích “bỏ ngỏ”, người học có thể duy trì sự chú ý và tăng khả năng phản xạ. Để áp dụng hiệu quả, hãy bắt đầu từ những phần dễ, luyện tập theo từng kỹ thuật một, nghỉ ngắt quãng có chủ đích và luôn quay lại để hoàn tất nội dung còn dang dở.
Nguồn tham khảo
“Zeigarnik Effect.” Psychology Today, www.psychologytoday.com/us/basics/zeigarnik-effect. Accessed 18 April 2025.
“Learn Better with the Zeigarnik Effect.” EDHEC Business School, https://online.edhec.edu/en/blog/learn-better-with-the-zeigarnik-effect. Accessed 18 April 2025.
“Spaced Studying: The Zeigarnik Effect.” Study Fetch, www.studyfetch.com/blog/spaced-studying-the-zeigarnik-effect. Accessed 18 April 2025.
“The Zeigarnik Effect: Transforming Learning with the Power of Unfinished Tasks.” Brain Bakery, www.brainbakery.com/brainsnacks-en/the-zeigarnik-effect-transforming-learning-with-the-power-of-unfinished-tasks. Accessed 18 April 2025.
“The Zeigarnik Effect and Memory.” Very Well Mind, www.verywellmind.com/zeigarnik-effect-memory-overview-4175150. Accessed 18 April 2025.
“Brain-based and learning theory: Application of theories in the classroom.” European Journal of Education Studies, Accessed 18 April 2025.
Bình luận - Hỏi đáp