Banner background

Áp dụng Mind map vào học tiếng Anh như thế nào để hiệu quả? Phần 2: Nâng cao khả năng đọc hiểu

Tiếp theo chuỗi bài về cách ứng dụng sơ đồ tư duy (mind mapping), bài viết sẽ hướng dẫn cho người học những cách thức áp dụng sơ đồ tư duy vào việc học IELTS Reading.
ap dung mind map vao hoc tieng anh nhu the nao de hieu qua phan 2 nang cao kha nang doc hieu

Kỹ năng đọc hiểu không chỉ là một kỹ năng thiết yếu trong các kì thi ngôn ngữ mà còn là một công cụ học tập cực kỳ quan trọng mà mỗi người có thể tự trang bị cho bản thân, bởi vì việc đọc sách, tài liệu, hay văn bản là một trong những cách tiếp thu kiến thức phổ biến và quan trọng nhất cho mỗi người. Vậy nên, việc đọc như thế nào cho hiệu quả, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, và nhớ thông tin lâu cũng quan trọng không kém. Tiếp theo chuỗi bài về cách ứng dụng sơ đồ tư duy (mind mapping), bài viết sẽ hướng dẫn cho người học những cách thức áp dụng sơ đồ tư duy vào việc học IELTS Reading.

Người đọc có thể truy cập vào bài viết mở đầu cho series bằng link: Áp dụng Mind map vào học tiếng Anh như thế nào để hiệu quả? Phần 1: Học từ vựng và kỹ năng Speaking để đọc các giới thiệu về nguồn gốc và lý do người học nên áp dụng sơ đồ tư duy vào việc học từ vựng, ngữ pháp, và các kỹ năng khác nhau của IELTS và việc học ngôn ngữ. 

Key takeaways

1. Ứng dụng sơ đồ tư duy vào việc đọc hiểu đã từ lâu trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều giáo viên và nhà giáo dục. Các kết quả thường thấy là sơ đồ tư duy không chỉ giúp người học đọc hiểu tiếng Anh tốt hơn mà còn giúp thay đổi thái độ của người học đối với việc đọc văn bản, trở nên tích cực hơn. 

2. Người học có thể dùng sơ đồ tư duy để ghi chú các phương pháp làm bài đọc và các lý thuyết liên quan để nhớ rõ kỹ thuật làm bài hơn và chọn đáp án tốt hơn. 

3. Khi tự học reading, người học có thể vẽ sơ đồ tư duy để hình dung hoá (visualize) thông tin để hiểu bài hơn và nâng cao kỹ năng đọc thông qua việc lựa chọn các thông tin chính yếu nhất, hệ thống và liên kết thông tin lại với nhau, tương tác phản hồi lại nội dung bài, và đơn giản hóa những kiến thức trừu tượng, phức tạp. 

Áp dụng sơ đồ tư duy vào việc đọc hiểu có những kết quả tích cực nào?

35 học sinh năm nhất ở một trường đại học ở phía nam Thái Lan đã được tham gia vào 1 nghiên cứu ứng dụng sơ đồ tư duy vào khóa học đọc hiểu bằng tiếng Anh, và kết quả là điểm đọc hiểu tiếng Anh của đa số các học sinh cao hơn điểm ban đầu, hầu hết các học sinh cảm thấy hài lòng với kỹ năng đọc của bản thân, và cảm thấy sơ đồ tư duy là một cách học có thể được ứng dụng vào các bộ môn khác (Siriphanich & Laohawiriyanon 2010). 1 nghiên cứu khác với nhóm học sinh lớp 10 ở Indonesia cũng chỉ ra: hướng dẫn phương pháp sơ đồ tư duy cho học sinh áp dụng vào đọc hiểu không chỉ nâng cao kỹ năng này mà còn làm thay đổi thái độ của học sinh đối với việc đọc văn bản từ tiêu cực sang tích cực (Male & Tias 2015). Trước nghiên cứu, khoảng 80% học sinh trong nhóm cảm thấy việc đọc tiếng Anh khó và không phải là việc họ thích làm, nhưng sau nghiên cứu, hơn 90% cảm thấy thích đọc tiếng Anh hơn và thấy việc đọc và tìm câu chủ đề trong tiếng Anh dễ (Male & Tias 2015). 


mind-map-vao-hoc-tieng-anh-nhu-the-nao-de-hieu-qua-phan-2-nang-cao-kha-nang-doc-hieu-01a


Áp dụng mind mapping vào quá trình ghi chú phương pháp, kỹ năng đọc và làm bài 

Để dễ dàng hệ thống kiến thức và nhớ kỹ các chiến thuật làm bài, người học có thể ứng dụng mind mapping để ghi chú trong lớp học hoặc tự tổng hợp các phương pháp đọc đúng, và các lý thuyết liên quan đến IELTS Reading

Ví dụ: 

mind-map-vao-hoc-tieng-anh-vi-du

Nguồn của hình: (McCarter & Whitby 2007 16)

Bản tiếng Việt:

mind-map-vao-hoc-tieng-anh-vi-du-ban-tieng-viet

Hệ thống phương pháp làm bài bằng cách này, người học có thể hiểu rõ cách làm bài logic và có bằng chứng chặt chẽ thay vì dựa vào cảm giác để chọn câu trả lời và dẫn đến chọn đáp án sai. Cách này còn giúp người học nhớ kỹ phương pháp làm bài hơn để áp dụng khi làm bài đọc. 

Hình dung hoá (visualize) thông tin trong bài đọc

Thông thường, đối với dạng bài diagram (biểu đồ hình ảnh) và flow chart (sơ đồ quy trình), người đọc phải tìm kiếm thông tin trong các đoạn văn trong bài và hình dung thông tin để điền từ còn thiếu. 

Ví dụ: 

Diagram: Nguyên lý hoạt động của một hệ thống vận chuyển tàu giữa 2 con kênh 

mind-map-vao-hoc-tieng-anh-visualize

Nguồn hình: (Cambridge English IELTS 11 2016 24) 

Thật ra, việc hình dung hóa thông tin không chỉ phù hợp với nguyên lý hoạt động hay sơ đồ của một quy trình, mà còn phù hợp với rất nhiều loại thông tin trong bài đọc, như lịch sử hình thành của một di tích, quá trình phát triển của một hiện tượng, giải thích các thông tin liên quan đến hiện tượng, v.v. 

Ví dụ: Sau đây là sơ đồ tư duy dựa trên bài đọc về các chương trình chia sẻ xe đạp 


mind-map-vao-hoc-tieng-anh-mind-map

Sơ đồ tư duy được tạo dựa theo bài đọc từ quyển Cambridge English IELTS 14 (Cambridge IELTS 14 2019 13, 14)

Bài đọc có nội dung về sự hình thành và phát triển của những chương trình chia sẻ xe đạp tại các thành phố lớn ở Châu Âu. Mặc dù bài đọc có nhiều thông tin khác nhau như ai là người khởi xướng, hiện tại các chương trình chia sẻ xe đạp thành công như thế nào, và sự phát triển của chúng trong tương lai, bài đọc cũng nhắc đến thông tin liên quan đến những chương trình chia sẻ xe đạp đầu tiên trong quá khứ và sự thành bại của nó. Dựa vào đó, người đọc có thể hệ thống nội dung bài theo cách trên để thấy rõ từng đặc điểm quan trọng của 1 chương trình xe đạp chung tại những thời điểm khác nhau: năm 1965, giữa những năm 90, và năm 1999, là ba mốc thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử hình thành của chương trình này. 

Tất nhiên, khi vào phòng thi, người thi sẽ không có đủ thời gian để vẽ sơ đồ tư duy cho bài đọc. Đây là một cách thức tự học để người học có thể hiểu rõ bài đọc hơn và tập làm quen dần với việc hệ thống, liên kết, và hình dung hóa thông tin, và qua việc này kỹ năng đọc hiểu sẽ được cải thiện đáng kể, bởi vì quá trình vẽ sơ đồ tư duy khuyến khích người đọc chọn những thông tin quan trọng nhất và lược bỏ bớt những chi tiết không phải là chính yếu, và tương tác, phản hồi với thông tin chứ không chỉ đọc đơn. Sơ đồ tư duy còn giúp người đọc đơn giản hoá các thông tin phức tạp và khó hiểu, giúp người đọc nhớ những gì mình đọc được lâu hơn, và việc này sẽ giúp cho việc chọn và điền đáp án chính xác và nhanh hơn. Bên cạnh đó, người học cũng đạt được một số kiến thức thú vị.  

 mind-map-vao-hoc-tieng-anh-nhu-the-nao-de-hieu-qua-phan-2-nang-cao-kha-nang-doc-hieu-01

Sau khi phân tích bài, người đọc còn có thể ghi chú lại từ vựng bằng các phương pháp vẽ sơ đồ tư duy được nhắc đến trong bài: Áp dụng Mind map vào học tiếng Anh như thế nào để hiệu quả? Phần 1: Học từ vựng và kỹ năng Speaking

Tổng kết 

 Rất nhiều người học cảm thấy kỹ năng đọc là một kỹ năng khó, có thể bởi vì người học bình thường không thích đọc thường xuyên hay không có đủ từ vựng để hiểu bài. Sơ đồ tư duy có thể giúp giải quyết phần nào các vấn đề này. Thay vì chỉ đọc thuần tuý, vẽ mind map là một cách giúp người đọc suy nghĩ sâu hơn về nội dung mình đọc được và khơi gợi hứng thú tìm tòi, học hỏi ở người học. Vẽ mind map còn giúp người học sử dụng nhiều giác quan và hành động khác nhau thay vì chỉ nhìn chữ trên giấy, giúp việc học đỡ nhàm chán và trở nên thú vị hơn. Người học còn có thể sử dụng sự sáng tạo của mình để thêm màu sắc, hình vẽ, và biểu tượng vào mind map của mình. 

Sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống lại bài đọc còn có thể ứng dụng cho tất cả các dạng văn bản khác bên cạnh bài thi IELTS Reading, giúp người học nâng kỹ năng đọc nói chung, và sẽ giúp ích cho việc học và tiếp thu kiến thức. 

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...