Cách phát triển ý tưởng cho IELTS Speaking Part 3

Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các thí sinh đang gặp phải tình trạng trên một số phương pháp phát triển câu trả lời trong IELTS Speaking Part 3.
author
Phạm Ngọc Mai
25/04/2022
cach phat trien y tuong cho ielts speaking part 3

Một trong những điều khiến các thí sinh phải trăn trở khi đối mặt với phần thi Speaking trong IELTS chính là việc phát triển ý tưởng. Việc trả lời sao cho được dài và chi tiết là khó khăn của không chỉ thí sinh các band còn thấp mà cũng nan giải không kém đối với các thí sinh đã tới band cao. Đặc biệt là với Part 3 IELTS Speaking, khi nội dung các câu hỏi thường khá hóc búa và mang tính xã hội, thời sự cao. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các thí sinh đang gặp phải tình trạng trên một số phương pháp phát triển câu trả lời trong IELTS Speaking Part 3.

Key takeaways:

  1. Do ảnh hưởng của nền giáo dục nước nhà, nhiều thí sinh cho rằng các câu hỏi trong IELTS Speaking sẽ có một đáp án nhất định, tuy nhiên sự thật hoàn toàn ngược lại khi thí sinh được thoải mái nêu ý kiến cá nhân. Tất cả câu trả lời đều được chấp nhận miễn logic và mang tính thuyết phục.

  2. Speaking Part 3 giúp thí sinh hình thành kỹ năng trình bày quan điểm khi được yêu cầu trong cả môi trường học tập lẫn làm việc. Tiêu chí chấm điểm cho Speaking bao gồm 4 tiêu chí: Fluency and coherence, Lexical resource, Grammatical range and accuracy, Pronunciation.

  3. Có 4 cách thí sinh có thể áp dụng để triển khai ý tưởng cho part 3: Nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh, Sử dụng góc nhìn cá nhân, Nêu ví dụ cụ thể, Nêu lợi và hại.

Vai trò của việc triển khai ý tưởng trong IELTS Speaking

Ở nhiều nước mang nền văn hoá Á Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng, nền giáo dục phổ thông ở các trường học đã hình thành một tư tưởng khá sai lệch trong học sinh. Hầu hết các bạn học sinh đều mặc định bài tập nào cũng đều có một đáp án chính xác và chỉ khi viết hoặc nói được đáp án đó mới đạt được điểm, thậm chí là với những môn trừu tượng như văn học. Chính vì thế, khi tiếp cận với bài thi IELTS, các thí sinh cũng mang theo tư tưởng đó để ôn luyện và thi. Nhưng các bạn thí sinh lại không nhận ra rằng chứng chỉ IELTS đến từ một đất nước khác với nền văn hoá khác chính là Anh và Úc. Tại các đất nước này, nền giáo dục rất cởi mở và đề cao sự sáng tạo, tự do phát triển của cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ - tương lai của đất nước. Các bài tập, kỳ thi luôn ưu tiên tính mở, không khuyến khích việc học thuộc lòng các dạng bài để cho ra một đáp án nhất định. Họ tôn trọng ý kiến riêng, độc đáo của mỗi người và sẽ chấp nhận đáp án được đưa ra nếu thí sinh có thể giải thích, thuyết phục một cách hợp lý.

Tương tự như vậy, với bài thi IELTS, mục đích cao nhất của kỳ thi là đánh giá khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ tiếng Anh của thí sinh. Trong 2 kỹ năng Speaking và Writing, không có một đáp án cố định nào được đưa ra, các thí sinh đều có cơ hội lấy được điểm số tốt nếu họ có khả năng trình bày ý tưởng của mình khiến ban giám khảo hiểu và bị thuyết phục. Đó cũng chính là mục tiêu thật sự của giao tiếp giữa người với người, là truyền đạt được ý kiến, quan điểm của bản thân, đồng thời hiểu được ý kiến, quan điểm của đối phương.

Chính vì vậy, khi đi thi IELTS, đặc biệt với 2 kỹ năng Speaking và Writing, thí sinh nên mang theo bên mình tâm thế cởi mở, sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ, tư tưởng của bản thân và cố gắng diễn đạt chúng một cách hợp lý, logic, thay vì lo lắng băn khoăn liệu mình có nghĩ ra được một câu trả lời “đúng” hay không. Bởi vì miễn thí sinh có thể nêu được lý do, lý lẽ phù hợp để chứng minh cho quan điểm của mình, câu trả lời của thí sinh sẽ luôn “đúng”.

Những điều cần biết về IELTS Speaking part 3

Mục đích

Trong phần thi Speaking của IELTS sẽ có 3 part (phần), mỗi part sẽ tương ứng với một mục đích khác nhau để đánh giá được khả năng giao tiếp của thí sinh trong các ngữ cảnh khác nhau.

Part 3 về hình thức sẽ khá tương tự với Part 1, thí sinh được examiner hỏi 1 loạt các câu dưới hình thức đối thoại. Tuy nhiên phạm vi chủ đề của các câu hỏi ở Part 3 sẽ có phần trừu tượng và mở rộng hơn so với Part 1. Khi Part 1 chỉ đơn thuần là các câu hỏi về thông tin cá nhân đơn giản (sở thích, thói quen, gia đình, nơi ở...), Part 3 được nâng cao hơn khi các chủ đề đều xoay quanh các vấn đề xã hội như gender equality (bình đẳng giới), environment protection (bảo vệ môi trường), generation gap (khoảng cách thế hệ)...

Mục đích của người ra đề khi thiết kế Part 3 là để đánh giá khả năng trình bày ý kiến, quan điểm một cách bài bản, chi tiết và sâu sắc của thí sinh, đặc biệt là với những vấn đề xã hội không quá quen thuộc, gần gũi. Điều này sẽ giúp đỡ thí sinh trong quá trình học tập và làm việc, khi thí sinh được yêu cầu phải nói lên ý kiến.

Tiêu chí chấm điểm

Đối với kỹ năng Speaking và Writing, các thí sinh sẽ được chấm điểm dựa trên 4 tiêu chí, mỗi kỹ năng và mỗi phần trong kỹ năng khác nhau thì 4 tiêu chí này sẽ được thay đổi đi cho phù hợp. Với Speaking, sẽ có 4 tiêu chí như sau:

  • Fluency and coherence: kiểm tra khả năng nói trôi chảy, mạch lạc

  • Lexical resource: kiểm tra khả năng sử dụng đa dạng và chính xác từ vựng

  • Grammatical range and accuracy: kiểm tra khả năng sử dụng đa dạng và chính xác các cấu trúc ngữ pháp

  • Pronunciation: kiểm tra khả năng sử dụng được và dùng đúng các thành tố phát âm (trọng âm của từ, trọng âm của câu, nối âm...)

Các cách phát triển ý tưởng cho IELTS Speaking Part 3

Nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh

Một trong những thói quen các thí sinh dễ gặp phải khi được yêu cầu trình bày ý kiến, quan điểm về một vấn đề chính là sử dụng góc nhìn hẹp và đơn chiều.

Ví dụ: Thí sinh gặp phải câu hỏi “What are the benefits of smiling?”

cac-cach-phat-trien-y-tuong-cho-speaking-part-3-smiling

Rất nhiều thí sinh sẽ trả lời theo ý như sau: “Laughing is considered a stress reliever. People who laugh frequently tend to lead a joyful life and are often able to stay away from depressions.” Rõ ràng một câu trả lời như vậy đã khá ổn, đúng trọng tâm, tuy nhiên xét về ý thì còn khá ngắn và sơ sài khi thí sinh chỉ nêu được đúng một lợi ích nổi bật nhất.

Với câu hỏi như trên, nếu nhìn nhận từ góc nhìn rộng và đa chiều hơn, thí sinh sẽ có thể phát triển câu trả lời thêm như sau: “Laughing is considered a stress reliever. People who laugh frequently tend to lead a joyful life and are often able to stay away from depressions. Moreover, regarding social relationships, laughter helps strengthen the bonds between people. Since it’s contagious, laughter can break the ice in any situations and pull us closer together.”

(Cười được coi là một liều thuốc bổ tinh thần. Những người thường xuyên cười có xu hướng sống vui tươi hơn và thường tránh được tình trạng trầm cảm. Hơn thế nữa, xét về khía cạnh các mối quan hệ, nụ cười giúp các mối quan hệ giữa người với người trở nên gắn bó hơn. Do nó rất dễ lây, tiếng cười có thể phá vỡ bầu không khí ngượng ngùng trong bất kỳ tình huống nào và kéo chúng ta lại gần nhau hơn.)

Như vậy với hướng trả lời như trên, thí sinh đã có cho mình câu trả lời dài và được triển khai đầy đủ hơn hẳn.

Sử dụng góc nhìn cá nhân

Có rất nhiều bạn thí sinh nói trôi chảy ở Part 1 nhưng lại ngập ngừng, gặp khó khăn khi chuyển sang Part 3. Một phần lý do là bởi chủ đề ở Part 3 khó hơn, nhưng đối với một số bạn thì lý do lại bởi bạn không quen với việc đặt mình vào vị trí của cả một nhóm người nói chung để nêu quan điểm. Với trường hợp như vậy cách giải quyết thường khá đơn giản, thí sinh nên phát huy điểm mạnh của mình để khắc chế điểm yếu. Ví dụ, bạn làm tốt với Part 1 là phần nêu ý kiến của cá nhân bạn nhưng lại không quá ổn với việc nêu lên ý kiến thay mặt một nhóm người. Như vậy, bạn hoàn toàn có thể áp dụng điểm mạnh của mình - nêu quan điểm cá nhân để ứng dụng trong câu trả lời về quan điểm của những người khác.

Ví dụ: thí sinh nhận được câu hỏi sau “Do Vietnamese people like coffee?”

Nhưng thí sinh lại không quá quan tâm và chú ý tới vấn đề này nên không biết trả lời ra sao. Thí sinh chỉ cần đổi qua thành câu hỏi cho bản thân “Do you like coffee?” và trả lời như bình thường. Tuy nhiên, thí sinh chỉ sử dụng cách này để tạo nội dung cho câu trả lời, còn khi diễn đạt ra thành lời, thí sinh vẫn cần nói rằng đó chính là ý kiến của “Vietnamese people”.

Nguyên lý của phương pháp này dựa trên mục đích bài thi IELTS được nêu ở đầu, không có đáp án cụ thể hay chính xác cho các câu hỏi, thứ được đánh giá ở đây là khả năng sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt ý tưởng của thí sinh. Chính vì vậy, examiner không thực sự chú tâm liệu Vietnamese people có thích hay không thích uống cà phê thật không, mà chỉ quan tâm cách thí sinh sử dụng ngôn ngữ để trả lời câu hỏi được đưa ra.

Nêu ví dụ cụ thể

Số lượng thí sinh tham gia bài thi IELTS là rất lớn và đa dạng, mỗi bạn thí sinh sẽ có điểm mạnh, yếu riêng và do vậy cách làm bài, ôn luyện cũng sẽ không giống nhau. Như việc phát triển ý tưởng trong Speaking, phần lớn các phương pháp làm đều hướng dẫn thí sinh mở rộng câu trả lời bằng cách nêu lý do, lý lẽ cho quan điểm vừa nêu. Tuy nhiên, rõ ràng không phải ai cũng giỏi việc giải thích bằng lý lẽ như vậy, có rất nhiều bạn có xu hướng làm tốt trong việc lấy ví dụ cụ thể hơn. Như vậy, các bạn đó nên đi theo lối riêng của mình và chọn cách giải thích bằng việc đưa ví dụ, vì hiển nhiên là không có cách làm nào là đúng nhất mà chỉ có cách làm phù hợp nhất.

Ví dụ: Do you think that advertisements on TV nowadays causes inconvenience for people?

cac-cach-phat-trien-y-tuong-cho-speaking-part-3-advertisements

Answer: As a matter of fact, the amount of time for commercials is roughly one third of that for a TV program, which is very annoying. Actually, despite being interested in watching advertisement, I myself feel that they are really interrupting when I am enjoying a good film series or TV show. Normal advertisements are fine but those with inappropriate content, for example, those which are violent or adult-related issues may trigger anger for people.

(Hiển nhiên rằng thời lượng dành cho quảng cáo chiếm tới 1/3 thời lượng chương trình TV, điều này thực sự rất khó chịu. Thật lòng mà nói, mặc dù tôi cũng có hứng thú với việc xem quảng cáo, tôi vẫn cảm thấy chúng rất phiền phức nhất là khi tôi đang xem dở một bộ phim hay chương trình TV hay. Các quảng cáo thông thường thì ổn thôi nhưng mấy cái có nội dụng không phù hợp, ví dụ như bạo lực hoặc không dành cho trẻ em có thể khiến nhiều người thấy bực mình)

Với câu trả lời bên trên, thay vì đi theo lối thông thường là nêu lý lẽ chứng minh việc “quảng cáo trên ti vi gây bất tiện”, câu trả lời trực tiếp đưa ra ví dụ từ trải nghiệm cá nhân thay cho lời giải thích.

Nêu lợi và hại

Giống với câu thành ngữ quen thuộc trong tiếng Anh “Every coin has two sides” (mọi thứ đều có hai mặt), vấn đề nào cũng đều có mặt lợi và hại tồn tại song song. Chính vì vậy, khi được yêu cầu bàn về một vấn đề cụ thể, thí sinh nên nêu ra cả 2 mặt này, giúp thí sinh có cho mình câu trả lời khách quan, sâu sắc và đa chiều.

Ví dụ: Can clothing tell you much about a person?

Answer:

No, I don’t think the clothing of a person tells “much” about a person except only how much “fashion-conscious” he or she really is. Besides, I never really feel “comfortable” with “judging” a person based on his or her “clothing”. However, sometimes, the clothing of a person provides a special “clue” to what a person does for his or her job. For example, a person with “workboots” and “dirty trousers” would most likely tell us that he or she works in the “farms” or he works in “construction”.

(Không, tôi không cho rằng quần áo có thể nói lên nhiều điều về một con người, mà chỉ thể hiện được họ biết được bao nhiêu về thời trang thôi. Bên cạnh đó thì tôi chưa bao giờ thấy ổn với việc phán xét ai đấy dựa trên quần áo họ mặc cả. Tuy nhiên, có đôi lúc trang phục của một người cũng cung cấp một “dữ kiện“ đặc biệt về công việc của người đó. Ví dụ như khi thấy một người đi ủng với chiếc quần dài bị bẩn, hầu hết chúng ta sẽ đoán ra rằng người này làm ở trang trại hoặc công trường)

Vận dụng

Ứng dụng các cách trên để trả lời các câu sau:

Câu hỏi: Who do you think should be responsible for the care of the elderly, the family or the government?

cac-cach-phat-trien-y-tuong-cho-speaking-part-3-elderly

Answer:

I believe the family has the major responsibility to look after their elder family members and support them personally as they did in their youth age. These senior citizens have sacrificed a lot throughout their lives to form a family and then to make them happy. The young members should do everything in their power to accompany their elder members and provide them with their necessities. Having said that, the government has some responsibilities as well. These elder members were once taxpayers and thus they deserve healthcare, entertainment and other facilities from the state.

(Tôi tin rằng gia đình là bên chịu trách nhiệm chính trong việc chăm lo cho người lớn tuổi và trực tiếp ở bên họ giống như khi họ đã từng chăm sóc gia đình mình hồi còn trẻ. Những công dân lớn tuổi này đã hi sinh rất nhiều suốt những năm tháng còn trẻ để xây dựng một gia đình và chăm lo cho nó. Con cháu họ nên làm mọi thứ có thể để đồng hành cùng các bậc ông bà cha mẹ mình và đảm bảo cho họ các nhu cầu cơ bản. Tuy nhiên, chính phủ cũng có trách nhiệm. Những người lớn tuổi này đã từng là những công dân đóng thuế cho nhà nước nên họ xứng đáng được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giải trí và các cơ sở vật chất khác từ chính phủ)

Câu hỏi: How has the size of the family changed in the last few decades in your country?

Answer:

From my experience, I can say that my grandfather had an extended family and people at that time used to live together with close relatives. As far as I have heard, their forefathers also live in a joint family and the number of family members was sometimes more than twenty. However, the trend of living in an extended family has changed remarkably in cities where most of the families are nuclear in nature. The villages in my country still have large families who live together but the number is shrinking day by day.

(Từ kinh nghiệm cá nhân thì tôi có thể nói rằng ông tôi có một gia đình đa thế hệ và mọi người hồi đó từng sống cùng họ hàng thân thích của mình. Theo những gì tôi được nghe kể thì ông cha của họ cũng sống trong gia đình kiểu vậy và số lượng thành viên trong nhà đôi lúc lên tới hơn 20. Mặc dù vậy, xu hướng sống trong gia đình nhiều thế hệ đã thay đổi rất nhiều ở các thành phố, nơi phần lớn các hộ gia đình đều ít người. Các làng xóm ở quê tôi vẫn còn các hộ gia đình đông người sống cùng nhau nhưng số lượng cũng đang giảm dần từng ngày)

Câu hỏi: What are the advantages and disadvantages of making films of real-life events?

Answer:

Among the advantages, I assume, those movies have a ready-made plot, the storylines are already popular and the producer can think of characters easily. Such movies often win awards considering their historical values and are positively taken by the audience and critics.

However, there are some drawbacks in making such movies based on real-life events. First and foremost, people and critics scrutinise such movies more thoroughly and they are often subject to controversy. Secondly, the story is already known to people and the movie has to promise something more than its storyline. Furthermore, making such movies require a huge sum of money and they often end up poorly in the box office.

(Trong số các lợi thế, tôi cho rằng có một số như việc những bộ phim này đều có kịch bản sẵn, cốt truyện đã nổi tiếng sẵn và đạo diễn có thể xây dựng nhân vật một cách dễ dàng. Những bộ phim như vậy thường thắng các giải thưởng nhờ vào giá trị lịch sử và sự hưởng ứng từ công chúng.

Tuy nhiên, có một số bất lợi khi thực hiện những bộ phim dựa trên câu chuyện có thật. Trước hết, khán giả và các nhà phê bình sẽ mổ xẻ kĩ hơn và thường dẫn đến các tranh cãi. Thứ hai, cốt truyện vốn được khán giả biết đến từ trước nên bộ phim sẽ phải đem đến được điều gì đặc biệt hơn bản gốc. Ngoài ra, làm những bộ phim kiểu này cần một lượng phí lớn và chúng lại thường có doanh thu không mấy khả quan)

Tổng kết

Qua bài viết trên, thí sinh đã loại bỏ được tư tưởng sai lệch về việc trả lời phần thi Speaking, từ đó tìm được hướng ôn luyện đúng đắn. Ngoài ra, thí sinh cũng nắm được mục đích và tiêu chí chấm điểm của Speaking nói chung và part 3 nói riêng để có thể lên kế hoạch ôn tập phù hợp nhằm đạt số điểm mong muốn. Đặc biệt, thí sinh đã có thêm cho mình 4 phương pháp đơn giản nhưng lại hiệu quả trong việc hỗ trợ thí sinh phát triển được ý tưởng cho những chủ đề trong IELTS Speaking Part 3.

Để rút ngắn thời gian học tập, đạt điểm IELTS trong thời gian gấp rút. Người học có thể tham gia ôn thi IELTS cấp tốc tại ZIM để được hỗ trợ tối đa, cam kết đạt kết quả đầu ra.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu