Các từ và cụm từ dễ nhầm lẫn trong tiếng Anh – Phần 2

Tổng hợp một số từ, cụm từ có chính tả tương tự nhau, có hoặc không có nghĩa tương đồng mà người học tiếng Anh dễ nhầm lẫn và sử dụng sai khi diễn đạt cũng như trình bày một số cách để phân biệt chúng.
author
ZIM Academy
21/08/2020
cac tu va cum tu de nham lan trong tieng anh phan 2

Tiếng Anh có nhiều từ và cụm từ có ý nghĩa tương đồng nhau nhưng được sử dụng trong các ngữ cảnh và ngữ pháp khác nhau. Ngoài ra, một số từ trong tiếng Anh cũng có “spelling” (chính tả) tương tự nhau, dễ gây nhầm lẫn. Người học tiếng Anh, nếu chỉ đơn thuần dịch một từ hoặc cụm từ từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Anh, có thể sử dụng từ vựng đó vào sai ngữ cảnh, ngữ pháp.

Việc nhầm lẫn các từ hay cụm từ này về lâu dài sẽ trở thành các lỗi diễn đạt, ngữ pháp khó sửa, có thể ảnh hưởng đến một số tiêu chí đánh giá khi tham gia kì thi IELTS hoặc ở một phạm vi rộng hơn, có thể khiến diễn đạt của bản thân trở nên khó hiểu khi nói hoặc viết tiếng Anh.

Ở phần 2 của series này, tác giả sẽ tổng hợp một số từ, cụm từ có chính tả tương tự nhau, có hoặc không có nghĩa tương đồng mà người học tiếng Anh dễ nhầm lẫn và sử dụng sai khi diễn đạt cũng như trình bày một số cách để phân biệt chúng.

Các từ dễ nhầm lẫn trong tiếng Anh

Each và every

cac-tu-va-cum-tu-de-nham-lan-trong-tieng-anh-each-every

Người học thường dễ nhầm lẫn hai từ này với nhau do dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt đều mang nghĩa “mỗi”. Dù có thể được sử dụng thay thế cho nhau ở một số hoàn cảnh, diễn đạt bằng “each” vẫn có sự khác biệt so với điễn đạt bằng “every”. Thậm chí “each” cũng có một số cấu trúc ngữ pháp khác mà ở đó, việc sử dụng “every” để thay thế sẽ dẫn đến sai ngữ pháp.

Về mặt diễn đạt

“Each” và “Every” đều có thể được hiểu là “Mỗi”. Tuy nhiên, “Each” được sử dụng cho một tập hợp chứa từ hai cá thể trở lên trong khi “Every” được sử dụng cho một tập hợp từ ba cá thể trở lên. Vì vậy, khi tập hợp chỉ có hai đối tượng, “Each” phải được sử dụng thay vì “Every” để diễn đạt ý nghĩa “Mỗi cá thể”:

Ví dụ 1: Each gender has its own way of thinking as well as behavior. 

(Mỗi giới tính đều có một cách suy nghĩ và hành vi riêng)

NOT: Every gender has its own way of thinking as well as behavior.

Ở ví dụ trên, tập hợp giới tính “gender” chỉ chứa giới nam và nữ, vì vậy “each” được sử dụng

Ngoài ra, “Each” mang ý nghĩa nhấn mạnh vào từng cá thể riêng biệt trong một tập hợp trong khi “Every” nhấn mạnh vào toàn thể các cá thể trong tập hợp. Vì vậy, “Eạch” thường được sử dụng khi mỗi cá thể thuộc một tập thể có những đặc điểm, thuộc tính riêng biệt.

Ví dụ 2: 

A. The employer has to interview every candidate to see who fits the job most.

B. The employer has to interview each candidate to see who fits the job most.

Dịch: “Nhà tuyển dụng phải phỏng vấn mỗi thí sinh để xem ai phù hợp nhất với công việc”

Ở ví dụ này, việc sử dụng “Every” hay “Each” đều chấp nhận được. Tuy nhiên, giữa hai câu A và B có sự khác biệt về ý nghĩa truyền đạt. “Each” được sử dụng ở câu B giúp thể hiện sự nhấn mạnh của người nói/viết vào số lượng thí sinh (candidate) – “TỪNG thí sinh MỘT mà không phải nhiều người một lúc”. Trong khi đó, “Every” được sử dụng ở câu A thể hiện sự nhấn mạnh đến toàn thể tập hợp thí sinh – “Thí sinh nào cũng sẽ được phỏng vấn”

Ví dụ 3: I go to school every day.

(Tôi đi học mỗi ngày)

NOT: I go to school each day .

Ở ví dụ này, sự nhấn mạnh vào từng ngày cụ thể là không cần thiết vì người nói/viết muốn diễn đạt một thói quen (việc đi học) có tính chất lặp đi lặp lại. Vì vậy, việc sử dụng “Each” để diễn đạt ý “mỗi” sẽ thiếu hợp lý.

Ví dụ 4: I wear different clothes each day 

(Tôi mặc các trang phục khác nhau mỗi ngày).

Ở ví dụ này, sự nhấn mạnh vào từng ngày cụ thể là cần thiết vì người nói/người viết muốn diễn đạt sự khác biệt giữa các trang phục mặc mỗi ngày. Vì vậy, “Each” được sử dụng để nhấn mạnh sự khác biệt đó.

Về mặt ngữ pháp

“Each” có thể được sử dụng như một đại từ hoặc trạng từ trong khi “Every” không có những chức năng này.

Ví dụ 1: There are five students in the class. Each has a different view on the matter.

(Có năm học sinh trong lớp. Mỗi học sinh có một quan điểm khác nhau về vấn đề).

NOT: … Every has a different view on the matter.

Ở ví dụ trên, “Each” được sử dụng như một đại từ đại diện cho “học sinh” được nhắc đến ở câu trước.

Ví dụ 2: We each have a piece of cake/We have a piece of cake each.

(Chúng tôi mỗi người có một miếng bánh)

NOT: We every have a piece of cake/We have a piece of cake every.

Ở ví dụ trên, “Each” được sử dụng như một trạng từ bổ nghĩa cho động từ “have”.

Everyday và Every day

Việc nhầm lẫn giữa “Everyday” và “Every day” chỉ xảy ra ở văn viết. “Everyday” là một tính từ với nghĩa là thường nhật, thông thường – ordinary, typical or usual (theo từ điển Cambridge). Mặt khác, “every day” là một trạng từ với nghĩa là “mỗi ngày.

Ví dụ 1: It’s not easy to learn English every day (Thật không dễ để học tiếng Anh mỗi ngày)

Ví dụ 2: It’s not easy to learn everyday English (Thật không dễ để học tiếng Anh phổ thông)

Most, most of, mostly và almost

Đây là một “bộ tứ” mà người học tiếng Anh thường cảm thấy bối rối và dễ nhầm lẫn với nhau nếu chỉ đơn thuần dịch thành “hầu hết, hầu như”. Sau đây, tác giả sẽ phân tích nghĩa và ngữ pháp của các từ này với nhau để người đọc dễ dàng phân biệt chúng.

“Almost” có nghĩa là “gần như”, “suýt”, “sắp”, gần nghĩa với nearly (theo từ điển Cambridge)

Ví dụ: 

  • I almost forgot to lock the door before going out (Tôi suýt quên khóa cửa trước khi ra ngoài)

  • I am almost there (Tôi sắp tới đó rồi)

  • I almost cried when I read the questions of the exam (Tôi suýt khóc khi tôi đọc câu hỏi của bài thi)

  • He was almost dead when she left him (Anh ấy gần như chết đi khi cô ấy rời bỏ anh ấy)

Có thể thấy qua các ví dụ trên, “almost” được sử dụng như một trạng từ bổ sung thêm ý nghĩa cho động từ hoặc tính từ.

“Mostly” có nghĩa là “chủ yếu”, gần nghĩa với mainly (theo từ điển Cambridge)

Ví dụ: 

  • The bottle contains mostly water (Cái chai chứa chủ yếu là nước)

  • The lesson is delivered mostly in English. (Bài học được giảng chủ yếu bằng tiếng Anh)

  • The students are mostly males. (Những người học sinh chủ yếu là nam)

Ở các ví dụ trên, “mostly” được sử dụng như một trạng từ bổ sung ý nghĩa cho các động từ và tính từ (“contain”, “deliver” và “are”). 

“Most” và “Most of” có nghĩa là “hầu hết”, thường được sử dụng cho một số lượng (đếm được hoặc không đếm được), gần nghĩa với “the majority of” – (theo từ điển Cambridge). “Most” được sử dụng cho một danh từ mang ý nghĩa nói chung, khái quát (VD: apples – táo nói chung; cars – ô tô nói chung) trong khi “Most of” được sử dụng cho một danh từ chỉ một tập thể xác định và vì vậy, mạo từ “The” thường được đặt sau “Most of”.

Ví dụ:

  • Most men prefer getting married at 30 when they have already been financially independent.
    (Hầu hết đàn ông muốn kết hôn ở độ tuổi 30 khi họ đã độc lập về mặt tài chính).

  • Most of the students in this class have good grades in the final exam.
    (Hầu hết các học sinh trong lớp này có điểm cao trong kì th cuối khóa)

Tóm lại

cac-tu-va-cum-tu-de-nham-lan-trong-tieng-anh-tom-laiMost, most of, mostly và almost

*Note: “Almost all” cũng được sử dụng để diễn đạt ý nghĩa về số lượng. Tuy nhiên, từ này có sự khác biệt so với “Most” và “Most of”.

Ví dụ:

  • Most men (around 60% of men) prefer getting married at 30.

  • Almost all men (around 90% of men) prefer getting married at 30.

Như vậy, có thể thấy sự khác biệt ở đây nằm ở số liệu về tỉ lệ mà hai từ này truyền tải. Trong khi “most” được sử dụng để diễn đạt một số liệu tỉ lệ chiếm đa số (nhiều hơn các tỉ lệ của các đối tượng khác trong cùng phạm vì khảo sát), “Almost all” (gần như tất cả) phản ánh một tỉ lệ gần với tỉ lệ tuyệt đối (100%)

Another, Other(s), The other(s)

Người học thường dễ nhầm lẫn các từ này với nhau nếu chỉ dịch chúng thành “khác” trong tiếng Việt. Thực tế, các từ này có nghĩa và cấu trúc ngữ pháp hoàn toàn khác nhau. Sau đây, tác giả sẽ chia các từ này theo nghĩa để phân tích

Mang nghĩa là “khác”

“Another + danh từ đếm được số ít”: Another khi đi với danh từ đếm được ở dạng số ít có nghĩa là “một cái gì khác”. Người học có thể dễ dàng ghi nhớ điểm ngữ pháp này bởi bản thân từ “Another” đã có mạo từ “An” ở phía trước của từ

Ví dụ: I’m not sure if this shirt will suit me. Do you have another one? (Tôi không chắc liệu chiếc áo sơ mi này sẽ hợp với tôi. Bạn có cái khác không)

“Other + danh từ không đếm được/danh từ đếm được số nhiều”: Ngược lại với “Another”, other được sử dụng cho các danh từ không đếm được (VD: information, news, advice,…) để thể hiện ý nghĩa “những cái khác”

Ví dụ: There are many other shirts of the same size as yours in this section. (Có nhiều chiếc áo sơ mi khác cùng kích cỡ với cái của bạn ở gian hàng này)

“Others” với chức năng như đại từ: “Others” được sử dụng như một đại từ – đại diện cho một sự vật, hiện tượng đã nhắc đến ở câu trước hoặc một đối tượng mà cả người nói/người viết và người nghe/người đọc đều đã biết. Vì vậy, “Others” không được theo sau bởi một danh từ như “Another” hay “Other” được

Ví dụ: Some people think that competitiveness is beneficial for children’s mental development while others think the opposite is true. (Một vài người nghĩ rằng sự cạnh tranh thì có lời cho sự phát triển tinh thần của trẻ trong khi những người khác nghĩ ngược lại)

Mang nghĩa là “còn lại”

“The other + danh từ”: “The other” khi đi cùng với một danh từ (đếm được nhiều hay ít, không đếm được) mang nghĩa là (các) thứ còn lại.

Ví dụ:

There are five pens on the table. Two pens are red while the other pens are blue.
(Có năm cây viết trên bàn. Hai cây viết thì màu đỏ trong khi những cây còn lại thì màu xanh)

He’s having a pen in one hand and a pencil in the other hand.
(Anh ấy đang có một cây viết bi trong một tay và một cây viết chì trong tay còn lại)

“The other” với chức năng như đại từ: Người học có thể sử dụng “The other” mà không đi kèm với một danh từ ở phía sau. Trong trường hợp này, “The other” có chức năng như một đại từ – đại diện cho một sự vật, hiện tượng đã được nhắc đến trước đó. Tuy nhiên, “The other” chỉ có thể đại diện cho đối tượng ở số lượng đếm được là MỘT. Nếu muốn đại diện cho đối tượng không đếm được hoặc nhiều đối tượng, “The others” sẽ được sử dụng thay thế.

Ví dụ: He’s having a pen in one hand and a pencil in the other => Hand đã được lược bỏ vì trước đó, người nghe/đọc đã được nhắc đến “hand” trong “in one hand”.

“The others” với chức năng như đại từ: Như đã đề cập đến ở trên, để đại diện cho nhiều đối tượng hoặc đối tượng không đếm được đã nhắc đến trước đó, người học có thể sử dụng “The others”

Ví dụ: There are five pens on the table. Two pens are red while the others are blue. => “Pens” được lược bỏ vì người đọc/người nghe đã được nhắc đến “pens” trước đó.

*NOTE: Như vậy, có thể thấy, các từ mang nghĩa “còn lại” luôn có mạo từ “the” ở phía trước. Điều này là bởi vì theo góc nhìn của ngôn ngữ Anh, những thứ “còn lại” thuộc một tập hợp cụ thể, đã xác định.

Near vs Nearby 

Cả “near” và “nearby” đều được sử dụng để nói về khoảng cách gần, không xa. Tuy nhiên, hai từ này được sử dụng trong 1 câu với ngữ pháp khác nhau. Cụ thể, “nearby” có thể được sử dụng như một tính từ hoặc trạng từ trong khi “near” được sử dụng như một giới từ. Để dễ dàng phân biệt “near” và “nearby” người học có thể hiểu “nearby” là “gần đây” còn “near” là (gần)

Ví dụ: 

  • “Nearby” được sử dụng như tính từ:
    If you want to find a gas station, there’s one in the nearby town. (NOT near town)
    Dịch nghĩa: Nếu bạn muốn tìm một trạm xăng, có một cái ở thị trấn gần đây

  • “Nearby” được sử dụng như trạng từ:
    Is there a bank nearby? (Not … a bank near/a near bank)
    Dịch nghĩa: Có một ngân hàng gần đây không

  • Near được sử dụng như một giới từ:
    VD: There is a bank near here/our school (NOT: nearby here/nearby our school). 
    Dịch nghĩa: Có một ngân hàng gần đây/gần trường chúng tôi.

*Lưu ý: “near” ở ví dụ trên đứng trước danh từ “our school” không có nghĩa nó có chức năng như một tính từ (bổ nghĩa cho danh từ). Ở đây, “near” cùng với “our school” tạo thành một cụm giới từ, giúp cung cấp thêm thông tin về địa điểm của “bank”. Chức năng của “near” ở đây tương tự như “in”, “on”, “at” dùng để cung cấp thêm thông tin về địa điểm.

Worth, Worthwhile and Worthy

Người học thường dịch các từ này thành “đáng” hay “xứng đáng” trong tiếng Việt mà chưa thực sự nắm rõ cách dùng cũng như ngữ pháp của chúng nên thường xảy ra nhầm lẫn. Trong nội dung bài viết này, tác giả sẽ so sánh 3 từ này khi chúng được sử dụng như một tính từ trong câu

  • ”Worth” là tính từ cho biết trị giá của một vật

cac-tu-va-cum-tu-de-nham-lan-trong-tieng-anh-vi-du

This car is worth a million dollars. (Chiếc xe này đáng giá một triệu đô la)

This performance is worth a fortune. (Buổi biểu diễn này đáng giá rất nhiều tiền)

Mặt nghĩa này của worth gần giống với động từ “to cost” (trị giá). Tuy nhiên, trong khi “to cost” thể hiện một giá trị thực tế, khách quan của một sự vật, “worth” thể hiện sự chủ quan của người nói. Một người có thể cho rằng chiếc xe cũ đã gắn bó nhiều năm đáng giá rất nhiều tiền dù giá trị thực của chiếc xe có thể không như vậy.

Ví dụ: My old car is worth a million dollars (to me).

(Chiếc xe cũ của tôi đáng giá một triệu đô la đối với tôi)

  • ”Worth” còn được sử dụng để diễn tả tầm quan trọng của một sự vật, sự việc trong cấu trúc “be + worth + V-ing” và “be + worth it”. Khi người nói/viết sử dụng cấu trúc này của “worth”, họ muốn thể hiện rằng sự việc, hành động họ đang nói tới có lợi ích, tầm quan trọng gì để thực hiện hay không. Từ đây, nghĩa “xứng đáng” của “worth” xuất hiện

Ví dụ: Do you think it is worth traveling to Japan to try sushi?/Do you think traveling to Japan to try sushi is worth it?

(Bạn có nghĩ việc đi du lịch đến Nhật để thử món sushi có đáng không?)

  • ”Worthwhile” là từ có cùng ý nghĩa với “be worth it” ở ví dụ trên. Ngoài ra, “worthwhile” còn có thể đứng trước một danh từ để bổ nghĩa cho nó. 

Ví dụ: 

cac-tu-va-cum-tu-de-nham-lan-trong-tieng-anh-vi-du-02

Do you think traveling to Japan to try sushi is worthwhile?

Teaching is a worthwhile career (Dạy học là một nghề xứng đáng (để bỏ công sức và nỗ lực theo đuổi))

  • “Worthy” có nghĩa đáng để được tôn trọng, ngưỡng mộ hoặc ủng hộ – “Deserving respect” (theo từ điển Cambridge). “Worthy” có nghĩa hẹp hơn và chỉ có thể đi hợp với một số danh từ (VD: “cause” – lý do; “objective”,”goal” – mục tiêu). Nguời học có thể dịch “Worthy” thành “cao cả” để dễ phân biệt với hai từ “worth” và “worthwhile”

cac-tu-va-cum-tu-de-nham-lan-trong-tieng-anh-vi-du-03

Ví dụ: “His actions are based on worthy cause” – (Những hành động của anh ấy dựa trên những lý do cao cả, đáng nể phục)

Tổng kết

Tiếng Anh là một ngôn ngữ đa dạng, phong phú với nhiều từ mang ý nghĩa tương đồng nhau nhưng có cách sử dụng và ngữ pháp khác nhau. Người học tiếng Anh, nếu không nắm rõ bản chất (về ý nghĩa và ngữ pháp) của các từ đồng nghĩa mà chỉ đơn thuần dịch từ ngôn ngữ mẹ đẻ sang tiếng Anh khi diễn đạt, có thể nhầm lẫn các từ này với nhau. Sự nhầm lẫn này nếu lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài sẽ rất khó sửa. Vì vậy, người học cần nắm rõ, chắc nghĩa và ngữ pháp của một từ cũng như tìm cách phân biệt, so sánh ngay nghĩa của một từ mới học với các từ đã biết với ý nghĩa tương tự.

Hoàng Khải Đức

Bạn muốn trở nên tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế hay nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu