Cách tiếp cận từ vựng mới trong bài đọc IELTS Reading
Trong quá trình học tiếng Anh nói chung, học IELTS nói riêng, từ vựng mới luôn là một trong những thử thách lớn cho người học dù ở trình độ nào. Đặc biệt, đối với IELTS Reading, trong mỗi bài đọc, lượng từ vựng mới đồ sộ mang tính học thuật cao càng tạo ra thêm khó khăn và áp lực, đòi hỏi phải có phương pháp tiếp cận phù hợp và hiệu quả.
Xuất phát từ thực tế trên, bài viết giới thiệu các cách tiếp cận từ vựng mới trong bài đọc IELTS Reading ở hai ngữ cảnh: trong phòng thi và khi ôn tập tại nhà. Cụ thể, mỗi cách tiếp cận sẽ được trình bày kèm ví dụ minh hoạ và bài tập ứng dụng.
Key takeaways |
|
Từ vựng mới là gì?
Từ vựng mới là những từ vựng mà người học không hiểu nghĩa hoặc chỉ hiểu một nét nghĩa này nhưng không hiểu nét nghĩa khác, trong trường hợp từ vựng có nhiều nét nghĩa khác nhau. Trong IELTS Reading, từ vựng mới còn có thể hiểu là những từ cản trở quá trình đọc hiểu văn bản và xác định đáp án của người học.
Từ vựng mới có thể thuộc bất kỳ từ loại nào, nhưng những loại từ vựng có ảnh hưởng nhiều đến việc đọc hiểu gồm: danh từ, động từ, tính từ, và trạng từ.
Đối tượng sử dụng các cách tiếp cận từ vựng mới trong IELTS Reading
Người học IELTS ở tất cả các trình độ đều có thể vận dụng các cách tiếp cận từ vựng mới trong IELTS Reading được đề cập trong bài viết. Tuỳ vào môi trường và thói quen học tập thực tế, người học có thể kết hợp các phương pháp này với nhau để đạt hiệu quả tốt nhất với trình độ của mình.
Các cách tiếp cận từ vựng mới trong IELTS Reading
Các cách tiếp cận từ vựng mới trong IELTS Reading trong phòng thi
Bối cảnh tiếp cận từ vựng mới trong IELTS Reading trong phòng thi có những tính chất đặc trưng như sau: (1) không được dùng các công cụ hỗ trợ tra cứu như từ điển hoặc Internet, (2) áp lực về thời gian, (3) áp lực tâm lý khi làm bài thi, (4) mục đích chính là tìm ra đáp án chính xác.
Với những đặc trưng trên, có thể thấy từ vựng mới trong bài thi cần được xử lý nhanh, gọn, không đòi hỏi nắm bắt ý nghĩa quá chi tiết mà chủ yếu dùng từ vựng phục vụ cho việc trả lời câu hỏi. Tương ứng với các tính chất đó, có hai cách chính để tiếp cận từ vựng mới trong phòng thi: (1) bỏ qua từ vựng và (2) đoán nghĩa của từ.
Cách tiếp cận bỏ qua từ vựng
Trên thực tế, một bài đọc IELTS Reading có lượng từ vựng rất lớn và mang tính học thuật cao nên người học không nhất thiết phải hiểu hết ý nghĩa của tất cả các từ xuất hiện trong bài. Thay vào đó, người học chỉ cần nắm nghĩa của những từ ảnh hưởng trực tiếp, hỗ trợ hoặc cản trở quá trình đọc hiểu và chọn đáp án.
Những từ này thường nằm trong phạm vi vùng chứa đáp án (được xác định bằng các từ khoá ở một câu hỏi nhất định trong bài). Việc bỏ qua từ vựng mới không liên quan trực tiếp tới đáp án sẽ giúp người học tiết kiệm thời gian vốn có hạn trong phòng thi cũng như hạn chế bị phân tâm khi đọc hiểu.
Như vậy, nhóm từ vựng mới mà người học có thể chọn cách tiếp cận bỏ qua trong IELTS Reading là những từ mà nếu không hiểu nghĩa vẫn không gây khó khăn trong việc chọn đáp án đúng.
Ví dụ, xét đoạn trích từ bài đọc IELTS Reading và câu hỏi dạng Điền từ sau đây:
Đoạn trích:
“Wild tomatoes, which are native to the Andes region in South America, produce pea-sized fruits. Over many generations, peoples such as the Aztecs and Incas transformed the plant by selecting and breeding plants with mutations in their genetic structure, which resulted in desirable traits such as larger fruit.
But every time a single plant with a mutation is taken from a larger population for breeding, much genetic diversity is lost. And sometimes the desirable mutations come with less desirable traits. For instance, the tomato strains grown for supermarkets have lost much of their flavour.
By comparing the genomes of modern plants to those of their wild relatives, biologists have been working out what genetic changes occurred as plants were domesticated. The teams in Brazil and China have now used this knowledge to reintroduce these changes from scratch while maintaining or even enhancing the desirable traits of wild strains.”
(Cambridge IELTS 17, Reading Test 2)
Câu hỏi:
An undesirable trait such as loss of ……………………… may be caused by a mutation in a tomato gene.
Trong câu hỏi trên, các từ khoá được xác định bằng cách gạch chân, gồm: “undesirable trait” (đặc điểm không mong muốn), “loss” (sự mất đi), “caused” (gây ra bởi), “mutation” (sự đột biến”) và “tomato gene” (gen của cà chua). Đáp án cần tìm là yếu tố bị mất đi ở cà chua do biến đổi gen.
Dựa vào từ khoá, có thể xác định vùng chứa đáp án là hai câu: “And sometimes the desirable mutations come with less desirable traits. For instance, the tomato strains grown for supermarkets have lost much of their flavour.” và đáp án cần tìm là “flavour”.
Vậy, người học có thể bỏ qua từ vựng mới trong những câu nằm ngoài vùng chứa đáp án như “pea-sized”, “genomes” hoặc “domesticated”, bởi chúng không cản trở việc xác định đáp án chính xác cho câu hỏi.
Cách tiếp cận đoán nghĩa của từ
Trong một số trường hợp, từ vựng mới rơi vào vùng chứa đáp án và gây khó khăn cho quá trình đọc hiểu. Khi đó, người học có thể dùng cách tiếp cận đoán nghĩa của từ để xử lý từ vựng mới.
Cách tiếp cận này được chia thành ba tiểu loại: (1) đoán nghĩa dựa vào cấu tạo từ, (2) đoán nghĩa dựa vào ngữ cảnh và (3) đoán nghĩa dựa vào kiến thức xã hội.
Thứ nhất, với cách tiếp cận đoán nghĩa dựa vào cấu tạo từ, người học suy đoán nghĩa của một từ dựa vào đặc điểm hình thái với các thành phần: tiền tố, hậu tố, và gốc từ. Tiền tố là một từ hoặc nhóm các ký tự nằm trước một từ khác (đóng vai trò từ gốc), diễn đạt các ý nghĩa phủ định, số lượng, phương hướng,...
(ví dụ: de- trong “deactivate” mang nghĩa “tắt”, il- trong “illegal” mang nghĩa “không/phi” , over- trong “overestimate” mang nghĩa “quá”).
Để minh hoạ, xét câu văn sau:
“However, we believe that it largely misrepresents the real nature of scientific discovery.” (Cambridge IELTS 17, Reading Test 2)
Giả sử từ “misrepresent” trong câu trên là một từ vựng mới. Người học có thể phân tích và xác định tiền tố mis- với nghĩa “sai lầm, sai lệch” và gốc từ là “represent” mang nghĩa “thể hiện, đại diện”.
Kết hợp lại, có thể suy đoán rằng từ “misrepresent” nghĩa là “thể hiện sai lệch”. Từ đó, nghĩa của câu là “Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng nó thể hiện sai lệch nghiêm trọng bản chất thực sự của khám phá khoa học.”
Ngược lại, hậu tố là một từ hoặc nhóm các ký tự nằm sau một từ (đóng vai trò từ gốc), diễn đạt tính chất ngữ pháp của từ, đặc biệt là từ loại (ví dụ: -tive trong “protective” hình thành tính từ, -tion trong “installation” hình thành danh từ, -en trong “widen” hình thành động từ).
Để minh hoạ, xét câu văn sau:
Of course, the origin of human innovation demands much further study. (Cambridge IELTS 17, Reading Test 2)
Giả sử trong câu này từ vựng mới là “innovation”. Người học có thể phân tích và xác định hậu tố -tion với nghĩa “sự, việc”, biểu thị từ loại là danh từ. Đồng thời, gốc từ “innovate” có nghĩa “cải cách, cách tân”. Vậy, nghĩa của từ “innovation” là “sự cách tân”. Từ đó, suy ra nghĩa cả câu là: “Dĩ nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu chi tiết hơn nữa về khởi nguyên sự cách tân của nhân loại.”
Trong khi đó, gốc từ là thành phần chính mang nghĩa căn bản của một từ, là cơ sở để phát sinh các tiền tố và hậu tố (ví dụ: gốc từ “sens” trong tính từ “sensitive” mang nghĩa “giác quan”, “act” trong danh từ “action” mang nghĩa “hành động”, “function” trong động từ “malfunction” mang nghĩa “hoạt động”).
Để minh hoạ, xét câu văn sau:
“Just like Darwin’s Law of Natural Selection, the Law of Effect involves an entirely mechanical process of variation and selection.” (Cambridge IELTS 17, Reading Test 2)
Giả sử trong câu này, các từ vựng mới là “mechanical”, “variation” và “selection”. Người học có thể lần lượt phân tích và xác định gốc từ của 3 từ này: -mech- (máy móc, công cụ, cơ học), vary (thay đổi), select (chọn lựa). Kết hợp với hiểu biết về những hậu tố “-ical” (biểu thị tính từ) và “-tion” (biểu thị danh từ), người học có thể suy đoán nghĩa của ba từ này lần lượt là: “liên quan đến máy móc/công cụ/cơ học”, “sự biến đổi”, và “sự lựa chọn. Từ đó, nghĩa cả câu sẽ là “Cũng như Quy luật Chọn lọc Tự nhiên của Darwin, Luật Tác động liên quan đến toàn bộ quá trình cơ học của sự biến đổi và chọn lựa.”
Thứ hai, với cách tiếp cận đoán nghĩa dựa vào ngữ cảnh, người học phân tích ngữ cảnh của bài đọc và dựa vào đó để suy đoán nghĩa của từ vựng mới. Cụ thể, người học căn cứ vào chủ đề chung của bài đọc và các từ/cụm từ xung quanh, đặc biệt là ngay trước và sau từ vựng mới, từ đó suy đoán nghĩa của từ. Giả sử từ vựng mới là X, người học cần xem xét mối quan hệ giữa X với những từ khác mà mình hiểu nghĩa hoặc thấy quen thuộc. Một số dạng quan hệ phổ biến gồm: định nghĩa, đồng nghĩa, trái nghĩa, và ví dụ.
Để minh hoạ, xét các đoạn văn sau:
Quan hệ định nghĩa
“Jargon is a loaded word. One dictionary defines it, neatly and neutrally, as ‘the technical vocabulary or idiom of a special activity or group.” (Achieve IELTS - Test 3)
Giả sử trong đoạn trên “jargon” là một từ mới. Khi đọc toàn bộ đoạn văn, người học có thể tìm ra định nghĩa của từ này ở câu thứ hai dựa trên cụm “One dictionary defines it” (Một từ điển định nghĩa từ này”: “the technical vocabulary or idiom of a special activity or group”.
Như vậy, từ jargon có nghĩa là “từ vựng hoặc thành ngữ mang tính kỹ thuật được dùng trong một hoạt động hay nhóm người đặc biệt.” Qua đó, người học nắm được ý nghĩa của từ “jargon” dù không có từ điển hỗ trợ tra cứu.
Thông thường, những thuật ngữ khoa học trong bài thi IELTS Reading sẽ được cung cấp định nghĩa/chú thích kèm theo như trên, đánh dấu bằng những từ/cụm từ như “define”, “definition”, can be understood as” hoặc dấu gạch nối hay dấu phẩy.
Quan hệ đồng nghĩa/trái nghĩa
Thông thường quan hệ đồng nghĩa/trái nghĩa thường được thể hiện qua câu hỏi và phần thông tin tương ứng chứa đáp án trong bài đọc. Do đó, cần phân tích cả câu hỏi lẫn vùng chứa đáp án để tìm ra nghĩa của từ vựng mới.
Minh hoạ quan hệ đồng nghĩa
Câu hỏi: What aspect of cockroaches makes the author want them removed from the home?
Vùng thông tin chứa đáp án:
“It’s only a cockroach, but its large size, long antennae, shiny appearance, and spiny legs, all present a particularly disgusting appearance…
…This is certainly the over-riding reason I want these creatures totally eradicated from my apartment.” (IELTS Mock Test January 2021, ieltsonlinetests.com)
Giả sử trong đoạn văn bản trên từ “eradicate” là từ vựng mới. Người học phân tích câu hỏi và lần lượt đối chiếu các từ tương ứng ở vùng chứa đáp án như bảng sau:
aspect | disgusting appearance |
The author | I |
Makes the author want | The over-riding reason I want |
removed | eradicated |
Từ đó, người học có thể suy đoán rằng từ “eradicated” đồng nghĩa với “removed”: loại bỏ.
Minh hoạ quan hệ trái nghĩa
Ngược lại, người học có thể đoán nghĩa thông qua từ trái nghĩa, dựa vào dấu hiệu nhận biết là các từ nối thể hiện sự tương phản như “while”, “however”, “but”, “yet”,...
Đoạn văn bản: “Tunisia is the smallest country in the North Africa. It lies between Algeria and Libya. On the north is the Mediterranean Sea. The northern part of the country contains very fertile soil while the southern area is very dry. The two areas are separated by the Atlas Mountains.” (theo Working out unfamiliar vocabulary (ieltsonlinetests.com))
Trong đoạn văn bản trên, giả sử người học chưa biết nghĩa của từ “fertile”. Lúc này, người học sẽ phân tích và xác định từ nối thể hiện sự tương phản “while” đứng giữa hai vế với cặp tính từ “fertile-dry”, mà “dry” mang nghĩa “khô cằn”. Vậy, từ “fertile” khi dùng trong đoạn này để mô tả đất đai sẽ có nghĩa là “màu mỡ”.
Quan hệ ví dụ
Quan hệ ví dụ được đánh dấu bằng các từ/cụm từ như “for example”, “for instance”, “such as”,... Người học sẽ dựa vào nghĩa của các ví dụ để suy đoán nghĩa của từ vựng mà các ví dụ đó chỉ tới. Xét đoạn văn sau:
“There’s a growing trend for stadiums to be equipped with public spaces and services that serve a function beyond sport, such as hotels, retail outlets, conference centres, restaurants and bars, children’s playgrounds and green space.” (Cambridge IELTS 17, Reading Test 1)
Giả sử trong đoạn trên người học muốn biết nghĩa của cụm từ “public spaces”. Có thể xác định dấu hiệu của ví dụ là “such as”, và các ví dụ gồm: hotels, retail outlets, conference centres, restaurants and bars, children’s playgrounds and green space đều chỉ những địa điểm công cộng với không gian sinh hoạt chung. Như vậy, người học suy ra được nghĩa của “public spaces” là “không gian/khu vực công cộng”.
Cuối cùng, người học có thể đoán nghĩa từ dựa vào kiến thức xã hội của mình. Đây là kiến thức nền thuộc các lĩnh vực khác nhau mà bản thân mỗi người học tự tích luỹ và trau dồi.
Để minh hoạ, xét đoạn văn sau
“Whatever the case, I am faced with a big problem: a large ugly cockroach crawling slowly across my sink, antennae waving as it explores around. If I try to grab it, it will dart away.” (IELTS Mock Test January 2021, ieltsonlinetests.com)
Đoạn văn trên đang miêu tả tình huống tác giả gặp phải: một con gián đang bò trên bồn rửa chén và tác giả cho rằng việc bắt nó sẽ dẫn đến việc con vật này “dart away”. Dựa vào kiến thức xã hội, người học có thể dự đoán được bản năng của gián là thích lẩn trốn, và khi phát hiện nguy hiểm chúng sẽ bỏ chạy rất nhanh. Từ đó, người học sẽ suy đoán được nghĩa của “dart away” là “bỏ chạy thật nhanh”.
Các cách tiếp cận từ vựng mới trong IELTS Reading khi ôn tập tại nhà
Trái với trong phòng thi, bối cảnh tiếp cận từ vựng mới trong IELTS Reading khi ôn tập tại nhà có những tính chất: (1) có các công cụ hỗ trợ tra cứu như từ điển hoặc Internet, (2) không có hoặc ít áp lực về thời gian và tâm lý (3) mục đích chính không chỉ là tìm ra đáp án chính xác mà còn là mở rộng vốn từ của người học.
Do đó, người học có thể tiếp cận từ vựng mới khi ôn tập tại nhà qua hai cách: ghi chú lại để tra cứu sau và tra cứu trong từ điển. Ba cách này giúp người học vừa nắm bắt nghĩa của từ đơn lẻ, vừa hiểu được nghĩa của từ trong câu một cách chính xác trong khi vẫn tập trung trả lời câu hỏi bài đọc.
Cách tiếp cận ghi chú lại để tra cứu sau
Như đã đề cập ở cách tiếp cận bỏ qua từ vựng mới, một số từ vựng trong bài đọc không liên quan trực tiếp đến đáp án và có thể bỏ qua trong phòng thi. Tuy nhiên, khi ôn tập tại nhà, người học không bị áp lực về thời gian, đồng thời cần mở rộng vốn từ nên cần ghi chú những từ vựng mới này lại để tra cứu sau.
Đối với các từ này, người học không cần tra cứu ngay để giữ sự tập trung cũng như quản lý thời gian làm bài sát với bài thi thật. Ngoài ra, việc ghi chú và tra cứu một lượt các từ mới cũng giúp người học lưu giữ từ vựng một cách ngăn nắp và hệ thống hơn.
Cụ thể, khi gặp từ vựng không hiểu nghĩa nhưng nằm ngoài vùng chứa đáp án, người học sử dụng bút dạ quang (nếu làm bài trên giấy) hoặc chức năng highlight tài liệu (nếu làm bài trên máy tính) để đánh dấu những từ đó lại. Nên dùng các màu khác nhau cho từ loại khác nhau, nhờ vậy có thể sắp xếp và tra cứu dễ dàng hơn.
Khi đã hoàn thành bài đọc, người học tiến hành tra cứu các từ vựng trong các từ điển Anh-Anh và Anh-Việt, đồng thời chép lại vào sổ từ vựng cho mục đích ôn tập. Người học có thể tham khảo cách tra cứu từ điển và ghi chú từ vựng để phần sau.
Cần lưu ý rằng lượng từ không liên quan đến đáp án trong bài đọc rất đồ sộ. Do đó, với mỗi bài đọc, người học chỉ nên chọn lọc khoảng 30 từ để đảm bảo khả năng ghi nhớ tốt nhất, ưu tiên những từ có liên quan đến một chủ đề cụ thể như Môi trường, Công nghệ, Sinh học,...
Cách tiếp cận tra từ điển
Khi gặp từ vựng mới liên quan trực tiếp tới đáp án, người học cần phải tra cứu nghĩa để hỗ trợ quá trình làm bài thay vì bỏ qua. Vì vậy, cách tiếp cận tra từ điển là vô cùng hữu ích.
Cách tiếp cận tra từ điển có hai lợi ích chính: (1) giúp người học hiểu nghĩa của từ vựng mới và (2) cung cấp các ví dụ về cách sử dụng từ vựng mới đó trong câu để người học mở rộng vốn từ.
Nhằm sử dụng từ điển hiệu quả, người học nên kết hợp cả từ điển Anh-Việt và từ điển Anh-Anh. Có thể tham khảo quá trình thực hiện như sau:
Bước 1: Khi gặp một từ mới, người học ưu tiên tra cứu trong những từ điển Anh-Anh uy tín như Oxford Learner’s Dictionary hay Cambridge Dictionary. Vì từ vựng tiếng Anh thường có nhiều nét nghĩa, người học lần lượt ghép từng nét nghĩa vào câu chứa từ mới trong bài đọc xem có hợp lý hay không, từ đó chọn ra nét nghĩa được dùng trong bài đọc.
Bước 2: Người học tra cứu lại trong từ điển Anh-Việt để đảm bảo mình hiểu đúng nét nghĩa vừa tìm ra.
Bước 3: Ghi chú từ vựng mới kèm theo từ loại, phiên âm, và nghĩa của từ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt để ôn tập sau. Người học có thể tham khảo cách ghi chép từ vựng trong bài viết “5 bước học từ vựng qua bài luận mẫu trong IELTS Writing Task 2”.
Người học cần chú ý linh hoạt khi tra cứu, có thể tiến hành bước 1 và 2, sau đó ghi chú tạm nét nghĩa của từ vựng lên đề, ưu tiên tiếp tục quá trình làm bài. Khi hoàn tất, người học mới ghi chép thông tin chi tiết về từ vựng nhằm tiết kiệm thời gian và duy trì sự tập trung.
Một số lưu ý khi áp dụng các cách tiếp cận từ vựng mới trong IELTS Reading
Tuỳ vào phong cách học tập và trình độ của mỗi cá nhân mà mỗi cách tiếp cận sẽ có mức độ hiệu quả khác nhau, người học cần thử và chọn ra cách phù hợp nhất với mình.
Để chọn lựa cách tiếp cận hiệu quả, người học nên xác định rõ mục đích và ưu tiên khi gặp từ vựng mới trong hai bối cảnh: trong phòng thi và ôn tập ở nhà.
Có thể kết hợp nhiều cảnh tiếp cận với nhau thay vì chỉ phụ thuộc vào một cách nhất định.
Người học cần chủ động tìm kiếm thêm các nguồn học từ vựng đa dạng khác, không chỉ giới hạn việc học từ qua bài IELTS Reading.
Tổng kết
Bài viết đã giới thiệu các cách tiếp cận từ vựng mới trong bài IELTS Reading tương ứng với hai bối cảnh: trong phòng thi (bỏ qua từ vựng, đoán nghĩa từ vựng) và ôn tập ở nhà (ghi chú lại để tra cứu sau, tra cứu trong từ điển). Tác giả hy vọng bài viết là nguồn tham khảo bổ ích cho người học trong quá trình ôn luyện IELTS Reading cũng như mở rộng vốn từ của mình.
Trích dẫn nguồn tham khảo
Cambridge, and Cambridge University Press. Cambridge IELTS 17 Student’s Book With Answers: Authentic Examination Papers From Cambridge English Language Assessment. Cambridge English, 2022.
“Working Out Unfamiliar Vocabulary.” IELTSOnlineTests.com, Dec. 2018, ieltsonlinetests.com/reading-tips/working-out-unfamiliar-vocabulary. Accessed 6 Mar. 2023.
Bình luận - Hỏi đáp