Banner background

Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7

Bài viết giới thiệu về các dạng đoạn văn xuất hiện trong TOEIC Reading Part 7 của bài thi TOEIC format mới, và từ đó đưa ra những chiến thuật xử lý từng dạng.
cach xu ly cac dang doan van thuong gap trong toeic reading part 7

Giới thiệu chung

Tổng quan về TOEIC

TOEIC (Test of English for International Communication) là bài thi tiếng Anh chuẩn hóa được quản lý và sở hữu bởi ETS (Educational Testing Service). Bài thi được bắt đầu phát triển từ năm 1979 với mục đích đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh của những người không sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính (non-native speakers) trong môi trường làm việc quốc tế.

Hiện nay TOEIC là một trong những bài kiểm tra đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh trong môi trường doanh nghiệp hiệu quả và phổ biến nhất, với kết quả thi được công nhận bởi hơn 14.000 tổ chức quốc tế (theo IIG).

Những thay đổi trong phần thi đọc và khó khăn mà các thí sinh gặp phải

Năm 2019, IIG (đơn vị phân phối và tổ chức thi TOEIC tại Việt Nam) chính thức công bố bài thi TOEIC theo format mới với nhiều sự thay đổi ở cả phần nghe và đọc. Đối với phần thi đọc, bài thi hiện nay giảm số câu hỏi về cấu trúc ngữ pháp và từ vựng (Part 5, 6) và tăng số câu cũng như độ khó của phần đọc – hiểu (Part 7) với mục đích yêu cầu thí sinh phát triển kỹ năng đọc hiểu nhiều hơn.

Sự thay đổi này khiến cho nhiều thí sinh gặp khó khăn trong quá trình ôn luyện, một phần do việc chưa bắt kịp với format của đề thi mới. Vì vậy, mục đích của bài viết là để giúp thí sinh luyện thi TOEIC ở Việt Nam có một cái nhìn rõ ràng hơn về các dạng đoạn văn xuất hiện trong TOEIC Part 7 của bài thi TOEIC format mới và từ đó đưa ra những chiến thuật làm bài phù hợp với từng dạng.

Chiến lược cho các dạng đoạn văn TOEIC Part 7

Dạng e-mail/memo/text message

Phân tích dạng bài

Đối với một bài đọc nói chung và ba dạng đoạn văn email/memo/text message nói riêng, việc xác định trước nội dung và cấu trúc của bài là rất quan trọng vì nó sẽ giúp cho người đọc định hình được trước thông tin sẽ gặp trong bài, từ đó nhanh chóng nắm bắt được các ý chính và đưa ra sự lựa chọn đáp án chính xác mà không cần phải đọc hết 100% các từ.

Nội dung của một bài email/memo/text message trong TOEIC bao gồm:

  • Thông báo công việc mới cho nhân viên.

  • Hai hoặc nhiều nhân viên trao đổi công việc với nhau.

  • Thông báo thông tin hoặc gửi lời xin lỗi đến khách hàng.

Các dạng đoạn văn trên đều có chung những đặc điểm như sau:

  • Thể hiện rõ thông tin về người gửi và người nhận (với email thì tên người gửi thường sẽ xuất hiện ở cả đầu và cuối bài).

  • Mục đích của việc truyền đạt thông tin thường được thể hiện ở ngay mục “Subject” hoặc câu đầu tiên của bài.

  • Các câu trong bài còn lại sẽ có chức năng cung cấp thông tin chi tiết công việc được nêu ra ở phần đầu.

Chiến lược làm bài

Bước 1. người đọc cần làm khi gặp dạng đoạn văn này là xác định 3 nhóm thông tin sau:

  • Người gửi và người nhận.

  • Mục đích (chủ đề).

  • Phần chứa thông tin chi tiết (không cần đọc kỹ).

Ví dụ:

Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7(Nguồn: ETS TOEIC Reading 2019)

Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7(Nguồn: ETS TOEIC Reading 2019)

Cả 2 ví dụ trên đều có những đặc điểm chung về mặt thông tin như sau:

  • Có thông tin rõ ràng của người gửi và nhận thông điệp:

    • Hình 1: Người gửi là Jane Benson (Giám đốc vận hành) và người nhận là bộ phận thu ngân (cashiers) của công ty Oak Lane Fashion.

    • Hình 2: Người gửi là Sam Bell và người nhận là Jane Brooks.

  • Mục đích của tin nhắn/ email được thể hiện ở phần subject và câu đầu tiên của bài:

    • Hình 1: Cập nhật chính sách: từ 1/8 công ty sẽ chỉ chấp nhận đổi trả quần áo chưa mặc hoặc không hư hại khi có hóa đơn gốc.

    • Hình 2: Sam muốn hỏi Jane số điện thoại của ông Fraser.

  • Phần còn lại của bài đưa ra thông tin chi tiết:

    • Hình 1: Công việc sẽ được triển khai như thế nào.

    • Hình 2: Lý do tại sao Sam cần số điện thoại của ông Fraser.

Bước 2. Sau khi xác định được những thông tin trên, người đọc áp dụng chúng vào việc lựa chọn đáp án cho các câu hỏi.

Câu hỏi ở phần này được chia làm 2 dạng:

  • Câu hỏi tổng quan: câu trả lời có thể được tìm thấy ở mục đích của tin nhắn/ email/ memo.

  • Câu hỏi chi tiết: câu trả lời luôn được thể hiện ở từ câu thứ 2 hoặc 3 trở đi.

Ví dụ 1:

Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7(Nguồn: New Economy TOEIC Reading 1000)

Câu 149:  Người đọc chỉ cần xác định được mục đích của e-mail (thể hiện ở phần subject và câu đầu tiên – như đã đề cập ở trên).

→ Dựa vào mục đích đã được xác định ở phần trước (Cập nhật chính sách: từ 1/8 công ty sẽ chỉ chấp nhận đổi trả quần áo chưa mặc hoặc không hư hại khi có hóa đơn gốc), thí sinh có thể dễ dàng nhận thấy chỉ có đáp án B là phù hợp nhất. (Thông báo một chính sách mới).

Câu 150: hỏi về chi tiết liên quan đến “managers”, từ đó người đọc chỉ cần tìm nội dung có liên quan ở phần thông tin chi tiết (từ câu số 2 trong bài).

→ Người đọc sẽ thấy “manager” được đề cập đến ở câu “If a customer …, please call the manager on duty for assistance”. (Manager sẽ hỗ trợ khi khách hàng muốn trả đồ mà không có hóa đơn). Từ đó, đáp án phù hợp ở đây là C (Hỗ trợ khách hàng với yêu cầu đặc biệt).

Ví dụ 2:

Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7(Nguồn: New Economy TOEIC Reading 1000)

  • Câu 154: Tương tự như ví dụ ở trên, câu trả lời cho câu hỏi 154 (lý do vì sao tin nhắn được gửi) nằm ngay ở câu đầu (Sam muốn hỏi số điện thoại của ông Fraser).

→ Từ đó, đáp án chính xác là câu A (Yêu cầu sự trợ giúp).

  • Câu 155: Thông tin để trả lời câu 155 nằm ở 2 câu còn lại, ở đó Sam nói rằng mình đang bị chậm tiến độ (behind schedule) làm báo cáo tài chính và cần phải dành toàn bộ thời gian để làm.

→ Vì vậy, đáp án chính xác sẽ là câu C (Anh ta đang cố gắng bắt kịp deadline).

Kết luận về cách xử lý khi gặp dạng đoạn văn email/ memo/ message:

Bước 1: Tìm 3 nhóm thông tin:

  • Người nhận và gửi.

  • Mục đích của bức thư hoặc tin nhắn (thể hiện ở phần subject và câu đầu tiên).

  • Đoạn chứa thông tin chi tiết (không cần đọc kỹ).

Bước 2: Trả lời các câu hỏi:

  • Đối với câu hỏi tổng quan (purpose, why, …) – trả lời dựa vào thông tin phần mục đích và người nhận/gửi.

  • Đối với câu hỏi chi tiết – tìm thông tin ở phần chi tiết (sau câu đầu tiên) dựa vào từ khóa trong câu hỏi.

Tham khảo thêm:

Dạng đoạn văn quảng cáo và giới thiệu

Phân tích dạng bài

Khác với dạng đoạn văn ở phần trước, dạng quảng cáo và giới thiệu bao gồm các advertisements, articles, notes, flyer, … và được gửi đến một nhóm người (khách hàng, nhân viên, …) thay vì một người cụ thể. Mục đích của của các bài viết ở dạng này là để thông báo những sự thay đổi về công việc trong một tổ chức hoặc quảng cáo một sản phẩm đến công chúng.

Tuy nhiên, các bước làm một bài dạng quảng cáo và giới thiệu cũng tương đồng như dạng đoạn văn ở phần trước.

Chiến lược làm bài

Bước 1. Xác định các nhóm thông tin:

  • Sản phẩm hoặc thông tin gì đang được quảng cáo/ giới thiệu – Xuất hiện ở tiêu đề và 2 câu đầu tiên trong bài (Cần đọc kỹ phần này).

  • Nội dung chi tiết của quảng cáo/ thông báo (Phần này không cần đọc kỹ).

Trong hai ví dụ trên:

Hình 1:

  • Giới thiệu công ty Turner & Co – công ty sản xuất cửa sổ từ năm 1949.

  • Phần chi tiết quảng cáo sản phẩm của công ty.

Hình 2:

  • Giới thiệu cuộc trưng bày mới nhất của Bảo tàng Carlisle.

  • Phần còn lại nói về những thông tin chi tiết của cuộc trưng bày.

Bước 2. Trả lời câu hỏi – Câu hỏi cho dạng đoạn văn này cũng được chia làm 2 nhóm:

  • Câu hỏi tổng quan – Hỏi về mục đích của bài viết.

  • Câu hỏi chi tiết – Hỏi về những thông tin cụ thể trong bài.

Ví dụ 1:

Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7(Nguồn: New Economy TOEIC Reading 1000)

  • Câu 152: Việc xác định rõ mục đích của đoạn quảng cáo trên giúp người đọc nhanh chóng chọn được B (nhà sản xuất cửa sổ) là câu trả lời cho câu hỏi 152.

  • Câu 153: Người đọc có thể xác định được câu trả lời thông qua câu cuối cùng của bài viết (Additionally, we are … Environmental Protection Agency). Câu này thể hiện chi tiết rằng công ty Turner & Co cam kết về việc bảo vệ môi trường và điều này được công nhận bởi tổ chức EPA. Vì vậy, đáp án đúng cho câu này là C (Đây là một công ty thân thiện với môi trường).

Ví dụ 2:

Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7(Nguồn: New Economy TOEIC Reading 1000)

  • Câu 158: Tương tự như ví dụ trên, câu số 158 trong bài này cũng có thể dễ dàng được trả lời bằng cách xác định mục đích của thông báo dựa vào tiêu đề và câu đầu tiên.

→ Như đã xác định ở bước đầu tiên, thông báo này giới thiệu một buổi trưng bày mới mang tên Deep Waters của bảo tàng nghệ thuật Carlisle và điều này phù hợp nhất với đáp án A (quảng cáo một buổi trình diễn nghệ thuật).

  • Câu 159: Người đọc cần tìm thông tin về ông Bernstein trong phần chi tiết và câu thứ 3 của bài có nói ông Harold Bernstein là một họa sĩ tranh dầu (oil painter).

→ Vì vậy đáp án phù hợp nhất sẽ là D (an artist).

  • Câu 160: Yêu cầu người đọc tìm thông tin chi tiết về buổi trưng bày ở Melbourne (ở câu cuối cùng của bài), nhưng đồng thời người đọc cũng sẽ phải suy luận thêm thông tin từ nội dung trong bài. Bài viết nói rằng một số bức tranh về chủ đề đại dương sẽ được thêm vào bộ sưu tập.

→ Từ đó thí sinh có thể suy ra được rằng trong cuộc trưng bày có nhiều chủ đề ngoài đại dương và vì vậy đáp án đúng là D.

Kết luận về cách xử lý khi gặp dạng đoạn văn quảng cáo và giới thiệu trong TOEIC Part 7:

Bước 1: Xác định các thông tin:

  • Sản phẩm/ Nội dung đang được quảng cáo/ giới thiệu – Đọc kỹ tiêu đề và câu đầu tiên của bài.

  • Phần chi tiết nằm từ câu nào – Không cần đọc kỹ.

Bước 2: Xác định các dạng câu hỏi và lựa chọn phần thông tin phù hợp:

  • Đối với câu hỏi tổng quát (purpose/ why …): Tìm thông tin ở câu đầu tiên.

  • Đối với câu hỏi chi tiết: xác định chi tiết được hỏi (tên, địa điểm, thời gian, …) và đọc kỹ câu có chứa thông tin đó.

Dạng đoạn văn text chain/ chat discussion

Ở dạng bài này, thí sinh sẽ được yêu cầu đọc một chuỗi tin nhắn giữa từ hai đến bốn người trong cùng một cuộc hội thoại về một chủ đề cụ thể.

Ví dụ:

Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7(Nguồn: Economy TOEIC Reading 2019)Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7(Nguồn: ETS TOEIC Reading 2019)

Để trả lời tốt các câu hỏi ở dạng bài này, người đọc có thể thực hiện theo quy trình như sau:

Bước 1: Đọc nhanh và tóm tắt các nội dung chính.

Người đọc nhìn nhanh vào nội dung của bài và rút ra những thông tin sau:

  • Ai đang tham gia cuộc hội thoại ?

  • Các mốc thời gian trong cuộc hội thoại.

  • Chủ đề chính của cuộc hội thoại (Đọc kỹ 2-3 câu đầu tiên trong bài).

Phần còn lại không cần đọc kỹ vì sẽ đi sâu vào chi tiết cuộc hội thoại. Người đọc nên dừng ở đây, chuyển qua câu hỏi.

Thực hành với hai ví dụ ở trên:

Hình 1:

  • Người tham gia cuộc hội thoại: Judy Lynch và Nathan Lee.

  • Các mốc thời gian: 10:12 – 10:15.

  • Chủ đề chính: Judy hỏi rằng bữa trưa có thể được thanh toán bằng thẻ tín dụng của công ty không và Nathan trả lời là không vì công ty đã thay đổi chính sách vào tháng trước ⇒ thảo luận về việc thanh toán tiền cho bữa trưa.

Hình 2:

  • Người tham gia cuộc hội thoại: Louisa và Kenji.

  • Các mốc thời gian: 9:30 am – 9:36 am.

  • Chủ đề chính: Ở dòng đầu tiên, Louisa hỏi Kenji đang ở đâu và nói rằng ứng viên (candidates) đang ở đây, và Kenji trả lời rằng cầu đang bị phong tỏa và phải đi đường vòng nên sẽ đến trễ ⇒ Louisa và Kenji có lịch phỏng vấn với ứng viên mới trong công ty.

Bước 2: Trả lời câu hỏi

Giống như hai dạng bài trong bài viết trước, dạng message chain cũng có những câu hỏi tổng quan (hỏi về mục đích của bài viết – chỉ cần nắm được chủ đề chính của bài viết là trả lời được) và những câu hỏi chi tiết (cần đọc kỹ 1 chi tiết trong bài để hiểu). Tuy nhiên, số lượng câu hỏi chi tiết ở dạng bài này sẽ nhiều hơn 2 dạng trước và không phải bài nào cũng có câu hỏi tổng quan.

Ví dụ:

Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7(Nguồn: Economy TOEIC Reading 2019)

Câu 149: Đây là một câu hỏi tổng quan. Đối với câu hỏi này, người đọc chỉ cần dựa vào phần “Chủ đề chính” đã xác định ở bước trước là có thể trả lời được.

→ Vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi trên là B, vì “Chủ đề chính” cho bài này đã được xác định là việc Judy và Nathan “thảo luận về việc thanh toán tiền cho bữa trưa”.

Câu 150: Người đọc cần tìm thông tin chi tiết vào thời điểm 10:14 và hiểu ý của Judy khi nói “split the bill”. Ở đây, “split the bill” mang nghĩa chia hóa đơn, có thể hiểu rằng Judy đề xuất chia đôi hóa đơn cho bữa trưa với Nathan.

→ Từ đó, đáp án cho câu này là D (Họ sẽ phải trả một phần chi phí).

Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7(Nguồn: ETS TOEIC Reading 2019)

Câu 153: Trong bài trên, người đọc có thể thấy rằng cả hai câu hỏi đều hỏi về chi tiết của đoạn hội thoại.Với câu 153, người đọc cần tìm việc mà ông Muro (Kenji) muốn cô Santos (Louisa) làm. Thông tin cho câu này có thể được tìm thấy ở thời điểm 9:31 am “Please start without me”: Ông Kenji Muro nói rằng Louisa nên bắt đầu phỏng vấn mà không có ông ấy.

→ Vì vậy đáp án phù hợp sẽ là D (Nói chuyện với một ứng viên).

Câu 154: Yêu cầu thí sinh phải diễn đạt lại ý của ông Muro khi nói “I know”. Để hiểu được ý ở câu này, người đọc cần phải nhìn lên câu trước mà Louisa nói (Ông có tin rằng công ty nhỏ như chúng ta có thể phát triển nhanh đến mức cần thuê người chỉ để duyệt đơn không ?).

→ Từ đó có thể chọn được đáp án đúng là A (Ông Muro cũng ngạc nhiên về mức độ phát triển của công ty).

Kết luận về cách xử lý khi gặp dạng đề text chain/ chat discussion:

Bước 1: Xác định các thông tin:

  • Những ai tham gia cuộc hội thoại.

  • Các mốc thời gian.

  • Mục đích của cuộc hội thoại (đọc kỹ 2-3 câu đầu tiên).

  • Không cần đọc kỹ phần còn lại của bài.

Bước 2: Trả lời câu hỏi:

  • Câu hỏi tổng quan (mục đích của cuộc hội thoại): dựa vào nội dung đã xác định trong 2-3 câu đầu.

  • Câu hỏi chi tiết: dựa vào chi tiết được cung cấp trong câu hỏi và tìm thông tin tương ứng trong bài.

Dạng double và triple passage

Đây là một dạng bài nâng cao trong đề thi TOEIC Reading. Cụ thể, một bài đọc sẽ bao gồm 2 hoặc 3 trong số những dạng bài đơn lẻ đã được đề cập ở các phần trước có nội dung liên quan đến nhau (Ví dụ: Một quảng cáo sản phẩm và một email đặt mua sản phẩm đó).

Câu hỏi của dạng bài đọc này được chia làm 2 nhóm:

  • Câu hỏi tập trung vào nội dung của 1 trong các bài được cho.

  • Câu hỏi yêu cầu sự liên kết thông tin giữa các bài.

Cùng phân tích các ví dụ dưới đây để hiểu rõ được nội dung và cách trả lời các dạng câu hỏi trong dạng bài này:

Ví dụ 1:

Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7(Nguồn: Economy TOEIC Reading 2019)

Bài trên cho một email gửi từ Carrie Cook đến Charles Bell cũng như đơn đăng ký của ông Bell cho việc làm lại thẻ thành viên. Dưới đây là các bước người đọc có thể sử dụng cho dạng bài trên:

Bước 1: Đọc và xác định đối tượng, mục đích truyền đạt thông tin của cả 2 đoạn (thực hiện giống như đối với các dạng bài trước).

  • Phần email được gửi từ Carrie Cook đến Charles Bell nhằm thông báo rằng thẻ hội viên của ông Bell sắp hết hạn và những quyền lợi mà ông nhận được (2 – 3 câu đầu).

  • Bài còn lại là form đăng ký gia hạn (renew) thẻ thành viên của ông Bell.

Bước 2: Phân tích, chia câu hỏi vào các nhóm và trả lời.

  • Đối với câu hỏi về nội dung của các đoạn đơn lẻ, không yêu cầu về liên kết thông tin, người đọc có thể thực hiện như các phần trước.

Cụ thể, đối với bài ví dụ trên, câu hỏi 181 – 183 có thể được chia vào nhóm này:

Câu 181: Đây là câu hỏi tổng quan về mục đích của email và người đọc có thể trả lời được ngay đáp án là C (nhắc nhở ông Bell làm lại thẻ hội viên).

→ Vì đáp án này phù hợp nhất với nội dung được xác định ở bước 1.

Câu 182: Hỏi về những quyền lợi mà thẻ hội viên mang lại cho ông Bell. Từ câu thứ 2 của email, quyền lợi được nêu rõ là mua hàng với giá ưu đã, tích điểm và sau đó quy đổi sang việc giảm giá.

→ Vì vậy, đáp án phù hợp nhất là A (hưởng lợi từ việc mua sắm thường xuyên).

Câu 183: Tiếp tục là một câu hỏi về chi tiết của email, cụ thể người đọc cần trả lời ông Bell được đề nghị làm gì. Nội dung này có thể được tìm thấy ở 2 câu phía cuối email (không thể làm lại thẻ thành viên qua điện thoại mà phải tới quầy dịch vụ khách hàng ở một cửa hàng của công ty).

→ Từ đó, đáp án phù hợp nhất là B (đến trực tiếp cửa hàng).

Câu 184: Hai câu hỏi còn lại yêu cầu người đọc liên kết thông tin của 2 đoạn. Đối với câu 184, người đọc không thể trả lời nếu chỉ đọc phần form bên dưới vì ở đó chỉ có mức giá cho từng hạng hội viên chứ không nói ông Bell đang đăng ký gói hội viên nào. Người đọc cần đọc thêm thông tin ở trong email, và từ đó thấy rằng ông Bell đăng ký Silver Star Membership.

→ Đối chiếu thông tin với form thì có thể thấy gói hội viên này có giá 70$. Từ đó, đáp án đúng là B.

Câu 185: Từ thông tin ở câu 184, người đọc có thể dựa vào nội dung của form để trả lời câu 185. Phần note trong form nói rằng chỉ có chủ nhà hàng và quán ăn mới có thể đăng ký Silver Star Membership.

→ Đáp án phù hợp nhất là B (Ông Bell vận hành công việc kinh doanh liên quan đến bán đồ ăn).

Ví dụ 2:

Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7(Nguồn: ETS TOEIC Reading 2019)

Trong ví dụ trên, đề bài cho một thông tin quảng cáo trên website của một công ty kinh doanh dụng cụ leo núi và một email của khách hàng gửi cho công ty này. Áp dụng các bước làm bài như trong ví dụ thứ nhất:

Bước 1: Đọc và xác định đối tượng, mục đích truyền đạt thông tin của cả 2 đoạn.

  • Phần web page đưa ra thông tin về dịch vụ vận chuyển của một công ty kinh doanh dụng cụ leo núi, kèm theo đó là bảng giá vận chuyển ở các mức khác nhau.

  • Phần email được gửi từ khách hàng Jin-Hee Shin đến công ty nói trên để phàn nàn rằng đơn hàng của mình đến trễ hơn so với dự kiến ban đầu.

Bước 2: Phân tích, chia câu hỏi vào các nhóm và trả lời.

Tương tự như ví dụ 1, câu 176 – 178 trong bài trên tập trung vào nội dung của các bài riêng biệt và không yêu cầu hiểu về sự liên kết giữa 2 đoạn.

Câu 176: Câu này hỏi trực tiếp thông tin về Web page, cụ thể là về dịch vụ giao hàng của công ty Mountain and Forest. Bảng giá vận chuyển cho thấy công ty có dịch vụ vận chuyển từ 6 – 8 ngày.

→ Vì vậy phù hợp đáp án B (Một số đơn hàng có thể mất đến 8 ngày để vận chuyển).

Câu 177: Yêu cầu người đọc ngoài việc hiểu nội dung trong bài còn cần phải có vốn hiểu biết về từ vựng. Cụ thể, từ “direct” trong phần web page được sử dụng với nghĩa “chuyển” những câu hỏi và thắc mắc đến bộ phận chăm sóc khách hàng, và từ tương đương về nghĩa với “direct” trong trường hợp này là “address”.

→ Vì vậy, đáp án đúng là A.

Câu 178: Là một câu hỏi tổng quan. Tương tự như các bài trước, người đọc chỉ cần vận dụng thông tin có được ở bước 1 để trả lời. Như ở trên, mục đích của email đã được xác định là để phàn nàn về đơn hàng đến trễ so với dự kiến ban đầu.

→ Điều này phù hợp nhất với đáp án D (báo cáo một vấn đề về việc vận chuyển).

Câu 179: Yêu cầu người đọc phải liên kết được thông tin của 2 đoạn văn. Cụ thể, người đọc cần chú ý thông tin về số tiền mà Ms. Shin phải trả (135$) ở đoạn văn số 2 và thông tin cho thấy rằng cô Shin trả phí cho gói vận chuyển 3 ngày (three-day shipping). Sau đó, đối chiếu thông tin này với thông tin trong bảng để thấy rằng Ms. Shin đã order tổng giá trị hàng trên 100$ và vì vậy phí trả cho gói vận chuyển 3 ngày là 15$.

→ C là đáp án đúng.

Câu 180: Câu này hỏi lý do tại sao Ms. Shin quyết định đến một cửa hàng địa phương. Câu cuối của đoạn email cho thấy rằng Ms. Shin sẽ thực hiện việc này nếu đơn hàng không được chuyển tới vào ngày mai.

→ Đáp án phù hợp nhất là C (Bà ấy cần có những đồ vật này trước một ngày cụ thể).

Ví dụ 3:

Cách xử lý các dạng đoạn văn thường gặp trong TOEIC Reading Part 7(Nguồn: New Economy TOEIC Reading – 2019)

Bài đọc trên có 3 đoạn nối tiếp nhau và được gọi là dạng triple passage. Tuy nhiên cách làm và các nhóm câu hỏi của dạng này cũng giống như dạng double passage ở trước.

Cụ thể như sau:

Bước 1: Đọc và xác định đối tượng, mục đích truyền đạt thông tin của cả 3 đoạn.

  • Đoạn 1: cung cấp thông tin trong một email gửi từ Amy Lee ở khách sạn Dream Oasis đến Jake Baldwin để xác nhận đặt phòng khách sạn vào ngày 13 và 14 tháng 10. Phần còn lại của bài cung cấp thông tin hướng dẫn chi tiết (việc thanh toán tiền, cách di chuyển đến khách sạn).

  • Đoạn 2: email mà ông Baldwin gửi phản hồi lại khách sạn để hỏi về việc tăng số ngày thuê phòng.

  • Đoạn 3: email mà Amy Lee đại diện khách sạn thông báo đến ông Baldwin rằng khách sạn đã kín phòng và vì vậy không thể kéo dài hạn đặt phòng của ông.

Bước 2: Phân tích, chia câu hỏi vào các nhóm và trả lời.

Câu 196: Một câu hỏi tổng quan cho đoạn văn đầu tiên.

→ Dựa vào mục đích của email đã được xác định ở Bước 1 (xác nhận đặt phòng khách sạn), người đọc có thể đưa ra được câu trả lời đúng là C (sắp xếp lịch cho việc đặt chỗ).

Câu 197: Một câu hỏi chi tiết cho đoạn email đầu tiên. Người đọc cần tìm chi tiết về việc “make payment online” của ông Baldwin và trả lời ông cần cung cấp thông tin gì. Câu thứ 3 trong email có nói rõ là ông cần vào trang web www.dreamoasishotel.com và nhập mã đặt chỗ (reservation number).

→ Vì vậy, đáp án đúng là D.

Câu 198: Một câu hỏi chi tiết cho email đầu tiên. Ở đây người đọc cần xác định thông tin không có trong email. Người đọc có thể thấy trong email này có các thông tin: số tiền phải trả và cách thức thanh toán, địa chỉ khách sạn, cách di chuyển từ sân bay và số điện thoại của khách sạn. Vì vậy, thông tin còn thiếu duy nhất trong câu hỏi là bảo hiểm du lịch (travel insurance).

→ Đáp án đúng là B.

Câu 199: Hỏi lý do tại sao ông Baldwin không thể ở lại khách sạn vào đêm 15. Câu trả lời có thể được tìm thấy ở phần chi tiết của email thứ 3, cụ thể là câu thứ 2 và 3 và lý do được đưa ra ở đây là “there is no vacancy” (không còn chỗ trống) vì event thu hút quá nhiều người. Tuy nhiên để hiểu được event là gì thì người đọc cần liên kết với thông tin ở đoạn văn trên. Ông Baldwin nói rằng muốn ở lại vì “food festival”.

→ Khách sạn không còn phòng trống vì nhiều người tới “food festival”. Vì vậy, đáp án phù hợp nhất là A.

Câu 200: Hỏi về điều mà Ms. Lee đề xuất với ông Baldwin. Thông tin này có thể được tìm thấy ở câu cuối trong email thứ 3 khi Ms. Lee đề xuất rằng Mr. Baldwin nên đến khách sạn Executive Inn ở Fairview.

→ Đáp án phù hợp nhất là B (Mr. Baldwin nên thử một khách sạn khác ở Fairview).

Kết luận về cách xử lý khi gặp dạng bài double và triple passage trong bài thi TOEIC:

Bước 1: Đọc và xác định đối tượng, mục đích truyền đạt thông tin của các đoạn. Thông tin cần tìm ở mỗi đoạn tương tự như các dạng bài đơn lẻ, và quan trọng nhất là mục đích của các thông điệp đó.

Bước 2: Phân chia các dạng câu hỏi vào các nhóm và trả lời. Các nhóm câu hỏi bao gồm:

  • Câu hỏi chỉ tập trung vào một đoạn văn.

  • Câu hỏi mục đích tổng quan.

  • Câu hỏi chi tiết.

  • Câu hỏi yêu cầu liên kết thông tin giữa các đoạn.

Tổng kết

Bài viết trên đã giới thiệu về các dạng đoạn văn thường xuất hiện trong TOEIC Reading Part 7 của bài thi TOEIC format mới, đồng thời đưa ra những chiến thuật xử lý từng dạng. Từ việc phân tích và đưa ra chiến lược cho các dạng e-mail/memo/text message, đoạn văn quảng cáo và giới thiệu, đến đoạn văn text chain/chat discussion và đoạn double và triple passage, các thí sinh sẽ nắm rõ cách tiếp cận hiệu quả cho từng dạng bài. Nhờ vậy, người đọc sẽ tự tin hơn khi làm bài thi, tối ưu hóa thời gian và đạt được kết quả cao hơn trong phần thi đọc của TOEIC.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...