Có cần phải học các thuật ngữ của ngữ pháp hay không?

Ngữ pháp còn là một mối lo âu lớn của người học tiếng Anh, bởi nhiều người học mãi mà không làm chủ được ngữ pháp, hay bởi một số người vật lộn với việc nâng cao kiến thức ngữ pháp của bản thân. Để đưa lý do cho những vấn đề này, trong bài viết bên dưới, tác giả muốn phân tích về tầm quan trọng của các “thuật ngữ ngữ pháp” (grammatical terms/ terminology); để từ đó tìm ra biện pháp hỗ trợ người học trong quá trình học tiếng Anh nói chung và học ngữ pháp nói riêng.
author
Trần Thị Thu Thảo
23/05/2023
co can phai hoc cac thuat ngu cua ngu phap hay khong

Ngữ pháp vẫn luôn là phần quan trọng của ngôn ngữ, bởi nó kết cấu các từ riêng lẻ thành câu và móc nối nhiều câu thành đoạn, sao cho truyền đạt được thông điệp đến người khác một cách chính xác. Thiếu đi những hiểu biết nhất định về ngữ pháp, việc giao tiếp khó có thể được tiến hành một cách trơn tru hiệu quả.

Key takeaways

- Thuật ngữ ngữ pháp (grammatical terms/ terminology) là các thuật ngữ được dùng trong việc dạy và học ngữ pháp của một ngôn ngữ.

- Mục đích của việc học grammatical terms là nhắm đến cách sử dụng chúng trong câu.

- Tầm quan trọng của các thuật ngữ ngữ pháp có thể được thể hiện ở một số khía cạnh:

Thúc đẩy sự hiệu quả của việc dạy và học trên lớp;

Thúc đẩy sự hiệu quả của việc tự học;

Hỗ trợ việc áp dụng từ mới;

Hỗ trợ việc học cấu trúc mới.

- Đề xuất danh sách thuật ngữ cần biết: nhóm các loại từ và thành phần câu cơ bản.

Khái niệm thuật ngữ ngữ pháp

Trước hết, “terms” hay “terminology” là tập hợp các thuật ngữ được sử dụng cho một lĩnh vực riêng biệt nào đó. Grammatical terms hay grammatical terminology là các thuật ngữ được dùng trong việc dạy và học ngữ pháp của một ngôn ngữ.

Thuật ngữ ngữ pháp là một phần trong chương trình học tiếng Anh của cả người nước ngoài và người bản xứ, dù cho họ muốn học tiếng Anh như một ngoại ngữ, như ở Việt Nam, hay họ đang học tiếng mẹ đẻ, như ở Anh.

Người học tiếng Anh thường sẽ được tiếp xúc với các thuật ngữ này ở thời điểm tiểu học, khi mà việc giảng dạy tiếng Anh không còn đơn giản chỉ là đánh vần từ hay nghe và lặp lại, mà tập trung nhiều hơn vào việc hình thành câu sao cho đúng.

Thuật ngữ ngữ pháp không chỉ đơn giản để gọi tên một nhóm từ hoặc kết hợp từ, mà quan trọng hơn, thuật ngữ ngữ pháp sẽ ám chỉ chức năng của chúng trong câu là gì. Nói cách khác, kiến thức thấu đáo về thuật ngữ ngữ pháp sẽ cho người đọc biết cách để sử dụng nhóm từ đó.

Các ví dụ quen thuộc nhất của thuật ngữ ngữ pháp có thể kể đến bao gồm tên gọi của các thành phần câu, trong đó có chủ ngữ (subject) và động từ (verb) - được biết đến như hai thành phần then chốt của một câu, và tên gọi của các từ loại, như danh từ (noun), động từ (verb), tính từ (adjective).

Sự cần thiết của các thuật ngữ ngữ pháp

image-alt

Tầm quan trọng của các thuật ngữ ngữ pháp có thể được thể hiện ở một số khía cạnh:

Thúc đẩy sự hiệu quả của việc dạy và học trên lớp

Trong môi trường lớp học, học sinh còn cần nắm các thuật ngữ ngữ pháp để có thể thảo luận với giáo viên về ngữ pháp một cách hiệu quả. Biết về một số thuật ngữ ngữ pháp cần thiết giúp học sinh biết cách gọi tên vấn đề ngữ pháp họ đang gặp phải, từ đó sẽ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả hơn từ giáo viên.

Lấy ví dụ khi học sinh có thắc mắc về cách tạo những cụm từ như “a tall building”, “their two annoying boys”, một học sinh có kiến thức thuật ngữ ngữ pháp sẽ dễ dàng nhận ra và thông tin ngay đến giáo viên rằng, à, họ đang có vấn đề với việc tạo cụm danh từ (noun phrase).

Đồng thời khi đó, giáo viên có thể sử dụng thuật ngữ trong quá trình giải thích, để học sinh hiểu về cấu trúc ngữ pháp một cách có hệ thống hơn, từ đó tự mình áp dụng được cho nhiều trường hợp tương tự về nhau.

Ví dụ, giáo viên có thể hệ thống lý thuyết về cụm danh từ (noun phrase) thành một công thức: lượng từ + hạn định từ + tính từ + danh từ bổ nghĩa + danh từ chính.

Thúc đẩy sự hiệu quả của việc tự học

Bởi vì hầu hết các giáo trình, tài liệu, bài viết về ngữ pháp hiện nay, dù là tiếng Anh hay tiếng Việt, đều có sử dụng grammatical terms, việc tự học sẽ trở nên khó khăn nếu người học chưa phân biệt được các terms này.

Thử tưởng tượng người học muốn học cách viết câu bị động trong khi chưa có kiến thức gì về chủ ngữ (subject), động từ (verb) và tân ngữ (object), người học sẽ có nguy cơ nản lòng, vì khả năng rất cao tài liệu hướng dẫn sẽ đề cập đến các thuật ngữ đó để lý giải về cấu trúc bị động.

Vì vậy, việc trang bị cho mình một vốn kiến thức cơ bản về grammatical terms trước khi bắt đầu học ngữ pháp là điều cần thiết.

Hỗ trợ việc áp dụng từ mới

Một lỗi phổ biến khi học từ vựng tiếng Anh đó là, nhiều người học chỉ quan tâm đến nghĩa từ, mà ngó lơ thuật ngữ ngữ pháp (loại từ), do đó bỏ qua luôn cách sử dụng của nó trong câu. Điều này là lý do cho tình trạng người học cảm thấy một từ nào đó quen quen nhưng lại chưa thể tự mình sử dụng được nó.

Khi tra nghĩa một từ, người học chỉ đang thêm nó vào vốn từ đơn lẻ của bản thân. Còn để có thể sử dụng từ đó trong câu, người học cần nhìn nhận đặc điểm ngữ pháp của nó.

Chẳng hạn, khi tra tiếng Anh của từ “ảnh hưởng”, nếu quên xem xét đến yếu tố từ loại, người học có thể dùng nhầm danh từ “ảnh hưởng” (effect) với động từ “ảnh hưởng” (affect). Hay ngược lại, khi học từ “embarrassed” với nghĩa là lúng túng, xấu hổ, nhiều người học có thể sẽ mắc lỗi đặt câu: “I embarrassed because I spilled the coffee on him” nếu họ không chú ý rằng từ loại của “embarrassed” là một tính từ, cần phải có động từ tobe đi trước. Câu đúng phải là: I was embarrassed because I spilled the coffee on him.

Hỗ trợ việc học cấu trúc mới

Hiểu bản chất các thuật ngữ ngữ pháp giúp người đọc nhìn ra được nguyên lý của các cấu trúc ngữ pháp mới nhanh hơn. Chẳng hạn, người học có thể liên hệ những gì đã biết về một mệnh đề để phân biệt cách dùng đại từ quan hệ who và whom nhanh hơn.

Xét ví dụ bên dưới, người học cần điền who và whom vào chỗ trống phù hợp:

(1) Her husband is a man _______ everyone admires.

(2) Her husband is a man _______ treats everyone kindly.

Được biết who có thể đóng vai trò chủ ngữ (subject) hoặc tân ngữ (object) của mệnh đề quan hệ, còn whom chỉ có thể đóng vai trò tân ngữ (object) của mệnh đề quan hệ.

Kiến thức về mệnh đề quan hệ cho người học biết mệnh đề quan hệ trong câu 1 là “______ everyone admires” và mệnh đề quan hệ trong câu 2 là “______ treats everyone kindly”.

Kiến thức về thành phần mệnh đề sẽ giúp người học xác định được trong mệnh đề 1 đã có everyone là chủ ngữ và admire là động từ, vậy đại từ quan hệ còn thiếu sẽ phải đóng vai trò tân ngữ, vậy ở đây có thể điền cả who và whom (vì cả hai đều có thể đảm nhiệm tân ngữ); trong khi đó, trong mệnh đề 2 chỉ có treats là động từ, everyone là tân ngữ, vậy đại từ quan hệ còn thiếu sẽ đóng vai trò chủ ngữ, vậy ở đây chỉ có thể điền who.

Đề xuất danh sách thuật ngữ cần biết

Tác giả đã đi đến kết luận thuật ngữ ngữ pháp là quan trọng, tuy nhiên, ngôn ngữ nào cũng có một lượng lớn các thuật ngữ như vậy. Việc cố gắng ôm đồm tất cả thuật ngữ sẽ gây phản tác dụng vì độ phức tạp của chúng. Người học cần tìm hiểu một số thuật ngữ thật sự cần thiết. Và người học luôn cần lưu ý rằng, mục đích của việc học grammatical terms không phải chỉ học thuộc lòng các tên gọi, mà là nhắm đến cách sử dụng chúng trong câu.

Một số nhóm thuật ngữ ngữ pháp cần thiết bao gồm:

(1) Nhóm các loại từ cơ bản (Word forms)

Danh từ (noun) - từ để định danh, gọi người, vật, sự việc, hiện tượng hay khái niệm (ví dụ: doctor, dog, depression)

Đại từ (pronoun) - từ có thể đứng một mình như một cụm danh từ và tham chiếu đến các người tham gia trong giao tiếp lúc đó (ví dụ: I, you) hoặc đến một ai đó hoặc cái gì đó đã được đề cập ở một nơi khác trong giao tiếp (ví dụ: she, he, it, this).

Tính từ (adjective) - từ để mô tả, đưa thêm thông tin về một danh từ nào đó, chẳng hạn như hình thức, màu sắc, kích thước hoặc các phẩm chất khác của nó (ví dụ: beautiful, cold).

Trạng từ (adverb) - từ cung cấp thêm thông tin về thời gian, cách thức, nơi chốn, mức độ, tần suất xảy ra điều gì đó (ví dụ: yesterday, quickly, outside, extremely, regularly).

Động từ (verb) - từ để đưa trạng thái hoặc hành động (ví dụ: dance, swim, am/is/are).

Giới từ (preposition) - từ phải kết hợp với từ/cụm từ khác để đưa vị trí, thời gian, cách thức, v.v. (ví dụ: in, on, by).

Liên từ (conjunction) - từ để liên kết hai từ, cụm từ hoặc liên kết hai mệnh đề lại với nhau (ví dụ: and, so, because)

Trong đó:

Nhóm các danh từ

Danh từ đếm được (countable noun) - một danh từ có thể làm đơn vị đếm, có thể được dùng ở dạng số ít hoặc số nhiều (ví dụ: a cat, cats).

Danh từ không đếm được (uncountable noun) - một danh từ không thể làm đơn vị đếm, không thể được dùng ở dạng số ít hoặc số nhiều (ví dụ: water).

Nhóm các đại từ

Đại từ nhân xưng (personal pronoun) (ví dụ: I, they, me, them)

Đại từ sở hữu (possessive pronoun) (ví dụ: mine, your, ours)

Đại từ phản thân (reflexive pronoun) (ví dụ: myself, themselves)

Đại từ chỉ định (demonstrative pronoun) (ví dụ: this, that, these, those)

Đại từ quan hệ (relative pronoun) (who, which, that, …)

Nhóm các dạng động từ cơ bản (Verb forms)

Động từ nguyên thể (bare/ infinitive form): be, steal

Động từ dạng quá khứ đơn (past form): was/were, stole

Động từ dạng quá khứ phân từ (past participle): been, stolen

Động từ thêm s (-s form): is, steals

Động từ thêm -ing (present participle): being, stealing

(2) Nhóm các thành phần câu cơ bản

Chủ ngữ (subject) - đóng vai trò là 'đối tượng thực hiện' hoặc tác nhân của một hành động. Chủ ngữ thường là đại từ, danh từ, cụm danh từ hoặc các thành phần có vai trò như vậy. (Ví dụ: She is drinking water.)

Tân ngữ (object) - thường là đại từ, danh từ, cụm danh từ hoặc các thành phần có vai trò như vậy, không phải chủ ngữ, đứng sau động từ, thường chịu tác động bởi hành động của động từ. (Ví dụ: She is drinking water.)

Bổ ngữ (complement) - cụm danh từ hoặc tính từ đứng sau động từ be/ become/ hoặc những động từ chỉ giác quan, và cung cấp thêm thông tin về chủ ngữ hoặc tân ngữ của mệnh đề. (Ví dụ: She is happy.)

Trạng ngữ (adverbial) - trạng từ hoặc nhóm từ (thường là giới từ + cụm danh từ) để đưa thêm thông tin về cách thức, thời gian, địa điểm hoặc mức độ điều gì đó đã xảy ra. (Ví dụ: She is drinking water in the kitchen.)

Mệnh đề (clause) - gồm hai thành phần chính: chủ ngữ, động từ; và có thể có thêm cách thành phần phụ như tân ngữ, bổ ngữ, trạng ngữ.

image-alt

Bài tập củng cố

Dựa vào kiến thức về các thuật ngữ ngữ pháp cơ bản phía trên, xác định và sửa lỗi ngữ pháp trong các câu sau đây:

(1) This exercise quite difficult for me.

(2) People need to drink 2 litres of water everyday.

(3) She can’t hang out with you because she has a lot of homeworks to do.

(4) Taylor dances very beautiful.

(5) I will look up some information the Internet.

Đáp án:

(1) Lỗi thiếu động từ. Câu này chỉ mới có chủ ngữ “this exercise” và chưa có động từ. “quite” là trạng từ chỉ mức độ (“khá là”), và “difficult” là tính từ, đóng vai trò bổ ngữ. Vì vậy, ta cần dùng động từ be phía trước đó.

Sửa lỗi: This exercise quite difficult for me. => This exercise is quite difficult for me.

(2) Lỗi sai từ loại “everyday”. Từ “everyday” là tính từ, nhưng ở vị trí này ta đang cần một trạng từ chỉ tần suất.

Sửa lỗi: People need to drink 2 litres of water everyday. => People need to drink 2 litres of water every day.

(3) Lỗi chia số nhiều cho danh từ “homeworks”. “Homework” là danh từ không đếm được, vì vậy nó không thể được dùng ở dạng số ít hoặc số nhiều.

Sửa lỗi: She can’t hang out with you because she has a lot of homeworks to do. => She can’t hang out with you because she has a lot of homework to do.


(4) Lỗi sai từ loại “beautiful”. Từ “beautiful” là tính từ, nhưng ở vị trí này ta cần một trạng từ để bổ nghĩa cho hành động “dance”.

Sửa lỗi: Taylor dances very beautiful. => Taylor dances very beautifully.


(5) Lỗi thiếu giới từ. Câu này có chủ ngữ “I”, động từ “will look up”, tân ngữ “some information”, vậy “the Internet” đóng vai trò trạng ngữ, cụ thể là trạng ngữ chỉ nơi chốn. Vậy ta cần thêm một giới từ để đi kèm với cụm danh từ “the Internet” này.

Sửa lỗi: I will look up some information the Internet. => I will look up some information on the Internet.

Lời kết

Như vậy, bài viết đã trình bày quan điểm của tác giả về sự cần thiết phải học các thuật ngữ ngữ pháp (grammatical terms). Điều mấu chốt khi học các thuật ngữ này là người đọc nắm được cách sử dụng chúng trong câu như thế nào và biết cách liên hệ, vận dụng các thuật ngữ cơ bản để lý giải một cấu trúc ngữ pháp mới phức tạp hơn.


Tài liệu tham khảo

“English 101: Grammar Terms You Must Know.” English 101: Grammar Terms You Must Know | British Council Foundation Indonesia, https://www.britishcouncilfoundation.id/en/english/articles/grammar-terms.

Borg, Simon. "The use of grammatical terminology in the second language classroom: A quality study of teachers' practices and cognitions." Applied linguistics 20.1 (1999): 95-124.

"Fortnite Safety Tips for Parents." First News, 29 Dec. 2022, subscribe.firstnews.co.uk/how-maths-english/.

"Relative Pronouns." Cambridge Dictionary | English Dictionary, Translations & Thesaurus, dictionary.cambridge.org/vi/grammar/british-grammar/relative-pronouns.

Sutton, Kirsten. "Strategies for Teaching Grammatical Terms | Cambridge English." World of Better Learning | Cambridge University Press, 11 Apr. 2022, www.cambridge.org/elt/blog/2020/07/17/puzzling-it-out-why-it-is-essential-to-teach-grammatical-terms/.

Bald, John. "Grammatical Terms and Language Learning: A Personal Perspective."

"Verbs: Basic Forms." Cambridge Dictionary | English Dictionary, Translations & Thesaurus, dictionary.cambridge.org/grammar/british-grammar/verbs-basic-forms.

"Subjects." Cambridge Dictionary | English Dictionary, Translations & Thesaurus, dictionary.cambridge.org/grammar/british-grammar/subjects.

"Objects." Cambridge Dictionary | English Dictionary, Translations & Thesaurus, dictionary.cambridge.org/grammar/british-grammar/objects.

"Just a Moment..." Just a Moment.., grammar.collinsdictionary.com/easy-learning/what-are-adverbs-adverbials-and-adjuncts-in-english.

Cobuild, Collins. COBUILD English Grammar (Collins COBUILD Grammar). HarperCollins UK,2017.

Tham khảo thêm khóa học tiếng Anh giao tiếp tại ZIM, giúp học viên cải thiện các kỹ năng giao tiếp và tăng phản xạ trong tình huống thực tế.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu