Coherence and Organization in Writing - Duolingo Writing Test
Key Takeaways |
---|
|
Tổng quan về dạng bài Writing sample trong Duolingo English Test
Trong Duolingo English Test, dạng bài Writing sample là một phần quan trọng giúp đánh giá khả năng viết của người thi. Trong phần này, người thi sẽ được yêu cầu viết một đoạn văn ngắn về một chủ đề cụ thể hoặc trả lời một câu hỏi.
Đặc điểm của dạng bài Writing Sample
Thời gian làm bài: Khoảng 5-10 phút cho 2 bài viết.
Độ dài: Tùy thuộc vào yêu cầu của đề bài nhưng thường thí sinh sẽ được yêu cầu viết một đoạn văn ngắn từ 50 đến 200 từ.
Cấu trúc: Không có cấu trúc cố định nhưng thường yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn ngắn để trả lời câu hỏi hoặc thảo luận về chủ đề được đề cập.
Chủ đề: Chủ đề trong phần Writing Sample có thể rất đa dạng, như kinh doanh, văn hoá, nghệ thuật, giáo dục, sức khoẻ, công nghệ, cuộc sống hàng ngày, kế hoạch trong tương lai….
Đánh giá: Bài viết của bạn sẽ được chấm điểm dựa trên các tiêu chí như:
Độ chính xác ngữ pháp: Viết đúng ngữ pháp, dùng từ chính xác.
Vốn từ: Sử dụng đa dạng từ vựng, tránh lặp từ.
Tổ chức ý tưởng: Trình bày ý tưởng rõ ràng, mạch lạc.
Độ dài: Đảm bảo độ dài phù hợp với yêu cầu của đề bài.
Các dạng bài Writing Sample thường gặp
Argumentative: Trình bày luận điểm về một vấn đề nào đó. Bạn sẽ cần đưa ra ý kiến của mình và đưa ra các bằng chứng để hỗ trợ cho ý kiến đó.
Descriptive: Miêu tả một người, một vật, một nơi hoặc một sự kiện. Bạn cần sử dụng các từ ngữ miêu tả sinh động để tạo ra một bức tranh sống động trong đầu người đọc.
Recount: Kể lại một trải nghiệm hoặc một sự kiện. Bạn cần trình bày các sự kiện theo trình tự thời gian và thể hiện được cảm xúc của mình.
Xem thêm:
Duolingo English Test: Giới thiệu về bài thi Tiếng Anh chuẩn hóa mới
Hướng dẫn cách làm dạng bài writing sample trong Duolingo English Test
Tính mạch lạc là gì và được thể hiện như thế nào trong bài viết?
Theo Hyland (2006), tính mạch lạc là khi một văn bản có ý nghĩa đối với người đọc dựa vào khả năng truyền tải ý tưởng và cách sử dụng các cấu trúc của nó. Tính mạch lạc trong văn viết được hiểu đơn giản là sự liên kết chặt chẽ, trơn tru giữa các ý tưởng, các câu, các đoạn văn trong một văn bản. Nó tạo nên một dòng chảy tự nhiên, dễ hiểu và giúp người đọc nắm bắt được thông tin một cách dễ dàng. Sự rõ ràng này cần hiện diện xuyên suốt bài viết, trong tổng thể một bài viết hoặc giữa các câu văn.
Trước hết, để đảm bảo tính mạch lạc, các câu trong đoạn văn phải liên kết chặt chẽ và phục vụ cho một ý chính. Để làm rõ ý này, hãy cùng phân tích một bài viết mẫu với đề bài: “Many historic buildings are being destroyed or replaced. What are the reasons for this?”
“Historic buildings are losing value over time as people become less concerned about the changes occurring around them. (Topic Sentence). The scarcity of land is one of the main causes of the destruction of historic buildings. More land is required to support homes for the growing number of people as the world's population continues to climb. (Supporting idea 1). Furthermore, development is causing many historic buildings to be replaced. Numerous businesses have been able to occupy historic structures in the name of development thanks to the quick rise in urbanization. (Supporting idea 2).”
(“Các tòa nhà lịch sử đang mất dần giá trị theo thời gian khi mọi người ngày càng ít quan tâm đến những thay đổi xảy ra xung quanh chúng. (Câu chủ đề). Sự khan hiếm đất đai là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự phá hủy các công trình lịch sử. Cần thêm đất để xây nhà cho số người ngày càng tăng khi dân số thế giới tiếp tục tăng. (Ý tưởng hỗ trợ 1). Hơn nữa, sự phát triển đang khiến nhiều tòa nhà lịch sử bị thay thế. Nhiều doanh nghiệp đã có thể chiếm giữ các công trình lịch sử dưới danh nghĩa phát triển nhờ tốc độ đô thị hóa tăng nhanh. (Ý tưởng hỗ trợ 2).”)
Qua ví dụ trên, có thể thấy thông điệp chính của tác giả được truyền tải rất rõ ràng xuyên suốt bài viết. Cụ thể hơn, ta thấy được lý do, thông điệp chính được giới thiệu ngay từ câu đầu tiên của đoạn (Topic Sentence) và được củng cố chặt chẽ bằng hai luận cứ (Supporting idea) ở sau. Câu chủ đề đóng vai trò định hướng nội dung chính của đoạn văn. Nếu thiếu đi câu này, các luận cứ sẽ trở nên rời rạc và khó nắm bắt, vì vậy nên không thể tùy tiện đổi vị trí các câu cho nhau. Trong khi đó, hai luận cứ, mặc dù cùng hướng tới việc giải thích và làm rõ cho một ý tưởng chung, nhưng lại bổ sung cho nhau bằng những góc nhìn khác biệt. Hai luận cứ này đều suy luận dựa trên một tiền đề là lý do dẫn đến sự xuống cấp của những tòa nhà mang tính lịch sử. Bằng cách trình bày cả hai khía cạnh: do sự tăng lên về dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh, bài viết đã được mở rộng theo hướng cụ thể, thuyết phục và toàn diện hơn.
Việc phân tích trên cho thấy tính mạch lạc trong đoạn văn không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào các từ nối mà còn nằm ở mối liên kết sâu sắc về mặt ý nghĩa giữa các câu. Mặc dù đoạn văn sử dụng tương đối ít từ nối, nhưng các ý được trình bày theo một cách thức chặt chẽ, mỗi câu như là một mắt xích nối tiếp nhau, tạo thành một chuỗi luận lý hoàn chỉnh và mạch lạc.
Những yếu tố ảnh hưởng dẫn đến sự thiếu mạch lạc trong văn bản
Khi các ý tưởng không được trình bày theo một trình tự hợp lý, hoặc khi nội dung giữa các câu, các đoạn văn không liên kết chặt chẽ với nhau, văn bản sẽ trở nên rời rạc và khó hiểu. Hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự thiếu liền mạch về mặt nội dung và sự thiếu sắp xếp trong cách tổ chức thông tin (Choi, 1988).
Sự thiếu liền mạch về nội dung
Sự thiếu liền mạch về nội dung trong bài viết là tình trạng các ý tưởng, thông tin trong một văn bản không được trình bày theo một trình tự logic, hợp lý, khiến cho người đọc khó theo dõi và hiểu được ý chính tác giả muốn truyền đạt. Nói cách khác, mối quan hệ giữa luận điểm chính và các luận cứ hỗ trợ, cùng với việc lựa chọn từ ngữ, cấu trúc câu và cách trình bày ý tưởng để truyền đạt thông điệp chưa thực sự được hiệu quả.
Ở khía cạnh nội dung, việc không xác định được rõ chủ đề hay luận điểm chính của bài viết là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu mạch lạc. Chúng ta cùng phân tích văn bản ví dụ sau:
“The impact of technology on society is significant. Social media has changed the way we communicate. Smartphones have made our lives more convenient. Artificial intelligence is developing rapidly. These advancements have both positive and negative consequences.”
(Tác động của công nghệ đối với xã hội là rất đáng kể. Các phương tiện truyền thông đã thay đổi cách chúng ta giao tiếp. Điện thoại thông minh đã làm cho cuộc sống của chúng ta thuận tiện hơn. Trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng. Những tiến bộ này có cả hậu quả tích cực và tiêu cực)
Có thể thấy rằng văn bản trên đưa ra quá nhiều ý tưởng liên quan đến sự phát triển của công nghệ mà không có một trọng tâm rõ ràng. Mặc dù mỗi câu đều đúng, nhưng chúng lại không được kết nối với nhau một cách logic để tạo thành một luận điểm chính thống. Các câu văn chỉ đang đơn thuần mô tả một loạt các hiện tượng như sự thay đổi trong cách chúng ta giao tiếp thông qua mạng xã hội, sự tiện ích mà điện thoại thông minh mang lại và sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên không có sự đánh giá hoặc phân tích đi sâu vào bất kỳ khía cạnh nào của những tác động đó. Tổng thể bài viết cũng vì vậy mà thiếu đi tính liên kết, mạch lạc về nội dung.
Hay ở một ví dụ khác, với đề bài “Discuss the role of social media in political campaigns”, người viết triển khai nội dung câu trả lời như sau:
“Social media has revolutionized the way we communicate. Platforms like Facebook and Twitter allow people to connect with each other from all over the world. Additionally, the rise of social media has led to a decline in traditional forms of media, such as newspapers and television.”
(Mạng xã hội đã cách mạng hóa cách chúng ta giao tiếp. Các nền tảng như Facebook và Twitter cho phép mọi người kết nối với nhau từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, sự trỗi dậy của mạng xã hội đã dẫn đến sự suy giảm của các hình thức truyền thông truyền thống, như báo chí và truyền hình.)
Thay vì tập trung vào vấn đề chính trị, đoạn văn lại đi sâu vào việc mô tả chung về tác động của mạng xã hội đối với giao tiếp xã hội nói chung. Việc đề cập đến sự suy giảm của truyền thông truyền thống, dù có liên quan đến sự phát triển của mạng xã hội, nhưng lại không hề liên quan đến chủ đề chính của bài viết. Các ý tưởng trong đoạn văn cũng không được kết nối với nhau một cách logic. Việc chuyển từ việc mô tả cách thức mạng xã hội kết nối mọi người sang việc nói về sự suy giảm của truyền thông truyền thống là một bước nhảy vọt không hợp lý và làm cho đoạn văn trở nên rời rạc. Bên cạnh đó, đoạn văn chỉ đưa ra những khẳng định chung chung về mạng xã hội mà không có bất kỳ bằng chứng, luận cứ cụ thể nào để hỗ trợ cho những ý kiến đó. Điều này làm giảm tính thuyết phục của đoạn văn.
Vậy tổng quan, việc không xác định được rõ luận điểm, chủ đề chính hoặc phân tích thông tin lạc đề, không liên quan là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu mạch lạc về mặt nội dung của đoạn văn bản.
Sự thiếu sắp xếp trong cách tổ chức thông tin
Một nguyên nhân khác dẫn đến sự thiếu mạch lạc trong văn bản là việc sắp xếp thông tin chưa hợp lý. Khi thông tin không được tổ chức một cách logic và có hệ thống, người đọc sẽ gặp khó khăn trong việc xác định ý tưởng chính và có thể hiểu sai ý nghĩa của văn bản hoặc rút ra những kết luận sai lệch. Việc phải liên tục điều chỉnh tư duy để hiểu các ý tưởng rời rạc cũng sẽ khiến người đọc nhanh chóng mất tập trung.
Cùng nhìn vào ví dụ đoạn văn sau khi phân tích về những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu: “Climate change is a major global issue and has many negative effects. Farmers are facing many challenges due to extreme weather events. The increase in global temperature has led to rising sea levels, which can inundate coastal agricultural areas. Additionally, carbon dioxide levels in the atmosphere are increasing. Traditional farming methods may not be sustainable in the future.”
(Biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn toàn cầu và để lại nhiều hậu quả tiêu cực. Người nông dân đang phải đối mặt với nhiều thách thức do thời tiết khắc nghiệt. Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đã dẫn đến mực nước biển dâng cao, có thể nhấn chìm các khu vực nông nghiệp ven biển. Ngoài ra, nồng độ carbon dioxide trong khí quyển đang tăng lên. Phương pháp canh tác truyền thống có thể không bền vững trong tương lai.)
Có thể thấy mặc dù văn bản đề cập đến một số vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó đối với người nông dân, nhưng thông tin không được sắp xếp một cách logic và có tính nhất quán. Trước hết, đoạn văn bắt đầu bằng việc nhấn mạnh về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên toàn cầu rồi chuyển sang phân tích thách thức mà người nông dân đang phải đối mặt do thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển tăng cao. Tuy nhiên, ngay sau đó lại đề cập đến sự tăng nồng độ CO2 trong khí quyển rồi lại quay trở lại đề cập đến vấn đề canh tác trong nông nghiệp.
Sự sắp xếp không hợp lý của thông tin đã làm cho văn bản trở nên không rõ ràng và khó hiểu. Việc ngẫu nhiên thêm thông tin liên quan đến nồng độ CO2 làm cho người đọc bị ngắt quãng về mạch tư duy và không liên kết, xâu chuỗi được các luận cứ về khía cạnh nông nghiệp. Để cải thiện, tác giả cần sắp xếp thông tin theo một trình tự logic hơn, đi từ vấn đề chính (biến đổi khí hậu) đến các hệ quả và ảnh hưởng của nó đối với nông nghiệp, trước khi chuyển sang một luận điểm khác liên quan đến nồng độ CO2 trong khí quyền. Điều này sẽ giúp tạo ra một cấu trúc logic và nhất quán cho văn bản.
Tầm quan trọng của sự mạch lạc trong đoạn văn
Văn viết là một công cụ hữu hiệu để truyền tải tư tưởng, thông điệp qua ngôn từ. Một văn bản hoàn chỉnh không chỉ đòi hỏi sự phong phú về từ ngữ, mà còn phải đảm bảo tính mạch lạc trong cấu trúc, nội dung. Theo Sherman, Slawson, Whitton và Wiemelt (2010), sự mạch lạc là một yếu tố quan trọng của kỹ năng viết và đóng vai trò then chốt tạo nên sự chất lượng của văn bản. Một văn bản thiếu mạch lạc có thể cản trở người đọc trong việc hiểu các ý tưởng và ý chính của bài viết. Sự mạch lạc cho phép người đọc hình dung rõ ràng sự chuyển tiếp từ ý tưởng này sang ý tưởng khác, từ câu này sang câu khác và từ đoạn này sang đoạn khác một cách hiệu quả xuyên suốt bài viết. Một văn bản thiếu mạch lạc chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên các câu văn, không thể truyền tải một ý nghĩa trọn vẹn.
Sự thiếu mạch lạc trong bài viết cũng có thể vô tình làm cho thông tin được truyền đạt đến người đọc theo một cách khác. Cùng phân tích câu văn được trích từ một bài viết về chủ đề trí tuệ nhân tạo:
“Although artificial intelligence has made significant advancements, there are still ethical concerns that need to be addressed.” (Mặc dù trí tuệ nhân tạo đã có những tiến bộ đáng kể nhưng vẫn còn những lo ngại về mặt đạo đức cần được giải quyết.)
Giả sử, câu văn trên được diễn đạt theo một cách khác như sau: “It is considered that there are still ethical concerns that need to be addressed, although artificial intelligence has made significant advancements.”
Với cấu trúc trong câu gốc, câu văn đề ra những tiến bộ của AI trước khi đề cập đến các lo ngại về mặt đạo đức, mục đích chính là nhấn mạnh về những mối lo đó đang tồn tại. Tuy nhiên, khi đảo ngược trật tự các mệnh đề, câu văn không chỉ mất đi tính đối lập mà còn làm giảm đi sự chắc chắn trong lập luận. Việc sử dụng thể chủ động trong câu gốc đã khẳng định quan điểm của tác giả một cách rõ ràng, trong khi thể bị động trong câu thứ hai lại tạo ra một cảm giác mơ hồ và thiếu thuyết phục. Điều này dẫn đến việc làm giảm tính mạch lạc của đoạn văn và làm khó người đọc trong việc nắm bắt ý chính. Với câu viết lại thứ hai, rất có thể người đọc sẽ hình dung rằng việc trí tạo nhân tạo mang lại những tiến bộ đáng kể mới là yếu tố quan trọng cần được nhấn mạnh hơn, và những mối lo còn tồn tại kia thì không đáng kể.
Qua ví dụ trên, có thể thấy rằng mặc dù hai câu văn có thể có cấu trúc ngữ pháp tương tự, nhưng sự khác biệt nhỏ về trật tự vế lại dẫn đến những khác biệt lớn về ý nghĩa và tác động đến người đọc. Do vậy, nếu văn bản thiếu đi tính mạch lạc, thông điệp truyền đạt được người đọc cũng sẽ có thể bị sai lệch đi.
Cách triển khai bài viết mạch lạc
Như vậy, qua những phần trên, người học hiểu rằng một bài viết mạch lạc sẽ được đánh giá cao hơn về tính chuyên nghiệp và độ tin cậy. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách xây dựng một bài viết mạch lạc và nhất quán. Sau đây là một số giải pháp mà người học có thể áp dụng để phát triển và liên kết các ý tưởng một cách có hệ thống với nhau.
Phát triển nội dung mạch lạc
Đầu tiên, người viết cần đảm bảo phát triển được đầy đủ các thành phần trong đoạn. Một đoạn văn được xem là hoàn chỉnh khi trình bày đầy đủ câu chủ đề (Topic sentence), các câu hỗ trợ (Supporting sentences) và câu kết luận (Concluding sentence).
Câu chủ đề (Topic sentence): Đây là câu mở đầu của đoạn văn, nêu rõ ý chính mà đoạn văn muốn truyền đạt. Câu chủ đề đóng vai trò như một "bản tóm tắt" cho toàn bộ đoạn văn.
Ví dụ: Với đề bài “Discuss the role of social media in modern society”, người viết triển khai câu chủ đề như sau: “The increasing use of social media has significant impacts on our daily lives.” (Việc sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng có tác động đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta)
Câu chủ đề của đoạn văn đã làm rõ nhiệm vụ giới thiệu chủ đề chính của đoạn là ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội lên đời sống. Đây là câu chủ đạo, định hướng cho toàn bộ nội dung của đoạn.
Câu hỗ trợ (Supporting sentences): Platforms such as Facebook, Twitter, and Instagram have revolutionized how individuals connect with friends and family. Additionally, social media has become a powerful tool for businesses to market their products and services.
(Các nền tảng như Facebook, Twitter và Instagram đã làm hiện đại hóa cách các cá nhân kết nối với bạn bè và gia đình. Ngoài ra, phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành một công cụ mạnh mẽ để các doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm và dịch vụ của mình).
Các câu văn hỗ trợ có vai trò cung cấp thông tin chi tiết để hỗ trợ, làm rõ cho câu chủ đề. Các câu này đề cập và giải thích cụ thể về ảnh hưởng của mạng xã hội lên việc giao tiếp giữa cá nhân và giữa doanh nghiệp với khách hàng.
Câu kết luận (Concluding sentence): In conclusion, the widespread adoption of social media has transformed the landscape of human interaction and has had a profound impact on various aspects of society.
(Tóm lại, việc sử dụng rộng rãi các phương tiện truyền thông xã hội đã làm thay đổi bối cảnh tương tác của con người và có tác động sâu sắc đến các khía cạnh khác nhau của xã hội)
Câu kết luận trên đã một lần nữa tóm tắt lại ý chính của đoạn văn, nhấn mạnh tầm quan trọng và ảnh hưởng rộng rãi của mạng xã hội đối với xã hội, đồng thời tạo sự trọn vẹn và hoàn chỉnh cho nội dung.
Ngoài ra, để thúc đẩy khả năng đọc hiểu của người đọc, Hinkel (2004) đề cập rằng tất cả các câu văn tạo nên mỗi đoạn văn phải được tổ chức một cách hợp lý bằng cách tuân theo một trật tự liên tục dựa trên ý nghĩa mà chúng đang cố gắng truyền tải. Tính mạch lạc khi viết là điều cần thiết trong khuôn khổ này vì nó liên quan đến việc thể hiện các ý tưởng nhất quán và dễ hiểu trong văn bản. Để thể hiện được yếu tố này, Sherman et al. (2010) đề xuất người viết áp dụng các phương pháp sau:
Sử dụng các từ nối, từ chuyển tiếp (Transition signals):
Ví dụ: “The use of artificial intelligence has become increasingly prevalent in recent years. However, there are concerns about the potential negative impacts of AI, such as job displacement and the development of autonomous weapons.” (Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, có những lo ngại về tác động tiêu cực tiềm ẩn của AI, chẳng hạn như sự dịch chuyển công việc và sự phát triển của vũ khí tự hành). Ở đây, “however” là từ nối được người viết dùng để chuyển tiếp giữa các ý trong văn bản, nhằm biểu diễn mối quan hệ tương phản giữa hai ý.
Nhắc lại các từ khóa quan trọng (Repeating keywords):
Ví dụ: “The Internet has revolutionized the way we communicate and access information. However, the digital age has also raised concerns about privacy and security.” (Internet đã hiện đại hóa cách chúng ta giao tiếp và truy cập thông tin. Tuy nhiên, thời đại kỹ thuật số cũng làm dấy lên mối lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật). Cụm từ “the digital age” là một cách khác để người viết nhắc lại từ khóa “the Internet”. Việc lặp lại từ khóa giúp nhấn mạnh ý chính của bài viết, giúp người đọc dễ dàng nhận ra mối quan hệ giữa các ý và hiểu được mạch logic của bài viết. Tuy nhiên, cần lưu ý việc lặp lại quá nhiều một từ khóa có thể gây nhàm chán cho người đọc. Hãy tìm cách thay thế bằng các từ đồng nghĩa hoặc sử dụng các hình thức khác nhau của từ khóa (ví dụ: danh từ, tính từ, động từ).
Sử dụng đại từ (Using pronouns):
Ví dụ: “Artificial intelligence has made significant advancements in recent years. It is being used in various fields, such as healthcare and finance.” (Trí tuệ nhân tạo đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây. Nó đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe và tài chính). Đại từ “It” được dùng để thay thế cho “Artificial intelligence”. Việc sử dụng đại từ một cách hợp lý giúp tránh việc lặp đi lặp lại một danh từ quá nhiều lần, khiến câu văn trở nên nhàm chán và khó đọc, đồng thời tạo ra một mối liên kết giữa các câu trong đoạn văn, giúp người đọc dễ dàng theo dõi mạch suy luận của người viết.
Tuy nhiên, người học cần hiểu rằng mấu chốt để xây dựng nội dung mạch lạc nằm ở việc các ý tưởng trong đoạn cần được liên kết với nhau về mặt nghĩa, nếu không, các phương pháp được đề ra bên trên sẽ không có tác dụng.
Tổ chức thông tin hợp lý
Một tiêu chí khác của tính mạch lạc chính là thứ tự mà thông tin được trình bày trong bài viết cần được sắp xếp một cách hợp lý và có chủ đích. Ba mô hình sắp xếp thông tin phổ biến trong đoạn văn được sử dụng rộng rãi bao gồm diễn dịch, quy nạp và tổng-phân-hợp. Mặc dù khác biệt về trình tự triển khai thông tin, cả ba mô hình đều có chung các thành phần cấu trúc cơ bản. Đó là câu chủ đề, đóng vai trò như luận điểm trung tâm của đoạn văn, cùng với các luận cứ và dẫn chứng để củng cố cho luận điểm này.
Mô hình diễn dịch: Bắt đầu bằng việc nêu rõ câu chủ đề ngay từ đầu, tiếp theo là các luận cứ và dẫn chứng cụ thể để làm rõ và chứng minh cho luận điểm đã đưa ra.
Mô hình quy nạp: Ngược lại với diễn dịch, mô hình quy nạp trình bày các luận cứ và dẫn chứng trước, sau đó mới đưa ra câu chủ đề để tổng kết toàn bộ đoạn văn.
Mô hình tổng-phân-hợp: Kết hợp cả hai ưu điểm của hai mô hình trên, mô hình tổng-phân-hợp bắt đầu bằng câu chủ đề, tiếp theo là các luận cứ và dẫn chứng để phân tích chi tiết, cuối cùng là một câu kết luận để khẳng định lại luận điểm ban đầu.
Ví dụ:
“The increasing use of smartphones has had a profound impact on modern society. One significant impact is the rise of social media platforms, which have revolutionized the way people communicate and connect with each other. Moreover, smartphones have made it easier than ever to access information, with a wealth of knowledge available at our fingertips. Additionally, smartphones have become essential tools for work and education, enabling people to stay connected and productive on the go.”
(Việc sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng đã có tác động sâu sắc đến xã hội hiện đại. Một tác động đáng kể là sự gia tăng của các nền tảng truyền thông xã hội, đã cách mạng hóa cách mọi người giao tiếp và kết nối với nhau. Hơn nữa, điện thoại thông minh đã giúp việc truy cập thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, với kho kiến thức phong phú sẵn có trong tầm tay chúng ta. Ngoài ra, điện thoại thông minh đã trở thành công cụ thiết yếu cho công việc và giáo dục, giúp mọi người luôn kết nối và làm việc hiệu quả khi đang di chuyển.)
Đoạn văn trên đã sắp xếp thông tin theo mô hình diễn dịch do đề cập đến câu chủ đề chính giới thiệu tổng quan về những ảnh hưởng của việc sử dụng điện thoại thông minh lên đời sống. Sau đó mới cụ thể hóa ý tưởng đó bằng những lập luận, dẫn chứng như cách nó ảnh hưởng đến việc giao tiếp và tương tác với thông tin của con người. Cách viết này giúp người đọc dễ dàng nắm bắt được ý chính ngay từ đầu.
Tuy nhiên, đoạn văn trên cũng có thể được diễn đạt lại như sau:
“Social media platforms have transformed the way we interact with each other, fostering new forms of communication and connection. The ubiquity of smartphones has made information easily accessible, empowering individuals to learn and grow. Smartphones have become indispensable tools for work and study, increasing productivity and efficiency. These developments, driven by the proliferation of smartphones, have fundamentally altered the fabric of modern society.”
(Các nền tảng truyền thông xã hội đã thay đổi cách chúng ta tương tác với nhau, thúc đẩy các hình thức giao tiếp và kết nối mới. Sự phổ biến của điện thoại thông minh đã giúp thông tin có thể truy cập dễ dàng, trao quyền cho các cá nhân học hỏi và phát triển. Điện thoại thông minh đã trở thành công cụ không thể thiếu cho công việc và học tập, tăng năng suất và hiệu quả. Những sự phát triển này, được thúc đẩy bởi sự phổ biến của điện thoại thông minh, về cơ bản đã làm thay đổi cơ cấu của xã hội hiện đại.)
Khi được viết lại thì đoạn văn trên, mặc dù cùng diễn tả những ý tưởng giống nhau, nhưng về khía cạnh tổ chức thông tin lại có sự khác biệt. Các luận cứ được trình bày trước, sau đó mới đưa ra câu chủ đề tổng kết. Cách viết theo mô hình quy nạp này tạo ra sự tò mò và giúp người đọc khám phá dần ý chính của đoạn văn.
Việc lựa chọn mô hình bố cục phù hợp sẽ phụ thuộc vào mục đích của người viết, nội dung cần trình bày và đối tượng người đọc. Tuy nhiên, bất kể lựa chọn mô hình nào, việc đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa các thành phần trong đoạn văn là yếu tố quan trọng để tạo nên một bài viết có tính thuyết phục cao.
Tổng kết
Nhìn chung, phát triển một nội dung mạch lạc và sắp xếp, tổ chức thông tin hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một đoạn văn hoàn chỉnh trong bài thi Duolingo Writing Sample. Người học nên xác định rõ những khó khăn, cản trở còn tồn tại trong việc hình thành bài viết mạch lạc của bản thân, từ đó có định hướng cải thiện và tìm được những giải pháp phù hợp nhất.
Nguồn tham khảo
Celce-Murcia, M. & Olshtain, E. (2000). Discourse and context in language teaching. A guide for language teacher. Cambridge. Cambridge University Press.
Sherman, D., Slawson, J., Whitton, N., & Wiemelt, J. (2010). The little brown handbook. Longman (pp, 42-45).
Hinkel, E. (2004). Teaching Academic ESL Writing: Practical Techniques in Vocabulary and Grammar. New York, NY/London: Routledge.
Hyland, K. (2006). English for Academic Purposes: An Advanced Resource Book. Abingdon: Routledge.
Choi, Y. H. (1988, July). Text structure of Korean speakers’ argumentative essays in English. Wiley Online Library.
Bình luận - Hỏi đáp