Extensive Listening là gì? Áp dụng Extensive Listening để cải thiện kỹ năng nghe hiểu
Nghe hiểu là một trong 4 kỹ năng cơ bản trong sử dụng ngôn ngữ. Tuy vậy, rất nhiều người học không thể làm chủ kỹ năng này, và thường xuyên rơi vào tình trạng nghe mà không nắm bắt được ý nghĩa, hoặc chỉ nghe được âm đơn lẻ mà không nghe được cả từ hay câu. Lý do lớn nhất nằm ở khả năng nhận diện từ và tốc độ xử lý thông tin. Để cải thiện tình trạng trên, Extensive Listening được xem là một phương pháp dễ áp dụng và giải quyết triệt để nguyên nhân của vấn đề. Bài viết sẽ giải thích lý do người học không thể nghe hiểu, đồng thời giới thiệu về khái niệm Extensive Listening, những đặc điểm và lợi ích của Extensive Listening, cũng như cách áp dụng phương pháp này nhằm nâng cao kỹ năng nghe hiểu và khả năng xử lý thông tin ngôn ngữ trong tình huống thực.
Key Takeaways:
Người học thường nghe không hiểu do khả năng nhận diện từ yếu và tốc độ xử lý thông tin chậm.
Extensive Listening (Nghe rộng) là phương pháp nghe một lượng thông tin lớn, thường xuyên trong một khoảng thời gian dài. Nghe rộng tập trung vào việc nghe để giải trí và để hiểu nội dung toàn bộ bài nghe.
Nghe rộng không bao gồm hoạt động làm bài tập hay trả lời câu hỏi để kiểm tra mức độ hiểu thông tin chi tiết trong bài nghe của người học.
Nghe rộng giúp người học cải thiện khả năng nhận diện câu từ và nghe hiểu thông tin, cung cấp kiến thức nền cho việc rèn luyện các kỹ năng khác, và làm gia tăng hứng thú và động lực cho người học.
Nghe rộng đạt hiệu quả khi người học tự chọn tài liệu nghe phù hợp với sở thích và năng lực nghe hiểu của mình, và dành nhiều thời gian mỗi ngày trong một khoảng thời gian dài cho hoạt động này.
Bất kỳ nguồn thông tin nào cũng có thể là tài liệu để nghe rộng.
Nghe rộng có thể được kết hợp với nghe lặp lại để nâng cao hiệu quả.
Vì sao người học gặp khó khăn trong việc nghe hiểu?
Phần đông người học tiếng Anh cho rằng nghe hiểu là kỹ năng khó nhất. Những vấn đề thường được đưa ra là không nghe được từ, chỉ nghe được những từ không quan trọng, hoặc chưa kịp hiểu một câu đã phải nghe tới câu tiếp theo. Những nguyên nhân phổ biến nhất cho vấn đề này đã được tổng hợp bởi chuyên gia giáo dục Willy A. Renandya và nhà ngôn ngữ học Thomas S.C. Farrell (2010), bao gồm:
Tốc độ bài nghe: Tốc độ nói trong giao tiếp thật của người bản xứ là quá nhanh so với phần lớn người học; một đoạn hội thoại cũng thường diễn ra mà không có khoảng nghỉ. Điều này khiến người học không theo kịp được các từ được phát âm, dẫn tới không thể nhận diện và xử lý chúng.
Tính đa dạng trong ngôn ngữ nói: Khi nói, các âm tiết có thể được lược đi hoặc thêm vào tùy vào từng người nói. Thêm vào đó, các từ được phát âm ra thường nối liền với nhau. Điều này khiến cho người học khó xác định điểm bắt đầu và kết thúc của mỗi từ riêng lẻ. Khi không thể nhận diện đúng từ, khả năng hiểu bài cũng kém đi.
Tốc độ xử lý từ: Để hiểu được nội dung bài nghe, trước hết người nghe phải hiểu được từ. Đồng nghĩa với việc họ phải nhận diện, xác định nghĩa của từ và vai trò của từ trong câu ngay tại thời điểm từ đó được phát âm ra. Nếu dành thời gian để nhớ lại nghĩa từ, ghép nghĩa từ vào câu, rồi sau đó mới dịch nghĩa cả câu, người học sẽ bỏ lỡ các phần thông tin mới được đề cập ngay sau đó. Hơn thế, một khi đã bỏ lỡ một đoạn thông tin, người học sẽ càng dễ bị phân tâm và dẫn tới không hiểu được toàn bộ phần nội dung còn lại.
Trong 3 nguyên nhân trên, người nghe chỉ có thể tác động đến tốc độ xử lý từ của bản thân. Quá trình xử lý này cần diễn ra đồng thời với khi thông tin được phát âm ra. Tuy vậy, các phương pháp nghe hiểu thông thường tập trung vào kỹ thuật làm bài và trả lời câu hỏi, mà không hướng tới việc giải quyết vấn đề bản chất này. Do vậy, nhiều người học dù dành rất nhiều thời gian để luyện tập theo dạng bài, theo mẹo cũng không thể tiến bộ. Để thật sự nâng kỹ năng nghe hiểu, cần cải thiện kỹ năng xử lý từ này. Một trong những phương pháp đó là Extensive Listening (Nghe rộng)
Giới thiệu về Extensive Listening
Extensive Listening là gì? Các nguyên tắc của Extensive Listening
Được phát triển dựa trên phương pháp Extensive Reading (Đọc rộng) đã ghi nhận những hiệu quả rõ rệt, nghe rộng là phương pháp phát triển năng lực ngôn ngữ thông qua việc nghe thời lượng lớn, liên tục trong một khoảng thời gian dài.
Các nguyên tắc cơ bản của phương pháp nghe rộng bao gồm:
Bài nghe phải đúng với trình độ của người học. Người học phải hiểu được phần lớn nội dung của bài nghe mà không cần phải đoán, hỏi, nghe lại hay dừng lại để tra cứu.
Nghe rộng hướng tới sự thư giãn, giải trí. Chủ đề của bài nghe phải khiến người học cảm thấy yêu thích, hứng thú.
Không có các hoạt động kiểm tra mức độ nhớ, hiểu các thông tin chi tiết trong bài.
Không giới hạn về nguồn tài liệu, nội dung hay thời lượng mỗi bài nghe.
Việc nghe phải diễn ra với thời lượng lớn, thường xuyên, liên tục.
Lợi ích của Extensive Listening
Tăng khả năng nhận diện từ và nghe hiểu
Khi dành thật nhiều thời gian cho việc nghe, người học sẽ dần làm quen với các đặc tính (tốc độ, biến âm, nối từ) của ngôn ngữ nói. Theo thời gian, người học sẽ nắm bắt được các nguyên tắc và thói quen biến âm phổ biến của người bản xứ, hình thành khả năng xác định điểm bắt đầu và kết thúc của mỗi từ trong tổng thể một đoạn hội thoại.
Ở cấp độ từng từ riêng lẻ, nghe rộng tạo cơ hội tiếp xúc với cùng một từ khi từ đó được phát âm ở các tốc độ khác nhau, với các biến thể phát âm khác nhau, trong những ngữ cảnh khác nhau. Việc tiếp xúc thường xuyên này giúp người đọc ghi nhớ âm thanh, và liên kết âm thanh đó với nghĩa của từ. Nói cách khác, dần dần người học có thể hiểu được từ ngay khi nghe thấy nó, thay vì phải dừng lại để suy nghĩ và nhớ nghĩa. Khi việc tiếp xúc này được áp dụng với một lượng từ lớn, người học có thể hiểu được cả câu ngay khi nghe thấy mà không cần dịch nghĩa câu sang tiếng Việt.
Như vậy, người học không còn mất thời gian nhớ và dịch nghĩa từng câu chữ, mà thay vào đó có thể tập trung não bộ để thực hiện kỹ năng nghe hiểu (tổng hợp, phân tích, suy luận thông tin), dẫn tới việc nắm bắt được nội dung, thông điệp của toàn bài nghe.
Sơ đồ 1. Quá trình xử lý thông tin khi khả năng nhận diện từ yếu
Sơ đồ 2. Quá trình xử lý thông tin khi có khả năng nhận diện từ nhờ luyện tập nghe rộng.
Cung cấp kiến thức nền
Quá trình nghe thời lượng dài, liên tục trong khoảng thời gian dài đồng nghĩa với việc người học sẽ được tiếp cận và tiếp thu một lượng rất lớn kiến thức. Các kiến thức ngôn ngữ (từ vựng và ngữ pháp) có thể trở thành nền tảng để cải thiện các kỹ năng khác; còn các kiến thức phi ngôn ngữ có thể giúp gia tăng khả năng hiểu, xử lý thông tin trong các tài liệu sẽ gặp sau này.
Đặc biệt, một dạng kiến thức nền mà chỉ các tài liệu nghe có thể cung cấp là những thông tin về thái độ, ý định, cảm xúc của người bản xứ khi họ sử dụng một từ hay một cấu trúc nhất định. Khi nghe rộng thường xuyên, người học có thể dần tiếp thu một cách vô thức các đặc tính này và học hỏi theo; điều này rất hữu ích cho quá trình giao tiếp trong đời sống thực.
Tăng động lực học và giảm lo lắng khi học nghe hiểu
Nghe rộng không có các bài tập nghe hiểu bắt buộc; sự giải trí là nguyên tắc hàng đầu của nghe rộng, trong lúc nghe người học có thể thư giãn, không ép buộc bản thân nghe được hết các từ mà chỉ cần hiểu được thông tin—những thông tin mà bản thân quan tâm. Do vậy hình thức này không khiến người học cảm thấy lo lắng như khi nghe tập trung hay nghe luyện thi. Khi lo lắng giảm xuống, khả năng tiếp thu sẽ tăng lên.
Việc nghe và hiểu được những chủ đề mình yêu thích từ đó có thể có tác động tích cực đến tâm lý của người học—tạo động lực muốn nghe nhiều hơn và dài hơn.
Thêm vào đó, cảm giác thành tựu khi nghe hiểu thành công sẽ góp phần làm giảm cảm giác lo lắng, sợ hãi khi nghe bài nghe tiếp theo. Dần dần, điều này có thể tác động tới cả những kỹ năng còn lại.
Áp dụng Extensive Listening
Nhằm đạt được hiệu quả từ phương pháp nghe rộng, việc tất yếu là lựa chọn bài nghe tuân thủ theo các nguyên tắc căn bản của phương pháp. Dưới đây là một số gợi ý giúp người học xây dựng thói quen nghe rộng phù hợp.
Chọn tài liệu nghe
Người đọc cần đảm bảo mình:
Hiểu được ít nhất 90% nội dung bài nghe
Hiểu được ít nhất 95% lượng từ vựng và cấu trúc ngữ pháp trong bài
Hiểu được bài nghe mà không cần dừng hay tua lại
Yêu thích nội dung bài nghe
Nếu không đạt được một trong số các mục trên, người học có thể cân nhắc đổi tài liệu nghe phù hợp.
Dưới đây là một số nguồn gợi ý miễn phí cho các trình độ khác nhau:
Trình độ từ B1 trở xuống:
Người học ở trình độ trung cấp trở xuống nên chọn các tài liệu được thiết kế riêng bởi những tổ chức giáo dục hoặc truyền thông uy tín, do các bài nghe sẽ thường ở tốc độ chậm hơn, từ vựng và ngữ pháp phổ thông hơn, và nội dung cô đọng.
ELLO (English Listening Lesson Library Online, http://www.elllo.org) là trang web về nghe rộng phổ biến nhất, gồm các đoạn hội thoại thực tế và đơn giản, đi kèm phần hướng dẫn trước nghe, transcript, từ vựng trọng tâm, và phần quiz nhỏ nếu người học muốn tự kiểm tra.
Voice of America (https://www.voanews.com/) là kênh radio lâu đời tại Mỹ, cung cấp thông tin về các vấn đề toàn cầu ở tốc độ nói chậm và từ vựng đơn giản.
Storyline Online (https://storylineonline.net/) website cung cấp nhiều đàu sách truyện dưới dạng video, được đọc bởi những người dẫn truyện chuyên nghiệp, có kèm phụ đề và tranh minh họa. Người học có thể nghe kèm với xem phụ đề, sau đó nghe lại không kèm phụ đề.
News in levels (https://www.newsinlevels.com/) cung cấp thông tin về các vấn đề toàn câu, phù hợp cho người học từ mới bắt đầu đến tiền trung cấp. Mỗi bản tin có 3 phiên bản dành cho 3 cấp độ: cấp 1 (cho người đã biết khoảng 1000 từ vựng tiếng Anh), cấp 2 (2000 từ), và cấp 3 (3000 từ)
Ngoài ra người học có thể tìm kiếm các video Youtube có phụ đề phù hợp với trình độ.
Trình độ từ B1 trở lên:
BBC Learning English (https://www.bbc.co.uk/learningenglish) gồm các bài nghe từ trình độ B1 đến C1, phân loại theo chủ điểm (kinh tế, xã hội, văn hóa, leadership, truyện thiếu nhi), người nói sử dụng đa dạng accent. Các bài nghe có kèm transcript để người học có thể đọc cùng trong lúc nghe, sau đó có thể nghe lại mà không đọc transcript.
ESL Podcast (https://www.eslpod.com/index.html) là podcast với gần 2000 bài nghe cho người học trình độ từ trung cấp trở lên. Bài nghe dài 15 - 30 phút về chủ đề hội thoại hằng ngày hoặc văn hóa Mỹ, có kèm bài tập và hướng dẫn học.
Các video của TED (https://www.youtube.com/c/TED, https://www.youtube.com/user/TEDxTalks) gồm các video 10 - 20 phút của nhiều diễn giả với tốc độ nói vừa phải, nội dung đa dạng, có kèm phụ đề.
Ở trình độ trung cấp trở lên, người học không cần quá phụ thuộc vào các nguồn nghe có tính giáo dục (kèm bài tập hay hướng dẫn), mà có thể tự tìm nghe thêm những nguồn nội dung phức tạp, đa dạng với người nói sử dụng nhiều giọng khác nhau, thuộc các ngành nghề khác nhau như phim ảnh, podcast, Youtube, vv… Người học có thể bắt đầu với các tài liệu có kèm phụ đề hoặc transcript, sau đó dần chuyển sang không có.
Thời lượng nghe
Thời lượng nghe càng lớn, mức độ hiệu quả càng cao. Ở trình độ B1 trở xuống, hãy cố gắng nghe ít nhất 1 tiếng/tuần. Ở trình độ cao hơn, thời lượng nghe tối thiểu là 3 tiếng/tuần.
Thói quen nghe
Hãy cố gắng biến việc nghe rộng thành một thói quen hằng ngày. Đặt một khung giờ cố định trong ngày để nghe, ví dụ như lúc đi xe bus, ăn sáng hay làm bữa tối.
Thực hiện hoạt động sau nghe
Mặc dù bài kiểm tra nghe hiểu chi tiết là không bắt buộc, người đọc vẫn có thể chủ động rèn luyện thông qua các hoạt động củng cố mức độ hiểu toàn bài. Các nguồn tài liệu nghe đã được giới thiệu đa phần đi kèm các bài quiz nhỏ mà người học có thể làm. Ngoài ra, người học có thể thực hiện các hoạt động chủ động hơn và đòi hỏi vận dụng kĩ năng cao hơn, chẳng hạn: viết một bài tóm tắt nội dung bài nghe, review nội dung bài, thảo luận về nội dung bài, vv…
Nghe lặp lại
Nghe rộng có thể kết hợp rất tốt với phương pháp nghe lặp lại. Thường xuyên nghe lại một bài nghe, hoặc nghe nhiều bài cùng một chủ đề, có thể làm gia tăng tần suất tiếp xúc với cùng một từ vựng hay cấu trúc ngữ pháp; từ đó tăng khả năng nhuần nhuyễn những cấu trúc đó.
Bài tập
Hoàn thành bài tóm tắt về khái niệm nghe rộng:
Người học tiếng Anh thường gặp khó khăn trong việc nghe hiểu do tốc độ nói nhanh, biến âm phức tạp, và _________ chậm. Để cải thiện vấn đề, có thể áp dụng nghe rộng.
Nghe rộng là phương pháp học nghe thông qua việc nghe _________ , _________, và trong khoảng thời gian dài. Nghe rộng không có bài tập bắt buộc, mà hướng tới nghe để _________. Phương pháp này giúp tăng khả năng _________ và nghe hiểu, cung cấp kiến thức nền, và tạo _________.
Người học tự chọn tài liệu nghe. Để đạt hiệu quả, tài liệu được chọn phải tuân thủ các nguyên tắc: (1) phù hợp với _________, (2) dựa trên _________ của người học, (3) không giới hạn loại hay thời lượng tài liệu, (4) nghe tối thiểu _________ với trình độ B1 trở xuống, tối thiểu 3 tiếng/tuần với trình độ B1 trở lên.
Người học có thể tìm nguồn nghe qua các kênh giáo dục uy tín hoặc qua phim, radio, podcast, Youtube, vv…
Đáp án:
tốc độ xử lý từ
thời lượng lớn
thường xuyên
giải trí/thư giãn
động lực học
trình độ người học
sở thích/mối quan tâm
1 tiếng/tuần
Tổng kết
Trong bài viết này, tác giả đã giới thiệu phương pháp Extensive Listening (Nghe rộng), các lợi ích và cách thức áp dụng phương pháp này trong học tập. Extensive Listening hướng tới việc nâng cao năng lực ngôn ngữ một cách lâu dài và bền vững, đồng thời làm gia tăng hứng thú và động lực học chủ động. Hi vọng rằng người học có thể áp dụng thành công và sớm thấy được thành quả từ việc áp dụng phương pháp này.
Ngô Phương Thảo
Bình luận - Hỏi đáp