Trôi chảy (fluency) trong tiếng Anh và các yêu tố ảnh hưởng (Phần 2)
Sự trôi chảy trong tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong quá trình giao tiếp trong học tập và công việc của người học. Phần 1 tác giả đã đề cập đến khái niệm và phân biệt sự khác nhau giữa sự trôi chảy và sự chính xác trong giao tiếp, và cũng như đưa ra các yêu tố ảnh hưởng đến sự trôi chảy bao gồm yếu tố tâm lý ( affective factor) như:
Lo lắng (anxiety)
Tự tin (self-confidence)
Động lực (motivation) và thái độ (attitude)
Yếu tố hiệu suất ( performance factor) như: thời gian chuẩn bị (planning time), áp lực thời gian (time pressure) và mức độ hỗ trợ (amount of support) và những giải pháp cho các yêu tố trên.
Phần 2 này tác giả sẽ tiếp tục phân tích thêm các yếu tố ảnh hưởng đến sự trôi chảy của người học tiếng Anh và các giải pháp để giúp người học tối ưu được sự trôi chảy trong quá trình học ngôn ngữ và chuẩn bị cho các kỳ thi như IELTS, VSTEP…
Key takeaways |
---|
|
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự trôi chảy trong kỹ năng nói tiếng Anh
Yếu tố tự động hóa (Automation) ảnh hưởng độ trôi chảy
Tự động hóa (automation) trong việc sử dụng ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được sự trôi chảy (fluency). Tự động hóa liên quan đến khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên, nhanh chóng và không cần phải suy nghĩ nhiều về từng chi tiết ngữ pháp hay từ vựng. Để hiểu thêm về tự tác động của yếu tố này lên độ trôi chảy, chúng ta cần hiểu khả năng sử lý tự động là như thế nào.
Khả năng xử lý tự động
Khả năng xử lý tự động là một trong những yếu tố quan trọng giúp đạt được sự trôi chảy trong việc sử dụng ngôn ngữ. Khi người học có thể tự động hóa quá trình chọn từ ngữ và cấu trúc câu, nghĩa là họ đã quen với các tình huống giao tiếp cụ thể, và ngôn ngữ sẽ xuất hiện một cách tự nhiên mà không cần suy nghĩ nhiều. Điều này cho phép người học tập trung vào nội dung và mục tiêu giao tiếp, thay vì lo lắng về các lỗi ngữ pháp hay từ vựng.
Theo Schmidt (1992), "fluency là một quá trình tự động của người nói". Điều này có nghĩa là, khi người học tiếp xúc và thực hành ngôn ngữ đủ nhiều, các quy trình ngôn ngữ sẽ trở nên tự động. Quá trình này giống như việc lái xe: ban đầu, người học cần phải tập trung vào từng bước cụ thể như điều chỉnh gương, đạp phanh, hoặc bật xi-nhan. Nhưng sau một thời gian luyện tập, những hành động này trở nên tự động và người lái xe có thể tập trung vào việc điều hướng và các yếu tố khác trên đường.
Ví dụ vế khía cạnh ngôn ngữ , khi người học nói về sở thích của mình, nếu người học đã luyện tập nhiều lần, người học sẽ không cần phải suy nghĩ về cách sử dụng ngữ pháp chính xác hay từ vựng phù hợp. Người học có thể nói một cách tự nhiên, liên kết các ý tưởng một cách mạch lạc và rõ ràng. Chẳng hạn, khi nói về sở thích đọc sách, người học có thể tự động sử dụng các cấu trúc câu như "I enjoy reading books because..." hay "One of my favorite books is...". Quá trình này trở nên tự nhiên đến mức người học không cần dừng lại để suy nghĩ về cách diễn đạt, từ đó giúp bài nói của người học trở nên trôi chảy và tự tin hơn.
Ngoài ra người học cần hiểu thêm về quy trình sản xuất ngôn ngữ, gồm ba giai đoạn: khái niệm hóa (conceptualization), hình thành (formulation), và phát âm (articulation). Trong giai đoạn khái niệm hóa, người nói xác định ý tưởng muốn truyền đạt. Trong giai đoạn hình thành, họ chuyển ý tưởng đó thành các cấu trúc ngôn ngữ phù hợp. Cuối cùng, trong giai đoạn phát âm, họ sử dụng các cơ quan phát âm để tạo ra âm thanh. Nếu quy trình này được tự động hóa, người nói có thể thực hiện các bước này một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Ví dụ: Khingười học chuẩn bị trả lời một câu hỏi trong phần thi IELTS Speaking, người học sẽ:
Suy nghĩ về ý tưởng (Conceptualization): Người học nhanh chóng xác định các điểm chính mà mình muốn nói về chủ đề được đưa ra, chẳng hạn như "talk about a memorable trip."
Hình thành câu (Formulation): Người học tự động chọn và sắp xếp các từ và cấu trúc câu để diễn đạt ý tưởng, như "Last year, I went to Paris with my family. It was an amazing experience because we visited many historical sites."
Phát âm (Articulation): Người học phát âm các câu một cách mạch lạc và tự nhiên mà không cần dừng lại để suy nghĩ, giúp lời nói trở nên trôi chảy và rõ ràng.
Tác động của sự tự động hóa đến sự trôi chảy (fluency)
Tốc độ nói: Khi các quy trình ngôn ngữ được tự động hóa, người nói có thể nói nhanh hơn mà không cần phải dừng lại để suy nghĩ về từ ngữ hoặc cấu trúc câu. Điều này giúp tăng tốc độ nói và làm cho lời nói trở nên mạch lạc hơn.
Giảm ngập ngừng: Tự động hóa giúp giảm thiểu các khoảng dừng và ngập ngừng trong lời nói. Người nói có thể chuyển từ ý tưởng này sang ý tưởng khác một cách suôn sẻ, tạo cảm giác trôi chảy và tự nhiên
Phản xạ ngôn ngữ: Người học có khả năng phản xạ nhanh chóng trong các tình huống giao tiếp, giúp họ trả lời các câu hỏi và tham gia vào các cuộc trò chuyện mà không cần phải suy nghĩ quá nhiều. Khi quá trình chọn từ ngữ và cấu trúc câu trở nên tự động, người học không còn phải dành nhiều thời gian và công sức cho các yếu tố ngôn ngữ cơ bản. Thay vào đó, họ có thể tập trung vào việc truyền đạt ý nghĩa và đạt được mục tiêu giao tiếp của mình. Điều này đặc biệt quan trọng trong các cuộc hội thoại phức tạp hoặc trong các tình huống cần phản ứng nhanh chóng.
Tự tin: Tự động hóa giúp giảm thiểu các lỗi ngữ pháp và từ vựng, bởi người học đã quen thuộc với các cấu trúc ngôn ngữ thông dụng. Điều này làm tăng sự tự tin và giúp cuộc trò chuyện trở nên mượt mà hơn.
Yếu tố về sự sửa lỗi (Error Corrections) ảnh hưởng độ trôi chảy
Sự sửa lỗi của giáo viên hoặc người khác đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng nói của người học, bao gồm cả độ trôi chảy (fluency). Mặc dù việc sửa lỗi có thể giúp người học cải thiện độ chính xác (accuracy), nó cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến độ trôi chảy nếu không được thực hiện một cách thích hợp. Dưới đây là cách sự sửa lỗi của giáo viên hoặc các cá nhân khác có thể ảnh hưởng đến độ trôi chảy của người học khi nói tiếng Anh.
Tích cực
Cải thiện độ chính xác
Sự sửa lỗi giúp học sinh nhận ra và sửa chữa các lỗi sai ngữ pháp, từ vựng và phát âm, từ đó giúp họ nói một cách chính xác hơn. Khi các lỗi cơ bản được sửa, học sinh sẽ tự tin hơn và ít mắc lỗi hơn trong tương lai, điều này có thể cải thiện độ trôi chảy.
Ví dụ: Nếu một học sinh thường xuyên dùng sai thì quá khứ đơn và hiện tại hoàn thành, giáo viên hoặc người khác có thể sửa lỗi và giải thích sự khác biệt. Khi học sinh hiểu và áp dụng đúng, họ sẽ ít mắc lỗi hơn và nói trôi chảy hơn.
Phát triển kỹ năng ngôn ngữ
Sự sửa lỗi giúp học sinh phát triển các kỹ năng ngôn ngữ một cách toàn diện, bao gồm cả kỹ năng nói. Khi học sinh biết cách sử dụng ngữ pháp và từ vựng một cách chính xác, họ sẽ tự tin hơn và nói trôi chảy hơn. Việc sửa lỗi giúp học sinh xây dựng nền tảng ngữ pháp vững chắc và mở rộng vốn từ vựng, từ đó làm tăng khả năng giao tiếp một cách tự nhiên.
Ví dụ: Một người bạn có thể nhắc nhở mình về cách sử dụng đúng các liên từ trong câu phức, giúp người học nối các ý tưởng một cách mạch lạc và logic. Khi thành thạo, người học sẽ có thể nói một cách liền mạch và rõ ràng.
Tiêu cực
Gây mất tự tin
Nếu giáo viên hoặc người khác sửa lỗi quá thường xuyên hoặc không đúng lúc, học sinh có thể cảm thấy bị phê phán và mất tự tin khi nói. Sự thiếu tự tin này có thể dẫn đến sự do dự và ngập ngừng, làm giảm độ trôi chảy. Người học có thể trở nên lo lắng về việc mắc lỗi, khiến họ ngại nói và giảm sự tự nhiên trong giao tiếp.
Ví dụ: Nếu giáo viên hoặc bạn bè liên tục ngắt lời để sửa lỗi trong khi học sinh đang nói, học sinh có thể cảm thấy căng thẳng và sợ mắc lỗi, dẫn đến việc nói chậm hơn và thiếu tự nhiên.
Gây gián đoạn trong giao tiếp
Sự sửa lỗi thường xuyên có thể làm gián đoạn dòng suy nghĩ của học sinh và làm giảm sự trôi chảy của cuộc trò chuyện. Điều này đặc biệt đúng nếu giáo viên hoặc người khác sửa lỗi ngay lập tức thay vì chờ đến cuối bài nói hoặc buổi học. Các gián đoạn này không chỉ làm mất đi mạch truyện mà còn khiến học sinh mất hứng thú và sự liền mạch trong diễn đạt.
Giải pháp cải thiện độ trôi chảy (fluency) trong tiếng Anh
Giải pháp cho yếu tố tự động hóa để cải thiện fluency trong tiếng Anh
Tự động hóa trong việc sử dụng ngôn ngữ đóng vai trò then chốt trong việc đạt được sự trôi chảy (fluency) khi nói tiếng Anh. Dưới đây là một số giải pháp cụ thể để cải thiện yếu tố tự động hóa:
1. Luyện tập nói hàng ngày
Luyện tập nói tiếng Anh hàng ngày giúp người học quen thuộc với ngôn ngữ và các cấu trúc câu, từ đó tạo ra phản xạ tự nhiên khi giao tiếp.
Ví dụ:
Thực hành qua ứng dụng giao tiếp: Sử dụng các ứng dụng nền tảng trao đổi ngôn ngữ như HelloTalk. Thiết lập các cuộc trò chuyện hàng ngày với người bản ngữ hoặc đối tác học tập. Điều này giúp người học thực hành kỹ năng nói trong các ngữ cảnh khác nhau, từ đó tăng cường khả năng phản xạ ngôn ngữ.
Tự ghi âm và nghe lại: Mỗi ngày, người học có thể chọn một chủ đề và nói về nó trong khoảng 5-10 phút. Ghi âm lại và nghe lại để tự sửa lỗi và cải thiện phát âm, ngữ điệu.
2. Sử dụng phương pháp Shadowing
Phương pháp shadowing yêu cầu người học nghe và lặp lại ngay lập tức những gì họ nghe thấy. Điều này giúp tăng cường khả năng phát âm, ngữ điệu và tốc độ phản xạ ngôn ngữ.
Ví dụ:
Chọn tài liệu nghe: Chọn một đoạn video hoặc audio ngắn bằng tiếng Anh, chẳng hạn như một đoạn phim ngắn, một bài diễn thuyết TED, hoặc một đoạn hội thoại từ các bài học ESL.
Nghe và lặp lại: Nghe một câu hoặc một đoạn ngắn, sau đó tạm dừng và lặp lại ngay lập tức. Cố gắng bắt chước ngữ điệu, phát âm và tốc độ nói của người bản ngữ.
Luyện tập hàng ngày: Thực hiện điều này mỗi ngày, từ 15-30 phút, sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng tự động hóa ngôn ngữ.
3. Thực hành với các đoạn hội thoại có sẵn
Thực hành với các đoạn hội thoại đã được viết sẵn giúp người học làm quen với các cấu trúc câu thông dụng và cách diễn đạt trong các tình huống giao tiếp hàng ngày.
Ví dụ:
Sử dụng sách giáo trình: Chọn các sách giáo trình hoặc tài liệu học tiếng Anh có chứa các đoạn hội thoại
Luyện tập theo cặp: Cùng với một đối tác học tập, người học có thể thực hành các đoạn hội thoại này. Đọc và diễn lại các đoạn hội thoại nhiều lần cho đến khi người học có thể nói trôi chảy mà không cần đọc lại.
Ghi âm và đánh giá: Ghi âm các đoạn hội thoại và nghe lại để tự đánh giá và cải thiện.
4. Học từ vựng và cấu trúc câu theo chủ đề
Tự động hóa ngôn ngữ cũng đòi hỏi việc nắm vững từ vựng và cấu trúc câu theo từng chủ đề cụ thể. Việc này giúp người học dễ dàng diễn đạt ý tưởng mà không phải suy nghĩ nhiều về từ ngữ.
Ví dụ:
Chọn chủ đề: Mỗi tuần, chọn một chủ đề cụ thể như "du lịch," "công việc," hoặc "sở thích."
Lập danh sách từ vựng và cấu trúc câu: Tìm và ghi nhớ từ vựng, cụm từ và cấu trúc câu liên quan đến chủ đề đó. Sử dụng các công cụ như Quizlet để tạo flashcards và ôn luyện.
Thực hành viết và nói: Viết các đoạn văn ngắn hoặc tạo các câu chuyện liên quan đến chủ đề đó. Sau đó, thực hành nói lại những gì người học đã viết, cố gắng sử dụng từ vựng và cấu trúc câu đã học.
5. Sử dụng ứng dụng học ngôn ngữ
Các ứng dụng học ngôn ngữ cung cấp các bài tập tự động hóa từ vựng, cấu trúc ngữ pháp và luyện nghe nói. Những ứng dụng này giúp người học có thể luyện tập mọi lúc, mọi nơi.
Ví dụ:
Duolingo: Sử dụng Duolingo để thực hành hàng ngày. Các bài tập trên Duolingo được thiết kế để người học lặp đi lặp lại các mẫu câu và từ vựng, giúp tự động hóa quá trình học tập.
Rosetta Stone: Rosetta Stone tập trung vào việc phát triển kỹ năng nói và nghe thông qua các bài tập lặp đi lặp lại, giúp tự động hóa ngôn ngữ.
6. Tham gia vào các câu lạc bộ tiếng Anh hoặc nhóm thảo luận
Tham gia vào các câu lạc bộ hoặc nhóm thảo luận tiếng Anh giúp người học có môi trường thực hành ngôn ngữ một cách tự nhiên và thường xuyên.
Ví dụ:
Câu lạc bộ tiếng Anh tại địa phương: Tìm và tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh tại địa phương. Tham gia vào các buổi gặp mặt hàng tuần, nơi người học có thể thực hành nói tiếng Anh với những người học khác.
Nhóm thảo luận trực tuyến: Tham gia các nhóm thảo luận trực tuyến trên các diễn đàn như Reddit, hoặc Facebook Groups. Tham gia vào các buổi thảo luận, chia sẻ ý kiến và nghe người khác nói sẽ giúp tăng cường kỹ năng phản xạ ngôn ngữ.
Tổ chức các buổi gặp mặt: Nếu không có câu lạc bộ tiếng Anh tại địa phương, người học có thể tổ chức các buổi gặp mặt với bạn bè hoặc đồng nghiệp để thực hành nói tiếng Anh.
Giải pháp cho yếu tố về sự sửa lỗi (Error Corrections) để cải thiện fluency trong tiếng Anh
Nếu người học nhận thấy sự trôi chảy của mình đang bị ảnh hưởng vì sự sửa lỗi của bạn bè hay giáo viên. Người học có thể tự sửa lỗi để cải thiện độ trôi chảy (fluency) khi nói tiếng Anh bằng cách áp dụng các chiến lược tự học hiệu quả. Dưới đây là một số giải pháp cụ thể mà người học có thể thực hiện để tự sửa lỗi .
1. Tự đặt mục tiêu sửa lỗi cụ thể
Người học có thể tự đặt ra các mục tiêu cụ thể liên quan đến các lỗi ngữ pháp, từ vựng hoặc phát âm mà mình thường mắc phải. Việc có mục tiêu rõ ràng giúp tập trung vào việc sửa lỗi một cách có hệ thống.
Ví dụ:
Đặt mục tiêu: Nếu người học thường xuyên mắc lỗi với thì hiện tại hoàn thành, đặt mục tiêu sử dụng thì này đúng trong các bài nói của mình.
Theo dõi tiến trình: Ghi chép lại những lần người học sử dụng đúng và sai, và xem xét tiến trình của mình hàng tuần để thấy sự cải thiện.
2. Tự tạo bài kiểm tra và bài tập
Người học có thể tự tạo ra các bài kiểm tra và bài tập để kiểm tra kiến thức của mình và phát hiện lỗi sai. Việc tự kiểm tra giúp củng cố kiến thức và nhận ra các lỗi cần sửa.
Ví dụ: Miêu tả về một trải nghiệm trong quá khứ và tập trung vào dùng đúng thì quá khứ đơn.
3. Ghi âm và nghe lại bài nói của chính mình
Ghi âm và nghe lại bài nói giúp người học nhận ra các lỗi sai của mình và tự sửa chữa. Phương pháp này cho phép người học phân tích cách phát âm, ngữ pháp và ngữ điệu của mình một cách khách quan.
Ví dụ:
Ghi âm đoạn nói: Ghi âm một đoạn nói về một chủ đề bất kỳ, chẳng hạn như "My daily routine".
Nghe lại và ghi chú lỗi sai: Nghe lại đoạn ghi âm và chú ý đến các lỗi sai về ngữ pháp, phát âm hoặc ngữ điệu. Ghi chú các lỗi này.
Sửa lỗi và thực hành lại: Thực hành lại đoạn nói, tập trung vào việc sửa các lỗi đã ghi chú. Ghi âm lại và so sánh với lần đầu để thấy sự tiến bộ.
4. Tự thực hành nói trước gương
Nói trước gương giúp người học tự quan sát và kiểm soát phát âm, ngữ điệu và cử chỉ khi nói. Phương pháp này giúp người học tự nhận ra và sửa lỗi một cách trực quan.
Ví dụ:
Thực hành nói: Đứng trước gương và nói về một chủ đề nào đó. Quan sát cách phát âm và ngữ điệu của mình, và chú ý đến các lỗi sai.
Sửa lỗi: Ghi chú lại các lỗi phát âm và ngữ điệu mà người học nhận ra và thực hành lại nhiều lần cho đến khi sửa được.
5. Sử dụng flashcards để ôn tập từ vựng và ngữ pháp
Sử dụng flashcards giúp người học ôn tập từ vựng và ngữ pháp một cách hiệu quả. Flashcards cung cấp cách học nhanh và giúp ghi nhớ các kiến thức cần thiết.
Ví dụ:
Tạo flashcards: Tạo các flashcards với từ vựng và cấu trúc ngữ pháp mà người học thường mắc lỗi. Mỗi flashcard nên có từ hoặc cấu trúc câu ở một mặt và ví dụ sử dụng đúng ở mặt kia.
Ôn tập hàng ngày: Dành thời gian hàng ngày để ôn tập các flashcards, tập trung vào các từ và cấu trúc mà người học gặp khó khăn.
Tổng kết
Qua phần 2 này, tác giả để nêu lên hai yếu tố khác ảnh hưởng đến sự trôi chảy (fluency) của người học ngôn ngữ là sự tự động hoá và yếu tố sử lỗi. Tự động hóa và sửa lỗi là hai yếu tố quan trọng giúp cải thiện độ trôi chảy (fluency) trong tiếng Anh. Tự động hóa liên quan đến khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên, nhanh chóng và không cần phải suy nghĩ nhiều về từng chi tiết ngữ pháp hay từ vựng từ đó giúp cải thiện độ trôi chảy. Vì thế việc luyện tập hàng ngày, sử dụng phương pháp shadowing, thực hành với các đoạn hội thoại có sẵn, học từ vựng và cấu trúc câu theo chủ đề, sử dụng ứng dụng học ngôn ngữ, và tham gia vào các câu lạc bộ tiếng Anh. Những phương pháp này giúp người học phản xạ ngôn ngữ một cách tự nhiên và tự tin hơn khi giao tiếp. Đồng thời, sự sửa lỗi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến sự trôi chảy, mặt tích cực có thể giúp cải thiện độ trôi chảy khi được sửa lỗi nhưng cũng có thể gây ra sự tiêu cực làm giảm sự tự tin và mạch lạc cho người nói, vậy nên với các chiến lược như đặt mục tiêu sửa lỗi cụ thể, ghi âm và nghe lại bài nói, thực hành nói trước gương, sử dụng phương pháp shadowing. Những chiến lược này giúp người học nhận ra và khắc phục lỗi sai một cách hiệu quả mà không làm giảm sự tự tin, từ đó nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh một cách tự nhiên và hiệu quả.
Work Cited
Gardner, R. C., and W. E. Lambert. Attitudes and Motivation in Second Language Learning. Newbury House Publishers, 1972.
Gardner, R. C., et al. "Attitudes and Motivation." Research Bulletin 15, Dept. of Psychology, Univ. of Western Ontario, 1979.
Horwitz, Elaine K., Michael B. Horwitz, and Joann Cope. "Foreign Language Classroom Anxiety." The Modern Language Journal, vol. 70, no. 2, Summer 1986, pp. 125-132. Blackwell Publishing on behalf of the National Federation of Modern Language Teachers Associations. JSTOR, http://www.jstor.org/stable/327317.
Ibarrola Hidalgo, Laura Zaro. "Procedural Repetition." Procedural Repetition in Task-Based Interaction among Young EFL Learners. Universidad de Navarra, 2017.
Lightbown, Patsy M., and Nina Spada. How Languages are Learned. 3rd ed., Oxford University Press, 2006.
Patanasorn, Chomraj. Effects of Procedural, Content, and Task Repetition on Accuracy and Fluency in an EFL Context. Unpublished doctoral dissertation, Northern Arizona University, 2012.
Sheir, Awatef Ali, Rajaa Hassan Abdallah, and Abdel Rehim Saad El Din El-Hilaly. "Personality Types as Predictors of Oral Fluency." Educational Sciences Journal, vol. 23, no. 3, 2015, pp. 25-57.
Bình luận - Hỏi đáp