Banner background

Giải pháp giúp loại bỏ Foreign Language Anxiety khi học ngoại ngữ

Bài viết gợi ý một số giải pháp để người học khắc phục tình trạng lo lắng trong học tập ngoại ngữ (foreign language anxiety)
giai phap giup loai bo foreign language anxiety khi hoc ngoai ngu

Việc học một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ có thể mang lại những lợi ích và bất cập nhất định cho người học. Một trong số những điểm bất lợi, cho dù người học ở trình độ vỡ lòng hay đã thành thạo trong sử dụng ngôn ngữ chính là hiện tượng Foreign Language Anxiety (FLA) (Lo lắng trong học tập ngoại ngữ). Hiện tượng này không phân biệt đối tượng, chủ yếu xảy ra trong không gian lớp học và có thể gây những khó khăn nhất định cho người học như việc cảm thấy khó khăn khi phát biểu trong lớp học ngoại ngữ. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu sâu hơn về hiện tượng này và gợi ý một số giải pháp để khắc phục. 

Key takeaways

  • Khái niệm, nguyên nhân và triệu chứng của Foreign Language Anxiety (Lo lắng trong học tập ngoại ngữ)

  • Một số các giải pháp để khắc phục tình trạng: Thay đổi quan niệm; nhận diện và đối diện nỗi sợ; viết về nỗi sợ; luyện tập; chia sẻ với giáo viên, bạn bè, gia đình; và học cách chấp nhận và nhận định lỗi sai nhẹ nhàng hơn.

Foreign Language Anxiety là gì?

Theo MacIntyre và cộng sự (1998) Foreign Language Anxiety (FLA) là sự lo lắng và phản ứng tiêu cực được khơi dậy khi học hoặc sử dụng ngôn ngữ thứ hai. Năm 1991, MacIntyre và Gardner (1991) cho rằng FLA là một phản ứng cụ thể đối với sự lo lắng chỉ xảy ra trong lớp học ngoại ngữ. Hậu quả của việc lo lắng trong lớp học ngôn ngữ là việc gây tổn thương cho người học về mặt tâm lý. Ngoài ra, Worde (1998) cũng đưa ra thống kê rằng có từ 30% đến 50% học sinh trong khảo sát được báo cáo là trải qua các mức độ lo lắng khác nhau trong học tập. Thực chất, FLA có thể xảy ra với bất kỳ ai, ngay cả với những người có biểu hiện tốt trong lớp học ở các môn học khác thì vẫn có khả năng gặp khó khăn khi học ngôn ngữ thứ hai. Horowitz và cộng sự (1986) tin rằng học sinh/sinh viên có thể bỏ học ngoại ngữ để giảm bớt lo lắng của họ. 

Nhìn chung, FLA là 1 hiện tượng tâm lý khi người học gặp phải những cảm giác lo lắng và tiêu cực trong lớp học ngoại ngữ và nó có thể xảy ra với bất kỳ ai trong quá trình học tập. 

Tại sao lại mắc phải Foreign Language Anxiety

Horowitz và cộng sự năm 1986 đã thống kê rằng có 3 nguyên nhân chính của hiện tượng tâm lý này, bao gồm: sợ giao tiếp, sợ bị đánh giá tiêu cực và lo lắng khi kiểm tra. Trong khi đó, Price (1991) lại tin rằng hiện tượng tâm lý này xảy ra do sự khó khăn thường gặp trong các lớp học ngoại ngữ, nhận thức của bản thân về năng khiếu ngôn ngữ, các yếu tố cá nhân như là một người cầu toàn và trải nghiệm về một lớp học luôn trong tình trạng căng thẳng kéo dài. 

Theo Young (1991, 1994), việc căng thẳng lo âu trong khi học ngoại ngữ bắt nguồn từ các yếu tố như người học, người dạy/ người hướng dẫn thực hành và lo lắng cá nhân (hoặc lo lắng giữa các cá nhân), niềm tin của người học về việc học ngôn ngữ như việc người học tin rằng trẻ em dễ tiếp thu ngôn ngữ hơn người trưởng thành hoặc là sau 2 năm học tập thì một người nên có khả năng giao tiếp trôi chảy, niềm tin của người hướng dẫn về việc học ngôn ngữ, tương tác hoặc mối quan hệ giữa người dạy - người học, thủ tục/quy tắc trong lớp học, kiểm tra ngôn ngữ, sự cạnh tranh trong môi trường lớp học hay cảm xúc bất ổn trong quá trình học tập. Thật ra, tất cả các điều kể trên đều có mối liên hệ với nhau và tác động qua lại lẫn nhau. 

Nhìn chung, có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của hiện tượng tâm lý này, tuy nhiên, người học thường gặp một số các tình trạng cụ thể như sau. 

Các triệu chứng

Trích dẫn từ Young (1991, trang 430), lo lắng trong học tập ngoại ngữ có thể dẫn đến việc người học “không thể phát ra âm thanh chính xác, mất khả năng tái tạo ngữ điệu và nhịp điệu của ngôn ngữ, quên các từ hoặc cụm từ vừa học, hoặc đơn giản là từ chối/giữ im lặng khi được mời phát biểu.” Ngoài ra, một số biểu hiện tiêu cực có thể gây ảnh hưởng tâm lý cho người học như sợ hãi, lo lắng, khó tập trung, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, căng thẳng, ngại nói to, lảng tránh, hồi hộp, hay quên, tức giận (Kitano, 2001). Một số vấn đề liên quan cũng được ghi chép lại như gặp khó khăn trong việc tập trung, né tránh, hay quên và có thể là cảm xúc giận dữ trong quá trình học tập. 

Các triệu chứng kể trên có thể thay đổi tuỳ theo cơ thể và tâm lý của người học nhưng nhìn chung, đây là những triệu chứng phổ biến nhất. Các triệu chứng tuỳ vào mức độ nặng nhẹ sẽ có mức độ ảnh hưởng khác nhau lên người học, nếu trầm trọng thì có khả năng gây ra chướng ngại tâm lý hoặc sự né tránh cùng với cảm xúc tiêu cực trong việc học ngoại ngữ. 

Cách khắc phục 

Để khắc phục được triệu chứng tâm lý này, bản thân người học cần sự cố gắng và rèn luyện thường xuyên. Sau đây là một số gợi ý để giúp người học phần nào cải thiện vấn đề. 

Thay đổi các quan điểm sai lầm của bản thân

Theo thống kê từ Horowitz (1986), ông nhận thấy rằng 40% sinh viên có niềm tin rằng họ phải thông thạo ngoại ngữ sau 2 năm đào tạo. Quan điểm thứ 2 chính là việc có một phương pháp học ngoại ngữ hoàn hảo và tối ưu mà không tốn nhiều công sức. Cuối cùng là việc học ngôn ngữ là dễ dàng đối với trẻ em trong khi người lớn lại gặp nhiều khó khăn. Theo tác giả, đây là những quan điểm sai lầm mà người học ngoại ngữ thường mắc phải. Trong trường hợp người học bị ám ảnh quá mức đối với những quan điểm này thì họ thường dễ rơi vào hiện tượng tâm lý lo lắng trong học tập ngoại ngữ. Vậy thì bước đầu tiên để khắc phục việc này chính là thay đổi lối tư duy và quan điểm của cá nhân về học tập ngoại ngữ.  

Nhận diện và đối diện nỗi sợ 

Điều quan trọng ở đây là người học có thể nhận diện nỗi sợ (có thể dựa vào các biểu hiện được nêu trên hoặc có thể tham vấn bác sĩ tâm lý nếu cảm thấy các triệu chứng đang xuất hiện ngày càng nhiều và có thể gây cản trở trong hoạt động và cuộc sống hằng ngày). Sau đó, người học cần học cách nhìn thẳng vào nỗi sợ. Nói cách khác, người học được khuyên nên tiếp cận các tình huống lo lắng một cách thực tế thay vì trốn tránh nó. 

Viết về nỗi sợ, self-reflection: 

Ngoài việc nhận diện và đối diện với nỗi lo âu trong học tập ngoại ngữ, viết về nỗi sợ hoặc self-reflection (tự phản ánh bản thân) cũng là một gợi ý để khắc phục tình trạng này. Theo Young (1991), viết nhật ký cung cấp cho sinh viên một lối thoát về cảm xúc và nỗi sợ hãi; giúp họ nhận thức và lên kế hoạch tương lai của bản thân. 

Luyện tập

Người học cũng được khuyến khích luyện tập thường xuyên với ngoại ngữ để khắc phục nỗi sợ. Sau đây là 2 hướng luyện tập được giới thiệu với người học. 

  • Self-talk/ Shadowing: người học luyện tập với ngoại ngữ đó một mình bằng cách tự nói chuyện với bản thân hoặc xem cái đoạn phim ngắn trên mạng và lặp lại y chang như các nhân vật đó, bao gồm cả thái độ, thần thái và ngữ điệu. 

  • Luyện tập với bạn bè: người học có thể học nhóm với bạn bè thân thiết xung quanh, và nhờ bạn bè giúp đỡ cùng nhau tập luyện. 

Thực chất, việc luyện tập này sẽ giúp người học phá bỏ rào cản tâm lý đối với ngôn ngữ, làm cho người học cảm thấy ngôn ngữ thật ra rất gần gũi với họ và không hề khó khăn như họ đã tưởng trước đó. Cho dù thực hiện theo cách nào thì điều kiện tiên quyết là tâm thế của người học khi tiếp cận với ngôn ngữ mới phải thoải mái và không mang tính ràng buộc quá nhiều. Trong quá trình luyện tập, không tránh khỏi những lúc người học cảm thấy khó khăn hay nản lòng, lúc này cần áp dụng đến biện pháp self-motivate (tự cổ động bản thân). Người học có thể tự nhủ với bản thân là “hãy thoải mái lên” hay “tôi sẽ làm được” để phần nào tạo động lực cho việc luyện tập. 

Nói về vấn đề bản thân đang gặp phải với giáo viên, bạn bè, gia đình

Người học không cần cảm thấy khó xử hay xấu hổ khi gặp vấn đề này, thay vào đó, họ nên mạnh dạn hơn trong việc tìm kiếm sự chia sẻ từ thầy cô, bạn bè và cả gia đình. Điều quan trọng là người học không cần cảm thấy có lỗi vì bản thân họ gặp phải vấn đề này, họ nên biết được rằng họ không hề cô đơn một mình khi đối mặt với hiện tượng tâm lý này.

Chấp nhận và nhận định những lỗi sai của bản thân 1 cách nhẹ nhàng

Một số người học mắc phải hiện tượng tâm lý này vì họ đang đặt áp lực quá mức lên bản thân. Thật ra trong quá trình học tập một ngôn ngữ mới khác với tiếng mẹ đẻ, việc mắc sai lầm là điều không tránh khỏi. Người học cần học cách chấp nhận rằng chính sai lầm mới là cách để bản thân trau dồi và phát triển hơn. Ngoài ra, người học cũng nên nghĩ thoáng hơn về những lỗi sai đó và nhận định chúng một cách nhẹ nhàng hơn, tránh gây áp lực không cần thiết lên bản thân. 

Bài tập

Foreign Language Anxiety (FLA) là 1 hiện tượng tâm lý khi người học gặp phải những (1) ____________________ trong lớp học ngoại ngữ và nó có thể xảy ra với bất kỳ ai trong quá trình học tập. Nguyên nhân gây ra hiện tượng tâm lý này có thể xuất phát từ (2) ____________________ (nhận thức của bản thân, sợ giao tiếp, sợ bị đánh giá tiêu cực), nhà giáo dục hoặc từ chính môi trường lớp học (nguyên tắc, luật lệ, kiểm tra thi cử). Ngoài ra, (3) ____________________ của người học về việc học ngôn ngữ (sau 2 năm thì có thể giao tiếp trôi chảy, người trưởng thành dễ gặp khó khăn trong việc học ngoại ngữ hơn là trẻ em) cũng là một nguyên nhân gây nên lo lắng trong học tập ngoại ngữ. (4) _____________ của việc này chính là người học gặp khó khăn trong lớp học ngoại ngữ như không thể phát âm chính xác, hạn chế trong (5) _____________, quên kiến thức, né tránh và luôn giữ im lặng trong lớp học. Bên cạnh đó, một số biểu hiện tiêu cực có thể gây ảnh hưởng tâm lý cho người học như sợ hãi, lo lắng, khó (6) _____________, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, căng thẳng, ngại nói to, lảng tránh, hồi hộp, hay quên và tức giận. Tuy nhiên, hiện tượng tâm lý này có thể được khắc phục bằng một số các giải pháp sau đây: Thay đổi quan niệm sai lầm; (7) _____________; viết về nỗi sợ; luyện tập; chia sẻ với giáo viên, bạn bè, gia đình; và học cách chấp nhận và nhận định lỗi sai nhẹ nhàng hơn. 

Đáp án: 

  1. cảm giác lo lắng và tiêu cực

  2. bản thân người học

  3. niềm tin

  4. hậu quả

  5. giao tiếp

  6. tập trung

  7. nhận diện và đối diện nỗi sợ

Tổng kết

Hiện tượng Foreign Language Anxiety hay Lo lắng trong học tập ngoại ngữ có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt độ tuổi hay khả năng ngôn ngữ. Vì vậy, người học ngoại ngữ cần chú ý vào các yếu tố ngoại cảnh như môi trường học tập và đặc biệt là yếu tố từ bản thân người học như cảm giác sợ sai khi sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Người học cần khắc phục những yếu tố này, đặc biệt là yếu tố mang tính chủ quan. Qua bài viết, tác giả hy vọng người đọc sẽ hiểu được bản chất của 1 hiện tượng phổ biến trong quá trình học ngoại ngữ. Ngoài ra, người học đang trong tình trạng này có thể áp dụng một số giải pháp trên để có thể khắc phục vấn đề.  

References

Horwitz, E. K., Horwitz, M. B., & Cope, J. (1986). Foreign Language Classroom Anxiety. The Modern Language Journal, 70(2), 125–132. https://doi.org/10.2307/327317 

Horwitz, EK. (1986). Preliminary evidence for the reliability and validity of a foreign language anxiety scale. TESOL Quarterly, 20, 559–562. https://doi.org/10.2307/3586302.

Kitano, K. (2001). Anxiety in the College Japanese Language Classroom. The Modern Language Journal, 85(4), 549–566. https://doi.org/10.1111/0026-7902.00125

MacIntyre, P.D, & Gardner, RC. (1991). Language anxiety: its relationship to other anxieties and to processing in native and second languages. Language Learning, 41, 513–534. https://doi.org/10.1111/j.1467-1770.1991.tb00691.x.

MacIntyre, P. D., Clément, R., Dornyei, Z., & Noels, K. A. (1998). Conceptualizing Willingness to Communicate in a L2: A Situational Model of L2 Confidence and Affiliation. The Modern Language Journal, 82(4), 545–562. https://doi.org/10.1111/j.1540-4781.1998.tb05543.x 

Price, ML. (1991). The subjective experience of foreign language anxiety: interviews with highly anxious students. In EK Horwitz, DJ Young (Eds.), Language anxiety: From theory and research to classroom implications (pp. 101–108). Englewood Cliff: Prentice Hall.

Worde, R. (1998). An investigation of students' perspectives on foreign language anxiety. Unpublished doctoral dissertation, George Mason University, Fairfax, Virginia.

Young, DJ (1994). New directions in language anxiety research. In CA Klee (Ed.), Faces in a crowd: The individual learner in multisection courses, (pp. 3–46). Boston: Heinle & Heinle.

Young, DJ. (1991). Creating a low-anxiety classroom environment: what does language anxiety research suggest? The Modern Language Journal, 75, 426–439. https://doi.org/10.1111/j.1540-4781.1991.tb05378.x.

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...