Banner background

Hiện tượng tỉnh lược, các trường hợp phổ biến trong tiếng Anh và ứng dụng trong IELTS Writing

Bài viết giới thiệu về hiện tượng tỉnh lược và những trường hợp cụ thể giúp người học hiểu rõ và áp dụng vào bài IELTS Writing.
hien tuong tinh luoc cac truong hop pho bien trong tieng anh va ung dung trong ielts writing

Trong tiếng Anh, chắc hẳn nhiều người học không ít lần cảm thấy bối rối và khó hiểu khi gặp trường hợp người bản xứ sử dụng những câu văn với cấu trúc mà khi nhìn qua thì có vẻ đã bị sai ngữ pháp như trong đoạn hội thoại ví dụ dưới đây:

A: “Let’s go to the swimming pool!”

B: “Sounds good!”

Ở ví dụ trên, có thể thấy rằng cấu trúc câu trả lời của người B trông có vẻ bị thiếu mất thành phần chủ ngữ. Quả thật vậy, cấu trúc đầy đủ của câu trên sẽ có dạng như sau: “It sounds good!” hoặc “That sounds good to me!”.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là câu trả lời “Sounds good!” của người B lại là một câu sai ngữ pháp, thậm chí còn ngược lại – đây là một câu hoàn toàn đúng và rất tự nhiên về mặt ngữ pháp bởi vì đây là một trong những hiện tượng tỉnh lược (Ellipsis) thường thấy trong tiếng Anh.

Bài viết sẽ cung cấp định nghĩa đi kèm với những trường hợp cụ thể giúp người học hiểu được hiện tượng ngữ pháp này và có thể áp dụng vào bài viết IELTS Writing, góp phần vào việc đa dạng hóa cấu trúc ngữ pháp cũng như khiến bài viết trở nên mạch lạc và gắn kết hơn.

Hiện tượng tỉnh lược trong tiếng Anh là gì?

Tỉnh lược trong tiếng Anh là hiện tượng người nói/ viết cố tình lược bỏ một từ hoặc một cụm từ trong câu để không phải lặp lại những từ đó thêm một lần nữa. Tuy vậy, người nghe/đọc vẫn có thể hiểu ý nghĩa được truyền tải trong câu một cách trọn vẹn. Trong tiếng Anh, Tỉnh lược là Ellipsis, từ này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp elleipsis có nghĩa là lược bỏ.

Sau đây sẽ là một câu ví dụ nữa để người đọc có thể hình dung rõ hơn về hiện tượng này: “I went to the supermarket on Tuesday, and he on Sunday”. Thực ra, cấu trúc đầy đủ của câu văn này sẽ có dạng như sau: “I went to the supermarket on Tuesday, and he went to the supermarket on Sunday”.

Trong câu ví dụ này, không những người nói/viết mà cả người nghe/đọc cũng sẽ hiểu ngầm rằng cụm “he on Sunday” được tỉnh lược từ mệnh đề “he went to the supermarket on Sunday” và có nghĩa giống hệt nhau. Vì thế cụm từ “went to the supermarket” được lược bỏ đi để câu trở nên ngắn gọn và không bị trùng lặp.

hien-tuong-tinh-luoc-la-gi

Các trường hợp tỉnh lược trong tiếng Anh

hien-tuong-tinh-luoc-phan-loai

Dưới đây sẽ là các trường hợp tỉnh lược phổ biến hay gặp trong tiếng Anh và kèm theo đó là các ví dụ cụ thể giúp người đọc có thể hiểu rõ hơn bản chất của hiện tượng này, để từ đó áp dụng vào trong bài viết IELTS Writing.

Trường hợp 1: Câu ghép

Khi hai mệnh đề trong câu ghép có cùng chủ ngữ hoặc cùng cả chủ ngữ và động từ, người nói/viết thường có thể lược bỏ trong mệnh đề thứ hai.

Ví dụ 1: Tôi muốn đi du lịch vòng quanh thế giới và gặp gỡ những con người mới.

Câu gốc: I would like to travel around the world and I would like to meet new people.

Câu đã tỉnh lược: I would like to travel around the world and meet new people.

Trong câu ghép được nối bằng liên từ “and” trên, có thể thấy rằng cả hai mệnh đề ở câu gốc đều chung cả cụm chủ ngữ và động từ “I would like to”. Vì thế, để câu này trở nên ngắn gọn hơn mà vẫn giúp người nghe/đọc hiểu được thì cụm “I would like to” ở mệnh đề sau từ “and” đã được lược bỏ.

Ví dụ 2: Một số học sinh học rất chăm chỉ nhưng lại cảm thấy khó đạt được điểm cao ở trường.

  • Câu gốc: Some students study very hard but they find it difficult to get good grades at school.

  • Câu đã tỉnh lược: Some students study very hard but find it difficult to get good grades at school

Trong câu ghép được nối bằng liên từ “but” trên, có thể thấy rằng cả hai mệnh đề ở câu gốc đều chung chủ ngữ “Some students”. Vì thế, để câu này trở nên ngắn gọn hơn mà vẫn giúp người nghe/đọc hiểu được thì từ “they” ở mệnh đề sau từ “but” đã được lược bỏ.

Trường hợp 2: Mệnh đề phụ thuộc

Khi một mệnh đề phụ thuộc (là mệnh đề không thể đứng riêng lẻ để tạo thành một câu có nghĩa) trong một câu phức có thành phần là “đại từ + động từ to be”, người nói/viết thường có thể lược bỏ.

Ví dụ 1: Khi được hỏi, hầu hết phụ huynh đều đồng ý rằng trò chơi điện tử nên bị cấm.

  • Câu gốc: When they are asked, most parents agree that video games should be banned.

  • Câu đã tỉnh lược: When asked, most parents agree that video games should be banned.

Trong câu phức phía trên, có thể thấy rằng mệnh đề phụ thuộc của câu có cấu tạo là đại từ “they” kết hợp với động từ to be “are”. Trong đó đại từ “they” đó ám chỉ chủ ngữ “most parents” ở mệnh đề chính phía sau. Ví vậy, để câu trở nên ngắn gọn và súc tích hơn nhưng vẫn giữ nguyên được nghĩa của câu thì cụm “they are” đã được lược bỏ.

Lưu ý rằng, không phải khi nào đại từ ở mệnh đề phụ thuộc cũng ám chỉ chủ ngữ ở mệnh đề chính phía sau, tuy vậy hiện tượng tỉnh lược vẫn có thể được áp dụng.

Sau đây sẽ là một ví dụ điển hình:

Ví dụ 2: Khi cần thiết, con người có thể thức trong vài ngày.

  • Câu gốc: When it is necessary, humans can stay awake for several days.

  • Câu đã tỉnh lược: When necessary, humans can stay awake for several days.

Ở câu ví dụ trên, có thể thấy rằng từ “it” chỉ đóng vai trò là chủ ngữ giả của mệnh đề phụ mà thôi, chứ không phải là một từ ám chỉ cho chủ ngữ “humans” của mệnh đề chính phía sau. Tuy vậy, cụm “it is” (đại từ + động từ to be) này vẫn có thể được lược bỏ cho câu ngắn gọn nhưng vẫn bảo toàn được nghĩa.

Trường hợp 3: Mệnh đề quan hệ rút gọn

Khi trong câu có mệnh đề quan hệ, hiện tượng tỉnh lược xảy ra khi người viết/nói thực hiện việc rút gọn mệnh đề quan hệ này bằng cách lược bỏ đại từ quan hệ (who, which, that,…) và động từ to be. Điều này xảy ra khi nghĩa của câu đang ở thể bị động/chủ động hay ngay sau động từ to be là một tính từ/giới từ.

hien-tuong-tinh-luoc-menh-de-rut-gon

Thể bị động

Ví dụ: Lượng cá được tiêu thụ bởi người dân ở nước Anh là cao nhất.

  • Câu gốc: The amount of fish which was consumed by people in the UK was highest.

  • Câu đã tỉnh lược: The amount of fish consumed by people in the UK was highest.

Trong câu có chứa mệnh đề quan hệ như trên, có thể thấy rằng nghĩa của câu đang ở dạng bị động bởi vì “cá được tiêu thụ bởi người”, chứ không phải là “cá tiêu thụ người”. Vì thế, đại từ quan hệ “which” cùng với động từ to be “was” sẽ được lược bỏ để câu trở nên ngắn gọn hơn nhưng nghĩa của câu vẫn được bảo toàn.

Thể chủ động

Ví dụ: Những người / đã / đang / sẽ làm việc hơn 8 giờ một ngày nên được trả thêm tiền.

  • Câu gốc: People who are/who were/who have been/ who will be working more than 8 hours a day should be paid extra.

  • Câu đã tỉnh lược: People working more than 8 hours a day should be paid extra.

Trong câu có chứa mệnh đề quan hệ như trên, có thể thấy rằng nghĩa của câu đang ở dạng chủ động bởi vì “người làm việc”, chứ không phải là “người bị làm việc”. Vì thế, đại từ quan hệ “who” cùng với động từ to be “are/were/been/be” (bao gồm cả “have” và “will” tùy theo thì của câu) sẽ được lược bỏ để câu trở nên ngắn gọn hơn nhưng nghĩa của câu vẫn được bảo toàn.

Mệnh đề tính từ

Ví dụ: Có một số quốc gia sẵn sàng tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế như World Cup và Thế vận hội Olympic.

  • Câu gốc: There are a number of countries which are willing to host international sporting events such as the World Cup and the Olympics.

  • Câu đã tỉnh lược: There are a number of countries willing to host international sporting events such as the World Cup and the Olympics.

Trong câu có chứa mệnh đề quan hệ tính từ như trên, có thể thấy rằng đằng sau động từ to be “are” là tính từ “willing”. Vì thế, đại từ quan hệ “which” cùng với động từ to be “are” sẽ có thể được lược bỏ để câu trở nên ngắn gọn hơn nhưng nghĩa của câu vẫn được bảo toàn.

Mệnh đề giới từ

Ví dụ: Bất cứ ai gặp nguy hiểm hãy liên hệ với cảnh sát ngay lập tức.

  • Câu gốc: Anyone who is in danger should contact the police immediately.

  • Câu đã tỉnh lược: Anyone in danger should contact the police immediately.

Trong câu có chứa mệnh đề quan hệ giới từ như trên, có thể thấy rằng đằng sau động từ to be “is” là giới từ “willing. Vì thế, đại từ quan hệ “who” cùng với động từ to be “is” sẽ có thể được lược bỏ để câu trở nên ngắn gọn hơn nhưng nghĩa của câu vẫn được bảo toàn.

Trường hợp 4: Sử dụng “TO” thay thế mệnh đề nguyên thể

Trong một câu phức, khi mệnh đề nguyên thể lặp lại nội dung của mệnh đề còn lại, người nói/viết có thể lược bỏ mệnh đề này và chỉ giữ lại giới từ “to”.

Ví dụ: Học sinh có xu hướng gian lận trong kỳ thi của họ mặc dù thực tế là họ không được phép làm như vậy.

  • Câu gốc: Students tend to cheat in their exams despite the fact that they are not allowed to cheat in their exams.

  • Câu đã tỉnh lược: Students tend to cheat in their exams despite the fact that they are not allowed to.

Trong câu ví dụ trên, có thể thấy rằng mệnh đề nguyên thể “to cheat in their exams” lặp lại nội dung của vế trước. Vì thế, phần đằng sau giới từ “to”  sẽ có thể được lược bỏ để câu trở nên ngắn gọn hơn nhưng nghĩa của câu vẫn được bảo toàn.

Lưu ý rằng, khi ở trường hợp này,đằng sau “to” là từ “be”,  vẫn giữ nguyên cụm “to be” và chỉ lược bỏ phần sau đó.

Ví dụ: Nhiều cặp vợ chồng kết hôn cho biết họ ít hạnh phúc hơn họ đã từng.

  • Câu gốc: Many married couples report being less happy than they used to be happy.

  • Câu đã tỉnh lược: Many married couples report being less happy than they used to be.

Trường hợp 5: Sử dụng “SO”

hien-tuong-tinh-luoc-su-dung-so

Sau các động từ chỉ trạng thái suy nghĩ

Các động từ chỉ trạng thái suy nghĩ hay được sử dụng trong IELTS Writing: think, believe, understand, realise, decide, suppose, know, imagine, presume, assume, …

Ví dụ: Mặc dù nhiều người không thể chắc chắn rằng ma là có thật nhưng họ vẫn cho rằng là như vậy.

  • Câu gốc: Although many people cannot be sure that ghosts are real, they assume that ghosts are real.

  • Câu đã tỉnh lược: Although many people cannot be sure that ghosts are real, they assume so.

Trong câu ví dụ trên, để tránh lặp lại mệnh đề quan hệ “that ghosts are real” ở vế sau thì người viết/đọc có thể dùng từ “so” đặt ngay sau động từ chỉ trạng thái suy nghĩ là “assume” để thay thế cho mệnh đề quan hệ đó và góp phần giúp câu trở nên ngắn gọn hơn nhưng nghĩa của câu vẫn được bảo toàn.

Sau các trợ động từ do/does/did/done/doing

Người viết có thể sử dụng trợ động từ “do/does/did/done/doing” kết hợp với từ “so” để thay thế cho một cụm động từ.

Ví dụ 1: Một số người tin rằng để tìm được một công việc được trả lương cao, việc học đại học là điều bắt buộc. Những người khác lại cho rằng họ có thể đạt được ước mơ này mà không cần học đại học.

  • Câu gốc: Some people believe that in order to find a well-paid job, attending university is a must. Others argue they can achieve this dream without attending university.

  • Câu đã tỉnh lược: Some people believe that in order to find a well-paid job, attending university is a must. Others argue they can achieve this dream without doing so.

Trong câu ví dụ trên, để tránh lặp lại cụm động từ “attending university” ở vế sau thì người viết/đọc có thể dùng cụm từ “doing so” (vì sau giới từ “without” thì động từ phải thêm -ing) để thay thế và góp phần giúp câu trở nên ngắn gọn hơn nhưng nghĩa của câu vẫn được bảo toàn.

Ví dụ 2: Các chính phủ nên đánh thuế cao hơn đối với đồ uống có cồn. Nếu họ làm như vậy, số lượng người mua rượu và bia sẽ giảm đáng kể.

  • Câu gốc: Governments should impose a higher tax on alcoholic drinks. If they imposed a higher tax on alcoholic drinks, the number of people buying wine and beer would fall significantly.

  • Câu đã tỉnh lược: Governments should impose a higher tax on alcoholic drinks. If they did so, the number of people buying wine and beer would fall significantly.

Trong câu ví dụ trên, để tránh lặp lại cụm động từ “impose a higher tax on alcoholic drinks” ở vế sau thì người viết/đọc có thể dùng cụm từ “did so”(vì câu sau đang sử dụng điểm ngữ pháp câu điều kiện loại 2 nên phải sử dụng “did”) để thay thế và góp phần giúp câu trở nên ngắn gọn hơn nhưng nghĩa của câu vẫn được bảo toàn.

Trường hợp 6: Sử dụng “Such”

Người nói/viết có thể sử dụng cấu trúc “such + danh từ” để thay thế cho hành động/sự vật/sự việc được nhắc tới ở câu trước.

Ví dụ 2: Chính phủ có thể cấm xe chạy bằng xăng. Một biện pháp/ chính sách như vậy có thể sẽ không nhận được sự đồng tình từ công chúng.

  • The government could put a ban on petrol-driven vehicles. Such a measure/policy might not be popular amongst the public.

Trong câu ví dụ trên, để tránh lặp lại cụm động từ “put a ban on petrol-driven vehicles” ở vế sau thì người viết/đọc có thể dùng cụm từ “such a measure/policy” để thay thế và góp phần giúp câu trở nên ngắn gọn hơn nhưng nghĩa của câu vẫn được bảo toàn.

Trường hợp 7: Sử dụng động từ khiếm khuyết

Người nói/viết có thể sử dụng các động từ khiếm khuyết như “can, will, would, should” để thay thế từ hoặc một cụm từ ở mệnh đề phía trước

Ví dụ: Nhiều người chắc chắn rằng chính phủ có thể tìm ra cách giảm thiểu các tác động xấu của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, họ không nghĩ rằng chính phủ sẽ làm.

  • Câu gốc: Many people are sure that the government can find ways of reducing the adverse impacts of climate change. However, they do not think the government will find ways of reducing the adverse impacts of climate change.

  • Câu đã tỉnh lược: Many people are sure that the government can find ways of reducing the adverse impacts of climate change. However, they do not think the government will.

Trong câu ví dụ trên, để tránh lặp lại cụm từ “find ways of reducing the adverse impacts of climate change” ở vế sau thì người viết/đọc có thể dùng từ “will” để thay thế cho từ “can” và lược bỏ cụm từ đó, và góp phần giúp câu trở nên ngắn gọn hơn.

Trường hợp nên tránh: Mệnh đề chứa “that”

Trong mệnh đề có chứa cấu trúc “động từ tường thuật (guess, think, hope, reckon, …) + that”, người nói/viết có thể lược bỏ từ “that” trong câu này để giúp câu trở nên ngắn gọn hơn.

Ví dụ: Tôi chân thành hy vọng rằng chính quyền sẽ xây dựng nhiều công viên hơn ở thành phố này.

  • Câu gốc: I sincerely hope that the authority will build more parks in this city.

  • Câu đã tỉnh lược: I sincerely hope the authority will build more parks in this city.

Đáng tiếc rằng hiện tượng tĩnh lược này thường được sử dụng phổ biến hơn trong văn nói và mang tính trang trọng không cao. Cho nên khuyến cáo người học không nên sử dụng trong văn viết mang tính trang trọng cao như của IELTS Writing.

Tổng kết

Tỉnh lược là một trong những hiện tượng “lạ” trong tiếng Anh, nhưng cũng là một điểm ngữ pháp hữu ích cho người dùng trong việc giúp câu trở nên ngắn gọn và súc tích hơn mà vẫn bảo toàn được nghĩa của câu.

Việc áp dụng hiện tượng tĩnh lược này vào trong bài IELTS Writing sẽ góp phần giúp người viết tối ưu hóa điểm ở hai tiêu chí là mạch lạc và gắn kết (Coherent and Cohesive) cũng như ngữ pháp (Grammatical Range and Accuracy). Vì thế, hy vọng với 8 trường hợp đi kèm với các ví dụ và phân tích cụ thể trong bài thì người đọc đã có cái nhìn rõ ràng hơn và nắm được các cấu trúc của hiện tượng tỉnh lược để có thể áp dụng vào bài viết của mình.

Lê Hoàng Tùng

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...