Liệu học ngoại ngữ chủ yếu là thông qua việc bắt chước?

Giải thích từ quan điểm ủng hộ phương pháp bắt chước và quan điểm đối lập từ đó đưa ra ý kiến riêng từ phía tác giả về việc đồng ý hay không đồng ý với nội dung quan điểm.
lieu hoc ngoai ngu chu yeu la thong qua viec bat chuoc

Việc học ngôn ngữ nói chung hay tiếng Anh nói riêng luôn đòi hỏi người học đầu tư nhiều thời gian và công sức chính vì vậy, việc tìm ra các phương pháp để tối ưu hóa thời gian học lẫn công sức học ngoại ngữ luôn là đề tài nóng hổi với những ai đã, đang, và sẽ học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Bài viết ngày hôm nay sẽ đưa người đọc đến thảo luận về học ngôn ngữ thông qua phương pháp bắt chước, hay cụ thể hơn là để trả lời một câu hỏi “Liệu học ngoại ngữ chủ yếu là thông qua việc bắt chước? (Is learning a language mainly through imitation?)”

Bài viết sẽ đi sâu vào phân tích cả hai hướng là ủng hộ và phản bác quan điểm và sau đó sẽ đưa ra một quan điểm cá nhân từ phía bài viết.

Key takeaways:

1. Các ưu điểm của phương pháp bắt chước:

  • Bổ sung kiến thức về từ vựng và mẫu câu hiệu quả

  • Giúp xác định mục tiêu và hiệu quả học tập trên từng giai đoạn học

2. Nhược điểm của phương pháp bắt chước:

  • Sự nhàm chán trong việc học ngôn ngữ đến từ sự cứng nhắc, dập khuôn, và thiếu linh hoạt

  • Sự cồng kềnh trong việc ghi nhớ sẽ gây ra trạng thái mệt mỏi và dần dần là thiếu hiệu quả học tập

3. Đối tượng phù hợp với phương pháp bắt chước:

  • Lứa tuổi vị thành niên đang học ngôn ngữ thứ 2 tại chính đất nước của mình

  • Người lớn tuổi với nền tảng giáo dục hạn chế, đang làm việc tại môi trường khác ngôn ngữ mẹ đẻ và không có điều kiện đi học ngoại ngữ

4. Đối tượng không phù hợp với phương pháp bắt chước:

  • Người có nền tảng ngữ pháp tốt và muốn cải thiện khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ 2

  • Người có tính cách dễ chán nản

Học ngôn ngữ thông qua phương pháp bắt chước

Giới thiệu phương pháp

Việc bắt chước trong quá trình học ngôn ngữ vốn vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống của con người kể từ khi bắt đầu. Từ khi sinh ra cho đến khi là một đứa trẻ, con người được tiếp xúc với ngôn ngữ mẹ đẻ từ những người xung quanh trong gia đình và dần dần bắt chước theo để học nói. Trải qua thời gian, con người dần có sự chắt lọc về bộ ngôn ngữ mà mình học được để trở nên phù hợp hơn và hiệu quả hơn trong giao tiếp; tuy nhiên, nền tảng xây dựng nên bộ ngôn ngữ đó vẫn đến từ việc bắt chước. Và dần dần sau này khi con người chuyển hướng sang học ngôn ngữ thứ 2 bên cạnh tiếng mẹ đẻ, quy trình dường như vẫn được lặp lại – đó là thông qua quan sát, lắng nghe, và bắt chước.

Ứng dụng của học ngôn ngữ thông qua phương pháp bắt chước

Một điều gần như chắc chắn đó là nếu không dành ra sự chú ý thì sẽ rất khó (hoặc gần như không thể) học một kiến thức. Nói cách khác, sự chú ý vào những hướng dẫn chi tiết và làm theo là điểm khởi đầu cần thiết trong quá trình học một kiến thức bất kì, đặc biệt là ngôn ngữ thứ 2 khi đó là một phạm trù hoàn toàn mới và chưa từng được tiếp xúc. Do đó, việc ghi nhớ và bắt chước những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao qua sách vở hoặc từ người hướng dẫn trong quá trình học ngôn ngữ giúp xây dựng nền tảng một cách từ từ và chắc chắn theo một nguồn đáng tin cậy.

Hãy cùng lấy một số ví dụ trong quá trình học ngôn ngữ, cụ thể ở đây là tiếng Anh.

Ví dụ 1: Lời chào hỏi trong tiếng Anh

Một mẫu câu phổ biến mà được đông đảo người học tiếng Anh tại Việt Nam làm quen và biết đến đó là:

A. How are you?

B. I'm fine, thanh you. And you?

Đây là một mẫu câu hỏi cũng như trả lời phổ biến liên quan đến lời chào hỏi xã giao, vốn được bắt chước từ câu hỏi xã giao phổ biến “How are you?”. Mẫu câu này sẽ được sử dụng khi chào hỏi và làm quen một ai đó mới hay đơn thuần là hỏi thăm sức khỏe của người đối diện.

Ví dụ 2: Một phương pháp luyện tập Speaking – phương pháp Shadowing

Phương pháp Shadowing là phương pháp mà người học sẽ sử dụng để bắt chước hay nhại lại theo phát âm và giọng điệu của một đoạn video hay audio tiếng nước ngoài với nhằm mục đích để cải thiện những điểm sau:

  • Phát âm, âm điệu: thông qua việc được nghe và nhại lại một giọng đọc mẫu (thông qua audio hay video mẫu), người học sẽ nắm được cách phát âm và điều chỉnh tông giọng sao cho phù hợp với giọng điệu tự nhiên

  • Bổ sung từ vựng và cấu trúc câu: với việc được nghe các đoạn băng mẫu, có thể là các video từ Ted Talks với các chủ đề khoa học thu hút hay các đoạn clip ngắn hướng dẫn kĩ năng IELTS Speaking, người học chắc chắn sẽ bỏ túi được rất nhiều từ vựng hay và mới lạ thông qua việc bắt chước sử dụng những từ đó

  • Cải thiện Fluency khi nói: khi đã làm quen được với phát âm chuẩn và giọng điệu tự nhiên thì sự cải thiện về Fluency là một kết quả mang tính hợp lí

image-alt

Các nhược điểm của phương pháp bắt chước

Nhược điểm của việc bắt chước có thể được nhìn nhận qua 2 khía cạnh sau:

Sự nhàm chán: ngôn ngữ được bắt chước mang tính dập khuôn, và sự cứng nhắc này, đôi khi, ảnh hưởng đến giao tiếp, cái mà vốn cần sự linh hoạt

Ví dụ: xét lại một ví dụ bên trên:

A. How are you?

B. I'm fine, thanh you. And you?

Tại ví dụ này, trong bối cảnh được hỏi “how are you?”, nhiều người học trình độ phổ thông tại Việt Nam sẽ phản hồi là “I’m fine, thank you. And you?” bởi đây là một mẫu câu được sử dụng trong sách giáo khoa ngoại ngữ. Việc bắt chước này không làm cho câu trả lời sai, tuy nhiên luôn dập khuôn theo một mẫu câu như này khiến ngôn ngữ giao tiếp nhàm chán và thiếu linh hoạt

  • Sự cồng kềnh không hiệu quả: con người vốn không phải là một cuốn từ điển hay một siêu máy tính để ghi nhớ thật nhiều thứ. Trên thực tế, kiến thức thực tế đến từ việc hiểu và ứng dụng để kiểm tra tính hiệu quả. Trong khi đó, việc bắt chước trong khoảng thời gian ngắn sẽ đi kèm với việc ghi ghép và cố gắng ghi nhớ thật nhiều kiến thức, điều mà có thể khiến quá trình học ngôn ngữ trở nên mệt mỏi và không hiệu quả

Xét 2 ví dụ sau:

A. This house is old

B. This house is dilapidated

Xét như đây là câu nói mà một người sẽ nói khi được mời đến nhà 1 người quen chơi.

Trường hợp A với nhằm ý mô tả đơn thuần rằng đây là một ngôi nhà không còn mới với sắc thái trung lập và chỉ đơn giản nói lên tình trạng hiện tại của ngôi nhà

Tuy nhiên, ở trường hợp B thì tính từ dilapidated (cũ kĩ, xuống cấp, xập xệ) sẽ mang đến hình thái nghĩa tiêu cực cho ngôi nhà chứ không chỉ nói đây là ngôi nhà cũ. Ở trường hợp B có thể người học từng nhìn thấy thầy cô hay người hướng dẫn sử dụng từ dilapidated để mô tả sự cũ kĩ nhưng không được hướng dẫn kĩ càng về nghĩa hàm ẩn tiêu cực của từ, do vậy nên việc bắt chước và sử dụng trong những tình huống không phù hợp (như ví dụ kể trên) sẽ gây ra hiệu quả diễn đạt không mong muốn.

Có nên học ngôn ngữ thông qua phương pháp bắt chước?

Tương tự các phương pháp học khác, phương pháp bắt chước là một công cụ giúp người học đạt được các nhu cầu học tập của bản thân. Với một số nhu cầu học, phương thức này hiệu quả và dễ chịu, và điều ngược lại cũng có thể xảy ra với đối tượng và nhu cầu học khác.

Một số đối tượng phù hợp với phương pháp bắt chước

  • Lứa tuổi vị thành niên, đang học ngôn ngữ thứ 2 tại chính đất nước của mình

Việc nắm bắt và làm theo những hướng dẫn “có sẵn” đến từ thầy cô của mình là một lựa chọn dễ tiếp cận đối với học sinh đang học ngoại ngữ tại chính đất nước của họ. Kiến thức từ trường lớp được coi là nguồn kiến thức đáng tin cậy nhất để học và bắt chước theo, từ những kiến thức ngữ pháp cơ bản đến các mẫu câu dần được nâng cao.

Cụ thể hơn, nếu thầy cô trong quá trình dạy ngoại ngữ có đưa ra một mẫu câu và khẳng định với cả lớp rằng đây là một mẫu câu hay, học sinh trong lớp sẽ cố gắng ghi nhớ mẫu câu đó và vận dụng khi phù hợp.


image-alt

  • Người lớn tuổi với nền tảng giáo dục hạn chế, đang làm việc tại môi trường khác ngôn ngữ mẹ đẻ và không có điều kiện đi học ngoại ngữ

Ở trường hợp này thì cơ hội học ngoại ngữ khả thi nhất của nhóm người lớn tuổi sẽ đến từ các tình huống giao tiếp thường ngày trong công việc và xã hội của họ, từ việc đi mua sắm ngoài siêu thị, đi khám sức khỏe, gặp đối tác hay đi làm. Chính tại những tình huống này, người lớn tuổi có thể cải thiện được kiến thức ngoại ngữ của bản thân thông qua phương pháp Shadowing như đã đề cập trên để làm quen nhanh hơn hay bắt chước nhanh hơn những lối diễn đạt thông dụng, cách chào hỏi, đề cập và giải quyết vấn đề khi mà không có điều kiện để đến lớp học. Đồng thời, phát âm của những người này cũng sẽ được cải thiện rõ rệt.

Các đối tượng không phù hợp với phương pháp bắt chước

  • Người có nền tảng ngữ pháp tốt và muốn cải thiện khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ 2

Đây là nhóm người có nhu cầu được sử dụng ngôn ngữ một cách chủ động, thay vì tiếp nhận một cách thụ động và lặp lại phương thức người khác đã làm. Họ muốn được vận dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt và hiệu quả trong nhiều bối cảnh, và phương pháp bắt chước không đáp ứng nhu cầu này.

  • Người có tính cách dễ chán nản

Đây là nhóm người có tính kỉ luật không thực sự tốt và mau cảm thấy nản nếu phải liên tục lặp lại thông tin qua phương pháp bắt chước. Điều họ cần là có thể hiểu sâu và hiểu nhanh cách sử dụng ngôn ngữ, bên cạnh đó là cơ hội được sử dụng trực tiếp để giảm đi nhàm chán. Vì lẽ đó, phương pháp bắt chước với thời gian tiếp thu lâu không phải là lựa chọn phù hợp

Như vậy, phương pháp bắt chước nên được nhìn nhận như thế nào?

Về bản chất, phương pháp bắt chước là cách thức đầu tiên con người sử dụng để nhìn nhận và làm quen với thế giới. Một đứa trẻ mới sinh sẽ bắt chước người lớn mở khuôn miệng để thốt lên những tiếng bi bô đầu đời, và tiếp sau đó sẽ là những câu nói đầu tiên cũng như cả hệ thống ngôn ngữ mà đứa trẻ sử dụng để định nghĩa thế giới xung quanh nó. Rõ ràng, phương pháp bắt chước đạt được những thành công ban đầu trong việc dạy con người cách sử dụng ngôn ngữ. Thậm chí, nếu có sự tiếp cận đủ sâu và đủ lâu, người ta còn học được những cách diễn đạt rất tự nhiên thông qua phương pháp này.

Tuy nhiên, thời gian và sự tiếp xúc là tiền đề và cũng là cản trở của phương pháp bắt chước. Nếu không trải qua một thời gian đủ lâu, có thể tính tới vài năm hoặc hơn, người học qua phương pháp bắt chước rất khó để tạo một thói quen và tích lũy một vốn kiến thức đủ để sử dụng. Do vậy, phương pháp bắt chước hoàn toàn không phù hợp với những người có nhu cầu học ngôn ngữ trong ngắn hạn. Tương tự, sự thiếu tiếp xúc hoặc tiếp xúc sai đối tượng cũng gây khó khăn cho người học muốn theo đuổi phương pháp này. Chẳng hạn, người học tại Việt Nam sẽ khó bắt chước người dân nước mình nói tiếng Anh, đơn giản vì... gần như không ai nói tiếng Anh khi giao tiếp cả. Tình hình có thể tệ hơn nếu người học bắt chước người nói tiếng Anh "bồi" (tiếng Anh không theo cú pháp chuẩn, chỉ dịch từng từ) hay người phát âm sai thường xuyên: điều này có thể phá hủy toàn bộ hệ thống ngữ pháp, phát âm tiếng Anh của người học!

Vì vậy, hãy nhìn nhận phương pháp bắt chước như bao phương pháp khác: áp dụng cho những mục tiêu, điều kiện học nhất định. Nếu người học đang ở một đất nước mà tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất, sẽ rất thuận lợi và hiệu quả khi vận dụng phương pháp bắt chước mọi lúc, mọi nơi. Ngược lại, nếu người học đang thiếu thời gian hoặc không có nguồn tiếp xúc phù hợp thì nên cân nhắc các phương pháp khác hiệu quả hơn.

Đọc thêm: Áp dụng Comprehensible input trong việc học và dạy ngôn ngữ

Tổng kết

Bài viết đã trình bày quan điểm của tác giả về quan niệm "Học ngôn ngữ chủ yếu nên theo phương pháp bắt chước". Kết lại vấn đề, một phương pháp phù hợp với đối tượng này chưa chắc đã phù hợp với đối tượng kia. Một phương pháp đã từng hữu hiệu trong quá khứ cũng không có nghĩa nó sẽ phát huy tác dụng trong hiện tại. Phương pháp học ngôn ngữ thông qua bắt chước cũng như vậy. Đây đã từng là một phương pháp hữu hiệu với những đứa trẻ, nhưng đối với những người lớn đang trong hành trình khai phá ngôn ngữ mới, phương pháp học qua bắt chước có thể gây tốn thời gian, nản chí và đôi khi không thật sự có ích. Hy vọng với bài viết này, người đọc có thể hiểu hơn về phương pháp học qua bắt chước, từ đó chiêm nghiệm cho bản thân và lựa chọn phương pháp phù hợp với nhu cầu học ngôn ngữ của mình.

Bạn cần gấp chứng chỉ IELTS để du học, định cư, tốt nghiệp, hay thăng tiến trong sự nghiệp nhanh chóng? Đạt điểm cao trong thời gian ngắn với khóa học luyện thi IELTS cấp tốc hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu