Học thông qua chơi (game-based learning) và ứng dụng trong giảng dạy
Phương pháp học thông qua chơi (game-based learning) là một phương pháp học tiến bộ đã và đang được áp dụng trong nhiều lớp học trên thế giới. Tuy nhiên, có rất nhiều người học và giáo viên vẫn chưa biết đến phương pháp học thông minh này.
Bài viết dưới đây của ZIM cung cấp thông tin về phương pháp học thông qua chơi, lợi ích, 5 đặc điểm và nguyên tắc của phương pháp, phân biệt với phương pháp game hoá (gamification) và ứng dụng của phương pháp này vào lớp học tiếng Anh.
Key takeaways |
---|
1. Phương pháp học thông qua chơi (game-based learning) là phương pháp giảng dạy sử dụng những điểm mạnh của những trò chơi để xác định và hỗ trợ kết quả học tập của học sinh. 2. Lợi ích của phương pháp học thông qua chơi: tăng cường sự tương tác và động lực của người học, nâng cao tư duy và kỹ năng nhận thức của người học, người học có được sự phản hồi ngay lập tức từ giáo viên, cải thiện kỹ năng làm việc nhóm. 3. Đặc điểm và nguyên tắc của phương pháp học thông qua chơi: vui vẻ, tương tác xã hội, tham gia tích cực, có ý nghĩa, có nhiều thử nghiệm. 4. Phân biệt học thông qua chơi (Game-based Learning) và Game hóa (Gamification) dựa trên ba yếu tố: hình thức, động lực của người học, phương pháp tiếp cận, và kỹ năng được phát triển. 5. Ứng dụng phương pháp học thông qua chơi vào lớp học tiếng Anh: kiểm tra vốn từ của người học, áp dụng vào ôn tập kiến thức cho bài thi IELTS. |
Học thông qua chơi (game-based learning) là gì?
Theo Prodigy, phương pháp học thông qua chơi (game-based learning) là phương pháp giảng dạy sử dụng những điểm mạnh của những trò chơi để xác định và hỗ trợ kết quả học tập của học sinh.
Trong môi trường giảng dạy có sử dụng phương pháp học thông qua chơi, các trò chơi giáo dục có sự tương tác, phần thưởng và sự cạnh tranh lành mạnh để khi học sinh vui chơi vẫn giữ được động lực học tập của mình.
Lợi ích của phương pháp học thông qua chơi
Tăng cường sự tương tác và động lực của người học: Khi giáo viên kết hợp các trò chơi vào trong buổi học sẽ giúp cho buổi học bớt nhàm chán hơn các phương pháp giảng dạy truyền thống (thầy đọc - trò chép). Người học trở nên hứng thú với môn học và tương tác với giáo viên nhiều hơn.
Nâng cao tư duy và kỹ năng nhận thức của người học: Khi áp dụng phương pháp này vào trong mỗi buổi học, người học sẽ cần phải giải quyết những vấn đề được đưa ra. Mỗi người học sẽ có những cách giải quyết khác nhau dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Khi so sánh các giải pháp với nhau, người học sẽ phản biện lẫn nhau để đưa ra phương pháp hợp lý nhất, từ đó nâng cao tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Người học có được sự phản hồi ngay lập tức từ giáo viên: thông qua việc chơi trò chơi, giáo viên biết được người học mạnh và yếu ở phần kiến thức nào, từ đó có những sự giúp đỡ cũng như những lời khuyên phù hợp cho người học để cải thiện kỹ năng và kiến thức.
Cải thiện kỹ năng làm việc nhóm: nhiều trò chơi được thiết kế để chơi được nhiều nhóm khác nhau. Khi giáo viên áp dụng vào tiết học trên lớp, người học vừa có cơ hội cải thiện kỹ năng làm việc nhóm thông qua việc chơi chung, đưa ra những chiến thuật cùng nhau để chiến thắng cũng như cải thiện kiến thức đã học.
Tham khảo thêm: Tổng hợp các cách học tiếng Anh hiệu quả nhất.
5 Đặc điểm và nguyên tắc của phương pháp học thông qua chơi
1. Vui vẻ
Thông qua những trò chơi, giáo viên giúp người học có thêm sự vui vẻ, mới lạ trong buổi học, thúc đẩy sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Đối với những lớp học bậc Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS), giáo viên có thể áp dụng những hoạt động như ca hát, nhảy trong khi ở những lớp học ở bậc học cao hơn như Trung học phổ thông (THPT) và Đại học, giáo viên và giảng viên có thể áp dụng các công cụ tạo trò chơi học tập như Kahoot, Quizizz,…
2. Tương tác xã hội
Những trò chơi yêu cầu làm việc nhóm được giáo viên thiết kế đều giúp người học tương tác với nhau, cải thiện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng quản lý. Thông qua đó, giáo viên có thể định hướng cho người học những kỹ năng cần cải thiện để người học có định hướng phát triển.
3. Tham gia tích cực
Khi áp dụng phương pháp học thông qua chơi, người học tham gia tích cực, chủ động vào những hoạt động giáo viên đề ra. Khi đó, người học có được sự chủ động, tích cực cũng như cảm hứng học các môn học trên lớp và giáo viên không cần tốn quá nhiều công sức trong quá trình giảng dạy.
4. Có ý nghĩa
Những hoạt động dạy và học có ý nghĩa là những buổi học mang tính ứng dụng, có thể áp dụng kiến thức môn học vào cuộc sống hằng ngày. Ví dụ như trong môn toán: việc tính diện tích các hình học phẳng như: hình tam giác, hình vuông, hình tròn,… chỉ mang tính lý thuyết ở trên lớp, nhưng khi áp dụng vào tính toán diện tích của mảnh đất để xây dựng thì kiến thức sẽ trở nên thực tế hơn. Hay trong môn kinh tế vĩ mô, việc học những chỉ số và cách tính toán như GDP (Gross Domestic Product) - Tổng sản phẩm nội địa hay CPI (Consumer Price Index) - Chỉ số giá tiêu dùng và cách chúng được ứng dụng để đo lường sự phát triển của nền kinh tế sẽ giúp môn học trở nên gần gũi và thực tiễn hơn.
5. Có nhiều thử nghiệm
Khi giáo viên thiết kế những trò chơi, những thử thách, những dự án, người học được trải nghiệm nhiều phương pháp, cách học khác nhau. Qua đó, người học được trau dồi những kỹ năng còn yếu dưới sự giúp đỡ và giám sát trực tiếp từ giáo viên.
Phân biệt học thông qua chơi (Game-based Learning) và Game hóa (Gamification)
Học thông qua chơi (game-based learning) | Game hoá (Gamification) | |
---|---|---|
Hình thức | Sử dụng các trò chơi (games) vào quá trình giảng dạy | Tích hợp các yếu tố có trong trò chơi như hệ thống điểm, bảng xếp hạng, phần thưởng vào quá trình giảng dạy |
Động lực của người học | Động lực nội tại (intrinsic motivation) và động lực ngoại sinh (extrinsic motivation) | Chủ yếu là động lực ngoại sinh (extrinsic motivation) |
Phương pháp tiếp cận | Học thông qua việc chơi và khám phá thông qua những trò chơi được thiết kế sẵn | Học thông qua việc hoàn thành bài tập, nhiệm vụ và nhận được phần thưởng |
Kỹ năng được phát triển | Giúp người học phát triển kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm | Giúp người học phát triển động lực học, cạnh tranh lành mạnh với những người học khác |
Ví dụ |
| Người học nào có thành tích tốt nhất sẽ được thưởng cao hơn những người học còn lại |
Tìm hiểu thêm: Gamification là gì? Ứng dụng trong việc tự học tiếng Anh.
Ứng dụng phương pháp học thông qua chơi vào lớp học tiếng Anh
Ví dụ 1: Kiểm tra vốn từ của người học.
Trong lớp học tiếng Anh, để kiểm tra vốn từ vựng của người học, giáo viên có thể thiết kế bộ câu hỏi trắc nghiệm/ điền từ trên Quizizz. Thông qua hoạt động này, giáo viên có thể nắm được lỗi sai của từng người học, sau đó chữa bài và tổng kết một lần nữa để người học nắm rõ bài học hơn.
Ví dụ 2: Áp dụng vào ôn tập kiến thức cho bài thi IELTS.
Giáo viên có thể áp dụng mô hình trò chơi Escape room vào trong giờ ôn tập kiến thức IELTS cho người học. Những thử thách trong trò chơi sẽ là những câu hỏi để kiểm tra kiến thức của người học như câu hỏi từ vựng theo từng chủ đề; tìm từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa; câu hỏi Speaking phần 1 và 3; quy tắc khi viết bài luận trong phần Writing. Trò chơi này giúp người học nâng cao kỹ năng đồng đội cũng như ôn tập kiến thức tiếng Anh hiệu quả.
Đọc thêm:
Tổng kết
Qua bài viết trên, Anh Ngữ ZIM đã cung cấp định nghĩa phương pháp học thông qua chơi (game-based learning), lợi ích của học thông qua chơi, năm đặc điểm và nguyên tắc của phương pháp, phân biệt phương pháp này với phương pháp game hoá (gamification) cũng như ứng dụng của phương pháp này vào lớp học tiếng Anh sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó, để trải nghiệm những phương pháp học tiến bộ này trong quá trình học tiếng Anh, người học có thể tham khảo khóa học tiếng Anh giao tiếp của Anh Ngữ ZIM.
Nguồn tham khảo
"Game-Based Learning: Pros, Cons & Implementation Tips for Educators." Free Math Learning Game for Kids | Prodigy Education, www.prodigygame.com/main-en/blog/game-based-learning/.
Bình luận - Hỏi đáp