Banner background

Học tiếng Anh hiệu quả với phương pháp học tập cá nhân hóa (Personalized Learning Approach)

Bài viết nêu lên hướng tiếp cận về môi trường học tập cá nhân hóa, những điểm vượt trội của mô hình này so với mô hình học tập truyền thống. Từ lý thuyết về môi trường học tập cá nhân hóa, bài viết giới thiệu những trải nghiệm học tập thú vị tại ZIM ACADEMY, với mong muốn giúp các bạn học viên cảm nhận được môi trường học tập hiện đại mang tính cá nhân hóa mà ZIM ACADEMY đã, đang và luôn hướng đến.
hoc tieng anh hieu qua voi phuong phap hoc tap ca nhan hoa personalized learning approach

Mội trường học tập cá nhân hóa đang dần chiếm ưu thế so với môi trường học tập truyền thống vì tính hiệu quả, sự thú vị mà nó mang đến cho từng cá nhân học viên. Bài viết tổng hợp các nghiên cứu liên quan đến khả năng lĩnh hội ngôn ngữ của mỗi người, từ đó áp dụng các phương pháp, tạo ra môi trường học tập cá nhân hóa thích hợp cho từng đối tượng học viên tại ZIM ACADEMY.

Key Takeaways:

  • Personalized Learning (học tập cá nhân hóa) là một phương pháp giảng dạy tập trung vào nhu cầu và khả năng học tập của từng học sinh, cho phép họ tiếp cận và tiêu thu nội dung học tập một cách cá nhân hóa, tối ưu hóa việc học tập và phát triển cá nhân.

  • Các nhân tố ảnh hưởng việc lĩnh hội ngôn ngữ thứ hai của một người được đề cập đến trong bài viết: Động lực, Phong cách học tập.

  • Reid (1987) đã xác định bốn phương thức học tập: Visual (nhìn), Auditory (nghe), Kinaesthetic (di chuyển, sờ chạm) hoặc Reading and

    Writing (đọc, viết).

  • Lợi ích của phương pháp Personalized Learning: giúp ích cho những học sinh có nhu cầu đặc biệt trong lớp học, tiềm năng ứng dụng của công nghệ vào giảng dạy.

  • Khó khăn của phương pháp: thiếu động lực nội tại của học sinh trong việc làm chủ việc học.

  • Môi trường học tập cá nhân hóa TẠI ZIM ACADEMY: ZIM áp dụng linh hoạt các giai đoạn cá nhân hóa trong học tập, Tích hợp công nghệ vào mô hình giảng dạy, Chú trọng việc đánh giá quá trình (formative assessment) để điều chỉnh hoạt động dạy và học.

Phương pháp học tập cá nhân hóa (Personalized Learning Approach)

Định nghĩa

Personalized Learning là một phương pháp giảng dạy tập trung vào nhu cầu và khả năng học tập của từng học sinh, cho phép họ tiếp cận và tiêu thu nội dung học tập một cách cá nhân hóa, tối ưu hóa việc học tập và phát triển cá nhân. Nó là một phương pháp đột phá trong giáo dục, giúp giáo viên tạo ra các nội dung giảng dạy đa dạng và phù hợp với khả năng học tập của từng học sinh, giúp học sinh phát triển tốt hơn về kỹ năng mềm và tư duy sáng tạo.

Các nhân tố ảnh hưởng việc lĩnh hội ngôn ngữ thứ hai

Có nhiều yếu tố chung ảnh hưởng đến việc học ngôn ngữ thứ hai như tuổi tác, năng khiếu, trí thông minh, phong cách nhận thức, thái độ, động cơ và tính cách (ảnh hưởng gián tiếp) (Ellis, 1985). Mục đích của phần này là trình bày những yếu tố này và sự đóng góp của chúng vào sự thành công hay thất bại trong việc tiếp thu ngôn ngữ thứ hai.→ Bài viết này sẽ tập trung vào 2 nhân tố: động lực và phong cách học tập

  1. Động lực

Động lực là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc tiếp thu ngôn ngữ thứ hai. Richards (1985, tr. 185) tin rằng động lực là yếu tố quyết định mong muốn làm điều gì đó của một người. Những người học muốn học có khả năng đạt được nhiều thành tích hơn những người không muốn học. Vai trò của thái độ và động lực trong việc lĩnh hội ngôn ngữ thứ hai đã được nghiên cứu bởi Gardner và Lambert (1972), những người định nghĩa động lực theo “mục tiêu hoặc định hướng tổng thể của người học” và thái độ là “sự kiên trì thể hiện của người học trong việc phấn đấu đạt được mục tiêu” (Ellis 1985, trang 117; Patsy Lightbown at.al, 2000, trang 56). Họ phân biệt hai loại động lực:

  • Động lực mang tính hội nhập:

    Người học học một ngôn ngữ vì họ quan tâm đến con người và văn hóa của ngôn ngữ hoặc để giao tiếp với những người thuộc nền văn hóa khác nói ngôn ngữ đó.

  • Động lực mang tính công cụ:

    Mục tiêu của người học khi học ngôn ngữ thứ hai mang tính thiết thực và hữu ích, chẳng hạn như họ cần ngôn ngữ này để có được công việc tốt hơn, vượt qua các bài kiểm tra, để có thể đọc báo nước ngoài, v.v

image-alt

→ Người học có thể bị ảnh hưởng bởi cả hai loại động lực. Tuy nhiên, có những tình huống động lực này có thể hiệu quả hơn cái kia. 

  1. Phong cách học tập

Phong cách học tập còn được gọi là phong cách nhận thức. Đó là cách mà người học cố gắng học điều gì đó. Trong ngôn ngữ thứ 2 hoặc học ngoại ngữ, những người học khác nhau có thể thích giải pháp khác nhau cho các vấn đề học tập. Keefe (1979, như được trích dẫn trong Ellis 1994, trang 499) mô tả phong cách học tập là “các hành vi nhận thức, tình cảm và sinh lý đặc trưng phục vụ các chỉ số tương đối ổn định về cách người học nhận thức, tương tác và phản ứng với môi trường học tập”. Phong cách học tập của học sinh có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có nền tảng di truyền, văn hóa và kinh nghiệm học tập trước đây của họ.

Reid (1987) đã xác định bốn phương thức học tập: Visual (nhìn), Auditory (nghe), Kinaesthetic (di chuyển, sờ chạm) hoặc Reading and Writing (đọc và viết)

  • Người học bằng thị giác

Những người có sở thích học tập bằng hình ảnh thường thích nhìn và quan sát mọi thứ, bao gồm hình ảnh, sơ đồ, hướng dẫn bằng văn bản, v.v. Đây còn được gọi là phong cách học tập “không gian”. Người học học qua thị giác sẽ hiểu thông tin tốt hơn khi nó được trình bày dưới dạng trực quan. Họ ghi chú trong các bài giảng và sử dụng danh sách để sắp xếp suy nghĩ của mình

  • Người học bằng thính giác

Những người học bằng thính giác có xu hướng học tốt hơn khi chủ đề được củng cố bằng âm thanh. Họ thích nghe bài giảng hơn là đọc ghi chú bằng văn bản và họ thường sử dụng giọng nói của chính mình để củng cố các khái niệm và ý tưởng mới. Những kiểu người học này thích đọc to cho chính mình nghe, họ thích những hướng dẫn bằng lời nói, như đối thoại, thảo luận và chơi đùa, giải quyết vấn đề bằng cách nói về chúng, sử dụng nhịp điệu và âm thanh để hỗ trợ trí nhớ. Họ không ngại phát biểu trong lớp và rất giỏi giải thích mọi thứ bằng lời nói. 

  • Người học bằng xúc giác

Người học bằng cảm giác, đôi khi được gọi là người học bằng xúc giác, học thông qua trải nghiệm hoặc làm việc. Họ thích tham gia bằng cách diễn xuất các sự kiện hoặc dùng tay để chạm và cầm để hiểu các khái niệm. Những kiểu người học này có thể khó ngồi yên và thường chơi thể thao xuất sắc hoặc thích khiêu vũ. Họ có thể cần nghỉ giải lao thường xuyên hơn khi học.

  • Người học đọc/viết

Người học đọc/viết thích học thông qua chữ viết hơn. Mặc dù có một số điểm trùng lặp với cách học trực quan, nhưng những kiểu người học này bị thu hút bởi cách diễn đạt thông qua viết, đọc các bài báo hoặc sách, viết nhật ký, tra cứu các từ trong từ điển và tìm kiếm mọi thứ trên Internet.

→ Phong cách học tập dường như không dự đoán được khả năng thành công ở việc lĩnh hội ngôn ngữ thứ hai, nhưng chúng chỉ ra cách hiệu quả nhất để đạt được kết quả tốt nhất. Nếu người học nhận thức được phong cách học tập của mình, có động lực cao và có thái độ tích cực thì họ có khả năng thành công trong việc học ngôn ngữ.

image-alt

Lợi ích và khó khăn trong việc học các nhân hóa

Lợi ích

Học tập cá nhân hóa, theo nhịp độ riêng của từng học viên giúp ích cho những học sinh có nhu cầu đặc biệt. Trong các lớp học truyền thống, những học sinh có nhu cầu đặc biệt thường gặp khó khăn trong việc theo kịp lớp học vì giáo viên tiến hành theo kịp tốc độ cho tất cả học sinh, trong khi những học sinh có nhu cầu đặc biệt cần thời gian học lâu hơn. Học tập cá nhân hóa, với thời gian linh hoạt hơn, cho phép học sinh có nhu cầu đặc biệt học các tài liệu nội dung được cung cấp vì các em có nhiều thời gian hơn để học và làm bài tập.

Một ưu điểm nữa đó là tiềm năng ứng dụng của công nghệ. Việc học tập cá nhân hóa cần được hỗ trợ tốt bằng việc sử dụng công nghệ. Công nghệ cho phép người học sử dụng ứng dụng như Google Classroom để chia sẻ tài liệu, chẳng hạn như câu trả lời của bài tập, bài tập, v.v. Hơn nữa, thông qua việc sử dụng công nghệ, người học có thể tự mình tiến hành lớp nghe và tìm hiểu các tài liệu bổ sung. 

Khó khăn

Việc học tập cá nhân hóa cần động lực nội tại của học sinh và đó là điểm mà học sinh đang thiếu. Học tập cá nhân hóa là phương pháp lấy người học làm trung tâm (learner-centered), mong muốn người học tham gia tích cực và quản lý động lực tham gia khóa học của họ. Tuy nhiên, ngày nay không thể tránh khỏi sự phân tâm không giới hạn đến từ internet dưới dạng trò chơi hoặc phim trực tuyến và các giáo viên cho rằng học sinh chưa quen với việc được giao trách nhiệm quản lý thời gian của mình một cách hiệu quả và kết quả là các bạn không thể hoàn thành công việc được yêu cầu đúng thời hạn và điều đó sẽ dẫn đến việc họ có thể không học được nhiều điều với phương pháp này.

Môi trường học tập cá nhân hóa TẠI ZIM ACADEMY

Xuất phát từ quan điểm mỗi người học là duy nhất (unique) và họ học theo những cách khác nhau, học tập cá nhân hóa ở ZIM lấy người học làm trọng tâm, mỗi học viên sẽ được hướng dẫn để tự thúc đẩy và làm chủ việc học của mình mọi nơi, mọi lúc. Ở ZIM, các giáo viên được tiếp cận các nghiên cứu của nhiều nhà giáo dục liên quan đến cá nhân hóa, vì vậy việc tạo ra môi trường học tập cá nhân hóa trên lớp cũng được tiến hành một cách có cơ sở, có tham khảo các nghiên cứu khoa học tin cậy. 

ZIM áp dụng linh hoạt các giai đoạn cá nhân hóa trong học tập

Môi trường học tập ZIM hướng tới phải có khả năng linh hoạt để phù hợp với đặc điểm, cách học tốt nhất của mỗi người học. Phải mất một quá trình theo thời gian để đạt được sự linh hoạt này vì việc giảng dạy truyền thống với sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên đã ăn sâu vào hệ thống của chúng ta. ZIM xây dựng lộ trình cá nhân hóa cho học viên qua ba giai đoạn: 

Giai đoạn 1: Lấy giáo viên làm trung tâm - giáo viên tạo điều kiện để người học đưa ra lựa chọn

Người dạy có vai trò chủ chốt:

  • Hiểu cách mỗi người học viên học tốt nhất và đưa ra quyết định hướng dẫn dựa trên điểm mạnh, điểm yếu và sở thích của họ. 

  • Thiết kế lại môi trường lớp học; thiết kế chung các bài học và dự án nhằm khuyến khích sự lựa chọn của người học.

  • Tích hợp công nghệ vào chương trình giảng dạy một cách chu đáo để hướng dẫn tất cả người học dựa trên cách mà họ học tốt nhất

Giai đoạn 2: Lấy người học làm trung tâm - giáo viên và người học với tư cách là những người đồng thiết kế bài học

Người dạy và người học cùng nhau:

  • Quyết định các kỹ năng và chiến lược để tiếp cận thông tin và trình bày kiến thức

  • Đồng thiết kế các bài học và dự án để chúng bao gồm nguyện vọng và sự lựa chọn của người học

  • Biết lựa chọn và sử dụng các công cụ thích hợp để hỗ trợ học hỏi

  • Chuyển đổi sang hệ thống nơi người học bắt đầu thể hiện sự làm chủ của việc học

Giai đoạn 3: Người học tự chủ - giáo viên với tư cách là đối tác học tập

Người học có vai trò chủ chốt:

  • Thúc đẩy việc học tập của họ dựa trên sở thích, nguyện vọng và nhu cầu của họ

  • Học theo tốc độ riêng của họ, nơi họ theo dõi tiến độ, tự phản hồi về hiệu quả

  • Thiết kế các dự án linh hoạt cho phép họ chọn những cách tốt nhất để thể hiện sự thành thạo trong học tập dựa trên năng lực. 

image-alt

Các học viên đến với ZIM ACADEMY luôn được hướng dẫn từ những bước đầu tiên: 

+ Đầu tiên, các bạn sẽ được định vị phong cách học tập phù hợp với bản thân mình. Cùng giáo viên thiết lập mục tiêu học tập cá nhân, Lập kế hoạch học tập cá nhân, Chọn cách tiếp cận thông tin, Chọn cách tham gia và tương tác với nội dung buổi học. 

+ Giáo viên cùng học viên, sau khi đã định vị được phong cách học tập của từng người, sẽ cùng tạo ra môi trường học và bài học phù hợp với mỗi phong cách đó. Ví dụ đối với người học bồn chồn khó ngồi yên thì sẽ tạo không gian để họ đi lại, đối với người học thích làm việc độc lập và tự suy ngẫm thì tạo các bài tập cá nhân và không gian yên tĩnh, đối với người học nhạy với hình ảnh âm thanh thì cho họ tiếp cận kiến thức qua các ấn phẩm đa phương tiện,... Qua các tiết học, học viên sẽ cảm thấy mình đang chủ động tham gia vào những hoạt động yêu thích, không cảm thấy bị ràng buộc bởi một chương trình đã được thiết kế sẵn như các lớp học truyền thống. Học viên luôn có cơ hội học theo cách và sở trường riêng của mình, đây sẽ là nguồn động lực to lớn giúp họ tiếp thu ngôn ngữ thứ hai.

+ Cuối cùng, điều lý tưởng mà ZIM hướng tới là mỗi học viên sẽ trở thành người học tự chủ. Đến thời điểm này, giáo viên chuyển vai trò của mình thành người hướng dẫn người học trở nên tự định hướng hơn để họ có thể đặt ra mục tiêu cho riêng mình, theo dõi sự tiến bộ của bản thân và suy ngẫm về việc học của mình. Tự đánh giá học tập là một quá trình phát triển và hỗ trợ siêu nhận thức (metacognition) cho người học. 

Tích hợp công nghệ vào mô hình giảng dạy

Theo Don Knezek (2008) thành viên thuộc Cộng đồng quốc tế về Công nghệ trong giáo dục (International Society for Technology in Education, viết tắt là ISTE), khi được tiến hành một cách hợp lý, sự tích hợp của công nghệ vào giáo dục sẽ có tác động tích cực mạnh mẽ đến kết quả của người học. Vì vậy, mỗi giáo viên ngôn ngữ nói chung và giáo viên tại ZIM ACADEMY nói riêng đề cao việc áp dụng công nghệ, đưa ra những cách giảng dạy hiệu quả, tiếp cận với từng nhóm học viên khác nhau và đánh giá học viên qua nhiều phương thức đa dạng. Tích hợp công nghệ giúp học viên trải nghiệm được nhiều mô hình học tập khác nhau: 

  • Blended learning (Mô hình học tập kết hợp): là sự kết hợp giữa mô hình học trực tiếp và online. Ở zim, tùy vào nhu cầu và thời gian cá nhân mà học viên sẽ được trải nghiệm linh hoạt giữa: 

    • Face - to - face drive: Sử dụng mô hình giảng dạy truyền thống là chính, tuy nhiên có ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp tài liệu học tập và thực hiện các bài tập luyện tập, đánh giá. Nền tảng tài liệu online tại zim rất đa dạng được đăng trên mọi diễn đàn học tập của zim từ app học tập của mỗi học viên, fanpage, website... phù hợp với học viên ở mọi mức độ. 

    • Mô hình Rotation: Người học sẽ học kết hợp giữa 2 mô hình học tập truyền thống và trực tuyến theo một lịch trình đã được đề ra trước đó. 

    • Mô hình Self-blended: Ngoài việc được đào tạo tại các lớp học truyền thống học viên có thể đăng ký thêm những khóa bổ trợ phù hợp khác. Hệ thống giảng dạy ở zim luôn được trang bị phòng tự học, ở đó các giáo viên sẽ bổ trợ riêng cho từng học viên theo nhu cầu và trình độ cá nhân của mỗi bạn. 

image-alt

  • Flipped learning (Mô hình học tập đảo ngược): là một phương pháp đào tạo mới trong đó cung cấp nội dung học tập cho người học học tập trước khi vào lớp. Người học sẽ học tập ở hai không gian trong và ngoài phạm vi lớp học làm tăng thời lượng và hiệu quả học tập. Thay vì dùng thời gian trên lớp để lắng nghe giáo viên và ghi chú, học viên đã được tiếp cận nội dung chính tại nhà theo mức độ cá nhân ...Học viên chuẩn bị tại nhà nhà qua việc xem video, đọc các bài báo, nghe podcast, sau đó trình bày những thắc mắc. Những câu hỏi học viên đã hiểu sẽ không được nhắc lại trên lớp, thay vào đó sẽ tận dụng thời gian trên lớp để để thực hành, trải nghiệm các dự án kết hợp. Mô hình Flipped learning sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, tạo cho học viên cảm giác mỗi tiết học đều bổ ích và hứng thú. 

Chú trọng việc đánh giá quá trình (formative assessment) để điều chỉnh hoạt động dạy và học

Thay vì chỉ làm bài kiểm tra cuối khóa vào cuối mỗi khóa học, giáo viên luôn cố gắng sử dụng đánh giá quá trình để có thể hướng dẫn và hỗ trợ học viên đúng lúc. Ví dụ: các bài giảng thường bao gồm các câu hỏi tương tác để đánh giá mức độ hiểu biết của học sinh về tài liệu, tạo ra không khí sôi động khi cho học viên chơi trò chơi kiểm tra (Ví dụ qua Kahoot...) điều này mang lại những phản hồi tức thì và hữu ích về những gì giáo viên cần làm tiếp theo, ai cần được kéo vào một nhóm nhỏ để dạy lại và ai sẽ theo đuổi việc học mở rộng nâng cao. Việc này nhằm tạo cho lớp học những trải nghiệm phù hợp và bổ ích với từng cá nhân, tránh lớp học theo mô hình “one-size-fits-all” (một kiểu dạy cho tất cả). 

Ngoài ra, dữ liệu đánh giá quá trình còn được thu thập qua: Chủ đề thảo luận trên lớp, Giám sát quá trình học tập của học sinh trên Google Docs, tất cả dữ liệu này để đưa ra những điều chỉnh trong hoạt động học tập cũng như lựa chọn các nguồn lực nhằm giúp học sinh đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra trong bài học. Khi các đánh giá cho thấy một học sinh đã thành thạo một kỹ năng, các bạn có thể được hướng dẫn để đi sâu hơn hoặc học các kỹ năng mới .

Tổng kết

Đổi mới tư duy về giáo dục là kết quả tất yếu của sự phát triển xã hội. Bắt kịp xu hướng giáo dục hiện đại, ZIM ACADEMY luôn công nhận sự khác biệt của học viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các bạn tìm thấy niềm vui học tập cho chính mình.

Nguồn tham khảo

  1. Barbara Bray and Kathleen McClaskey (2013), “A STEP-BY-STEP GUIDE TO PERSONALIZE LEARNING”, ISTE (International Society for Technology in Education).

  2. Barmeyer, C. (2004). Learning styles and their impact on cross-cultural training: An international comparison in France, Germany and Quebec. International Journal of Intercultural Relations, 28, 577-594. https://doi.org/10.1016/J.IJINTREL.2005.01.011.

  3. Herawati, Agnes. (2023). Personalized Learning in Teaching English as Foreign Language: Limiting the Challenges, Increasing Its Effectiveness. 10.2991/978-2-38476-054-1_2. 

  4. Khasinah, Siti. (2014). FACTORS INFLUENCING SECOND LANGUAGE ACQUISITION. Englisia Journal. 1. 10.22373/ej. v1i2.187. 

  5. Peggy Grant and Dale Basye (2014), “Personalized learning - A guide for Engaging student with technology”, ISTE.

  6. Robyn Howton (2022), “Turn Your Classroom into a Personalized Learning Environment”, ISTE.

Tham vấn chuyên môn
Trần Ngọc Minh LuânTrần Ngọc Minh Luân
GV
Tôi đã có gần 3 năm kinh nghiệm giảng dạy IELTS tại ZIM, với phương châm giảng dạy dựa trên việc phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và chiến lược làm bài thi thông qua các phương pháp giảng dạy theo khoa học. Điều này không chỉ có thể giúp học viên đạt kết quả vượt trội trong kỳ thi, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho việc sử dụng ngôn ngữ hiệu quả trong đời sống, công việc và học tập trong tương lai. Ngoài ra, tôi còn tích cực tham gia vào các dự án học thuật quan trọng tại ZIM, đặc biệt là công tác kiểm duyệt và đảm bảo chất lượng nội dung các bài viết trên nền tảng website.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...