Sự mơ hồ về từ vựng (Lexical ambiguity) và cấu trúc (Structural ambiguity) trong tiếng Anh

Bài viết phân tích 2 khái niệm mơ hồ về mặt nghĩa, liên quan đến từ vựng (Lexical) và cấu trúc (Structural) nhằm giúp người học khám phá các khía cạnh khác nhau về ngữ nghĩa của tiếng Anh, qua đó giải thích các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên.
Sự mơ hồ về từ vựng (Lexical ambiguity) và cấu trúc (Structural ambiguity) trong tiếng Anh
Trống
Level: Trống
0 Đầu mục

Khi đọc cụm từ sau đây: “The old men and women”, ta nên hiểu là “Những người đàn ông lớn tuổi và phụ nữ” hay “Những đàn ông lớn tuổi và những người phụ nữ lớn tuổi”? Tất nhiên, cả 2 cách hiểu đều có lí do riêng, và đây là ví dụ điển hình của sự mơ hồ (ambiguity) về nghĩa trong tiếng Anh - một cụm từ hay một câu ẩn trong mình 2 lớp nghĩa khác nhau dù không hề có lỗi sai về dùng từ hay ngữ pháp. Thực tế, ta có 2 loại mơ hồ nghĩa trong tiếng Anh: từ vựng và cấu trúc. Bài viết này sẽ giúp người học tìm hiểu về từng loại mơ hồ về nghĩa cũng như lí giải các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên.

Key takeaways

  • Sự mơ hồ về nghĩa là khi người đọc hiểu một cụm từ hoặc câu trong tiếng Anh với nhiều cách hiểu khác nhau.

  • Có 2 loại mơ hồ về nghĩa: từ vựng và cấu trúc.

  • Bài viết sau sẽ giúp người học tìm hiểu về từng loại mơ hồ về nghĩa cũng như lí giải các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên.

Sự mơ hồ về nghĩa trong tiếng Anh

Định nghĩa

Phân tích ví dụ sau: “The chicken is ready to eat.”

Khi phân tích mặt ý nghĩa, ta sẽ có 2 cách hiểu:

  1. Con gà đã được chế biến (nấu, nướng) và mọi người có thể ăn nó.

  2. Con gà chuẩn bị ăn gì đó.

Trường hợp một câu tiếng Anh, dù không hề mắc lỗi từ vựng, chính tả hay ngữ pháp, nhưng lại được phân tích thành 2 lớp nghĩa hay 2 cách hiểu khác nhau thì được gọi là một câu mơ hồ về nghĩa (ambiguous sentence).

Sự mơ hồ về nghĩa được phân loại thành 2 trường hợp: Sự mơ hồ về từ vựng (Lexical ambiguity) và sự mơ hồ về cấu trúc (Structural ambiguity).

Sự mơ hồ về từ vựng

Phân tích ví dụ sau: “I saw a bat flying overhead.”

Khi phân tích nghĩa, ta sẽ thấy danh từ a bat có thể chỉ 2 vật khác nhau:

  1. Tôi đã thấy một con dơi bay trên đầu.

  2. Tôi đã thấy một cây gậy bóng chày (baseball bat) bay trên đầu.

Đây là một trong những ví dụ điển hình của sự mơ hồ về từ vựng - khi một từ/ cụm từ có thể được phân tích thành 2 lớp nghĩa khác nhau. Sự mơ hồ này xảy ra chủ yếu khi ta sử dụng là từ mơ hồ về nghĩa (ambiguous word) hay từ đồng âm (homonym) - các từ có cùng phiên âm và chữ viết nhưng lại mang sắc thái nghĩa khác nhau.

Sự mơ hồ về cấu trúc

Phân tích ví dụ sau: “I saw a guy with a pair of binoculars.”

Khi phân tích nghĩa, ta có thể phân tích thành 2 trường hợp, dựa theo đồ thị X-syntax:

X-syntax(Đồ thị X-syntax của cụm từ saw a man with a pair of binoculars)

  • Trường hợp 1: Tôi nhìn thấy một người đàn ông bằng cặp ống nhòm. (Nhân vật “Tôi” sử dụng ống nhòm khi nhìn thấy người đàn ông - Cụm giới từ (PP) with a pair of binoculars bổ sung nghĩa cho cả cụm động từ saw a man.

  • Trường hợp 2: Tôi nhìn thấy một người đàn ông với cặp ống nhòm. (Nhân vật “Tôi” thấy một người đàn ông đang mang theo ống nhòm) - Cụm giới từ (PP) with a pair of binoculars chỉ bổ sung nghĩa cho cụm danh từ a man.

Có thể thấy, ví dụ trên là câu mơ hồ về cấu trúc - dù không chứa từ mơ hồ về nghĩa, nhưng vẫn có thể được hiểu theo 2 cách khác nhau. Điều này phụ thuộc vào cách hiểu của người nói lẫn người nghe đối với chức năng của điểm ngữ pháp được sử dụng (bổ ngữ cho thành phần nào).

Tìm hiểu thêm: Hiểu về sự mơ hồ về cấu trúc (structural ambiguity) trong tiếng Anh qua sơ đồ hình cây (tree diagram) và giải pháp.

Trường hợp khác

Dựa trên những kiến thức đã đề cập, ta có thể phân loại câu tiếng Anh thành các trường hợp sau:

  1. Câu mơ hồ về nghĩa do có chứa từ mơ hồ về nghĩa. (Sự mơ hồ về từ vựng)

  2. Câu mơ hồ về nghĩa nhưng không chứa từ mơ hồ về nghĩa. (Sự mơ hồ về cấu trúc)

  3. Câu rõ ràng về nghĩa và không chứa từ mơ hồ về nghĩa.

Vậy câu hỏi được đặt ra rằng: “Nếu một câu tiếng Anh chứa từ mơ hồ về nghĩa thì câu đó có được mặc định là câu mơ hồ về nghĩa?”.

Để trả lời câu hỏi trên, ta xét thêm 1 trường hợp thứ tư (Hurford, 2007): “Câu vẫn có thể rõ ràng về nghĩa dù có chứa từ mơ hồ về nghĩa”.

Ví dụ:

  • The bear loves honey. - Con gấu thích mật ong.

  • I can't bear the thought of losing you. - Anh không thể chịu nổi suy nghĩ phải mất em.

Dù chữ bear ở đây là từ mơ hồ về nghĩa (con gấu - chịu đựng), nhưng với 2 ví dụ trên, người nghe vẫn có thể phân biệt được nghĩa của chữ bear trong cả 2 câu một cách rõ ràng, dựa vào loại từ và ngữ cảnh mà từ đó được sử dụng.

Hạn chế sự mơ hồ về nghĩa

Như đã đề cập trước đó, sự mơ hồ về từ vựng xuất hiện là do việc sử dụng từ đồng âm trong câu, khiến ý nghĩa có thể được hiểu thành nhiều cách khác nhau. Trong khi đó, sự mơ hồ về cấu trúc phụ thuộc vào các thành phần trong câu.

Do đó, để hạn chế sự mơ hồ về nghĩa (đặc biệt là khi giao tiếp), ta cần nắm rõ các nghĩa của từ đồng âm và ngữ cảnh trong lúc nói.

Xét lại ví dụ: “I saw a bat flying overhead.”

Chúng ta đã nắm được 2 lớp nghĩa của a bat (con dơi - cây gậy bóng chày). Tiếp theo, ta cần xác định ngữ cảnh lúc nói, nếu đó là một hang động, thì việc con dơi bay trên đầu là hợp lí. Còn lại, nếu đó là sân tập bóng chày thì việc cây gậy bay trên đầu người nói cũng có thể chấp nhận được. Nhìn chung, việc hạn chế sự mơ hồ về nghĩa phụ thuộc vào sự hiểu nhau (mutual understanding) về ngữ cảnh và nghĩa của từ giữa người nói và người nghe.

Tham khảo thêm: Garden-path sentence: Lỗi diễn đạt gây khó hiểu trong văn viết và cách sửa.

Sự mơ hồ về nghĩa trong tiếng Việt

Tương tự tiếng Anh, sự mơ hồ về nghĩa cũng xuất hiện trong ngôn ngữ tiếng Việt, ở cả về từ vựng và cấu trúc.

Sự mơ hồ về từ vựng được thể hiện qua câu ca dao vui sau:

Bà già đi chợ cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói xem quẻ nói rằng,
Lợi thì có lợi, nhưng răng không còn.

Câu hỏi của bà lão rằng chuyện lấy chồng có mang lại lợi (lợi ích) gì không. Trong khi đó, người thầy bói trả lời dí dỏm rằng lúc đó lợi (nướu răng) thì vẫn có nhưng răng thì rụng hết rồi. Có thể thấy, các từ đồng âm trong tiếng Việt cũng gây ra sự mơ hồ về mặt từ vựng tương tự như tiếng Anh.

Sự mơ hồ về cấu trúc thường được nhận thấy ở các tiêu đề bài báo, đặc biệt những bài báo “giật tít” hoặc lối viết khá vắn tắt:

Trưởng công an xã xin nghỉ việc vì lương thấp khiến vợ đòi li dị” (Trích từ nội dung bài viết trên Báo Giáo dục Thời đại)

(1) Do công việc lương thấp, trưởng công an xã xin nghỉ việc và điều đó khiến vợ ông đòi li dị.

(2) Vì công việc lương thấp nên vợ đòi li dị, thế là trưởng công an xã phải xin nghỉ việc.

Luyện tập

Xét sự mơ hồ về nghĩa của các câu sau:

  1. I like chocolate more than you.

  2. This is our Vietnamese teacher.

  3. She saw a colorful ball.

  4. The bank is full of people.

  5. We have decided on this boat.

Đáp án:

  1. Mơ hồ về cấu trúc:

    • Tôi thích sô cô la nhiều hơn việc bạn thích sô cô la.

    • Tôi thích sô cô la nhiều hơn là thích bạn.

  2. Mơ hồ về cấu trúc:

    • Đây là giáo viên dạy môn tiếng Việt. (Vietnamese là danh từ)

    • Đây là giáo viên người Việt Nam. (Vietnamese là tính từ)

  3. Mơ hồ về từ vựng: (ball)

    • Cô ấy thấy một trái bóng đầy màu sắc.

    • Cô ấy thấy một buổi khiêu vũ đầy màu sắc.

  4. Mơ hồ về từ vựng: (bank)

    • Ngân hàng đông nghẹt người.

    • Bờ sông đông nghẹt người.

  5. Mơ hồ về cấu trúc:

    • Chúng tôi đã có quyết định về con thuyền này. (mua, thuê,…)

    • Chúng tôi đã có quyết định khi đang trên con thuyền này.

Tổng kết

Sự mơ hồ về nghĩa xảy ra khi người đọc hoặc người nghe có thể phân tích những cụm từ và câu, dù không có lỗi dùng từ hay ngữ pháp, bằng 2 cách hiểu khác nhau. Sự mơ hồ về nghĩa được chia thành 2 loại, bao gồm sự mơ hồ về từ vựng (khi từ được sử dụng là các từ đồng âm) và mơ hồ về cấu trúc (khi loại từ hoặc chức năng được phân tích khác nhau). Đôi khi, một số câu dù chứa các từ đồng âm nhưng vẫn rõ nghĩa, do loại từ và ngữ cảnh được phân tích rõ ràng. Ngoài ra, sự mơ hồ về nghĩa cũng xuất hiện trong tiếng Việt, ở cả 2 khía cạnh về từ vựng lẫn cấu trúc.

Đọc tiếp: Cách sửa lỗi Fragment (câu không hoàn chỉnh) trong tiếng Anh.


Trích dẫn

  • Campos, Hector, and Thuong Bui Huynh. English Syntax & Universal Grammar, VNU - HCM PRESS, 2018, pp. 54–85.

  • Do, Duong. “Lỗi Câu MƠ HỒ.” Giaoducthoidai.Vn, 23 June 2022, giaoducthoidai.vn/loi-cau-mo-ho-post411426.html.

  • Hurford, James R. “Unit 11: Sense Relations.” Semantics, Cambridge University Press, Cambridge, 1994, pp. 135–136.

Tham khảo các bài học khác

Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu