Banner background

Kinh nghiệm đạt điểm cao môn tiếng Anh THPT Quốc gia

Tiếng Anh là một trong những môn thi chính trong kỳ thi THPT Quốc gia. Đề thi này sẽ tổng hợp kiến thức của cả 12 năm học để đánh giá trình độ và khả năng sử dụng ngoại ngữ của thí sinh. Để đạt điểm cao ở bài thi tiếng Anh, người học cần có quá trình ôn luyện bền bỉ, cũng như luyện tập giải đề thi thử để sớm làm quen với cấu trúc bài thi. Dưới đây, tác giả sẽ tổng hợp thêm những kinh nghiệm đạt điểm cao môn tiếng Anh THPT Quốc gia.
kinh nghiem dat diem cao mon tieng anh thpt quoc gia

Key takeaways

  • Thí sinh cần hiểu rõ cấu trúc đề, số lượng câu hỏi mỗi phần để có cách làm bài phù hợp.

  • Thí sinh nên nắm vững các chủ điểm ngữ pháp cơ bản, bổ sung từ vựng và có chiến lược làm bài đọc hiểu hợp lý.

  • Trong quá trình luyện đề, thí sinh nên tổng kết lỗi sai để kịp thời bổ sung kiến thức.

  • Thời gian làm bài nên được phân chia hợp lý: dành ít thời gian cho phần ngữ âm, nhiều thời gian cho phần đọc hiểu. 

  • Thứ tự làm bài: có thể làm những câu dễ trước, câu khó, mất thời gian sau.

Nắm vững cấu trúc đề

Nắm vững cấu trúc đề là bước quan trọng đầu tiên mà người học cần thực hiện. Bước này sẽ giúp thí sinh có hình dung cụ thể nhất về đề, bao gồm các dạng bài, số câu hỏi và thời gian thực hiện mỗi phần. Nhìn chung, cấu trúc đề tiếng Anh THPT Quốc gia được chia như sau:

  • Câu hỏi phát âm - 2 câu

  • Câu hỏi trọng âm - 2 câu

  • Câu hỏi từ vựng và ngữ pháp - 19 câu

  • Câu hỏi về giao tiếp - 2 câu

  • Tìm lỗi sai - 3 câu

  • Chọn câu có nghĩa tương đồng - 3 câu

  • Câu hỏi nối câu - 2 câu

  • Điền từ thích hợp vào chỗ trống - 5 câu

  • Đọc hiểu - 12 câu

Cấu trúc đề thi tiếng Anh THPT Quốc gia

Đừng bỏ lỡ: Hướng dẫn giải chi tiết đề minh họa tiếng Anh 2023.

Dành thời gian ôn luyện 2 dạng bài có tỷ trọng câu hỏi cao nhất

Trong các dạng bài trên thì các câu hỏi kiểm tra từ vựng, ngữ pháp và dạng bài đọc hiểu là 2 dạng bài chiếm phần lớn câu hỏi trong đề thi tiếng Anh THPT Quốc gia. Do đó, để đạt kết quả tốt thì các bạn thí sinh chắc chắn không nên bỏ qua việc luyện tập chúng.

Các câu hỏi kiểm tra từ vựng, ngữ pháp

Để làm tốt phần thi trắc nghiệm về từ vựng và ngữ pháp, thí sinh cần nắm vững các cấu trúc ngữ pháp cơ bản như thời (cách chia động từ, dấu hiệu nhận biết), mạo từ, mệnh đề quan hệ, câu bị động - chủ động, trực tiếp - gián tiếp, đảo ngữ, câu điều kiện, câu hỏi đuôi, sự hoà hợp giữa chủ ngữ và động từ, các cấu trúc so sánh hơn/ nhất…

Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần trang bị một lượng từ vựng đủ rộng, đồng thời học thêm các collocation, idiom (thành ngữ) để đạt điểm cao ở dạng bài về từ vựng. Tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa là hai dạng phổ biến nhất. Ngay từ quá trình ôn luyện, người học nên có sẵn một glossary (danh sách từ vựng) được tích luỹ trong quá trình học. Ngoài ra, người học nên tra thêm từ điển để nắm vững cách phát âm, nghĩa và cách sử dụng chính xác của từng từ để từ đó làm được tốt các câu hỏi về ngữ âm và cả các câu hỏi dạng lựa chọn đáp án giữa các từ vựng gần nghĩa.

Dạng bài đọc hiểu

Đề thi gồm 2 bài đọc hiểu. Đây cũng là phần thi dài nhất, chiếm phần lớn thời gian làm bài của thí sinh. Bài đọc thứ 2 thường dài và khó hơn, yêu cầu thí sinh phải đọc kỹ, xác định từ khoá và suy luận để tìm được đáp án đúng.

Dạng bài đọc hiểu thường xuất hiện câu hỏi về ý chính của đoạn văn. Để tìm đáp án đúng, thí sinh có thể đọc những câu văn ở đoạn mở đầu hoặc đoạn kết bài. Còn với dạng bài suy luận “Not true”, “Not mentioned”, ngoài việc hiểu nội dung đoạn văn và ý đồ của tác giả, thí sinh có thể dùng phương pháp loại trừ để chọn đáp án đúng nhất.

Kinh nghiệm làm bài thi tiếng Anh THPT Quốc gia

Xác định năng lực

Thí sinh có thể dựa vào đề thi thử, đề minh hoạ để xác định lực học của bản thân. Sau khi làm xong đề và có kết quả, người học nên tổng kết những câu sai và chủ điểm kiến thức tương ứng. Điều này giúp thí sinh nắm được những chủ điểm kiến thức còn hổng, cần phải bổ sung, từ đó vạch ra được lộ trình ôn tập phù hợp.

Xem thêm: Lộ trình ôn thi tiếng Anh THPT Quốc gia.

Kiểm soát thời gian

Kiểm soát thời gian tốt sẽ giúp thí sinh hoàn thành bài thi trong thời gian cho phép, đồng thời có thể soát lại bài để kiểm tra lỗi sai vào cuối giờ.

Trong phòng thi, thí sinh nên ngay lập tức giải nhanh các dạng bài quen thuộc như câu hỏi phát âm và dấu nhấn, các câu từ vựng và ngữ pháp, các câu tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa … và tạm bỏ qua các câu khó nếu gặp. Thí sinh nên cố gắng hoàn thành nhanh các dạng bài này để dành thời gian cho những phần khó hơn còn lại như điền từ vào đoạn văn hay bài đọc hiểu.

Thời gian ôn luyện cũng cần được phân bổ hợp lý giữa việc ôn luyện ngữ pháp, từ vựng với giải đề. Buổi sáng thường là khoảng thời gian tỉnh táo nhất trong ngày đối với nhiều học sinh, người học có tận dụng lúc này để học từ mới, củng cố ngữ pháp. Buổi chiều hoặc buổi tối sẽ để dành giải đề thi. Thêm vào đó, ngay từ khi ôn luyện, thí sinh nên xác định phần nào đang chiếm nhiều thời gian làm bài để bổ sung kiến thức, từ đó rút ngắn thời gian cần thiết để làm phần đó trong ngày thi thực tế.

Xem thêm: Cách làm dạng bài ngữ âm trong bài thi THPT Quốc gia.

Thứ tự làm bài thông minh

Nhìn chung, thí sinh nên làm những câu dễ trước, câu khó sau. Phần ngữ âm, tìm lỗi sai, nối câu, từ đồng nghĩa, trái nghĩa không chiếm quá nhiều, vì vậy thí sinh nên tập trung giải quyết những câu này trước.

Sau đó đến bài tập điền từ thích hợp và đọc hiểu. Dạng này chiếm nhiều câu hơn, nên thí sinh cần dành thời gian để đọc tỉ mỉ, phân tích bài nhằm chọn được đáp án đúng.

Tổng kết

Trên đây, tác giả đã gợi ý một số kinh nghiệm đạt điểm cao môn tiếng Anh THPT Quốc gia. Ngoài việc nắm vững kiến thức, thí sinh nên bám sát lộ trình ôn luyện để có thể chinh phục từng dạng bài. Hy vọng thí sinh có thể áp dụng những kinh nghiệm từ bài viết vào trong quá trình ôn luyện để đạt điểm cao trong bài thi sắp tới.

Xem thêm: Cách làm 8 dạng bài trong bài thi tiếng Anh THPT Quốc gia.

Tham vấn chuyên môn
Trần Xuân ĐạoTrần Xuân Đạo
Giáo viên
• Là cử nhân loại giỏi chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, điểm IELTS 8.0 ở cả hai lần thi • Hiện là giảng viên IELTS toàn thời gian tại ZIM Academy. • Triết lý giáo dục của tôi là ai cũng có thể học tiếng Anh, chỉ cần cố gắng và có phương pháp học tập phù hợp. • Tôi từng được đánh giá là "mất gốc" tiếng Anh ngày còn đi học phổ thông. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục khác nhau và chọn được cách học phù hợp, tôi dần trở nên yêu thích tiếng Anh và từ đó dần cải thiện khả năng ngôn ngữ của mình.

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...