Lộ trình ôn thi tiếng Anh THPT Quốc gia chinh phục điểm cao

Đối với các thí sinh ban D hay A1, bài thi tiếng Anh THPT Quốc gia là một trong 3 môn thi quan trọng nhất khi xét tuyển đại học. Đạt được điểm cao trong bài thi sẽ là cơ hội để nâng cao tổng điểm xét tuyển và đồng thời chứng minh khả năng tiếng Anh.
author
Phạm Hồng Phúc
29/03/2023
lo trinh on thi tieng anh thpt quoc gia chinh phuc diem cao

Trong bài viết này, tác giả sẽ nêu rõ cấu trúc đề thi của môn tiếng Anh trong kì thi THPT Quốc gia được cập nhật mới nhất. Bên cạnh đó đưa ra lộ trình ôn thi tiếng Anh THPT Quốc gia chi tiết và hữu dụng.

Key takeaways

  1. Cấu trúc đề thi tiếng Anh THPT Quốc gia chính xác với số lượng câu cho từng dạng bài.

  2. Lộ trình ôn thi tiếng Anh THPT Quốc gia:

    • Thi thử và xác định trình độ.

    • Các nội dung trọng tâm cần nắm: ngữ âm, ngữ pháp, chức năng ngôn ngữ.

    • Luyện tập giải các bộ đề.

    • Ôn tập các nội dung nâng cao và câu hỏi khó.

    • Trong giai đoạn sắp thi (3 tháng).

  3. Chiến thuật làm bài thi THPT Quốc gia môn tiếng Anh điểm cao:

    • Làm bài thi theo thứ tự thông minh: tối ưu điểm mạnh và để dành những câu hỏi khó ở cuối.

    • Phân bổ thời gian làm bài hiệu quả: số lượng thời gian nên phân bổ theo từng dạng bài.

Cấu trúc đề thi môn tiếng Anh THPT Quốc gia mới nhất

Bài thi tiếng Anh THPT Quốc gia bao gồm tất cả 50 câu hỏi và kéo dài trong 60 phút. Bộ đề thi bao gồm 24 mã đề với các câu hỏi khác nhau nhưng có chung chủ điểm ngữ pháp, từ vựng, đọc hiểu,… hoặc các câu hỏi giống nhau được thay đổi thứ tự.

Nội dung của các đề thi có thể có sự khác biệt nhưng sẽ xoay quanh 8 dạng bài chính sau:

  1. Ngữ âm: Phát âm và trọng âm (4 câu)

  2. Tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa (4 câu)

  3. Tình huống giao tiếp (2 câu)

  4. Chọn từ thích hợp để hoàn thành câu (15 câu)

  5. Chọn từ thích hợp để hoàn thành đoạn văn (5 câu)

  6. Đọc hiểu đoạn văn (12 câu)

  7. Bài tập viết lại câu - tìm câu đồng nghĩa, kết hợp câu (5 câu)

  8. Tìm lỗi sai trong câu (3 câu).

Mỗi câu hỏi trong đề thi có phân bố điểm giống nhau - 0.2 điểm/câu. Các dạng bài trên trong bài thi THPT Quốc gia môn tiếng Anh rất phong phú và đa dạng, bao gồm nhiều chủ đề kiến thức khác nhau để đánh giá kiến thức và kỹ năng của thí sinh.

8 dạng bài trong đề thi tiếng Anh THPT8 dạng bài chính trong đề thi môn tiếng Anh THPT Quốc gia.

Tham khảo thêm: Đề minh họa tiếng Anh 2023.

Lộ trình ôn thi tiếng Anh THPT Quốc gia

Thi thử và xác định trình độ

Trước khi bắt tay vào học kiến thức và luyện tập, người học hãy làm một bài thi thử tiếng Anh THPT Quốc gia. Việc này không chỉ giúp người học tự đánh giá khả năng của bản thân mà còn là cơ hội để làm quen với các dạng bài cũng như cấu trúc đề thi.

Test trình độ miễn phí tại ZIM, đăng ký tại đây: Đăng ký test trình độ tiếng Anh

Sau đó, thí sinh nên liệt kê ra các kiến thức cần học và ôn tập. Trong phần dưới đây, tác giả sẽ liệt kê ra các nội dung trọng tâm bao gồm trong bài thi. Bạn học có thể dựa vào đây để xây dựng một kế hoạch học tập cụ thể.

Các nội dung trọng tâm cần nắm

Về ngữ âm

Dạng bài Ngữ âm bao gồm 2 phần kiến thức là phát âm (Pronunciation) và trọng âm (Stress).

  • Phần phát âm (pronunciation):

Chọn từ có phần gạch chân phát âm khác so với các từ còn lại. Ở phần này, thí sinh thường được kiểm tra về kiến thức phát âm -s/-es hay -d/-ed.

Ngoài nắm chắc kiến thức về 2 cách đọc âm cuối này, thí sinh cũng cần nắm chắc bảng phiên âm IPA và luyện tập nhiều để nhận biệt các âm thường xuyên xuất hiện.

  • Phần trọng âm (word stress):

Chọn từ có vị trí trọng âm khác so với các từ còn lại. Với 2 câu hỏi trọng âm, thí sinh nên tham khảo và nắm chắc các quy tắc trọng tâm thông thường

Ví dụ: danh từ 2 âm tiết thì trọng âm thường rơi vào âm tiết đầu.

Tuy nhiên, người học cũng cần lưu ý rằng đây là quy tắc thông thường xảy ra và chưa tính đến rất nhiều trường hợp ngoại lệ khác.

Xem chi tiết: Cách làm dạng bài ngữ âm trong bài thi THPT Quốc gia.

Về từ vựng

Kiến thức về từ vựng trong bài thi tiếng Anh THPT Quốc gia được kiểm tra trực tiếp (qua những dạng bài chọn từ đồng nghĩa, trái nghĩa) hoặc kết hợp với các kiến thức ngữ pháp khác như đọc hiểu hay hoàn thành câu.

Để có vốn từ vựng tốt, thí sinh hãy tập trung vào các chủ đề thường xuyên xuất hiện trong bài thi:

Đặc biệt đối với dạng bài chọn từ đồng nghĩa, trái nghĩa, thí sinh không chỉ cần hiểu nghĩa của từ mà còn cần kỹ năng đoán nghĩa của từ dựa theo ngữ cảnh có sẵn trong câu.

Về chức năng ngôn ngữ

Nắm chắc các chức năng ngôn ngữ trong tiếng Anh có thể giúp người học dễ dàng hoàn thành phần câu hỏi về giao tiếp. Dạng bài này bao gồm các cuộc hội thoại quen thuộc giữa 2 người và thí sinh cần chọn ra câu trả lời sao cho đúng ngữ cảnh, biểu đạt sự lịch sự và thường mang tính tích cực.

Về ngữ pháp

Ngữ pháp là một chủ đề được đưa ra xuyên suốt đề thi tiếng Anh THPT Quốc gia. Từ những dạng bài hoàn thành câu hay đọc hiểu, viết lại câu, thí sinh đều cần áp dụng các kiến thức ngữ pháp để chọn ra phương án chính xác.

Các chủ điểm ngữ pháp quan trọng thí sinh cần ôn tập bao gồm:

  • Sự hòa hợp giữa chủ ngữ – động từ

  • Thì động từ

  • Dạng từ

  • Cách sử dụng giới từ

  • Cụm động từ - Phrasal verb

  • Collocations

  • Mệnh đề quan hệ - Mệnh đề quan hệ rút gọn

  • Các dạng so sánh: so sánh hơn, so sánh nhất, so sánh kép

  • Mạo từ “A/ An/ The”

  • Câu điều kiện

  • Câu trực tiếp – gián tiếp

  • Câu hỏi đuôi

  • Các cấu trúc câu đặc biệt như “I wish”, “need”, “thank you for Ving”,…

Luyện tập giải các bộ đề

Khi đã nắm rõ các nội dung trọng tâm nêu trên, thí sinh có thể tiến vào giai đoạn luyện tập với các bộ đề bao gồm những bộ đề thật từ các năm trước và các đề thi thử khác.

Việc thực hành và áp dụng các kiến thức đã học quan trọng hơn so với chỉ học thuộc lý thuyết vì đây là cơ hội để làm quen với các trường hợp và vấn đề thường được đưa ra. Nhờ đó, người học sẽ không bị bỡ ngỡ khi làm bài và để ý các lỗi sai mình thường mắc phải.

  • Các lỗi sai thường gặp

  • Các phần kiến thức về ngữ pháp chưa nắm rõ

  • Các chủ đề từ vựng cần được trau dồi và mở rộng

  • Rút ra các từ vựng và mẫu câu thường xuất hiện trong giao tiếp tiếng Anh

  • Rút ra những phương pháp mà đề thi hay dùng để “đánh lạc hướng” thí sinh.

Khi luyện tập, người học cũng cần chú ý áp dụng đúng thời gian như khi thi thật để làm quen dần và chủ động lên kế hoạch khi làm bài. Ngay sau khi chữa bài và nhận ra lỗi sai, thí sinh cần chú ý thật kĩ lí do vì sao lại có lỗi sai đó và ôn tập lại chuyên đề ngữ pháp tương ứng.

Tham khảo sách: Để thi tốt Tiếng Anh THPT - Chiến lược làm bài và đề thi thử 2023.

Ôn tập các nội dung nâng cao và câu hỏi khó

Khi đã thành thạo các kiến thức và từ vựng ở các câu hỏi ở mức trung bình - khá, thí sinh có thể hướng tới luyện tập các câu hỏi mang tính nâng cao để đạt điểm tối đa như 9 - 10. Các chủ đề nâng cao thường bao gồm các từ vựng khó, phrasal verb và cụm từ (collocations).

Để trau dồi phần kiến thức này, người học có thể tham khảo một số cuốn sách như: English Vocabulary In Use (Advanced), English collocation in use (Advanced), English Idioms in use.

Trong giai đoạn sắp thi (3 tháng)

Bước vào giai đoạn “nước rút” 3 tháng trước khi thi, thí sinh cần chắc chắn rằng mình đã hiểu rõ và áp dụng được các chuyên đề ngữ pháp. Trong quá trình luyện đề, người học cũng nên liên tục xem lại các kiến thức ngữ pháp và từ vựng để ghi nhớ rõ ràng để không quên. Người học hãy tự đánh giá và tập trung vào những chủ đề mà bản thân thấy còn yếu và cần cải thiện hơn.

Lộ trình ôn thi tiếng Anh THPT Quốc gia

Chiến thuật làm bài thi THPT Quốc gia môn tiếng Anh điểm cao

Làm bài thi theo thứ tự thông minh

Khi nhận đề thi, người học có thể thực hiện chiến thuật làm câu dễ trước và câu khó để sau. Điều này có nghĩa rằng người học nên hiểu rõ những điểm mạnh và điểm yếu của mình để lựa chọn thứ tự làm bài cho phù hợp.

Điểm mạnh của chiến thuật này là giúp thí sinh không bị mất thời gian vào những câu hỏi khó và mất tinh thần vì không làm được câu hỏi đó.

Đối với các câu hỏi khó chưa có câu trả lời, thí sinh có thể để dành đến cuối bài và đọc lại thật kĩ để đưa ra câu trả lời. Ngay cả khi không có câu trả lời chính xác, thí sinh có thể dựa đoán dựa trên ngữ cảnh, tránh để trống đáp án khi nộp bài.

Phân bổ thời gian làm bài hiệu quả

Trong vòng 60 phút của bài thi, thí sinh nên dành 45-50 phút đầu để làm bài và phần thời gian 10-15 phút còn lại để soát lại câu trả lời cũng như phiếu trả lời. Với từng dạng bài, thí sinh có thể phân bổ thời gian như sau:

  • Bài tập ngữ âm: 3 phút

  • Bài tập chức năng giao tiếp: 1-2 phút

  • Bài tập chọn từ để hoàn thành câu: 15 phút

  • Bài tập đồng nghĩa, từ trái nghĩa: 3-4 phút

  • Bài tập tìm lỗi sai: 3 phút

  • Bài tập hoàn thành đoạn văn: 5 phút

  • Bài tập đọc hiểu: 20-25 phút

  • Bài tập kết hợp câu, viết lại câu: 5 phút.

Thí sinh nên chú ý 2 dạng bài có số lượng câu nhiều nhất (đồng nghĩa với việc chiếm nhiều số điểm nhất) trong bài là Chọn từ để hoàn thành câu cùng với bài đọc hiểu. Vì vậy, khi làm bài, thí sinh nên chú ý phân bổ thời gian hợp lí và tập trung cho 2 dạng bài tập này để tối ưu hóa điểm số của mình.

image-alt

Tổng kết

Bài viết trên đã nêu rõ cấu trúc chi tiết của bài thi tiếng Anh THPT Quốc gia với số điểm phân bố. Dựa vào cấu trúc này, người học có thể tham khảo lộ trình ôn thi tiếng Anh THPT Quốc gia được tác giả đề xuất và áp dụng trong quá trình thi.

Khi làm bài, thí sinh cũng cần có chiến lược phân bổ thời gian hiệu quả và thứ tự làm bài thông minh để đạt được điểm số cao trong quá trình xét tuyển.

Xem tiếp: Giải đề thi tiếng Anh THPT Quốc gia 2022.

Bạn muốn trở nên tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế hay nâng cao khả năng giao tiếp trong công việc và thăng tiến trong sự nghiệp. Hãy bắt đầu hành trình chinh phục mục tiêu với khóa học tiếng Anh giao tiếp hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu