Banner background

Kỹ thuật tự đặt câu hỏi để cải thiện khả năng đọc hiểu trong IELTS Reading

Kỹ thuật tự đặt câu hỏi là một cách rèn luyện tư duy được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng người học vì nó không chỉ giúp người học tư duy logic hơn, hiểu vấn đề tốt hơn và phát triển khả năng ngôn ngữ nhiều hơn. Việc áp dụng kỹ thuật này vào việc khắc phục những khó khăn và cải thiện phần đọc hiểu trong bài thi IELTS Reading là một phương pháp hay, và có thể làm cho việc trả lời các câu hỏi một cách thuận lợi và dễ dàng hơn, tránh gây nhầm lẫn giữa các phương án.
ky thuat tu dat cau hoi de cai thien kha nang doc hieu trong ielts reading

Key takeaways

Những khó khăn thường gặp trong IELTS Reading:

  • Không nắm được ý chính của đoạn

  • Chưa hiểu rõ hoặc hiểu sai ý nghĩa của câu

  • Nhầm lẫn giữa các lựa chọn

Kỹ thuật tự đặt câu hỏi và công dụng của nó lên việc đọc hiểu:

  • Kỹ thuật tự đặt câu hỏi đặt trọng tâm ở chỗ nó giúp người học hoàn toàn tập trung vào ý tưởng chính trong đoạn văn, sau đó phân tích nội dung với những kiến thức nền trước đó và đưa ra nhận xét, đánh giá trong suốt quá trình đặt câu hỏi và tìm câu trả lời cho câu hỏi đó.

  • Công dụng của nó là giúp người học hiểu đoạn văn, phát triển tư duy phản biện và cải thiện khả năng ngôn ngữ.

Sơ lược về IELTS Reading

Kỹ năng đọc là một trong bốn kỹ năng chính của bài thi IELTS, chiếm 25% trong tổng điểm bài thi IELTS. Khi tham gia thi, thí sinh phải hoàn thành 40 câu hỏi trong thời lượng 60 phút. Kĩ năng đọc bao gồm 3 bài đọc dài với các câu hỏi được chia thành nhiều dạng khác nhau. Các dạng bài thường thấy trong IELTS Reading bao gồm:

  • Completion (điền từ)

  • True/ False/ Not Given

  • Yes/ No/ Not Given 

  • Multiple choice (trắc nghiệm)

  • Matching Information (nối thông)

  • Matching headings (nối tiêu đề)

  • Matching features (nối đặc điểm)

  • Matching sentence endings (Nối vế câu)

Các dạng câu hỏi này sẽ kiểm tra kĩ năng tiếng Anh của thí sinh trong việc đọc hiểu ý chính, chi tiết, lập luận, thái độ và nhận ra quan điểm của tác giả. 

Ngoài ra, người học cũng có thể tham khảo các bài viết để tìm hiểu sâu hơn về IELTS Reading:

Những khó khăn thường gặp trong IELTS Reading 

Khi luyện tập kĩ năng đọc, thí sinh thường gặp không ít khó khăn trong việc nhận diện đáp án đúng/ sai, bẫy do đề bài đưa ra và hiểu ý nghĩa của bài đọc được viết theo ngôn ngữ học thuật với các cách paraphrase và cấu trúc phức tạp. Những vấn đề khó khăn mà người học thường gặp có thể bao gồm: 

  1. Không nắm được ý chính của đoạn văn

Trong dạng câu hỏi nối tiêu đề (Matching Headings) và trắc nghiệm (Multiple choice), thí sinh được yêu cầu xác định ý chính của các đoạn văn. Tuy nhiên, đôi khi, ý chính của đoạn văn sẽ nằm trải dài khắp các đoạn mà không nằm ở đầu hay cuối đoạn mà thí sinh vẫn thường nghĩ. Điều này, khiến cho người học mất khá nhiều thời gian và đôi khi nhầm lẫn giữa ý chính với các ý chi tiết trong đoạn, dẫn đến mất nhiều điểm ở phần câu hỏi này. 

  1. Chưa hiểu rõ hoặc hiểu sai ý nghĩa của câu

Khi đọc bài đọc IELTS, phần lớn người học thường gặp phải trường hợp không hiểu rõ ý nghĩa của câu hoặc hiểu chưa đúng dẫn đến làm sai những câu hỏi ở hầu hết các dạng. Khó khăn này phần lớn đến từ việc người học chưa nắm rõ được từ vựng, bối cảnh hoặc chưa làm quen với những bài viết học thuật dẫn tới chưa nắm được nội dung của bài. 

  1. Nhầm lẫn giữa các lựa chọn với nhau 

Ở hầu hết các dạng, lỗi sai này thường khá phổ biến vì người học hiểu nhầm với các lựa chọn khác. Trong phần TRUE/ FALSE/ NOT GIVEN người học thường xuyên nhầm lẫn giữa FALSE và NOT GIVEN, trong khi dạng MULTIPLE CHOICE và MATCHING người học thường chọn nhầm đáp án với các lựa chọn khác mặc dù có thể hiểu khá rõ nội dung thông tin trong bài. Điều này dẫn đến việc, mặc dù người đọc đã hiểu đa phần nội dung nhưng vẫn chọn thông tin sai. 

Kỹ thuật tự đặt câu hỏi và công dụng của nó lên việc cải thiện đọc hiểu

Kỹ thuật tự đặt câu hỏi (Self- questioning strategy) là gì?

Kỹ thuật tự đặt câu hỏi là một trong những cách tư duy phổ biến trong quá trình đọc hiểu của người học, giúp người học hiểu những yêu cầu trong bài đọc một cách hiệu quả. Theo như Schumacker et. al in Shang & Chien (2010), kỹ thuật tự đặt câu hỏi được thiết kế để giúp học sinh hiểu những yêu cầu đọc hiểu phức tạp.

Theo như King, trọng tâm của kỹ thuật này nằm ở chỗ nó giúp người học hoàn toàn tập trung vào ý tưởng chính trong đoạn văn, sau đó phân tích nội dung với những kiến thức nền trước đó và đưa ra nhận xét, đánh giá trong suốt quá trình đặt câu hỏi và tìm câu trả lời cho câu hỏi đó.

Nếu người đọc chưa thể trả lời được các câu hỏi bản thân đặt ra, điều đó có nghĩa rằng người đọc chưa hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa của bài đọc. 

Công dụng của kĩ thuật tự đặt câu hỏi 

Kỹ thuật tự đặt câu hỏi giúp người đọc không chỉ hiểu được đoạn văn mà những câu hỏi người đọc tự đặt ra còn giúp họ hiểu rõ hơn về nội dung sâu hơn, ý nghĩa hàm ý mà bài đọc muốn truyền tải.

Ví dụ, khi một đoạn văn nêu lên ý kiến của tác giả về một kiến thức nào đó trong phần YES/NO/ NOT GIVEN ở IELTS READING, người đọc không chỉ dừng lại ở việc biết được cảm nhận của tác giả mà có thể đặt những câu hỏi như:

  • “Sự giống nhau/ khác nhau giữa câu hỏi và nội dung trong bài gì?”

  • “Ý kiến này có chứng minh được điều mà câu hỏi đưa ra hay không?”

Từ đó, khi đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi như vậy, người đọc sẽ có cái nhìn rõ hơn và chính xác hơn khi đưa ra lựa chọn. 

Ngoài ra, kỹ thuật này còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người đọc phát triển tư duy phản biện (critical thinking). Cụ thể hơn, trong quá trình đặt câu hỏi, (không chỉ riêng về IELTS Reading) người đọc có thể đưa ra quan điểm ngược lại với nội dung bài đọc thay vì chấp nhận hoàn toàn những nội dung mà bài đọc đưa ra. Điều này không chỉ giúp ích về mặt Reading mà còn giúp cho việc lên ý tưởng kỹ năng Writing dễ dàng hơn.

Ví dụ, khi đề bài đưa ra 2 luồng ý kiến trái chiều nhau và yêu cầu người viết đưa ra ý kiến cá nhân trong phần Writing task 2, người đọc có thể đặt ra câu hỏi “Lợi ích của A/B là gì?”, “Lợi ích của cái nào nhiều hơn?”.  

Đối với việc học ngôn ngữ, việc tự đặt câu hỏi cũng giúp cho người đọc học thêm nhiều từ vựng hơn, cải thiện ngữ pháp và khả năng nói thông qua việc hỏi. Vì trong quá trình hỏi, người đọc có thể tự đặt câu bằng tiếng Anh, giúp nâng cao khả năng nói và phản xạ. Bên cạnh đó, người đọc có thể học thêm từ vựng thông qua việc đặt câu hỏi.

Chẳng hạn như, khi gặp một từ trong bài đọc mà người đọc không biết rõ nghĩa, người đọc có thể đặt ra những câu hỏi:

  • “Từ này có liên quan gì đến câu văn?”

  • “Từ này có thể đồng nghĩa với từ nào trong phần câu hỏi đề bài đưa ra?”

Từ đó, người học có thể đoán nghĩa của từ thông qua cách tìm hiểu theo những bước mà bản thân đã hình dung sẵn trong đầu. 

Áp dụng kỹ thuật tự đặt câu hỏi để giải quyết những khó khăn thường gặp trong IELTS Reading

Như vậy, kỹ thuật thuật tự đặt câu hỏi góp một phần không nhỏ trong việc đọc hiểu IELTS READING mà còn ở những tài liệu khác và những kỹ năng tiếng Anh khác nữa. Vì thế, việc áp dụng kỹ thuật này vào việc giải quyết những khó khăn trong việc đọc hiểu nêu trên là một ý tưởng khá hay, giúp người đọc hình dung ra được những bước cần làm trong quá trình đọc và tư duy một cách logic hơn. 

Đối với dạng bài Completion 

Ở dạng bài này, thí sinh được yêu cầu điền từ khóa hợp lý tìm được trong bài đọc vào chỗ trống ở câu hỏi. Đáp án của dạng bài này không thay đổi mà vẫn giữ nguyên form so với đoạn văn. Tuy nhiên, người học thường gặp khó khăn như chưa thể xác định đúng được từ khoá đó ở đâu, xác định nhầm vị trí đáp án.  Để khắc phục những vấn đề trên, người đọc có thể đặt ra những câu hỏi như:

  • Liệu đây có phải là paraphrase/ từ đồng nghĩa với câu hỏi hay không?

  • Nội dung của thông tin trong đoạn văn này có phù hợp với nội dung cần tìm ở câu hỏi hay không?

  • Từ loại của từ khoá mình tìm được ở đoạn văn có trùng khớp với từ loại ở câu hỏi không?

  • Số từ của keyword mình tìm được ở đoạn văn có phù hợp với số từ đề bài cho phép không?

Những câu đơn giản như thế này có thể giúp người đọc tư duy nhanh và logic theo từng bước để kiểm tra xem đáp án mà mình chọn có phải là đáp án đúng hay không. Nếu một trong những câu hỏi trên, người đọc không thể trả lời hoặc trả lời sai, có nghĩa là đáp án mà mình đang chọn có thể là đáp án không chính xác. 

Ví dụ cụ thể:

Đoạn văn được trích ra:

Cinderella was founded in Philadelphia, PA, in 1983…..He was sufficiently impressed to alert his record company, Mercury, which signed the band. Their debut album, Night Songs, was released in June 1986. 

Câu hỏi đề bài: Cinderella was founded in Philadelphia, in 1983 and three years later released their first album with ................... company. 

Practicing for IELTS 2- Test 6

image-alt

Kết luận 

Đáp án là Mercury

Đối với dạng true/ false/ not given và yes/no not given

Dạng câu hỏi này thường gây không ích khó khăn cho thí sinh, đặc biệt là trong việc phân biệt giữa FALSE và NOT GIVEN hay NO và NOT GIVEN vì thông tin ở câu hỏi đưa ra đôi khi khá tương tự với bài đọc khiến cho thí sinh dễ nhầm lẫn. Để khắc phục vấn đề này, người học có thể tham khảo dùng kỹ thuật tự đặt câu hỏi để phân biệt các lựa chọn với nhau. Các câu hỏi như:

  • Ý kiến này có được đề cập tới trong đoạn văn hay không?

  • Nếu có đề cập tới 1 phần, thì thông tin trong đoạn văn có đủ chứng cứ để đưa ra được kết luận như câu hỏi hay không?

  • -> Nếu câu trả lời cho 2 câu hỏi trên là không thì đáp án là NOT GIVEN 

  • Đây có phải là paraphrase của câu hỏi trong đoạn văn hay không?

-> Nếu đó là paraphrase thì đáp án sẽ là TRUE/ YES

- Thông tin tìm được trong bài có mâu thuẫn với câu hỏi hay không và có thể sửa lại thành đúng không?

-> Nếu có thì đáp án sẽ là FALSE

Ví dụ cụ thể:

Trích từ đoạn văn:

As the group continued to tour relentlessly through 1988 and 1989, Mercury broke more singles from the LP. "The Last Mile," released in December, peaked at number 36 in March 1989; 20 "Coming Home," released in March, hit number 20 in June; and "Gypsy Road," finally put on 45 a year after the release of Long Cold Winter. 

Practicing for IELTS 2- Test 6

Câu hỏi đề bài: Cinderella saw continuous success with Coming Home and Gypsy Road in 1989, followed by The Last Mile. 

image-alt

Kết luận: 

Đáp án là FALSE 

Đối với dạng Multiple choice 

Dạng trắc nghiệm đòi hỏi thí sinh phải vừa tìm ý chi tiết trong bài vừa tìm ý chính cho đoạn văn, vì thế, dạng bài này thường gây không ít khó khăn cho người đọc trong việc xác định đáp án đúng vì rất dễ nhầm lẫn với những phương án còn lại. Tuy nhiên, người học có thể sử dụng kỹ thuật tự đặt câu hỏi để loại trừ những phương án sai, giúp cho việc lựa chọn đáp án đúng được dễ dàng hơn. Những câu hỏi tự đặt ra có thể bao gồm:

  • Sự khác biệt của những phương án này là gì?

  • Nếu đề yêu cầu tìm ý chính của đoạn, thì phương án này đang nói về ý chi tiết (ví dụ) hay ý chung?

  • Nếu đề bài yêu cầu tìm ý chính, thì đây có phải là paraphrase của phương án đó hay không?

Ví dụ cụ thể:

Đoạn trích từ bài đọc:

Among our WHFoods, cranberries are most closely related to blueberries. Both of these berries belong to the Ericaceae family of plants, as well as to the Vaccinium genus. When you compare the phytonutrient richness of these two berries, you will also find a good bit of overlap.

Practicing for IELTS 2- Test 7

Câu hỏi đề bài: 19. Cranberries and blueberries are similar because 

A. They have vibrant red color due to the presence of anthocyanins and proanthocyanidins. 

B. Their richness in phytonutrients is similar to each other. 

C. They are similarly popular as plants in Ericaceae family. 

D. They both have over two dozen health-supportive phytonutrients.

image-alt

Kết luận: 

Đáp án là B

Đối với dạng Matching headings 

Matching headings là một trong những dạng gây khó khăn nhiều nhất cho người học vì những tiêu đề có thể gây nhầm lẫn và việc xác định ý chính khá khó khăn và mất thời gian. Vì thế, người học có thể áp dụng kỹ thuật tự đặt câu hỏi đề tìm ra ý chính một cách chính xác hơn. Những câu hỏi có thể là:

  • Nếu phân vân giữa 2 headings thì sự khác biệt giữa 2 headings này là gì?

  • Xuyên suốt đoạn văn, keywords nào được đào sâu và đề cập đến thường xuyên?

  • Nội dung chính của đoạn văn đó là gì theo như bản thân mình tóm tắt?

  • Nội dung mình vừa tóm tắt có khớp với heading nào không?

Ví dụ cụ thể:

Đoạn trích từ bài văn:

A. Fleming had a genius for technical ingenuity and original observation. His work on wound infection and lysozyme, an antibacterial enzyme found in tears and saliva, guaranteed him a place in the history of bacteriology. But it was his discovery of penicillin in 1928, which started the antibiotic revolution that sealed his lasting reputation. Fleming was recognized for that achievement in 1945, when he received the Nobel Prize…

Practicing for IELTS 2- Test 6

image-alt

Kết luận: 

Đáp án là vi. A range of achievements that provide huge fame for a person 

Đối với dạng Matching information

Đây là một trong những dạng mà đề IELTS READING nào cũng có mặt và cũng gây khó khăn cho nhiều thí sinh trong việc tìm kiếm đoạn văn chứa thông tin vì dễ gây nhầm lẫn và mất nhiều thời gian khi làm bài. Người học có thể cải thiện phần này bằng cách áp dụng kỹ thuật tự đặt câu hỏi chẳng hạn như:

  • Câu hỏi yêu cầu tìm loại thông tin nào: example (ví dụ), explanation (giải thích), hay mention (đề cập)?

  • Nếu tìm ví dụ, thì đoạn văn này có nêu rõ ví dụ cụ thể từng vật/ người/ hiện tượng hay không?

  • Nếu tìm giải thích, thì đoạn văn này có nêu ra lý do cho sự vật, hiện tượng đó không?

  • Nếu tìm đề cập, thì đoạn văn này có nhắc tới từ đồng nghĩa hoặc paraphrase của câu hỏi hay không?

Ví dụ cụ thể:

Câu hỏi đề bài: 33. A brief description of Fleming’s personalities.

Đoạn trích từ bài văn:

For the last decade of his life, Fleming was feted universally for his discovery of penicillin and acted as a world ambassador for medicine and science. Initially a shy uncommunicative man and a poor lecturer, he blossomed under the attention he received, becoming one of the world’s best-known scientists.

Practicing for IELTS 2- Test 6

image-alt

Kết luận 

Đáp án là F

Đối với dạng Matching features và Matching sentence endings

2 dạng bài này cũng khá phổ biến trong bài thi IELTS READING nhưng một số thí sinh gặp khó khăn trong việc tìm ra đáp án, chi tiết chính xác để nối với các features hay vế câu. Để cải thiện vấn đề trên, thí sinh có thể tự đặt ra những câu hỏi như:

  • Những thông tin/ câu nào là phát biểu của tác giả A?

  • Câu phát biểu nào của tác giả A ở trong bài giống hoặc là paraphrase của câu hỏi?

Ví dụ cụ thể:

Trích từ Practicing for IELTS 2- Test 7

Các lựa chọn: 

A. Rachelle Strauss 

B. Susan Selke 

C. Nina Goodrich 

D. Brianne Miller 

E. Susan Berr

Đoạn trích từ bài văn:

“People want to know what they can do,” says Rachelle Strauss, the founder of UK waste-reduction consultancy Zero Waste Week. Packaging-free stores help us feel like we have the ability to make at least a small change, she says. But it isn’t clear whether, as a whole, they will actually have a positive environmental impact, or if they are just aspirational marketing. “If we could do without packaging, it wouldn’t be here,” says Susan 77 Selke, director of Michigan State University’s School of Packaging. Companies would gladly rid themselves of the expense if they could, she says.

image-alt

Kết luận 

Đáp án câu 8 là A 

Tổng kết

Tóm lại, kỹ thuật tự đặt câu hỏi là một cách rèn luyện tư duy khá hay được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng người học vì nó không chỉ giúp người học tư duy logic hơn, hiểu vấn đề tốt hơn và phát triển khả năng ngôn ngữ nhiều hơn. Vì vậy mà việc áp dụng kỹ thuật này vào việc khắc phục những khó khăn và cải thiện phần đọc hiểu trong bài thi IELTS READING là một phương pháp hay, và có thể làm cho việc trả lời các câu hỏi một cách thuận lợi và dễ dàng hơn, tránh gây nhầm lẫn giữa các phương án. Người học nên xem xét tham khảo và áp dụng kỹ thuật này khi làm bài để có một kết quả tốt hơn khi luyện tập cho bài thi IELTS.


Nguồn tham khảo

  • Syamsiah, N., Rafli, Z., & Ridwan, S. (2018). Self – questioning strategy on reading comprehension process. Advances in Social Science, Education and Humanities Research (ASSEHR), Volume 267 5th Asia-Pacific Education Conference (AECON 2018). https://doi.org/10.2991/aecon-18.2018.25

  • Whitney, M. D., Rilling, S., & Steward, T. (2017). TESOL Voices: Insider Accounts of Classroom Life, Secondary Education. Tesol Press.

  • Shang, Hui-Fang & I-Ju Chang-Chien. The Effect of Self-Questioning Strategy on EFL Learners’ Reading Comprehension Development. Taiwan: I-Shou University, The International Journal of Learning Volume 17, Number 2, 2010, http://www.Learning-Journal.com, ISSN 1447-9494l) pp. 42

  • King, James R. Shirley Biggs and Sally Lipsky. Students' Self-Questioning And Summarizing As Reading Study Strategies. Unpublished Journal. Journal of Reading Behavior 1984, Volume XVI, No. 3

Tham vấn chuyên môn
TRẦN HOÀNG THẮNGTRẦN HOÀNG THẮNG
GV
Học là hành trình tích lũy kiến thức lâu dài và bền bỉ. Điều quan trọng là tìm thấy động lực và niềm vui từ việc học. Phương pháp giảng dạy tâm đắc: Lấy người học làm trung tâm, đi từ nhận diện vấn đề đến định hướng người học tìm hiểu và tự giải quyết vấn đề.

Đánh giá

5.0 / 5 (2 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...