Làm sao để học tiếng Anh hiệu quả như một thói quen?
Dù nhận thức được rằng việc học tiếng Anh là có ích, nhiều người học vẫn thất bại trong hành trình làm chủ ngôn ngữ này. Họ có thể có quyết tâm, có nhận thức đúng đắn, có động lực để học, thế nhưng khi bắt đầu ngồi vào bàn học, họ bắt đầu thấy mông lung, chán nản. Điều này tệ hơn khi trong bối cảnh ngày nay, những thứ dễ gây phân tâm tràn lan vây quanh họ. Kể cả khi đã đăng ký một khóa học tốn kém, họ vẫn không thấy trình độ tiếng Anh của mình khá hơn, hoặc đi học như một cách để đối phó với cha mẹ hoặc để củng cố niềm tin rằng “mình không có năng khiếu học tiếng Anh”. Nếu như nguyên nhân không nằm ở kiến thức, không nằm ở ý chí, thì rất có thể, trong quá trình học cách học tiếng Anh, những người học này đã gặp vấn đề về việc xây dựng thói quen học và phương pháp học giúp củng cố sự hình thành của thói quen. Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích cơ chế hoạt động của bộ não trong quá trình hình thành vòng lặp thói quen và từ đó đề xuất một số giải pháp giúp người học có thể ứng dụng ngay vào quá trình học tiếng Anh hiệu quả của mình.
Key takeaways
Thói quen tồn tại nhằm mục đích giúp giảm bớt gánh nặng công việc cho bộ não.
Để một thói quen hình thành cần có vòng lặp của 3 yếu tố sau: tác nhân gợi ý thói quen - hành động lặp lại - phần thưởng.
Ứng dụng được cơ chế vận hành của thói quen giúp người học học tập một cách nhẹ nhàng hơn nhưng lại hiệu quả hơn.
Lầm tưởng về nguyên nhân dẫn tới thành công trong học tập
Nhiều người tin rằng có kiến thức, động lực, hay nỗ lực là gốc rễ của thành công trong học tập. Trên thực tế, những yếu tố này không tác động mạnh đến mức đấy.
Việc có kiến thức thế nào là tốt xấu, hay nói cách khác là khả năng nhận thức rằng bản thân nên làm gì không nhất thiết thúc đẩy hành động đó (Heimendinger, 1994). Tương tự như trong việc học, nhiều học sinh ý thức được rằng dành thời gian học là chuyện nên làm nhưng cuối cùng vẫn không thực hiện điều đó.
Hay một động lực đủ lớn là thứ nhiều người chờ đợi để thực sự bắt tay vào việc học. Vấn đề trong trường hợp này là động lực là thứ rất nặng cảm tính, do đó, không đáng tin. Để rồi trong quá trình chờ đợi, vòng luẩn quẩn lười biếng thường tiếp diễn: sự lười biếng khiến con người cảm thấy không muốn làm gì, dẫn tới việc kẹt mãi trong tình trạng lười biếng.
Trong khi đó, lòng quyết tâm quả thực có thể thúc đẩy hành động, tuy nhiên, loại tác động này chỉ mang tính tình huống do sức mạnh ý chí có thể cạn kiệt. Do đó, xây dựng hành vi học tập dựa trên ý chí thường không bền vững.
Khi được hỏi, nhiều người sẽ cho rằng những người học giỏi là những người có quyết học tập phi thường. Thế nhưng, một thí nghiệm nghiên cứu về mối liên hệ giữa chỉ số quyết tâm và thành tích học tập lại trả về kết quả ngược lại: Những người có điểm thấp là những người phải dốc nhiều ý chí học tập hơn, trong khi đó, những người có thành tích tốt hơn lại bỏ ít nỗ lực hơn.
Vậy, nếu không phải kiến thức, động lực, hay lòng quyết tâm, thì đâu mới thực sự là điều giúp người học tiến bộ trên hành trình học tập?
Cơ chế hoạt động của bộ não
Bộ não ưa sự năng suất và ghét những thay đổi lớn. Đây là lý do thói quen tồn tại.
Thói quen là “một chuỗi phản xạ có điều kiện do rèn luyện mà có.” Phản xạ có điều kiện do thói quen là phản ứng của cơ thể trước một số tác nhân kích thích, được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Thói quen có thể sinh ra mà cũng có thể mất đi. 2 thành phần trong bộ não tham gia vào quá trình tạo hay diệt một thói quen là hạch nền (basal ganglia) và vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex). Hạch nền tiếp nhận và lặp lại một hành vi một cách máy móc. Trong khi đó, vùng vỏ não trước trán kiểm soát suy nghĩ và quá trình đưa ra quyết định ngắn hạn.
Nếu chỉ một trong hai thành phần làm chủ quá trình hình thành thói quen đều tiềm ẩn một số vấn đề nhất định. Hạch nền hoạt động một cách khá thụ động và máy móc: nó không thể phân biệt được đâu là hành vi tốt, đâu là hành vi xấu. Ngược lại, vùng vỏ não trước trán lại thích lợi ích lâu dài, và nó sẽ can thiệp khi có sự kém hiệu quả xảy ra, tuy nhiên, nó lại tiêu tốn nhiều năng lượng và sức mạnh ý chí.
Như vậy, để não bộ hoạt động năng suất, con người cần biết cách vận dụng cả 2 thành phần kể trên: Để vùng vỏ não trước trán đưa ra quyết định hoạt động có lợi lâu dài, rồi để hạch nền duy trì hoạt động lặp lại cho tới khi hoạt động đó trở thành thói quen.
Vòng lặp thói quen
Hình minh họa: Vòng lặp thói quen
Bất kể một thói quen nào cũng trải qua chu trình tuần tự sau đây:
Hạch nền dựa vào các gợi ý (cues) để kích hoạt thói quen. Các gợi ý có thể hữu hình (như đồ vật, địa điểm,...) hoặc vô hình (thời gian, mùi hương,...). Ví dụ, khi học sinh nghe thấy tiếng trống vào lớp (gợi ý vô hình) là bắt đầu chạy về chỗ ngồi (phản ứng).
Sau đó là chuỗi hành động lặp lại (routine) - có thể là hành động vật lý, tâm lý, hoặc cảm xúc. Quay trở lại ví dụ trên, sau khi nghe nhiều lần tiếng trống trường, học sinh mặc định trong đầu là tiếng trống đồng nghĩa với phải vào lớp ổn định ngay (phản ứng vật lý). Sau đó, phản ứng của các bạn có thể là: mở sách vở chuẩn bị cho tiết học đầu giờ (phản ứng vật lý), cảm thấy lo lắng vì sợ bị gọi lên kiểm tra bài cũ (phản ứng tâm lý).
Cuối cùng là phần thưởng (reward). Khi nhận được phần thưởng, bộ não sản sinh ra hormone hạnh phúc dopamine, ngược lại kích thích bộ não duy trì hành động đã thực hiện để tiếp tục được nhận thưởng, do đó dần hình thành phản xạ có điều kiện. Phần thưởng có thể đến từ bên trong (cảm giác thỏa mãn, trọn vẹn,...) hoặc đến từ bên ngoài (lời khen, quà tặng,...).
Ứng dụng của vòng lặp thói quen trong học tập
Việc tận dụng cơ chế xây dựng thói quen của não bộ đồng nghĩa với việc người học cần tối ưu hóa từng bước trong vòng lặp thói quen gồm 3 bước như đã nêu. Dưới đây là các bước gợi ý để giúp người học có thể xây dựng thói quen tốt một cách dễ dàng hơn.
Có một khởi đầu đơn giản, thuận lợi
Bước 1. Xác định rõ mục tiêu cho thói quen học tập mới. Một khi người học nắm được tại sao cần cố gắng tạo dựng thói quen, họ sẽ có được cú hích ban đầu để hành trình tạo thói quen lăn bánh.
Bước 2. Nên xây dựng 1-2 thói quen một lúc và chia nhỏ để thực hiện. Cần lưu ý là số lượng không nên vượt quá 4 thói quen một lúc để đảm bảo bộ não không bị quá tải và cảm thấy mệt mỏi.
Bước 3. Bắt đầu với những thói quen đơn giản, không quá phức tạp. Trong giai đoạn đầu này, việc xây dựng thói quen mới đang ở những bước sơ khai nhất, do đó khá dễ vỡ. Yêu cầu bản thân phải thực hiện những hành vi phức tạp ngay lúc này dễ dẫn đến tình trạng chán nản và suy nghĩ bỏ cuộc. Ví dụ: một người mới bắt đầu học tiếng Anh, chưa có từ vựng, chưa có kiến thức ngữ pháp, tự đặt mục tiêu cho bản thân là phải đạt điểm IELTS Writing 6.5 sau 2 tuần học gần như là một điều không thể thực hiện được. Như vậy, nếu có tham vọng chinh phục những thử thách lớn, người học hoàn toàn có thể nâng độ khó theo thời gian khi thói quen đã dần thành nếp.
Ứng dụng 3 bước trên: Giả sử, người học đang có nguyện vọng học tiếng Anh. Khi xác định thói quen học, người học không nên chỉ lên kế hoạch học chung chung là “học tiếng Anh” mà nên chia nhỏ thành các hoạt động như học từ vựng - “học 500 từ vựng trong 1 tháng” hoặc học Writing - “Làm chủ Writing Task 1 trong 1 tháng”. Sau đó tiếp tục chia nhỏ hoạt động theo tuần/ngày. Ví dụ với 2 thói quen trên chia theo ngày sẽ là “30 từ vựng 1 ngày” và “học paraphrase mở bài ăn điểm”.
Tích hợp trong môi trường có các tác nhân gợi ý (cues)
Hiểu một cách cơ bản, quá trình hình thành thói quen chính là quá trình tương tác qua lại giữa cá nhân người học và các tác nhân đến từ môi trường. Do đó, việc tích hợp những yếu tố giúp kích thích thói quen trong môi trường là một điều quan trọng trong hành trình tạo lập thói quen.
Thực hiện hành vi trong cùng một khung giờ, trong một thời lượng học cố định, trong một môi trường học nhất định. Ví dụ: người học có thể sắp xếp thời gian biểu cho việc học 30 từ vựng tiếng Anh là từ 9 giờ tối tới 10 giờ tối hàng ngày. Việc học sẽ được diễn ra cố định ở một số địa điểm như ở phòng học hoặc ở thư viện. Như vậy, cứ đến giờ là người học mặc định mở tài liệu ra học. Điều đáng lưu ý là trong quá trình hình thực hiện hành động, người học cần loại bỏ các yếu tố có thể gây ra gián đoạn hoặc sự trì hoãn như điện thoại, tiếng ồn,...
Tìm đến một giáo viên. Một người giáo viên có thể là một tác nhân gợi ý tuyệt vời giúp người học khơi gợi hứng thú với việc học. Một điều có ích khác của việc tìm đến một giáo viên là con người học rất nhanh thông qua việc bắt chước. Trong lớp khi được giáo viên chia sẻ về cách tư duy xử lý vấn đề của mình (đóng vai trò như một gợi ý), học viên dễ lặp lại hành vi đó và bộ não học viên có thể tạo phản xạ có điều kiện tương tự.
Lặp lại hành động thường xuyên
Lên kế hoạch thực hiện thói quen định kỳ. Người học có thể xác định yếu tố định kỳ dựa trên thời gian (hàng ngày, hai ngày một lần,...) hoặc dựa trên chuỗi hành động (ví dụ: ngồi ngay vào bàn học sau khi tắm xong hoặc sau khi đi dạo tối,...).
Duy trì thực hiện hành động cho tới khi hành động đó trở thành một thói quen. Như vậy, người học cần cố gắng duy trì lịch trình thực hiện thói quen đều đặn nhất có thể, gần như không được phép bỏ buổi hoạt động nào, trừ khi có trường hợp bất khả kháng xảy ra.
Dưới đây là một dấu hiệu cho thấy hành vi đã trở thành thói quen:
Người học không còn cảm thấy có cản trở gì về mặt tâm lý trong việc thực hiện hành động đó. Nói cách khác, họ có thể thực hiện hành động đó một cách tự động và bản năng.
Người học chỉ tạm dừng thực hiện hành động trong trường hợp khẩn cấp.
Người học cảm thấy việc thực hiện hành động đó là bình thường và thậm chí hơi tẻ nhạt (giống như việc đánh răng mỗi sáng sau khi thức dậy). Thói quen là một hành vi không mang tính cảm xúc, do đó, người đã thành công trong việc xây dựng thói quen không cảm thấy phấn khích khi thực hiện thói quen.
Phần thưởng cho hành động
Phần thưởng đến từ bên trong (intrinsic rewards) (cảm giác thỏa mãn, cảm giác đạt được thành tựu,...) thường để lại tác động tích cực lâu dài và có sức ảnh hưởng nhiều hơn là phần thưởng đến từ bên ngoài (extrinsic rewards) (món quà, lời khen, điểm cao,..).
Khi người học càng cảm thấy thỏa mãn với quá trình học, thói quen học tập càng diễn ra suôn sẻ, và ngược lại, khi người học thấy chán nản với việc học, thói quen học tập càng suy yếu. Nói cách khác, mức độ thỏa mãn với việc học một bộ môn gì đó tỉ lệ thuận với khả năng học tốt môn học đó.
Tâm lý thỏa mãn thường sinh ra và được củng cố thêm khi người học có thể xây dựng được thói quen tốt chưa từng có (ví dụ: người học dần dần có thể nhớ từ 80% dần dần lên tới 90% số lượng từ vựng tự đề ra hoặc có thể viết mở bài phần IELTS Writing Task 1 trong vòng 1 phút) hoặc loại bỏ được thói quen xấu (thoát khỏi cảnh bị kẹt ý tưởng khi tiến hành viết IELTS Writing Task 2).
Một điểm đáng lưu ý ở đây là phần thưởng có tác dụng khích lệ việc lặp lại thói quen cần đến từ yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Đó là sự công nhận đến từ cả hai phía.
Để phần thưởng thực sự có ý nghĩa tích cực đối với quá trình học tập, người học có thể thử một số gợi ý sau đây:
Viết lên giấy cảm xúc tích cực sau khi thực hiện một hành động.
Dùng bullet journal hoặc ứng dụng theo dõi thói quen trên điện thoại giúp kiểm soát độ chuyên cần thực hiện hành động đó. Người học cũng nên dành thời gian theo các cột mốc nào đó (cuối mỗi tuần, mỗi tháng) để xem lại những mục tiêu, tiến độ, và thành quả thực hiện trong một thời gian. Việc định kỳ quan sát khoảng cách của bản thân hiện tại với mục tiêu đã được rút ngắn như thế nào có thể đem đến cảm giác đạt được thành tựu tuyệt vời nơi người học.
Nâng cao độ khó của hành động thêm một chút. Chỉ lặp đi lặp lại đơn thuần có thể dẫn tới sự nhàm chán. Việc biết rằng bản thân đã tiến lên một trình độ mới là một phần thưởng tuyệt vời giúp khích lệ bản thân. Ví dụ, khi luyện các đề thi IELTS Speaking, sau khi đã có thể quen các nhóm từ vựng theo chủ đề và học được cách thể hiện nội dung đúng, người học có thể để ý tới các yếu tố khác như tốc độ nói, ngữ điệu khi nói,...
Tránh đặt quá nặng kỳ vọng vào bản thân. Kỳ vọng lớn có thể kích thích người học cố gắng hơn, nhưng nó cũng tiềm ẩn rủi ro phá hỏng hệ thống xây dựng thói quen cơ bản. Điểm cốt lõi của việc xây dựng và duy trì thói quen vẫn luôn là sự kiên định và đều đặn trong việc thực hiện. Do đó, người học không nên quá căng thẳng với mục tiêu hàng ngày.
Tự thưởng cho bản thân một số phần quà vật chất: đồ ăn ngon, món đồ mình muốn mua, hay bất cứ hoạt động gì mình thích,...
Một vài lưu ý đối với giáo viên: Trong quá trình giảng dạy trên lớp, giáo viên cần đảm bảo rằng học viên có thể hoàn toàn thực hiện được bài tập được giao (nhằm tăng cảm giác thỏa mãn và gặt hái được thành tựu nơi học viên để tác động ngược lại tới quá trình hình thành thói quen học tập).
Để làm được điều này, giáo viên có thể thiết kế bài giảng phù hợp với trình độ học viên, đưa ra những gợi ý phù hợp, khen thưởng, nhận xét tích cực, hoặc làm mẫu để học sinh noi theo. Ngoài ra, đối với những học sinh có học lực yếu hơn, giáo viên cũng cần giúp đỡ thêm để các bạn có thể vẫn thu được cảm giác thỏa mãn từ quá trình học tập.
Tổng kết
Trên thực tế, kiến thức, động lực, hay lòng quyết tâm đối với việc học không phải là yếu tố tiên quyết giúp người học thành công trong sự nghiệp học tập và phát triển bản thân. Hóa ra thói quen mới là nhân tố gốc rễ cho sự nghiệp đó.
Thói quen được hình thành do cơ chế bộ não con người ngần ngại những thay đổi lớn và thích sự năng suất. Nó chịu sự kiểm soát của hạch nền (giúp lặp lại hành vi một cách tự động) và vùng vỏ não trước trán (giúp đánh giá lợi ích của hành vi đó về mặt lâu dài).
Để một thói quen được hình thành luôn cần tới 3 yếu tố tạo nên vòng lặp thói quen, gồm tác nhân gợi ý, hoạt động lặp lại, và phần thưởng. Để tối ưu tác nhân gợi ý, người học cần tìm cách tích hợp các yếu tố dựa trên thời gian hoặc chuỗi hành động vào môi trường hợp tập. Để tối ưu hoạt động lặp lại, người học cần thiết lập thời gian, địa điểm, và cam kết thực hiện hành động đều đặn. Để tối ưu phần thưởng, người học cần kết hợp cả sự công nhận đến từ bên trong và bên ngoài.
Nguyễn Thị Hồng Nhung
Bình luận - Hỏi đáp