Logic trong một đoạn văn được hình thành như thế nào? (P2)

tác giả sẽ giải thích rõ về khái niệm tư duy logic và giúp người đọc hiểu được logic trong một đoạn văn được hình thành như thế nào.
author
ZIM Academy
27/12/2020
logic trong mot doan van duoc hinh thanh nhu the nao p2

Trong Phần 1 của bài viết Logic trong một đoạn văn được hình thành như thế nào?, tác giả đã nêu lên định nghĩa về logic, logical thinking và tầm quan trọng của việc xây dụng logic trong một đoạn văn. Ở phần này, tác giả sẽ tiếp tục nói về hình thái của logic trong một đoạn văn: nguyên tắc Kim tự tháp và cách áp dụng.

Nguyên tắc Kim tự tháp trong việc sắp xếp ý tưởng và tạo sự logic trong một đoạn văn

Mỗi người đọc đều có cách nhìn nhận và tư duy khác nhau đối với một văn bản nói chung và mỗi đoạn văn nói riêng, thế nên việc tạo ra cấu trúc viết đoạn với nhiệm vụ sắp xếp các ý tưởng và nội dung logic trong một đoạn văn nhất có thể là thực sự cần thiết. Các cấu trúc này sẽ làm thỏa mãn đa số tư duy của người đọc nếu được viết dựa theo các quy tắc và sự thật được xã hội công nhận.

Barbara Minto đã đề xướng Nguyên tắc Kim tự tháp (The Pyramid Principle) – một cấu trúc lý tưởng trong việc sắp xếp các quan điểm, lập luận dưới dạng sơ đồ. Nguyên tắc Kim tự tháp chỉ ra rằng: “các ý tưởng trong văn bản phải luôn tạo thành một Kim tự tháp dưới một ý nghĩ duy nhất”. Các ý chính khái quát và trừu tượng hơn sẽ được ưu tiên sắp xếp trước, theo sau là những ý tưởng phụ với nhiệm vụ hỗ trợ và đi vào chi tiết. 

logic-trong-mot-doan-van-2

Đọc thêm: Tư duy logic là gì – Các kiểu lập luận theo tư duy phi logic phổ biến

Tại sao cần xắp xếp ý tưởng trong đoạn văn theo chiều đi xuống của Nguyên tắc Kim tự tháp?

Một đoạn văn cần được trình bày theo cách có thể hoạt động độc lập, thể hiện được một nội dung bao gồm các ý tưởng chính và phụ. Và vì những ý tưởng lớn luôn bắt nguồn từ những ý tưởng nhỏ, nên cấu trúc lý tưởng của các ý tưởng sẽ luôn là một Kim tự tháp gồm các nhóm ý tưởng gắn với nhau bởi một ý tưởng tổng thể duy nhất. 

Việc thiết lập nên một cấu trúc để nhóm các ý nhằm làm rõ tư duy của một người hay để tối ưu sự diễn đạt trong quá trình bản thân nói hoặc viết là cần thiết. Và cấu trúc này cũng nên là một Kim tự tháp. Việc trình bày các ý tưởng và quan điểm của bản thân trong đoạn văn theo Nguyên tắc Kim tự tháp giúp người viết làm rõ sáng tỏ tư duy của mình, là tiền đề cho việc có thể viết được các câu với ý nghĩa rõ ràng và trực diện.

Cũng theo Barbara Minto: “Tâm trí tự động sắp xếp thông tin thành các nhóm hình chóp riêng biệt để hiểu nó. Mọi nhóm ý tưởng sẽ dễ hiểu hơn nếu nó được sắp xếp vào kim tự tháp của nó”. Đây chính là cách diễn đạt theo từng bước để tạo nên một chuỗi lý luận có ý nghĩa, đáp ứng được bản chất của tư duy logic là tư duy theo từng bước, tạo nên logic trong một đoạn văn. 

Cấu trúc của một Kim tự tháp dùng để sắp xếp ý tưởng

Trong cấu trúc hình chóp của Nguyên tắc Kim tự tháp, Barbara Minto có đề cập đến 3 quy tắc cần tuân theo như sau:

Các ý tưởng sẽ được liên hệ theo chiều dọc – “trong đó một điểm ở bất kỳ cấp độ nào sẽ luôn là bản tóm tắt hay sự khái quát cho các ý tưởng được nhóm bên dưới”. 

Đỉnh của kim tự tháp sẽ là một khẳng định hoặc câu trả lời cho một vấn đề nào đó được nêu lên. Các ý tưởng ở phía dưới góp phần làm rõ thêm khẳng định hoặc đưa ra thêm dẫn chứng để củng cố tính thuyết phục cho câu trả lời. Đây chính là trật tự từ trên xuống.

Trật tự này càng được củng cố về tính hữu dụng khi mà “hầu hết người đọc sẽ từ chối việc đọc lại phần trước hoặc đọc nhảy quan một số phần ở sau để tạo sự liên kết giữa các thông tin”, theo Barbara Minto. Người đọc sẽ hiểu được sự trình bày của các ý tưởng một cách dễ dàng hơn nếu chúng được nhóm lại, tóm tắt và trình bày từ trên xuống dưới. 

Các ý tưởng cùng nhau trình bày cho một lập luận hợp lý lớn hơn sẽ được xếp vào cùng nhóm theo chiều ngang – “trong đó các điểm ngang hàng nhau ở bất kỳ cấp độ nào sẽ luôn thuộc cùng một loại”. 

Các ý tưởng ngang hàng trong cùng một nhóm đều phải thuộc cùng một phạm trù, tức nếu một ý tưởng trong nhóm nào đó đang nói về 1 lý do/ 1 bước/ 1 vật/ … thì những ý tưởng còn lại trong cùng nhóm phải cùng nói về các lý do/ các bước/ các vật/ … khác.  

Cách để kiểm tra việc các thành phần trong các nhóm ý tưởng đã hợp lý hay chưa là dán nhãn các ý tưởng với một danh từ số nhiều. Từ đó, người viết sẽ nhóm được các ý tưởng về các loại khác nhau và hạn chế khả năng đưa ra ý tưởng sai về mục đích lẫn ý nghĩa cần diễn đạt.

Ví dụ: Trong quá trình liệt kê các “vấn đề ô nhiễm môi trường”, người viết thông thường sẽ đi theo quy trình suy luận sau:

  • Giả thuyết 1: Khói bụi, khí thải, … Danh từ hoá: “Ô nhiễm không khí”

  • Giả thuyết 2: Nước sông bẩn, rác thải trên biển, … Danh từ hoá: “Ô nhiễm nước”

  • Giả thuyết 3: Đất nhiễm độc hoá chất, nhiễm phóng xạ, … Danh từ hoá: “Ô nhiễm đất”

  • Giả thuyết 4: Nước biển dâng cao, biển xâm thực đất liền, … Danh từ hoá: “Băng tan”

Kết luận: Các vấn đề ô nhiễm môi trường có thể được liệt kê như là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm đất và băng tan.

logic-trong-mot-doan-van-3

Tuy vậy, trong ví dụ trên “ô nhiễm không khí”, “ô nhiễm nước” và “ô nhiễm đất” đều cùng thuộc nhóm “các vấn đề ô nhiễm môi trường”, tuy vậy “tan băng” lại không phải là một vấn đề ô nhiễm môi trường mà chỉ là hệ quả của việc trái đất nóng lên. Vì vậy, cần loại bỏ cụm từ “băng tan” để cho nhóm ý tưởng nêu trên trở nên logic hơn.

Người viết cần đảm bảo truyền tải được lý do cụ thể tại sao ý tưởng thứ hai đến sau ý tưởng đầu, và không thể đến trước hoặc đứng ở vị trí thứ ba. 

Về cơ bản, chìa khóa để tạo nên sự logic trong một đoạn văn là sắp xếp ý tưởng vào hình chóp Kim tự tháp và kiểm tra chúng theo các quy tắc trên (liên hệ theo chiều học – cùng nhóm theo chiều ngang) trước khi bắt đầu viết. Nếu bất kỳ quy tắc nào bị phá vỡ, đó là dấu hiệu cho thấy có sai sót trong suy nghĩ của người viết, hoặc các ý tưởng chưa được phát triển đầy đủ hoặc chúng không liên quan theo cách sẽ làm cho thông điệp của chúng trở nên rõ ràng ngay lập tức với người đọc. Sau đó, người viết có thể tinh chỉnh chúng cho đến khi chúng tuân theo các quy tắc, từ đó tạo nên logic trong một đoạn văn và loại bỏ khả năng phải viết và sửa lại sau này.

Ngoài ra, để đảm bảo việc thiết lập trật tự logic của các ý tưởng, chỉ có bốn cách để sắp xếp ý tưởng được Barbara Minto đề xuất là: Theo hướng diễn dịch, theo trình tự thời gian, theo trình tự cấu trúc và theo hướng so sánh.

Cách xây dựng một Kim tự tháp để tạo sự logic trong một đoạn văn

Barbara Minto đã đề xướng 8 bước để xây dựng một Kim tự tháp trong quá trình đưa ra lời giải thích hay lập luận và chúng được xếp vào 4 giai đoạn kiểm tra lập luận sau: 

  • Hoàn thiện đỉnh Kim tự tháp

  • Tạo sự liên kết giữa Câu trả lời với nội dung chính của đoạn 

  • Tìm ý tưởng 

  • Hình thành quan điểm bổ trợ

logic-trong-mot-doan-van-4

Hoàn thiện đỉnh Kim tự tháp

1 – Đưa ra Chủ đề cần bàn luận

2 – Dự đoán Câu hỏi của người đọc

3 – Đưa ra Câu trả lời cho câu hỏi của người đọc (Ý chính)

Tạo sự liên kết giữa câu trả lời cho câu hỏi của người đọc với tình huống đang cần giải quyết

4 – Tình huống đặt ra là gì?

5 – Kiểm chứng tính hợp lý của lập luận – được tạo nên bởi quá trình dự đoán Câu hỏi của người đọc + việc đưa ra Câu trả lời cho câu hỏi của người đọc (ở giai đoạn trên) xét theo tình huống đã nêu? 

Tìm ý tưởng

6 – Nêu ra Câu hỏi mở rộng có thể được gợi ra bởi Câu trả lời cho câu hỏi của người đọc? (Nếu có)

7 – Đưa ra các Ý tưởng, cũng chính là Câu trả lời mở rộng làm rõ chúng (Danh từ hoá nếu có thể)

Hình thành quan điểm bổ trợ

8 – Lặp lại quá trình “Câu hỏi – Câu trả lời” (nếu có thể)

Áp dụng vào quá trình trả lời cho câu hỏi Việc những chuyến du lịch đến các vùng sâu vùng xa đang ngày càng trở nên phổ biến có mang lại ảnh hưởng tích cực người dân bản địa và môi trường hay không?, các bước trên sẽ được áp dụng như sau:

Bước 1 

Vẽ một hộp vuông đại diện cho đỉnh của Kim tự tháp và viết ra chủ đề cần thảo luận.

Chủ đề cần thảo luận: Sự phổ biến ngày càng tăng lên của du lịch đến các vùng sâu vùng xa có ảnh hưởng đến người dân bản địa và môi trường ở những vùng đó.

Bước 2

Quyết định những câu hỏi mà người đọc có thể đặt ra về những khía cạnh mà họ có thể còn thắc mắc.

Người đọc có thể câu hỏi sau: Xu hướng trên có thật sự mang lại ảnh hưởng tích cực đối với người dân bản địa và môi trường tại những vùng đó hay không?

Bước 3

Viết ra Câu trả lời cho câu hỏi của người đọc (Ý chính)

Câu trả lời cho câu hỏi của người đọc: Sự phổ biến ngày càng tăng lên của du lịch đến các vùng sâu vùng xa mang lại nhiều lợi ích cho người dân bản địa và môi trường tại những vùng đó.

Bước 4

Xác định tình huống để kiểm chứng tính hợp lý về: quá trình dự đoán Câu hỏi người đọc đưa ra + việc Câu trả lời cho câu hỏi của người đọc (được nêu ra ở trên).

Tình huống: Lượng khách du lịch đến với các vùng sâu vùng xa tăng lên cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu ăn uống, chỗ ở, đi lại và dịch vụ tại các địa phương cũng tăng lên.

Bước 5

Xác minh hợp lý của lập luận ban đầu trong tình huống đã nêu

Kiểm chứng: Lập luận đã nêu trên là hợp lý (xét theo sự tăng trưởng về hoạt động kinh tế trong nhiều lĩnh vực tại các địa phương)

Bước 6

Đưa ra thêm Câu hỏi mở rộng để phục vụ mục đích làm rõ cho Câu trả lời cho câu hỏi của người đọc (Ý chính)

Câu hỏi mở rộng: Những ảnh hưởng tích cực nào mà các địa phương sẽ có được khi nhu cầu ăn uống, chỗ ở, đi lại và dịch vụ tăng lên?

Bước 7

Đưa ra các Ý tưởng – Các câu trả lời mở rộng cho Câu hởi mở rộng hỏi “Những ảnh hưởng tích cực nào…?” 

Câu trả lời mở rộng:

  • Giúp giảm tỉ lệ thất nghiệp (a)

  • Giúp cải thiện cơ sở hạ tầng (b)

Bước 8

Sau khi đã đưa ra những ý tưởng hợp logic như trên, người viết có thể lặp lại các bước từ 1-7 ở trên để làm rõ hơn cho tính thuyết phục của từng ý tưởng. Ngoài ra, người viết cũng có thể đóng lại quá trình lập luận với phần kết đưa ra 1 hoặc 2 dẫn chứng cụ thể cho các ý tưởng trên.

Dẫn chứng:

  • (a): Nhu cầu tăng lên về ăn uống, chỗ ở và dịch vụ đồng thời tạo thêm nhiều việc làm hơn trong các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và công ty du lịch.

  • (b): Nhu cầu tăng lên về đi lại sẽ thúc đẩy việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông hiện có hoặc xây thêm nhiều đường và cầu hơn.

Từ quá trình phân tích tình huống và sắp xếp ý tưởng để tạo sự logic trong một đoạn văn, ta có thể viết được một đoạn văn hoàn chỉnh về nội dung và hình thức như sau: Sự phổ biến ngày càng tăng lên của du lịch đến các vùng sâu vùng xa mang lại nhiều lợi ích cho người dân bản địa và môi trường tại những vùng đó. Đầu tiên, sự phát triển của loại hình du lịch trên giúp giảm tỉ lệ thất nghiệp. Nhiều việc làm hơn cho người dân bản địa sẽ được tạo ra trong các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và công ty du lịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về ăn uống, chỗ ở và dịch vụ khi khách thăm quan đến những địa vùng đó. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở những điểm đến du lịch cũng sẽ được cải thiện. Điều này là bởi vì lượng khách du lịch tăng lên cũng đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương cần chú trọng hơn vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông hiện có hoặc xây thêm nhiều đường và cầu hơn để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao mỗi khi đến mùa du lịch.

Tổng kết

Bài viết trên đã phân tích về định nghĩa Logical thinking, đồng thời cũng nêu lên ý nghĩa, công thức và ví dụ áp dụng Logical thinking vào việc viết một đoạn văn hợp logic. Thông qua bài viết, tác giả hy vọng người đọc có thể hiểu được tính logic trong một đoạn văn được hình thành như thế nào, hay các bước để để xây dựng logic trong một đoạn văn, từ đó giúp thông điệp của văn bản được truyền tải tới người đọc một cách hiệu quả hơn. 

Nguyễn Quang Hùng

Bạn muốn biết mình đang ở mức độ nào trong thang điểm IELTS hay cần làm quen với làm bài thi IELTS để vững vàng tâm lý trước ngày thi chính thức? Hãy đăng ký thi thử IELTS để trải nghiệm ngay hôm nay!

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

5.0 / 5 (1 đánh giá)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu