Lỗi giả định ngầm trong IELTS Writing Task 2 và cách khắc phục

Lỗi giả định ngầm khiến cho bài viết hoàn toàn bị lạc đề (off-topic), thiếu đi tính logic do không có sự liên kết giữa các luận điểm, luận cứ với đề bài, gây ra sự khó hiểu cho người đọc và ảnh hưởng trực tiếp lên điểm Task Response trong IELTS Writing Task 2.
author
ZIM Academy
28/02/2022
loi gia dinh ngam trong ielts writing task 2 va cach khac phuc

Trong IELTS Writing Task 2, thí sinh được yêu cầu hoàn thành một bài viết dài khoảng 250 từ, bàn luận và nêu ý kiến về một vấn đề  bất kỳ đang diễn ra trong xã hội. Ngoài khả năng sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic là một yếu tố quan trọng không kém, trực tiếp ảnh hưởng đến cách sắp xếp và giải thích các luận điểm của thí sinh. Một bài viết thiếu đi tính logic sẽ rất khó có được band điểm cao khi mà các luận điểm được xếp theo một trình tự gây khó hiểu và cản trở quá trình đọc bài của người đọc. Để giúp học sinh có ý thức hơn về việc ứng dụng tư duy logic, bài viết này sẽ tập trung thảo luận lỗi giả định ngầm – một lỗi tư duy logic phổ biến mà thí sinh hay gặp phải trong IELTS Writing Task 2 đồng thời đưa ra cách khắc phục cụ thể cho lỗi đó.

Logic là gì? Tại sao cần có logic trong bài viết?

Tự giả định ngầm là một lỗi logic phổ biến do đó trước khi hiểu về lỗi này, người học tiếng Anh cần hiểu logic là gì và tại sao cần tính logic trong bài viết.

Trước khi đi đến với một kết luận cuối cùng (conclusion), con người thường phải trải qua một giai đoạn ba bước gồm: xác định vấn đề/đối tượng đang bàn luận (statement), rút ra cơ sở vấn đề dựa trên vấn đề đã xác định (premise) và nêu các lập luận giải thích hoặc chứng minh cho cơ sở (arguments). Logic chính là quá trình phân tích và đánh giá mối liên hệ giữa các đối tượng trong giai đoạn này, từ đó kiểm tra tính đúng sai của kết luận. Quá trình đánh giá này được thực hiện dựa trên việc trả lời các câu hỏi: ‘liệu cơ sở đã giữ được tính đồng nhất với vấn đề chưa?’ và ‘liệu các lập luận có bổ trợ cho nhau và cùng bổ trợ cho cơ sở cũng như kết luận cuối cùng hay không?’.

logic-la-giQuá trình đi đến kết luận cuối cùng trong IELTS Writing Task 2

Hiểu một cách đơn giản, tính logic trong một bài viết nói chung và bài viết IELTS Writing Task 2 nói riêng là tính liên kết mạch lạc giữa bốn yếu tố: vấn đề đã nhắc tới ở câu hỏi cho trước (tương đương statement), các luận điểm lớn (tương đương với premise), các luận cứ nhỏ (tương đương với arguments) và kết luận cuối cùng cho toàn bài (tương đương conclusion). Cụ thể, để đảm bảo được tính logic, người viết trước hết cần phải chắc chắn rằng các luận điểm lớn trong bài đều liên quan tới vấn đề đã cho và được giải thích bằng các luận cứ nhỏ. Tất cả những luận cứ nhỏ này phải đảm bảo bổ trợ cho nhau và cho luận cứ lớn. Chỉ khi nào hai sự liên kết này được thể hiện rõ ràng thì tính đúng đắn của kết luận cuối cùng về vấn đề mới được khẳng định. Một bài viết có logic sẽ không có luận điểm nào được nêu ra mà không có luận cứ cụ thể giải thích cho nó.

Mỗi bài viết IELTS Writing Task 2 đều cần thể hiện được tính logic bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng truyền tải của thông điệp mà người viết thể hiện trong bài. Người đọc sẽ không thể hiểu được nội dung bài nếu mỗi luận cứ đều có mục đích riêng hoàn toàn không liên quan tới nhau hoặc mối liên hệ giữa các luận cứ với luận điểm, giữa luận điểm với vấn đề quá rời rạc, lỏng lẻo. Khi cản trở quá trình đọc hiểu của người đọc như vậy, bài viết thiếu logic đó sẽ rất khó đạt được điểm Task Response và Coherence and Cohesion cao.

Tự giả định ngầm

Trước hết, xét một ví dụ như sau:

‘Cách quản lý tòa nhà này rất thiếu chuyên nghiệp, ví dụ những người quản lý thì lúc nào cũng hút thuốc.’

Ở ví dụ này, vấn đề mà người này đang đề cập đến là sự thiếu chuyên nghiệp trong phương thức quản lý tòa nhà. Luận điểm được đưa ra để giải thích cho sự thiếu chuyên nghiệp đó là “những người quản lý lúc nào cũng hút thuốc”. Rõ ràng, luận điểm này thiếu đi tính thuyết phục bởi nó chưa thật sự nêu được biểu hiện của sự thiếu chuyên nghiệp trong cách mà tòa nhà được quản lý, bao gồm các dịch vụ vận hành trong tòa nhà đó như bảo vệ an ninh hay vệ sinh môi trường. Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu logic ở đây là do người nói đã tự mặc định rằng ‘cách quản lý tòa nhà’ tương đồng với ‘người quản lý’. Tuy những người quản lý quả thực có liên quan mật thiết đến phương thức quản lý tòa nhà (họ là người đề ra những phương thức này), đây vẫn là hai thực thể khác nhau. Sự tự giả định ngầm này đã làm mất đi sự liên kết giữa vấn đề và luận điểm, khiến cho ý kiến mà người nói nêu ra không thể đạt được mục đích ban đầu là chứng minh sự thiếu chuyên nghiệp. 

Tự giả định ngầm là một lỗi logic phổ biến không chỉ trong các trường hợp đời thường như ví dụ trên mà còn rất hay gặp trong các bài IELTS Writing Task 2. Lỗi này xảy ra khi người viết dựa trên mối liên hệ mật thiết hay điểm chung giữa hai thực thể để mặc định rằng A chính là B. Thông thường, người viết sẽ ít khi mắc lỗi ở phần mở bài do đa số mở bài đều được diễn giải lại (paraphrase) dựa trên đề bài sẵn có. Thay vào đó, họ thường gặp phải lỗi này trong thân bài khi đưa ra các luận điểm lớn.

Lỗi giả định ngầm sẽ dẫn đến hai hệ quả sau:

  • Làm mất đi tính đồng nhất giữa các luận điểm trong bài viết với vấn đề cần bàn: bởi khi người viết giả định ngầm, đối tượng được nhắc đến trong đề bài sẽ không còn được phản ánh nguyên vẹn trong các luận điểm nữa.

  • Ảnh hưởng tới tính liên kết của các luận cứ với đề bài: Hệ quả này xuất phát từ chính hệ quả một. Bởi các luận cứ được nêu ra là để chứng minh, giải thích cho luận điểm, một khi luận điểm đã không còn liên quan đến vấn đề, các luận cứ sau đó cũng sẽ gặp phải tình trạng tương tự – không đề cập (address) được đối tượng trong câu hỏi.

Nói một cách đơn giản, lỗi giả định ngầm khiến cho bài viết hoàn toàn bị lạc đề (off-topic), thiếu đi tính logic do không có sự liên kết giữa các luận điểm, luận cứ với đề bài, gây ra sự khó hiểu cho người đọc và ảnh hưởng trực tiếp lên điểm Task Response.

Xét ví dụ thứ hai với một đề bài IELTS Writing Task 2 như sau:

’Many people are now spending more and more time travelling to work or school. Some people believe that this is a negative development while others think there are some benefits.

Discuss both views and give your opinions.’

(Dịch: Rất nhiều người hiện nay dành ngày càng nhiều thời gian hơn cho việc di chuyển tới chỗ làm hay trường học. Một số người cho rằng đây là một xu hướng tiêu cực, trong khi số khác nghĩ rằng xu hướng này đem lại một vài lợi ích nhất định.)

Với đề bài này, học sinh C chia thân bài thành hai đoạn văn chính, với đoạn đầu tiên đề cập tới những mặt tích cực của vấn đề và đoạn thứ hai viết về những mặt tiêu cực. Ở đoạn thứ hai, học sinh này phát triển một luận điểm như sau:

Luận điểm

Dành nhiều thời gian hơn cho công việc và học tập sẽ tạo ra nhiều áp lực hơn cho mọi người.

Luận cứ 1

Cụ thể với học sinh, thời gian học tập trên trường của họ vốn dĩ đã kéo dài gần ⅓ thời gian trong ngày.

Luận cứ 2

Nếu họ bỏ thêm nhiều giờ hơn vào việc học, học sinh sẽ không có đủ thời gian để thư giãn, khiến cho họ dễ gặp phải nhiều áp lực hơn.

Cũng giống như ví dụ trên, ở ví dụ này, học sinh C đã giả định ngầm rằng ‘spend more time on traveling to work or school’ chính là ‘spend more time on working or studying’. Hai đối tượng này có một điểm chung – đều nhắc tới công việc và học tập; tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng có thể thay thế được cho nhau vì về mặt ngữ nghĩa, hai thực thể này là khác nhau hoàn toàn.

  • (A) ‘Spend more time on traveling to work or school’ = Dành nhiều thời gian để di chuyển đến chỗ làm và trường học.

  • (B) ‘Spend more time on working or studying’ = Dành nhiều thời gian cho công việchọc tập.

Trong khi (A) nhấn mạnh vào đối tượng ‘di chuyển’, đối tượng được nhắc đến ở (B) là ‘công việc’ và ‘học tập’. Vì thế, việc mặc định ngầm (A) = (B) là sai. Điều này khiến cho luận điểm trên của học sinh C không giữ được tính đồng nhất với câu hỏi, từ đó khiến hai luận cứ phía sau thiếu đi mối liên hệ logic cần có với đề bài. Đọc xong luận điểm này, người đọc sẽ phải hỏi: ‘Những luận điểm, luận cứ này liên quan gì đến đề bài?’

loi-giam-dinh-ngam-vi-du

Xét tiếp một ví dụ thứ ba với đề bài như sau:

’Many countries are struggling with increases in crime rates and some think that having more police on the streets is the best way to reduce these increasing levels of crime.

Do you agree or disagree?’

(Dịch: Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng tỉ lệ phạm tội ngày càng tăng cao. Một số quan điểm cho rằng có thêm nhiều cảnh sát ở trên đường phố hơn là cách tốt nhất để giảm thiểu số lượng của các tệ nạn này.)

Trước hết, ta xác định được đối tượng mà đề bài tập trung hướng tới là ‘having more police on the streets’ và yêu cầu của đề là nêu quan điểm đồng ý hay không đồng ý về ý kiến ‘có thêm nhiều cảnh sát ở trên đường phố hơn là cách tốt nhất để giảm thiểu số lượng của các tệ nạn’.

Nhìn vào cách phát triển luận điểm không đồng ý của một học sinh D như sau:

Luận điểm

Tuyển thêm nhiều cảnh sát hơn (hiring more police) không đem lại hiệu quả cao do thời gian đào tạo một cảnh sát giỏi nghiệp vụ là rất lâu.

Luận cứ 1

Trên thực tế, quá trình này thường kéo dài 4, thậm chí là 6 năm.

Luận cứ 2

Đối với một vấn đề cấp bách cần giải quyết ngay như tỉ lệ phạm tội gia tăng, thực hiện một giải pháp cần nhiều thời gian như vậy sẽ khiến tình hình xấu đi.

Một lần nữa, sự giả định ngầm đã xảy ra giữa hai đối tượng (A) ‘having more police on the streets’ (B) ‘hiring more police’. Học sinh D mặc định rằng để có nhiều cảnh sát hơn trên đường phố, các đồn cảnh sát sẽ phải tuyển nhiều người hơn.

Mối tương quan giữa (A) và (B) cùng là sự gia tăng trong số lượng cảnh sát. Tuy nhiên, trong khi (A) đề cập tới sự gia tăng trong số lượng cảnh sát trên đường phố, (B) lại nói về sự gia tăng số lượng cảnh sát trong nghề cảnh sát nói chung. Ở trường hợp này, mặc định rằng (A) = (B) là không chính xác bởi có nhiều cảnh sát trên đường phố hơn không có nghĩa là các đồn cảnh sát cần phải tuyển nhiều người hơn. Thay vào đó, họ chỉ cần điều động nhiều cảnh sát hơn đến canh gác ở các tuyến đường là có thể đáp ứng được (A), và quá trình này không tốn nhiều thời gian như trong luận cứ 1 và 2.

Do quá trình giả định ngầm này giữa (A) và (B), luận điểm mà học sinh D đưa ra – ‘thời gian đào tạo một cảnh sát giỏi nghiệp vụ là rất lâu’ – đã bị lạc đề, trong khi luận cứ 1 thiếu liên kết với đề bài còn luận cứ 2 mất đi độ thuyết phục của nó. Toàn bộ luận điểm hoàn toàn không giải thích được tại sao học sinh D lại không đồng ý với quan điểm trong đề bài.

loi-giam-dinh-ngam-vi-du-02

Cách khắc phục lỗi giả định ngầm trong IELTS Writing Task 2

Khi phát triển luận điểm trong dàn ý, ta cần xác định thật rõ ràng đối tượng mà luận điểm đó đang đề cập đến có đồng nhất với đối tượng trong đề bài hay không. Việc giả định đối tượng A là đối tượng B do hai đối tượng này có mối liên hệ mật thiết với nhau nên được hạn chế. Trước khi khẳng định giả định đó là đúng, ta có thể và nên làm một phép thử. Nếu như A là B, vậy ngược lại, B có là A không? Nếu câu trả lời là không, hai thực thể này không nên được sử dụng như một thay thế hoàn toàn cho nhau. Bước xác định này đóng vai trò rất quan trọng bởi nó quyết định liệu những luận điểm lớn và những luận cứ nhỏ sau đó có được gắn kết chặt chẽ với đề bài hay không.

Với ví dụ của học sinh C, sau khi làm phép thử, ta có thể kết luận rằng ‘spend more time on working or studying’ không tương đồng với ‘spend more time on travelling to work or school’ hay ngược lại. Như vậy, với đề bài này, học sinh nên cẩn thận trong bước xây dựng luận điểm và không nên ngay lập tức mặc định ngầm. Thay vào đó, học sinh C có thể sửa luận điểm của mình thành như sau: ‘Dành nhiều thời gian cho việc di chuyển tới chỗ làm và trường học sẽ làm giảm khoảng thời gian mọi người có thể dành ra cho gia đình và bạn bè, từ đó tiếp tục phát triển các luận cứ bổ trợ.

Tổng kết

Về bản chất, logic xoay quanh sự sắp xếp và mối liên kết chặt chẽ giữa các thông tin. Một bài viết IELTS Writing Task 2 có sự logic sẽ là một bài viết đảm bảo được rằng bốn yếu tố: vấn đề, cơ sở, luận điểm và luận cứ đưa ra có sự kết nối rõ ràng và dễ hiểu, từ đó tạo dựng được một cơ sở thuyết phục chứng minh cho kết luận. 

Oanh Nguyễn

Người học muốn kiểm tra trình độ hiện tại của bản thân trong thang điểm IELTS. Tham gia thi thử IELTS trên giấy tại ZIM với format bài thi chuẩn thi thật biết điểm ngay.

Bạn muốn học thêm về nội dung này?

Đặt lịch học 1-1 với Giảng viên tại ZIM để được học sâu hơn về nội dung của bài viết bạn đang đọc. Thời gian linh hoạt và học phí theo buổi

Đánh giá

(0)

Gửi đánh giá

0

Bình luận - Hỏi đáp

Bạn cần để có thể bình luận và đánh giá.
Đang tải bình luận...
Tư vấn nhanh
Chat tư vấn
Chat Messenger
1900 2833
Đang tải dữ liệu