Lỗi về sự mạch lạc trong IELTS Speaking Part 3 và cách khắc phục
Trong bài thi IELTS Speaking, không ít thí sinh gặp vấn đề với yếu tố “Coherence” – “độ mạch lạc” – trong tiêu chí Fluency and Coherence. Sự mạch lạc trong IELTS Speaking ảnh hưởng tới hiệu quả giao tiếp và từ đó, tới kết quả đánh giá bài thi. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về khái niệm sự mạch lạc trong IELTS Speaking, bài viết dưới đây sẽ trình bày định nghĩa chi tiết của độ mạch lạc, chỉ ra những lỗi mạch lạc phổ biển cũng như kèm theo phương pháp để sửa và cải thiện. Sự mạch lạc (coherence) là yếu tố vô cùng quan trọng trong phần IELTS Speaking, bởi đây là một trong những yếu tố trong tiêu chí “Fluency và Coherence” trong Band descriptor của phần Speaking.
Minh chứng rõ nhất cho điều này là việc từ “coherence” xuất hiện ba lần trong Band Descriptors chính thức cho phần IELTS Speaking:
Band 7 | speaks at length without noticeable effort or loss of coherence |
Band 6 | is willing to speak at length, though may lose coherence at times due to occasional repetition, self-correction or hesitation |
Band 4 | links basic sentences but with repetitious use of simple connectives and some breakdowns in coherence |
Trong bảng trên thì có thể thấy rằng những thí sinh bị điểm 4 ở mục Fluency và Coherence bị mắc phải lỗi “breakdowns in coherence” – mất đi hoàn toàn sự mạch lạc trong phần nói. Ở band điểm 6 thì bài nói thường xuất hiện một số lỗi liên quan đến mạch lạc, thể hiện qua việc tự chữa lỗi, lặp lại từ và do dự. Và chỉ đến khi người nói diễn đạt ý một cách trôi chảy thì mới được trọn vẹn band 7. Đây chính là minh chứng cho tầm quan trọng của sự mạch lạc trong phần nói.
Về mối liên quan giữa độ mạch lạc với Part 3, phần này được thiết kế để kiểm tra khả năng trình bày ý kiến một cách thuyết phục, cũng như là để phân tích và bàn luận chuyên sâu về một vấn đề cụ thể. Do vậy, các câu hỏi trong phần 3 sẽ thường mang tính khái quát và trừu tượng cao, làm cho việc đưa ra câu trả lời trở nên khó khăn đối với phần đông thí sinh. Khi thí sinh quá tập trung vào nội dung ý tưởng, việc trình bày có thể bị ảnh hưởng và từ đó, tính mạch lạc của câu trả lời không được bảo đảm.
Chính vì những lý do trên, thí sinh nên chú ý vào việc cải thiện sự mạch lạc trong IELTS Speaking, đặc biệt trong bài nói của phần IELTS Speaking Part 3. Điều này sẽ khiến trải nghiệm nghe-hiểu của giảm khảo được cải thiện và nhờ đó thì thí sinh có thể đạt điểm cao cho tiêu chí này.
Định nghĩa
Định nghĩa thông thường
Về định nghĩa của “coherence”, hầu hết các từ điển đều nhấn mạnh rằng từ này dùng để miêu tả tính chất “logic” và “nhất quán” giữa các thành phần với nhau, từ đó tạo nên một thể thống nhất. Ví dụ rõ nhất nằm trong định nghĩa của từ điển American Heritage Dicitonary và Oxford, khi mà các từ khoá “logical” và “consistent” – nghĩa là “mang tính logic” và “nhất quán” – đều được sử dụng để định nghĩa cho từ “coherence”. Do đó nên hai từ khoá này có thể được hiểu là hai tính chất chính của độ mạch lạc. Tuy nhiên, để có cái nhìn sâu hơn về tính mạch lạc, bài viết sẽ đưa ra và phân tích định nghĩa học thuật của khái niệm này.
Hai tính chất chính của độ mạch lạc
Định nghĩa học thuật
Các nhà ngôn ngữ học hiện vẫn chưa xác định được rõ một định nghĩa chung cho toàn thể khái niệm mạch lạc, và hiện tại có nhiều quan điểm khác nhau về những yếu tố cấu thành nên tính chất này. Một trong những định nghĩa sớm nhất về “coherence” là của Halliday và Hasan. Trong cuốn “Cohesion in English” (1976, as cited in Wang & Guo, 2014), hai tác giả này cho rằng chỉ cần dùng nhiều các từ/cấu trúc nối là sẽ đạt được độ mạch lạc. Dù đóng vai trò quan trọng, song từ nối/cấu trúc nối không phải là yếu tố duy nhất quyết định việc đảm bảo độ mạch lạc. Điều này được thể hiện trong ví dụ sau:
Ví dụ 1: The cat has just escaped from its cage. Therefore, I love my mother.
Dù hai câu ví dụ trên đã được nối lại bằng từ “Therefore”, nhưng xét về mặt tổng thể thì chúnglại không có chút liên kết logic gì với nhau. Câu thứ nhất nói rằng “con mèo đã thoát khỏi chuồng”, nhưng câu sau lại nói về một chủ đề khác biệt hoàn toàn, đó là “tôi yêu mẹ tôi”.
Ví dụ 2: The cat has just escaped from its cage. The cat is now free to walk around.
Ví dụ trên thì dù không hề có bất kỳ từ nối nào nhưng người nghe có thể hiểu ngay là chúng đều liên quan đến nhau về mặt nghĩa: câu thứ nhất nêu ra một sự kiện (con mèo vừa thoát khỏi lồng), và câu thứ hai tả về kết quả của sự kiện đó (con mèo giờ đã tự do).
Từ đây thì ta có thể thấy được rõ rằng việc sử dụng từ/cấu trúc nối là yếu tố chỉ đóng vai trò bổ trợ cho sự mạch lạc, chứ không phải yếu tố quyết định sự mạch lạc trong bài nói.
Một quan điểm chính xác hơn về độ mạch lạc đã được Cribb (2012) đưa ra. Tác giả này đã xác định những yếu tố cấu thành nên sự mạch lạc bao gồm:
Những yếu tố cấu thành nên sự mạch lạc
Sự cụ thể trong câu – tức là các ý trong câu trả lời phải ám chỉ chính xác một đối tượng cụ thể nào đó;
Sự thống nhất về mặt logic giữa các ý với nhau trong IELTS Speaking – tức là các câu đều phải đồng nhất với nhau về phương diện logic;
Sự thống nhất về mặt logic tới chủ đề chung của bài nói – tức là các ý phải liên quan trực tiếp đến vấn đề đang được nói đến.
Ví dụ dưới đây minh họa cho từng yếu tố ở trên:
Topic sentence: Fry five spring rolls until crispy brown.
Requirement: Choose an option that is coherent with the topic sentence.
2a. Then place them on an oval plate.
2b. Then place them on this.
2c. Then place seven rolls on two plates.
2d. Then turn on the engine, and turn on the headlights immediately.
Câu chủ đề đã cho người nghe biết là ví dụ sẽ chủ yếu nói về nem rán.
Dựa trên cơ sở này thì có thể suy ra rằng 2a là đúng nhất vì nó thoả mãn cả ba điều kiện Cribb đã đưa ra: các ý trong câu đều rất rõ ràng (“them” chỉ năm cái nem, “an oval plate” chỉ một cái đĩa bầu dục để đựng nem); câu này và câu chủ đề được kết nối với nhau theo trình tự thời gian trước – sau; và chủ đề của câu này đúng là về nem rán.
Ý 2b không thoả mãn điều kiện cụ thể về nghĩa, vì từ “this” không ám chỉ cụ thể đối tượng nào, khiến nghĩa câu chỉ dẫn này trở nên mơ hồ.
Ý 2c không thoả mãn điều kiện thống nhất về mặt logic giữa các ý với nhau, vì câu này nói là đặt bảy chiếc nem lên đĩa, trong khi câu chủ đề chỉ nhắc đến năm chiếc.
Ý 2d không thoả mãn điều kiện thống nhất về mặt logic tới chủ đề của bài, vì bài đang đề cập đến món nem, nhưng câu này lại nói về việc khởi động động cơ và bật đèn pha.
Do Cribb (2012) đã bao quát đầy đủ các tính chất của sự mạch lạc nên định nghĩa này sẽ được dùng để làm cơ sở để đưa ra các vấn đề và đề xuất ra các giải pháp liên quan tới Speaking Part 3 trong các phần ở dưới.
Lưu ý: Ngoài ra còn một số yếu tố khác ảnh hưởng đến sự mạch lạc, như là ngữ pháp (Salem, 2007) và giọng của người nói (Derwing, 1997). Để tránh vượt quá khuôn khổ bài viết thì tác giả chỉ tập trung khai thác theo định nghĩa của Cribb.
Sự cụ thể trong câu
Một câu thiếu đi sự cụ thể là câu chứa những cách diễn đạt không ám chỉ đến đối tượng cụ thể nào, khiến người đọc không hiểu rõ thành phần được ám chỉ là gì.
Ví dụ 1. Bản gốc
Question: Why do you think children like books?
Answer: I think they can broaden the mind and make kids think about something else.
Trong trường hợp này, lỗi sẽ nằm ở từ “something else”, do từ này không ám chỉ cụ thể đến đối tượng nào và không giúp giải thích ý “broaden the mind”.
Ví dụ 2. Bản gốc:
Question: Do you think science will be important in the future?
Answer: Yes, I think science will be important. Science creates it and they make things better.
Lỗi ở ví dụ này nằm ở từ “it” vì từ này không ám chỉ cụ thể đến đối tượng nào và không giúp giải thích tầm quan trọng của “science”.
Về cách sửa những lỗi liên quan đến sự cụ thể này thì người nói nên:
Tránh sử dụng những từ hoặc những ý mang tính khái quát chung đến mức làm cho người nghe khó hiểu, như là “something” ở ví dụ 1. Những từ này nên được thay bằng những ví dụ hoặc các ý cụ thể hơn.
Nắm chắc chức năng của đại từ và luyện tập sử dụng hiệu quả, tránh trường hợp như là “it” ở ví dụ 2.
Nếu áp dụng những quy tắc về độ cụ thể để sửa ví dụ thì câu trả lời sẽ thay đổi như sau:
Ví dụ 1. Bản sửa:
Question: Why do you think children like books?
Answer: I think books can broaden the mind and make kids think more about societal issues.
Bản sửa mới đã giải thích cho ý “broaden the mind” bằng việc đưa ra một minh chứng cụ thể có liên quan là “societal issues” – vấn đề xã hội.
Ví dụ 2. Bản sửa:
Question: Do you think science will be important in the future?
Answer: Yes, I think science will be important. Science creates important technological inventions, and they make the world better.
Phiên bản mới đã cụ thể hoá từ “it” bằng cách dùng “technological inventions” (những phát minh khoa học kỹ thuật), một cụm từ phù hợp và cụ thể hơn với chủ đề chính của bài nói.
Sự thống nhất về mặt logic giữa các ý với nhau
Những câu thiếu sự thống nhất về mặt logic giữa các ý có biểu hiện dễ nhận thấy nhất là câu trước nói một điều nhưng câu sau nói ngược lại hoàn toàn, hoặc các chi tiết ở câu sau không đồng nhất với những gì đã nói ở câu trước.
Ví dụ. Bản gốc.
Question: What do you think students should learn at school apart from traditional subjects?
Answer: I think students should learn how to create music compositions. How can I say? I don’t think the school should help the student to make music. Let the student be more creative.
Trong ví dụ này, câu được gạch chân nói rằng “học sinh nên được học cách soạn nhạc” (“create music compositions”), nhưng câu giải thích được in đậm sau đó lại nói điều ngược lại hoàn toàn, rằng “trường học không nên giúp học sinh soạn nhạc” (“I don’t think the school should help the student to make music”). Do vậy, hai câu trên mâu thuẫn trầm trọng về mặt logic, dẫn đến bài nói không mạch lạc.
Để sửa những lỗi liên quan đến sự không đồng nhất về mặt logic giữa các ý với nhau thì người nói có thể cân nhắc những lựa chọn sau:
Nên tránh đề cập quá chi tiết đến những vấn đề không biết rõ. Thay vào đó thì nên tập trung đưa ra những nhận định khái quát trong tầm hiểu biết để có thể tự kiểm soát được các ý mình đang nêu ra, và từ đó tránh được tình trạng tự làm mình bối rối.
Cố gắng ghi nhớ và tách bạch các ý tưởng đã nêu để những ý theo sau không bị đối nghịch, mâu thuẫn.
Nếu thay đổi suy nghĩ, quan điểm hoặc cần phủ định lại ý tưởng đã nêu trước đó thì người nói cần kèm theo lý do cụ thể, rõ ràng.
Sử dụng những phương pháp trên thì có thể sửa ví dụ đã đưa ra ở trên theo cách sau:
Ví dụ. Bản sửa.
Question: What do you think students should learn at school apart from traditional subjects?
Answer: I think students should learn how to create music compositions. How can I say? On second thought, no, I don’t think students should learn how to make music, because it might be too hard. Instead, I think teachers should teach students how to play musical instruments.
Trong phần sửa này thì người nói đã báo hiệu rằng mình đã thay đổi quan điểm đã nêu ra ở câu đầu tiên bằng cách nói “On second thought, no…”, và rồi đưa ra lời giải thích cho sự thay đổi suy nghĩ này ở ngay sau đó (việc soạn nhạc quá khó đối với trẻ em, và thay vào đó thì giáo viên nên dạy học sinh cách chơi nhạc cụ).
Sự thống nhất về mặt logic tới chủ đề chung của bài nói
Sự thiếu thống nhất với chủ đề chung được thể hiện rõ nhất khi người nghe thấy rằng người nói nhắc đến một ý hoàn toàn không liên quan hoặc ít liên quan đến chủ đề chính của bài. Từ đó dẫn đến lỗi thiếu sự mạch lạc trong IELTS Speaking.
Ví dụ. Bản gốc.
Question: Do you think that reading physical books will continue to be important in the next generation and in the future?
Answer: I would say yes because publishers have to edit books to sell more copies
Trong ví dụ này thì ý “publishers have to edit books to sell more copies” (nhà phát hành phải chỉnh sửa sách để bán được nhiều hơn) không hề liên quan gì đến ý chính là liệu việc đọc sách giấy còn quan trọng trong tương lai hay không
Để sửa thì người nói có thể cân nhắc những giải pháp sau:
Đề cập thẳng đến vấn đề, tránh vòng vo quá lâu, vì nếu vòng vo càng lâu thì nguy cơ nói về những yếu tố không liên quan đến bài sẽ càng cao.
Người nói nên chú ý xác định rõ trọng tâm của câu hỏi trước khi trả lời bằng cách nghe để phát hiện từ khoá, rồi paraphrase lại câu hỏi. Điều này sẽ khiến người nghe hiểu rõ hơn ý chính của câu hỏi trước khi nói lên quan điểm của mình, từ đó tránh được trường hợp nói lạc đề.
Thông qua những giải pháp trên thì có thể sửa chữa được ví dụ trên theo cách sau:
Ví dụ. Bản chữa.
Question: Do you think that reading physical books will continue to be important in the next generation and in the future?
Answer: I think paper books will remain relevant in the future. This is because a lot of people, particularly those who are old, find e-books difficult to read and therefore prefer the physical version.
Trong ví dụ này thì ý “publishers have to edit books to sell more copies” đã bị loại bỏ hoàn toàn và được thay bằng ý có liên quan đến chủ đề hơn là “This is because a lot of people, particularly those who are old, find e-books difficult to read and therefore prefer the physical version.”, tức là “nhiều người già cho rằng đọc sách điện tử là rất khó, nên họ ưa đọc sách giấy hơn”.
Bài tập ứng dụng
Dưới đây là một số câu trả lời mẫu cho câu hỏi IELTS Speaking Part 3. Trong mỗi câu trả lời thì có 1 từ hoặc cụm từ có chứa lỗi liên quan đến sự mạch lạc. Hãy xác định (những) lỗi đó, và chỉ ra rõ rằng chúng chưa đạt được tiêu chí nào trong ba yếu tố quyết định sự mạch lạc đã giải thích ở trên.
Question 1: What factors make a great song?
Answer:
Oh a lot of things in fact.
It should have good guitar sounds, fast drums, and heavy bass.
I think a guitar solo and very emotional vocals are also necessary.
You can’t have a good rock track without all of these.
Question 2: How important do you think libraries are?
Answer:
I think they are super important.
Libraries have services like storing old documents.
They’re very useful for humanity in the future.
Question 3: Why do so many people want to be bankers nowadays?
Answer:
From my perspective, there are many reasons why many people want to work in banks.
One of the biggest is that it’s extremely easy and relaxing to do, unlike teaching.
So bankers have a lot more free time to spend with their family and friends.
I think another important reason is that people work there to challenge themselves, because dealing with money requires you to be very careful and precise.
…
Question 4: Do you think homes will be different in the future?
Answer:
I think there will be big changes in the future, yes.
Current homes have more plants and bigger windows compared to houses that are 40 years old.
…..
Những lỗi về sự mạch lạc trong IELTS Speaking trong những ví dụ được thể hiện qua những chi tiết sau:
Câu số 1 – Cụm từ “a good rock track”: vi phạm quy tắc số 3: Sự thống nhất về mặt logic giữa các câu với chủ đề.
Cụm từ “a good rock track” được dùng để chỉ những bản nhạc thuộc thể loại nhạc rock, trong khi đề bài chỉ yêu cầu người nói nêu ra những yếu tố tạo nên một bài hát hay nói chung.
Câu số 2 – Cụm từ “They’re”: vi phạm quy tắc số 1: Sự cụ thể.
Đại từ “They’re” ở đây không rõ chỉ đối tượng cụ thể nào trong số ba đối tượng khác nhau ở dòng số 2 (“Libraries”, “services” và “old books”). Người nghe cũng không thể suy đoán nghĩa được, vì “They’re” dù có ám chỉ đối tượng nào trong ba đối tượng trên đi chăng nữa thì câu đều có nghĩa tương đương.
Câu số 3 – Cụm từ “challenge themselves”: vi phạm quy tắc số 2: Sự thống nhất về mặt logic giữa các câu với nhau.
Dòng số 2 trong bài nói đã nêu rõ ràng rằng làm việc ở ngân hàng sẽ cực kỳ nhàn (“so easy and relaxing to do”). Tuy nhiên, điều này đi ngược hẳn lại với ý được nói ở dòng số 4, rằng có người chọn làm ở ngân hàng để tự thử thách bản thân (“people work there to challenge themselves”).
Câu số 4 – Cụm từ “Current homes” – “những căn nhà hiện thời”: vi phạm quy tắc số 2 và 3: Sự thống nhất về mặt logic giữa các câu với nhau và với chủ đề.
Chủ đề của bài, cũng như là của dòng số 1, là về những ngôi nhà trong tương lai (“homes in the future”), không phải là những căn nhà hiện nay (“current homes”) như dòng thứ 2 đã nêu.
Tổng kết
Bài trên được viết để giúp người nghe hiểu hơn về định nghĩa, biểu hiện, và quan trọng nhất là cách sửa lỗi sai về sự mạch lạc trong IELTS Speaking. Thông qua đó, tác giả hy vọng rằng người nghe có thể nắm rõ được những lỗi sai mà mình có thể mắc phải, sau đó tiến tới việc luyện tập cải thiện những lỗi sai này, từ đó tiến gần hơn đến số điểm mà mình mong muốn.
Vũ Trọng Hiếu
Bình luận - Hỏi đáp