Luật dấu câu trong SAT Writing & Language (Commas, Semicolon, Colons)
SAT Writing & Language là một trong những phần chính của bài thi SAT, nhằm đánh giá khả năng đọc hiểu, ngữ pháp thông qua các dạng bài tập cụ thể như chọn từ nối, dấu câu sao cho hợp lý. Ngoài ra, phần Writing còn đánh giá khả năng hoàn thành câu theo trật tự đúng, đòi hỏi thí sinh cần phải có năng lực phân tích và suy luận cao. Đối với học sinh Việt Nam có nhu cầu thi SAT, việc tập trung vào phần Writing & Language có thể cải thiện điểm số của thí sinh bởi những bài đọc ở phần thi này tương đối ngắn hơn so với phần Reading. Các dạng câu hỏi cũng có thể khá quen thuộc đối với học sinh Việt Nam khi phần lớn sẽ thiên về ngữ pháp là chủ yếu. Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về một trong những dạng bài tiêu biểu trong phần SAT Writing & Language, đó chính là dạng bài về dấu câu (cụ thể là Commas - dấu phẩy, Semicolons - dấu chấm phẩy, Colons - dấu hai chấm) đồng thời cung cấp những quy luật giúp thí sinh giải quyết dạng bài tập này.
Key takeaways
1. Dấu phẩy (Comma) có ba quy luật chính mà người học cần nắm bắt:
Sử dụng dấu phẩy ngay sau một câu tường thuật, mệnh đề hay mệnh đề bổ nghĩa (modifier).
Sử dụng dấu phẩy để liệt kê ba hoặc nhiều sự vật.
Sử dụng dấu phẩy cho những câu có chứa yếu tố không quan trọng (nonessential).
2. Dấu chấm phẩy (Semicolon) có tác dụng gần giống dấu chấm đó chính là ngăn cách hai mệnh đề độc lập, tuy nhiên điểm khác biệt nhỏ giữa dấu chấm phẩy và dấu chấm đó chính là kết nối hai mệnh đề có quan hệ gần gũi.
3. Dấu hai chấm (Colon) được sử dụng đằng sau một mệnh đề độc lập có đầy đủ chủ ngữ - vị ngữ nhằm liệt kê sự vật, hiện tượng hoặc để cung cấp thông tin khái quát cho mệnh đề đằng trước.
Luật dấu câu trong SAT (Commas, Semicolon, Colons)
Dấu phẩy (Commas)
Dấu phẩy là một trong những dấu câu điển hình được sử dụng nhằm kiểm tra hiểu biết của thí sinh trong phần thi SAT Writing & Language. Tuy nhiên, không phải người học nào cũng nắm chắc những quy tắc khi sử dụng dấu phẩy để lựa chọn đáp án sao cho hợp lý. Dưới đây là ba quy luật chính của dấu phẩy mà người học cần chú ý và nắm chắc để không mắc sai lầm khi lựa chọn phương án trả lời.
Rule 1: Sử dụng dấu phẩy ngay sau một câu tường thuật, mệnh đề hay mệnh đề bổ nghĩa (modifier).
Cụ thể, đối với một câu mở đầu bằng câu tường thuật (introductory clause) hay một mệnh đề bổ nghĩa (modifying phrase), dấu phẩy cần được sử dụng ngay đằng sau nó với tác dụng ngăn cách nghĩa đối với mệnh đề đứng sau.
Ví dụ: Trapped in a mine, John found it hard to breathe.
Đối với câu trên, bởi vì “Trapped in a mine” không thể đứng một mình thành một câu độc lập (do thiếu chủ ngữ), nên nó sẽ đóng vai trò là mệnh đề bổ nghĩa (modifying clause) nếu như theo sau là dấu phẩy ngăn cách với mệnh đề chính (ở trường hợp này là “John found it hard to breathe”). Nếu như không có dấu phẩy, người học sẽ khó hình dung đâu là chủ ngữ, vị ngữ trong câu và gây ra hiểu lầm, vì vậy nên dấu phẩy ở đây là thật sự cần thiết.
(Trường hợp bỏ dấu phẩy: Trapped in a mine John found it hard to breathe.)
Trong bài thi SAT, cụ thể là đối với dạng bài dấu câu, người học sẽ nhận được một đoạn văn (có thể là một đoạn trích từ một bài báo, bài nghiên cứu,...) và chọn phương án đúng. Người học hãy nhìn ví dụ dưới đây được trích từ bài tập SAT:
Although special origami paper can be bought at grocery stores; any paper that can hold a fold can be used.
NO CHANGE
Stores,
Stores, which
Stores -
Đối với bài tập trên, người học có thể thấy phân vân và chọn một trong những đáp án như A, C hoặc D. Tuy nhiên, đáp án đúng ở đây là B, bởi vì dấu phẩy sẽ được sử dụng đằng sau một mệnh đề bổ nghĩa/phụ thuộc (người học có thể nhận biết qua từ “Although”).
Nhắc lại: Mệnh đề bổ nghĩa/ phụ thuộc được sử dụng để liên kết và thiết lập mối quan hệ giữa hai mệnh đề trong câu, trong đó mệnh đề độc lập là mệnh đề chính và mệnh đề phụ là mệnh đề đi sau liên từ (ví dụ như liên từ “Although”, “Because”,...)
Người học có thể tham khảo thêm về mệnh đề phụ thuộc tại đây: Liên từ trong tiếng Anh phần 2: Liên từ phụ thuộc
Đối với đáp án C (store, which), phương án có dấu phẩy nhưng không chính xác là bởi vì “which” được dùng làm đại từ quan hệ, thay thế cho danh từ đã được nhắc đến trước đó. Tuy nhiên, trong đề bài, mệnh đề “any paper that can hold a fold can be used” không có thay thế cho danh từ nào ở mệnh đề trước cả vì cả hai mệnh đề đều khác chủ ngữ.
Ví dụ minh họa đúng về cách sử dụng “which”: I bought two novels, which are both from Harry Potter franchise. (“Which” ở đây thay thế cho danh từ “novels” được nhắc đến ở đằng trước.)
Rule 2: Sử dụng dấu phẩy để liệt kê ba hoặc nhiều sự vật.
Một trong những quy luật nữa mà người học cần lưu ý đó chính là sử dụng dấu phẩy khi liệt kê nhiều sự vật, hiện tượng, hành động,.. trong một câu. Người học cần phải dùng dấu phẩy để tránh gây hiểu lầm về mặt ngữ nghĩa, hoặc gây rối câu.
Ví dụ:
Trước khi thêm dấu phẩy: Her hobbies included drawing, reading novels and eating salmon.
Sau khi thêm dấu phẩy: Her hobbies included drawing, reading novels, and eating salmon.
Đối với ví dụ trên, dấu phẩy đã được sử dụng để liệt kê các hành động “drawing”, “reading novels” và “eating salmon” và ngăn cách chúng sao cho câu văn không bị rối về mặt ngữ nghĩa. Ngoài ra, người học cần phải lưu ý một quy tắc đó chính là những sự vật, hiện tượng, hành động được liệt kê đều cần phải cùng một từ loại (ví dụ: danh từ, động từ,...)
Ví dụ:
After college, John had three options: get a job, apply graduate courses, or start a business. (những hành động được liệt kê đều phải là động từ nguyên thể trong trường hợp này).
Rule 3: Sử dụng dấu phẩy cho những câu có chứa yếu tố không quan trọng (nonessential).
Người học hãy nhìn vào ví dụ dưới đây:
White sharks, the most fearsome creatures on the planet Earth, are actually less dangerous than they appear.
Mệnh đề được gạch chân “the most fearsome creatures on the planet Earth” được coi là một mệnh đề không quan trọng (nonessential) vì nó chỉ mang tính chất bổ sung thêm thông tin cho câu văn.
Sau khi bỏ mệnh đề được gạch chân đi, câu còn lại sẽ là: White sharks are actually less dangerous than they appear. (Cá mập trắng thực ra ít nguy hiểm hơn khi xuất hiện) Người học có thể thấy sau khi loại bỏ mệnh đề đó khỏi câu, thì câu vẫn giữ nguyên ngữ nghĩa và đủ về mặt nội dung.
Để nhận biết và phân biệt mệnh đề nonessential và essential rõ hơn, người học hãy nhìn vào một ví dụ khác dưới đây:
The guy cleaning the house is our custodian. (Dịch: Người đang lau chùi chính là người giúp việc của chúng tôi)
Trong trường hợp này, mệnh đề được gạch chân “cleaning the house” là một mệnh đề quan trọng (essential) bởi vì nó nhấn mạnh người nào. Nói cách khác, nếu như có rất nhiều người trong phòng, để chỉ rõ đâu là người giúp việc thì cần có một mệnh đề để làm rõ ai là người ta đang nói đến ở đây (ý chỉ sự quan trọng của mệnh đề này và không thể loại bỏ khỏi câu như trường hợp nonessential phía trên). Vì vậy, trong trường hợp này, dấu phẩy không thể được sử dụng trước và sau mệnh đề được gạch chân.
Đối với quy luật thứ ba của dấu phẩy này, để tránh chọn sai phương án trả lời, người học trước tiên cần trả lời được câu hỏi: Mệnh đề sau khi lược bỏ thì câu còn có ý nghĩa không. Nếu câu trả lời là có, thì người học sẽ phải sử dụng dấu phẩy để ngăn cách mệnh đề bổ sung đó với phần còn lại của câu. Còn nếu câu trả lời là không, người học cần loại bỏ dấu phẩy để câu có ý nghĩa rành mạch.
Dấu chấm phẩy (Semicolon)
Semicolon có tác dụng gần giống với dấu chấm (period) đó chính là ngăn cách hai mệnh đề độc lập. Tuy nhiên, dấu chấm phẩy cũng có điểm khác biệt nhỏ so với dấu chấm, đó chính là kết nối hai mệnh đề đối lập có quan hệ gần gũi với nhau.
Ví dụ:
I love the game of baseball; however, I don’t play it myself.
Bats are nocturnal creatures; they come out only during the night.
Sau hai ví dụ trên, người học có thể nhận ra sự tương đồng của việc sử dụng dấu chấm và dấu chấm phẩy, vậy thì trong bài thi SAT nên lựa chọn đáp án nào. Người học cũng chớ nên lo lắng bởi SAT không cho học sinh những dạng bài phải chọn lựa giữa dấu chấm và dấu chấm phẩy, vì dường như chúng có cách sử dụng gần như tương đồng.
Tuy nhiên, dấu chấm phẩy cũng vẫn được sử dụng trong bài thi SAT để nhằm kiểm tra sự hiểu biết của thí sinh giữa nó và các loại dấu khác như dấu phẩy, dấu hai chấm nên người học cần phải nắm chắc để chọn lựa phương án đúng nhất.
Dấu hai chấm (Colon)
Dấu hai chấm được sử dụng đằng sau một mệnh đề độc lập có đầy đủ chủ ngữ - vị ngữ nhằm liệt kê sự vật, hiện tượng hoặc để cung cấp thông tin khái quát cho mệnh đề đằng trước. Dưới đây là một trong những ví dụ minh họa về cách sử dụng dấu hai chấm:
Tokyo is one of the cleanest cities in the world: the street cleaners usually have no work to do.
The United States is home to two of the best universities: Harvard and MIT.
Lưu ý đối với dấu hai chấm chính là chúng chỉ theo sau một mệnh đề độc lập chứ không đứng sau một câu không có đầy đủ chức năng trong câu. Ví dụ điển hình mà người học có thể hay nhầm lẫn:
The dangerous animals you have to watch out in the wild are: lions, tigers, and snakes.
Câu này là sai bởi vì dấu hai chấm theo sau một mệnh đề thiếu chức năng vị ngữ trong câu (sau “are” sử dụng dấu hai chấm là sai). Người học có thể sửa lại câu này bằng cách bỏ từ “are”, và câu sẽ trở thành: “The dangerous animals you have to watch out in the wild: lions, tigers, and snakes.” sẽ đúng về cách sử dụng dấu hai chấm. Ngoài ra, câu này còn có một cách sửa khác đó chính là bỏ dấu hai chấm đi nếu người học muốn giữ lại từ “are”.
Tổng kết
Trên đây là chi tiết về dạng dấu câu (Commas, Semicolons and Colons) - một trong những dạng bài tiêu biểu trong SAT Writing & Language. Thí sinh cần lên phương án ôn tập và chuẩn bị tốt để có thể làm quen với dạng bài dấu câu này, để từ đó có thể giúp nâng cao điểm số của bản thân trong kì thi SAT sắp tới. Bài viết trên đã giới thiệu trong bài phù hợp cho những người học thiếu kiến thức nền tảng về luật dấu câu trong SAT. Đối với những người học đã có kiến thức về phần này, người học có thể tham khảo thêm các bài viết khác của ZIM về SAT.
Nguyễn Quỳnh Anh
Bình luận - Hỏi đáp